Nồi Nào Úp Vung Nấy

Quyển 1 - Chương 21: Mùa hè năm ấy ta bên nhau (1)

Mộc

02/08/2016

Nhờ sự kèm cặp sát sao của Hoàng Bách, bảng điểm học tập của Thảo Ngân được cải thiện trông thấy, nhất là những môn tự nhiên. Duy chỉ có một điều khiến các bậc phụ huynh vô cùng bất mãn. Đó là điểm văn của Hoàng Bách làm cách nào cũng không vượt qua con số sáu. Mà lí do của việc này thực sự khiến người khác chỉ có thể bất lực thở dài.

Chuyện kể rằng, Nguyễn Hoàng Bách là một cậu bé có vẻ ngoài lạnh lùng, luôn xa cách mọi người. Ngoài người thân, cậu bé sẽ không để người khác vào trong mắt. Khi sinh ra, cậu không cất tiếng khóc như những đứa trẻ khác. Phải đến khi y tá vỗ mạnh vào mông vài cái, cậu mới chịu mở miệng gào lên. Ai cũng nói sau này, cậu sẽ không dễ dàng nghe lời người khác. Và sự thật đã chứng minh, dự đoán đó hoàn toàn chính xác. Cậu bé lớn lên vô cùng cứng đầu, thường xuyên làm cho giáo viên của mình phải tức giận đến bốc khói.

Điển hình như năm học lớp hai, trong một lần kiểm tra môn tập làm văn, giáo viên có ra đề “Hãy miêu tả con vật em yêu thích.”. Trong khi, cả lớp cặm cụi viết lách miệt mài, có người sang cả tờ đôi thứ hai thì Hoàng Bách chỉ đặt bút viết rất nhanh, sau đó nộp bài ra về.

Buổi học sau đó, giáo viên trả bài và gọi cậu bé lên nói chuyện riêng.

Chính giữa bài làm, chỉ có vẻn vẹn duy nhất một câu.

“Em không yêu thích con vật nào.”

Vị giáo viên này là một cô gái trẻ mới vào nghề vài năm, rất tâm huyết với nghề. Sau khi chỉ dạy một hồi về văn học, cuối cùng cô giáo cho cậu bé vài gợi ý để cậu có thể giả sử đó là con vật mình yêu thích và miêu tả, còn cho cậu cầm bài về nhà làm lại.

Lần thứ nhất, khi cậu bé nộp lại bài, bài làm vẫn y nguyên, nhưng có thêm một dòng chữ thật to, nét bút nắn nót ở mặt sau trang giấy.

“Mẹ em dạy không được nói dối.”

Giáo viên vẫn rất kiên nhẫn chỉ dạy lại một lần nữa, tiếp tục cho cậu bé mang bài về làm lại.

Lần thứ hai, không có gì thay đổi.

Lần thứ ba, hoàn toàn không có gì thay đổi ngoài việc tờ giấy viết bài ngày càng nhăn nhúm.

Tục ngữ có nói “Quá tam ba bận”. Lần thứ tư, khi giấy viết bài đã bị dày vò đến thê thảm, cô giáo trẻ không thể làm gì khác hơn là mời phụ huynh đến trao đổi về tình trạng học tập của học sinh cứng đầu này.

Thế nhưng, tình hình không hề có chút cải thiện. Cậu bé Hoàng Bách vẫn cứ làm theo chính kiến của bản thân, khiến cho cô giáo trẻ tuổi kia sau nhiều lần bị chọc giận, cuối cùng do không chịu nổi áp lực tâm lí nặng nề, phải xin đổi lớp dạy.

Nói đi nói lại, Hoàng Bách chính là một người không có hứng thú với văn học. Vậy nên, dù làm cách nào thì cậu bé và văn học cũng không thể xích lại gần nhau. Cũng giống như việc một con mèo không thích ăn rau. Nếu bắt buộc nó ăn rau, nó nhất định sẽ tuyệt thực và không bao giờ có chuyện nó nghe lời ăn hết chỗ rau đó.

Mẹ cậu bé hiểu điều đó. Vì thế, bà chưa bao giờ tức giận về điểm số môn văn của cậu bé, hay những môn học khác. Và dĩ nhiên, bà sẽ không phản đối chuyện con dâu tương lai của mình xin phép cho con trai cùng về quê ngoại cô bé nghỉ hè, ngay cả khi kết quả học tập của cậu không hẳn rất tốt.



***

Trước khi rời nhà ra bến xe cùng bố, Thảo Ngân chạy lại ôm anh trai, thật lâu sau mới buông tay luyến tiếc:

“Anh Kiệt, anh thực sự không đi cùng bọn em sao?”

“Ừ. Năm nay, anh sang cuối cấp rồi, phải học rất nhiều.”

Em gái nhỏ thở ra một hơi buồn rầu, ngước mắt nhìn anh trai.

“Vậy anh ở nhà học chăm chỉ nha. Khi về, em sẽ mang cho anh thật, thật nhiều quà. Anh nhớ chăm sóc mẹ và bản thân thật tốt. Bố đưa bọn em đến nhà ông bà rồi về ngay thôi. Đàn gà con nhà mình đang tuổi lớn, anh đừng quên cho chúng ăn nhé. Khó khăn lắm lứa gà này mới nở. Tối đến, anh nhất định bắt chúng vào chuồng đấy. Ở ngoài là chuột lại bắt mất. Cà chua nhà mình cũng lớn rồi. Khi nào chúng chín, anh nhớ hái sớm. Nếu không là sâu lại ăn hết cho xem. Còn cả su hào…”

Nghe em gái dặn dò hết cái này đến cái kia, như thể thiếu cô bé, mọi thứ trong nhà sẽ loạn hết, Liên Kiệt cảm thấy nếu anh không ngăn em gái lại, nó sẽ đứng nói đến ngày mai mất.

“Được rồi, đi đi! Mày sắp biến thành bà cụ non rồi đấy.”

Bị anh trai nắm vai xoay nửa vòng, Thảo Ngân mới miễn cưỡng đi ra cổng, vừa đi vừa không thôi ngoái đầu lại nhìn như còn muốn nói thêm điều gì. Quả thật, cô bé rất lo lắng cho ngôi nhà của gia đình khi phải đi xa.

Thế nhưng, khi xe khách chuyển bánh chưa được bao lâu, cô bé nào đó dường như đã quên hết tất cả. Thân hình nhoáng bật lên lại bật xuống như lò xo trên ghế ngồi, không ngừng chỉ trỏ, lôi kéo người ngồi bên cạnh nhìn ngắm cảnh vật ngoài cửa sổ xe.

Nếu không phải quen biết lâu ngày, khẳng định, Hoàng Bách cũng sẽ giống như những người khác, cho rằng cô bé đang hết quay ngang, quay ngửa, lại ngó dọc, ngó xiên bên cạnh cậu đây mắc chứng tăng động. Cho đến khi xe ô tô ra khỏi nội thành thành phố, cô bé ấy mới chịu ngồi yên, bắt đầu lim dim buồn ngủ.

Rời xa thành phố, dọc hai bên đường, cây cối và đồng ruộng dần thay thế cho những công trình xây dựng bê tông cốt thép, gạch ngói san sát nhau. Không khí trở nên trong lành, tươi mát hơn. Khói bụi, tiếng ồn hoàn toàn nhường chỗ cho mây trắng, nắng vàng, trời cao xanh.

Sau hơn hai giờ ngồi xe, ba bố con họ dừng lại ở thị trấn T, tỉnh N, sau đó bắt xe lam về làng.

Nhà ông bà ngoại của Thảo Ngân nằm trong một ngôi làng nhỏ cách thị trấn T khoảng mười lăm phút đi xe máy. Tốc độ của xe lam cũng không chậm hơn bao nhiêu. Thời điểm ba người họ đặt chân đến cổng nhà, trời cũng đã giữa trưa.

Vai khoác balo, tay xách túi lớn, túi nhỏ, cô cháu gái nhỏ lâu ngày không được gặp ông bà, giờ phút này kìm nén không nổi kích động, đôi chân thoăn thoắt chạy như bay xông vào sân trước nhà.



“Ông bà ơi… Cháu về rồi…”

Gần như cùng thời điểm giọng nói lanh lảnh vang lên, từ trong nhà, một bà lão lưng hơi còng, mặc áo nâu, quần đen vải sa tanh, miệng nhai chóp chép, chống cây gậy trúc màu ngà vàng đi ra.

“Bé Ngân về rồi đấy à?”

Thảo Ngân thấy nụ cười hiền hậu nhuộm màu đỏ bã trầu của bà, vội bỏ mấy túi đồ trong tay xuống đất, sà đến ôm bà, vừa dụi vào người bà, vừa chu chu miệng nhỏ nhắn.

“Bà, cháu nhớ bà lắm, lắm luôn…”

“Con bé này, chỉ được cái dẻo miệng.” Bà lão vuốt tóc cháu gái, mắng yêu.

Cô cháu gái nhỏ cười hì hì, quay đầu nhìn anh bạn lớn tuổi của mình. Thấy cậu cũng nhìn mình, cô bé liền chạy lại phía cậu, lôi kéo cậu đến trước mặt bà ngoại.

“Bà, đây là Hoàng Bách. Cậu ấy là bạn tốt nhất của cháu. Cậu ấy nấu ăn rất ngon!” Vừa nói, cô bé vừa liếc mắt qua lại quan sát biểu hiện của hai người.

Chỉ thấy Hoàng Bách hơi cong môi, cúi đầu chào một cách lễ phép:

“Cháu chào bà.”

“Ừ. Mấy đứa mau vào nhà đi. Rửa mặt mũi, chân tay rồi ăn cơm thôi. Thức ăn dọn lên hết rồi.”

“Dạ!” Cô bé nào đó vui vẻ hô thật to, nhanh nhẹn xách đồ dưới chân lên.

Hoàng Bách đi sau cùng, đưa mắt quan sát cảnh vật xung quanh. Cảm giác thân thuộc, gần gùi tràn ngập khắp nơi. Quang cảnh bình dị với những mái nhà ngói đỏ qua thời gian đã ngả sang màu rêu xanh, lấp ló sau những lùm cây cao lớn, xanh mát. Dưới cái nắng đầu hè đã có phần gay gắt, mọi thứ ánh lên màu nắng vàng óng ánh, rực rỡ đến lạ thường. Nơi này so với nhà ông bà ngoại của cậu rất giống nhau. Con người ở đây cũng vậy, thân thiện, nhiệt tình. Ai gặp bố con Thảo Ngân cũng rất niềm nở chào hỏi. Dĩ nhiên, họ cũng không quên hỏi thăm về người lạ mặt, mới tới lần đầu là cậu đây.

Phía trước, Thảo Ngân đang đi bỗng quay đầu dừng lại. Đợi khi cậu bạn nhà mình đi đến, cô bé liền níu tay áo người ta, ghé sát lại, giọng thỏ thẻ:

“Hoàng Bách, thấy tớ nói đúng không? Bà tớ rất quý cậu đấy.”

Hoàng Bách cúi đầu, nhìn đôi mắt cong cong, khuôn mặt tươi cười ngọt ngào của cô bé, trên môi cũng bất giác mỉm cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nồi Nào Úp Vung Nấy

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook