Người Bình Xuyên

Chương 29: BẢY VIỄN PHÁI HAI HUỲNH DÒ XÉT HAI VĨNH NGUYỄN BÌNH NẮM VỮNG NỘI TÌNH BÌNH XUYÊN

Nguyên Hùng

10/07/2014

Trước ngày đi Quân khu 7 ở Giồng Dinh, Hai Vĩnh giao Chi đội 7 cho ông Tám Mạnh và các đồng chí. Trong dịp này, anh em nhận định về thái độ gần đây của Bảy Viễn. Tình báo cho biết vùng Tiều, Lý Nhơn có nhiều thay đổi từ khi bộ đội Bảy Viễn đến đóng. Hàng quán mọc lên như nấm. Chiều chiều cán bộ các cơ quan ra đó ăn hủ tiếu, uống la-ve. Đây là một hiện tượng hiếm trong khung cảnh kháng chiến. Lại còn có vài cô áo xanh áo đỏ, tóc uốn quăn kiểu thành thị xuất hiện. Tin này khiến các tay ghiền cảnh thành phố bắt thèm. Mặt khác, tình báo cũng thấy lui tới tổng hành dinh của Bảy Viễn có các tay lạ mặt như Lãm Ngọc Đường, Môrit Thiên với đám "com măng đô" mang toàn súng "ru lô" mới toanh. Chính mắt Hai Vĩnh trông thấy Phạm Công Tắc tới Tắc Cây Mắm gặp Bảy Viễn. Theo tình báo thì thầy Tư Hòa Hảo, tức Huỳnh Phú Sổ, cùng đi với Năm Lửa cũng có tới gặp Bảy Viễn bàn tính chuyện quốc sự.

Với những tin thu thập được, Hai Vĩnh nghiệm thấy Bảy Viễn muốn nắm Liên khu Bình Xuyên để tạo uy thế với các đảng phái khác như Cao Đài, Hòa Hảo. Cánh tay mặt của Bảy Viễn là Mười Trí, người đã được hắn ủy nhiệm "đại diện Bình Xuyên" dự hội nghị giáo phái tại Tòa thánh Tây Ninh. Hai Vĩnh bàn với ông Tám Mạnh:

- Đi chuyến này, con phải gặp cho được Khu trưởng Nguyễn Bình, trình bày nội tình Bình Xuyên cho quân khu biết để đối phó. Con thấy giáo phái và bọn cơ hội đã xen vô Chi đội 9 của Bảy Viễn...

Ông Tám gật gù:

- Ba cũng thắc mắc về chuyện Việt minh diệt giáo phái mà Mười Trí báo cáo trước hội nghị. Thằng Chín An, Chi đội phó Chi đội 4 của Mười Trí, bị Việt minh bắt là vì hành động quân phiệt chứ đâu phải là vì lý do chính trị?... Ba thấy Bảy Viễn không muốn cho con đi lên quân khu. Hắn đưa hai đại đội chủ lực, tiếng là theo hộ tống con, nhưng dụng ý là gây chia rẽ con với Khu trưởng Nguyễn Bình. Bởi vậy con đi phải cẩn thận...

Hai Vĩnh gật:

- Ngay từ đầu con đã thấy ý đồ đó, con đã từ chối nhưng không được. Vào giờ chót. Bảy Viễn đưa Ký Huỳnh đi với con. Ký Huỳnh là tay tâm phúc của nó, đi theo con chắc chắn nó sẽ dòm ngó để về báo cáo lại mọi việc.

Tám Mạnh thở dài:

- Chuyến đi của con nguy hiểm từ nhiều phía. Con phải cẩn thận...

Tuy đã phòng trước các khó khăn, Hai Vĩnh vẫn còn gặp nhiều nguy hiểm bất ngờ trên đường đi. Đây là thủ đoạn thâm độc của hai anh em Tài, Sang. Chẳng hạn đi được vài ngày, Hai Vĩnh bắt được một bản tin đánh máy, in giấy sáp của Chi đội 9, loan tin "Bộ đội Bình Xuyên cử Hùm xám Mai Văn Vĩnh lên Quân khu 7 chất vấn Bộ Tư lệnh". Đến căn cứ Chi đội 4 ở Bình Hòa, Hai Vĩnh được Mười Trí mời ở lại ăn uống, rồi khuyên bỏ ý định gặp Nguyễn Bình "e khi họa hổ bất thành, khi không mình lại đưa mình vào hang". Hai Vĩnh nghĩ rằng Mười Trí hành động theo ý đồ của Bảy Viễn, đem việc chết chóc ra hù dọa anh. Ngoài các trở ngại trong nội bộ, Hai Vĩnh gặp các chướng ngại như tới Kinh Xáng, thì gặp tàu lên chặn đường, quân đội Pháp nhảy dù tấn công ngoài rìa Đồng Tháp Mười. Anh họp Ban chỉ huy lại, phổ biến rõ chủ trương không nổ súng, trừ trường hợp thật bất đắc dĩ.

Một tuần ròng rã, Hai Vĩnh mới tới Giồng Dinh. Nhưng anh gặp phải một sự từ chối hết sức phũ phàng: Võ Bá Nhạc, Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh quân khu, báo tin Khu trưởng Nguyễn Bình đau mắt, bác sĩ không cho phép làm việc trong thời gian điều trị.

Ký Huỳnh cười lạt bảo Hai Vĩnh:

- Đây là cái cớ để người ta không tiếp mình. Mình về đi thôi!

Hai Vĩnh nghĩ thầm: "Mình đã vượt gian nguy tới đây, không lẽ lại trở về tay không? Khu trưởng Nguyễn Bình không tiếp ta, có lẽ là do bản tin gieo chia rẽ của bọn Tài, Sang, Minh phải ở nán lại tìm cách gặp cho được Khu trưởng Nguyễn Bình, mà phải gặp riêng, không cho Ký Huỳnh dự".



Bộ Tư lệnh quân khu tiếp đón bộ đội Bình Xuyên rất chu đáo nhưng Võ Bá Nhạc vẫn không cho Hai Vĩnh gặp khu trưởng. Ký Huỳnh một hai đòi về. Qua mấy đêm không ngủ. Hai Vĩnh đã nghĩ một mưu chước nhỏ...

° ° °

Sáng sớm hôm sau, Hai Vĩnh ra ao cá vồ, cẩn thận bỏ trong túi một tờ giấy trắng và một bao thư. Trong khi làm công việc "coi cá", anh bí mật viết vội bức thư cho Khu trưởng Nguyễn Bình, đề nghị được khu trưởng cho gặp mặt một mình để báo cáo tình hình nội bộ Bình Xuyên. Còn Ký Huỳnh là người của Bảy Viễn, nếu thấy cần thì khu trưởng gặp sau. Anh cho lá thư vào phong bì, cất kỹ trong túi bên phải. Một lúc sau, anh gặp Ký Huỳnh, đề nghị hai người nên viết thư cho Nguyễn Bình xin được tiếp, nếu không thì cả hai bỏ về. Ký Huỳnh đồng ý, Hai Vĩnh viết thư ngay và cho Ký Huỳnh xem. Ký Huỳnh gật gù bảo "được". Hai Vĩnh bỏ vào túi áo trái. Cả hai tới gặp Võ Bá Nhạc nhờ chuyển lá thư lên khu trưởng. Hai Vĩnh trao bức thư cất trong túi áo mặt. Vì phong bì giống nhau nhau nên Ký Huỳnh không nhận ra việc tráo thư này. Một lúc sau, Võ Bá Nhạc ra bảo:

- Khu trưởng hãy còn đau mắt, chỉ có thể tiếp từng người một. Buổi sáng tiếp đồng chí Hai Vĩnh, còn đồng chí Ký Huỳnh thì hẹn gặp vào buổi chiều.

Hai Vĩnh thở một hơi nhẹ nhõm. Anh đã chặt được cái đuôi Ký Huỳnh. Anh theo một trung úy đến nơi gặp Nguyễn Bình.

Sau khi nghe Hai Vĩnh báo cáo tình hình nội bộ Bình Xuyên, Nguyễn Bình phấn khởi nói:

- Bộ Tư lệnh cũng nhận được một số báo cáo giống như những việc anh vừa báo. Nhưng nay nhờ anh nói có đầu đuôi mạch lạc mà tôi nắm được tình hình rõ hơn.

Nguyễn Bình cho biết rằng những biến động của Bình Xuyên vẫn được Công an Nam bộ và Sài Gòn- Gia Định theo dõi sát, không chỉ ở vùng ta mà cả tại cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn.

Theo tài liệu công an thì vấn đề Bình Xuyên không bó hẹp trong những chuyện về phẩm chất, tính khí của người này, người khác, hay chuyện tranh giành quyền lực giữa nhóm này, nhóm khác!... Xứ ủy và quân khu nhất trí với nhận định của các đồng chí lãnh đạo công an đánh giá vấn đề Bình Xuyên có ý nghĩa to lớn hơn nhiều.

Đối với Pháp, vì phải tập trung quân viễn chinh cho chiến trường chính ở miền Bắc nên không còn cách nào khác là phải dựa vào các giáo phái chống cộng để bình định Nam bộ. Phạm Công Tắc được thả về vùng Cao Đài Tây Ninh. Huỳnh Phú Sổ đang đòi quyền tự trị ở mấy tỉnh theo đạo Hòa Hảo. Tên Tây lai Léon Leroy gây dựng các binh đoàn bảo vệ đạo Cơ đốc ở vùng Bến Tre... tất cả những hiện tượng ấy đều là những mắt xích trong chuỗi âm mưu dài của Pháp ở Nam bộ... Thế mà cái mắt xích quan trọng nhất, có quan hệ đến sự sống còn của Sài Gòn, thì chúng chưa nắm được. Đó là vùng Rừng Sác bao la, bí hiểm đang kiểm soát con sông Lòng Tàu mở cửa cho Sài Gòn thông với biển Đông và thế giới; vùng Rừng Sác khống chế mạng lưới đường sông, đường bộ nối liền Sài Gòn với vựa lương thực thực phẩm các tỉnh miền Tây...

Nhưng Rừng Sác là một căn cứ kháng chiến hùng mạnh trực thuộc Liên khu Bình Xuyên; mà Bình Xuyên lại là một lực lượng chống Pháp quyết liệt, có tổ chức, có lý tưởng, có bộ đội vũ trang và nhiều vị chỉ huy yêu nước, giác ngộ cách mạng chứ không phải là một tôn giáo để cho Pháp chỉ cần mua được người cầm đầu là nắm xong hạ tầng cơ sở...

Mặt khác, Bình Xuyên cũng là một hiện tượng đặc biệt mà Pháp hiểu rõ từ lâu. Nó bao gồm nhiều con người chọc trời khuấy nước rất khác nhau về cá tính nhưng vẫn ràng buộc với nhau bằng mối quan hệ vô hình của một tập quán và tâm lý lâu năm hình thành như một thứ luật giang hồ... Tâm lý và tập quán ấy đã tạo ra những nhược điểm khiến cho họ đi theo cách mạng một cách khá vất vả ở số đông; còn ở một số ít, thì nó biến thành những vết thương độc khó tiếp nhận các liều thuốc đắng của cách mạng... Pháp hiểu rất rõ rằng muốn nắm được Bình Xuyên, phải đi từ những con người như vậy. Trong số ấy, Bảy Viễn là hình tượng nhiều gai góc nhất... Vì vậy, vấn đề Bảy Viễn không còn là vấn đề cá nhân ông ta! Giải quyết vấn đề Bảy Viễn lúc này đã trở thành chuyện đối phó với âm mưu giặc Pháp đối với Bình Xuyên nói riêng, hay là vấn đề chiến thuật chiến lược giữa ta với Pháp chung quanh mặt trận Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung...

Nghe Nguyễn Bình phân tích, Hai Vĩnh tỉnh người! Lúc ra đi cũng chỉ mong được báo cáo một số hành động khả nghi của Bảy Viễn để trên cho ý kiến xử lý. Không dè câu chuyện nó khó khăn đến thế... Thật là may cho mình chưa kịp tỏ thái độ gì rõ rệt đối với Bảy Viễn... Cuộc đấu tranh với hắn ta còn dài...



Nghĩ vậy, Hai Vĩnh thấy yên tâm hơn và anh vui vẻ tuân phục khi chia tay, Nguyễn Bình nhắc riêng anh về tới Liên khu Bình Xuyên, hãy tiếp tục làm tai mắt cho Bộ Tư lệnh, báo cáo kịp thời để tránh được những việc không hay.

Trưa đó, Nguyễn Bình bảo cô Thanh làm gì đãi anh em Bình Xuyên. Ký Huỳnh rất hãnh diện được cụng lý với Tư lệnh quân khu!

Chuyến đi của Hai Vĩnh mang lại một kết quả bất ngờ cho Bảy Viễn: Trung ương điện vào quyết định phong Bảy Viễn chức Khu bộ phó Khu 7.

Bảy Viễn tập hợp đám thân tín lại báo tin vui đồng thời tổ chức làm gà, làm vịt ăn mừng.

Đêm ấy, ăn nhậu say mèm, thức tới khuya để nghe đàn ca hát xướng; quá nửa đêm Bảy Viễ mới xuống ghe với cô vợ bé, đào chánh của gánh hát bội Bầu Xá.

° ° °

"Gạo Cần Đươc, nước Đông Nai", vùng đóng quân của Bình Xuyên phì nhiêu nổi tiếng từ xưa, nhưng trong những năm kháng chiến, các đơn vị đóng quân ở Rừng Sác bị giặc phong tỏa cắt đường tiếp tế, thiếu gạo, thiếu nước ngọt, thiếu nước ngọt có khi kéo dài đến đôi ba ngày.

Lúc Hai Vĩnh đi Đông Tháp Mười gặp Khu trưởng Nguyễn Bình, binh công xưởng Chi đội 7 đóng ở Núi Bà Trau bị tàu lồng cu bao vây nên thiếu gạo. Liên lạc tốc qua Rạch Chanh báo tin khẩn cấp cho ông Tám Mạnh. "Cứu đói như cứu hỏa", ông Tám sai cô Tư mang tiền, qua xóm Ông Kèo, xã Phước Lý mua gạo chở về Bà Trau tiếp tế cho "thằng Thức với đám thợ Ba son của nó".

Ông Tám rất mến đồng chí Thức, anh này là thợ giỏi của Ba son. Anh kéo theo một số lượng công nhân đầu quân bộ đội Chánh hưng như Năm Dương, Tám Xích ngay từ đầu. Anh Thức là người Bắc vô Nam từ lâu, tính tình vui vẻ, cởi mở. Tuổi của anh Thức cùng một lứa với cô Tư nên ông Tám xem như con cháu. Tay nghề của Thức rất giỏi nên ngay từ đầu anh đã giữ chức giám đốc binh công xưởng, Năm Dương phó giám đốc.

Cô Tư nhét bạc đầy hai túi áo đi mua gạo. Đoàn ghe chở gạo gồm ba xuồng và một ghe nhỏ có sức chở hai chục giạ. Cô Tư đi ghe ở phía sau, ba xuồng nhẹ nhàng lướt nhanh đi trước. Bất ngờ dọc đường đoàn ghe bị phục kích. Súng nổ vang, đạn bay vèo trên đầu. Tất cả bỏ xuồng nhảy xuống sông. Cô Tư ở sau nhưng lội theo kịp mấy anh ở trước cùng nhay lủi rừng về tới Bàu Bông. Chừng ngớt tiếng súng mới thấy đói. Nhờ dân để lại vài lon gạo nấu cơm ăn, nhưng dân cũng đang khan gạo, ăn cháo thay cơm. Dù vậy, khi biết cô Tư và các bạn là quân nhu Chi đội 7, bà chủ nhà vét hủ gạo nấu cơm để "mấy cháu có sức đi công tác". Tiền ướt căng hai túi, cô Tư móc ra phơi và trước khi tiếp tục lên đường, cô xin trả tiền gạo, bà già nhất định không lấy. Cô Tư nhét tiền vào túi đứa cháu nhỏ, bà già cũng chạy theo, "một bữa cơm mà nhiều nhỏi gì!"

Có gạo rồi, anh Thức lên tinh thần, nửa đùa nửa thật:

- Chị Hai có tài đổ bánh bò, nghe đồn mà chưa dịp thưởng thức…

Cô Tư biết anh em trong rừng thèm nên tổ chức xay bột, nạo dừa làm bánh bò thật ngọt, thật béo. Mỗi người được một bánh to bằng chén ăn cơm, nhưng xem ra ai cũng còn thèm thuồng…

Mỗi lần được ông tám giao cho công tác như vậy, cô Tư rất vui. Cô muốn bước ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp của gia đình. Nhờ những công việc nho nhỏ, vừa với sức mình, cô gắn bó gia đình với tập thể, đúng theo lý tưởng của ông Tám là "tứ hải giai huynh đệ".

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Người Bình Xuyên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook