Yêu Anh Nhiều Hơn Em Có Thể (Rũ Bóng Nghiêng Chiều)

Chương 103: Sui gia hèn kém

Thi Ngọc Thu Ân

05/02/2020

Mũi dao được rửa bằng nước sôi, màu kim loại sáng loáng phản chiều đôi mắt tròn đen trong trẻo của Kỳ. Đôi bàn tay nõn nà bình thản đặt mũi dao xuống vùng da tấy đỏ. Ngực Liên ưỡn lên vì đau. Đạt liền giữ tay Kỳ lại.

- Không có morphin hay aspirin gì sao?

Đạt không biết nhiều về y nên không chưa nói chính xác thứ mình cần. Nhưng Kỳ hiểu anh muốn gì. Kỳ cười châm chọc.

- Cậu ba à. Tui từng học y tá, chớ không phải làm y tá thì làm sao có thuốc kè kè trong túi. Có được bộ dao này là may lắm rồi. Nếu cậu không muốn thì thôi.

Đạt giận tím người. Sinh mạng vợ anh đâu phải trò đùa mà Kỳ hờ hững như không. Cái kiểu thờ ơ làm người ta phát bực.

- Cậu ba. Đau. Cậu nắm mạnh, lỡ làm gãy tay tui thì làm sao cầm dao rạch được. Câu không biết đó thôi, lỡ run tay một cái, lệch đi một phân, thì cũng nguy hiểm khôn lường đó đa.

Đạt nhẹ giọng xin lỗi Kỳ. Lần đầu tiên, Đạt phải muối mặt năn nỉ, còn phải hạ mình như vầy.

Tay chân Liên bị kìm chặt xuống giường, riêng Đạt đỡ phần đầu. Thành vì kiêng kỵ, Nhanh, Lê, dì tám thì sợ, nên chỉ có Đạt nhìn thấy khoảnh khắc mũi dao bén thản nhiên rạch xuống ngực Liên. Đôi mắt Liên vẫn nhắm nghiền nhưng cơn đau cắt thịt đã chấm dứt cơn mê. Liên bắt đầu giãy dụa. Làn hơi yếu ớt phát ra những tiếng thều thào không dứt.

- Đau. Đau quá. Đau không chịu nổi. Chết! Anh Đạt. Anh Đạt ơi! Cứu em. Má ơi cứu con. Ai đó… làm ơn… cứu tui…

Mũi dao cứ lạnh lùng di chuyển, đầu mũi bén ngọt lấy di từng chút, từng chút nhiễm trùng thối rữa. Ánh sáng màu bạc lấp loáng bị dính máu đỏ bầm, múi tanh nồng nặc khiến ai thấy cũng thấy nhờn nhợn. Mồ hôi Liên ướt đẫm nhưng khắp người cô lạnh toát. Đạt cắn chặt môi kìm tiếng khóc. Lần đầu tiên anh muốn khóc, khóc nức nở. Ước gì, anh thay cô hứng chịu cơn đau khủng khiếp này. Mỗi tiếng cô kêu là một hình phạt giội xuống người anh tê buốt.

Đầu Liên cựa quậy trong tay anh.

- Đau quá! Trời ơi, làm ơn cho con chết đi! Con không chịu nổi.

Tiếng dì tám bỗng nhiên thảng thốt.

- Coi chừng mợ cắn lưỡi…

Trong tích tắc, bàn tay Đạt nằm giữa hai hàm răng nghiến chặt. Máu từ từ chảy. Nếu những giọt máu kia có thể bù đắp cơn đau của Liên hiện tại, Đạt cam tâm rút cạn máu thân thể mình.

Thời gan chầm chậm trôi qua, từng khắc từng khắc một. Lưỡi dao lạnh toát vẫn miệt mài công việc. Liên oằn oại trong bất lực, giọng cô khàn đi và hơi sức đều kiệt quệ. Trái tim Đạt thắt lại. Mọi suy nghĩ đều tê dại, trơ ra. Sự tồn tại của anh bỗng chốc trở nên thừa thãi.

Căn phòng nặng nề chẳng khác gì địa ngục. Chỉ khi Kỳ bỏ tay xuống, mọi người mới trở về sự sống.

……………………………………………….

Liên sốt và mê sảng liên miên. Việc chăm sóc cô lúc này trở thành câu chuyện thử thách của sự yêu thương và lòng nhẫn nại. Thuốc chỉ có thể đút từng chút một, nhưng thuốc trong chén chưa kịp vơi thì thuốc từ miệng Liên lại trào ngược ra ngoài. Vết thương vừa cắt, đau nhức khiến Liên rên rỉ ngày đêm. Mọi người vây quanh giúp đỡ, nhưng bao nhiêu đau đớn chì một mình Liên chống chọi. Hết Nhanh, Lê thút thít đến dì tám sụt sịt, riêng Đạt không khóc, mắt anh ráo hoảnh nhưng đỏ ngầu.

Đạt hầu như không ngủ suốt năm ngày liên tục. Đến này thứ sáu Liên hơi thở cô yếu dần, còn nói lời trăn trối. Đạt ôm cô gào khóc suốt đêm. Qua ngày thứ bảy, mọi thứ dần đều hòa, cô mới bắt đầu mở mắt.

- Tui chưa chết hả dì tám?

Dì tám đang ngồi bên giường lau tay Liên, thấy cô tỉnh, dì chưa kịp reo vui đã phải rầu rầu nét mặt.

- Mợ ơi, đừng nói gở. Mợ tỉnh rồi thì đang sống chớ sao!

- Sống mệt mỏi quá, chết mới được giải thoát, mới hết nợ nần nhau.

Câu nói đầu tiên khi cô có dần nhận thức khiến dì tám không khỏi ngậm ngùi. Bà quẹt đôi mắt chèm nhem vì ướt rồi len lén nhìn lên. Đạt đang đứng bưng thuốc thổi ở đầu giường, anh vội vàng nắm tay cô.

- Liên! Sao em nói vậy? Em còn có anh, có con... Đừng nghĩ chuyện không hay, nghen em!

Khuôn mặt tái xanh vẫn điềm nhiên, đến cái liếc nhẹ cũng không thèm, lời của Đạt giống như cơn gió thoảng. Cô rút tay rồi chậm rãi quay mặt vô trong vách.

- Anh xin lỗi. Sao… em không kể hết với anh?

- Kể? Anh muốn em kể gì? Kể rằng, vì quá lo cho anh Đông nên em mới bị anh Bửu gạt. Vì ảnh muốn giam nhốt nên em mới chạy trốn vô rừng. Hay anh muốn biết, em bị như vầy vì anh Bửu, ảnh muốn… Nghe những chuyện đó, liệu có làm tiêu tan nỗi căm ghét trong lòng anh?

- Nhưng đó là đối với Bửu, còn với em thì khác. Chí ít, sẽ không ra như vầy…

- Thì ra, hết thảy… vẫn là tại em? Vậy mà, em cứ nghĩ, thương nhau rồi, bao dung và tha thứ… cần chi phải có điều kiện.

Đạt im bặt. Mọi lời nói của anh đã trở nên thừa thãi. Hay đúng hơn, anh đã mất quyền bào chữa cho mình. Với lại, anh muốn cô yên tĩnh cho mau lành bệnh.

Nhưng cũng từ đó, căn phòng thiếu vắng lời nói, tiếng cười. Dù Liên đã mạnh lành, niềm vui chỉ thể hiện qua ánh mắt, Đạt không dám nói nhiều. chỉ cần một ời thì chuyện cũ rất dễ bị khơi gợi.

Không giống những lần trước, lần này Liên rất nghe lời. Cơm tới thì ăn, thuốc đưa thì uống. Mọi việc có thể, cô đều tự làm, nói chi tới việc nhờ vả, muốn giúp cô, đạt cũng hoàn toàn không có cơ hội. Coi ra, cô muốn gạt anh ra khỏi cuộc sống của mình thực rồi cũng nên.

Đào không còn ở lại, Đạt quyết định dứt sữa và cho con ăn cơm hoàn toàn. Dần dà, bé thân thiết với mẹ trở lại. Nhờ vậy, Liên có lại được nụ cười hếm hoi mỗi khi được chơi với con gái. Giọng cười của hai má con là khúc nhạc hân hoan làm sáng bừng trong ảm đạm. Và cũng những lúc như thế, Đạt tranh thủ lại gần. Anh ẵm con cho cô nựng, thỉnh thoảng gợi chuyện bắt lời. Nhưng Liên chẳng khi nào nói với anh quá ba câu, đã vậy, câu nào cũng ngắn ngun ngắn ngủn, chỉ toàn à, ừ, dạ, được... Nói cũng bằng không.

Thấy Đạt tiu nghỉu, Nhanh cũng thương thương. Nhanh giận thì có giận nhưng không nỡ ghét anh thêm. Nhanh cúi đầu thủ thỉ.

- Mợ đừng giận cậu nữa. Cái bữa ông thấy nói mợ bịnh nặng, cậu lo lung lắm. Ẵm mợ chạy đôn đáo khắp nơi. Mỗi lần thấy mợ chảy máu là mặt cậu tái mét. Mấy bữa ngồi trông mợ, em thấy… hình như… cậu khóc. Hết thảy đều tại bà Đào. Cái bà đó, bả cả gan thiệt…

- Thôi Nhanh.



Liên cắt ngang câu chuyện. Cô không muốn đổ lỗi cho ai. Câu chuyện bắt đầu từ cô, và định đoạt nó không ai khác ngoài Đạt. Đối với Liên, người thứ ba không có lỗi. Mỗi người đều có một bản ngã của riêng mình. Nếu bảo, tại người nên mình mới vậy, thì bản thân mình, há chẳng bao giờ có lỗi hay sao? Nếu cứ đổ lỗi cho người thì bản thân mình đóng vai gì trong cuộc sống của chính mình? Hành động làm theo suy nghĩ, suy nghĩ phát đi từ nhận thức, Đạt không còn quá nhỏ, Đào có thể sai khiến nhận thức của anh sao?

Liên hỏi về Kỳ. Nhanh suy nghĩ rồi nói luôn một mạch.

- À… Cô Kỳ đó hả? Cái bữa ông thấy nói phải chở mợ đi nhà thương, mà ngặt, ở miệt trên mưa lớn làm nước trôi mất cầu, không đi được. Nghe đâu, cô Kỳ là biết rạch da cắt thịt như đốc tờ nên cậu mới nhờ cổ. Mà mợ yên tâm, mần xong là cô Kỳ cầm giấy đi liền.

Nhanh nói một hồi, Liên chỉ hiểu phân nửa. Nhưng cô đã mệt nên không muốn hỏi thêm.

Từ sau lưng cô, làn gió nhè nhẹ ve vuốt không ngừng, Liên lim dim sắp ngủ. Cô biểu Nhanh.

- Thôi, nghỉ đi cưng. Qua đó hé cửa cho thoáng dùm chị rồi đi ăn cơm đi. Trưa lắm rồi.

Không có tiếng trả lời. Và làn gió mát vẫn liên tục. Nghĩ Nhanh có lòng, Liên càng thấy thương, con nhỏ từ nãy tới giờ vẫn quạt không ngừng, giống như không biết mệt. Đã vậy còn rất đều tay, làm cả người Liên khoan khoái. Con nhỏ chưa ăn cơm mà mi mắt Liên càng lúc càng nặng. Cô ngáp dài rồi hối thúc thêm lần nữa. Nhưng đáp lại cô không phải giọng của Nhanh.

- Trời gió lớn, bụi nhiều lắm. Đừng mở cửa. Em cứ ngủ, để anh quạt cho. Yên tâm, anh ăn cơm rồi. Với lại, chiều này anh không tới hãng… cũng rảnh rỗi lung lắm.

Bất đắc dĩ, Liên mới ngửa đầu. Cây quạt trên tay Đạt đang nhịp nhàng phe phẩy. Khóe mép anh cười hiền. Liên biết, dù cô có viện bao nhiêu lí do thì Đạt cũng không dừng lại nên cô không buồn mở miệng. Một lát sau, Liên nghe tiếng chân giường sụt xịt rồi vạc giường lún xuống. Đoán chừng Đạt đã nằm phía sau lưng. Một cánh tay vắt ngang đỉnh đầu, rồi anh khẽ ngâm nga.

- Gối mền, gối chiếu không êm; gối lụa không mềm bằng gối tay anh. – Dạo trước, lúc đòi gối đầu lên tay cô, anh vẫn thường ngâm câu đó này. Những lúc đó, cô không thể nhịn cười. Bây giờ thì nằm yên không động đậy. Thấy ca dao có sẵn không đủ thành ý, Đạt ngẫm nghĩ một hồi lại tiếp tục – À ơi, em ngủ nghen em! Tay anh phẩy quạt thêm nồng giấc trưa. Giận hờn trời trở nắng mưa. Mưa thời xanh lá, nắng thời trổ bông. Cớ chi cho dạ bòng bòng! Đôi thân kề cận mà lòng riêng mang. – Câu gát ngâm xong một lát mà Liên vẫn im phăng phắc. Cũng chịu. Anh biểu nhỏ – Em mới lành, nằm nghiêng lâu quá coi chừng đau. Để anh đỡ em nằm ngửa lại.

Liên rục rịch nương theo tay Đạt nằm lại. Đạt chậm rãi dặt nụ hôn khắp mặt. Liên nhắm mắt nằm yên, đáp lại anh bằng sự lãnh đạm.

Làn gió mát nhẹ như ru giúp Liên ngủ được một giấc khá ngon. Trời xế bóng, dì tám bưng lên cho cô chén tổ yến chưng đường phèn. Trong lúc chờ Liên ăn, dì huyên thuyên đủ thứ, nào là Đạt đã cực khổ khi cô đau, nào là anh không tiếc tiền, còn cất công lặn lội mau về nhiều đồ bổ… Nói tới nói lui cũng nói về Đạt. Hết Nhanh, Lê rồi dì tám. Liên thắc mắc, họ xót dùm Đạt nên hẹn nhau nói, hay thực chất, Đạt đã nhờ, đã buộc họ cũng nên. Liên lẳng lặng ăn nhanh cho xong, bao nhiêu lời nói đều để đó, coi như không nghe không thấy.

Phía ban công có cuốc, xẻng loảng xoảng rồi lụp bụp. Liên nhoài người nhìn xuống. Đám lá xây cùng chùm bông hồng đỏ đang phất phơ giữa lưng tường. Đạt với Sửu đang chụm đầu trông cây bông mới. Thân cây bông cũ chỉ còn lấp ló dưới tầm nhìn. Thấy Liên, Sửu cất tiếng gọi.

- Mợ ba thấy cây bông này so với cây hồi trước mần sao? Đẹp hén mợ!

Liên không biết phải trả lời sao. Cô nhìn một lát mới nói.

- Nó lớn vầy mà còn bứng về… Bị động rễ, lỡ nó chết thì tội nó lắm. Mà nếu sống được, mai kia mốt nọ, rủi… bị đốn… uổng công anh, mà lại mang cái nghiệp sát sanh, đằng nào cũng một mầm sống.

Người làm công như Sửu, chủ kêu thì làm, âu cũng là công sức để đổi lấy đồng tiền, nếu có uổng công thì uổng công của người trả tiền cho anh bứng nó về để làm vui lòng vợ, chớ anh thì mất mát chi đâu. Hơn nữa, cây bông trước do Đạt đốn bỏ thì Đạt trồng lại, coi như bù trừ… Nhưng Sửu chưa kịp nói thì Liên đã đi vào.

Thấy mệt mỏi với mấy lời vẽ vời năn nỉ, Liên xin phép về quê thăm bà Chung ít bữa. Dạo trước, vắng vợ con bữa trước, bữa sau, anh đã lọt tọt tới nơi. Nhưng giờ, qua ba bữa mà Đạt vẫn chưa xuống, Liên lại thấy buồn buồn, bụng dạ không tránh khỏi nôn nao. Dù chính miệng Liên nói không cần anh xuống, dù đã vẽ ra hàng chục lí do, nào là công chuyện của anh bộn bề, nào là đường sá xa xôi… để khăng khăng ngan cản, nhưng rõ ràng, lý trí luôn đi ngược với con tim. Đàn bà mà, miệng nói cứng nhưng lòng vẫn mềm như bông gòn, bông vải. Chỉ tại đàn ông vô tâm quá!

Mà cũng phải, thành vợ thành chồng rồi, có với nhau một mặt con rồi, thì chuyện “con ong đã tỏ đường đi lối về” là chuyện đương nhiên, cảm giác mới lạ đã thành xưa cũ, thương yêu lợt lạt cũng chỉ thói thường. Suy nghĩ, đắn đo đều phải lẽ, nhưng rốt cuộc, Liên vẫn ra hàng ba ngồi suốt buổi.

Tiếng Cúc thở dài cắc cớ.

- Sao nói là muốn yên tịnh một mình, không mong ngóng ai, mà chiều nào cũng ngồi thẫn thờ như cô phụ trông chồng hóa đá?

Bị Cúc nhìn ra tâm sự, Liên vội tìm chuyện lảng tránh.

- Tại… rảnh quá nên ra ngồi hóng gió, chớ trong ngóng chi đâu. À mà, bận này chị về để hỏi chuyện khác. Chị hai có nhắn gì không hả Cúc?

Cúc búng móng tay, thờ ơ trả lời.

- Thì nhắn má giữ gìn sức khỏe, biểu em ở nhà ráng lo cho má, đừng để má buồn giận chuyện chi... Mà, chị hai có biên thơ cho chị rồi, bộ chỉ hổng nói với chị sao mà chị còn hỏi chi cho mất công?

Liên tròn mắt.

- Thơ nào? Chị không nhận được.

Cúc kéo ống quần, tót lên lan can ngồi cạnh chị với vẻ mặt ngờ vực.

- Í… Bữa đó, em đưa cho anh Thành gói vàng, với hai cái thơ, một của anh Đông, một của chị hai. Hổng lẽ, anh Thành hỏa quá, ém số vàng rồi hả?

Liên đưa ngón trỏ lên trán Cúc xỉa mạnh một cái. Chỉ giỏi nghĩ tùm lum. Liên chưa nói hết. Số vàng lẫn thơ của Đông, Liên đều nhận được. Chỉ có thơ của Huệ, mãi vẫn không thấy đâu. Về chuyện tiền bạc, Thành rất đàng hoàng, thậm chí phóng khoáng hơn cả Đạt. Những chuyện khác, Liên rất yên tâm. Trừ chuyện về Huệ. Anh em nhà đó, hễ ghen giận nổi lên thì sẵn sàng cầm súng giết người. Độ rày, Thành ít về nhà. Không biết có phải Thành đã có tin của Huệ từ thơ Huệ gởi, nên đang ra sức tuy tìm Huệ hay khônh. Nghĩ tới đây, Liên thấy bất an, Qua bữa sau, cô thu xếp trở về.

Diệp với bà Ngự ngồi trên ván gõ. Qua cử chỉ, có thể nhận ra bà Ngự đang xuống nước mềm mỏng dỗ dành Diệp. Thấy Liên ẵm con đi tới, cả hai ngừng nói rồi quay mặt làm ngơ. Khi Liên cất tiếng thưa thì Diệp bực tức đứng dậy bỏ đi, Liên bị đụng mạnh khi chân cô vừa bước qua ngạch cửa. Dù Liên suýt xoa ôm ngực, Diệp cũng không thèm xin lỗi, còn quay lại hậm hực.

- Hết thảy đều tại chị. Chị đúng là sao chổi chà. Từ ngày cưới chị, anh ba gặp hết chuyện này tới chuyện kia, làm ăn lụn bại.

Bà Ngự rầy nhẹ.

- Thôi. Diệp.

Tiếng rầy của bà không làm Diệp chùng xuống, mà chỉ khiến cơn tức của Diệp bộc phát.

- Con nói đúng mà. Hồi trước thì anh họ bả bòn rút hãng xe, bây giờ thì xúi anh ba trả nợ. Nhà bả nợ nần thây kệ, mắc mớ gì, anh ba phải gánh.

- Má đã nói, phần của má con để lại cho con, coi như cho má mượn. Mai mốt, má trả cho gấp hai. Đừng nói tới nói lui, thằng Đạt nghe lại sanh chuyện. Mệt lắm.



Diệ giận chân.

- Má hai. Không phải con tiếc của. Nếu anh ba hay nhà này thắt ngặt, má cứ lấy, hay anh ba lấy cũng không sao. Đằng này, lấy của con đặng đem cho người ngoài. Tui nói đâu có sai, chị không xứng với anh ba tui. Lấy trả nợ hay đem tiền bên này về cho má với em chị.

- Cô Diệp!

Liên nhìn qua má chồng với ý nhờ bà phân xử. Nhưng bà ngoảnh mặt, tỏ rõ sự đồng tình với Diệp. Liên hỏi thêm vài câu làm bà đổ quạu, bà nói thẳng với Liên về chuyện Đạt năn nỉ bà cho mượn tiền để gánh cho nhà cô món nợ nào đó. Dĩ nhiên, ban đầu bà chẳng bằng lòng, nhưng cuối cùng cũng ép bụng chiều theo. Còn về Diệp, cô cũng có cái lý y hệt bà. Vốn bà Ngự với má của Diệp là hai chị em ruột, vì là gái nên số ruộng mỗi người được chia chẳng bao nhiêu, chỉ tầm vài mẫu làm của hồi môn. Phần ruộng bà không đủ nên phải nói mượn đỡ phần của Diệp gộp chung vô.

Đúng lúc ông Duy cầm sổ bước vào. Diệp lùi về ván ngồi, bà Ngự cũng trở nên e dè. Ông Duy quăng mạnh đống sổ xuống mặt bàn, rồi biểu người đi mời Đạt.

Trong lúc Đạt chưa tới, ông tức giận nói oang oang.

- Thằng Đạt bị cái gì vậy? Chuyện tới như vầy cũng không thèm nói tiếng nào. Riết rồi, nó không coi ai ra gì nữa phải không? Vợ thằng Đạt, chuyện của chồng bây, bây có hay gì chưa? Sao không cản nó?

Chuyện này khó nói, lại tới quá bất ngờ. Nếu được bàn bạt, Liên sẽ không đồng ý, nên cô bước tới cúi đầu thưa với cha chồng.

- Con xin lỗi cha má. Xin lỗi cô Diệp. Nhờ má nói, con mới biết chuyện. Nhưng con sẽ nói với anh Đạt, chuyện của nhà con, con sẽ liệu. Con không dám lấy ruộng của má với má tư, đó là phần của cô Diệp sau này.

Diệp há miệng nhìn, còn bà Ngự thì thấp thỏm. Bà muốn nắm Liên để bịt miệng cô lại nhưng không cách nào làm được, vì ông Duy đã lên tiếng trước.

- Bây nói gì vậy vợ thằng Đạt? – Đoạn, ông nhìn qua bà Ngự, rồi nhìn Diệp – Bà giấu tui, bao che cho thằng Đạt chuyện gì? Diệp, đất ruộng của con là sao? Nói cho dượng nghe mau!

Diệp không dám lên tiếng. Ông Duy cầm sổ đứng dậy chủ động đi tới chỗ Đạt.

Liên thấy rối. Thì ra, ông Duy không hề biết chuyện này, ông bực bội với Đạt chuyện khác. Có khi nào cô đã châm dầu vô lửa hay không? Nhưng thôi. Liên không còn hơi sức để nghĩ ngợi thêm được nữa.

Tay đút cơm cho con mà đầu óc Liên lơ lửng đâu đâu. Cái cảm giác bị buộc phải thành con nợ, Liên đã từng, nhưng chưa lần nào Liên thấy khó chịu như lần này. Lúc vợ chồng nồng ấm thì không sao, giờ, anh với cô đang có chuyện. anh mới chịu giúp, khác gì dồn ép ra điều kiện với cô.

Càng nghĩ, càng thêm bực bội, anh tự nghĩ tự làm, trước sau chưa hề bàn bạc, một hành động nhìn có ve thanh cao, nhưng thực tế, Liến và gia đình phải gánh bao điều sỉ nhục.

Không muốn so sánh, nhưng sự thật vẫn là sự thật, đối với sự giúp đỡ của Bửu, Liên tự mình ái ngại, còn mỗi lần Đạt giúp cô, thì cô như bị đè mặt xuống bùn. Nếu đây là cái cớ để anh làm huề, thì nó thật khiên cưỡng, đầy sắp đặt, chẳng khác nào anh buộc thòng lọng bắt cô phải chui vào. Sự giúp đỡ hóa thành trói buộc. Thứ ân tình đó, người nhận chỉ muốn xua tay bỏ chạy.

Đạt đi ra từ phía cửa buồng. Tuy bước chân nhàn nhã nhưng đôi mắt đăm chiêu. Thấy cô, anh nhoẻn miệng cười, rồi tiến tới ẵm con.

- Ủa, em trở lên hồi nào vậy? Xin về dưới thăm má mà mới ba bữa đã về rồi? Má mạnh không em? Anh định qua vài bữa nữa cũng xuống dưới, tiện thể rước hai má con về luôn. – Đạt nâng con gái lên cao, lắc lắc - Về chơi với ngoại vui không con? Đi mấy bữa có nhớ cha không?

Chén cơm đặt xuống bàn. Âm thanh có phần hằn học.

- Anh Đạt. Không cần làm vậy. Không cần trả nợ cho nhà em. Dầu gì, chuyện đó cũng tạm yên xuôi, anh đừng đào bới lại, vừa mắc công vừa phiền phức.

Đạt ôn tồn.

- Mắc công gì đâu. Đằng nào, nhà em cũng mang nợ người khác, chi bằng…

- Nợ ai cũng giống như nhau thôi. Anh thì hơn gì, thậm chí còn không bằng…

Liên bế con trở về. Cô cắm cúi nhìn con để né tránh ánh mắt của Đạt. Sắc mặt anh đã thay đổi sau câu nói. Cô biết câu nói bộc phát đã làm anh giận, mà cô cũng chẳng hơn. Nếu đôi co thêm, có lẽ, những lời không nên nói cũng tuôn ra hết.

Bà Ngự chạy xuống lôi Đạt đứng dậy.

- Đạt, nghe lời má. Lấy tiền đó đưa cho con Kỳ, lấy lại một nửa hãng đi. Hãng là của mình, khi không để người ta đứng tên một nửa, coi sao đặng!

Đạt thoáng quay đầu nhìn lại, nhưng Liên đang giả bộ không thèm để ý. Anh vuốt tay bà.

- Má. Chuyện của con, con biết tính mà.

Nói rồi Đạt đi mất.

Không khuyên được Đạt, bà Ngự trút hết bực dọc với Liên. Chuyện bán ruộng đã làm bà không vui, giờ lại thêm chuyện Kỳ đứng tên chung ở hãng. Tất cả đều xuất phát từ Liên. Bà bắt đầu chì chiết.

- Thiệt… con Diệp nói phải quá mà! Người ta về làm dâu, của cải đem theo xài không hết. Còn cô về nhà này, ngoài cái thân còn có cái gì nữa đâu. Làm dâu làm vợ không tròn, còn báo hại đủ thứ.

Tiếng ông Duy cất lên từ phía sau.

- Thôi bà. Suy cho cùng, thằng Đạt cũng phải. Cũng phải giữ thể diện cho nhà mình. Sui gia hèn kém, mình cũng không còn mặt mũi. Tui đã nói cho qua, là cho qua. Bà đừng nói chi nữa. Hừ. Chỉ trách mình, lúc ngồi sui cưới dâu không biết chọn chỗ cho hộ đối môn đăng. Lỡ rồi thì ráng chịu. Trách ai bây giờ.

Nét mặt lẫn giọng điệu của ông Duy đều lộ rõ sự bất mãn và khinh miệt. Liên thấy mình rẻ rúng nên không dám nhìn, không dám thưa, chỉ cúi mặt bồng con đi khỏi nhà. Tới hãng không gặp Đạt, cô ra chợ bắt xe về quê. Nếu không khuyên được anh thì cô sẽ nói một tiếng để má cô từ chối, quyết không nhận số tiền là được.

Lấy chồng giàu có cũng nhiều điều tủi nhục thế này đây. Nước mắt Liên tuôn lã chã. Mặt mũi đỏ ửng. Cũng may, có bé Khanh bầu bạn, đoạn đường dài cũng bớt cô đơn. Nhưng xe đi được một đoạn thì bé Khanh khóc, làm cả xe đều ngoái đầu nhìn rồi hỏi han vồn vã. Liên ra sức dỗ nhưng con không nín. Chị đàn bà kế bên đưa Liên cái bánh. Bé ăn xong mới chịu cười đùa rồi ngủ trên tay mẹ. Nghe mọi người trò chuyện, Liên mới biết, cô đã bắt lộn chuyến xe. Muốn về Gò Công phải qua Chợ Gạo rồi lên Đông Hữu, còn chuyến này là đi Thủ Thừa. Xe đang chạy trên đồng vắng, Liên bấm bụng chờ tới tận chợ Tánh Giang.

Xuống xe lúc trời xế bóng, Liên ghé quán ở đầu chợ mua cơm để hai má con ăn rồi tính tiếp. Mà Liên cũng chẳng thể tính được gì. Sớm mơi mới có chuyến xe về lại Mỹ Tho, bây giờ đi đò thì cũng không kịp. Lẩm nhẩm một hồi, trời đã nhá nhem, Liên bồng con tìm chỗ ngủ.

Chỗ cho Liên tá túc là một gia đình khá đông. Đám con nheo nhóc phải chen chúc nằm trên ván, mà má con Liên lại giành mất hai chỗ. Nhìn hai đứa trải chiếu ngủ dưới đất, Liên thấy áy náy. Phải chi cô có một mình, ngặt nỗi, cô còn con nhỏ. Vừa đặt lưng xuống ván, bé Khanh lại giãy dụa. Liên vội vã ẵm con ra ngoài, để người trong nhà không ai bị mất giấc.

Bé Khanh đột nhiên nôn ụa, cả người nóng hổi. Liên hoảng hốt ôm con chạy ngược chạy xuôi tìm thầy thuốc.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Yêu Anh Nhiều Hơn Em Có Thể (Rũ Bóng Nghiêng Chiều)

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook