Quà Từ Trong Nhà, Quà Ra Ngoài Ngõ

Chương 1: Ba là cái phích nước của đời con

Ki No

16/12/2015

Ba mẹ tôi đều là người xa xứ. Ba sinh ra ở gần biên giới phía Bắc, nơi gắn liền với những di tích của Bác Hồ để lại ngày Bác trở về từ Trung Quốc. Nhà của ba thời đó ở ngay gần hang Pác Bó. Ở chốn núi rừng hoang sơ đó, tôi đã từng được nghe bà nội và bác gái của tôi kể về những chiến tích huy hoàng của ba. Từ cái thời mà tôi chỉ là một hạt cát còn phiêu du đâu đó trong cái thế giới rộng lớn này, ba còn là một cậu bé gầy còm và đen nhẻm, ba đã phải lao động như những đứa trẻ chạc tuổi ông thời đó. Việc làm hằng ngày của ba chính là chăn trâu. Không phải lúc nào ba cũng làm tốt nhiệm vụ của mình. Có lần ba đi chăn trâu mà mãi tối mịt với về nhà, mặt mũi tèm lem nước mắt, ai hỏi cũng không nói. Tới lúc nội tôi phát hiện ra trâu đã đâu mất thì mới vỡ lẽ. Ba vì mải chơi nên để trâu sa xuống hố cạn. Ba không dám nói, cũng không có cách nào kéo nó lên, đành khóc lóc chạy về nhà. Đến lúc mọi người lôi được con trâu lớn lên khỏi hố cạn thì con trâu cũng chết mất rồi. Sau đó ba có nhiệm vụ mang thịt trâu ra chợ bán. Nhưng đâu dám rao là thịt trâu, còn nói dối là thịt bò nữa. Tối hôm sau, cả nhà được thêm một bữa cơm thịt trâu no đủ.

Bà tôi kể rằng, có những lúc ba trở về lúc trời đã xế, bụng thì đói mà nhà thì không có gì để ăn. Ba ngồi chổm hổm một mình ở trong góc nhà, đầu gối cao quá tai. Bà nhìn mà thấy thương. Lúc bà kể lại, bà vừa cười vừa nói, nhưng sâu trong ánh mắt đã kèm nhèm vì tuổi tác, tôi lại thấy lấp lánh những giọt lệ đau lòng. Ừ, biết là ai cũng từng có một thời nghèo đói, nhưng để cái hình ảnh nghèo đói đó in sâu trong đáy thành một giọt lệ khó tràn khỏi mi thì ngày xưa khắc khổ đó đã không còn là nỗi ám ảnh nữa rồi.

Lại kể, ông nội tôi đi lính và hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Tấm ảnh của ông đặt trên bàn thờ nhà tôi là một tấm ảnh trắng đen mờ ảo. Vào thời điểm đó, ông còn là một chàng thanh niên tràn đầy lòng yêu nước, xa mảnh đất quê hương, xa con suối cạn, xa khoảng đồi lớn để đánh đổi an bình cho gia đình nhỏ của mình. Sáu mẹ con nội ở nhà chăm sóc lẫn nhau, để cho đứa con thứ tư phải ôm bụng thui thủi vì đói. Bà đau lòng, cũng thương những đứa trẻ không cha.

Kể ra ba còn may mắn, ba sinh ra ở cái thời mà chiến tranh đạn lạc cũng gần kết thúc. Có lần ba kể, vào ngày Bác Hồ mất, cả nước đeo tang, ba cũng được người ta phát cho một miếng vải đỏ nhỏ bằng hai ngón tay để đeo tang Bác. Có lẽ trong ký ức của một đứa trẻ chưa hiểu quá nhiều chuyện đời, ba cũng không hiểu ý nghĩa của những hành động đó, nhưng sâu trong tâm khảm của một người dân giành lại được độc lập, của một người con có cha làm lính, sự trân trọng và biết ơn đó còn lớn lao hơn cả việc chỉ giữ một miếng vải đỏ để tượng trưng. Ngày đó, cả nước đau lòng. Ngày đó, có một đứa trẻ còn nhớ như in miếng vải đỏ nhỏ hơn cả lòng bàn tay.

Thực ra tôi không gần gũi với ba tôi lắm. Tôi nghe người ta nói, con gái thường quấn ba, tôi cũng thấy bạn bè tôi thân thiết với ba nó như thế nào. Nhưng tôi không thể giống như họ. Ngày tôi còn bé, tôi đã sợ ba. Sợ đến mức không dám nói với ba câu nào cả. Trong ký ức của tôi, ba hay bảo tôi đi mua thuốc lá. Một ngày có khi mua đến hai hộp. Ba tôi hút rất nhiều, nên người ba rất gầy, còn trí nhớ tuổi thơ tôi thì gắn liền với mùi thuốc lá quấn quít quanh ba. Ba cũng từng cố cai thuốc, nhưng thói quen đó giống như đã ngấm vào máu thịt, rất khó cắt bỏ. May mắn biết bao khi mẹ tôi sinh bé thứ hai, là một đứa con trai bảo bối của ba mẹ. Vào năm tôi tám tuổi, ba tôi đã bỏ được thuốc. Lúc nghe mẹ tôi nói ba bỏ thuốc vì em trai, tôi đã rất buồn. Trong suy nghĩ của tôi, hóa ra tôi không quan trọng như vậy, ba sợ em trai bị bệnh từ khói thuốc, còn tôi thì không sao cả. Tôi đã rất tủi thân, hóa ra một đứa con gái lại có thể ít giá trị đến như vậy. Suy nghĩ ấy ám ảnh tôi đến suốt cả những tháng ngày cấp ba non dại.

Sau này khi tôi lên đại học, những lúc gọi điện về nhà, tôi đều gọi cho mẹ, nếu gọi cho ba thì cũng chỉ có một câu hỏi duy nhất: “Mẹ đâu rồi ba?” rồi cúp máy. Tình cảm cha con xa lạ đến mức năm lớp mười một, tôi đã khóc lóc kể với con bạn thân vì tôi cho rằng ba không hề yêu thương gì tôi cả. Mẹ tôi lâu lâu cũng hỏi:

“Nhân sợ ba lắm hả? Ba hiền mà, thương Nhân nhất nhà mà.”

Tôi biết ba thương tôi. Tôi cũng biết ba chiều tôi hơn em trai tôi rất nhiều. Những ngày nghỉ hè về quê cùng gia đình, tôi ở nhà, em trai tôi đi học, còn ba mẹ tôi đi làm. Sáng ba luôn hỏi xem tôi có muốn đi ăn sáng cùng ba hay không, nhưng tôi đều không thể dậy nổi. Ba cũng chỉ cười. Sáng tôi ngủ dậy trễ, cứ đến gần chín giờ sáng là ba tôi lại tạt ngang qua nhà chỉ để gọi tôi thức dậy. Ba không la con gái, cũng không trách mắng con lười như sâu trong kén. Một đứa con gái sống xa nhà từ năm lớp mười hai có lẽ phải giỏi giang trong việc sắp xếp cuộc sống và nấu ăn, dọn dẹp. Nhưng mỗi khi về đến nhà, tôi liền trở thành một cô tiểu thư đỏng đảnh. Trưa tôi nấu cơm, thực chất chỉ là cắm một nồi cơm điện, rửa một ít rau và chuẩn bị một ít thịt cá, còn đầu bếp chính của nhà tôi lại là ba. Tất cả những bữa ăn trong ngày hè nóng bức đó, đều là bóng lưng của ba đứng bếp, đều là những yêu chiều của ba dành cho con gái lâu ngày mới về thăm nhà. Nghỉ hè của tôi, thực sự là những ngày tháng quá nhàn hạ.

Nội tôi sống cùng với chú tôi, là em trai út của ba tôi, chỉ cách nhà tôi chừng hai mươi phút đi xe máy. Thế nhưng một năm tôi cũng chỉ có hai lần về thăm nội. Bên nội nhà tôi là người dân tộc thiểu số, nên mỗi lần về nội, ba và nội đều sử dụng thứ ngôn ngữ kì lạ đó để nói chuyện với nhau. Có lần mẹ tôi bảo ba dạy cho tôi nói thứ tiếng của người dân tộc mình. Ba cũng chỉ cười cười, rồi chối đẩy đi mất:

“Học làm gì đâu.”

Ba nói vậy, nhưng những lần sau tôi cùng ba về thăm nội, ba tôi lại ít sử dụng thứ ngôn ngữ kia hơn, mọi người cũng chú ý sử dụng tiếng phổ thông để tôi có thể theo cùng câu chuyện. Ba tâm lý như thế, cũng thầm lặng như thế. Nhưng nhiều lúc ba cũng thật khó hiểu. Tôi cũng luôn mang theo một chút khúc mắc trong lòng, mỗi khi bị ai đó gọi mình là “đứa mất gốc”, khi mà một cô gái mang danh dân tộc phía Bắc, không thể nói sõi bằng thứ ngôn ngữ của chính dân tộc mình.



Hằng năm vào những ngày giáp tết, ba và tôi đều mang quà tết về biếu nội. Sau đó vào ngày tết cả nhà tôi sẽ cùng về thăm nội dịp đầu năm. Ngày tôi còn bé, con đường về nội không được suôn sẻ như bây giờ. Trong trí nhớ của tôi, mỗi lần về nội đều là mỗi lần tôi tập đếm suối. Cứ qua con suối thứ năm, đi qua một cái dốc cao thật cao mà người ta gọi là dốc đỏ, căn nhà đất của nội sẽ hiện lên trong tầm mắt. Ngày đó ba mẹ còn ở tập thể, không có tiền để xây cho nội một căn nhà đàng hoàng. Ngày đó, căn nhà đất đó cũng ghi dấu ấn thật sâu trong ký ức của tôi. Trước nhà còn có một cái cối thật to cùng một cái chày giã được thiết kế để dùng chân đạp là có thể giã. Đó chính là thứ kì lạ nhất mà tôi thấy từ trước đến giờ. Tiếc là thời đó tôi không có máy ảnh, càng không có điện thoại, nếu không tôi thực sự muốn ghi lại hình ảnh căn nhà vách đất siêu vẹo cùng với cái cối nơi cửa nhà. Bây giờ nội đã có một căn nhà thật lớn, thật mát, bên cạnh một thửa ruộng xanh rờn. Ngày về thăm nội, vẫn thấy nội mỉm cười hiền từ ra đón cháu gái từ cửa. Cháu gái của nội, xa nội lâu ngày, nhưng nội vẫn nhớ, vẫn nhắc hoài.

Tết năm rồi, hai ba con tôi vẫn theo đúng lịch trình, hai chín tết ôm một đống quà bánh cùng rượu và gà về thăm nội. Lúc trở về nhà, nội lại chặt cho tôi một buồng chuối xanh thật lớn. Nội bảo mang về đặt bàn thờ làm ngũ quả. Tôi hớn hở cho buồng chuối vào một cái bao tải lớn, nhẹ nhàng nâng lên xe rồi ôm chặt trong lòng để buồng chuối không bị gãy. Con đường từ nhà nội về nhà tôi đã được sửa sang lại thành đường nhựa, sạch sẽ và êm ru, không còn đồi và suối như ngày xưa nữa. Xe bon bon trên đường nhựa lớn. Nhưng ở quê mà, người ta vẫn luôn thả rông trâu ra đường và mọi sự cố đều có thể xảy ra nếu thình lình xuất hiện một chú chó tạt ngang qua đường. Hai ba con tôi té lăn ra giữa đường. Khi tôi còn chưa kịp định hình chuyện gì đã xảy ra, thì đã thấy ba chạy lại đỡ tôi dậy, ba cứ liên miệng hỏi han, có sao không, có đau chỗ nào không? Lúc đó tôi còn chẳng thấy đau, tôi chỉ lo cho buồng chuối của nội. Vì tôi đè cả cái thân hình hơn mét sáu của mình lên nó. Tôi thấy mặt ba tôi có vết xước, đầu gối có vết rách và tay áo có vết bị chà xát. Nhưng ba còn không quan tâm, chỉ nhìn quanh người tôi xem tôi có sao không.

“Tay ba chảy máu rồi kìa.”

“Không sao. Con có sao không?”

Lúc đó tôi chỉ muốn khóc, nhưng rốt cuộc cũng không mở miệng nói được một lời, chỉ mím môi lắc đầu liên tục. Ba dựng xe dậy, chở tôi về nhà, lúc này tốc độ chỉ còn 20 km/h thôi. Tôi ôm buồng chuối trong ngực, lòng đau đau nhồn nhột. Ba của tôi, lo cho tôi nhiều như vậy.

Tối hôm đó, là lần đầu tiên tôi nghe ba tôi nói với tôi nhiều như vậy, nhưng những câu đó lại cứ lặp đi lặp lại như một cuốn phim cũ khiến lòng tôi nhức nhối thật nhiều: “Con không sao chứ? Ba chỉ sợ con bị sao thì làm gì còn tết.”

Đêm hôm đó, khi cơn đau ập về, ba tôi mới biết từ đùi mình trở xuống có một đám bầm tím thật lớn.

Ba tôi lúc nào cũng quan tâm tôi theo cách của ba, lúc tôi đi chơi về trễ, hơn chín giờ vẫn chưa về, ba cũng không gọi điện nhắc, chỉ là ở nhà cứ mãi càu nhàu với mẹ, không biết nó đi đâu, có sao không, sao giờ này chưa về, rồi lại chong đèn sáng trưng, ngồi ở ghế gỗ coi tivi đợi tôi về, mặc dù ba đã buồn ngủ tới mức ngủ gật ở ngoài ghế. Ba không bao giờ hỏi tôi chuyện gì, nhưng mọi chuyện về tôi, ba đều biết, thông qua mẹ. Ba hỏi mẹ, còn mẹ nói lại cho tôi. Mẹ như một người liên lạc giữa tôi và ba, nên nhiều lúc mẹ cũng thực sự cảm thấy lo lắng. Có những lúc mẹ chơi đòn tâm lý để kéo gần khoảng cách ba con chúng tôi.

“Ba suốt ngày lên kiểm tra tài khoản xem thẻ Nhân còn tiền không đó. Thấy hết là lại la mẹ, bảo sao không gửi tiền cho nó, nó hết tiền nó có dám kêu đâu.”

Tôi biết mẹ nói thật, cũng hiểu ba lo lắng cho tôi, tôi lớn rồi, cũng hiểu được yêu thương không phải cứ cần nói ra lời mới là yêu thương chân thực. Nhưng cái khoảng cách giữa ba con tôi, đã trở thành thói quen khó bỏ. Tôi thương ba, cũng tôn trọng ba. Những tình cảm đó ba con tôi đều che giấu trong lòng, chỉ cần hướng về nhau là quá đủ. Tôi và ba giống nhau như thế đấy. Một người ba ngoài lạnh trong ấm, ba chính là phích nước của lòng con, yêu thương lúc nào cũng đầy tràn không vơi.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
đấu phá thương khung
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Quà Từ Trong Nhà, Quà Ra Ngoài Ngõ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook