Tuyến Xe Cuối Ngày Mang Số 13

Chương 62: Quẻ bói thứ nhất

Lão già tám mươi

17/08/2020

Dịch: Mộ Quân

Lão Lưu đột nhiên phát cơn như thế này dọa tôi thót cả tim!

"Uây lão Lưu, cái gì không đúng hả? Ông hô hoán cái gì vậy?"

Chân mày lão Lưu nhăn tít, lão trầm giọng bảo:

"Cụ Vương này thực hiện nghi thức chuyển hồn có chút kỳ cục. Ta từng nghe qua việc nuôi dưỡng quỷ hồn bằng cách đem linh hồn của con người gán lên thân thể động vật để nuôi dưỡng. Có điều phương pháp mà cụ Vương làm ban nãy khá kỳ dị."

Tôi nghe như lạc vào sương mù:

"Kỳ dị? Như thế nào là kỳ dị, ông nói rõ xem nào!"

"Mấy công đoạn khác không có vấn đề gì, chỉ có mỗi cái khâu liên quan đến quả cân là không ổn. Quả cân sắt này là vật không thể dùng tùy tiện được. Ban nãy lúc chuyển hồn cụ Vương treo quả cân lên cổ con gà trống, rồi khi chuyển hồn xong, ông ta đem quả cân cột ở chỗ nào, mi có nhớ hay không?"

Lão Lưu khiến tôi hơi dờn dợn trong lòng, tôi nỗ lực cố gắng nhớ lại từng hình ảnh cụ Vương thực hiện nghi thức chuyển hồn hồi tối nhưng lúc đó thực sự cũng khá căng thẳng, lão Lưu mà không nhắc tới thì chắc chắn tôi cũng chẳng nhớ được có tình tiết nào dính đến quả cân sắt nọ.

Lão Lưu thấy tôi mặt mày nhăn nhó như khổ qua, lão bèn bảo:

"Chân của xác chết được buộc vải đỏ, đây là phép khóa phách lưu hồn. Đầu gắm châm bạc là dẫn hồn qua cầu. Giả sử lúc cuối cùng cụ Vương treo quả cân sắt lên vòng vải đỏ cột trên chân của xác chết, đó mới tính là dẫn hồn quỷ thành công, nó sẽ cư ngụ tại chỗ chỉ định, và vĩnh viễn không siêu sinh. "

Tôi nghe xong câu cuối cùng của lão Lưu bỗng có cảm giác như ai đó đang nắm lấy trái tim mình rồi từ từ bóp nghẹt lại.

Móc quả cân sắt lên dải khăn đỏ cột trên chân thi thể sẽ khiến hồn phách đời đời kiếp kiếp không thể siêu sinh! Đến mức như vậy sao?

Lão Lưu thở một hơi rất dài, rồi khẽ lên tiếng:

"Ta đã từng này tuổi rồi, trí nhớ không còn tốt nữa, nhưng chuyện kiểu kia chắc chắn phải xác nhận lại một lần. Chuyển hồn quỷ ta không hiểu chứ dẫn hồn quỷ thì ta vẫn rất rõ ràng rành mạch nó như nào."

Tôi hoàn toàn hiểu được ý tứ của lão Lưu. Nói tới nói lui cũng chỉ xoay quanh vị trí cuối cùng treo quả cân sắt, sai một ly là đi tới cả dặm!

Trong lúc tôi cùng lão Lưu đang trò chuyện về quả cân, căn phòng cách vách của vợ chồng Chu Tráng càng ngày càng náo nhiệt, tiếng cãi nhau mỗi giây mỗi phút trôi qua lại tăng thêm một cấp độ.

Bây giờ đã hơn ba giờ sáng rồi, lẽ nào ngày nào hai cái đài này cũng phát thanh như thế này sao?

Tôi có ý định đi qua nói câu khuyên giải, nhưng lão Lưu lại đưa tay túm chặt tôi lại, lão bảo:

"Vợ chồng người ta cãi nhau, đầu giường ồn ào cuối giường êm đẹp. Mi đừng ăn no rửng mỡ đi xen vào làm gì."

Nghe lão Lưu nói như vậy tôi cũng dẹp luôn ý nghĩ can ngăn mà chui lại vào ổ chăn, lèm bà lèm bèm với lão ấy thêm mấy câu rồi chìm vào giấc ngủ.

Tảng sáng, lão Lưu y chang con gà trống, gáy ầm ĩ bên tai bắt tôi phải dậy cho bằng được.

Tôi thực sự vô cùng tò mò, chẳng hiểu sao lão Lưu ngày nào cũng ngủ muộn như này, nhưng lại có thể dậy cực kỳ sớm, cái đống xương già của lão thế quái nào chịu đựng được đến giờ ta?

Tôi miễn cưỡng mở hai mắt, chống tay bò dậy, sau khi lượn vào bếp ăn sáng qua quýt, tôi liền bị lão Lưu lôi xềnh xệch ra cửa, đi đến nhà cụ Vương.

Tôi vừa đi đường vừa ngáp lên ngáp xuống, mặt mày thì cứ ngơ ngơ ngáo ngáo chưa tỉnh ngủ hẳn. Đi được một lúc tôi kéo áo lão Lưu hỏi:

"Này, mới hồi tối rồi ông bảo cụ Vương có vấn đề, không đáng tin, mà giờ mặt trời vừa lên đã vội vội vàng vàng chạy đến nhà người ta. Rốt cuộc ông đang nghĩ gì thế hả?"

Lão Lưu trả lời một cách lạnh nhạt:

"Ông ta có đáng tin hay không thì chỉ cần coi cái quả cân sắt kia cuối cùng treo ở đâu là biết thôi. Chúng ta trước tiên đi kiếm ông ta hỏi một phen đã."

Đồng hành với lão Lưu không phải ngày một ngày hai, tôi phát hiện lão càng ngày càng giống ông già của tôi. Mỗi ngày kêu tôi thức dậy, dạy tôi làm cái này cái kia, nói một là không cho phép tôi nói hai, tôi chỉ có nước "lão Lưu đặt đâu Lý Diệu ngồi đấy" mà thôi.

Nhưng nói chung tự dưng có ông bô từ trên trời rơi xuống rồi luôn để ý quan tâm mình như lão Lưu thì cũng thích! Lúc không không tôi cũng từng nghĩ đến việc lão Lưu chỉ có mình ên không con không cái, mà lão đối xử với tôi lại hết lòng hết dạ, giúp đỡ tôi nhiều như thế, mai này lão già yếu, không thể nhúc nhích được nữa, tôi nhất định sẽ phụng dưỡng lão ấy!

Lúc cả hai tới nơi, cụ Vương đang phơi mấy loại thảo dược trong sân. Cụ ta nhìn thấy chúng tôi đi vào liền vội vàng gác lại công việc đang làm dở dang, cười cười bước tới đón tiếp chúng tôi.

"Ôi chao, mấy vị ân nhân tới rồi. Hôm qua may có mấy vị chứ không là tôi bị đám người kia chém chết rồi!"

Xem điệu bộ này của cụ Vương, có vẻ cụ đã ghi lòng tạc dạ việc tôi phi một cú vào người gã đàn ông họ Trương hồi tối qua.

Mà tính ra cụ biết ơn tôi cũng phải thôi. Tôi tung một cước ra xong nhận lại một tràng tay đấm chân đá của cả đám người nhà họ Trương kia đến bầm dập mình mẩy, mặt mũi cũng chi chít vết cào cấu.

Lão Lưu không hề quanh co lòng vòng, lão vào thẳng vấn đề bằng tông giọng lạnh nhạt như thường ngày của mình:

"Không sao, đây là việc nên làm thôi. Hôm này chúng tôi tới đây là muốn mời ông tính cho một quẻ."

Cụ Vương cười cười, vung vẩy cổ tay rồi nói:

"Dễ thôi dễ thôi, trước tiên mời hai vị vô nhà đã."

Tôi và lão Lưu bước qua bậc cửa vào bên trong nhà, rồi đi tới chỗ cái giường đất ngồi xuống. Cụ Vương rút từ trong túi ra hai hạt đào giống hệt lần trước, ngẩng đầu hỏi:

"Anh bạn trẻ, cậu nói cho tôi nghe ngày sinh tháng đẻ của cậu đi."

Tôi không dám chậm trễ, ngay lập tức thành thật khai báo.

Cụ Vương bắt đầu lắc qua lắc lại hai hạt đào trong lòng bàn tay. Cụ vừa lắc vừa nhỏ giọng niệm lầm rầm mấy câu gì đó, cuối cùng vung tay hất hạt đào văng lên trên giường.

Hai hạt đào lăn lộc cộc về một phía.



Cụ Vương cúi thấp đầu, tỉ mỉ tẩn mẩn dòm hai hạt đào, hết ngó bên trái lại ngó bên phải, cứ lập đi lập lại đâu đó như vậy chục bận.

Tôi bất giác cũng khẩn trương theo mỗi vòng lượn của cụ Vương. Hôm qua cụ ta xem quẻ cho cậu thanh niên xấu số kia chỉ mất có mấy phút đồng hồ, sao giờ tới lượt tôi lại ngâm còn hơn dấm là thế quái nào!

Cụ Vương chau mày ngắm nghí cả nửa ngày mới ngẩng đầu lên nhìn tôi nói:

"Hây dà, mệnh của cậu đây thiệt là... Đúng là làm người ta phải nhức đầu à!"

Tôi nghi hoặc, bức thiết hỏi lại ngay:

"Là như thế nào hở cụ?"

Cụ Vương vân vê cái tẩu thuốc rồi chậm rãi giảng giải:

"Ngày sinh tháng đẻ của cậu nói chung chả có vấn đề gì đặc biệt cả. Giai đoạn đầu cuộc sống khá là an bình ổn định, nhưng về sau số mệnh của cậu lại có quá nhiều biến số."

Lời cụ Vương vừa nói quả thực không sai. Từ nhỏ đến lớn, tuy tôi không phải con nhà phú quý giàu sang ăn sung mặc sướng nhưng cuộc sống cũng có thể tính là bình an hạnh phúc. Chỉ là, kể từ khi tôi phải lái tuyến xe số mười ba kia thì tại nạn với đủ các thể loại chuyện quái dị mới ùn ùn kéo tới không dứt.

Biến số về sau ư! Tình hình này xem ra tuyến xe mười ba đã cắm rễ nảy mầm, cột chặt với số mạng của tôi đây

Cụ Vương nói xong, lại bổ sung thêm một câu:

"Mệnh bàn của cậu bị sinh kim chặn ngang, bát tự lại hỏa mộc tương khắc. Nếu tôi xem không nhầm thì mỗi tháng có vẻ cậu đều gặp phải tai ương đổ máu đến mức nguy hiểm tính mạng."

※Dịch giả chú thích:

Mệnh bàn gồm thiên bàn, nhân bàn và địa bàn. Trong đó thiên bàn phản ánh sự nghiệp, tài vận, hôn nhân... của một đời người đồng thời phản ánh mối quan hệ giữa bản thân người đó với các đối tượng như cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái. Nhân bàn phản ánh về các thăng trầm trong các giai đoạn của đời người. Địa bàn phản ánh tính khí ngầm ẩn của con người.

Bát tự hay còn gọi là tám chữ. Nó là sự kết hợp Thiên Can và Địa Chi của tứ trụ giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh. Ví dụ như thanh niên Mộ Quân với ngày sinh tháng đẻ 22 giờ Ngày 1 Tháng 1 Năm 1989 đổi sang bát tự sẽ thành Năm Mậu Thìn, Tháng Giáp Tý, Ngày Tân Dậu, Giờ Kỷ Hợi.

Mấy lời này của cụ Vương như đi vào tận cùng tâm khảm tôi. Không sai! Tháng nào cũng phải đổ máu! Vụ này hoàn toàn khớp với chuyện cứ mười lăm âm lịch mỗi tháng tôi đều gặp tai nạn mà lão Lưu vừa mới bảo tôi hôm nọ xong.

Cụ Vương chỉ mới phán có mấy câu nhưng câu nào câu nấy trúng phóc. Tuy cụ ta cứ cực lực phủ nhận nhưng thâm tâm tôi đã chắc mẩm đây chính là Từ bán tiên lừng lẫy mà mình đang tìm.

Tôi đã nhìn thấy tia hi vọng lóe sáng rồi, đâu còn chần chờ được nữa, tôi vội nhích người lại gần rồi hấp tấp hỏi:

"Đại sư lời vàng ý ngọc, nói đâu trúng đấy! Van ngài ra tay chỉ cho tôi một lối thoát đi, tôi phải làm thế nào bây giờ?"

Cụ Vương nhếch miệng cười xua xua tay rồi đáp lời:

"Mệnh bàn của cậu có quá nhiều biến số. Tôi phải tính quẻ liên tục ba ngày may ra mới xem xong được. Ngày mai, ngày mốt cậu lại qua đây một chuyến đi"

Ba ngày mới có thể xem xong!!

Cụ Vương thật biết dọa người, ít nhất có tôi bị hù mệt mỏi rồi. Nói như cụ thì nhanh nhất tôi cũng phải chờ ba ngày sau mới biết được kết quả.

Tôi liếc mắt ngó lão Lưu một cái, lão chầm chậm gật đầu rồi lên tiếng:

"Bói toán xem tướng mệnh không phải chuyện đơn giản nói một là một hai là hai, nói xong là xong ngay được. Đặc biệt xem cho người mang mệnh nhiều biến số, cực kỳ hao tổn tâm trí và sức khỏe. Ba ngày mà có thể xem xong thì đó là cao nhân chân chính đấy."

Cụ Vương nghe xong bật cười hai tiếng rồi nói:

"Cao nhân thì không dám nhận. Nhưng ông anh đây có thể hiểu biết nhiều về mấy cái này như thế, quả nhiên không phải người tầm thường."

Lão Lưu chưa bao giờ là người biết khách sáo là gì. Lão nhếch mép cười nhạt, nói hai từ "xin phép" rồi quay lưng ra cửa muốn đi về.

Sau khi tôi cùng lão Lưu ra khỏi nhà cụ Vương, tâm trạng tôi rơi vào trạng thái lơ lửng, không thể nói rõ là thoải mái hay không thoải mái. Quẻ bói hôm nay tuy không thể hiện bao nhiêu chuyện nhưng chí ít tôi có thể xác định tôi đã không tìm sai người!

Trên đường về lão Lưu một mực cúi đầu trầm ngâm không lên tiếng, giống hệt như đang cất chứa đầy tâm sự vậy. Tôi lấy làm lạ nên ướm lời hỏi han:

"Ông có vấn đề gì à lão Lưu? Tôi nhìn kiểu gì cũng nhìn không ra là ông đang vui vẻ nha!"

Lão Lưu ngẩng đầu lên nhìn về phía trước, khẽ trả lời:

"Không có vấn đề gì cả. Cụ Vương kia xác thực có tài bói quẻ, chỉ là ta cứ cảm giác có chỗ nào đó không đúng. Quả cân sắt trong nghi thức tối hôm qua cuối cùng được treo ở đâu, ta nhất định phải xác nhận một lần."

Tôi nghe lão nói mà thấy bó cả tay:

"Thi thể đang ở nhà họ Trương đó. Người ta với chúng ta không quen không biết, sức mấy mà cho chúng ta mó tay động chân vào thi thể người thân của họ được. "

Lão Lưu ngẫm nghĩ một lúc mới nói:

"Hôm qua lúc chiều ta ghé qua nhà trưởng thôn nhưng chẳng gặp được ai. Giờ ta vòng lại qua đó một chuyến, xem thử xem có tìm được sự trợ giúp hay không. Mi cứ đi về trước chờ tin tức của ta."

Tôi ừm một tiếng rồi tách riêng ra với lão Lưu ngay khúc quanh.

Tôi vừa đi vừa gọi điện thoại cho cu Sáu hỏi thăm tình hình cu cậu mấy hôm nay thế nào, cũng đồng thời báo cho nó biết tôi phải ở lại bên này thêm ít nhất là hai ngày nữa.

Cu Sáu đương nhiên vẫn nhanh chóng đồng ý một cách thoải mái như bình thường. Trong lúc hai chúng tôi đang trò chuyện thêm mấy câu, đột nhiên tôi phát hiện bóng lưng còng queo của một ông lão đang đứng phía trước cách tôi khoảng hơn mười mét.

Tôi vẫn còn ấn tượng với bóng lưng này, đơn giản là vì nó thuộc về ông lão mù mà tôi vừa mới gặp ngày hôm qua!

Tôi thấy ông ta nên cúp luôn cuộc điện thoại với cu Sáu, đang tính sải bước dài hơn để nhanh chóng lách người vượt qua thì bất thình lình ông già lên tiếng gọi một cách nhẹ nhàng:



"Cậu thanh niên, mấy giờ rồi?"

Lại là câu hỏi này!!

Tôi gần như phản xạ trả lời ngay lập tức. Bởi vì tôi biết thừa độ khủng bố của hai hốc mắt sâu hoắm đen ngòm trên gương mặt của ông lão nên rất sợ nếu mình không trả lời lẹ, ông ta đột nhiên quay đầu lại thì lại có một phen rụng tim.

"Mười một rưỡi rồi ông ạ."

Tôi nói xong thời gian liền hấp tấp nhúc nhích đôi chân muốn biến cho nhanh khỏi đây, ai ngờ ông ta lại tiếp tục hỏi:

"Cậu thanh niên, lão có nuôi một con gà nhưng giờ nó chạy đâu mất rồi. Cậu có thể giúp lão tìm nó một chút được không?"

Tôi ngẩn ra, bộ dạng mù lòa của ông cụ này thực sự rất đáng sợ, tôi cũng chẳng muốn nấn ná ở đây thêm chút nào nhưng thật không may, cái thằng tốt bụng nhiều chuyện trong tôi lại trỗi dậy tác oai tác quái mất rồi!

Lại thêm tôi chợt nhớ đến chuyện Chu Tráng đã kể, ông cụ này là người vô gia cư, sớm tối lang thang khắp nơi, dựa vào sự thương hại và chút bố thí ít ỏi của thôn dân mà sống qua ngày, nên nhất thời không kìm được cảm giác thương xót ông ta. Nếu cứ như vậy bỏ đi, lương tâm của tôi thực tình không yên được. Thế là tôi đành nghiến răng rồi trả lời:

"Được thôi ạ. Con gà của ông trông như thế nào? Ông làm mất nó ở đâu? Ông nói con nghe con đi tìm thử một chút."

Ông lão vẫn đứng quay lưng lại với tôi, khẽ cười hai tiếng rồi nói:

"Con gà này của lão mới được có hơn một tháng, gần mào gà có mọc một túm lông đỏ rực, rất dễ nhận ra ấy."

Tôi gật đầu trả lời:

"Được rồi, thế gà của ông mất chỗ nào, con sẽ đi tìm quanh quanh đó."

Ông lão giơ tay chỉ về phía đông:

"Là ở kia, từ chỗ đó là không còn nữa rồi. Cậu tìm giúp lão đi."

Thực sự tôi vẫn thấy ớn khi nghĩ đến cảnh đối mắt trực diện với ông lão thế nên vừa biết được phương hướng tôi liền vội vàng dạ một tiếng rồi dặn ông cụ đứng nguyên chỗ này đợi tôi quay lại, sau đó ba chân bốn cẳng đi về phía đông.

Tôi đi men theo đường mòn hướng về phía đông của thôn, trên đường gặp không ít gà vịt đang lượn quanh kiếm ăn kêu quang quác quàng quạc nhưng tôi nhìn qua nhìn lại mấy lần đều không tìm thấy con gà có túm lông màu đỏ rực mọc quanh mào gà như ông cụ kia miêu tả.

Tôi đang tính quay về chỗ ông cụ hỏi lại vị trí cụ thể một lần nữa, ai ngờ vừa mới xoay đầu lại nhìn thấy một con gà tơ đang lơn tơn đi qua trước mắt. Tôi nheo mắt ngắm nghía kĩ càng một chút, ồ, quanh cái mào của con gà tơ này hình như có một nhúm lông màu đỏ chót!

Tôi bật cười ha hả:

"Tìm thấy mày rồi nhé."

Con gà thấy có bóng người lao tới chỗ nó, nó vội vàng đập cánh loạn xạ chạy bay bay về phía trước.

Nói ra cũng kỳ quái, con gà tơ này bé tẹo, thế mà tôi "chơi đuổi bắt" với nó tới cả phút vẫn không thể nào bắt kịp, cứ chạy mãi sau phao câu của nó.

Tôi vẫn kiên trì dí theo nó lượn hết vòng này đến vòng khác trên con đường đất. Cuối cùng nó chui tọt vào trong sân nhà của thôn dân nào đó.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn thoáng qua đã giật cả mình. Trước cửa nhà này bày đầy vòng hoa tang và hình nộm người giấy, rõ ràng ở đây đang tổ chức tang lễ rồi. Tôi dừng chân ngẫm nghĩ một lúc, gần nhất trong thôn hình như chỉ có một nhà vừa mất đi người thân thì phải. Vậy chỗ này hẳn là nhà họ Trương rồi!!

Cơn gió độc nào thổi tôi đến đây thế này! Ngay lúc tôi đang phân vân liệu có nên xông vào trong tìm con gà kia tiếp hay không thì bỗng trông thấy một đám người băng qua sân chuẩn bị ra đến cổng, tôi vội vội vàng vàng núp qua một bên, len lén nhìn theo.

Gã đàn ông hung hăng họ Trương hôm nọ đang dẫn đầu đoàn người cả nam lẫn nữ, trong đó có một số cầm theo cuốc thuổng.

Gã họ Trương quay đầu nói với bọn họ:

"Ngày mốt là phải chôn rồi. Giờ chúng ta lên núi đào sẵn mộ huyệt trước, mấy chị em ở lại coi nhà rồi nấu cơm đi. Bọn tôi sẽ đi một lát rồi về thôi."

Gã dặn dò xong xuôi liền dẫn đám người đi về hướng tây của thôn.

Đợi cho bọn họ đi khuất hẳn tôi mới dám rón rén chui ra khỏi chỗ nấp. Cũng ngộ, mới vừa rồi còn đang vò đầu bứt tai bàn với lão Lưu làm sao chui được vào nhà họ Trương, giờ người nhà họ Trương lên núi đào mộ cả rồi. Đúng là cơ hội từ trên trời rơi xuống!

Lúc này đây, trong sân không còn ai khác, tôi dáo dác ngó trái ngó phải, rồi nhón chân rón rén lẻn vào nhà. Khi tôi còn đang phân vân không rõ nhà này để thi thể chỗ nào thì tôi phát hiện con gà tơ lông đỏ đang đứng trước cửa nhà kho nhìn tôi lom lom.

Tôi nhẹ nhàng bước từng bước về phía nhà kho. Tự dưng trong lòng tôi cảm thấy bồn chồn một cách khó hiểu.

Vừa ngó vào trong nhà kho, tôi giật mình thiếu điều nhảy lên. Gà tơ ở đâu không thấy, gà trống lớn thì có một con đây. Nó bị cột vào cột nhà và hai con mắt tròn xoe của nó đang dán chặt lên mình tôi. Ánh mắt toát lên vẻ buồn bã tủi thân cực kỳ rõ ràng, hoàn toàn không giống một con gà mà thực sự trông như đôi mắt của con người!

Đây là con gà trống được dùng trong nghi thức chuyển hồn hồi tối qua!

Tôi không dám tiếp tục nhìn con gà thành tinh này nữa, mà đánh mắt đảo vòng quanh căn phòng này.

Căn nhà kho rộng thênh thang này đã được thu dọn sạch sẽ không chừa lại bất cứ vật gì ngoài một tấm phản gỗ to đặt ở vị trí trung tâm của phòng, bên trên có một mảnh vải trắng dài phủ lên.

Tiếng hít thở của tôi có phần dồn dập hơn. Khỏi cần nghĩ ngợi xa xôi, bên dưới tấm vải trắng này hẳn là thi thể của cậu thanh niên nhà họ Trương này rồi.

Lão Lưu cứ nhai đi nhai lại bên tai tôi vụ quả cân sắt cụ Vương dùng khi chuyển hồn, rốt cuộc cuối cùng treo ở chỗ nào. Tôi sờ đầu thầm nghĩ, bây giờ chính là lúc xác nhận chuyện này đây!

Tôi chậm rãi khom người xuống ngồi xổm bên cạnh thi thể, đang thò tay ra tính vén tấm vải trắng lên thì đột nhiên chuông cảnh báo trong đầu tôi vang lên om sòm.

Ủa mà khoan, không đúng nha!!

Chuyện không hợp lý không liên quan đến cái xác trước mắt. Là tôi chợt nghĩ đến ông già mù lòa nhờ tôi đi tìm con gà cho ông ta.

Một lão già mù tới độ nhãn cầu cũng không có thì làm cách nào nuôi được gà?

Không những thế, chính vì ông ta bị mù, tôi lại càng thấy quái lạ là ông ta làm sao có thể biết được quanh cái mào trên đầu con gà tơ này có mọc một nhúm lông đỏ chứ?

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Tuyến Xe Cuối Ngày Mang Số 13

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook