Phong Lưu (Anna Nguyễn)

Quyển 3 - Chương 2: Kết giao bằng hữu​

Anna Nguyễn (Mèo)

07/10/2016

Tư Đồ Ngạo cùng Mạc Tư Kỳ đến một khách điếm ở Hiên Viên Quốc để quan sát tình hình nơi đây, vô tình kết giao thêm hai bằng hữu mới, một người là Điêu Các, một người là Cao Hiếu Quán, nàng rất thích hai người bọn họ cho nên mãi lo nói chuyện bỏ quên luôn Mạc Tư Kỳ ngồi kế bên. Mạc Tư Kỳ âm thầm đau khổ, chỉ biết bầu bạn với đồ ăn.

- Tư Đồ công tử, nhìn huynh rất lạ mặt, chắc không phải là người trong thành, không biết huynh từ đâu đến? – Cao đệ

Tư Đồ Ngạo ra vẻ cao thâm: - Tại hạ đến chỗ cần đến, về nơi cần về... chẳng phải hay sao?

Bọn họ nghe xong, đứng nghiền ngẫm.

- Tư Đồ huynh nói chuyện thật là thâm sâu nga! – Điêu ca giống như đứng một bên đợi thời khen tặng.

Phốc... ha ha ha...

Mạc Tư Kỳ thật chịu hết nổi với nàng, nhìn nàng chắc không ai nghĩ nàng còn có một bộ mặt vô lại đến vậy đâu, hôm nay lại gặp trúng hai tên dở hơi này nữa, thật đúng là khiến hắn kìm không nổi xúc động.

- Vị huynh đài này là...? – Cao đệ

- À, mãi lo nói ta quên mất. Đây là bằng hữu của ta Mạc Tư Kỳ.

Mạc Tư Kỳ nghe tới hai chữ "quên mất" của nàng rất tức giận liếc nàng một cái. Tư Đồ Ngạo sờ sờ mũi, dù gì nàng cũng là con người, đã là con người nhất định phải có tật xấu nha. Mà cái tật buôn dưa lê thì nam tử hay nữ nhân cũng đều có, không trách nàng được.

- Thì ra là Mạc công tử, chúng ta nãy giờ bỏ mặc huynh, là chúng ta thất lễ, xin huynh đừng để trong lòng. – Cao đệ

- Không dám, không dám! – Trong lòng Mạc Tư Kỳ lại nghĩ: "Cho xin đi, ngươi tỏ vẻ tri thư đạt lễ cho ai xem đây?"

- Mạc công tử lớn lên thật đẹp nha, ta chưa từng trông thấy người nào có vẻ ngoài ưu tú như huynh. – Điêu ca

- Không dám, không dám! – Mạc Tư Kỳ liếc hắn, nghĩ bụng: "Cái tên này sinh ra là để đi khen người khác hay sao, lại khen đến chân thành như vậy, thật là đáng ghét!"

Thật ra người ta khen hắn là thật tình, hắn cũng thích được khen như vậy, có điều ngay cả Tư Đồ Ngạo cũng thích thì không vui à nha.

- Thôi không nói nữa, chúng ta gặp nhau ở đây tức có duyên, chi bằng cùng ngồi xuống dùng bữa kết tình thâm giao. – Tư Đồ Ngạo thật ra cũng cảm thấy mỏi chân rồi, nãy giờ bận nói nên quên, vừa nhả ra liền nhớ tới cái chân tội nghiệp.

- Phải, phải... nói nãy giờ ta cũng khô họng rồi, chúng ta ngồi xuống uống trà đi. – Cao đệ.

Mọi người cùng nhau uống trà dùng bữa, mọi khi Mạc Tư Kỳ là người tiếp trà rất tốt nhưng hôm nay xuất hiện hai tên này, hắn không có cơ hội sử dụng ngón nghề nên tận lực tập trung dùng bữa.

- Phải rồi Tư Đồ công tử, ta quên hỏi huynh, thể loại thơ này là do ta tình cờ nghĩ ra, không ngờ huynh lại nắm được điểm mấu chốt. Không lẽ huynh cũng có cùng ý tưởng như ta? – Cao đệ

- Tại hạ là kẻ hành tẩu khắp nơi, đi nhiều nên biết, nào có thông minh như huynh đài có thể nghĩ ra thể thơ mới. Ở vùng phía Nam có thịnh hành thể thơ này, gọi là "Thuận nghịch độc" ta cũng cảm thấy rất hay nên mới học hỏi.

- À, thì ra đã có nơi thịnh hành, tại hạ chỉ là kẻ nối gót danh nhân.

Tư Đồ Ngạo nhìn vẻ mặt thoáng thất vọng của hắn làm nàng bỗng hối hận, hắn đúng là một kẻ tài giỏi lại bị những câu nói vu vơ của nàng mà phủ nhận đi toàn bộ công sức của người ta. Nàng đang định nói gì đó thì hắn lại nói tiếp.

- Bất quá coi như ta đi học hỏi người ta vậy, Tư Đồ công tử có thể cho ta biết thể thơ này ở nơi công tử nói có đặc điểm gì không? – Cao tiểu bộ dáng học hỏi.



Tư Đồ Ngạo thấy biểu hiện của hắn rất hài lòng, nàng thành thật nói ra những gì nàng biết, hi vọng hắn có thể phát huy hơn nữa tinh thần hiếu học này:

- Thể thơ này đặc biệt ở chỗ có thể đọc xuôi, có thể đọc nghịch, có thể nghịch đảo hoàn toàn như bài thơ của huynh đài, cũng có thể nghịch đảo theo cặp câu. Hoàn toàn không hề bó buộc từng chữ, có thể thay đổi chút ít. Ví như bài thơ của huynh vừa rồi tuy thuận đọc không được mượt mà câu thơ, nhưng lại là bàn đạp để khi nghịch độc mới thấy thơ đó thật sự rất hay. Cũng có khi cả hai phần điều mượt mà nhưng trình độ đó không phải tầm thường.

- Quả là như vậy, thể thơ này rất độc đáo, ta nhất định phải học hỏi thêm. À, phải rồi Tư Đồ huynh, nghe huynh nói như vậy có lẽ huynh cũng là người thích thể thơ này, có thể vì tại hạ góp một bài thơ để ta có thể mở rộng hiểu biết được hay không? – Cao đệ mong chờ.

- Được, ta cũng rất mong huynh có thể cố gắng phát huy năng lực của mình, tuy ta không dám để huynh học hỏi nhưng chúng ta coi như là trao đổi, cùng nhau hoàn thiện. – Tư Đồ Ngạo hào sảng.

- Được, cùng nhau hoàn thiện. Hiện tại đang chuyển sang mùa thu, hay là huynh cũng làm một bài thơ đón thu sang đi. – Điêu ca đề nghị.

Tư Đồ Ngạo đứng dậy bước đi vài bước để lấy cảm hứng, nàng chậm rãi đọc từng câu:

- "Sương rơi lá rụng úa ngô vàng

Trước cửa vào Thu đón bước sang

Đường ngập lũ trôi lời nước réo

Núi nhào người mất tiếng dân than

Phương Nam nắng hạn đồng khô cạn

Hướng Bắc mưa tuôn ruộng ngập tràn

Vương tiết đổi thay sầu thảm họa

Thương người lệ đổ cảnh ly tang."

...

"Tang ly cảnh đổ lệ người thương

Họa thảm sầu thay đổi tiết vương

Tràn ngập ruộng tuôn mưa bắc hướng

Cạn khô đồng hạn nắng nam phương

Than dân tiếng mất người nhào núi

Réo nước lời than lũ ngập đường

Sang bước đón Thu vào trước cửa

Vàng ngô lá rụng úa rơi sương."

(Trích Ngọc Ẩn Nhi Huyền, 24 tháng 6 Ất Mùi, Tiết lập Thu)



- Hay, quá hay, cả hai vế đều mượt mà, đều khiến người ta động lòng đến như vậy, huynh quả thật có tấm lòng thiện, quả thật Hiên Viên Quốc chúng ta cứ đến tiết Thu phía Bắc, phương Nam điều bị tàn phá, người dân khổ không tả xiết. Thơ ca phải thiết thực, đi liền với đời sống người dân. – Điêu ca

Mạc Tư Kỳ thật hết nói nổi hắn, cứ chờ thời mà khen người suốt vậy sao? Nhưng quả thật nàng cũng khiến hắn mở rộng tầm mắt, quả thật rất tài giỏi, nếu bọn họ biết nàng là phận nữ nhi lại từ hôm qua mới đến Hiên Viên Quốc không biết họ còn phải nể phục nàng tới đâu.

- Quả thật thơ ca nên đi liền với thời cuộc, thơ của Tư Đồ công tử vừa mượt mà, sâu lắng lại rất có ý vị khuyến thiện, nhắc nhở cho chúng ta về nỗi đau của người dân. Đây chính là trình độ tối cao không chỉ trong thể thơ chúng ta đang nói đến mà đối với những thể thơ khác cũng nên học hỏi điều này. Không chỉ vậy, các huynh không để ý hay sao, ta vừa nói huynh ấy đối thơ, huynh ấy liền đem bài thơ của ta ra chỉnh lý, lại cũng bắt đầu bằng "Sương" và kết thúc bằng "Tang", trình độ lại hơn hẳn mấy bậc, còn không chịu để ta học hỏi. – Cao đệ

- Không dám, ta không có ý đó, ta chỉ là lấy ý tưởng, ta hoàn toàn không dám coi thường huynh. – Tư Đồ Ngạo bối rối

Mạc Tư Kỳ ngồi một bên không có biểu hiện gì khác thường, kinh nghiệm cho thấy tên này thật lòng học hỏi, không có ý hơn thua xúc xiểng người khác.

- Ha ha ha... ta chỉ đùa thôi, huynh đừng có lo lắng, ta cũng không có ý gì đâu, ngoại trừ bái phục còn có cam tâm học hỏi, huynh tuyệt đối không được chối từ.

- Được vậy thì hay quá. – Tư Đồ Ngạo thở phào nhẹ nhõm.

Bọn họ bèo nước gặp nhau nhưng nói chuyện thập phần ăn ý, nói đến thời tiết liền chuyển đề tài sang đó tiếp tục. Nói tới nói lui, nói cả buổi trời đến hết chuyện thì gọi đồ ăn, rồi lại chuyển sang giới thiệu về đồ ăn. Làm hại Mạc Tư Kỳ chán nản ngồi đến ê mông, cơm cũng dùng luôn hai bữa tại đó, cái này có phải gọi là "ngồi lê đôi mách" trong truyền thuyết không đây?

Lúc bước ra khỏi quán, trời đã ngả về Tây, coi như cả ngày nay xem xét, xem tới xem lui một cái khách điếm, còn nghiên cứu rất kỹ mỹ thực ở chốn đây. Mạc Tư Kỳ mệt mỏi đến cả việc cằn nhằn nàng cũng không muốn nữa.

Ban đêm, ôm người ngọc trong lòng hắn mới bắt đầu ca bài ca mang tên "ủy khuất".

- Ngạo, nàng nói với ta nàng không thích người ta khen nàng, cớ sao nàng lại vì tên họ Chim đó khen tặng vài câu mà vui sướng đến như vậy a?

- Người ta là họ Điêu, không phải Chim, còn nữa nha. Tuân Tử từng nói: "Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy" chàng nói xem những lời khen của hắn có chỗ nào không đúng?

- Ách... cái này thì không có. – Mạc Tư Kỳ âm thầm bổ sung thêm vế sau: "Có có nàng cũng sẽ thừa nhận sao?"

- Thì đúng rồi, vì vậy hắn là một người xứng đáng làm bạn.

- Nhưng mà ta... ta cũng khen đúng mà!

- Thì chàng cũng đúng nhưng chàng nghĩ coi chẳng phải người ta thường hay nói: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" hay sao, dĩ nhiên người ta nhìn vào khả năng của ta ta vẫn thích hơn khi người ta nhìn vào khuôn mặt của mình.

- Cái này nàng nói cũng đúng. – Nhưng Mạc Tư Kỳ vẫn cảm thấy thắc mắc, không phải Tư Đồ Ngạo là nữ nhi hay sao, sao lại giống nam nhân như vậy, không muốn nói đến bề ngoài lại chỉ thích nói đến tài nghệ, có khi nào nàng cũng không thích hắn không?

- Thôi được rồi Tư Kỳ, chàng không nên so đo với bọn họ, bọn họ cùng chàng có thể đánh đồng hay sao? Chẳng lẽ chàng cũng muốn ta xem chàng như bằng hữu thông thường... hả ~ ?

Câu này thành công đánh đúng vào tim đen của Mạc Tư Kỳ khiến hắn thật cao hứng, ngón tay sủng nịnh điểm lên chóp mũi của nàng, ngoài miệng lại dối lòng:

- Nói không lại nàng. Nhưng bất quá ta có khen không đúng, chê không đúng, có nịnh bợ nàng cũng tuyệt đối không phải là kẻ thù cũng nàng đâu. – Hắn đánh phủ đầu trước, ai biết sau này có chuyện gì xảy ra.

- Dù chàng có trở thành kẻ thù của ta, ta cũng sẽ thu phục chàng ở bên mình, ta đã nhìn trúng chàng, chàng đừng hòng chạy thoát. – Tư Đồ Ngạo ngáp dài.

- Mệt rồi thì ngủ đi, mùa Thu gió mát cũng dễ chịu hơn rất nhiều. – Mạc Tư Kỳ vuốt ve tấm lưng nhỏ bé của Ngạo để nàng dễ dàng đi vào giấc ngủ.

...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
cô vợ thay thế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Phong Lưu (Anna Nguyễn)

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook