Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá

Chương 18: Hai Đường Thẳng Song Song

dm.xangtang

05/07/2013

Ánh nắng vàng nhợt nhợt chiều mồng ba Tết vẫn chiếu xuống hai đứa đang ngồi bất động, dường như chúng chẳng biết rằng không khí xuân ngoài kia vẫn ngập tràn. Ánh nắng tạo thành hai cái bóng dài, có lẽ nếu kéo dài chung ra thêm một chút nữa, tôi tin chúng có thể gặp nhau ở đâu đó.

Con Pun đa có lẽ là cầu nói duy nhất, lăng xăng chạy qua chạy lại giữa chủ nhân của nó và vị khách thân thiện, nó khẽ dúi đầu nó vào lòng bàn tay của Yên, rồi lặng chạy qua đòi tôi xoa đầu nhu lúc nãy. Nhưng có lẽ nó sẽ thất vọng khi thấy hai lòng bàn tay tôi đang úp vào nhau, mười ngón tay đan vào nhau, khẽ xiết chặt.

- Mấy tháng qua...! - Tôi mở lời trước.

- ... - Yên khẽ động đậy, gió lay động vài ngọn tóc dài.

- Khoẻ chứ..?

Cũng phải mất một khoảng thời gian lâu, tôi mới nhận được cái gật đầu đáp trả, thời gian dường như bị đóng băng hoàn toàn. Tôi lại xiết chặt bàn tay rối bời, chẳng biết phải nói gì thêm nữa.

Tôi có lẽ đã tập luyện cả trăm lần những khi thơ thẩn một mình, cả trong giấc mơ, cả những lần nhớ nhung bất chợt, trách móc có, tha thứ cũng có, nhưng giờ đây, khi đối diện với sự thật, đối diện với Yên, tôi mới biết chúng chẳng có ý nghĩa. Tất cả đều đi đâu sạch bách. Trống rỗng, tất cả vì cảm xúc đã chai sạn, hay nó chỉ là sự giả dối che đậy nhớ nhung, và khi giáp mặt đột ngột, nó chưa kịp trỗi dậy.

- Tín..ăn Tết có vui không? - Yên ngập ngừng xoa đầu con Pun đa.

- Cũng vui, tuy có điều...

- ...? - Yên bổi rối, gương mặt có chút ửng đỏ.

- Lớn rồi, không được lì xì thôi.

Yên khẽ cười, nụ cười rất duyên dáng ấy đã ẩn sâu trong tâm khảm tôi suốt một thời gian dài. Câu chuyện của chúng tôi ngắt quãng, đôi ba câu rồi dừng lại, đưa ánh mắt ngắm một mục tiêu vô định nào đó. Cả hai chờ đợi, cả hai tìm kiếm một cách mở bài hợp lý.

- Tín học sao rồi?

- Cũng tạm, chắc là nếm mùi sinh viên rồi! - Tôi nhún vai tỉnh bơ, nâng cốc nước chanh lên nhấp nhấp.

- Vậy hả?

- Ừ, còn Yên!

- Cũng hi vọng là không phải nếm mùi! - Yên vẫn chưa nhìn tôi một lần.

Tôi đặt cằm xuống mép ly, thở dài. Có vẻ giữa chúng tôi, khoảng thời gian sáu tháng nó tạo ra khoảng cách xa vô cùng.

“A trừ B bằng C, C bằng vô cùng”.

Có người nói, hai đường thẳng song song sẽ gặp nhau ở vô cùng, có thể cũng đúng. Nhưng liệu tôi với Yên có phải như vậy, vô cùng là ở đâu, và phải mất bao nhiêu thời gian để đến được vô cùng, thì người đời chưa bao giờ nói. Muốn tìm được nó phải tự mình bước đi thôi. Tôi thở đều lấy hết can đảm:

- Sao lúc trước gọi cho Yên không được?

- Ờ...Yên đổi số rồi!

- Đổi số? - Tôi hơi chùng tinh thần.

- Ừ, đổi số mới, không xài số cũ nữa! - Con Punđa dường như không đồng tình với cô chủ nó, sủa vài tiếng gầm gừ.

- Vậy sao, Tín không biết! - Giọng tôi não nề.

- Yên, xin lỗi..!

- Ừ, không có gì đâu?

- ...! - Vai Yên hơi run lên.

Tôi sợ nhất là nước mắt, nhất là nước mắt của người con gái như Yên rơi xuống vào ngày Tết. Tôi lại cầm ly nước lên cứu viện, tu một hơi sạch bách. Khà lên một tiếng sảng khoải, cố tình đánh lạc cảm xúc của Yên.

- Không sao đâu, chuyện đó đâu quan trọng.

- ...! - Yên xoa bộ lông xù con Punđa vuốt ve, mà tôi cảm tượng bộ lông xù trắng ấy như nỗi buồn cơ chứ.

- Dù sao, chúng ta cũng lâu rồi chưa gặp rồi, chuyện cũ nên quên hết đi! - Tôi ngửa mặt, hứng vài sợi nắng còn sót lại, mặt trời đã khuất sau ngồi nhà đối diện, cảm giác càng thêm tẻ nhạt.

- Ừ, cảm ơn Tín nhé!

- Đã nói không cần mà, vì chúng ta...! - Tôi ấp úng, định mở lời dốc hết tâm can.

- Tín say rồi hả? - Lần này thì tôi thoả lòng mong muốn, Yên đã quay sang tôi.

Vẫn mái tóc dài, gương mặt luôn ngời lên vẻ dịu dàng, đôi môi tươi tắn nhưng ánh mắt lại kiên định lạ thường. Một chút thay đổi ấy đã dập tắt hi vọng của tôi hoàn toàn.

Đúng là tôi say, nhưng tôi thừa biết mình say vì cái gì?

Nhưng có lẽ người đối diện không muốn tôi nói tiếp điều dở dang. Một sự trốn tránh vin vào cái cớ hoàn hảo.

“ Con trai có hơi men, nói cái gì cũng chỉ là bia rượu nói!”.

Và tôi chấp nhận cái lý do ấy.

Ánh đèn trước nhà của Yên được bật sáng, tiếng chị gái Yên trong nhà vọng ra.

- Tối rồi, hai đứa vào nhà chơi này!

- Vâng, chị cứ để bọn em ngoài này cũng được ạ!

Hai đứa tôi, dựa vào ánh chiều chập choạng, còn có thể giấu nỗi cảm xúc thoát ra sự kìm hãm lộ ra khuôn mặt, nhưng giờ dưới ánh đèn sáng, chẳng ai dám nhìn sang. Chỉ sợ, khi người ta nhận ra, bạn sẽ là người bị cuốn theo ý của đối phương.

- Thôi, tối rồi, Tín về đã!



- À, ừ..!

Tôi đi thật nhanh, cố lấy lại vẻ mặt bình thường chào chị của Yên. Rồi quay trở ra lấy xe trước sân. Yên mở cổng cho tôi mà ánh mắt lại hướng đi về phía chân trời xa xa. Người và xe khách qua khỏi cánh cổng.

- Yên, này!

- Sao vậy?

- Lì xì nè, may mắn lắm đấy! - Tôi đưa Yên bao phong bì lì xì đỏ chói. Ừ thì nó cũng là điều mà tôi chuẩn bị trong Tết cho riêng cô bạn thôi đấy.

Tôi lên xe, phóng đi, cố chạy càng xa càng tốt, chỉ để tránh một câu cảm ơn sáo rỗng. Ừ, thì thôi, rốt cuộc chúng ta chẳng là gì cả, chẳng là gì cả.

Đã từng muốn níu kéo, đã từng hi vọng, và giờ đây, thất vọng càng nhiều. Cảm xúc không còn như xưa, không còn là Yên chịu nghe tôi trải lòng mình ra trước. Ừ, cho dù tôi tôn sùng tình cảm trong lòng, chưa bao giờ nói cho Yên biết, chưa bao giờ thể hiện những gì mình nghĩ. Nhưng giờ đây, khi tôi nhận ra trong ánh mắt Yên vẫn còn tình cảm, nhưng sao vẫn né tránh đến cùng, không cho tôi có một cơ hội để sữa lỗi. Phải chăng, đây là sự trớ trêu, ác báo của cuộc đời.

Tôi biết rằng, mình có thể chịu đựng, có thể lì lợm với thời gian, nhưng dường như nó đã mất sạch khi thấy ánh mắt ấy.

Tôi chạy xe qua trở lại, điện thoại reo lên nãy giờ tôi cũng chả còn tâm trạng đâu mà bắt máy. Nhắn tin cho mấy đứa bạn an tâm rồi chạy xe một cách vô định.

Những cặp đôi đang cười nói với nhau bên kia đường, hạnh phúc dâng tràn trong ngày Tết vui tươi. Tôi hoà mình vào dòng người, nhưng không thể hoà mình vào dòng cảm xúc, lẻ loi riêng biệt một mình. Không biết nên trách mình như thế nào, trách mình ra sao, ngu ngốc, ích kỷ cũng đã muộn.

Mắt tôi cay xè, chắc chỉ là do gió vô tình thổi bụi cuốn qua thôi.

Về đến nhà, tôi trệu trạo ngồi nhai cơm trong bữa ăn cho có lệ, rồi nhanh chóng xin phép đi dạo xuống xóm. Lang thang qua những con đường nhỏ ngoằn nghèo, tôi cứ đi, đi mãi như đứa vô hồn. Định ghé qua nhà thằng Nhân, nhưng sợ vác cái mặt mốc meo thì mất hết không khí Tết nhà nó nên đành thôi. Cứ như thế, tôi còn chẳng biết mình sẽ đi đâu, đi đến nơi vô cùng nào nữa.

Sáng hôm sau, Mẹ tôi bất ngờ khi tôi dậy sớm hơn thường lệ, đang húi lúi dọn lại mấy cái ly trên kệ tủ. Có lẽ trong nụ cười của Mẹ tôi, nghĩ rằng tôi đã lớn hơn một chút, biết quan tâm hơn. Nhưng trong lòng tôi đó là định luật bù trừ. Khi bị khiếm khuyết trong lòng, thì tôi muốn dùng cái gì đó khoả lấp nó đi. Cách tôi chọn là làm việc.

- Mày làm gì mà hớn hở thế thằng kia! - Thằng Nhân đen đặt ly ca cao nóng hổi của nó xuống mặt bàn, xuýt xoa.

- Có gì đâu, lâu lâu không gặp rủ mày đi uống cà phê thôi. - Tôi tỉnh bơ, ném hạt dưa về phía nó.

- Trời sập chắc luôn! - Nguyệt ngồi bên vẻ mặt soi mói tôi.

- Nào có, nghi ngờ người tốt.

Cứ như thế, Tết của tôi là sự xoay vòng liên tục giữa những lần đi uống cà phê, sang họ hàng chơi với mấy anh chị đến hết ngày. Tối đến là tôi nằm trên giường cố tỏ ra vui vẻ nhắn tin cho hàng loạt đứa bạn, cho đến khi mệt nhoài mới thôi. Và giấc ngủ ngon luôn đến với thằng con trai trốn tránh.

- “Này, bao giờ cậu mới vào lại trường thế?”! - Mới sáng sớm Thương đã nhắn tin.

- “Chưa biết, còn lâu mới học mà!”.

- “Vô sớm đi, đi chơi với tớ!”.

- “Ặc, vô sớm chán lắm!”. - Tôi ngáp ngắn ngáp dài nhắn tin trả lời.

- “Quên vụ học anh văn rồi à?”.

Tôi gãi đầu, nhớ ra cái vụ hứa học Anh Văn với cô bạn. Giờ nó trở thành cái cớ để Thương bắt bẻ.

- “Nhớ chứ, nhưng bao giờ, với lại học ở đâu”.

- “Gần ngã tư Hàng Xanh nhé, sắp đăng kí rồi đấy!”.

- “Ừ, vậy là phải vào sớm à?”.

- “Chứ gì nữa, cậu hứa rồi!”.

- “Sao không ở nhà chơi Tết thêm đi, học sớm quá rồi đấy!”.

- “Chán lắm, hứa rồi đấy, tớ đi xem phim đây”!

Tôi thở dài, ném cái điện thoại trên mặt nệm, vùng chăn bật dậy.

Mấy ngày sau, tôi tạm biệt gia đình, trải qua một cái Tết đầy đủ hương vị, vui có buồn có, vào lại trường. Trước những câu hỏi vì sao vào sớm hơn trong khi lịch nghỉ còn đến cả tuần, thì tôi một mực kiên định với lí do: “học anh văn”!, nên Ba Mẹ tôi cũng đành đồng ý.

Một kiểu trốn tránh mới!

Mở cửa kí túc xá vào buổi sáng, kí túc xá khá buồn khi hầu hết sinh viên chưa lên nhiều. Cánh cửa mở ra, vài hạt bụi khẽ cựa mình hiện mình ra ngoài ánh sáng, đục đục mờ mờ. Bên phòng đối diện, cửa đã mở từ lúc nào.

- Đúng hẹn ! - Thương nhìn điện thoại, chắc là dò lịch đây mà!

- Chuyện, Tín mà!

- Có mang quà cho Thương không?

- Ơ, chết quên rồi! - Tôi vỗ vai vào trán, làm ra vẻ kẻ đãng trí.

- Dặn vậy rồi mà quên à?

Tôi mở balo, lấy gói cacao đưa cho Thương, cô nàng mới thôi bĩu môi và mời tôi đi ăn sáng coi như là hậu tạ.

- Cũng phải để tớ rửa mặt đã chứ!

- Chứ ai bắt cậu đi liền bây giờ đâu! - Thương lại hất hàm, lộ rõ vẻ bướng bỉnh.

Tôi lại chui vào cái phòng tắm lộ thiên, nói là lộ thiên bởi vì phía trên không có mái che, để cho sinh viên phơi đồ. Những mệt nhọc, bụi bặm khói xe hơn chục tiếng đồng hồ theo nước trôi sạch.

- Ăn Tết vui không? - Thương dừng tay hỏi tôi.



- Vui, chỉ có điều là lớn rồi nên không được lì xì nên buồn thôi! - Tôi vẫn cắm cúi, giải quyết đĩa mì xào trước mặt.

- Á, cậu chưa lì xì cho tớ đúng không? - Mặt cô bạn hí hửng cả lên.

- Rõ ngu, lại không ai đánh tự khai!

Thương càng ra vẻ đắc chí, xoè bàn tay hồn nhiên ra.

- Gì?

- Lì xì!

- Ăn mì đi nguội hết rồi kìa! - Tôi cắm cúi ăn tiếp.

- Lì xì rồi ăn. - Thương chẳng quan tâm đến đĩa mì xào trước mặt, quyết truy đuổi tôi đến cùng.

Hết cách, tôi xoè đống phong bì lì xì ra trước mặt cô nàng, chưa kịp mở miệng, Thương đã lấy hai cái.

- Ấy, một cái thôi chứ! - Tôi hoảng hốt đòi lại.

- Không, keo kiệt, hai cái đi!

Tôi nhăn mặt, còn Thương thì hồi hộp mở từng phong bì ra xem bên trong. Mặt cô nàng nhăn lại, còn mặt tôi thì giãn ra rồi phá lên cười.

- Tham thì thâm!

- Thôi, bốc lại đi, gì mà hai cái có mười lăm nghìn à!

- Quan trọng là tinh thần chứ không phải tiền bạc.

- Ăn gian, chắc cái nào cũng bỏ từng này chứ gì!

Tôi thản nhiên ăn mì, còn Thương thì nhất quyết kì kèo phải làm lại một lần nữa.

- Thôi, trả tiền đi kìa, người ta đòi rồi!

- Xí, nhớ đấy!

Tôi nhún vai, giơ cái bộ mặt :

“Chưa ngán ai bao giờ “ ra thách thức.

- Ủa, mà vài bữa học thì học lúc nào?

- Buổi chiều!

- Ẹc, vậy sao mà đi về!

- Thương mang xe vào rồi mà?

Thương nhún vai, nhại theo đúng thương hiệu tôi vẫn thường làm, chỉ có điều bộ mặt của cô nàng thì lém lỉnh vô cùng.

- Vấn đề là Tín phải đi học để chở Thương đi, coi như Thương cho đi ké!

- Cao thượng chưa?

- Chứ chẳng lẽ không?

- Thế giờ hậu tạ ra sao, nói luôn đi, đỡ lòng vòng.

- Dẫn Thương đi ăn kem!

Tôi nheo mắt nhìn đồng hồ. Chín giờ sáng, chắc chỉ có hai đứa bị vấn đề mới đi ăn kem giờ này mất. Tôi dẫn Thương lên khu kí túc xá trên, dẫn đi dọc vào những con đường mát rượi, đúng y chang như tôi nghĩ, quán kem chưa mở cửa.

- Ha ha, muốn hậu tạ cũng không cho nữa!

- Xí, mừng ra mặt còn gì?

- Tiếc đó!

Thương giơ chùm chìa khoá xe ra đưa tôi, nháy mắt đầy hàm ý:

- “Chở Thương đi ăn kem!”.

Tôi hết nước, đi ngược trở về kí túc xá. Theo cô bạn lấy xe, trong cốp xe đã để sẵn hai cái nón bảo hiểm, điều đó càng chứng tỏ Thương không phải là cô gái đểnh đoảng, mà rất kỹ tính, ít nhất với tôi, tôi cảm thấy thế.

Tôi cảm thấy cô bạn vui vẻ và nói nhiều hơn lúc bình thường, không hiểu là chuyện Tết có đúng như Thương nói là không có gì vui hay không nữa.

- Tết vui không?

- Hỏi hoài vậy, đã nói không rồi mà ông già!

Nắng chiếu xuống, hai cái bóng đang chạy xe trên mặt đường. Bất chợt tôi nhớ lại hai cái bóng song song ở trước hiên nhà Yên.

- Này, nghĩ gì thế, lo chạy xe đi kìa!

- À, ừ! - Tôi ép xe vào sát bên phải, cố gắng nhìn đường.

Hai cái bóng song song, hai đường thẳng song song sẽ chẳng bao giờ cắt nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook