Thu Nguyệt

Chương 54

Nhân Hải Trung

15/08/2020

Trước lễ tang của Thiên Nguyên đế, khắp kinh thành bao trùm một bầu không khí nơm nớp lo sợ, đặc biệt là đối với văn võ bá quan mà nói, từ tam công cửu khanh cho tới huyện úy hương quan tất cả đều không tránh khỏi sống trong tâm trạng phập phồng phỏng đoán, ngay cả những hoàng thân quốc thích kia cũng dè dặt cẩn trọng hơn bình thường rất nhiều, cả ngày âm thầm tính toán.

Nước không thể một ngày không vua, thái tử chịu tang, đại điển đăng cơ sẽ được tiến hành sau khi chôn cất tiên đế, nhưng việc lập thái tử không thể trì hoãn.

Tân đế duyên con cái bạc, nhiều năm như vậy nhưng chỉ có hai nhi tử một nữ nhi, từ xưa tới nay lập thái tử lập trưởng lập đích (con của dòng chính), đại hoàng tôn hiện tại cũng chính là đại hoàng tử do thái tử phi sinh ra, theo lý mà nói đó là ứng cử viên tốt nhất, nhưng sự đời không đơn giản như vậy.

Thái tử phi xuất thân cao quý, phụ thân chính là tiền hữu thừa tướng, cùng với hoàng hậu lúc trước cũng chính là đương kim thái hậu hiện giờ xuất thân cùng một gia tộc. Vương gia nắm giữ triều chính nhiều năm, một đường ủng hộ thái tử cho đến khi đăng cơ, chỉ tiếc đại hoàng tôn do Vương thế tử phi sinh ra từ nhỏ đã hoang đường vô độ, cơ hồ từ đầu đường đến cuối ngõ đều biết danh, nam sắc nữ sắc gì cũng không tha, ngay trong ngày tiên đế băng hà còn đang lưu luyến tìm hoa vấn liễu trong con ngõ kỹ viện trứ danh nhất kinh thành, khiến cho một đám nội thị nháo nhào tìm kiếm, gây ra một trận gà bay chó sủa náo loạn mịt mù.

Xưa nay hoàng đế gia thê thiếp thành đoàn, nhưng số nhân khẩu trong phủ thái tử lại ít ỏi đến đáng thương. Thái tử phi ghen tuông có tiếng lại gia thế bức người, năm đó nếu không có Vương gia như ngọn núi đứng sừng sững phía sau ủng hộ thì vị trí thái tử này không biết đã thuộc về ai, bởi vậy nhiều năm qua thái tử phi ngồi vững vàng trên ngôi vị, chiếm vị trí độc tôn trong phủ. Nghe nói năm đó trong phủ thái tử có nhiều nữ nhân mang thai nhưng trước khi sinh đều chết oan chết uổng, từ trên xuống dưới có không biết bao nhiêu oan hồn.

Về phần vị trắc phi duy nhất của thái tử, ban đầu vốn là a hoàn thắp đèn của phủ thái tử, vào phủ lúc thái tử đã gần bốn mươi và chỉ có một nhi tử duy nhất là đại hoàng tôn. Sau đó a hoàn này châu thai ám kết, thái tử đề phòng xảy ra chuyện ngoài ý muốn, tu sửa cho nàng một phủ riêng bên ngoài phủ thái tử, cuối cùng bảo vệ nàng ta sinh ra một nữ nhi, năm sau lại sinh hạ một nhi tử, một đôi trai gái phấn điêu ngọc mài, tiên đế yêu thích không rời, tự mình sắc phong nàng, lúc này mới có danh phận trắc phi của thái tử.

(*Châu thai ám kết: tằng tịu với nhau, vụng trộm mang thai.)

Đôi trai gái trăm cay nghìn đắng mới có được này, chính là Cảnh Ninh công chúa và thập nhị hoàng tôn Tử Cẩm.

Hai hoàng tử chênh lệch nhau mười tuổi, trưởng hoàng tử cành rậm rễ sâu, dòng họ bên mẹ nắm giữ quyền lực trong triều nhiều năm, hoàng tử thứ từ nhỏ đã thông tuệ, nổi bật xuất chúng trong đám hoàng tôn, cùng với việc giám sát và đôn đốc tác chiến ở Bắc Hải đại thắng trở về, đúng thời điểm được lòng dân.

Vương thừa tướng đã bệnh chết ba năm trước, mặc dù thế lực của dòng họ Vương trong triều vẫn lớn mạnh nhưng nay không thể so được với xưa. Nghe nói trước khi thái tử đăng cơ vẫn thường ở phủ bên ngoài, rất ít khi trở về phủ thái tử, đối với đại hoàng tử cũng chẳng mảy may quan tâm, dành hết sự cưng chiều ưu ái cho Tử Cẩm. Trước khi chiếu văn lập thái tử này hạ xuống, không ai có thể nói chính xác đến tột cùng vị trí thái tử này sẽ rơi vào tay ai.

Một ngày làm vương hơn cả đời làm chuột nhắt, huống chi chuyện này có liên quan đến ngôi vị chân long thiên tử vạn dặm giang sơn, cho dù hai vị hoàng tử còn chưa chuẩn bị đầy đủ, nhưng những người ủng hộ ở sau lưng bọn họ đã mưu tính sâu xa hơn mười năm, mắt thấy lần này không thể tránh khỏi trận chiến giành giựt ngôi vị đang từng bước tới gần, hầu như những ai chỉ cần có đầu óc minh mẫn một chút đã có thể ngửi thấy được mùi tanh của máu.

Những điều này đều là Từ quản gia từng chút từng chút một nói cho ta biết, vốn dĩ tướng quân bị thương nặng, các đại thần trong triều khó tránh khỏi bận rộn, lui tới thăm hỏi là điều không thể thiếu, nhưng hiện tại tình hình trong triều như ngàn cân treo sợi tóc, Vương gia gây áp lực mạnh, lôi toàn bộ đám văn võ đại thần ủng hộ thập nhị hoàng tôn lúc trước nay là nhị hoàng tử ra trấn áp buộc tội, chỉ cần tìm ra được một chút sơ hở là bị bãi chức điều tra thậm chí mất luôn của tính mạng.

Điều khiến cho người ta bất an nhất chính là chuyện đại tướng quân nắm giữ binh mã ba châu bị trọng thương trong khu săn bắn, tân đế vẫn một mực khoanh tay đứng nhìn không phán một lời, ai cũng biết nhị hoàng tử và tướng quân qua lại thân thiết, chuyện này được mọi người ngầm hiểu, dần dần gió trong chiều có xu hướng nghiêng về một phía. Trước khi đưa tang Thiên Nguyên đế, từ đầu tới cuối chỉ có Tử Cẩm và Cảnh Ninh công chúa tới thăm hỏi sư phụ. Tử Cẩm đến vào lúc nửa đêm, cùng tướng quân hai người trò chuyện trong phòng hồi lâu, lúc đi sắc mặt vẫn nghiêm nghị nặng nề, thời điểm đi ngang qua ta dừng bước lại gọi một tiếng ‘Tiểu Nguyệt’, gọi xong nhìn ta, màu sắc trong đôi con ngươi thâm trầm sâu lắng, tựa như có rất nhiều điều muốn nói.

Nhưng một câu cũng không có nói ra, bởi vì người bên cạnh hắn đã lên tiếng thúc giục, thanh âm tuy cung kính nhưng vẫn có thể nghe ra được sự cấp bách, hắn liền dẫn bọn họ rời đi, không ở lại dù chỉ một khắc.



Sau đó Cảnh Ninh cũng đến, nhưng đến vào ban ngày, cũng giống như lần trước, đưa tới vô số đồ đại bổ, nhìn thấy tướng quân, còn chưa kịp nói gì đã bắt đầu rơi nước mắt, một người đẹp như vậy, dáng vẻ thùy mị kiều diễm như hoa lê vương giọt mưa, nhưng cứ khóc không ngừng khiến người ta đau cả đầu, còn làm cho sư phụ phải hao tổn tinh thần và sức lực an ủi nàng.

Từ quản gia ngày đêm lo lắng, Từ Bình đêm ngày mặt mũi đăm chiêu, đao kiếm không rời thân, khóe miệng vốn nhếch lên đã rất lâu rồi không được nhìn thấy, gần như sắp biến thành một người khác.

Trái lại người bình tĩnh nhất lại chính là tướng quân, ở trong phủ không hề nhắc một chữ tới chuyện này. Sau khi thân thể khỏe hơn vẫn bẩm báo đang mang bệnh trong người, cũng không vào triều, còn có lòng dạ thảnh thơi dạy ta thổi sáo.

Ta rất cố gắng học, nhưng nỗ lực mấy ngày vẫn không thể thổi được, thường khiến cho mấy tiểu nô bộc đi ngang qua phải bịt tai.

Ta có hơi nản lòng, buông cây sáo nói với sư phụ: “Khó nghe như vậy ạ?”

Thời điểm nói chuyện, chúng ta đang ngồi trong đình viện, vừa đúng ngày mùa thu, gió cũng không lạnh, sư phụ hồi phục khá tốt, mấy ngày nay đã ho rất ít, sắc mặt cũng hồng hào hơn rất nhiều, nghe vậy mỉm cười.

“Bài khúc này hơi khó, đổi lại một bài đơn giản.”

Nói uyển chuyển như vậy… sư phụ đối với ta thật tốt.

Ta đưa cây sáo cho sư phụ: “Sư phụ, vậy thì chàng thổi đi, ta nghe ạ.”

Sư phụ lắc đầu: “Để lần tới.”

Ta cũng không nhất mực khăng khăng, nhìn thời gian đứng lên nói: “Ta đi bưng thuốc tới.”

Chờ thời điểm ta trở lại, xa xa nghe thấy tiếng sáo.

Là làn điệu ta đã từng nghe qua, khi đó ở quân doanh thường có người ngân nga, binh lính bình thường đều biết. Có lần sư phụ đi tuần tra quân doanh về muộn, ban đêm ta đi vòng quanh trong doanh trại tìm người, chưa đi được bao xa thì nhìn thấy có người ngồi vây quanh đống lửa hát bài này, thoạt đầu chỉ một người cất giọng, từ từ những người khác cùng hòa theo.



Nhìn khói lang cuộn lên nơi phương bắc (*Khói lang: khói báo động, đốt phân của con sói làm khói ám hiệu báo động.)

Lòng như hoàng hà trải mênh mông

Bao huynh đệ vùi thây nơi tha hương

Há gì cái chết đáp đền non sông

Đất Liêu buốt giá, ánh lửa chiếu vào gương mặt bọn họ, gió thổi những tiếng ca ưu tư trầm thấp vang vọng thật xa, một cảnh tượng khiến ta cả đời khó có thể quên được.

Tiếng sáo réo rắt da diết, sư phụ thổi sáo, bóng lưng như bức tranh tĩnh lặng, ta bỗng nhiên nghe thấy trong lòng hốt hoảng, đang muốn bước thật nhanh chạy đến, khóe mắt đột nhiên nhìn thấy Từ Bình đang đứng một mình trong góc, trong tiếng sáo lông mày rủ xuống, trong mắt tràn đầy bi phẫn.

Ta nghĩ tới những lời Từ Bình đã nói: ‘Tướng quân, bọn thuộc hạ nguyện đổ máu trên chiến trường…’

Ta cũng buông rủ rèm mi, sao có thể không thương tâm cho được? Cho dù sư phụ không hề nói bất cứ lời nào.

Sau khi tiên đế băng hà một tháng, hoàng lăng cuối cùng cũng đã chuẩn bị xong, triều đình đại tang, ngày đưa tang hôm đó văn võ toàn triều xếp hàng ngoài cổng Huyền Vũ quỳ nghênh đón linh cửu tiên đế, chiếu văn được đưa tới phủ tướng quân, Từ nội thị tuyên đọc, tướng quân quỳ tiếp chỉ ngoài sân trước.

Ba ngày sau, vừa qua giờ tý, sư phụ ăn vận chỉnh tề chuẩn bị lên đường, các quan lại phải có mặt ở cổng Huyền Vũ trước khi mặt trời mọc. Cuối thu, sương đêm rét lạnh, cũng không biết nhóm lão thần tử tuổi tác đã cao làm thế nào để chống đỡ.

Ta vừa cột áo giáp cho sư phụ vừa lo lắng: “Bên ngoài lạnh như vậy, không phải đến giờ dần mới đưa tang sao? Sao lại phải đứng trong gió sớm như vậy.” (*Giờ dần: 3-5 giờ)

Sư phụ khẽ mỉm cười: “Không có việc gì, lúc này nếu ở Bắc Hải, khắp nơi phủ trắng sương giá.

Ta rủ mi mắt, lặng lẽ nói thầm một câu.

Lúc này nếu ở Bắc Hải, sư phụ chàng đã không bị thương bị bệnh, tự do thoải mái ra vào quân doanh trên vạn người của địch kìa.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Thu Nguyệt

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook