Tâm Ma

Chương 16: Trần Kiến Anh

ComeToHell

24/03/2015

Hơn hai mươi năm trước, Lão Ba vốn tên là Trần Kiến Anh, người xứ Bắc, ven sông Ngũ Huyện Khê (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) xuất thân khá giả, không những nhiều ruộng đất lại có nghề làm gốm gia chuyền, đặc biệt gốm nhà này nét sắc thái riêng biệt, men da lươn, dáng của gốm mộc mạc,thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình nên rất đắt khách. Kiến Anh tính tình vui vẻ, ưa náo nhiệt, hiếu thắng, tuy vậy, gã luôn hào hiệp và rộng lượng, lại là người “thấy chuyện bất bình chẳng tha”, chính vì vậy, gã kết giao với rất nhiều bằng hữu và bạn bè giang hồ, đặc biệt là các anh em Huynh Đệ hội. Lâu dần, gã gia nhập Huynh Đệ hội, tuy không phải là nông dân hay người khốn khó nhưng lão được anh em rất quý mến và tôn trọng bởi sự phóng khoáng, hào hiệp của mình.

Kiến Anh có một người vợ xinh đẹp, nết na, tháo vát tên là Thị Kim. Mọi công việc trong nhà, thị luôn vun vén chu toàn, lại chăm lo cho chồng ân cần, Kiến Anh yêu thương vợ vô cùng. Đặc biệt, Kiến Anh rất ham mê võ nghệ, việc gia đình, đồng áng, làm lụng đã có vợ quán xuyến, người làm trông coi, gã gần như chỉ giành thời gian luyện võ, luận đàm võ nghệ. Thấy gã xứng bậc hào kiệt, Lão Hai lúc bấy giờ của Huynh Đệ hội nhận gã làm đệ tử, dốc tâm chuyền thụ võ nghệ của mình cho gã. Không phụ lòng thày, Kiến Anh tiến bộ rất nhanh, chỉ trong vòng 3 năm đã trở thành bậc thiếu niên tuấn kiệt, nổi danh cả vùng.

Lúc ấy, gã được sư phụ chuyền cho Bộ Hàn Thủ Chưởng gồm 3 quyển, gã đã thấm nhuần 2, vận thuần thục một nửa, còn riêng quyển thứ 3 gã vẫn chưa thấy bao giờ. Bộ Hàn Thủ chưởng này do chính sư phụ Kiến Anh sáng tạo ra, lấy ý tưởng từ bộ Khí trong Kim Hòa kiếm, nhưng lại sử dụng quyền là chủ yếu, không dùng vũ khí, coi trọng khí và lực. Luyện chưởng thì khả năng di chuyển tự nhiên tăng tiến, lấy tốc độ làm lợi thế, lấy sức mạnh để chiếm tiên cơ, áp sát mà công, tránh né mà thủ, chiêu thức phiêu diêu tự tại. Là đệ tử chân chuyền, bằng ấy võ công đã giúp cho gã là 1 trong những người đứng đầu giới thiếu niên anh hùng thời ấy. Tuy nhiên, so với các bậc cao thủ đương thời, gã vẫn bị coi là bậc con cháu chiếu dưới. Tính tình háo thắng, ưa tranh phong, gã không ít lần muốn giao đấu với các bậc tiền bối, nhưng do kinh nghiệm còn ít, khí – lực lại phát triển chưa trọn vẹn, gã thường chỉ 1,2 chiêu đã nhận phần thua. Không đành lòng, có lần Kiến Anh hối thúc sư phụ chuyền nốt cho quyền cuối trong bộ võ công. Lần ấy, gã bị sư phụ quở trách rất lâu về tính thiếu kiên nhẫn, sử võ công chỉ mong tranh đoạt với người khác, cuối cùng, sư phụ gã nguôi giận mới gọi lão vào mà giảng giải: “Quyển cuối của Hàn Thủ chưởng chiêu thức mạnh mẽ nhưng tàn độc, về đường lối ta vẫn chưa hoàn chỉnh chu toàn được, có nhiều khiếm khuyết. Khi chiêu phát ra không thể dừng lại, vì vậy tâm người sử võ phải tĩnh, trải nghiệm cuộc đời phải phong phú thì mới điều khiển được chiêu thức, nếu không hậu họa khôn lường, giờ con chưa thể lĩnh hội được.” Kiến Anh nghe câu được câu chăng, vẫn ấm ức trong lòng.

Bữa ấy là rằm trung thu, công việc đồng áng cũng vãn, Kiến Anh làm vài mâm cỗ, mời sư phụ và anh em đến nhà ăn uống, ngắm trăng bàn chuyện thiên hạ. Anh em gặp nhau là vui, nói chuyện rôm rả, lại được lúc nông nhàn, ai cũng thoải mái nên có phần quá chén. Riêng Kiến Anh tửu lượng khá nhất, cả đám say nhè rồi mà gã mới hơi chếnh choáng. Tiệc tàn, trăng sáng vằng vặc, tiết thu mát mẻ trong veo, Kiến Anh thầm cảm tạ ông trời đã cho gã một cuộc sống yên lành, nhưng nào ngờ, đó cũng sắp là những ngày vui vẻ cuối cùng trong cuộc đời gã. Anh em đã say hết, thấy sư phụ gã cũng ngà ngà, Kiến Anh dìu lão vào phòng nghỉ, nào ngờ vừa đặt sư phụ nằm xuống, trong áo liền rơi ra một quyển sách. Kiến Anh định bụng cất sách vào chỗ cũ thì nhìn thấy tên sách dòng chữ chỉnh tề “Hàn Thủ Chưởng” kèm 3 gạch ở dưới. Kiến Anh cảm thấy chộn rộn, không kìm được tò mò, gã liền mở ra, chỉ định xem qua một lượt. Nhưng đã là người học võ mà thấy võ công thượng thừa thì đâu thể dứt ra dễ dàng, hơn nữa đây lại là phần tiếp theo của bộ võ gã đang luyện, đọc theo cuốn hút dễ hiểu vô cùng, như nước ngấm vào đất khô. Gã cứ thế độc ngấu nghiến từng trang, quên hết cả thời gian cùng những lời giảng giải của sư phụ. Kiến Anh lại là người thông minh sáng dạ, học 1 hiểu 10, đọc qua một lượt, những chỗ khó hiểu gã xem lại 1 lượt là nhớ hết. Vừa sợ, vừa sung sướng, Kiến Anh run rẩy cất sách vào trong áo sư phụ, vội vàng đi về phòng. Cả đêm ấy, gã vui đến tỉnh ngủ, các chiêu thức cứ lởn vởn trong đầu. Quá hứng thú, Kiến Anh quên sạch lời sư phụ, hàng ngày đóng cửa trong nhà tập luyện, gã nhận ra rằng, để luyện hết cả quyển cũng phải mất thời gian dài, hơn nữa quyển này vẫn chưa hoàn chỉnh làm gã có phần mất hứng, nhưng tính tình nóng vội, Kiến Anh bỏ qua hết lượt tập luôn 3 chiêu cuối. Biết là điều đại kỵ trong luyện võ nhưng Kiến Anh vẫn nhắm mắt làm bừa. Tập luyện hơn 3 tháng trời, tuy còn chỗ trúc trắc nhưng khí lực cũng đã thành hình, Kiến Anh phấn khởi vô cùng. Chiêu cuối cùng là Nhất Hàn Thủ, chưởng lực mạnh mẽ âm lãnh, Kiến Anh thử một chưởng mà in hình bàn tay lên thân cây, gã hớn hở ra mặt, phen này chắc hẳn gã sắp được lên hàng chiếu trên.

Chiêu thức luyện thành, Kiến Anh mừng khấp khởi mà không dám chia vui cùng ai, gã vào quán uống rượu một mình đến say rồi mới về. Nào ngờ hôm đó, tai họa ập đến. Về đến nhà, trời đã nhá nhem tối, thấy Kiến Anh chân đi liêu xiêu, Thị Kim đứng đợi ở sân nhà đã lâu, vội vàng ra đỡ. Vào đến nhà, thay quần áo rửa mặt mũi cho chồng, thị dìu gã lên giường nằm. Kiến Anh tâm trạng phấn khởi lại say rượu, nói cười lảm nhảm. Thấy con muỗi đậu trên bụng vợ, Kiến Anh giơ tay đánh nhẹ, nào ngờ phát ra một chưởng Nhất Hàn thủ, lúc chưởng phát ra, gã đã biết có chuyện không hay, nhưng vì tập luyện sai đường lối, Khí – Lực của chiêu thức lại còn chưa hoàn chỉnh nên không thể quay đầu. Một chưởng vô tình như búa bổ giáng xuống Thị Kim, vốn là nữ nhi mỏng manh, nàng tắt thở ngay lập tức. Kiến Anh choáng váng, rượu đã tỉnh 7,8 phần. Ôm Thị Kim trong lòng, gã gào lên thảm thiết. Người nhà nghe tiếng chạy vào không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy Kiến Anh ôm Thị Kim, ngay giữa bụng nàng, chiếc áo thủng đúng hình bàn tay, in dấu tím bầm lên da thịt.

Lo ma chay cho Thị Kim xong, Kiến Anh đau khổ vô cùng, bần thần như người mất hồn. Sư phụ Kiến Anh nghe tin, vừa tức giận vừa đau xót, cảm than: “Một bộ Kim Hoàn kiếm còn chưa đủ hay sao, cần chi đến “Hàn Thủ chưởng”, người triệu Kiến Anh đến đánh gãy cả hai tay, sau đó hủy luôn bộ Hàn Thủ Chưởng, từ đó không chuyền cho ai nữa. Anh em Huynh Đệ hội thấy vậy sợ hãi can ngăn, đưa Kiến Anh đi trốn biệt, hơn nữa gã cũng đã phạm phải tội giết người, chuyện đến tai quan phủ không thể tránh khỏi cảnh lao tù. Từ sau đó, không còn ai thấy Kiến Anh nữa.

Về sau, khi Lão Hai lâm bệnh nặng, muốn gặp Kiến Anh, anh em Huynh Đệ hội chia nhau ròng rã hơn 1 tháng mới tìm thấy Kiến Anh trong bộ dạng gã ăn mày, trông hết sức thảm hại. Kiến Anh về đế thì sư phụ gã vừa tắt thở. Sau được anh em khuyên giải, nỗi đau cũng nguôi ngoai, Kiến Anh mới dần hồi tỉnh lại. Cũng từ đó, những kẻ không ưa Kiến Anh thường lấy chuyện này của gã ra giễu cợt, vì lỡ tay đánh muỗi mà giết nhầm vợ khiến lão đau đớn vô cùng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Tâm Ma

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook