Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên

Chương 157: BƯU THIẾP

Đang cập nhật

06/10/2016

BƯU THIẾP

(Hình những ngọn đồi thấp gần San Jose, Calif)

San Francisco

24 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Đây là vài cảnh nông thôn mà em được thấy trong chuyến đi San Jose, lúc này chỉ là những vườn cây chưa trổ bông. Địa chỉ nhận thư của em là 1019 B. Vallejo St., San Francisco.

BESSIE

*

San Francisco

28 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Em không nhận được thư của Wihelm nên em cho rằng cũng bị thất lạc một lá thư của anh. Em nghĩ là những lá thư gửi về sở không được chú ý nên tốt hơn là anh gửi thư về nhà. Địa chỉ nhận thư cho tới khi có thông báo thêm là 1019 B. Vallejo St., San Francisco.

Chiều Chủ nhật em tới Berkeley bằng phà máy chạy hơi nước qua bảy dặm ngang vịnh. Tụi em mang theo bữa trưa và ngồi ăn trên đỉnh một ngọn đồi Berkeley. Băng ngang vịnh thật là dễ chịu.

Em luôn đứng phía trước thuyền và ở khoang dưới cho được gần mặt nước hơn. Lúc đó em đứng nắm sợi dây để thuyền nâng cao lên, đu đưa dưới chân mặc cho bụi nước cùng với gió đập vào mặt trong khi ngắm những con mòng biển. Sau khi qua vịnh tụi em đáp xe điện ra khỏi đoạn cuối của cầu tàu dài dặc.

Em phải kể cho anh nghe về phần cầu tàu vươn dài ra vịnh này. Phía bờ này nước cạn và người ta nạo vét khỏi đáy vịnh các thứ đất đá để cây vươn ra khỏi bờ. Nó tạo thành một bến đậu dài một dặm nơi có những trụ chống chạy dài và giữa những trụ chống này được lấp đầy. Có rất nhiều cầu tàu. Ôi, em không biết là bao nhiêu nhưng đoán phải có hàng tá. Các thành phốOakland và Berkeley đang lo xây dựng và người ta đã dành ra 10 triệu đô la để xây cầu tàu thật xa ngoài đảo Goat, thêm khoảng một dặm nữa để có một bến đậu dài tổng cộng hai dặm. Người ta làm việc này để tiết kiệm năm phút di chuyển từ Oakland và Berkeley tới San Francisco.Oakland lớn gấp rưỡi thành phố Kansas vàBerkeley ngang với Oakland, nhưng cả hai trên thực tế là những ngoại ô của San Francisco và nếu không có vịnh, cả hai đã hoàn toàn là một thành phố. Mọi hàng kinh doanh của họ trong trung tâm thành phố (San Francisco) và để tiết kiệm được năm phút di chuyển cho mỗi chuyến đi hàng ngày của những người này đã phải chi ra số tiền 10 triệu đô la.

Berkeley là “thành phố tư gia” và là một nơi tuyệt đẹp cả về cảnh thiên nhiên lẫn cấu trúc xây dựng. Không có những dãy nhà đồng bộ, từng đường phố nối nhau với những ngôi nhà xinh xắn, những khu vườn dễ thương và Viện Đại Học California với những tòa nhà lớn, những đường xe thênh thang, những lối đi dạo bộ thật đẹp. Em đi khắp các ngả rồi tới xem Giảng Đường Greek. Đây là một giảng đường ở ngoài trời xây trên sườn đồi làm thành một giảng đường tự nhiên. Giảng đường được xây dựng giống hệt một hí viện Hy Lạp thời cổ và chỉ là một bản sao vào thời điểm này. Diễn trường và các phòng thay áo là tòa nhà đá ở chân đồi hoặc đúng hơn, những phòng thay áo là một tòa nhà còn diễn trường là một nền tráng xi măng không có mái che. Có những cột đá lớn ở trước dãy phòng thay áo ngăn cách với phần mở trống trên diễn trường. Vòng tròn trung tâm trước diễn trường là một vòng mạt cưa dành cho các cuộc đấu vật… và những hàng ghế nối nhau cao hơn như một đại khan đài hình bán nguyệt trên các sườn đồi. Sườn đồi bao quanh kín phía sau hàng ghế cao nhất như một tường thành bọc tròn tất cả các ghế ngồi với những hàng thông cao vút trên đỉnh. Không có mái che ngoại trừ bầu trời xanh và mọi thứ đều kỳ diệu tuyệt vời lại thêm nổi danh trên thế giới.

Tụi em leo lên đồi phía sau giảng đường Greek và ăn bữa trưa với Oakland, Berkeley, vịnh nước xanh và thành phố San Francisco trải dài dưới bàn chân, với cả những ngọn đồi, những dãy núi vươn cao sau lưng và một vùng trời xanh, xanh ngắt trên đầu. Và đó là Berkeley dễ thương, “thành phố tư gia”.

Sau bữa ăn trưa, tụi em lang thang xuống những lối đi trên sân Viện Đại Học và cứ đi như thế tới chuyến đường xe đưa tụi em về Oakland và về nhà băng qua vịnh từ một cầu tàu khác trên một con tàu chạy hơi nước khác. Từ Berkeley tới Oakland luôn có những bờ vịnh bọc quanh dù tụi em không nhìn thấy hết do bị nhà cửa che khuất. Không có một khoảng trống ngăn cách nào giữa hai nơi này – cả hai thực sự như một thành phố vì không thể nói nơi này chấm dứt ở đâu và nơi kia bắt đầu ở đâu. Qua vịnh vào ban đêm quả là điều kỳ thú. Em đứng phía trước thuyền gần mé nước và nhìn không biết mệt ánh đèn San Francisco khi con thuyền vào bến. Tháp bến phà cao vút và là một chùm ánh sáng điện với hàng chữ điện nổi bật ngang tháp “San Francisco kính mời tới Hội Chợ Thế Giới Panama-Pacific 1915”. Và còn có tất cả những ánh đèn khác, những bảng hiệu khác. Em đang thu thập thêm nên đi theo đường vòng một chút, thậm chí băng qua phố Market giữa những chiếc xe buýt nhỏ mà không thấy sợ hãi.

Rose tổ chức một tiệc trà nhỏ cho em vào hôm qua với mấy cô gái và đám phụ nữ làm việc và viết bài cho báo Bulletin. Nếu anh thấy trang báo Bên Lề Cuộc Sống một loạt truyện nho nhỏ với tựa đề “Người Trong Căn Hộ Của Chúng Tôi”, anh có thể đọc và biết rằng đó là những điều thực.

Rose viết loạt bài đó và “cô bé họa sĩ sống trong tầng hầm”(8) vẽ những bức tranh. Em rất thích đám bạn gái của Rose. Em có kể cho anh nghe về Pelkie, một họa sĩ làm trong tờ báo đã đột ngột biến mất vào hôm em ở nhà và đang có dư luận nghi ngờ anh ta có liên hệ theo cách nào đó với một hệ thống gián điệp Đức không?

Hôm qua, sau bữa tiệc trà 4 giờ chiều, tụi em xuống bến phà đón anh trai của Gillette là Edson. Anh ta xuất hiện bất ngờ và ở lại thành phố chỉ vỏn vẹn một ngày do công việc kinh doanh nên tụi em chỉ gặp anh ta một lát ở bến phà.

Em thích đi xe điện về đêm và tới bến phà qua bãi biển Barbary nổi tiếng. Lúc này hầu hết những tòa nhà trên phố đều đóng cửa và trời tối, nhưng một nơi ở gần bến được gọi là “khu bờ sông” thì mỗi tòa nhà trên phố đều là một quán rượu. Gillette bảo đám thủy thủ lên bộ ở đó với tất cả tiền lương của chuyến đi dài sáu tháng và họ phải có một nơi nào đó để trút tiền ra. Nó nói nếu họ không xoay xở để tiêu tất cả số tiền thì khoảng hai ba giờ sáng sẽ có một kẻ nào đó bắt buộc phải nện lên đầu họ và lấy số tiền đi.

Em mừng là ông Nall đã trở lại và anh sẽ tráng xi măng để xua lũ chuột đi. Thật khủng khiếp với lượng mưa mà anh phải chịu. Em nghĩ là điều này sẽ làm cho đất tốt vào mùa thu. Ở đây mỗi buổi sáng sương mù dày đặc tựa hồ sắp mưa nhưng tới trưa sương tan hết và nắng chiếu bình thường cho tới tối khi sương mù lại phủ kín trên biển giống như khói và mọi thứ lại u ám và xám xịt. Rose đang viết túi bụi thiên truyện của nó và em thì bận rộn từ việc này qua việc khác. Nó trù tíhn viết xong hoàn toàn trong tuần này để sau đó có khả năng rỗi rãi vài ngày và tụi em sẽ đi thăm thung lũng Mill, tàu chiến và có một ngày ở Hội Chợ. Dĩ nhiên em rất vui với cuộc viếng thăm nhưng em rất mong gặp lại anh và Inky.

BESSIE

(8) Sau này là họa sĩ nổi tiếng Berta Hader chuyên minh học truyện nhi đồng

BƯU THIẾP

(Lâu đài Triển lãm, Xưởng chế sữa đặc, Triển lãm Quốc tế Pacific, San Francisco 1915)



Manly thân yêu,

Em sẽ kể cho anh nghe tất cả cách thức cô đặc sữa ra sao khi em trở về. Sẽ nói rõ hết về công việc rất đặc biệt này.

BESSIE

*

San Francisco

29 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Trọn buổi chiều hôm qua em đi xem Triển lãm. Rose tới gặp một kỹ sư ở gian hàng triển lãm Southern Pacific để thu thập thêm một số dữ liệu cho câu chuyện về đường sắt của nó và vì Gillette có một ngày nghỉ nên hai người tụi em tiếp tục đi quanh quẩn trong lúc Rose nói chuyện.

Tụi em nhìn thấy cả hai loại chuột túi kangaroo và wallaby ở gian hàng Úc. Một con kangaroo đang ngủ trưa trong chỗ nằm do nó khoét trong cát. Nắng chói chang và rất nóng trên chỗ nằm của nó ở ngay giữa khu sân rào dây kẽm và nó nằm ngửa thẳng lưng đưa tất cả chân lên, ngủ. Một con kangaroo cái đang bới cát làm chỗ nằm và một con khác nữa đang ăn bùn. Một con wallaby đang nhảy quanh. Nó giống như kangaroo nhưng nhỏ hơn và lông màu xám thay vì màu nâu vàng. Các chân trước của chúng nhỏ hơn rất nhiều và mất hẳn cân đối so với các chân sau có vẻ xấu xí và hình như vụng về khi chúng nhảy.

Gian hàng Úc trưng bày hầu hết là hàng len và nước khoáng. Tòa nhà New Zealand ở gần bên. Hàng trưng bày của họ là các hàng gỗ, len và phim ảnh về các cảnh mùa gặt, câu cá, lướt sóng, những tàu chất đầy sò hến, dầu gai, len và phô mai xuất cảng. Cũng có một chương trình giới thiệu về gia súc gồm trâu bò và ngựa, mà qua hình ảnh em đã từng nghĩ, và quả là chúng rất hoàn hảo. Anh còn nhớ khi tụi mình nói về việc đi New Zealand không? Em thích những hình ảnh của xứ sở này nhiều lắm.

Tụi em đã đi qua tòa nhà Pháp và tòa nhà Bỉ, nhưng thời gian của tụi em rất hạn chế. Rose và em sẽ trở lại và lúc đó sẽ viết kỹ hơn về các nơi này. Cả hai đều tuyệt vời.

Tụi em gặp lại Rose tại khu vườn Hạ Uy Di Hawaiin Gardens trong tòa nhà vườn trạiHorticultural Building. Các khu vườn đều là sự phối hợp hài hòa các khóm hoa với các bụi cây và một gian hàng thênh thang bán cà phê Hạ Uy Di, nước táo và hỗn hợp táo với nhiều thứ khác trên những chiếc bàn nhỏ. Giữa vườn có một vòi phun nước với các dây len, các bụi cây và các khóm hoa xung quanh. Vòi phun nước và một khoảng nhỏ được bao quanh với những sợi dây bằng vàng và bên trong có những bệ đá hoa đặt những chiếc lồng chim hoàng yến. Một phía là ban công dành cho một ban nhạc Hạ Uy Di đang trình tấu và ca những bài ca địa phương rất dễ thương. Lũ chim hoàng yến đã nghe những bản nhạc nhiều đến nỗi ở một số góc chúng cất tiếng tiếp tục điệu nhạc và hót phụ họa theo. Thật là thích thú. Nam nữ hầu bàn đều là người Hạ Uy Di và chỗ này đúng là một nơi tuyệt diệu để ngồi lại nghỉ ngơi, lắng nghe âm nhạc trong lúc nhấm nháp từng hớp cà phê hoặc thưởng thức hương vị nước táo ngọt ngào. Trong các khu vườn là mọi loại kỳ hoa dị thảo và những con cá vàng tung tăng giữa các hồ cá cảnh bằng đá. Có những cây dương xỉ xum xuê, những cây dương xỉ với cọng cành lớn ngang thân cây, vươn cao như những cây chà là và đủ thứ lạ lùng khác.

Từ đây tụi em đi tới tòa nhà thực phẩm Food Products Building trưng bày mọi thức ăn được chế biến để bán ra. Chuyện quá dài không thể viết hết trong một lá thư. Em sẽ kể lại về chỗ này cho anh sau.

Rồi tụi em tới tòa nhà của các ngành công nghiệp Manufucturerso Building và tại đó em đã nhìn thấy thứ mà em tin là sẽ cuốn hút anh. Đó là khu trưng bày Keen Kutter. Ở giữa một khoảng trống khoảng gần hai trăm bộ vuông là một con sông và một thác nước. Nhưng đợt sóng là các chuỗi xích, thác nước là các chuỗi xích. Mọi thứ trưng bày đều được làm bằng điện. Những lớp sóng xô gọn và xối tràn qua thác. Nước đang đảo lộn dưới chân thác và một con tàu mà thân tàu bằng thép là một con dao khổng lồ di chuyển ngang sông phía trên các thác nước và một con rắn vĩ đại làm bằng một thứ dao ăn tỏa sáng trườn ở dưới chân màn hình. Phía trên khung cảnh này là một vòm cuốn làm bằng những chiếc muỗng lấp lánh đủ kích cỡ. Ở góc tay phải phía trên là một con dao nhíp khổng lồ với bốn lưỡi đang mở ra, đóng lại và ở góc tay trái phía trên là một hàng bảy người thợ rèn đang đứng bên một chiếc đe, mỗi người nắm trong tay một thứ dụng cụ. Vào những thời điểm đã được định sẵn, một người rồi tới một người khác lần lượt đập lên vật đặt trên chiếc đe bằng chiếc búa của mình có vẻ như làm cho vật kia mỏng thành sắc. Trên đỉnh cao chính giữa hai chiếc cối xay gió làm bằng những lưỡi rìu đang tiếp tục quay. Ở mỗi bên của trung tâm (trung tâm là thác nước) đều có một vòi phun nước với những tia bụi nước làm bằng dây kẽm và nước làm bằng những mũi khoan theo cách hệt như khi anh dùng chiếc kẹp của anh. Phần trên của nước chỉ là những mũi khoan cỡ trung bình rồi tới một đường riềm quanh vòi nước và sau đó là một vòng tròn những mũi khoan lớn hơn. Tất cả đều chuyển động theo hướng khoan tới nên có vẻ như nước đang chảy xuôi, trút xuống riềm rồi lại chảy xuống. Ảo giác thật là hay. Tên “Dao nĩa Keen Kutter” được viết trên toàn thể món đồ bằng những khóa móc sáng bóng và tất cả đều chuyển động bằng điện.

Thật hết sức thú vị và lạ lùng được nhìn thấy con dao nhíp khổng lồ mở và đóng, rồi mở và đóng giống như nó là một vật sống và tự chuyển động.

Cuối ngày, khi tụi em trở về trên xe điện, một người đàn ông ngồi bên cạnh đang nhai kẹo cao su. Ông ta đội một chiếc nón cứng ngắc bó sát đầu và mỗi lần ông ta nhai, chiếc mũ lại đưa lên, hạ xuống tới hai inch, lên rồi xuống, lên rồi xuống với một nhịp thật đều tựa hồ ông ta đang được chuyển động bằng điện.

Gửi lời em hỏi thăm ông Nall.

Thương yêu

BESSIE

*

San Francisco

1 tháng Mười, 1915

Manly thân yêu,

Tối qua Rose cho em một đồng tiền vàng mười đô la. Thế là nó đã cho em 20 đô la và biến số tiền em sẽ mang về nhà thành 30 đô la tiền vàng. Em đã đổi sẵn 5 đô la là số tiền em tính sẽ phải tiêu trên đường về cho các khoản thuê giường ngủ trên xe, mua thức ăn… Em bàn chuyện trở về với Rose và nó ráng sức năn nỉ em ở lại cho tới khi hết hạn về là ngày 15 tháng Mười Một. Nó nói nó sẽ lo liệu ổn thỏa mọi việc trong thời gian em ở lại và em chỉ cần chịu ở lại thôi. Anh biết đó, nó đã cho em đều đặn mỗi tuần 5 đô la từ khi em tới đây.

Em đang tự hỏi có phải em đã kiếm ít hơn để góp vào việc trả nợ nếu em ở lại đây theo cách đó và liệu anh có thể làm xong công việc mùa thu và mọi chuyện sẽ tiến triển trong mùa đông. Thực tế như thế nào? Nếu em ở lại qua hết tháng Mười, như anh đã biết, em sẽ có 60 đô la để mang về nhà nếu không có gì xảy ra cho công việc của Rose và số tiền đó cũng giúp ích khá nhiều. Nhưng dĩ nhiên nó chẳng trang trải được bao nhiêu nếu anh bị mất mùa khoai tây hoặc các mùa vụ khác hoặc gặp một điều gì tương tự. Anh là người duy nhất có thể lên tiếng vì anh đang phải chịu khó nhọc và anh nắm vững mọi việc ở đó ra sao.

Gillette vừa lỡ cơ hội có một việc làm tốt trong tuần này do chậm khoảng một giờ. Hôm nay nó đã đi coi có thể lo liệu được một điều gì đó trong việc mua bán đất. Nếu làm xong, nó sẽ có 150 hoặc 200 đô la. Ngược lại, nó sẽ lỗ sở phí. Ở đây có rất nhiều nhà báo đang không có việc làm.

Gillette nghĩ rằng điều đó có lẽ do có quá nhiều người kéo đến ở lại cả năm để chờ coi Hội Chợ. Nó nói nếu nó kiếm khá hơn một chút, khoảng hai trăm đô la, nó sẽ cố giành lấy một việc làm ở St. Louis hoặc thành phố Kansas. Rose bảo nó thích việc ở St. Louis nhưng nó đã có một công việc rất tốt ở đây nên nó không thể từ bỏ cho tới khi nó đã khá hơn hoặc có một việc làm tốt bảo đảm lâu dài ở đó.

Mỗi tuần nó đang trích một phần lương bỏ vào ngân khoản tiết kiệm, ngoài ra là trang trải chi phí trong nhà, cho em và Gillette tiêu vặt trong khi đi kiếm việc. Nó kiếm việc làm thêm từng lúc và khi nhận tiền công nó trao hết cho Rose rồi mỗi ngày lấy lại vừa đủ chi các khoản tiền xe điện, ăn trưa và mua thuốc hút.



Thương yêu

BESSIE

*

BƯU THIẾP

(Trại gia súc Carnation, một trong những trại cung cấp sữa tươi cho các hãng làm sữa đặc)

Thương yêu

BESSIE

Tối qua tới coi rạp “chiếu phim” trị giá 600.000 đô la, 4000 ghế ngồi. Lớn nhất nước Mỹ.

*

San Francisco

4 tháng Mười, 1915

Manly thân yêu,

Hôm nay, em từ trung tâm thành phố trở về nhà một mình. Ông chủ của Rose, người tổng biên tập, gọi nó tới văn phòng vào lúc 12 giờ. Như anh biết, nó làm việc ở nhà và đang làm việc khá vất vả cho loạt bài về đường sắt sẽ khởi đăng trên số báo ra ngày thứ Năm. Nó sắp hoàn thành loạt bài này. Em đi cùng với nó coi người ta cần gì và nó nghĩ có khả năng ông tổng biên tập muốn thay đổi câu chuyện nó viết một chút.

Điều ông ta muốn nó làm là tới phỏng vấn một nhạc sĩ Áo đang tới hòa nhạc ở đây. Ông ấy là một nhân vật quốc tế và là một danh tài tuyệt diệu về vĩ cầm. Ông ấy đã phục vụ bốn tuần lễ trong quân đội Áo chống lại quân Nga và bị thương nên họ thải ra không dùng nữa. Ông ấy đã đưa ra một số lời tuyên bố trên báo chí về cái hậu quả không một thứ giá trị nào tồn tại nổi ở Âu châu khi mà chiến tranh lan tràn qua mà không có một điều gì được thực hiện để cứu vãn một chút cỏn con khỏi cảnh tàn phá.

Ông ấy dành hết số tiền kiếm được nhờ các buổi trình diễn cho các nghệ sĩ ở Âu châu (mang mọi quốc tịch) đang cần được cứu giúp để có thể sống sót. Ông ấy nói những người đó đang chết đói sau khi bị đẩy ra khỏi quân đội giống như trường hợp của ông ấy. hai vợ chồng ông ấy nhận nuôi bốn mươi ba đứa trẻ mồ côi, vốn là con của các binh sĩ, được cung cấp thực phẩm, quần áo và lo dạy dỗ chúng giống như con đẻ thực sự của họ.

Ông chủ của Rose đã nhắc nó tới gặp và viết một câu chuyện về cuộc đời của ông ấy để sẵn sàng khởi đăng vào thứ Năm thay chỗ cho cái bài mà nó đang viết. Bài kia sẽ được in sau. Điều này có nghĩa là nó phải viết gấp để kịp đi trước các báo.

Thế là nó chạy đi làm phỏng vấn còn em trở về nhà.

Có một phần ngôi nhà là lối đi xuống ngọn đồi tụi em ở được xây dựng bằng những vật liệu lấy ở Horn về từ lâu rồi. Người đàn ông dựng ngôi nhà này và vợ ông ta sống tại đó cho tới già. Lúc đó hai người cãi cọ với nhau và người đàn ông làm giấy tờ hợp pháp hóa cho vợ một nửa ngôi nhà cùng một nửa lô đất. Ngôi nhà bị cắt thẳng ở chính giữa. Ông ta rời về sống trong nửa ngôi nhà cùng nửa lô đất của mình và họ sống như thế ở đó cho tới khi qua đời. Ngôi nhà dựng trên lô đất từ phố kéo ngược lên đồi.

Một bức tường đá cao chạy dọc theo đường phố và có một cổng lớn bằng sắt dẫn vào phía trong. Bước qua lớp cổng sắt này, người ta sẽ leo bốn bậc đá rồi quẹo sang bên, leo lên một dãy bậc đá khác. Tất cả những bậc đá đều nằm ở phía trong bức tường. Hai bên những bậc đá và cao vượt lên khỏi đầu là đá cứng. Tận cùng những bậc đá này ở trên cao, người ta tới một khoảng trống do một lối đi bằng đá. Từ đây, người ta có thể đi vòng trên đầu những bậc đá trên các cột lan can nhỏ bằng đá tới một hành lang nhỏ bằng đá nhô ra phía trên đường phố hoặc quẹo theo hướng khác leo một vài bậc đá tới một lối đi nhỏ, leo tiếp vài bậc đá nữa rồi tới những bậc thang bằng gỗ tới trước cửa của ngôi nhà. Từ cửa trước ngôi nhà có thể nhìn qua nóc những ngôi nhà ở phía dưới và nhìn ra vịnh. Cô bé họa sĩ Berta, người đã minh họa một ít câu thơ của em thuê phần trước của ngôi nhà và đang chuyển tới.

Em thích đi theo lối đó vì cảm thấy an toàn khi leo lên những bậc đá ở phía sau bức tường.

Tối thứ Bảy ở đây có một cơn động đất nhẹ hoặc ít nhất là báo chí đã nói thế vào sáng hôm sau. Phần em chẳng cảm thấy có gì cả. Động đất suốt dải bờ biển và nặng nhất là ở Nevada.

Lúc này chắc hẳn anh đã nhận được lá thư của em nói về việc em đi tàu ra ngoài khơi để ngắm cảnh hoàng hôn nhưng anh phải chịu nghe nói lại nữa. Đó là một con tàu nhỏ sơn trắng với phí tổn năm mươi xu mỗi người. Tụi em đi trong một giờ. Tàu khởi hành từ chỗ cắm neo trong bãi đậu thuộc khu vực hội chợ hướng thẳng tới Golden Gate, phía mặt trời đang xuống. Rose và em đứng trên boong ngay phía mũi tàu là nơi mà tụi em chỉ nhìn thấy hàng lan can và vài bộ boong tàu phía trước ngoài ra là nước. Tụi em nắm chặt một sợi dây và đứng hơi dang rộng hai bàn chân. Ôi, tuyệt làm sao khi tụi em bắt gặp đại dương dâng lên mở lớn gần Gate.

Tụi em đi ngang khu Hội Chợ, qua mũi đất Presidio tới Golden Gate và có mặt ở đó đúng vào lúc mặt trời chìm xuống khỏi tầm nhìn. Sau đó tụi em quay lại đi vòng trở về theo bờ vịnh bên kia, lướt qua dưới pháo đài cao nhất thế giới mà tụi em đã biêt có những họng súng khổng lồ đang ẩn khuất, qua các tòa nhà của pháo đài quanh chân núi và qua dưới ngọn hải đăng trên một mỏm đá, qua đảo Angel là nơi đặt trạm kiểm dịch, rồi băng thẳng qua vịnh trở về chỗ cắm neo. Sương mù bao kín xung quanh khiến tụi em không nhìn thấy đất liền trong lúc lướt trên mặt biển màu xám như đang bị nuốt trôi vào lớp sương mù màu xám. Gió thổi tạt sương mù và bụi nước vào mặt tụi em và con thuyền trồi lên, chúi xuống dưới chân với vẻ tự hào. Đi trên tàu phà không thú vị nhiều như thế vì tàu phà lớn nên lướt đi vững vàng hơn.

Em mừng là ông Nall ở bên anh và mừng là anh đang thu hoạch bắp còn đậu đã được lo cẩn thận cùng hàng loạt những việc khác đã làm xong. Cho em gửi lời thăm hỏi tới ông Nall.

Thương yêu

BESSIE

*

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook