Ngang Qua Thế Giới Của Em

Chương 3: Mối tình đầu – sự hỗn loạn của riêng một người

Trương Gia Giai

11/04/2016

Tôi sẽ hứa hẹn rất nhiều nhưng chẳng mấy lúc giữ được lời hứa. Chúng ta sẽ đối mặt với nhau để rồi chọn đi về phía không nhau mãi mãi. Chúng ta sẽ sóng vai, sẽ lạc mất nhau. Em sẽ khóc và mỗi giọt nước mắt của em đều đốt cháy da thịt tôi. Lẽ ra em nên ở nhà mà hoàn thành núi bài tập, chẳng nên nộp vở trắng như tôi.

Xin lỗi vì tôi đã từng yêu em.

Tăng ca đến mười hai giờ đêm, tôi ghé quán rượu quen thuộc. Người ta sàm sỡ các em tiếp viên trong quán, tôi không hứng thú với mấy nàng “cún cưng” ấy, “cún cưng” cũng chẳng thèm đụng vào tôi, thế là tôi nốc rượu như uống nước.

Cún cưng bảo:

- Anh có biết điều cốt yếu của Bát quái Du long chưởng (*) là phải ra tay trước không?

(*) Du long chưởng (chưởng lắc thân) là một trong những quyền thuật của Bát quái chưởng, Võ thuật Trung Hoa

Tôi bảo:

- Ra tay cái đầu cô ấy, ra tay không bằng ra chân.

Cún cưng trở mặt:

- Lúc em nghiêm túc thì anh cũng nên nghiêm túc một chút, được không?

- Mẹ kiếp? Bát quái Du long chưởng mà đòi nghiêm túc nỗi gì!?

Cún cưng nói:

- Thế mới nói trong tình yêu nhất thiết phải giành thế chủ động khi theo đuổi người khác.

Tôi nói:

- Theo cái đầu cô ấy, như thế còn gì là thể diện.

Cún cưng nói:

- Thế mới phải chủ động theo đuổi. Đúng là lúc đầu có hơi mất mặt chút xíu, nhưng nếu thành công, điều đó chứng tỏ anh đã nghiên cứu kỹ lưỡng sở thích của cô ấy, nắm bắt được hỉ, nộ, ái, ố của cô ấy. Anh đã dần xâm nhập được vào cuộc sống của cô ấy. Để rồi khi anh chán ngấy cô ấy thì cô ấy không dứt anh ra được nữa. Vì vậy, lúc kết thúc cuộc tình, người đề nghị chia tay lại thường là người mà lúc đầu ra sức theo đuổi người kia.

Tôi sa sầm mặt mày:

- Quá bỉ ổi, quá dã man, thế thì còn nghĩa lý gì nữa?

Cún cưng uống cạn, tiếp tục:

- Nếu đánh trận cần Binh pháp Tôn Tử thì yêu đương cần phải vận dụng “Binh pháp Cún Tử” mới được.

Nhờ cốc bia sóng sánh ánh vàng mà tôi chợt nhận ra, mỗi người phụ nữ đều có vẻ đẹp riêng. Có lẽ vì thế người ta mới gọi là “tửu sắc”.

Ra tay tung chiêu, giành thế chủ động, để rồi sau đó, khi cô ấy cảm thấy lo lắng không yên, ngoan ngoãn trao gưi sinh mệnh cho bạn thì bạn đã cao chạy xa bay.

Hồi lớp 5, tôi ngồi cùng bàn với lớp trưởng. Lớp trưởng thường xếp thứ nhất, tôi xếp thứ hai trong lớp vì thế bạn ấy là Đại đội trưởng còn tôi là Trung đội trưởng.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai chức vụ này là mỗi khi cử hành nghi thức, bạn ấy hô vang: “Lại Ninh là niềm tự hào của chúng ta!” thì tôi lúc đó đang đứng bên cạnh, phải nghiêm chỉnh thực hiện các nghi thức chào của đội Thiếu niên tiền phong. Nếu bạn ấy chưa hô khẩu hiệu thì chúng tôi không được phép bỏ tay xuống.

Tôi ghét cay ghét đắng Lại Ninh vì cái nghi thức đội ấy.

Một ngày kia, cô giáo chủ nhiệm béo ục ịch xuất hiện. Cô đứng trên bục giảng tự giới thiệu, chúng tôi bàn tán xôn xao bên dưới.

Cô chủ nhiệm béo ục ịch tuyên bố quy định mới: Ngày nào cũng phải ngủ trưa, ai không chịu ngủ trưa , lớp trưởng cứ việc ghi tên vào sổ.

Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng bị lớp trưởng ghi tên vào sổ. Tôi ước mình đổi tên thành Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm, để cho cô ta ghi mỏi nhừ tay.

Cứ ghi tên ta vào sổ đi, càng ghi ta càng không chịu ngủ. Nếu sớm bắt ta học kiến thức về vệ sinh thân thể, ta sẽ cầm dao chặt đứt cơ mặt của ngươi, cắt phăng dây áo ngực của ngươi.

Sở dĩ tôi biết lớp trưởng mới lớp 5 đã mặc áo ngực là vì bữa đó tôi lại bị ghi tên vào sổ, tức quá mới túm tóc cô ta. Lớp trưởng ra sức vùng vẫy tôi ra sức tóm lấy cô ta, cuối cùng, tôi túm phải sợi dây co giãn gì đó, liền hét toáng lên.

- Ơ, gì thế này, sao đang yên đang lành lại dùng dây tự trói mình thế này?

Lớp trưởng òa khóc, tôi bị yêu cầu mời phụ huynh đến trường.

Mẹ bảo tôi, cái đó là áo ngực, con trai không được tùy tiện chạm vào.

Tôi hậm hực nghĩ: “Chỉ là cái áo thôi mà! Có gì ghê gớm đâu!”

Sau này trưởng thành, khi lại được dịp chạm vào áo ngực phụ nữ, tôi buồn bã tự trách, hồi nhỏ không chăm chỉ bổ túc văn hóa để bây giờ chỉ sờ được áo ngực Á châu mà không sờ được áo ngực Âu châu.

Bước vào đợt ôn thi cuối kỳ, chúng tôi không bị bắt ngủ trưa nữa. Lớp trưởng mang đến lớp cuốn truyện tranh Hoàng tử bé. Cô ta cho cả lớp mượn. Tôi bấm bụng cố nhịn, không thèm mượn.

Khi cả lớp đã đọc hết lượt, lớp trưởng bắt đầu vẽ nhăng vẽ cuội đằng sau sách. Tôi lẳng lặng đến gần:

- Cho tớ mượn đọc một lúc.

- Không cho.

- Cho tớ mượn đi, tớ sẽ tặng cậu áo ngực

Lớp trưởng mím môi không thèm để ý đến tôi nữa.

Tôi tức tối, ấm ức, tôi có nói gì sai đâu mà giận với chả dỗi!

Trước kỳ thi cuối kỳ, cô chủ nhiệm béo tính sổ với cả lớp. Tất cả những đứa bị ghi tên đều phải quỳ dưới đất và phải chịu hình phạt gõ thước vào mu bàn tay.

Từng đứa một lên chịu tội. Tôi đã chuẩn bị tâm lý phải quỳ từ sáng cho đến tối. Ấy thế mà thật lạ, từ đầu đến cuối tên tôi không hề bị xướng lên.

Tôi trộm nghĩ, lẽ nào cô béo phải lòng tôi rồi?

Thi xong học kỳ thì đến lễ tốt nghiệp.

Hôm đó, lớp trưởng tặng tôi một bọc quà, bên trong có hai thứ. Một là cuốn truyện Hoàng tử bé kia. Hai là sổ ghi tên những đứa mắc lỗi.

Tôi mở sổ, thấy trong bảng danh sách tội đồ dày đặc mỗi ngày, có một cái tên bị ai đó dùng bút bi gạch gạch, xóa xóa thành một vệt xanh lè.

Tôi ngạc nhiên hết sức. Tặng tôi thứ này làm gì nhỉ?

Lên lớp 6, khi chỉ số IQ đã dâng cao100, tôi mới chợt hiểu ra, cái tên bị gạch xóa xanh lè trong cuốn sổ ấy chính là tên tôi. Lớp trưởng đã gạch tên tôi trước khi giao cuốn sổ cho cô giáo.

Tôi lao như bay về nhà, lục tung hòm xiểng, cuối cùng cũng tìm ra cuốn sổ ấy và số điện thoại ghi cuối sổ.

Nhưng khi tôi gọi vào số điện thoại kia thì lớp trưởng đã chuyển nhà. Không ai biết lớp trưởng chuyển đến đâu.

Vì thế, trong ký ức của tôi, lớp trưởng mãi mãi là một mỹ nhân. Và quan trọng hơn cả là, điều này khiến cho mối tình đầu của tôi kéo dài từ lớp 6 lên đến tận đại học năm thứ nhất.

Thở dài một miếng nào! Ôi chao, một bước tiến thật dài làm sao!

Năm thứ nhất đại học, cô bạn Khương Vi lặn lội từ tỉnh xa đến tìm tôi. Cô ấy đưa tôi một thanh Singum Doublemint.

Tôi:

- Gì thế?

Khương Vi:

- Kẹo cao su.

- Ăn no được không?

- Lúc nào đói bụng thì gọi tôi nhé!

- Không còn tiền ăn, lấy đâu tiền gọi điện thoại.

- Thế cầm lấy thẻ điện thoại này đi.

- Ăn còn không có mà ăn, cầm thẻ làm quái gì.

- Thế cầm thẻ ngân hàng đi.

Nước mắt tôi lăn dài, thẻ điện thoại chết tiệt, thẻ ngân hàng chết bằm, ta đây đói lắm, biết không?

Sau đó, tôi và Khương Vi gọi cho nhau suốt nửa năm.

Tôi nhận ra điều quan trọng này: khi các cô gái nhớ tôi, họ thường khóc trong điện thoại. Còn khi mẹ tôi nhớ tôi, bà thường khóc lúc gác máy.

Sau đó, tôi phát hiện thằng bạn thân thích Khương Vi.

Tôi liền hỏi vay cô ấy một nghìn năm trăm tệ.

Tôi cất mười lăm tờ một trăm tệ dưới gối.

Lúc hết tiền ăn, tôi không động đến nó. Khi cạn xu ngồi quán nét, tôi không động đến nó.

Thậm chí, ngay cả khi Khương Vi gọi điện bảo không còn tiền đóng học phí, tôi cũng không trả cô ấy.

Kết quả thằng bạn thân của tôi đã đóng học phí cho cô ấy.

Năm năm sau, họ kết hôn.

Tôi bỏ phong bì một nghìn năm trăm tệ ấy.

Mười lăm tờ một trăm tệ nằm dưới gối của tôi đã lâu, chúng phẳng phiu, thẳng thớm, không một nếp gấp.

Cuối cùng, tôi đã trả cô ấy mười lăm tờ một trăm tệ và giữ lại cho mình miếng giấy bọc thanh Singum Doublemint màu xanh lục.

Miếng giấy bọc Singum Doublemint nằm dưới gối của tôi rất lâu, cũng phẳng phiu, thẳng thớm, không một nếp gấp.

Năm ba trung học, tôi không ở ký túc xá nữa mà chuyển đến dãy nhà hai tầng xập xệ bên cạnh khu tập thể dành cho giáo viên của trường. Tôi ở tầng trên, ngài hiệu trưởng đã về hưu sống ở tầng dưới.



Điện, nước không bao giờ mất, đọc truyện kiếm hiệp thâu đem không cần soi đèn pin, thích về lúc nào thì về, thích đi lúc nào thì đi, đó mới thực sự là đời sống tiêu dao, tự tại!

Hồi năm ba trung học, bạn có được sảng khoái như tôi? Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn muốn lộn một vòng vì khoái trá.

Chủ nhiệm lớp tôi ngày đó là một bà giáo cô đơn, khó tính. Bà thường gọi tôi đến tâm sự để giải tỏa nỗi cô đơn và mắng nhiếc tôi thậm tệ để giải tỏa sự khó chịu.

Lành làm gáo, vỡ làm muôi, đã thế tôi cóc thèm có mặt trong giờ thể dục buổi sáng, cóc thèm lên giảng đường tự học mà nếu tâm trạng không ra gì, tôi sẽ bỏ luôn các tiết học buổi sáng

Như thế gọi là gì? Quyết đoán!

Một sáng tinh mơ, có người gõ cửa. Tôi ra mở, là một cô gái, xách theo túi nilon.

Tôi thầm hỏi: “Sao cave đến gạ gẫm cả học sinh thế này?”

Cô gái:

- Cậu chưa ăn sáng phải không?

Tôi:

- Không ăn. Biến!

- Sao thô bỉ thế?

- Cứ thô bỉ thế đấy!

- Có người nhờ tôi mang cho cậu.

- Ai nhờ?

- Người ta không muốn nói. Cậu không ăn thì thôi.

- Không muốn nói nghĩa là không cần trả nợ đúng không?

- Đã cho thì cần gì trả nợ.

- Ha ha ha, người ta tốt bụng thế!

Cô gái ra về. Tôi vừa chén bánh rán, uống sữa đậu nành vừa nghĩ vụng: “người ta” đúng là đồ nghèo kiết, bữa sáng mà đem cho cái thứ này.

Lớp tôi vinh dự có một nàng hoa khôi của trường. Nàng đẹp tàn bạo, thông minh tàn bạo, thành tích học tập lúc nào cũng đứng đầu toàn khóa.

Mơ ước của tôi là được khép tội và tuyên án hoa khôi. Chọn một trong hai hình phạt: hoặc bị bắn bỏ hoặc giúp tôi làm bài thi.

Còn mơ ước của thằng bạn cùng bàn với tôi là lão bảo vệ ký túc xá bị sa lưới pháp luật để nó được chốn ra ngoài lúc nửa đêm, mò đến cửa hàng băng đĩa, xem phim và dõng dạc quát chủ quán thay đĩa khi nào nó thích.

Mấy năm sau, thằng ấy sa lưới pháp luật, bị phạt tù ba năm vì trốn thuế và nợ lương thợ khi nó làm cai xây dựng ở Thừa Đức.

Năm đó, tôi biết thằng bạn cùng bàn này vốn chẳng phải tay vừa. Một bữa nọ, nó rủ tôi vào phố chơi điện tử, còn dắt theo cả một em “heo con”.

Đến nửa đêm, thằng bạn mượn tôi chìa khóa, bảo đưa em “heo con” về ngủ.

Tôi muốn chơi tiếp trò Street fighter, nên đổi chìa khóa lấy mười tệ của nó.

Sáng sớm hôm sau, sự cố xảy ra: hai đứa rời khỏi phòng bị ông hiệu trưởng về hưu bắt gặp.

Cũng may hôm đó thời tiết xấu, ông hiệu trưởng không nhìn rõ cô em kia, bằng không tôi sẽ mất mặt lắm, vì phải mang tiếng chung chạ với em heo ấy.

Nhưng cũng vì thời tiết xấu, hiệu trưởng trông không rõ thằng trai, nên đinh ninh rằng từ phòng tôi đi ra thì chỉ có tôi mà thôi. Oan ức quá!

Cô chủ nhiệm tìm tôi nói chuyện, sắc mặt nghiêm nghị

Cô giáo vụ tìm tôi nói chuyện, sắc mặt nghiêm nghị.

Thầy hiệu phó tìm tôi nói chuyện, sắc mặt nghiêm nghị.

Tôi đang chờ nốt thầy hiệu trưởng tìm tôi nói chuyện trong nỗi tuyệt vọng vô bờ, để rồi sẽ phải lê xích vào ngục. Tôi là đồ lưu manh, đồ lưu manh! Một kẻ lưu manh chưa từng chạm qua tay con gái. Muốn quỳ xuống, muốn khóc thét lên quá!

Nhưng thầy hiệu trưởng không tìm tôi, các thầy cô khác cũng không nhắc đến chuyện này nữa. Mọi thứ đột nhiên tan biến mây khói.

Tôi kinh ngạc đến mức suốt ba ngày không chợp mắt nổi.

Một kẻ buôn dưa lê bán dưa chuột bảo tôi:

- Muốn biết vì sao không?

- Muốn.

- Mười tệ.

- Được.

- Biết hoa khôi của trường không?

- Còn phải hỏi.

- Cô ấy chạy đến nói với thầy hiệu trưởng, người đi ra từ phòng cậu hôm đó chính là cô ấy.

Tôi thất kinh:

- Cô ta làm ô uế thanh danh của tôi!

Xéo! Hoa khôi là niềm hy vọng duy nhất cho ngôi vị thủ khoa của trường ta, là niềm hy vọng duy nhất sẽ đỗ đại học trọng điểm, không thầy cô nào muốn động vào cô ấy. Cô ấy đã nói thế, đương nhiên không ai truy xét nữa và sự việc được cho qua.

Hoa khôi không những xinh đẹp tàn bạo, thông minh tàn bạo mà còn vĩ đại tàn bạo!

Đứng trước sự vĩ đại tàn bạo đó việc các chàng trai, cô gái vị thành niên ở chung phòng chỉ như phù vân mà thôi!

Nhưng tôi đâu ngờ, đồng chí hoa khôi chẳng như đám giang hồ trượng nghĩa bọn tôi, nàng ban ơn là có mục đích hẳn hoi.

Kể từ đó, dưới sự uy hiếp của nàng, tôi buộc phải tham gia tiết thể dục buổi sáng, giờ tập đọc buổi sáng, tiết học buổi sáng. Nhưng, đồng chí hoa khôi cũng không thể lường hết hậu quả của việc mình làm.

Hoa khôi:

- Trương Gia Giai, chúng ta cùng thi đại học Nam Phố nhé!

Tôi tái mặt:

Đại học Nam Phố? Cậu nghĩ tôi là nam thần của trường ta chắc? Mấy trường đại học danh tiếng ấy không phải dành cho người học đâu.

Bốp.

Má trái tôi sưng vù.

Hoa khôi:

- Chúng ta cùng thi đại học Nam Phố nhé!

Tôi:

- Cho tôi một trăm tệ tôi sẽ điền vào đơn.

- Một tệ của cậu đây

- Một tệ? Sao cậu nghèo như Lu Lu thế!

- Lu Lu là ai?

- Con chó nhà tôi, trên cổ nó đeo một đồng xu.

Bốp.

Má bên phải của tôi sưng tấy đỏ.

Kết quả, chúng tôi cùng nộp đơn thi Đại học Nam Phố.

Kết quả, tôi thi đỗ còn hoa khôi thi trượt.

Cô ấy đành chọn nguyện vọng hai, đến Thiên Tân.

Vì sao Thiên Tân không là thành phố thuộc tỉnh Giang Tô? Báo hại tôi cứ phải gọi điện thoại đường dài liên tỉnh. Hết học kỳ, một chồng thẻ điện thoại cao ngất nằm chềnh ềnh trong ngăn bàn tôi.

Khương Vi đã xuất hiện trong chuỗi ngày tôi đốt tiền cho những tấm thẻ điện thoại ấy.

Tôi rất hiếm khi nhận điện thoại của Khương Vi. Kể cả những lúc có ở trong phòng tôi cũng nhờ bạn cùng phòng nói dối là tôi đi vắng.

Vì tôi muốn chờ điện thoại của hoa khôi. Nếu nàng gọi mà đường dây đang bận tôi sẽ phải tốn công giải thích nửa ngày.

Nhưng hoa khôi bỗng dưng không gọi cho tôi nữa.

Tôi gọi cho nàng, nhưng nàng không bao giờ nghe máy.

Tôi chờ suốt một tuần. Không lẽ nàng chết rồi? Mẹ kiếp, cứ nghĩ nàng chết rồi là tôi lại không nuốt nổi cơm. Tôi lương thiện thật đấy!

Tôi chờ hết một tháng. Nếu nàng chết rồi thì chắc bây giờ phải đầu thai rồi đấy nhỉ? Cứ nghĩ đến việc nàng đã đầu thai kiếp khác tôi lại thấy cô đơn rợn ngợp, không sao ngủ được. Tôi thuần khiết quá đi.

Tôi chờ thêm ba tháng nữa. Tôi muốn đến Thiên Tân.

Đúng lúc này, Khương Vi lặn lội tỉnh xa đến thăm tôi.

Cô ấy đưa cho tôi một thanh Singum Doublemint.



Tôi:

- Gì thế?

- Kẹo cao su.

- Ăn no được không?

- Lúc nào đói bụng thì gọi tôi nhé!

- Không còn tiền ăn, lấy đâu tiền gọi điện thoại.

- Thế cầm lấy thẻ điện thoại này đi.

- Ăn còn không có mà ăn, cầm thẻ làm quái gì.

- Thế cầm thẻ ngân hàng đi.

Tôi trộm nghĩ, Khương Vi giàu hơn hẳn hoa khôi.

Thế là tôi hỏi vay cô ấy một nghìn năm trăm tệ.

Tôi cất mười lăm tờ một trăm tệ dưới gối.

Nhưng lúc hết tiền ăn, tôi không động đến nó. Những khi không còn đồng xu nào ra quán net, tôi không động đến nó.

Khương Vi gọi điện bảo không còn tiền đóng học phí, tôi cũng không trả cô ấy.

Cuối cùng, cô ấy không thèm để ý đến tôi. Cô ấy thích thằng bạn của tôi. Họ hợp nhau, họ giống nhau...đều là những người có tiền.

Tôi đã không đi Thiên Tân, bởi vì, bởi vì...hoa khôi phải đến Nam Kinh mới đúng chứ!

Cuối học kỳ, giọng nói quen thuộc vang lên.

Hoa khôi:

- Cậu có khỏe không?

Tôi:

- Lâu rồi cậu không gọi cho tôi.

- Ha ha, không còn tiền mua thẻ điện thoại nữa.

- Nghèo nhỉ? Tôi chia cho cậu một ít nhé.

- Thôi khỏi chia tiền, chúng ta chia tay đi.

- ...Tôi thích chia tiền hơn.

- Tôi nói thật đấy, Trương Gia Giai, chúng ta chia tay thôi!

- ...Tôi thích chia tiền hơn.

- Trương Gia Giai, nhớ giữ gìn sức khỏe.

- ...Chia tiền, chia tiền.

- Rảnh thì chịu khó gọi về cho mẹ cậu, bác ấy chắc là rất nhớ cậu.

- ...Chia tiền, chia tiền!

- Trương Gia Giai, có nhớ tôi không?

- ...Chia tiền, chia tiền.

- Đừng khóc nữa. Còn nhớ ngày tôi nhờ người đem đồ ăn sáng đến cho cậu không? Đến giờ tôi vẫn chưa biết cậu có ăn hay không

- ...Tôi có ăn.

- Trương Gia Giai nhớ đừng bỏ bữa sáng. Mà này, nếu cho cậu chọn lại, cậu sẽ thi vào trường nào?

Tôi thầm nghĩ, chẳng trường nào cả, tôi sẽ chọn một cô thôn nữ, sẽ động phòng, trồng cây, tưới phân trong khu nhà hai tầng xây bằng đất ấy, suốt đời không thèm mua thẻ điện thoại làm gì.

- Trương Gia Giai, chia tay rồi không cần gọi điện thoại cho tôi nữa.

Cô ấy gác máy.

Lúc gác máy, tôi đã quên khóc nhưng hình như tôi nghe thấy cô ấy khóc.

Năm năm sau, tôi nhận được tin Khương Vi và bạn tôi kết hôn. Tôi mừng phong bì một nghìn năm trăm tệ. Mười lăm tờ một trăm tệ phẳng phiu, thẳng thớm, không một nếp gấp.

Rốt cuộc tôi đã trả lại cô ấy mười lăm tờ một trăm tệ chỉ giữ lại miếng giấy bọc thanh Singum Doublemint màu xanh lục.

Miếng giấy bọc thanh Singum Doublemint màu xanh lục cũng phẳng phiu, thẳng thớm, không một nếp gấp.

Trong suốt năm năm, tôi đến chơi nhà hoa khôi ba lần. Tấm hình chụp cô ấy được đặt ngay ngắn trên chiếc bàn kê bên phải phòng khách.

Bên cạnh bức ảnh là một cuốn sổ tay, chậu hoa và một ít hoa quả.

Phía trước bức ảnh là mấy nén nhang. Tôi hút thuốc còn cô ấy ngửi hơi nhang, mà tốn lắm, một lúc những mấy nén.

Cô ấy “hoành tráng” là thế, nhưng tôi thấy buồn vô hạn.

Tôi biết cuốn nhật ký ghi rằng cô ấy nhờ người mang bữa sáng cho ai, mang tiếng xấu vì ai, và cô ấy đã lừa một tên ngốc đòi chia tay thế nào. Cô ấy là một kẻ chi li, cái đồ tiểu nhân, ban ơn có mục đích.

Sổ nhật ký kẹp cả tờ kết quả bệnh lý của cô ấy.

Tôi nghĩ, tôi phải cảm ơn nó vì nhờ nó mà tôi khỏi tốn tiền mua thẻ điện thoại.

Tôi nghĩ, tôi phải căm thù nó vì nếu không có nó, tôi đã chẳng đau buồn thế này.

Lần nào tôi cũng ở lại ăn cơm với mẹ cô ấy.

Lần nào ở lại ăn cơm với mẹ cô ấy, hai bác cháu cũng nói rất nhiều chuyện, đều là những chuyện vui, hai bác cháu cười nghiêng ngả.

Mỗi lần đến chơi nhà cô ấy, tôi không khóc dù chỉ một giọt nước mắt. Nhưng hễ ra khỏi cửa, tôi không cầm lòng nổi, ngồi phịch xuống vệ đường, nức nở rất lâu, rất lâu.

Suốt một thời gian dài, tôi tiếp tục bỏ bữa sáng. Những lúc như thế tôi đều nghĩ đến cô gái ấy.

Cô gái:

- Cậu chưa ăn sáng phải không?

Tôi:

- Không ăn. Biến!

- Sao thô bỉ thế?

- Cứ thô bỉ thế đấy!

- Có người nhờ tôi mang cho cậu.

- Ai nhờ?

- Người ta không muốn nói. Cậu không ăn thì thôi.

- Không muốn nói nghĩa là không cần trả nợ đúng không?

- Đã cho thì cần gì trả nợ.

- Ha ha ha, người ta tốt bụng thế!

Tôi vừa chén bánh rán, uống sữa đậu nành vừa nghĩ bụng “người ta” đúng là đồ nghèo kiết, bữa sáng mà đem cho thứ này.

Lúc đưa bữa sáng cho tôi, hoa khôi nghèo kiết như “người ta”. Lúc thi đại học, hoa khôi nghèo kiết như Lu Lu.

Lúc gọi điện thoại, hoa khôi nghèo kiết như tôi.

Máy nghe nhạc đang phát ca khúc Tình yêu trọn đời.

Tôi ngừng hút, tàn thuốc rơi xuống. Tôi khóc không thành tiếng, nhưng nước mắt cứ thế rơi lã chã.

Trong ti vi có tiếng ai đó nói: “Lạ thật, gã đó trông chẳng khác gì một con cẩu.”

Cẩu gì mà cẩu, các người thấy cẩu ăn bánh rán, uống sữa đậu nành bao giờ chưa?

Ngăn kéo vẫn đầy ắp thẻ điện thoại. Nước mắt rơi ướt những tấm thẻ. Tôi thầm nghĩ: “Cẩu gì mà cẩu, các người đã thấy cẩu gọi một đống thẻ điện thoại bao giờ chưa?”

- Trương Gia Giai, có nhớ tôi không?

- ...Chia tiền, chia tiền

- Đừng khóc nữa. Có nhớ ngày tôi nhờ người đem đồ ăn sáng đến cho cậu không? Đến giờ tôi vẫn chưa biết cậu có ăn không.

- ...Tôi có ăn.

- Trương Gia Giai, nhớ đừng bỏ bữa sáng. Mà này, nếu cho cậu chọn lại cậu sẽ thi vào trường nào?

Tôi thầm nghĩ, chẳng trường nào cả, tôi sẽ chọn một cô thôn nữ, sẽ động phòng, trồng cây, tưới phân trong khu nhà hai tầng xây bằng đất ấy, suốt đời không thèm mua thẻ điện thoại làm gì.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
cô vợ thay thế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Ngang Qua Thế Giới Của Em

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook