Vùng Đất Vô Hình

Chương 65: Câu chuyện bên lề (hai)

Thám Hoa Rách

13/06/2016

Cái bóng trắng đó đứng yên nhìn cụ một lúc rồi biến mất. Ông cụ Trầm lúc này mới nhấc chân lên được để về nhà. Bóng đêm âm u bao phủ con ngõ nhỏ nhà cụ. Hàng tre vẫn thổi rì rào như mọi ngày. Thế mà chả hiểu sao chỉ một đoạn ngắn trên cái ngõ quen thuộc mà ông cụ Trầm cảm thấy xa lạ và dài dằng dặc. Dường như đâu đấy trong cái đám tre kia có một con mắt xếch màu xanh vẫn đang nhìn cụ. Cụ cố bước vội để về đến nhà, vừa đi vừa ngoái đầu lại xem có cái gì sau lưng không. May quá, cuối cùng cụ cũng bước qua được cái cổng nhà mình. Cụ vội vàng khép nó lại cài then cẩn thận và thở phào nhẹ nhõm. Xuyên qua những cái then gỗ, cụ Trầm vẫn thấy được con ngõ sâu hun hút trong màn đêm. Lạ thay, cụ bỗng cảm thấy như có ai đó đang đứng sau lưng mình. Chân tay cụ lại cứng đờ. Trong đầu cụ lại đầy ắp những câu chuyện ma ngày xưa người trong làng kể. Cụ không dám quay người lại vì sợ đó là một cái bóng trắng có con mắt xếch màu xanh.

*******************

Cụ Trầm hoàn toàn không biết rằng bên ngoài cánh đồng làng, chỗ gần con sông, trong túp lều dưới gốc một cây cổ thụ lớn, có một đám ma quỷ đang chén tạc chén thù với nhau. Con ma lớn nhất ngồi trên một tảng đá, đang giơ bát rượu sứt lên cụng với đám đàn em. Nó ngửa mặt rót hết vào trong miệng khiến cái nón xanh trên đầu rơi xuống, lộ ra một cặp sừng khá dài. Chờ rượu trong chén đổ xuyên qua cơ thể trong suốt của mình, con ma mới thoải mái khà một tiếng rõ to, vẻ hí hửng lộ rõ trên khuôn mặt đẹp và tuấn tú hơn bất kỳ người đàn ông nào trên đời. Nó giơ cánh tay vỗ vai con ma bên cạnh, ngâm hai câu thơ: “Sống, vò không dốc say bầu cạn.

Chết, mộ ai còn tưới rượu đây.”

(Đối tửu , Nguyễn Du)

Ngâm xong thơ, con ma có sừng bắt đầu cố nói chuyện với con ma bên cạnh bằng cái giọng lè nhè: “Khanh có biết trước khi gặp khanh trẫm cô đơn biết chừng nào không?” Con ma bên cạnh sợ hãi thưa: “Bệ hạ, ngài say rồi.” Con ma có sừng vùng vằng: “Không trẫm làm sao lại say! Trẫm đang rất tỉnh.” Rồi nó nhìn đám ma ngồi quanh, nói như quát: “Cái bọn này thì biết cái đếch gì. Thằng này chết vì đói, thằng kia thì bị người chém, rồi cái thằng ngồi trong xó kia thì tưởng nhầm nấm độc thành nấm thường. Đâu có ai chết vì lụy tình như hai người chúng ta.”

Con ma ngồi cạnh lộ rõ khuôn mặt buồn khổ. “Nhưng thưa quỷ vương bệ hạ, thần không chết vì lụy tình.”

Con ma có sừng lúc này gật đầu thông cảm. “Trong trăm ngàn cái chết, có cái chết nào đáng buồn và đau đớn hơn cái chết vì tình. Đó đều là những vết thương tâm hồn không cách nào chữa khỏi. chỉ muốn giấu kín trong lòng.”

Con ma ngồi bên cạnh càng khổ sở hơn. “Nhưng mà thưa bệ hạ, thần quả thật không hề chết vì lụy tình, cũng không che giấu vết thương tâm hồn nào cả.”

Con ma có sừng vẫn tiếp tục gật đầu ra vẻ hiểu rõ. “Trẫm biết khanh rất đau đớn, nhưng mà trẫm thấy khanh nên chia sẻ với mọi người thì tốt hơn là cứ che giấu trong lòng như vậy.”

Con ma bên cạnh dường như sắp khóc. “Nhưng mà bệ hạ, ngài đã nghe cả chuyện của thần cả chục lần rồi.”

Con ma có sừng giả nheo mày suy nghĩ. “Thật vậy sao? Tai sao trẫm không nhớ gì cả.” Rồi nó quay sang hỏi đám đàn em bên dưới. “Chúng bây đã nghe chuyện của Cao tướng quân chưa?” Đám bộ hạ ngơ ngác, chả hiểu từ lúc gặp nhau lần đầu vào trưa ngày hôm qua cho đến bây giờ thì quỷ vương bệ hạ đã phong cho tên kia làm tướng quân lúc nào. Thế nhưng cả đám vẫn đồng thanh: “Bẩm bệ hạ, chưa ạ.” Con ma có sừng thấy đám đàn em hiểu ý, gật gật đầu vui vẻ lắm. Rồi nó nhìn sang con ma bên cạnh, lộ ra khuôn mặt háo hức.

Con ma bên cạnh lau lau nước mắt dàn dụa trên khuôn mặt, nó cũng không hiểu sao quỷ vương bệ hạ thích nghe chuyện cũ của nó đến thế. Nó bắt đầu vừa hồi ức, vừa kể lại bằng một cái giọng đều đều như ru ngủ.



“Thần sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng trên núi. Thuở bé vì ham mê võ nghệ nên cũng theo thầy học võ được mấy năm. Lớn lên, thần trẻ khỏe , lại đẹp trai nhất vùng nên có nhiều cô gái thích. Vốn bản tính không sợ trời không sợ đất, thần từng vượt rào, leo tường, đánh bả chó để đêm đêm được làm bạn với các thiếu nữ xinh đẹp. Có vô số thiếu nữ đã ngã lòng, nguyện thề theo thần đến cùng trời cuối đất . Thế nhưng vì bệnh nhát gái, nên đến năm hai mươi tuổi, thần… thần vẫn chưa được biết mùi ân ái.”

“Bị bạn bè trêu ghẹo nhiều lần, đêm đó thần quyết tâm trở thành một người đàn ông thật sự. Đó là một ngày rằm, trăng tròn vành vạnh, gió thổi lồng lộng. Thần nốc hết ba hũ rượu một lúc rồi vượt tường leo vào nhà một nàng góa phụ xinh đẹp. Đó là một căn nhà nhỏ nằm bên sườn núi, trước sân có cây hoa hải đường rất đẹp. Thế nhưng hoa hải đường chẳng thế nào sánh được với người phụ nữ sống bên trong. Nàng có một đôi mắt phượng quyến rũ, với gò má cao và đôi môi đầy đặn. Mái tóc được búi gọn lộ ra cái cổ trắng muốt. Đặc biệt nàng thường mặc áo yếm mỏng…”

“Đêm đó, thần leo tường vào rất thuận lợi. Vì suốt mấy năm sau khi chồng chết, nàng vẫn thường mắt đi mày lại với thần, nên khi thần liều lĩnh ôm nàng, nàng cũng không hề chống cự. Thế rồi, tờ mờ sáng, khi tỉnh dậy, thần thấy nàng đang ngồi khóc rấm rức bên giường. Thần biết đêm qua mình có lỗi lớn với người ta, bèn an ủi: “Đêm qua ta say rượu nên làm nhơ tấm thân trong sạch của nàng , từ này trở đi …” Nàng gắt gỏng: “Chàng uống say rồi ngủ như một con lợn chết, có làm gì thiếp đâu….” Thần lúc đó mới ngớ người, hỏi: “Thế sao nàng lại khóc.” Nàng vừa nấc vừa trả lời: “Thiếp đang săn sóc cho chàng thì chàng hô: “Dâm tặc, xem Phi Long cước của ta đây” rồi đá thiếp xuống giường.”

“Thần đau lòng, ôm nàng dỗ dành hồi lâu thì nàng ấy một lúc lâu thì nàng mới ngừng khóc. Sau đó hai người nằm dựa vào nhau ngủ thiếp đi. Cũng không biết ngủ bao lâu thì có tiếng gõ cửa vàng lên. Nàng lúc này mới bật dậy hốt hoảng kêu lên. ”Chàng ơi, chồng thiếp về.” Thần cũng nửa tỉnh nửa mơ liền theo bài cũ phi thân qua cửa sổ chạy trốn. Ai ngờ được đi đêm lắm có ngày gặp ma, lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt…, cửa sổ nhà nàng nằm sát bên vách núi…” Kể đến đây giọng con ma trở nên nghẹn ngào.

Con ma có sừng lúc này mới vỗ vai nó an ủi: “Khanh đừng buồn, làm người ai mà chả lụy tình. Oai phong bốn cõi như trẫm đây cũng từng có thời ngu xuẩn như thế..” Thế rồi nó hô hào: “Chúng bây đâu, mau rót rượu cho Cao thái phó của trẫm…” Lúc này bỗng có con ma không đầu đi vào bẩm báo : “Bẩm bệ hạ, thằng Mắt Xếch vừa từ trong làng trở ra nhưng mà nó không kiếm được đồ nhắm… ” Con ma có sừng quát: “Thằng này láo, dám không vâng lời trẫm. Chúng bây đâu mau kéo nó ra bên ngoài đánh bốn mươi roi cho chừa cái tội hỗn xược đó đi.” Con ma không đầu đáp: “Thần tuân chỉ” rồi hung hổ đi ra ngoài.

Bên ngoài túp lều, con ma mắt xếch đang nằm trên đất miệng mếu máo: “Nấm Thường đại ca, Quét Rác đại ca, xin các vị giơ cao đánh khẽ chứ đánh thật bốn mươi roi thì tôi chết mất.” Con ma tên Quét rác giơ cao cái phất trần có dán mấy lá bùa màu vàng thở dài: “Đại vương đã ra lệnh, chúng ta nào dám không tuân theo. Cũng tại mi không chừa cái tật ham mê dọa dẫm con người, làm việc chẳng có trách nhiệm gì cả, nói bao nhiêu lần rồi cũng không sửa được.” Con ma mắt xếch khóc rưng rức: “Tôi cũng biết mình là con nghiện nặng. Mỗi ngày, tôi đều tự răn mình hàng trăm lần rằng không được dọa dẫm con người. Đêm đêm tôi vẫn tránh xa làng xóm để không lên cơn thèm. Thế nhưng khi gặp người thì tôi quên hết sạch, cứ như dính phải bùa mê thuốc lú vậy…”

Con ma Nấm Thường cười mỉa: “Cũng do mi ăn ở mà thôi. Có nhớ hôm ở làng Mo không, bệ hạ đang núp bụi thì mi dám xông ra dọa hết đám người đó, vậy làm sao bệ hạ có thể chữa được bệnh sợ người? Bệ hạ không chữa khỏi bệnh thì mi cũng đừng có mơ chữa khỏi.” Rồi nó cười khanh khách ra vẻ đắc ý lắm. “Ta để ý thấy từ hôm đó đến nay bệ hạ toàn phái mi vào làng xóm làm việc… Kết thù với ai chứ kết thù với bệ hạ thì mi xong rồi. Trên đời này bệ hạ xưng thù dai đệ nhị thì chả có ai dám xưng đệ nhất cả…”

******************* Tiếng ho khẽ sau lưng làm cụ Trầm đỡ sợ. Cụ quay người lại. Thì ra là người thanh niên thuê nhà cụ lúc trưa. Cậu ta cất tiếng hỏi, giọng hơi khàn khàn: “Cụ đi đâu mà ra ngoài cả đêm thế này?” Cụ Trầm đáp, giọng vẫn run run: “À trong xóm có việc, tôi chạy ra coi xem thế nào.” Người thanh niên lại hỏi: “Có việc gì thế cụ? Cháu nghe tiếng khóc và gào thét.” Cụ Trầm chép miệng: “Khổ, đứa con nhà bà Cung lại phát bệnh. Gần ba mươi tuổi đầu rồi mà vẫn cứ làm cha mẹ phải lo lắng.” Người thanh niên ho khẽ rồi lại hỏi: “Huynh ấy bị bệnh gì thế?” Cụ Trầm bảo: “Cũng chả biết bệnh gì, đang khỏe mạnh bình thường thì tự nhiên đổ bệnh. Suốt ngày cứ như thằng trẻ con toàn chơi những trò nghịch dại thôi. Mười năm nay mời bao nhiêu đại phu rồi mà vẫn thế, chẳng khá lên nổi. Dạo gần đây toàn phát bệnh lúc nửa đêm làm ai cũng sợ. Mọi người cứ bảo nó bị ma ám. Hồi nãy nó leo lên ngọn tre cao chót vót làm bà Cung sợ khóc thét. Nhà có mỗi thằng con trai, đến là khổ.”

Nghe đến ma quỷ, người thanh niên hơi do dự một lúc rồi bảo ông cụ Trầm: “Cụ ơi, cụ dắt cháu ra xem huynh ấy được không?” Thấy ông cụ do dự, chàng thanh niên liền giải thích: “Cháu từ bé có học bắt ma ở trên núi. Biết đâu nếu huynh ấy bị ma làm hại thật thì cháu sẽ giúp được.” Cụ Trầm đành nói thật: “Không phải tôi không muốn giúp nhưng giờ đêm hôm rồi, tôi sợ lắm.” Chàng thanh niên lại năn nỉ: “Cụ chỉ cần chỉ chỗ cháu ra gần chỗ huynh ấy thôi rồi cháu tự đi cũng được.” Thấy ông cụ do dự, cậu bèn giơ trong áo ra một đống bùa chú các loại. “Đây, cụ xem. Toàn hàng chính tông cả. Ma mà đến cháu liền diệt nó cho cụ xem.” Ông cụ Trầm ngần ngừ mất một lúc rồi cũng gật đầu. Ông cụ bảo: “Cậu chờ tôi một lúc, tôi lấy cái đèn dầu.” Chàng thanh niên gật đầu đồng ý. Một lát sau hai người đã đi ra khỏi con ngõ tối. Ông cụ Trầm vừa dáo dác ngó quanh vừa hỏi: “Cậu tên là gì nhỉ?”

-“Thưa cụ, mọi người vẫn gọi cháu là Minh Khánh.”

-“Cậu bắt ma lâu chưa?”

-“Cũng được mấy năm rồi ạ.”

-“Nhà cậu ở đâu?”



-“Cháu ở chùa Phổ Minh trên núi Hoàng Lĩnh.”

-“Năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi?”

-“Cháu mười bảy ạ.”

-“Đi bắt ma có sợ không?”

-“Lúc đầu thì sợ lắm cụ ạ, sau dần dần cũng quen…”

Cứ thế hai người vừa đi vừa nói chuyện, một lúc là ra đến nơi. Lúc này người nhà bà Cung cuối cùng đã dỗ được cậu con trai nhảy xuống lưới cá. Mặc dù đau như anh ta vẫn cười khúc khích ra vẻ thích thú lắm. Bà Cung xót con, vừa sờ nắn khắp nơi vừa luôn miện hỏi có đau không. Thấy cụ Trầm đến, chồng bà Cung gật đầu chào cụ, rồi than thở: “Khổ quá cụ ơi” Ông nói như khóc. Cụ Trầm không biết nói gì chỉ nắm chặt lấy tay ông. Minh Khánh tiến đến gần người thanh niên. Quanh người anh ta cũng không có âm khí hay thứ gì không sạch sẽ cả. Minh Khánh tiến gần hơn để nhìn thì bị bà Cung ngăn lại: “Cậu là ai?” Giọng của bà có vẻ vừa đề phòng vừa dọa dẫm. Minh Khánh chưa kịp trả lời thì ông cụ Trầm đã trả lời hộ: “Cậu ấy là khách trọ nhà tôi. Thấy cậu ấy bảo làm nghề bắt ma, nên tôi mời cậu ấy tới xem có giúp được gì không.”

Bà Cung liếc xéo Minh Khánh, giọng bà cao vút: “Không phải tôi đã nói với mọi người rồi, bệnh của con trai tôi không liên quan gì ma quỷ hết. Từ bé nó ngoan ngoãn hiền lành, đến con sâu cái kiến còn chả dám đụng vào…” Vừa nói bà vừa lấy tay áo chấm nước mắt. “Mấy năm nay tôi đều mời thầy đến nhà xem. Toàn những vị cao tăng, đao trưởng đức cao vọng trọng cả, mà ai cũng bảo con tôi bị bệnh tật thông thường thôi, mời đại phu giỏi cứu chữa thì sẽ khỏi. Cậu làm được mấy năm mà dám đến xem cho con trai tôi? Tôi nói cho cậu biết, muốn lừa tiền của tôi thì cứ nằm mơ đi”.

Ông cụ Trầm thấy bà đanh đá như vậy đang muốn giải thích thì Minh Khánh đã trả lời: “Thưa bà, bần đạo trước giờ cứu người chưa bao giờ đòi tiền cả. Có cụ Trầm và mọi người ở đây chứng giám, nếu chữa xong mà bần đạo đến tìm bà đòi tiền thì trời đánh thánh vật, chết không yên lành.”Bà Cung thấy chàng thanh niên thề độc như vậy cũng không dám nói gì hơn. “Hơn nữa, để bần đạo xem bệnh một lần, bà cũng chả mất gì. Nếu bần đạo có năng lực chữa khỏi cho con trai ông bà thì từ nay ông bà cũng thoát cảnh khổ cực đêm hôm khuya khoắt phải chạy đôn chạy đáo như thế này.”

Nói đến đây, bà Cung đành nhường chỗ cho chàng thanh niên vào xem bệnh. Người con trai bà Cung vẫn nằm trong lưới, lăn qua lăn lại, vui đùa có vẻ sung sướng lắm. Khi chàng thanh niên nắm lấy tay trái của gã, con trai bà Cung liền cười khanh khách. Chỉ một lát, chàng thanh niên buông tay gã ra. Chồng bà Cung vội hỏi: “Thưa thầy, con trai tôi bị làm sao?” Chàng thanh niên cũng lắc đầu: “Con trai của ông bà chắc chắn không bị ma quỷ làm hại. Trên thân người huynh ấy rất sạch sẽ, không hề có âm khí quỷ khí gì cả...” Bà Cung liền chen vào: “Thấy chưa, tôi đã bảo mà. Thôi bây giờ xin phép đạo trưởng cho chúng tôi về.” Bà nhấn mạnh vào hai chữ đạo trưởng, nhưng khuôn mặt không thể hiện một chút tôn trọng nào cả.

Người thanh niên cũng không bực tức, chỉ nói: “Khoan đã, nếu bần đạo đã xem thì xem cho trót. Xin bà và mọi người lùi ra cho bần đạo làm phép một lúc.” Bà Cung đang định từ chối thì chồng bà đã kéo lại: “Bà nó à, để thầy xem một lúc có mất gì đâu. Vợ chồng mình cũng không làm ác bao giờ, biết đâu trời lại thương.” Bà Cung vừa ngáp vừa nói với chồng: “Thôi cũng được, vậy thì để thầy xem một lúc.” Thế là người nhà bà tránh xa khỏi tấm lưới.

Đứa con trai ông bà vẫn tiếp tục lăn lộn bên trong, hai tay sờ sờ lưới ra vẻ thích thú. Bà Cung thấy chồng có vẻ chăm chú thì nhắc nhở: “Ông nó đừng hi vọng quá. Thầy trẻ thế mới ra đời được mấy năm. Đừng có chữa lợn lành thành lợn què là tôi mừng lắm rồi.” Rồi dường như ngượng vì so sánh con trai với lợn, bà im bặt. Lúc này chàng thanh niên đã lẩm nhẩm đọc thần chú. Ngón tay trỏ và ngón giữa khép lại, tay phải để thẳng đứng từ trước ngực lên trán. Tay trái nắm chặt để ngang dưới tay phải. Thế rồi chàng thanh niên dùng hai ngón tay vuốt qua đôi mắt, vừa quát: “Thiên nhãn, khai mở!” Thế rồi đôi mắt người thanh niên sáng rực lên như chứa hai ngọn lửa trong đó. Ánh sáng chiếu rọi lên người con trai bà Cung làm gã phải lấy tay che mắt. Mọi người xung quanh cũng há hốc miệng. Có lẽ cảnh này trong đời bọn họ chỉ có thể thấy được một lần. Chàng thanh niên dùng đôi mắt lửa nhìn kỹ con trai bà Cung trong giây lát rồi nhắm lại. Mồ hôi rịn ra trên trán mặt dù gió mát vẫn thôi liên tục. Khuôn mặt chàng lộ rõ vẻ mệt mỏi.

Người phá vỡ không gian im lặng là chồng bà Cung. Dường như không nhịn được, ông vội vã hỏi thầy: “Thưa thầy, con trai tôi bị bệnh gì ạ?” Chàng thanh niên mở mắt ra, đôi mắt đã trở nên đen láy như bình thường, trả lời: “Con trai ông bà bị người ta nguyền rủa.” Vợ chồng ông bà Cung nghe vậy há hốc miệng, rồi cả hai cùng mếu máo năn nỉ: “Thầy ơi, mong thầy cứu cháu, bao tiền chúng tôi cũng xin chịu.” Thấy Minh Khánh trầm ngâm, hai vợ chồng càng lạy lục năn nỉ khóc lóc thảm thiết. “Kể cả bán nhà bán trâu thì vợ chồng chúng tôi cũng chấp nhận. Thầy thương vợ chồng già chúng tôi thì làm ơn làm phước cứu cháu, nhà mỗi mụn con trai, thầy ơi…”

Chàng thanh niên chỉ lắc đầu. “Không phải bần đạo không muốn cứu mà bần đạo chỉ có thể làm đến vậy. Bần đạo dùng thiên nhãn quan sát thấy trên người con trai ông bà có dính một lá bùa nguyền rủa. Nhưng đó chỉ là hình chiếu của lá bùa thật, còn về lá bùa thật thì thứ lỗi cho bần đạo cũng không biết nó ở đâu. Người có thể tìm thấy lá bùa và cứu con trai ông bà chỉ có thể là ông bà mà thôi.” Nói rồi, chàng thanh niên bắt đầu dùng một đoạn tre nhỏ vẽ hình một lá bùa ra đất. “Ông bà về nhà, nhớ lại rồi tìm xem những chỗ mà con ông bà từng ăn ngủ hoặc đọc sách… tóm lại là những chỗ con trai ông bà tiếp xúc nhiều rồi xem có một lá bùa màu vàng to cỡ như thế này không? Đặc biệt trên lá bùa có viết tên, ngày giờ sinh của con trai ông bà bằng máu. Sau đó gỡ lá bùa ra và đốt đi là con trai ông bà sẽ khỏi bệnh.” Dặn dò ông bà Cung xong, chàng thanh niên có vẻ mệt, liền bảo cụ Trầm đi về.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Vùng Đất Vô Hình

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook