Cũng Đến Thế Mà Thôi



Năm Quang mười hai tuổi, Minh cũng đã lên mười. Đó là quãng thời gian mà Quang thường xuyên phải đi tìm Minh ở những tiệm cho thuê truyện và cửa hàng điện tử. Quang nói, “Em lại trốn học đi chơi rồi. Nếu mẹ biết, mẹ sẽ đánh đòn đấy”.

Minh ngẩng đầu lên từ cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, chán nản hỏi lại, “Em thật không hiểu, học có cái gì hay ho mà anh cứ học suốt ngày được thế?”.

“Tất cả mọi người, ai mà chẳng phải học. Mẹ nói không học thì sẽ không có tương lai.”

“Vậy nếu tất cả mọi người đều học, thì tương lai của tất cả mọi người đều giống hệt nhau sao?”

Câu hỏi này, Quang của mười hai tuổi chưa thể trả lời được.

Khi Quang chuẩn bị học hết cấp ba, cũng là lúc Minh vừa vào lớp Mười. Quang luôn là học sinh ưu tú nổi bật trong lớp, còn Minh luôn là học trò cá biệt vang danh toàn trường. Nhưng Minh của thời cấp ba đã không còn trốn học để đi thuê truyện nữa, mà hầu như cậu chỉ ở nhà, ngủ rồi tập guitar. Hình ảnh Quang thường nhìn thấy mỗi khi tan học về nhà, chính là cảnh cậu em trai mình mặc áo may ô quần đùi ngồi trong phòng ung dung gảy đàn, mặc kệ cuốn số đầu bài trên lớp đã ghi chằng chịt toàn tên cậu trên đó. Đây là cảnh tượng không bao giờ Quang có thể quên được. Minh ngồi trên giường bên cửa sổ, vừa gảy guitar vừa hát.

“Bao nhiêu năm rồi làm gì và được gìNgày tháng sao vội đi đôi khi không như ýTrôi qua bao nhiêu năm nữaCó lẽ ta không ngây ngô như bây giờ

Bao nhiêu cho vừa từng ngày và từng giờCành lá sao lặng im như thôi không mong nhớCho ta bao nhiêu năm nữaCó lẽ bao nhiêu đây thôiCho ta nhìn thời gian trôi…”

Từng ánh nắng chan hòa nhạt nhòa của chiều tà bên cửa sổ hắt lên khuôn mặt Minh khắc họa lên bao ưu phiền không nên có của một cậu bé mới mười lăm, mười sáu tuổi.

Quang lặng lẽ đứng chờ cho tiếng nhạc hoàn toàn dứt hẳn mới đến bên giường, ngồi xuống, trút một hơi thở dài thườn thượt.

Minh khẽ nở nụ cười nhàn nhạt, hỏi anh, “Các thày cô lại đến tìm anh hỏi thăm về em hả?”.

Quang nói, “Anh nói em bị ốm”.

“Em mới nghỉ có hai ngày thôi mà mọi người đã nhớ em đến thế rồi sao?”

“Thày giám thị dọa sẽ mời phụ huynh đấy.”

“Anh, anh học nhiều như thế, thành tích tốt như thế, tại sao vẫn còn do dự về việc chọn ngành học cho mình như vậy?”

Quang khẽ nhướng mày, đôi mắt xuyên qua khung cửa số hướng về một nơi xa xôi nào đó. Anh khẽ nói, “Mẹ nói, tay em rất dài, thích hợp làm bác sĩ. Nhưng anh nghĩ, tay dài, ngoài làm bác sĩ, còn có thể chơi đàn, còn có thể làm rất nhiều điều khác. Anh muốn thi vào trường Y, để mẹ không bắt em thi vào đó nữa. Anh dẫ suy nghĩ rất kỹ về câu hỏi năm xưa của em. Con người ta, ai cũng phải học, nhưng không nhất thiết là phải cùng chung một giáo trình. Ngoài trường lớp, sách vở ra, cuộc sống này cũng có thể dạy cho con người ta rất nhiều điều. Ngay cả cây đàn guitar của em, cũng có thể dạy em rất nhiều điều. Vì thế, nếu em có bất cứ gánh nặng gì, anh sẽ gánh nó thay em. Em cứ tự do làm những điều mà em thích, tự do theo đuổi ước mơ của em, theo đuổi cuộc sống mà em mong muốn”.

Minh hoàn toàn im lặng sau khi nghe xong những lời này. Câu không tỏ ra xúc động, nhưng cũng chẳng hề phớt lờ.

Nhưng cuối cùng, sức học xuất sắc như Quang vẫn không đủ để đỗ vào đại học Y như mong muốn. Tuy nhiên, anh không hề bỏ cuộc, vẫn kiên trì đợi một năm sau mới thi tiếp. Trong thời gian ở nhà ôn thi, Quang bất ngờ nhận được giấy gọi nhập ngũ. Mẹ anh ngày đêm lo lắng, khóc lóc vì không biết làm sao để chạy cho anh được hoãn kỳ nghĩa vụ này.

Bà đang ngồi khóc lóc kể lể, gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại thì Minh đi học về. Mặc dù đã biết chuyện anh mình có giấy gọi nhập ngũ nhưng cậu vẫn rất điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Chính thái độ điềm nhiên khi cất xe đạp vào nhà, điềm nhiên cởi giày rồi chào mẹ ấy, đã khiến mẹ của cậu bực mình. Trong lúc quá phẫn nộ, bà đã tát cậu một bạt tai.

“Con như vậy mà được sao? Đó là tương lai của anh con đấy. Con có thể như người dưng thế sao? Sao tôi lại có đứa con như thế này cơ chứ?! Rốt cuộc thì con có phải con cái của cái nhà này nữa không?”

Bạt tai ấy khiến một bên má của cậu đau rát, nhưng cậu không nhăn mặt, cũng chẳng đưa tay lên xoa, chỉ nuốt nước bọt, lặng lẽ đi về phòng. Cũng đúng thôi! Dường như trong gia đình, chỉ có anh trai mới hiểu được cậu, thông cảm được cho cậu.

Minh ngắm nghía cây đàn guitar dựng ở một góc tường, nhìn nó chăm chú, một lúc lâu sau mới cầm lên, lấy túi da bọc lại cẩn thận rồi treo lên tường. Sau đó, cậu mở túi xách, lấy một tờ giấy, trên đó viết: Giấy đăng ký nghĩa vụ quân sự.Ngày Minh nhập ngũ, cả gia đình đều không hay biết. Khi Quang vào phòng gọi cậu dậy ăn sáng, chỉ thấy một mẩu giấy, trên đó viết:

Anh!

Cuộc sống mà em mong muốn thật ra rất đơn giản. Em không thích nhìn ngắm những con chữ cứng nhắc trong mấy cuốn sách giáo khoa. Em muốn nhìn thấy cuộc sống, nhìn thấy con người, nhìn thấy thế giới này. Anh nói đúng, ai cũng phải học, nhưng không nhất thiết là phải dùng chung một giáo trình, chung một môi trường, chung một hoàn cảnh. Anh đừng cố ép mình vào trường Y nếu như nó quá sức của anh.

Em trai

Minh!

Quang cầm theo bức thư vội vã chạy tới địa điểm tập trung mà khó khăn lắm anh mới hỏi ra được, nhưng tới nơi chỉ nhìn thấy chiếc xe chở em trai mình đã đi dần khuất bóng.

Ai cũng cho rằng, một cậu học sinh cá biệt như Minh sẽ không thể theo được nề nếp huấn luyện trong quân đội. Nhưng khi Quang tới thăm Minh mới thấy được một hình ảnh hoàn toàn khác của em trai mình. Tóc cậu cắt ngắn gọn, khuôn mặt ngời sáng, rắn rỏi. Cậu nói, “Anh và mẹ ở nhà cứ yên tâm. Em sống ở đây rất tốt. Anh sắp thi rồi, không cần lên đây thăm em, cứ ở nhà lo ôn thi đi”.

Quang nói, “Anh vẫn thi trường Y, không vì em, không vì mẹ, không vì ai cả”.

Minh cười, huých vào vai anh trai mình, cho anh sự động viên khích lệ.

Sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng, cuối cùng Quang cũng thi đỗ vào trường Y. Nhưng ngoài dự liệu của anh, mẹ không vui như anh tưởng. Bà nói, “Mẹ chưa bao giờ lo lắng về con cả. Nhưng em con thì khác, nhiều khi mẹ không biết nó đang nghĩ gì, đang định làm gì. Mẹ cứ nghĩ nó là đứa ích kỷ, không biết nghĩ cho ai cả, nhưng nó lại tình nguyện đi lính thay con. Hôm ấy, mẹ đã đánh oan em con rồi”.

Bà vừa nói, vừa khóc nức nở. Quang cũng thấy khóe mắt mình cay cay. Đúng thế, em trai anh mới chỉ có mười mấy tuổi thôi, vì sao lại phỉ lặng lẽ ôm trong lòng nhiều tâm sự đến như vậy cơ chứ?!

Hè năm ấy, có một vị bác sĩ tương lai còn chưa kịp vui mừng vì con đường tương lai rộng lớn của mình, đã phải đón chào một thử thách quá lớn lao của cuộc sống.

Đơn vị của Minh phải đi cứu trợ cho một vùng mưa bão rất lớn. Mẹ và Quang ngồi xem thời sự trên tivi mà trái tim như muốn thắt lại. Quang không thể liên lạc được với em trai mình suốt hai ngày trời. Cả nhà không ai có được tin tức gì về Minh cả.

Bão gió cuốn trôi tất cả nhà cửa, đơn vị của Minh phải tham gia vào việc cứu trợ và đưa người dân đến khu an toàn. Thế rồi, Quang và mẹ nghe tin đã có những chiến sĩ bị nước lũ cuốn trôi. Quang không thể ngồi chờ thêm được nữa. Anh chạy đi khắp nơi để hỏi thăm tin tức về em trai mình, thậm chí còn muốn đi thẳng tới địa phương đó để tìm Minh.

Nhưng hai ngày sau, người ta nói thi thể của các chiến sĩ hy sinh đang được đưa ra đây, người nhà chuẩn bị tinh thần tới nhận, mà trong đó, có tên gia đình của Quang. Khoảnh khắc đó, anh không muốn tin vào bất cứ điều gì tai nghe mắt thấy. Thậm chí, buổi đêm Quang không dám đi ngủ, anh sợ rằng Minh sẽ đi vào giấc mơ của anh.

Ngày mà Quang và mẹ đón Minh về là một ngày vô cùng ảm đạm, không khí vô cùng ẩm ướt, bầu trời u uất sau những trận mưa. Người ta nói, Minh bị kẹt trong một khu đá sập, mất máu quá nhiều, lại không cấp cứu kịp thời nên không thể gượng thêm được nữa. Trên thi thể của Minh, người ta tìm thấy một mẩu giấy trong túi áo, nét mực đã hơi nhòe, do ẩm ướt mà giấy cũng có dấu hiệu muốn mủn ra, và còn vô số vết máu in hằn lên đó.

Tuy nhiên, Quang vẫn đọc được. Đó là những nét chữ nghuệch ngoạc của Minh cố gắng chút hơi sức còn lại để viết cho anh.

Anh!

Khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, em đã chọn lựa cứu cô bé ấy. Em nói cô ấy chạy đi, rồi báo người tới đây cứu em. Cô ấy đã khóc và chạy đi được một lúc lâu rồi. Nhưng có lẽ, em không chờ được cô ấy nữa. Khi đôi chân bị cả tảng đá nặng đè lên, em mới biết, tự do của một con người chính là ở trong trái tim họ.

Anh, em không hối hận.

Anh, sống chết, cũng chỉ đến thế mà thôi. Quan trọng là ta không hối hận.

Anh đã chọn lựa rất kỹ rồi, vậy thì đừng chọn cái gì để mình phải hối hận nhé!

Giúp em xin lỗi mẹ, và chăm sóc cho mẹ.

Minh!

Quang giữ chặt bức thư ấy trong tim, nước mắt nam nhi cứ thế tuôn rơi giữa một ngày trời không gợn mây ấy. Anh khóc, bởi vì đau đớn, anh khóc, bởi vì xót xa. Anh khóc, bởi vì, mất mát, đau thương, cũng đến thế mà thôi.