Nhấn Chuông Đi Đừng Đợi

Chương 3: Chương 03

David Nicholls

27/10/2016

3

CÂU HỎI: Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nào của Frances Hodgson Burnett, viết năm 1886 và sau đó được dựng thành kịch nhiều lần, đã làm dấy lên xu hướng thời trang để tóc quăn dài và mặc áo com lê nhung có cổ đăng ten ở nam thanh niên?

TRẢ LỜI: Cậu chủ nhỏ Fauntleroy[1].

[1] Nguyên văn: Little Lord Fauntleroy.

***

Đây là những gì tôi viết vào mục “Sở thích và mối quan tâm” trong đơn nộp cho Văn phòng Nhà ở Trực thuộc Đại học: Đọc sách, Phim ảnh, Âm nhạc, Kịch nghệ, Bơi lội, Cầu lông, Quan hệ xã hội!

Rõ ràng danh sách đó chẳng thể hiện gì nhiều. Thậm chí nó còn không hoàn toàn đúng. “Đọc sách” là sự thật, nhưng ai mà chả đọc sách. “Phim ảnh” và “Âm nhạc” cũng tương tự. “Kịch nghệ” thì là nói dối, tôi ghét kịch nghệ. Thực ra thì tôi có tham gia mấy vở kịch, chỉ là không bao giờ thực sự xem trọn vẹn một vở, ngoại trừ một tiết mục lưu diễn giáo dục về an toàn đường bộ, trong đó tuy các diễn viên nhiệt tình, sôi nổi và phô trương, nhưng màn trình diễn vẫn chẳng để lại mấy ấn tượng thẩm mỹ trong tôi. Có điều bạn phải giả vờ thích kịch nghệ - đó là luật. “Bơi lội” cũng không hẳn là đúng. Tôi bơi được, nhưng chỉ theo cái kiểu của bất kỳ con vật nào đang sắp chết đuối. Tôi chỉ nghĩ là mình cần phải thêm vào cái gì đó mang tính thể thao. “Cầu lông” cũng vậy. Khi tôi nói tôi thích cầu lông, ý tôi là giả sử có mấy kẻ nào đó chĩa súng vào đầu tôi và ép tôi phải chơi một môn thể thao bất kỳ nếu không muốn bị bắn chết, mà chúng lại không chấp nhận xem trò sắp chữ là một môn thể thao, thì môn thể thao đó chính là cầu lông. Ý tôi là, môn đó có thể khó đến đâu cơ chứ? “Quan hệ xã hội!” cũng là một uyển ngữ. “Cô độc và Thiếu thốn tình dục” thì chính xác hơn, nhưng cũng quái gở hơn. Nhân tiện, dấu cảm thán ở cuối từ “Quan hệ xã hội!” nhằm chuyển tải một cái nhìn thiếu tôn kính, vô tâm, bất chấp tất cả đối với cuộc đời.

Vì vậy, phải thừa nhận là tôi chẳng cung cấp thông tin gì đáng kể cho mấy người ở Văn phòng Nhà ở Trực thuộc Đại học, thế mà chẳng hiểu sao họ lại xếp tôi ở trong ngôi nhà này với Josh và Marcus.

Richmond House nằm trong một dãy nhà gạch mới xây trên đỉnh một ngọn đồi rất dốc nhìn xuống thành phố, ở vị trí thuận tiện chỉ cách trạm xe buýt gần nhất mấy cây, chính vì vậy, cuối cùng khi đến nơi tôi đã vã mồ hôi ướt đẫm bên trong cái áo gió dày. Cửa trước mở toang, hành lang đầy những cái hộp cùng xe đạp đua và hai mái chèo, một cây gậy và miếng lót đánh cricket, các thiết bị trượt tuyết, bình thở ôxy và một bộ đồ lặn. Trông như một vụ cướp cửa hàng dụng cụ thể thao. Tôi ném va li vào phía bên trong cửa ra vào, cảm thấy nỗi lo lắng đang lớn dần lên, và trèo bừa qua đống đồ thể thao để tìm những người trọ cùng.

Nhà bếp được thắp sáng bằng đèn neon, có vẻ đơn điệu, bốc mùi thuốc tẩy và men bia. Gần bồn rửa, hai thằng con trai, một to lớn tóc vàng, một ngăm đen béo lùn, mặt lốm đốm tàn nhang, đang dùng vòi hoa sen phun đầy nước vào cái thùng rác rỗng bằng nhựa. Bài hát “Cô ấy bán nơi trú ẩn” của The Cult đang phát ra ầm ĩ từ cát xét. Tôi đứng ở ngưỡng cửa một lát, rồi nói “Xin chào!” và “Chào đằng ấy!” trước khi đứa tóc vàng cuối cùng cũng nhìn lên và trông thấy tôi với mấy cái túi rác đen.

“Xin chào! Đó là người dọn rác!”

Cậu ta vặn nhạc xuống một nấc, chồm tới giống như một con cún giống Labrador thân thiện, rồi bắt tay tôi một cách hùng hồn, và tôi nhận ra đây là lần đầu tiên tôi bắt tay một người đồng trang lứa.

“Cậu hẳn là Brian,” cậu ta nói. “Mình tên Josh còn đây là Marcus!”

Marcus nhỏ thó và đầy mụn nhọt, tất cả những nét đặc trưng của cậu ta đều tập trung ở giữa khuôn mặt, đằng sau cặp kính phi công trông rất ngầu song cũng chẳng khiến cậu ta nom có khả năng lái máy bay một chút nào. Cậu ta nhìn tôi từ trên xuống dưới với khuôn mặt có vẻ cáu kỉnh, khịt mũi, rồi lại chú ý vào cái thùng rác nhựa. Nhưng Josh thì cứ nói huyên thuyên, không thèm đợi câu trả lời, bằng giọng nói liền một mạch của phim thời sự Pathe. “Cậu đến đây bằng cách nào? Phương tiện giao thông công cộng à? Cậu sống ở đâu? Cậu thấy ổn đấy chứ? Cậu toát mồ hôi đầm đìa kìa.”

Josh mang một đôi giày ống màu đỏ tía, mặc áo gi lê nhung màu be - đó là một chiếc áo gi lê nhung - một cái áo sơ mi tím, và quần jean đen bó sát đến nỗi có thể thấy rõ từng cái tinh hoàn cậu ta ở đâu. Cậu ta có kiểu tóc giống Tone, kiểu Viking Nữ hóa, dấu hiệu của dân metallist kinh niên, nhưng được bù lại bằng một bộ ria mép lông tơ; với cái kiểu trưng diện ấy, cậu chàng kỵ sĩ này trông như thể vừa đánh mất thanh trường kiếm của mình.

“Cái gì trong thùng rác vậy?” tôi hỏi.

“Bia tự ủ. Tụi mình nghĩ là để quá trình lên men diễn ra càng sớm thì càng tốt. Hiển nhiên là cậu có thể tham gia nếu muốn, chúng ta chỉ phải chia chi phí làm ba thôi...”

“Được thôi...”

“Chi phí bây giờ là 10 bảng, để mua men bia và chất cô đặc cây hoa bia và ống và thùng và các thứ linh tinh khác, nhưng sau ba tuần thì cậu có thể thưởng thức Bia đắng Yorkshire truyền thống với giá 6 xu nửa lít!”

“Món hời nhỉ!”

“Marcus và mình là những tay nấu rượu lậu, hai đứa vận hành một cái máy chưng cất rượu trong ký túc, kiếm lời kha khá đấy. Mặc dù tụi mình ngẫu nhiên lại là hai thằng ngoại trú!”

“Các cậu học cùng trường à?”



“Chắc chắn rồi. Rất khăng khít, phải không, Marcus?” Marcus khịt mũi. “Cậu học ở đâu vậy?”

“Ồ, cậu chưa nghe đến nơi đó đâu...”

“Thử coi.”

“Phố Langley?”

Im lặng.

“Trường Phổ thông Hỗn hợp Phố Langley?”

Chẳng có động tĩnh gì.

“Southend?” tôi gợi ý. “Essex?”

“Không! Cậu hoàn toàn đúng, chưa bao giờ nghe nói luôn! Muốn tớ chỉ cho phòng cậu không?”

Tôi theo Josh lên lầu, Marcus lững thững theo sau, đi dọc theo hành lang màu xám xanh trang trí bằng những chỉ dẫn về cách ứng phó trong trường hợp có hỏa hoạn. Chúng tôi đi qua căn phòng mới của họ chất đầy những hộp và va li nhưng vẫn còn rộng rãi, và đến cuối hành lang, Josh đẩy tung cửa một căn phòng thoạt nhìn giống hệt một cái xà lim.

“Tèn ten! Hy vọng cậu không phiền, nhưng chúng tớ đã chia phòng trước khi cậu đến đây rồi.”

“Ồ. Thế à...”

“Tung đồng xu để quyết định. Cậu biết đấy, chúng tớ muốn bắt tay dọn đồ đạc ra, ổn định chỗ ở.”

“Dĩ nhiên rồi! Được thôi!” Tôi có cảm giác mình vừa bị lừa, và quyết định sẽ không bao giờ tin gã mặc áo gi lê nhung nào nữa. Bây giờ phải tính kế làm sao đòi lại quyền lợi của mình mà không tỏ ra lộ liễu.

“Hơi bé thì phải, nhỉ?” tôi nói.

“Chà chà, Brian, phòng nào chẳng bé. Mà chúng tớ đã tung đồng xu đấy, rất là công bằng và sòng phẳng.”

“Thế làm sao cậu tung đồng xu cho ba người?”

Im lặng. Josh cau mày, miệng câm như hến.

“Nếu cậu không tin tưởng bọn này, lúc nào chúng ta cũng có thể tung lại,” Marcus khịt khịt mũi vẻ tự ái.

“Không, không phải vậy, chỉ là...”

“Rồi, thế thì chúng tớ sẽ để cậu lại ổn định chỗ ở. Mừng vì có cậu gia nhập!” và họ chạy đi, quay về chỗ ủ bia, xì xà xì xầm.



Chỗ ở của tôi trông như thể vừa bị xới tung lên. Căn phòng có cái vẻ cuốn hút và không khí của hiện trường một vụ án mạng; một tấm nệm nằm chỏng chơ trên khung kim loại, tủ quần áo và bàn đồng bộ, bằng gỗ dán và hai cái kệ nhỏ bằng mica giả gỗ. Tấm thảm có màu nâu của bùn đất và như kiểu được dệt từ những sợi lông mu chắc chắn. Một cái cửa sổ trông dơ bẩn ở phía trên cái bàn nhìn xuống thùng rác bên dưới, trong khi đó tấm bảng hiệu đóng khung cảnh báo rằng sử dụng keo dính Blu-Tack trên tường sẽ bị xử tử. Mặc dù vậy, tôi đã muốn một căn phòng gác mái, và tôi đã có một căn phòng gác mái. Tốt hơn là nên thích nghi với nó, tôi nghĩ thế.

Việc đầu tiên tôi làm là lắp đặt dàn âm thanh nổi, và bỏ đĩa nhạc Never for Ever, album thành công vang dội thứ ba của Kate Bush vào. Các đĩa nhạc còn lại được chất đống kế bên mặt đĩa quay, và có một chút đấu tranh nội tâm trong tôi về việc để album nào hướng mặt ra ngoài; tôi thử với Revolver của The Beatles, Blue của Joni Mitchell, Diana Ross và The Supremes và Elia Fitzgerald trước khi bố trí đĩa mới coóng Brandenburg Concertos của Bach có nhãn ghi Âm nhạc Giải trí, một món hời với giá 2 bảng 49 xu.

Sau đó tôi dọn sách vở ra, và thử nhiều cách khác nhau để sắp xếp chúng trên cái kệ mica; theo thứ tự chữ cái tên tác giả, theo thứ tự chữ cái tên tác giả nhưng chia nhỏ theo chủ đề; thể loại; quốc gia; kích cỡ, và cuối cùng, hiệu quả nhất, theo màu sắc - bộ Penguin kinh điển màu đen ở một đầu kệ, màu nhạt dần đến bộ Picador màu trắng ở cuối kệ, ở giữa là bộ Virago màu xanh chiếm khoảng 5 xăng ti mét, bộ mà tôi chưa có thời gian đọc nhưng chắc chắn sẽ đọc. Việc này rõ ràng khá mất thời gian, và khi tôi xong xuôi hết thì trời cũng vừa tối hẳn, nên tôi bèn gắn cái đèn bàn lên bàn.

Kế đó tôi quyết định biến giường ngủ của mình thành một chiếc giường kiểu futon. Thực ra đã có lúc tôi từng muốn làm việc này, nhưng mẹ chỉ cười nhạo khi tôi thử làm ở nhà, nên tôi định sẽ thử làm ở đây một phen. Tôi khiêng tấm nệm lên, nó bị lấm bẩn một cách khó hiểu và đủ ẩm để trồng cải xoong, đặt xuống sàn sao cho nó không tiếp xúc với mặt tôi, rồi chật vật dựng ngược khung giường bằng kim loại lên. Nó nặng đến cả tấn, nhưng cuối cùng tôi cũng xếp gọn được nó an toàn đằng sau tủ quần áo. Đương nhiên như thế nghĩa là tôi sẽ mất đi hơn nửa mét mặt sàn quý giá, nhưng khi xong thì hiệu quả cũng xứng đáng lắm - một kiểu không khí phương Đông, khiêm nhường, trầm tư mặc tưởng, chỉ bị làm giảm bớt một chút bởi những cái sọc màu xanh nước biển đậm, đỏ và trắng trên lớp bọc ngoài cái chăn lông vịt của Cửa hàng Bách hóa Gia dụng Anh.

Để giữ phong cách Thiền khiêm nhường của giường futon, tôi muốn hạn chế trang trí, bèn chỉ dán lên bức tường phía trên cái gối những bưu thiếp hình các bức họa và tấm ảnh ưa thích, một kiểu tuyên ngôn bằng hình ảnh về những anh hùng và những thứ mà tôi yêu thích. Tôi nằm trên chiếc futon và lấy keo Blu-Tack ra; Cái chết của Chatterton của Henry Wallis, Ophelia Chết đuối của Millais, Đức mẹ đồng trinh và Chúa Hài đồng của Da Vinci, Đêm đầy sao của Van Gogh, một bức của Edward Hopper; Marilyn Monroe vận váy xòe nhìn u sầu vào máy ảnh; James Dean trong chiếc áo khoác dài ở New York; Dustin Hoffman trong Người đàn ông chạy marathon; Woody Allen; một bức ảnh bố và mẹ ngủ gật trên ghế xếp ở Butlins, Charles Dickens, Karl Marx, Che Guevara, Laurence Olivier trong vai Hamlet, Samuel Beckett, Anton Chekhov, tôi đóng vai chúa Giê-su trong vở kịch Phúc âm hồi lớp Sáu, Jack Kerouac, Burton và Taylor trong Ai sợ Virginia Woolf? cùng một bức ảnh của Spencer, Tone và tôi trong một chuyến dã ngoại của trường đến lâu đài Dover. Spencer hơi tạo dáng, đầu khẽ cúi nghiêng về một bên, trông lãnh đạm, chán chường và khôn ngoan. Tone như mọi khi, đang giơ tay chữ “V”.

Cuối cùng, ngay cạnh gối, tôi để một tấm hình của bố, trông ông gầy gò như giống chó uypit[2] và có phần đáng sợ giống như nhân vật Pinky trong bộ phim Băng đảng ở Brighton, nhưng ở thành phố phía quay mặt ra bờ biển Southend, một tay cầm chai bia và điếu thuốc lá cháy âm ỉ trên những ngón tay dài. Ông có mái tóc đen chải ngược, gò má nhọn, cao, mũi nhỏ dài, một chiếc áo ba nút cổ cao, và dù ông cười nửa miệng về phía ống kính, trông ông vẫn có chút đáng sợ. Cái này chụp vào khoảng năm 1962, bốn năm trước khi tôi ra đời, vậy ông hẳn là trạc tuổi tôi bây giờ. Tôi thích tấm hình này, nhưng tôi vẫn có cảm giác lo lắng là nếu ông bố mười chín tuổi của tôi gặp thằng con mười chín tuổi của ông trên cầu tàu Southend vào một tối thứ Bảy nào đấy, đó hẳn là một cơ hội thuận tiện để ông cho tôi một trận tơi bời.

[2] Uypit (whippet): một loại chó săn Anh, mình nhỏ và gầy.

Có tiếng gõ cửa, và theo bản năng tôi giấu keo Blue-Tack ra sau lưng. Tôi cho đó là Josh đến yêu cầu tôi làm đầu sai cho gã hoặc cái gì đấy tương tự, nhưng thay vào đó là một cô gái tóc hoe cao lớn có mái tóc kiểu Viking và ria mép màu vàng hoe nhàn nhạt.

“Cậu dọn đồ đạc đến đâu rồi? Ổn chứ?” Josh nói trong bộ đồ phụ nữ.

“Tốt, ổn cả.”

“Sao cái nệm của cậu lại nằm trên sàn thế?”

“Ồ, tớ nghĩ là nên thử giường kiểu futon một thời gian.”

“Giường futon? Thật hả?” Josh nói, cái miệng thoa son há hốc ra như thể đó là điều kỳ quái nhất cậu ta từng nghe trong đời, tức cười thật, chuyện này lại đến từ một gã con trai mặc đồ phụ nữ. “Marcus, đến đây mà xem cái giường futon của Jackson này!” và Marcus, trong bộ tóc giả màu đen uốn quăn, váy thể thao khúc côn cầu và đôi vớ bị tuột chỉ, thò mũi vào phòng, khịt khịt, rồi biến mất.

“Mà này, giờ chúng tớ biến đây - cậu có đến cùng không?”

“Hử, đến...”

“Tiệc Gái làng chơi và Cha xứ, trang viên Kenwood. Vui lắm.”

“Được rồi, xem nào, có thể. Chỉ là tớ nghĩ tớ nên ở nhà mà đọc...”

“Ồ, đừng có ủy mị như vậy chứ...”

“Nhưng tớ không có gì để mặc...”

“Cậu có một cái áo sơ mi sậm màu phải không?”

“À... ờ.”

“Tốt, vậy thì đi thôi. Dán một miếng bìa màu trắng dưới cái cổ áo thế là xong. Gặp cậu trong năm phút nữa nhé. À mà, đừng quên 10 bảng cho vụ làm bia tự ủ đấy nhé? Nhân tiện, yêu những gì cậu đã làm cho căn phòng ghê...”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
đấu phá thương khung
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nhấn Chuông Đi Đừng Đợi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook