Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật

Chương 2: Tuổi thơ

Lisa See

11/06/2015

TÔI TÊN LÀ BÁCH HUỆ. TÔI CHÀO ĐỜI VÀO ngày mùng năm tháng Sáu năm Đạo Quang thứ ba. Thôn tôi, Phủ Vĩ, thuộc huyện Vĩnh Minh - cái tên có ý nghĩa là sự Sáng ngời Vĩnh cửu. Hầu hết mọi người ở đây đều thuộc tộc người Dao. Hồi còn bé, tôi thường được nghe những người kể chuyện rong ngang qua Vĩnh Minh kể rằng người Dao đặt chân đến vùng này lần đầu tiên cách đây khoảng một ngàn hai trăm năm vào thời kỳ nhà Đường, nhưng phải một thế kỷ sau thì hầu hết các dòng họ mới đến đây định cư, khi họ chạy trốn quân xâm lược Mông Cổ từ phương Bắc tràn sang. Mặc dù, người trong vùng này chưa có ai là cự phú nhưng hiếm khi chúng tôi túng thiếu đến độ buộc phụ nữ phải làm việc đồng áng.

Gia đình tôi là con cháu họ Di, một trong những thị tộc người Dao đầu tiên và đông đảo nhất xứ này. Cha và chú tôi thuê bảy mẫu đất từ một địa chủ giàu có sống ở phía Tây của huyện. Họ trồng nhiều loại cây như lúa, bông, khoai môn, rau củ. Ngôi nhà của gia đình tôi nổi bật vì có hai nhà kho quay về hướngNam. Có một căn buồng trên gác là nơi sinh hoạt của đám đàn bà con gái trong nhà và cũng là phòng ngủ cho các cô con gái chưa chồng. Các phòng dành cho từng gia đình riêng và một cái chuồng đặc biệt nhốt gia súc nằm bên hông căn phòng chính nơi để những rổ trứng, rổ cam và những xâu ớt khô treo trên thanh rầm chính để tránh chuột, gà, hay một chú lợn chạy rông nào đó. Có một cái bàn và mấy cái ghế đẩu kê sát vách tường. Bếp lò dùng cho việc nấu nướng của thím và mẹ được sắp xếp ở một góc chỗ bức tường đối diện. Căn phòng chính của nhà tôi không có cửa sổ, vì thế, cửa chính luôn được mở ra để đón ánh sáng và khí trời vào những tháng ấm áp. Các căn phòng còn lại thì rất nhỏ, sàn nhà bằng đất nện, và, như tôi đã nói ở trên, lũ gia súc sống cùng với chúng tôi.

Tôi không bao nghĩ ngợi xem liệu mình có hạnh phúc không, hoặc liệu mình có được những thú vui của một đứa trẻ hay không. Tôi chỉ là một cô gái bình thường, sống trong một gia đình bình thường, ở một thôn cũng bình thường nốt. Tôi không biết tới cách sống nào khác, mà tôi cũng chẳng bận tâm về điều đó. Thế nhưng, tôi vẫn nhớ cái ngày tôi bắt đầu để ý và suy nghĩ về mọi thứ xung quanh. Tôi vừa lên năm và cảm thấy cứ như thể mình vừa bước qua một cái ngưỡng lớn. Tôi tỉnh giấc trước rạng đông với ý nghĩ nào đó cứ nhồn nhộn trong đầu. Chút kích thích ấy khiến tôi chú ý đến mọi thứ tôi nhìn thấy hay nghe thấy suốt ngày hôm đó.

Tôi nằm giữa chị cả và em ba. Tôi liếc sang giường ngủ của đứa em con chú. Mỹ Nguyệt, cùng tuổi với tôi, nó vẫn chưa thức, vì vậy tôi tiếp tục nằm im, chờ các chị em khua dậy. Tôi quay sang đối diện chị tôi, lớn hơn tôi bốn tuổi. Mặc dù ngủ chung với nhau nhưng tôi không hiểu chị lắm, cho tới khi tôi bị bó chân và được bước vào buồng dành cho đàn bà con gái. Tôi mừng vì không quay sang phía em ba. Tôi luôn tự nhủ rằng, nó ít hơn mình một tuổi nên không cần phải bận tâm về nó. Tôi không nghĩ rằng em ba ngưỡng mộ tôi, nhưng chúng tôi tỏ ra thờ ơ với nhau là để nhằm che đậy những khát khao thực sự. Chúng tôi đều mong được mẹ quan tâm. Chúng tôi đều ganh đua để được bố chú ý. Chúng tôi còn ao ước ngày nào cũng có thời gian để được ở bên anh trai mình, vì anh là con trai cả nên được yêu quý nhất nhà. Tôi không hề có cảm giác ghen tỵ kiểu như vậy với Mỹ Nguyệt. Chúng tôi là chị em tốt của nhau, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống chung trong một mái nhà cho đến khi đi lấy chồng.

Anh em chúng tôi trông rất giống nhau. Mái tóc đen cắt ngắn, thân hình gầy guộc, và đều dong dỏng cao. Tuy nhiên, chúng tôi lại chẳng có mấy nét để phân biệt với nhau. Chị tôi có nốt ruồi trên môi. Em ba thì luôn búi tóc thành một búi nhỏ, vì nó không thích mẹ chải tóc của nó. Mỹ Nguyệt có khuôn mặt tròn trịa xinh xắn, còn tôi sở hữu đôi chân chắc nịch do chạy nhảy và đôi tay khỏe nhờ bế em trai.

“Mấy đứa con gái đâu,” mẹ gọi với lên gác.

Thế cũng đủ đánh thức mấy chị em dậy và lôi cả bọn tôi ra khỏi giường. Chị tôi nhanh chóng mặc quần áo và chạy ngay xuống nhà. Tôi và Mỹ Nguyệt chậm chân hơn vì chúng tôi không chỉ phải mặc quần áo cho chính mình mà còn phải lo mặc quần áo giúp em ba. Sau đó, chúng tôi mới cùng nhau xuống dưới nhà. Thím tôi đang quét dọn nhà cửa, chú tôi đang hát bài buổi sáng quen thuộc. Mẹ, địu em trai trên lưng, đang rót nước cuối vào ấm trà để làm nóng trà, và chị tôi đang thái hành tươi cho vào món cháo đặc, mà chúng tôi gọi là xí phạn. Chị tôi bình thản nhìn tôi, khiến tôi hiểu rằng chị muốn nói là chị đã làm hài lòng mọi người trong gia đình vào buổi sáng nay rồi và chị sẽ hoàn toàn an tâm suốt cả ngày.

“Mỹ Nguyệt, Bách Huệ, lại đây nào!”

Sáng nào, thím cũng chào chúng tôi như thế. Chúng tôi chạy đến chỗ thím. Thím hôn Mỹ Nguyệt và âu yếm vỗ vào mông tôi. Chú tôi cúi xuống bế Mỹ Nguyệt lên rồi hôn nó. Sau khi đặt nó xuống, ông nháy mắt với tôi và bẹo má tôi một cái.

Bạn có biết câu tục ngữ nồi nào úp vung nấy không? Sáng hôm ấy, tôi kết luận rằng chú thím tôi là một cặp xấu như nhau và họ quả là xứng đôi. Chú tôi chân vòng kiềng, đầu hói, còn mặt thì tròn phính bóng loáng. Thím cũng phúng phính, cộng thêm hàm răng như những rìa đá lởm chởm chỉa ra từ cái hang đá. Đôi chân bó của thím chẳng nhỏ tẹo nào, nó dài chừng mười bốn phân, gấp đôi bàn chân bó hoàn chỉnh của tôi sau này. Tôi nghe mấy người độc mồm độc miệng trong thôn nói đó là lý do khiến một người khỏe mạnh hông nở như thím vẫn không đẻ được con trai. Tôi chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ lời chỉ trích nào như thế trong nhà, đặc biệt là từ chú tôi. Với tôi, họ có một cuộc hôn nhân hoàn hảo: chú tôi là người chồng tuổi chuột dạt dào tình yêu thương còn thím tôi là người vợ tuổi trâu biết làm tròn bổn phận. Ngày ngày họ đem đến niềm hạnh phúc cho cả gia đình.

Mẹ không nhận thấy có tôi ở trong phòng. Mọi việc diễn ra như vậy trong chừng mực mà tôi còn nhớ được, nhưng chính vào ngày hôm ấy tôi đã nhận ra và cảm thấy rằng mẹ không đếm xỉa gì tới mình. Một nỗi buồn ăn sâu vào tim tôi, làm tan biến đi niềm vui mà tôi vừa có được từ chú thím, điều đó khiến tôi choáng váng. Nhưng cảm giác ấy cũng tan đi rất mau khi anh trai tôi, hơn tôi sáu tuổi, nhờ tôi giúp anh ấy làm công việc nhà buổi sáng. Cầm tinh con ngựa, từ trong bản tính tôi vốn rất thích những hoạt động ngoài trời, nhưng quan trọng hơn là, tôi muốn anh trai hoàn toàn thuộc về tôi. Tôi biết mình may mắn và các chị em tôi sẽ chống lại tôi. Nhưng tôi mặc kệ. Khi anh ấy trò chuyện hay mỉm cười với tôi, tôi lại cảm thấy mình được hiện diện.

Chúng tôi chạy ra ngoài. Anh tôi kéo nước dưới giếng đổ đầy mấy cái xô và chúng tôi xách đi. Chúng tôi xách nước về nhà, rồi lại chạy ra ngoài nhặt củi. Chúng tôi chất củi thành một đống, và anh trai đặt vào tay tôi một ôm củi toàn những cành nhỏ hơn. Anh xốc đống củi to kia lên, rồi chúng tôi cùng đi về nhà. Về đến nhà, tôi đưa ôm củi nhỏ cho mẹ, chờ một lời khen. Xét cho cùng thì với một đứa bé gái, để xách được một xô nước hay đi nhặt củi thực chẳng dễ chút nào. Nhưng, mẹ chẳng hề nói gì.



Ngay cả bây giờ, sau ngần ấy năm trôi qua, tôi vẫn thấy khó hiểu về mẹ, về cái điều tôi đã nhận ra vào ngày hôm đó. Rõ ràng đối với mẹ, tôi chẳng quan trọng chút nào. Tôi là đứa con thứ ba, và là đứa con gái vô giá trị thứ hai, quá nhỏ bé không đáng để mẹ phải phí thời giờ và cho tới khi có vẻ như tôi đã sống sót qua những tháng năm thơ sữa. Mẹ nhìn tôi như cách những bà mẹ khác nhìn con gái mình - như là khách qua đường phải hao cơm tốn vải nuôi không cho đến lúc về nhà chồng. Tôi đã lên năm, đủ lớn để biết rằng mình không đáng được mẹ quan tâm, nhưng đột nhiên tôi lại thấy thèm khát điều đó. Tôi tha thiết mong mẹ nhìn tới và trò chuyện với mình như mẹ vẫn làm với anh trai. Nhưng ngay cả trong khoảnh khắc của nỗi khát khao đầu đời thực sự tha thiết ấy, tôi vẫn đủ khôn ngoan để nhận ra rằng mẹ không hề muốn tôi làm phiền bà trong cái lúc bận bịu này - đây là thời điểm bà rất hay quát mắng tôi vì tôi nói ầm ĩ hoặc phẩy phẩy mạnh tay quanh chỗ tôi chơi vì tôi làm vướng víu bà. Còn tôi thì nguyện sẽ giống như chị gái, giúp đỡ mẹ một cách chu đáo và lặng lẽ.

Bà nội tôi loạng choạng đi vào phòng. Mặt bà trông như trái mận khô, lưng bà khòng xuống đến độ mặt tôi và mặt bà ngang tầm nhau.

“Giúp bà đi,” mẹ tôi ra lệnh “xem bà cần gì.”

Mặc dù đã tự hứa với chính mình, nhưng tôi vẫn e ngại. Sáng ra, lợi của bà nội tôi nhớp nháp và chua lòm, nên không ai muốn đến gần bà. Tôi rón rén đến bên bà và nín thở, nhưng bà xua tay lia lịa. Tôi đi nhanh đến độ tông cái rầm vào bố tôi - thành viên thứ mười một và là người quan trọng nhất trong gia đình tôi.

Bố không hề quở trách tôi, và cũng không nói gì với ai cả. Theo tôi biết, bố sẽ không nói gì cho đến khi ngày qua đi. Ông ngồi xuống và chờ được phục vụ. Tôi chăm chú nhìn mẹ khi bà lẳng lặng rót trà cho bố. Có thể tôi sợ bà sẽ lại để ý đến tôi như lệ thường vào mỗi buổi sáng, nhưng bà mải chú tâm vào chuyện xử sự với bố hơn. Bố rất hiếm khi đánh mẹ, ông cũng không bao giờ lấy thêm vợ bé, nhưng sự cẩn trọng của bà khiến bọn tôi để ý.

Thím tôi sắp bát lên bàn và dùng muỗng múc cháo ra, còn mẹ tôi thì cho em bú. Sau khi cả nhà ăn uống xong, bố và chú ra đồng, còn mẹ, thím, bà nội và chị gái tôi thì lên cái buồng dành riêng cho phụ nữ ở trên gác. Tôi muốn được đi theo mẹ và mọi người nhưng chưa đến tuổi. Tệ hơn là giờ đây tôi còn phải cùng anh trai trông em trai út và em ba khi chúng tôi ra ngoài.

Tôi cõng em trai trên lưng khi chúng tôi đi cắt cỏ và đào rễ cây cho lợn. Em ba cố bám theo chúng tôi. Nó là đứa bé xấu tính và buồn cười. Nó đụng đâu hỏng đấy, trong khi những người duy nhất có thể làm thế là anh trai và em trai. Nó nghĩ nó là đứa được cưng nhất nhà, mặc dù không có gì cho thấy điều đó là đúng cả.

Khi đã làm xong việc nhà, bốn đứa nhỏ tụi tôi đi lòng vòng trong thôn, đi ra đi vào mấy con ngõ giữa những ngôi nhà trong xóm cho đến khi thấy một đám con gái đang chơi nhảy dây. Anh trai tôi dừng lại, bế em cho tôi, và bảo tôi hãy vào nhảy dây cùng bọn chúng. Sau đó, chúng tôi về ăn cơm trưa - vẫn những món đơn sơ, chỉ cơm và rau. Sau đó, anh trai tôi ở lại với bố và chú tôi, còn chúng tôi kéo hết lên gác. Mẹ lại cho em bé bú, rồi nó và em ba nằm ngủ trưa. Dù mới ngần ấy tuổi, tôi vẫn thích được ở trong căn buồng dành cho đàn bà con gái với bà nội, thím, chị gái, cô em họ và đặc biệt là mẹ tôi. Mẹ và bà nội dệt vải, còn tôi và Mỹ Nguyệt quấn chỉ, thím tôi, bút lông và mực trong tay, đang ngồi nắn nót viết những nét chữ bí mật, chị gái tôi đang đợi bốn người chị em kết nghĩa đến thăm vào buổi chiều.

Chẳng mấy chốc bọn tôi đã nghe thấy tiếng bốn đôi chân bó nhẹ nhàng bước lên gác. Chị tôi ôm thắm thiết từng cô bạn, sau đó năm người bọn họ kéo nhau vào một góc. Họ không muốn tôi hóng hớt, nhưng tôi vẫn tìm hiểu họ vì tôi biết rằng hai năm nữa mình cũng sẽ được là thành viên trong một nhóm chị em kết nghĩa kiểu này. Mấy cô bạn của chị tôi đều ở Phủ Vĩ cả, thế tức là bọn họ có thể gặp gỡ thường xuyên, chứ không chỉ là vào những ngày hội đặc biệt như hội Nghênh Phong hay hội Đuổi Chim. Hội chị em kết nghĩa được lập ra khi bọn con gái lên bảy. Để thắt chặt thêm mối quan hệ này, bố của mỗi đứa trong nhóm sẽ đóng góp hai mươi lăm cân thóc, số thóc đó được để ở nhà tôi. Sau đó, khi mỗi đứa đi lấy chồng phần lúa đã đóng góp sẽ được bán ra để các chị em kết nghĩa mua quà cho cô ta. Phần lúa cuối cùng còn lại sẽ được bán đi vào dịp cô gái cuối cùng trong nhóm lấy chồng. Điều này đánh dấu việc tan rã của hội chị em kết nghĩa vì các cô gái đều đi lấy chồng ở những thôn xa, ở đó họ sẽ quá bận bịu với con cái và phải tuân theo sự sai bảo của mẹ chồng nên chẳng còn thời gian dành cho bạn bè xưa cũ.

Ngay cả với những người bạn của mình, chị tôi cũng không gắng thu hút chú ý. Chị điềm tĩnh ngồi bên những cô gái khác khi họ thêu thùa và kể những câu chuyện khôi hài. Khi họ chuyện gẫu và rúc rích hơi to lên là mẹ tôi liền nghiêm nghị ra hiệu cho họ im lặng, một ý nghĩ mới mẻ chợt xuất hiện trong đầu tôi: mẹ tôi chưa bao giờ làm như vậy khi những chị em kết nghĩa tuổi xế bóng của bà nội đến chơi. Khi con cái đã lớn khôn, bà nội tôi được mời vào một nhóm chị em kết nghĩa ở Phủ Vĩ. Chỉ hai người trong số họ cùng với bà nội tôi, cả ba đều góa chồng, là vẫn còn sống cho đến lúc đó. Họ đến chơi nhà tôi mỗi tuần một lần. Họ cười đùa và kể cho nhau nghe những câu chuyện tục tĩu mà bọn con gái chúng tôi không tài nào hiểu được. Trong những lần như vậy, mẹ sợ bà nội đến độ không dám yêu cầu họ dừng lại. Hay cũng có thể vì mẹ quá bận…

Mẹ tôi đã dùng hết chỉ và đứng lên đi lấy thêm. Trong một khắc, bà đứng im như tượng và nhìn đăm chiêu. Trong lòng tôi bỗng trỗi dậy một nỗi khát khao suýt chút nữa thì không kiềm chế nổi là muốn sà vào lòng mẹ và kêu toáng lên: Nhìn con đây, nhìn con đây, nhìn con đây này mẹ! Nhưng tôi không làm thế. Bà ngoại bó chân cho mẹ quá tệ. Thay vì là đôi “gót sen ba tấc” bàn chân mẹ trông như một gốc cây nham nhở xấu xí. Thay vì bước đi uyển chuyển thì để giữ thăng bằng mẹ phải chống gậy. Nếu bỏ gậy đi, tay chân mẹ phải khuỳnh cả ra để giữ thăng bằng. Mẹ đứng loạng choạng đến mức khó ai có thể ôm hôn bà được.

“Giờ không phải là lúc để Mỹ Nguyệt và Bách Huệ ra ngoài sao chị?” thím tôi hỏi, cắt ngang cơn mơ màng của mẹ, “Hai đứa nó có thể giúp đỡ anh trai làm việc nhà.”



“Thằng anh nó chẳng cần mấy đứa giúp đâu.”

“Em biết,” thím thừa nhận, “nhưng hôm nay đẹp trời…”

“Không,” mẹ tôi nghiêm nghị, “tôi không muốn mấy đứa nhỏ lang thang ngoài thôn trong khi chúng nên ở nhà học làm việc nhà.”

Nhưng thím tôi vẫn kiên trì trong chuyện này. Bà muốn chúng tôi biết rõ các ngõ ngách trong thôn mình, nhìn thấy những gì nằm trên đó, đi ra rìa thôn mà nhìn ngắm, sớm biết rằng tất cả những gì chúng tôi sẽ thấy cũng là những thứ có thể thấy thấp thoáng từ chiếc cửa sổ mắt cáo trong buồng phụ nữ.

“Chúng chỉ còn vài tháng này thôi,” thím tôi cãi. Thím bỏ đi mà không nói thêm rằng chẳng mấy chốc nữa chân chúng tôi sẽ bị bó, xương sẽ vỡ ra, da thịt bị rữa đi. “Hãy để chúng chạy nhảy khi còn có thể.”

Mẹ tôi gần như kiệt sức. Bà có năm đứa con, có đứa mới lên năm và hai đứa nữa nhỏ hơn. Bà phải gánh vác toàn bộ việc nhà - giặt giũ, lau chùi, sửa sang nhà cửa, nấu nướng, thậm chí gắng sức lo nốt những khoản nợ của gia đình. Bà có vị thế cao hơn thím, nhưng bà không thể ngày nào cũng tranh cãi về những gì bà cho là cách cư xử đúng đắn.

“Thôi được rồi,” mẹ thở dài nhẫn nhịn, “thì cho chúng đi.”

Tôi nắm tay Mỹ Nguyệt và chúng tôi nhảy cẫng lên mừng rỡ. Thím nhanh tay xua bọn tôi ra cửa trước khi mẹ tôi kịp đổi ý, trong khi chị tôi và mấy chị em kết nghĩa của chị ấy nhìn theo mà thèm. Tôi và cô em họ chạy xuống cầu thang và ra ngoài. Chiều muộn là khoảng thời gian tôi thích nhất trong ngày, khi ấy không khí bắt đầu ấm áp và thơm phức, rồi thì những chú ve sầu lại ngân lên điệp khúc quen thuộc của mình. Bọn tôi hối hả chạy ra ngõ, đến khi gặp anh trai tôi đang đưa con trâu của nhà xuống sông. Anh tôi cưỡi lên đôi vai rộng của con trâu, một chân để dưới bụng, chân kia thúc vào sườn. Tôi và Mỹ Nguyệt bước thành hàng một đi sau anh và con trâu qua cái mê cung ngóc ngách trong thôn, cái mê lộ rối rắm sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi tà ma và trộm cướp. Bọn tôi không thấy bóng dáng một người lớn nào cả - đàn ông đang đi làm đồng, còn đàn bà thì ngồi sau những ô cửa mắt cáo trong các căn buồng trên gác - nhưng ngõ ngách lại đầy bọn trẻ con và gia súc, gia cầm - gà, vịt, lũ lợn nái núng nính cùng đàn lợn con kêu eng éc bên chân.

Chúng tôi rời khỏi thôn và rong chơi trên những con đường nhỏ đắp đất rải đá răm. Con đường chỉ vừa đủ rộng cho người ta đi bộ hay khiêng kiệu, song quá nhỏ để xe bò, hay xe ngựa nhỏ đi qua. Chúng tôi men theo con đường dẫn đến bờ sông Tiêu và dừng lại trước cây cầu đu đưa, vắt ngang qua sông. Bên kia cây cầu, thế giới mở ra trước mắt chúng tôi với vùng đất trồng trọt bao la bát ngát. Trên cao, bầu trời trải ra một màu xanh biếc như lông chim bói cá. Chúng tôi trông thấy những thôn khác thấp thoáng đằng xa - những nơi mà tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ tới trong đời. Rồi chúng tôi đi xuống bờ sông, nơi ngọn gió thổi qua khiến đám sậy xào xạc. Tôi ngồi trên một tảng đá, cởi giày ra, sau đó lội xuống vũng nước nông. Bảy mươi lăm năm đã trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác bùn len vào giữa những ngón chân tôi, dòng nước trôi qua bàn chân, và cái lạnh thấm qua da. Mỹ Nguyệt và tôi tận hưởng sự tự do thoải mái mà sau này sẽ không bao giờ chúng tôi còn được hưởng nữa. Nhưng tôi nhớ một điều gì đã trở nên rất rõ ràng kể từ ngày hôm đó. Sáng hôm ấy, khi tôi thức dậy lần thứ hai, tôi đã nhìn gia đình mình theo một cách khác hẳn, và họ khơi dậy trong tôi những tình cảm kỳ lạ - u uất, buồn bã, ghen tỵ, và ý thức về sự bất công trong nhiều việc chợt trở nên có vẻ bất công. Tôi để cho dòng nước gột sạch tất cả.

Đêm đó, sau bữa tối, chúng tôi ngồi ngoài trời, tận hưởng bầu không khí mát mẻ của buổi đêm, ngắm nhìn bố và chú hút tẩu. Mọi người đều thấm mệt. Mẹ cho em bé bú lần cuối, cố ru nó ngủ. Trông mẹ bơ phờ sau một ngày nội trợ, vậy mà công việc vẫn chưa xong. Tôi vòng tay choàng qua vai mẹ để làm mẹ thấy dễ chịu.

“Nóng quá,” mẹ nói, rồi nhẹ nhàng đẩy tôi ra.

Ắt hẳn bố đã nhận thấy sự thất vọng của tôi, vì vậy ông nhấc tôi vào lòng. Trong màn đêm tĩnh lặng, tôi được bố yêu quý nâng niu. Trong khoảnh khắc đó, tôi như viên ngọc trong tay ông.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
đấu phá thương khung
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook