Vẫn Chờ Anh Đến Nói Lời Yêu

Chương 20: Con nên gọi nơi đó là gì ?

Cải Tím

31/07/2019

Tiếng chuông điện thoại reo, ồn ào chết đi đươc, Hạ giơ chân không thương tiếc đá nó xuống giường. Điện thoại vẫn reo, cô vẫn nằm lì không chịu dậy, lấy gối bịt kín đầu tiếp tục phớt lờ đi âm thanh đó mà ngủ. Chuông tắt, Hạ mơ màng mắng mỏ :

- Còn kêu nữa chị lập tức ném em vào bồn cầu.

Cho dù là chiếc điện thoại màu hường cô yêu thích nhất, cô cũng không ngại cho nó nếm thử mùi vị của việc phá hoại giấc ngủ của chủ nhân đâu.

Người bên kia xem chừng rất kiên nhẫn, vẫn tiếp tục gọi lại, giống như đến khi nào Hạ chịu nghe mới thôi. Hạ siết tay, nhảy xuống giường, cầm lấy điện thoạt, vứt vào thùng rác. Dù sao thì cô cũng không nỡ ác độc đến mức vứt em ấy vào bồn cầu, lại càng không đủ can đảm chạm đến chiếc điện thoại từng bị vứt xuống chỗ ấy đâu. Chiếc điện thoại sập nguồn, dừng kêu.

Căn phòng trở lại yên tĩnh như cũ

Hạ vui vẻ nằm xuống ngủ tiếp. Rồi…

Chuông lại reo, lần này là từ chiếc điện thoại màu trắng. Hạ ôm đầu, bò từ trên giường xuống, lẩm bẩm

- Đến cả em cũng muốn làm tức chết chị hả ?

Hạ trừng trừng nhìn cái tên đang hiển thị trên màn hình. Cái tên “Thịt gà xé phay chấm ớt” là cái quái gì hả ?

Cô lướt điện thoại, có dự cảm chẳng lành, ngón tay run run ấn vào mục danh bạ. Quả nhiên, không biết từ đâu mà tên người thì chẳng thấy mà toàn là mấy cái tên như chui từ menu thức ăn ra như : Thịt ếch nấu lẩu, miến trộn đu đủ, rau muống xào tỏi, bánh đúc lá dứa, mực tẩm bột chiên giòn, bánh chưng méo mập đầy nhân, bông lan trứng muối ?! Cô đâu có lưu mấy cái thứ lung tung thế này. Lại càng không rảnh mà đổi tên từng người một.

Hạ vắt tay lên trán mà suy nghĩ, kiểu này chắc là do say rượu làm bậy đây mà ? Giờ thì hay rồi, rốt cuộc ai là ai cũng chẳng nhận ra được. Chỉ có thể nhận ra mỗi số của bà Xu với món bánh đúc lá dứa, còn mấy tên khác thì cô bó tay chịu… mình. Sao lần say rượu nào tỉnh dậy cũng để lại hậu quả khó lường như thế chứ, còn phải tốn không ít thời gian để khôi phục mọi thứ lại như ban đầu nữa.

“Thịt gà xé phay chấm muối” vẫn không ngừng gọi, Hạ bấm nút nhận, thăm dò

- Ai đó ạ ?

Bởi vì người cô quen chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên chỉ cần cô nghe giọng là có thể biết được. Xin hãy tha lỗi cho cô có trí nhớ kém không thể nhớ được chuỗi số điện thoại của bất kì ai. Người bên kia nghiến răng kèn kẹt

- Giỏi lắm, tối qua còn vòi vĩnh đòi tiền công, vậy mà chuyển tiền xong, gọi điện cũng không thèm nhấc máy.

- Ông ?!

Giọng Hạ hơi bất ngờ vì không ngờ mình lại đặt biệt danh cho ông là… nhưng Ông Huy ở đầu dây nghe thấy lại tưởng Hạ không lưu tên ông lại, thế nên ông đập bàn một cái rầm, tiếng động rất lớn khiến Hạ phải giơ điện thoại ra xa, còn anh chàng thư kí ở bên đã vội vàng ôm tài liệu chạy ra khỏi phòng “tránh bão”.

- Quả nhiên là cháu ông, đến cả chuyện không lưu tên lại cũng y sì như ông

Ông Huy cười, khuôn mặt căng thẳng thường ngày dọa chết đám nhân viên đã thay bằng nét mặt chứa đựng sự dịu dàng, yêu thương

- Sao lại nghỉ làm ? Bị ốm ? Hay là lại dám lén uống rượu nữa hả ?

Hạ lắc đầu, đáp lại

- Con không có, mệt nên muốn nghỉ thôi. Chị Lài thật nhiều chuyện, chút chuyện nhỏ còn lén mách với ông.

- Không phải con Lài nói thì ông sao mà yên tâm về con được. Đã uống canh chua giải rượu của thím Dư chưa ?

Hạ nhận ra ông đang thử cô, rất buồn cười nên Hạ bật thành tiếng, nhưng lại là những tiếng cười xót xa

- Thím về quê rồi, thím dặn con kĩ là không được nói với ông, nghe nói con trai út sắp lấy vợ, rồi mấy đứa trẻ con còn đang ngóng bà nữa. Con biết không thể giữ thím ở đây được mãi… nên con, thay mặt ông nữa, gửi lời tạm biệt rồi.



Ông Huy sững người, có cảm giác như người thân rời xa vậy, còn có như bị lừa gạt tình cảm nữa. Rõ ràng là đã bàn trước với nhau khi nào về sẽ nói một tiếng, thế mà cái bà già này lại không thông báo với ông thế chứ. Đây không phải là về thăm quê bình thường, mà sẽ là một đi không quay về đấy ! Thế mà dứt lòng như vậy.

- Vậy sao… cũng tốt, cũng đến lúc rồi.

Ông Huy thở dài. Năm xưa giữa chiến trường mưa đạn, là ông cõng xác người anh em về doanh trại, là ông chính tay đưa hài cốt về cho gia đình, cho người vợ của anh và bốn đưa trẻ còn non nớt. Thế nên khi thím Dư khó khăn, ông sẵn lòng giúp đỡ, còn bà nguyện ý thay ông chăm sóc đứa cháu này. Bà ấy dành hai mươi năm cuộc đời mình để trả món nợ ân tình. Tình nghĩa vẫn còn đó, nhưng giờ người chịu ơn là ông mới đúng.

- Đúng vậy.

Với Hạ, thím Dư cũng giống như ông, là người chăm sóc và bao che Hạ suốt bao nhiêu năm qua, từ khi cô còn là đứa bé chưa hiểu chuyện, đến khi trở thành một cô gái như bây giờ. Thím là người sẵn sàng thay thế người bà, người mẹ, mặc dù không cùng máu mủ nhưng vẫn dành tình yêu thương của mình để thay thế cho những tình cảm thiếu thốn ấy mà cô không bao giờ có thể cảm nhận được.

Trong trí nhớ của Hạ, người phụ nữ ấy có khuôn mặt khắc khổ nhưng bù lại bà sở hữu đôi mắt sáng chan chứa sự dịu dàng, có bàn tay chai sạn nhưng ấm áp hơi người, lại có thể hát một mạch liền mấy khúc dân ca Quan họ ngọt ngào.

Thím ấy sẽ luôn vuốt ve mái tóc cô, sẽ nấu những món ăn mà cô thích rồi gọi về ăn cơm, sẽ không giống ông nội bắt nạt cô. Sẽ bên cô, ôm ấp cô những ngày trời trở rét, cười với cô trong những ngày xuân, che chở cô khi ánh nắng mùa hạ chói chang rọi xuống hay nắm tay cô cùng đạp đống lá khô phát ra âm thanh xào xạc vui tai trên những con đường vàng trải đầy lá rụng.

Năm này qua năm khác. Yêu thương cô.

Nhưng thím ấy lại khác ông nội, thím nói thím không thể bên cô mãi mãi được, đến một ngày đẹp trời nào đó, hai người chúng ta đành nói lời từ biệt.

Thím có gia đình. Thím muốn sống cùng với họ.

Như thế thật không công bằng, thím cho cô hạnh phúc rồi lại muốn tước đoạt nó. Cho cô tình thương rồi định vứt bỏ cô vào hố sâu lạnh lẽo. Nắm lấy tay cô rồi buông ra. Đó là ngày Hạ vô tình nghe thấy thím nói chuyện với con gái

- Con ngoan, mẹ sẽ về nhà sớm !

Vậy nên, lúc đó Hạ mười bảy tuổi đã có suy nghĩ ích kỉ muốn giữ bà bên cạnh. Và cô làm thật.

Một ngày mùa đông lạnh lẽo, Hạ cắn chặt răng ngâm mình trong bồn tắm đầy nước lạnh. Cả người cô như đông cứng lại, nước như ngấm vào trong da thịt lạnh lẽo, ngay đến hô hấp cũng khó chịu. Cuối cùng cô cũng thành công bị ốm, Hạ nằm trên giường, đầu đau như búa bổ từng đợt nhưng lòng lại thở phào nhẹ nhõm, cô nắm chặt tay thím, khăng khăng không cho bà rời đi

- Con không muốn đâu. Thím đừng đi mà, đừng có về đó mà…

- Thím đừng đi có được không ?

Thím Dư cũng nắm lấy tay cô, gật đầu, dỗ dành. Thím còn đút thuốc để cô mau mau khỏi lại rồi cùng nhau đi công viên. Hạ rất thích cách bà nói hai từ “cùng nhau”, nghe sao cũng thấy vui tai lắm cơ, tại sao ư ? Tất nhiên rồi, nó đồng nghĩa với việc cô sẽ không phải cô đơn. Cùng nhau chính là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời này. Cùng nhau trải qua vui buồn, cùng nhau đi đến tất cả mọi nơi, cùng nhau ăn một món ngon. Tóm lại, cùng nhau là cùng thực hiện, đó là cách để con người lớn lên thật vui vẻ. Vì đơn giản là không phải một mình, sẽ có người bên cạnh. Cùng nhau chậm rãi yêu thương.

Sau này cô mới hối hận vô cùng. Bởi vì lần đó thím bị cô quấy đến không thể về quê, cũng không được tận mắt chứng kiến đứa con gái lớn mặc váy cưới gả cho người ta.

Ông nói cái gì đó, Hạ không nghe rõ, cô mơ màng hỏi lại :

- Sao vậy ông ?

Không biết từ lúc nào mà giọng ông đã khàn đi, nhẹ đến mức cô nghe xong còn hoảng hốt. Ông nói :

- Về nhà đi con !

Hạ còn chưa kịp trả lời thì ông đã nói tiếp :

- Đừng chịu đau một mình nữa, con trở về nhà đi !

Cô lắc đầu cương quyết, mặc cho ông ở bên kia không nhìn thấy.

- Không… ông !



- Ông rất muốn ngày nào cũng có thể thấy con cười thật vui vẻ, thật lòng muốn cười mà cười, thế nên ông để con ra đi. Nhưng lúc con đi rồi, con lại càng không cười nữa. Tại sao như thế con còn không hiểu sao ? Ông biết…

- Không, đừng nói nữa, con xin ông.

- Bởi vì cho dù đi hay ở lại, trong lòng con đều có khúc mắc. Muốn gỡ bỏ nó phải tìm đến người đã làm ra như vậy, về đi con, về tìm…

Hạ nói trong làn nước mắt

- Tại sao phải về chứ ! Con không muốn về, con thà chết cũng không về…

Cô gào lên tuyệt vọng

- Ngoại trừ ông ra thì ở đó còn có gì nữa đâu...

Con không muốn về, thực sự rất ghét phải quay về nơi đó. Con thậm chí chẳng biết gọi nó là gì nữa. Rốt cuộc là con nên làm gì để có thể đập vỡ tất cả mọi nút thắt này đây ? Con lạc lối rồi, làm ơn chỉ đường giùm con với, hãy cứu vớt con đi. Mẹ ơi, con nên làm sao đây ?

- Ông ơi, con phải làm gì đây ông ?

Ông nói xem, con phải làm sao mới được chứ ?

Bên kia, ông Huy đã khóc. Chưa bao giờ cô hỏi ông bằng giọng điệu yếu đuối như thế. Trái tim ông đau đớn, tê tái, ông nói không thành lời, cứ một chút lại ngắt quãng

- Về… nhà… con…

Hạ gục đầu xuống giường, khóc nấc lên như một đứa trẻ.

Bề ngoài càng mạnh mẽ, thờ ơ, nội yếu tâm càng đuối, sợ hãi cô đơn. Người như Hạ, lạnh nhạt như thế, chính là trái ngược lại sở hữu một trái tim cực kì mỏng manh, vì vậy mới dùng bộ mặt không thèm quan tâm để tránh khỏi những tổn thương vụn vỡ. Nhưng những hình ảnh khập khiễng của gia đình, những tình cảm chắp vá thiếu sót từ khi còn bé đã trở thành bức tường ngăn cản cô quay lại nơi đó. Hơn nữa, khi cô càng lớn, thì trớ trêu thay, bức tường kia cũng ngày càng cao, khiến Hạ thậm chí đến ngước nhìn lên cũng không dám. Cũng chính là lí do vì sao cô nỡ bỏ rơi cả khoảnh khắc bên ông nội để một mình chịu đựng cảm giác lạnh lẽo đáng sợ của sự cô đơn tột cùng.

Có lẽ không ai biết được, Hạ ghét phải ăn cơm một mình như thế nào.

Có lẽ không ai hiểu được, cảm giác hạnh phúc rộn ràng khi nghe ai đó nói hai chữ “cùng nhau”.

Chúng tôi, chúng ta, bọn họ, các bạn,… Vậy tại sao chỉ có mình tôi ?

Chỉ những người rời khỏi người thân, rời khỏi tổ ấm họ bao bọc mới thấu hiểu được cái lạnh giá thậm chí còn giá rét hơn Bắc Cực ngay cả trong những ngày hè nắng chói chang. Hạ đã tập thích ứng rất lâu, cuối cùng cô nhận ra, thiếu sót tình cảm thực sự, thực sự là mất mát quá lớn. Cô không oán hận việc được sinh ra, chỉ là cô rất ghen tị, ghen tị tại sao có những đứa trẻ lại có thể dùng giọng nói ấm áp như thế khi gọi “nhà” của mình chứ ! Giống như Mai vậy, vẫn luôn tâm tâm niệm niệm căn nhà nhỏ ở quê nhà. Hạ cũng muốn thử gọi như vậy lắm, chỉ là cho dù gọi biết bao lần, nó cũng không có mảy may một tia tình cảm dư thừa nào. Rốt cuộc thì phải có biết bao yêu thương mới có thể thốt ra một cách trìu mến như vậy ?

Hạ giống như trở lại cái ngày đưa tiễn chia li buồn bã ấy, cô nhớ mình đã hỏi thím Dư :

- Tại sao thím không thể ở bên lại ? Con muốn ở cùng thím và ông cơ, nếu thím ở lại, sau này khi thím và ông nội già đi, con sẽ chăm sóc hai người, sẽ không ngại cực.

Thím đã xoa đầu cô cười

- Bởi vì thím còn có gia đình, có một căn nhà nhỏ, có con trai, con gái, có người chồng đã khuất. Nỗi tiếc nuối lớn nhất là không thể mỗi ngày nhìn chúng lớn lên… nhưng thím biết chúng nó không giận mẹ, chúng nó nhớ mẹ và đang chờ đợi thím.

- Vậy còn con ? Thím nỡ bỏ rơi con sao ?

- Con cũng vậy, con cũng có nhà của mình, cho dù con không muốn, nơi ấy vẫn luôn chờ con trở về.

Cho đến tận bây giờ, Hạ vẫn rất muốn được ghé thăm một lần nữa “căn nhà nhỏ” ấm áp trong lời thím Dư. Bởi vì trong giọng nói đó của dì, có tự hào, có yêu thương, có nhớ nhung… và có cả bóng dáng người thân yêu quý vô cùng. Còn căn nhà của cô, theo lời thím, là ở đây hay ở đó đây ?

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Vẫn Chờ Anh Đến Nói Lời Yêu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook