Quán Trọ Hoa Diên Vỹ

Chương 2

Yoko Ogawa

12/06/2014

- Cô đến rồi à. - Người đàn ông nói vậy.

- Vâng. - Tôi trả lời.

Ông ta xem ra có vẻ ngượng ngập nhiều hơn là vui mừng. Ông cứ nhìn xuống chân, mãi không chịu ngẩng mặt nhìn tôi. Hình như ông không chuẩn bị gì trước mà vội vàng tìm lời nói tiếp, nên cứ nghịch đầu cà vạt một cách vô nghĩa.

Chúng tôi nán lại đó nghe phong cầm. Cậu thiếu niên vẫn đứng ở chỗ cũ, cũng một dáng vẻ như tuần trước. Tôi không biết khúc nhạc cậu ta đang chơi có giống tuần trước không, nhưng cái âm thanh khào khào ấy thì vẫn vậy.

Trong hộp đàn của cậu ta hầu như chẳng có tiền. Kim ngắn của đồng hồ hoa đã chỉ đến con số 5 được kết bằng cây ô thơm(3).

3. Một loài cây có mùi thơm, thường được dùng làm gia vị.

- Chúng ta tản bộ một chút nhé?

Dịch giả nói vậy và lấy từ trong túi ra một đồng xu. Sau khi chắc chắn đồng xu đã rơi vào hộp đàn, chúng tôi bắt đầu tản bộ.

Không khí mùa hè đã tràn ngập dọc bờ biển. Các tiệm đồ ăn đâu đâu cũng mở rộng cửa, quầy kem đứng thành hàng, các phòng tắm hoa sen ở bãi biển đã bắt đầu hoạt động. Ngoài khơi nhiều thuyền buồm tới mức ánh sáng chói lòa phản chiếu từ những cánh buồm đến nhức mắt.

Song chỉ có quanh người đàn ông là nắng hè không chiếu được tới. Ông ta mặc bộ vest tối màu, thắt một chiếc cà vạt hoa văn giản dị. Có lẽ là đồ cũ nên vải hơi sờn, nhưng nó vẫn giữ được dáng vẻ nghiêm trang.

Hai chúng tôi đi hướng ngược lại với bến du thuyền, chúng tôi cứ đi thẳng con đường mà chẳng biết rõ đích đến là đâu.

- Hôm nay quán trọ chắc kín phòng rồi nhỉ?

- Không ạ. Chỉ có mỗi ba khách đặt trước. Tuy là ngày chủ nhật nhưng nước triều lên cao quá ngập mất tường thành nên...

- À, đúng thế thật.

- Bác sống ở đảo F từ khi nào ạ?

- Tôi sống ở đó hơn hai mươi năm rồi.

- Thế bác cứ sống thế một mình ạ?

- Ừ.

Câu chuyện cứ nhát gừng nhát gừng, không sôi nổi lên được. Thời gian im lặng nhiều hơn thời gian nói chuyện. Trong lúc không nói gì, tôi để ý người dịch giả bên cạnh. Ông ta lúc thì tránh cột đèn đường, lúc thì phủi sợi chỉ thừa dính trên ngực áo, lúc lại cúi xuống hắng giọng. Cứ mỗi lần như thế tôi lại soi từng chuyển động nhỏ nhất của cơ thể ông ta.

Tôi nghĩ có lẽ do mình chưa bao giờ được đi sánh ngang cùng một người nào đó. Bố tôi mất sớm, còn mẹ thì lúc nào cũng đi trước tôi. Tôi cũng không có bạn hay người yêu để có thể vừa cùng dạo phố vừa chuyện trò. Thế nên tôi mới bối rối thế này khi cảm nhận được hơi ấm của người đi bên cạnh.

- Tôi đã nghĩ là cô không đến.

Cuối cùng, khi đã đi hết các nơi và dừng lại chỗ mũi đất, chúng tôi ngồi trên một cái ghế băng.

- Sao bác lại nghĩ thế?

- Một cô gái mười bảy tuổi bỏ phí ngày Chủ nhật với một ông già như thế này, chắc chẳng vui vẻ gì đâu.

- Cháu mà có ở nhà thì cũng bị sai làm việc trong quán trọ thôi. Hơn nữa, nếu cháu vẫy tay tiễn bác mà có thể làm bác vui đến thế thì quá đơn giản.

Thực ra tôi không muốn nhớ lại hình ảnh dịch giả đứng một mình trước đồng hồ hoa. Nếu tôi không thèm để ý đến lá thư ấy và ngồi ở quầy lễ tân chờ cho qua hai giờ, có lẽ tôi sẽ chỉ nghĩ về người đàn ông này mất thôi. Tôi ghét việc cái dáng vẻ bị bỏ lại chỗ chiếu nghỉ và bị những con mắt tò mò của kẻ khác soi mói kia và hình bóng người chờ đợi tôi lại là một.

- Cô Marie trong tiểu thuyết là người thế nào ạ? - Tôi hỏi.

- Là một cô gái duyên dáng, thông minh và xinh đẹp. Nàng rất giỏi cưỡi ngựa và đan len. Nàng đẹp như một cánh hoa đẫm sương mai... Có một câu tả như vậy.

- Nếu vậy thì chỉ có tên là giống thôi nhỉ!

- Và Marie đang yêu. Yêu thầy dạy cưỡi ngựa. Đó là một tình yêu cao cả và diệu kỳ nhất trong tất cả mọi thứ trên thế gian này.

- Càng lúc càng không giống cháu nhỉ!

- Khi nhìn thấy cô ở quán trọ Hoa Diên Vỹ, tôi lập tức nghĩ đến Marie. Cô rất giống với những ấn tượng tôi đã khắc sâu trong lòng khi dịch. Bởi thế mà sau đó, lúc tôi biết được tên cô là Mari, tôi đã rất ngạc nhiên. Còn bao nhiêu cái tên khác vậy mà...

- Bố cháu đã đặt cho cháu đấy.

- Một cái tên đẹp. Rất hợp với cô.

Dịch giả vắt chân, nheo mắt nhìn biển. Tôi thấy vui như thể được bố khen vậy.

Rất ít khách du lịch đi đến tận mủi đất. Ngoài cái ghế chúng tôi đang ngồi còn lại tất cả đều trống. Hoa nở kín cả sườn đồi, chút gió thoáng qua cũng khiến thân cây lay động. Con đường tản bộ có tường rào bao quanh chạy từ chân đồi lên đến đỉnh. Ở đó đứng chỗ nào cũng có thể nhìn thấy biển. Bờ biển chúng tôi đã đi qua nằm bên tay trái. Tường thành vẫn ngập nước như mọi khi. Xa xa đảo F hiện lên mờ ảo.

- Cháu chưa bao giờ đọc một cuốn tiểu thuyết Nga.

- Khi nào dịch xong cuốn này, tôi sẽ cho cô xem đầu tiên.

- Nhưng có lẽ nó quá khó với

- Không sao đâu mà. Cứ đọc như bình thường là được.

- Nếu cháu đến thư viện thì sẽ đọc được sách bác đã dịch chứ?

- Không, thật tiếc nhưng... Nói đúng ra thì tôi không giống một dịch giả thực sự, tôi không dịch sách theo lời nhờ vả của nhà xuất bản như những người khác.



Với tôi thì chuyện định nghĩa thế nào là một dịch giả không quan trọng, nhưng người đàn ông lắc đầu như muốn xin lỗi.

- Cùng lắm tôi cũng chỉ dịch sách hướng dẫn, tờ rơi của các công ty, hay cột tin trên tạp chí thôi. Rồi toa thuốc, giấy hướng dẫn sử dụng đồ điện, những lá thư công vụ, cách nấu món ăn Nga. Nói thế nào cũng chỉ là những việc lặt vặt, chẳng có liên quan gì đến nghệ thuật cả. Cuốn tiểu thuyết ấy cũng không phải là vì ai nhờ, mà tôi chỉ dịch cho mình tôi vui mà thôi.

- Cháu lại nghĩ đó là một công việc tuyệt vời! Ta trao ý nghĩa cho những con chữ mà nếu để nguyên sẽ không ai hiểu được chúng.

- Chưa ai nói với tôi như thế cả.

Sự ngượng ngùng dần được tháo gỡ. Tôi đã có thời gian để vừa hỏi chuyện người đàn ông vừa quan sát khuôn mặt ông. Ông ta cũng không còn nghịch cà vạt nữa.

Song sự rụt rè mãi không biến mất. Ông bị tính cách đó chi phối một cách sâu sắc, mặc dù nó cũng góp phần tạo nên sự lịch thiệp và cẩn trọng nơi ông. Lúc đầu tôi nghĩ có lẽ do vụ việc xảy ra ở Hoa Diên Vỹ, nhưng vụ đó đã xong rồi mà. Trong lời nói cũng như ánh nhìn, dường như ông sợ rằng nếu sơ sẩy thì người con gái trước mắt sẽ vỡ tan ra thành từng mảnh.

Tôi lấy làm lạ là đã ở tuổi này rồi thì còn có gì phải e ngại chứ? Ông ta phủi lá cỏ rơi trên ghế, và nhẹ nhàng rút cái chân đang vắt lại để không làm kinh động con bướm trắng đậu trên bông hoa dưới chân. Tay ông đầy nốt đồi mồi, những nếp nhăn trên cổ che khuất một nửa nút thắt của cái cà vạt thít chặt. Khuôn mặt ông ta bình thường, nhưng tai thì lại có một hình dạng ấn tượng. Nó có hình đảo F, và cũng là bộ phận cơ thể ông ta khiến tôi để ý ngay từ đầu.

- Bác không có gia đình ạ? - Tôi hỏi.

- Không. - Dịch giả trả lời.

Ở ông ta không toát ra hương vị gia đình. Thật khó tưởng tượng ra cái gia đình đã sinh ra và nuôi dưỡng dịch giả, mối quan hệ của ông với cha mẹ, hay căn nhà ở đảo F như thế nào. Tôi có cảm giác ông ta từ một nơi xa xăm nào đó đột nhiên xuất hiện ở chiếu nghỉ cầu thang của quán trọ Hoa Diên Vỹ, chẳng liên quan gì đến dòng chảy thời gian cả.

- Hồi ba mươi lăm tuổi tôi đã từng kết hôn, nhưng ba năm sau vợ tôi qua đời. Sau đó tôi chuyển tới sống ở đảo F.

Nắng ngày càng gay gắt, nhiệt độ cũng tăng dần. Một đôi nam nữ đi qua trước chúng tôi. Tiếng bước chân giẫm trên sỏi tiến lại gần, rồi chẳng mấy chốc đã ra xa. Không biết hình ảnh chúng tôi trong mắt họ như thế nào nhi? Ổng và cháu? Thầy giáo và học sinh? Thật ra cả hai đều không đúng. Giữa chúng tôi không hề có một mối quan hệ nào, dù nhỏ đến đâu đi chăng nữa.

Gió từ biển thổi mãi không ngừng, thi thoảng tôi cứ phải giữ gấu váy. Đầu sóng hiện lên ầm ầm trắng xóa, rồi sau đó lại biến mất.

- Nếu thấy nóng thì bác cởi áo khoác ra đi ạ. - Tôi nói.

- Không, không sao đâu. Để thế này cũng được.

Chúng tôi im lặng ngắm biển. Sự im lặng không còn nặng nề như trước. Có lẽ nó đã trở thành một chiếc chuông dịu dàng bao bọc lấy hai con người.

Tiếng sóng đập vào mỏm đá rì rầm dưới chân. Trên trời cao vẳng tiếng chim hải âu. Khi đắm mình trong chiếc chuông ấy, những âm thanh xung quanh từng tiếng từng tiếng vang vọng lại rõ ràng. Ngay cả tiếng thở của dịch giả cũng truyền vào tận sâu trong màng nhĩ tôi như một âm thanh đặc biệt.

- Vậy cháu xin phép. - Tôi mở lời trước.

- Hôm nay rất cảm ơn cô. - Dịch giả nói.

Không biết có phải vì lúc này đã muộn hơn tuần trước không mà phòng chờ không lộn xộn mấy. Tiếng thông báo giục lên thuyền nối tiếp liên hồi.

- Liệu tôi có thể được cô vẫy tay lần nữa không...

- Tất nhiên rồi ạ.

Dịch giả mỉm cười. Nụ cười nhạt nhòa trong mắt tôi, và tan biến ngay lúc ấy.

- Thực sự rất cảm ơn cô!

Dịch giả đưa tay về phía tôi. Đầu ngón tay ông ta chạm vào má tôi. Tôi giật mình nín thở.

Đó là một cử chỉ bình thường để thể hiện sự biết ơn, nên tôi không cảm thấy khó chịu, chỉ có tim đập nhanh đến đau nhói. Tôi không biết nên tỏ ra thế nào, chỉ cúi đầu. Những ngón tay sượt qua tai, chạm vào tóc.

- Mái tóc đẹp quá! - ông nói.

Ngón tay ông ta run run. Tôi ở ngay bên cạnh, trước mặt ông ta chỉ là mái tóc thôi vậy mà ông ta cũng sợ sệt.

Tôi vẫn cúi đầu, không động đậy. Tôi lo lắng không biết mùi dầu trà còn vương lại không. Nếu ông ta cũng ghét mùi này như tôi thì...

Cầu tàu tràn ngập ánh hoàng hôn. Tôi vẫy tay từ cửa sổ phòng chờ như đã hứa. Bây giờ tôi không còn thấy buồn cười nữa. Tôi cảm thấy mình đang làm một việc trọng đại nhất có thể làm.

Trước khi bước chân lên tàu, dịch giả ngoảnh đầu lại. Tôi không nhìn thấy được vẻ mặt ông ta vì nắng quá chói, nhưng chắc chắn ông ta đang nhìn tôi. Rồi ông giơ tay phải lên, và ra hiệu tạm biệt.

Sau khi tàu đi rồi, tôi thử đặt tay lên tóc, chỗ người đàn ông đã chạm vào. Ở đó vẫn còn vết răng lược mẹ tôi búi tóc hồi sáng.

*

* *

- Vâng, bà ấy đối xử với con rất tốt. Bà còn đãi con trà và rất nhiều bánh nữa: bánh su kem này, bánh hoa quả này, lại cả kem hoa quả nữa. Toàn là những thứ bánh kẹo nước ngoài mà con chưa từng thấy bao giờ. Bà rất duyên dáng và tốt bụng. Bà sống ở chung cư sang trọng phía sau quảng trường trung tâm. Nhà đó có đến năm phòng, vậy mà bà ấy bảo chỉ sống một mình. Bà cứ cảm ơn con mãi. Lần đầu tiên con được người ta biết ơn như thế. Con chỉ ra tay giúp người ta một chút, đưa người ta đến bệnh viện thôi mà. Bà ấy chắc hẳn rất cô đơn. Còn lấy cả album ảnh cũ ra, rồi cho con xem bộ sưu tập ảnh, rồi bật đĩa nhạc nữa. Bà ấy chăm sóc con rất nhiều. Con đã nói bao nhiêu lần là “cháu phải về rồi!”, vậy mà cứ mỗi lần như vậy bà ấy lại giữ con lại. Thế nên con mới về muộn thế này. Con xin lỗi mẹ...

Mấy lời xằng bậy cứ tuôn ra ào ào, trơn tru hơn tôi tưởng. Không hề có chút cảm giác tội lỗi nào. Ngược lại tôi lại cảm thấy thú vị khi câu chuyện mình bịa ra từ đầu ngày càng phát triển lên. Tôi nói chuyện về những thứ bánh kẹo và ngôi nhà mà mình chưa thấy bao giờ, nhưng trong lòng thì đang nghĩ về dịch giả. Tôi nhớ lại cái cà vạt nhăn nhúm, và con bướm trắng bay dưới chân ông ta.

- À, vậy sao? - Mẹ tôi có vẻ không để tâm cho lắm.

- Thế sao chẳng thấy có quà cáp gì mang về hả? Bà già ấy vô tâm quá nhí! - Rốt cuộc bà cũng không quên chêm vào một câu.

Sợ mẹ nghi ngờ, tôi vội nói:

- Con được đãi nhiều bánh kẹo đến căng cả bụng rồi. Con không ăn tối nữa đâu

Tôi muốn mau chóng được ở một mình, dù chỉ một lúc thôi. Tôi muốn chui vào chỗ quầy lễ tân rồi nhớ lại những chuyện đã diễn ra hôm nay. Tôi có cảm giác nếu không làm thế, những cảnh mà tôi nhìn thấy hôm nay tất cả sẽ biến thành ảo ảnh mất.



Chẳng bao lâu sau, việc chờ đợi người bưu tá vào mười một giờ mỗi sáng trở thành thói quen hàng ngày của tôi. Dịch giả đã nghĩ ra một cái tên thích hợp cho “quý bà lắm tiền”. Nếu bị mẹ hỏi, tôi sẽ nói là mình đang thư từ qua lại với “quý bà” ấy. Song may mắn thay vào lúc mười một giờ mẹ tôi luôn ở một nơi khác, xa chỗ quầy lễ tân.

Người bưu tá mang bưu kiện đến tận quầy thanh toán. Đó là một người trẻ tuổi tốt bụng và đáng yêu. Cậu ta nói một vài câu bắt chuyện với tôi, đại thể về thời tiết, hay về tình hình kinh doanh của quán trọ. Tôi chỉ gật gù cho qua.

Mặc dù chiếc xe đạp của người chuyển phát thư đã khuất, nhưng tôi vẫn không dám đụng vào đống thư và bưu phẩm để trên quầy. Vì nếu phát hiện ra thư của dịch giả một cách dễ dàng như vậy thì phí quá. Và tôi cũng rất sợ nếu biết là không có thư.

Tôi có cảm giác ngày trước mình cũng đã từng chờ đợi một cái gì đó giống thế này. Đúng rồi, đó là chờ bố về. Hàng tối, tôi lại cầu mong ông về mà không say khướt. Tôi nằm trên giường, cố gắng dỏng tai nghe, kể cả đó là những âm thanh vô cùng nhỏ. Việc lúc về tối của tôi chỉ là chờ đợi bố. Nhưng hầu như tôi toàn ngủ quên vì quá mệt. Tinh mơ hôm sau, tôi chợt tỉnh giấc khi nghe tiếng bố mẹ cãi nhau, và hiểu rằng lời nguyện cầu của mình đã không được đáp ứng.

Một ngày nọ, bố tôi không về. Đến tận chiều tối hôm sau ông vẫn mất tích. Tôi cứ đi ra rồi lại đi vào mong nhìn thấy bóng dáng ông xuất hiện bên kia đường, đến nỗi bị mẹ mắng.

Cuối cùng thì khuya hôm đó bố cũng về. Nhưng đã là một xác chết. Mặt ông sưng phồng, đầy những vết máu tụ, cứ như một người khác vậy. Kể từ đó tôi không còn cần phải chờ đợi gì nữa.

Trong thư của dịch giả chẳng viết về chuyện gì to tát cả. Chỉ là những câu chữ lịch thiệp đến cứng nhắc về thời tiết giao mùa, về tình trạng công việc, tình hình của Marie, những hồi tưởng về hôm hai người tản bộ quanh mũi đất, rồi hỏi thăm sức khỏe của tôi...

Song với tôi, lúc nhìn thấy bút tích của dịch giả và lén đọc thư trong bóng tối của quầy thanh toán là quãng thời gian quan trọng nhất trong ngày. Tôi xé phong bì một cách cẩn thận, đọc đi đọc lại ba, bốn lần rồi gập lại theo những nếp gấp trên giấy.

Tôi không thể nào nhớ được khuôn mặt người đàn ông. Ngoài cái bóng già nua th chẳng có gì trên khuôn mặt ông ta là đặc biệt. Tôi chỉ nhớ ánh mắt cụp xuống của ông ta, một cử chỉ khó nhận thấy của ngón tay, hơi thở, và giọng nói. Tôi có thể mường tượng lại khá chính xác nhũng điều đó dù nhỏ nhặt đến thế nào, nhưng ngay khi tôi định nối kết chúng với nhau thì tất cả lại trở nên nhạt nhòa.

Buổi chiều, khi mẹ tôi đi đến lớp học nhảy còn khách thì chưa tới, tôi lại lôi lá thư từ trong túi ra, và ngắm nhìn hàng chữ ngay ngắn màu xanh đen cho đến tận cuối thư - “Gửi Mari”.

Làm thế tôi cảm thấy mình như đang bị những con chữ nhìn chằm chằm vào vậy. Nó giống với cảm giác khi ngón tay người đàn ông sắp chạm vào tóc tôi. Tôi cảm nhận được ông ta cần mình. Tôi đọc thư để gặm nhấm lại khoảnh khắc ở phòng chờ ấy.

*

* *

- Nào, ăn nữa đi chứ! Để bác gắp cho!

Bà giúp việc là bạn cũ của mẹ tôi. Chồng bà mất sớm, bà sống bằng nghề may quần áo và công việc làm thêm ở Hoa Diên Vỹ. Bà làm việc rất chăm chỉ, chỉ mỗi tội mẹ tôi phàn nàn là bà ăn nhiều quá. Chúng tôi đã thỏa thuận cho bà ăn trưa ở đây.

- Còn trẻ thì cứ phải ăn nhiều vào! Đấy là tiêu chuẩn số một đấy!

Nói rồi bà xúc cho tôi xa lát khoai tây còn trong tô, tiện thể trút luôn vào bát mình. Mẹ tôi và bà trò chuyện trong lúc ăn. Mỗi người uống hai chén rượu. Hầu như toàn bàn tán chuyện người khác. Nhiệm vụ của tôi là đi ra ngoài mỗi khi chuông điện thoại reo, hay lúc có xe chuyển hàng đến.

- Mari này, mày có bạn trai chưa?

Thỉnh thoảng bà giúp việc mở lời, nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

- Cứ ở lì trong quán trọ, chắc là chẳng chơi bời gì hả? Bác nghĩ mày nên ăn diện một chút. Dù có dễ thương đến mấy mà chỉ ngồi đây không làm gì thì chẳng ma nào thèm để ý đâu! Lần sau bác sẽ may cho mày một cái váy. Một cái váy khêu gợi bó chặt lấy eo, khoét sâu ở ngực và lưng. Thế nào? - Bà ta nốc rượu rồi cười hềnh hệch. Thế nhưng chưa lần nào bà ta may cho tôi cái gì cả.

Tôi biết bà này có thói ăn cắp vặt. Bà ta không lấy những thứ có giá trị, mà toàn chôm những cái chẳng đáng gì. Song bà ta tuyệt đối không động vào đồ đạc trong khách sạn và đồ của mẹ tôi. Bà chỉ lén đem về những món đã được tính toán cẩn thận để không bị mẹ tôi phát hiện.

Thứ đầu tiên bà ta chú ý đến là cái com pa của tôi. Cái đó tôi dùng trong giờ toán ở trường, từ khi vứt nó vào ngăn kéo tôi không động đến nữa, nhưng đến một lúc đột nhiên tôi phát hiện ra nó bị mất. Tôi không đi tìm vì nghĩ có mất cũng chẳng sao.

Tiếp đó là dao cắt bơ trong nhà bếp, con dao cạo đã han gỉ trong nhà tắm, bông gòn ở hộp thuốc, rồi cái ví tết hạt cườm của tôi. Từ khi ấy tôi mới bắt đầu thấy lạ. Dần dần bà ta quen thói chỉ lấy những đồ vật xung quanh tôi: từ khăn mùi soa, cúc áo, tất dài đến áo lót... Song bà không lấy những thứ có liên quan đến tóc như lược, trâm cài hay dầu trà. Có lẽ bà ta biết được mẹ tôi chỉ thích chọn những thứ này để búi tóc cho tôi.

Một hôm tôi nhìn thấy cái ví tết hạt cườm của mình lòi ra từ miệng túi để bừa bãi của bà ta. Đó là đồ chơi hồi nhỏ tôi mua ở hàng quà đêm. Bà ta nhét vào đó nào là son môi, hóa đơn rồi xu lẻ. Tôi không nói gì với mẹ. Làm như thế có lẽ sẽ khiến sự thể càng phức tạp. Thậm chí, điều tôi lo sợ hẳn là mẹ sẽ phát hiện ra nên đã kín đáo đóng miệng túi lại. Vì thế mà đến giờ, những thứ nhỏ nhỏ bên cạnh tôi, từng cái từng cái một cứ dần biến mất.

- Mari còn bé lắm! - Mẹ tôi nói vậy rồi châm thuốc hút.

- À mà này, cái lão khách gây ra vụ lộn xộn với con điếm hồi trước ấy...

Bà giúp việc vừa với tay đến miếng cá rán còn lại vừa nói. Bất chợt tôi cắm dĩa vào chỗ xa lát khoai tây, không động đậy gì được nữa.

- Nghe bà già đến nhờ tôi sửa áo khoác kể lại thì trước đây lão cũng đã gây ra một vụ tương tự thế này.

- Phải rồi. Loại đàn ông kiểu đó không mở mắt ra được đâu. Mà lão cũng chỉ muốn bắt đàn bà làm cái việc quá đáng đến phát ngấy ấy phải không?

- Ví dụ?

- Chuyện đó làm sao tôi biết được!

Hai người phá lên cười, rồi nốc cạn chỗ rượu cuối cùng trong chén. Tôi cúi gằm, hết cắm vào rồi lại nhổ dĩa ra.

- Lão già kỳ quái thật! Chẳng ai biết lão kiếm sống bằng cách nào mà lúc nào cũng ra ngoài với bộ dạng nóng bức khổ sở thế, cũng chẳng chào hỏi ai lấy một câu.

- Cái loại biến thái ấy suy nghĩ thiển cận lắm.

- Nghe bà già nói có lần trông thấy lão mua đồ trong siêu thị, hình như lão đang phàn nàn về cái bánh mì mới mua bị mốc. Thái độ của lão lạ lắm, vừa ra vẻ ta đây, lại vừa bướng bỉnh ngoan cố. Lão làm vẻ mặt đáng sợ kiểu “một sống hai chết”, rồi khăng khăng phản đối tới mức nắm tay run lên bần bật. Thế là cô nhân cửa hàng bật khóc luôn. Có mỗi cái bánh thôi mà... nhỉ?

- Cái loại khách khó ưa ấy thì đến đâu cũng thế thôi!

- Mà lão ấy sống ở đảo F đấy!

- Đúng là quái đản!

- Nghe đâu còn có tin đồn lão giết vợ rồi chạy trốn đến đây. Vì thế lão mới cố tình sống chui lủi ở cái hòn đảo bé tí ấy.

- Cái gì? Giết người cơ á? May mà lão không giết ai ở đây đấy!

- Ừ.

Mẹ tôi phả khói thuốc vào bàn ăn đã tàn, bà giúp việc thì liếm ngón tay đầy mỡ. Tôi ngồi khuấy khuấy chỗ xa lát khoai tây. Tôi thấy tức không phải vì việc họ nghi ngờ dịch giả là kẻ sát nhân, mà tức vì hai người họ cứ nói này nói nọ về ông ta. Tôi tống đống xa lát vào miệng, cố nuốt trôi. Khoai tây mắc ứ ở ngực đến khó thở.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
Vạn Cổ Thần Đế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Quán Trọ Hoa Diên Vỹ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook