Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 8: Vô tình bất tự đa tình khổ

Vô Tụ Long Hương

16/04/2015

Tôi không đặt hết hy vọng lên lão hòa thượng nữa, bắt đầu trải lưới rộng khắp. Tăng nhân, đạo sĩ, thầy tu, thầy côn, bà đồng, thầy bói… Chỉ cần là người có chút tiếng tăm, bản lĩnh cao một tý thì tôi đều tìm cách buộc họ đến kinh thành, sau đấy cải trang dò hỏi. Tiếc là toàn một đám người ‘thùng rỗng kêu to’, chẳng ai có biện pháp cả.

So ra thì hòa thượng già vẫn cao tay hơn, dù sao lão cũng đã nhận ra lai lịch của tôi. Tôi chỉ có thể ‘quay đầu là bờ’, gửi gắm trọng trách nặng nề cho lão. Tôi tìm kỳ thư rồi ép lão ngâm cứu, nghiệm ra biện pháp từ đống sách ấy.

Thỉnh thoảng, tôi hơi có vẻ giận cá chém thớt với Vô Trần, nếu chẳng phải vì muốn cứu vớt đời anh ta, tôi tội gì phải đến nước này? Anh ta luôn bật ánh mắt vô tội lên, lặng lẽ chịu đựng. Điều đó khiến tôi lập tức mềm lòng, mềm cả tay, không thể tiếp tục hành hạ. Nghĩ kỹ lại thì việc này cũng chẳng thể trách anh, đều do ông trời giở trò. Nhưng tôi đã thề sẽ không rủa trời trách đất nữa, thế là đành nín lại đến mức nội thương. Không thể bùng nổ trong im lặng thì biến thái trong im lặng, Tô Mạt Nhi bảo rằng tính tình gần đây của tôi hơi dị.

Ngày lại qua ngày, Vô Trần mất đi nét trẻ con, phô ra cái vẻ trưởng thành và phong thái hợp với tuổi của mình, hóa thân thành một vị công tử thanh thoát trong thời thế hỗn loạn này, đặc biệt là khi anh cười dịu dàng với tôi, dùng giọng nói trong trẻo lương thiện kia gọi tôi là ‘Thanh Thanh’ (sau khi hòa thượng già biết thân phận của tôi đã thận trọng hơn nhiều, chỉ mỗi Vô Trần không rõ sự đời mới đối đãi với tôi y như cũ), trái tim già nua của tôi đã bắt đầu ca những nhịp trẻ trung, tựa hồ muốn bóp nát cả lồng ngực. Không ổn rồi, cứ thế này, tôi sẽ chết. Càng lúc tôi càng thấy anh hấp dẫn mình mãnh liệt, tôi càng hi vọng mình vẫn là Lâm Tử Thanh; nhưng ở nơi đây, tôi chỉ có thể làm trưởng bối của anh ấy; còn khi trở về, nơi ấy lại không có anh; tóm lại, tôi và anh chắc chắn không thể thành đôi, để tránh mình càng lún càng sâu, thừa dịp ‘thích’ vẫn chưa chuyển thành ‘yêu’, tôi bắt đầu tránh né Vô Trần.

Tôi cố gắng xác định thân phận trưởng bối của mình, nhưng đến khi có biết bao nhiêu là vương công mệnh phụ* (tầng lớp quý tộc) đến trước mặt tôi bày tỏ rằng muốn vời anh làm con rể, tôi cứ luôn cảm thấy chua xót.

Tôi hiểu rằng đây không phải chuyện của mình, cũng chẳng có lý do gì để làm lỡ tuổi xuân của Vô Trần, và biết đâu đó lại là cách để chặn lại ảo tưởng kia. Thế là bèn xây một khu nhà ở ngoài cung cho anh, để anh có cơ hội giao thiệp với những cô gái ấy. Nhất thời ong điên bướm đảo, đông như trảy hội, ngay cả ông bố và bà mẹ kế lâu không gặp của anh cũng trà trộn đến. Vì ‘cung không đủ cầu’, thế nên quậy ra vô số tranh chấp.

Dường như Vô Trần chịu không nổi những phiền phức này, phần lớn thời gian vẫn ngụ trong cung. Tôi hi vọng anh hạnh phúc nên tuyên bố giao quyền quyết định lại cho anh, bất kể là ai cũng không thể ép người. Lề thói cách trở giữa nam và nữ dân tộc Mãn không quá nghiêm khắc, thường có người mượn danh nghĩa đến vấn an tôi để tiếp cận anh ấy, tôi cố nén đau lòng, phối hợp với họ bằng thái độ của bậc bề trên. Ầy, đến giờ tôi vẫn không tin rằng có một ngày bản thân lại quên mình vì người.

Đứng từ xa nhìn mấy cô gái nhỏ ẩn hiện xung quanh Vô Trần, A không đủ thùy mị, B mặt mày tầm thường, C quá mức yếu đuối, D đầu óc nông cạn… Nhưng dù gì chăng nữa, tuổi trẻ chính là vốn, là tư cách để theo đuổi Vô Trần. Ông trời à, sao ông không cho con nhập vào xác của một cô nàng đương lúc thanh xuân chứ? Sao lại khiến con phải lựa chọn giữa người yêu và người nhà, lưỡng lự giữa đi và ở, con cũng biết thế nào là khó xử chứ! Nếu thật sự không thể không xuyên vào xác một bà già thì sao người lại đặt “hàng tốt” đến vậy trước mắt con chứ! Là duyên phận nghiệt ngã gì đẩy con lâm vào cảnh đau thương như này?

Tôi lẩm nhẩm: Sắc tức thị không, không tức thị sắc… Nhưng sao tôi vẫn không nén nổi những suy nghĩ xấu xa trong lòng? Thứ tôi không đạt được thì đừng hòng ai đạt được. Cứ đợi ông trời sắp đặt thì chả biết đến ngày nảo ngày nao tôi mới đòi được nợ, chẳng thà tôi chủ động ra tay. Cơ mà món nợ nửa mạng này chẳng đo lường được, thường nghe người ta nói rằng “đánh cho mày chỉ còn nửa cái mạng”, nhưng sao mới có thể đánh đến vừa đúng nửa sống nửa chết chứ, mạng làm gì có chia một phần ba hay ba phần tư đâu?

Tôi lén lút hỏi hòa thượng già, đòi nợ quá mức người ta phải trả thì sẽ gặp hậu quả gì, lão ta bảo rằng sau khi trở về có thể biến thành heo, chó, hoặc lại giống tình trạng chúng tôi bây giờ. Tôi chỉ đành từ bỏ, chẳng muốn phải nếm trăm cay nghìn đắng xuyên trở về làm thú cưng cho Sở Y Phàm, cũng chả mong kiếp sau mình vẫn dây dưa nợ nần. Thế nên tôi điên lên, mắng hỏi tại sao kiếp trước lão hòa thượng kia lại tranh công với mình, nếu không, giờ một mạng đổi một mạng, tiện biết bao nhiêu! Hòa thượng già cũng lấy làm uất ức, nói rằng nếu chả phải do tôi nhúng tay vào phá, lão ta đã sớm dứt nợ rồi. Cả hai chúng tôi nhìn nhau cười khổ, có lẽ tôi đã cảm thụ sâu sắc được ý nghĩa các tác phẩm của Hoàng Hồng* (một diễn viên kịch nói của Trung Quốc), Hoàng Thế Nhân* (một nhân vật phản diện trong tiểu thuyết Trung Quốc) sống cũng chẳng dễ dàng gì.* (Hai nhân vật ấy mình cũng chỉ biết sơ sơ, vì tra google không có nên không thể giải thích rõ ràng đoạn trên được.)

Với tôi, Vô Trần giờ như gân gà, vứt thì tiếc, cơ mà ngon đi chăng nữa, tôi cũng chả còn răng nhai. Tôi chỉ đành ‘mắt không thấy, tâm không phiền’, ngoài giờ làm việc công thì không tiếp xúc với anh nữa. Những lúc u sầu trước kia, tôi vẫn có thể giải bày với Vô Trần, giờ đây muộn phiền đều là vì anh mà có, tôi đã chẳng thể cất tiếng lòng mình. Tôi đã mất đi vùng lãnh địa riêng cuối cùng, tính tình Lâm Tử Thanh đã chịu áp lực rất lớn, tôi vô cùng sầu não.

Một buổi chiều thu, tôi vào Uẩn Tú trai một mình. Tôi vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm, cung nữ và thái giám không thể lai vãng. Hòa thượng già đã đến chùa Giới Đài thăm bạn hữu, sẽ ở lại đấy mấy hôm. Vô Trần đã về nhà mình, sau khi anh càng lúc càng được Thái hoàng thái hậu xem trọng, mẹ kế thân thiện hẳn lên, đến khi có vài cô tiểu thư nhà quan ném tú cầu* (phong tục kén rể) cho anh, ‘tình thương’ của bà ta tuôn trào dữ dội, thường bảo anh về chơi vài bữa. Vô Trần không nỡ để bố mình khó xử, cứ ba lần được mời thì một lần đi. Hôm nay là ngày anh về nhà, thường sẽ ở lại đó khoảng hai, ba ngày. Thế nên hôm nay, đình viện to như này chỉ có mỗi tôi.

Tôi nhớ hai hôm trước Tô Mạt Nhi đã nói với mình rằng cách cách nhà Hiển thân vương rất thân thiết với Vô Trần, cha mẹ hai nhà đã bắt đầu giao thiệp, có lẽ sắp thành hỉ sự, không chừng lần về nhà này của Vô Trần là để hứa hôn. Tuy đã dặn lòng đừng mơ hão nữa, mẩu tin này vẫn như kim châm đau nhói tim tôi, vì thế tôi mới ở đây phiền muộn một mình.

Tôi lôi giấy bút ra, mài mực xong bắt đầu luyện chữ, cố để lòng lắng lại.

Vung bút lên:

Quân sinh ngã vị sinh,

Ngã sinh quân dĩ lão.*

(Chàng sinh thiếp chưa sinh,

Thiếp sinh chàng đã già. – Phương Thảo dịch.)

Sao lại là câu này? Lòng rối bời hơn. Đổi bài:

Quân nhược vô định vân,

Thiếp tác bất động sơn,

Vân hành xuất sơn dịch,

Sơn trục vân khứ nan.*

(Chàng là mây vô định,

Thiếp là núi chẳng lay,

Mây bay ngang núi dễ,



Núi chẳng đuổi kịp mây. – Tự dịch)

Sao lại không thoát được nữ nhi tình trường* (tình cảm nam nữ) vậy? Tôi đổi hoài đổi mãi, cuối cùng viết:

Nhất cá thị lãng uyển tiên ba,

Nhất cá thị mỹ ngọc vô hà.

Nhược thuyết một kỳ duyên,

Kim sinh thiên hựu ngộ trước tha;

Nhược thuyết hữu kỳ duyên,

Như hà tâm sự chung hư thoại?

Nhất cá uổng tự ta nha,

Nhất cá không lao khiên quải.

Nhất cá thị thuỷ trung nguyệt,

Nhất cá thị cảnh trung hoa.

Tưởng nhãn trung năng hữu đa thiểu lệ châu nhi,

Chẩm cấm đắc thu lưu đáo đông, xuân lưu đáo hạ!*

(Một bên hoa nở vườn tiên,

Một bên ngọc đẹp ko hoen ố màu

Bảo rằng chẳng có duyên đâu,

Thì sao lại được gặp nhau kiếp này?

Bảo rằng sẵn có duyên may,

Thì sao lại đổi thay lời nguyền?

Một bên ngầm ngấm than phiền,

Một bên theo đuổi hão huyền uổng công.

Một bên trăng rọi bên sông,

Một bên hoa nở bóng lồng trong gương.

Mắt này có mấy giọt sương,

Mà dòng chảy suốt năm trường được chăng? – Nhóm Vũ Bội Hoàng dịch.)

Tôi ngẩn người nhìn câu ‘Nhược thuyết một kỳ duyên, Kim sinh thiên hựu ngộ trước tha; Nhược thuyết hữu kỳ duyên, Như hà tâm sự chung hư thoại?’, chỉ thấy cảm giác nhức nhối bén nhọn đâm xuyên tim mình, bút rơi xuống đất, tôi suy sụp, bò dài ra bàn, nấc lên.



Sao lại làm vậy với tôi? Tôi nổi giận đập bàn, tôi không muốn làm bà già, tôi muốn về nhà, tôi muốn trưởng thành từng ngày, tôi muốn được đàng hoàng yêu một ai đó, cũng muốn người ta yêu mình nghiêm túc, tôi không thích thế này, huhu…

Có người vỗ nhẹ lên lưng tôi, “Thanh Thanh, cô sao thế?” Tôi ngơ ngác ngẩng đầu lên, là Vô Trần đang lo lắng nhìn tôi, sao anh lại về? Anh đến góc phòng lấy một ít nước, bê đến đây rồi nói: “Cô rửa mặt đi.” Tôi cúi đầu, nhìn bóng ngược của mình dưới nước, nước gợn lên khiến gương mặt Hiếu Trang bị bóp méo, tuy vậy vẫn thấy rõ nước mắt loang lổ trên nét mặt già nua kia, rất buồn cười, nếu hình ảnh này bị Lâm Tử Thanh trước kia thấy được chắc chắn sẽ bị cười trộm một lúc lâu, nhưng bây giờ tôi lại là chủ nhân gương mặt ấy, thế nên lòng đầy bi thương. Tốt thôi, bày gương mặt xấu nhất của tôi cho anh thấy, để anh ghét mình đi.

Tôi chậm chạp rửa mặt, nước mát lạnh, tim cũng dần rét mướt. Tôi phủ khăn tay che mặt, chờ đến lúc tâm trạng ổn định mới lấy xuống. Vô Trần đang cầm những tờ giấy luyện chữ lúc nãy của tôi lên xem. Trên đấy toàn là tiếng lòng bí mật của mình, tôi hoảng hốt, định giật về nhưng dừng lại, thôi cứ để anh biết, anh sẽ coi thường tôi, sẽ chế nhạo tôi ‘cóc mà đòi ăn thịt thiên nga’, thế thì tôi sẽ có thể từ bỏ.

Vô Trần ngẩng đầu lên, tôi dùng bộ dáng ‘lợn chết không sợ nước sôi’ chuẩn bị đón lấy ánh mắt chán ghét đến vứt bỏ của anh. Không có, thế mà ánh mắt anh lại trong veo, có lo lắng, có ngờ vực, còn có chút xíu tâm trạng mà tôi không hiểu là gì, nhưng tuyệt chẳng có tý chán ghét. Vô Trần, anh tốt đến thế, anh là người lương thiện khoan dung như vậy, với một người như em mà anh vẫn có thể bày ra ánh mắt trong veo ấy, nhưng vì sao em lại gặp anh trong tình huống này? Nếu em là một đứa què chân mù mắt, em vẫn có thể thân tàn chí kiên* (mình tàn nhưng chí không tàn), cố gắng vượt qua rào cản giữa chúng ta; nếu thứ ngăn cách chúng ta là tiền tài quyền thế, em vẫn có thể từ bỏ tất cả cùng anh đến góc biển chân trời. Nhưng vì sao lại như này? Vì sao?

Nước mắt tôi không thể kìm được liền rơi xuống, uất ức chẳng nói nên lời đầy ụ trong lòng. Vô Trần nhẹ nhàng ôm tôi, tôi không tránh, căn vặn bản thân rằng chỉ lần này thôi, sau này sẽ rời đi thật xa vậy. Tôi ôm ngược lấy anh, vùi đầu vào ngực mà nức nở thành tiếng. Nhịp tim anh bình yên vang vọng vào màng nhĩ, cảm xúc của tôi dần dần lắng lại.

Vô Trần khẽ gọi: “Thanh Thanh, Thanh Thanh, ta đã nghĩ chỉ mỗi mình như thế, ta đã nghĩ em sẽ chẳng chú ý đến mình, hôm nay mới biết hóa ra mình chẳng phải mơ mộng hão huyền.” Thì ra tôi cũng chả bị hoang tưởng, té ra anh ấy cũng thích mình, nước mắt tôi lại tuôn rơi, bấy giờ trong cay đắng lại trộn lẫn vị ngọt ngào.

Thật lâu sau, tôi đẩy Vô Trần ra, anh khó hiểu nhìn tôi, tôi đặt tay lên ngực, nén nước mắt nói: “Vô Trần, cảm ơn anh, thế là đủ rồi, sau này chúng ta là người nhà.”

Vô Trần, em rất vui vì anh đã dành tình cảm cho mình, sau khi đến thế giới này, lần đầu tiên em biết thế nào là hạnh phúc. Nhưng em không thể sống mãi trong tim anh, em căm thù cơ thể này, nó đã xé em thành hai nửa, linh hồn em luôn kêu gào phải kề cận anh, song em không muốn cho thân thể này hưởng chung lợi, vậy nên, để em nhìn anh hạnh phúc.

Sau này, tôi giải trừ lệnh cấm ở Uẩn Tú trai, không ngớt có thái giám và cung nữ chen giữa chúng tôi, tôi đóng vai một vị trưởng bối từ ái, lo lắng cho hôn sự của Vô Trần. Vô Trần kính cẩn với tôi, người ngoài đều đồn chúng tôi tình như mẹ con, hâm mộ Vô Trần may mắn. Buổi trưa hôm ấy tựa như chưa từng tồn tại, nhưng càng lúc Vô Trần càng gầy, tôi giả đò không phát hiện.

Kim sinh dĩ hĩ thả tương

Sở hữu vô pháp hình dung đích khát vọng dữ xí phán

Ngưng tụ thành nhất lạp cô độc đích chủng tử

Bá tại lai thế

Nhượng thì quang thệ khứ tối giản đan đích bạn pháp

Tựu thị nhượng bạch nhật dữ hắc dạ

Phản phục địa xuất hiện

Nhượng ngã trường thành vi nhất chu tĩnh mặc đích thụ

Tựu thị tại như thủy đích nguyệt dạ lý

Dã năng kiên trì trứ bất phát nhất ngôn.*

(Than ôi đã tận kiếp này

Bao nhiêu trông ngóng chẳng tày hình dung

Tụ thành một mối cô đơn

Mong sao kiếp đến vui hơn như vầy

Dễ khiến ngày lại qua ngày

Làm cho ánh sáng đêm dài trôi mau

Để em hóa một gốc cây

Lặng im đứng ngóng trăng đầy đáy nước. – Tự dịch.)

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook