Nếu Như Yêu

Chương 19

Thanh Sam Lạc Thác

19/01/2017

Hứa Khả và Hứa Tử Đông, họ đều biết nghĩ cho người khác, làm việc cũng hợp lý hợp tình, tính cách khoan dung, nhẹ nhàng, còn tôi lại ương bướng, luôn cho mình là đúng. Trừ phi tính cách của tôi là do di truyền mà tôi hoàn toàn không hề biết căn nguyên.

Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy vô cùng buồn tủi.

Hà Từ Hàng

Type: Tít Mít

1

Hứa Tử Đông được các y tá hết sức yêu mến, điểm này rất dễ dàng nhận thấy, không cần phải đặc biệt quan sát cũng có thể phát hiện ra. Sau khi được anh ta chào hỏi, mấy y tá khoa ngoại chăm sóc cho ông Trương rất tận tâm, ngay cả tôi và bố cũng được đối xử hòa nhã. Hơn nữa, họ nói chuyện với Hứa Tử Đông bằng giọng nhẹ nhàng, dịu dàng, từ ánh mắt đến cử chỉ đều bộc lộ tình cảm quý mến. Đáng tiếc, cái khí chất lạnh như núi băng của Hứa Tử Đông chằng phải chỉ đối với một mình tôi mà với ai, anh ta cũng giữ thái độ lạnh nhạt nhã nhặn kiểu như thế, hay nói cách khác là lịch sự một cách lạnh lùng. Với tôi, hai điểm này không giống nhau, nhưng cụ thể khác nhau như thế nào, tôi lại không thể nói rõ được.

Y tá hỏi tôi với anh ta có quan hệ thế nào, tôi chỉ ậm ờ nói là "bạn bè" - xin Trời Phật tha cho con tội nói dối. Thật ra, tôi với anh ta ngay cả là thân quen cũng không phải, chứ đừng nói đến từ bạn bè. Có điều tôi không muốn đánh mất sự tử tế của y tá dành cho ông Trương.

Lần nói chuyện duy nhất giữa tôi và anh ta là vào ngày hôm sau, sau cuộc phẫu thuật của ông Trương.

Bố tôi ra ngoài ăn cơm, ông Trương vẫn phải truyền dịch. Tôi chẳng biết làm gì, chán nản nhìn chăm chăm vào từng giọt nước truyền, nó như có tác dụng thôi miên, tôi dần dần ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Khi bị đánh thức đột ngột, tôi hoảng hốt nhìn vào chai nước, vẫn còn một phần ba nữa, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm. Nhìn thêm một lần nữa, tôi nhận ra có một bộ quần áo trắng đang đứng cạnh tôi từ lúc nào không biết, trông ngọc thụ lâm phong* nhưng lại nhìn tôi với vẻ khó xử, tôi cũng băn khoăn nhìn lại anh ta. Anh ta do dự hồi lâu, rồi giơ tay ra hiệu cho tôi lau khóe miệng. Tôi sờ vào, thấy có nước dãi chảy ra, không nhịn được bật cười, vừa lau miệng vừa nói: "Anh không cần cảm thấy khó xử thay tôi đâu!"

(*) Ý nói trông rất đẹp trai, uy nghiêm ví như cây ngọc đón gió

Anh ta đành phải giả vờ không để ý đến lời trêu đùa của tôi, nói: "Tôi có chuyện muốn hỏi cô, có tiện ra ngoài một chút không?"

Tôi chỉ vào chai truyền dịch, anh ta vẫy tay gọi một y tá đến, dặn dò nhờ cô ta trông giúp, cô gái gật đầu vui vẻ.

Tôi đi theo đến tận cuối hành lang, anh ta nói: "Hy vọng cô không cảm thấy tôi làm thế này là đường đột, tôi không hề muốn thăm dò chuyện riêng của mấy người..."

Tôi thở dài, ngắt lời anh ta: "Bác sĩ Hứa, anh rào trước đón sau như thế, không phải là muốn hỏi bố tôi có đủ tiền nộp viện phí hay không à? Bố không nói cho tôi biết chuyện tiền nong, nhưng tôi đoán chắc chắn là không đủ tiền, tốc độ tiêu tiền ở trong bệnh viện lớn quả là khủng khiếp."

"Chị tôi bảo tôi chuyển lời rằng chị ấy muốn trả tiền viện phí."

"Anh hãy cám ơn ý tốt của chị Hứa giúp tôi, nhưng tôi không thể tự quyết định được."

"Có lẽ cô có thể khuyên bố cô?"

"Bố tôi thường ngày là một người rất phóng khoáng hòa nhã, nhưng ông cũng có lòng tự tôn và kiên trì, tôi không thể chạm vào được."

Anh gật đầu. "Xem ra cô không thấy lo lắng lắm.”

"Lo lắng thì có tác dụng gì chứ? Người tính không bằng trời tính, thế nào chẳng có cách."

Anh ta hiển nhiên tỏ vẻ không tán thành sự lạc quan không giới hạn của tôi, nhưng không tiện trực tiếp phê phán. Tôi nhìn bộ dạng anh ta mà muốn phá lên cười. "Bác sĩ Hứa, đến lượt tôi hỏi anh một câu, được không? Bệnh của ông Trương có thể chữa khỏi không?"

Anh ta lập tức trở về với vẻ mặt của một bác sĩ, từng câu từng chữ nói rất điềm tĩnh, rõ ràng: "Theo tôi hiểu, cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân của ông ấy đã thành công. Còn về bệnh nhiễm ceton acid tiểu dường thì cần phải điều trị từng bước, như vậy mới có thể phòng tránh được tình trạng viêm loét mới."

“Nếu nói một cách dân dã thì ý anh muốn nói là bệnh này không thể chữa khỏi, không tiếp tục bị biến chứng nặng hơn là chúng tôi đã nên thắp hương cảm tạ Trời Phật rồi, đúng không?"

Gương mặt anh ta lại lộ vẻ khó xử, tôi lắc đầu. "Ồ thôi được rồi, tôi cũng đoán ra rồi."

"Xin lỗi."

“Không sao, bác sĩ chỉ Phụ trách chữa bệnh, không phụ trách công việc lật ngược tình thế như khoa học viễn tưởng.”

“Tất cả người thân của bệnh nhân cũng giống như cô thì tốt biết mấy."

"Không phải tôi là người khoan dung rộng lượng thế đâu, chỉ có điều tôi biết không phải bất cứ chuyện gì cũng nên ôm hy vọng mù quáng. À, đúng rồi, chị Hứa Khả có khỏe không?"

"Chị ấy vẫn ổn, chỉ là dạo này không tiện đến bệnh viện."

"Nói như vậy có nghĩa là chị ấy quyết định giữ lại đứa bé?"

Anh ta hơi ngạc nhiên, chắc chắn không hiểu tại sao chị anh ta lại nói cho tôi biết chuyện này, nhưng vẫn gật đầu. Bình thường thì tôi không thích quản chuyện của người khác, nhưng không hiểu vì sao, tôi cảm thấy có chút không yên tâm về chị Hứa Khả. Tôi do dự một hồi mới nói: "Anh nên chú ý một chút đến tình cảm của chị ấy."

Anh ta vô cùng nhạy bén, nhìn thẳng vào tôi rồi hỏi: "Chị ấy còn nói gì với cô nữa?"

"Không có, chỉ là..." Tôi quyết định nói ra. "Tôi đã nhìn thấy chồng chị ấy ở bên một người con gái khác, trông họ rất thân mật."

"Cô không nói với chị ấy đấy chứ?"

"Bác sĩ Hứa, chị gái anh là người rất tinh tế, tuyệt đối không thể nào không cảm thấy gì trước tình trạng hôn nhân của mình, thế nên chị ấy cũng không cần tôi phải thông báo tình hình mới biết. Tôi chỉ muốn nhắc anh, hãy chú ý quan tâm chị ấy một chút."

Anh ta im lặng, tôi cũng không định nói gì thêm nữa mà quay trở về phòng bệnh.

Sau khi tình trạng của ông Trương ổn định, ông liền được chuyển đến phòng bệnh khoa nội để tiếp tục điều trị.

Hôm đó, Chu Nhuệ cùng tôi đi từ trường đến bệnh viện, thấy bố đang đứng đăm chiêu trước cửa sổ, tôi liền an ủi: "Ông chỉ bị cưa một bàn chân thôi, chắc cũng sẽ phải đi khập khiễng, nhưng dù sao ông đâu phải tham gia cuộc thi chạy nào."

Bố tôi cười méo xẹo, vẻ mặt chẳng có chút nhẹ nhõm nào. Tôi mạnh dạn hỏi dò: "Có phải tiền không đủ phải không ạ?"

Bố lắc đầu, tôi liền "xì" một tiếng. "Không cần phải giấu con, bố có bao nhiêu vốn liếng, con còn không biết sao? Cho con đóng học phí đã tốn bao nhiêu tiền rồi, bố lại ở bệnh viện chăm ông thế này lấy đâu ra thu nhập."

"Chuyện này không cần con phải lo."

"Con lo cũng vô ích, cùng lắm chỉ có thể tiết kiệm tiền ăn sáng đưa cho bố thôi."

Bố lại cười khổ lần nữa. "Không cho phép con nhịn ăn sáng đâu đấy!"

Tôi không thể không nghĩ đến tình hình thực tế. "Con nghe một cô ở giường 23 nói rằng, không nộp tiền là họ ngừng cấp thuốc, thế thì làm thế nào?"

Chu Nhuệ nói xen vào: "Hay là tôi giả vờ bị bệnh, xem có thể lấy một ít tiền từ chỗ bố tôi không nhé!"

Bố tôi trừng mắt nhìn cậu ta. "Cậu im lặng đi, đừng có nghĩ đến trò mất mặt như vậy nữa."

Chu Nhuệ đánh cúi đầu im miệng. Tôi cười. "Nếu bố cậu ta không đưa ông Trương vào miếu, ông cũng không đến nỗi bệnh nặng thế này, bố cậu ta chi một chút tiền cũng là việc nên làm mà."

Bố tôi sa sầm nét mặt. "Đừng nói lung tung nữa, cấm hai đứa gây thêm rắc rối cho bố. Bố sẽ nghĩ ra cách."

"Bố có cách gì chứ?"

Bố đứng dậy, lấy áo khoác. "Đi mượn tiền."

Tôi hoài nghi. "Sắp sáu giờ tối rồi, xe khách đường dài chắc cũng nghỉ rồi chứ?"

"Bố mượn tiển trong thành phố này thôi."

"Ở thanh phố này bố còn quen ai à?"

Bố không trả lời tôi, chỉ nói: "Bố đi một lát rồi về, con ở lại đây với ông, xem chai truyền dịch gần hết thì gọi y tá."

Tôi hỏi Chu Nhuệ: "Cậu có thấy hôm nay bố tôi trông rất lạ không?"

Chu Nhuệ vẫn thản nhiên như không. "Lúc thiếu tiền thì vẻ mặt của ai mà chẳng không bình thường." Cậu ta đứng dậy móc tất cả túi trên người, được bao nhiêu tiền đều rải ra giường, chỉ cầm lại một tờ năm mươi đồng. "Số còn lại cậu cầm hết đi."

"Để làm gì? Tôi chưa đến lúc đòi tiền cơm của cậu đâu, đừng sốt ruột."

"Tôi biết cậu có thể làm được cái việc nhịn ăn sáng."

"Thế cậu thì sao?"

"Với ngoại hình của cậu, chắc chắn không có người nào mua cơm miễn phí cho ăn đâu. Nhưng tôi lại khác, luôn có người vì thương hoa tiếc ngọc, không nhẫn tâm nhìn tôi chết đói mà tranh nhau chạy đến thanh toán tiền ăn cho tôi."

Tôi tức đến bật cười nhưng cũng ít nhiều cảm động, thở dài, nói: "Tôi có thể lạc quan như cậu thì tốt biết bao."

"Cái đó không khó, chỉ cần cậu đừng nghĩ ngợi lung tung là được."

Chuyện gì đến tay Chu Nhuệ cũng được xử lý vô cùng đơn giản, tôi không thể không ngưỡng mộ cậu ta.

Cậu ta vốn định kéo tôi đến chỗ lũ bạn chơi đùa để tôi khuây khỏa, nhưng đợi đến tám giờ tối mà bố tôi vẫn chưa về, bạn của cậu ta không ngừng gọi điện đến giục, tôi sợ phiền phức liền thúc cậu ta đi, cũng không thể ở bệnh viện được nữa nên cậu ta đành đi trước.

Đợi thêm một tiếng nữa, bố vẫn chưa về, tôi bắt đầu lo lắng, gọi vào di động của ông nhưng máy đã tắt. Trong lòng thấp thỏm lo lắng, tôi không thể ngồi yên được, đi đi lại lại ngoài hành lang, sau đó dứt khoát đi thang máy xuống sảnh, đứng ở cửa ra vào bệnh viện ngóng ra ngoài, rồi lại lên phòng bệnh, lấy nước ấm lau rửa cho ông Trương. Đột nhiên, ông hỏi tôi: "Nguyên Bình đâu rồi?”

Bây giờ ông càng lẫn cẫn hơn cả trước kia, đa số thời gian ông chỉ nhìn mọi thứ với vẻ đờ đẫn, vậy mà hôm nay ông vẫn nhớ bố tôi chưa quay về, tôi đành nói qua quýt: "Bố con sắp về rồi, đợi thêm một chút nữa thôi ạ."

Tôi giúp ông nằm xuống, đợi ông ngủ, tôi lại đến chỗ thang máy đứng đợi.

Đến khoảng mười giờ không còn người thân hoặc người bệnh nào ra vào nữa, tôi càng trở nên lo lắng, cố gắng trấn tĩnh, tôi móc ra ba đồng xu trong túi, quỳ xuống, hai tay chập vào giữ đồng xu bên trong, lắc đểu rồi cho rơi xuống đất, sau đó nhặt lên rồi làm lại, bỗng nghe thấy một giọng nói từ trên đỉnh đầu vọng xuống: “Cô đang làm gì vậy?"

Tôi ngẩng đầu lên, là Hứa Tử Đông.

"Xem bói."

Anh ta nhìn tôi chằm chằm rồi nói: "Cho dù không kỳ vọng vào bác sĩ thì cũng không cần phải bói toán thế đâu!"

Tôi không buồn để ý đến anh ta, cố gắng nhớ lại một vài cách bói mà trước đây ông Trương từng dạy, nhưng phát hiện mình chỉ nhớ một cách mơ hồ liền ủ rũ thở dài. Tôi muốn đứng dậy, nhưng vì quỳ quá lâu nên chân tê dại, người lảo đảo suýt ngã, may có Hứa Tử Đông đỡ kịp.

Anh ta đợi tôi đứng vững mới buông tay, hỏi: "Có bói ra được cái gì không?"

"Bố tôi sắp về rồi."

Anh ta bị tôi làm cho cười chảy nước mắt. "Thế mà cũng gọi là bói à? Nghe chị tôi nói chị ấy vừa đến nhà cô, ông Trương liền xem tướng cho chị ấy, xem ra cô đúng là đệ tử của ông ấy rồi."

“Anh thì biết cái gì? Bố tôi nói ra ngoài mượn tiền, năm giờ hơn đi mà bây giờ vẫn chưa về, điện thoại cũng tắt. Ở thành phố này ông ấy có quen ai đâu, tôi lo sắp chết đây này."

Anh ta thu lại nụ cười nói: "Xin lỗi." Một lát sau, anh ta hỏi tôi: “Ở làng cô có ai biết ông ấy có bạn ở đây không?"

"Tôi gọi điện hỏi một lượt rồi, không ai biết cả. Tôi còn hỏi ông Trương, ông nói lung tung bát nháo, chẳng hiểu cái gì." Nói đến đây, tôi không kìm nén được cảm xúc của mình nữa. Đương nhiên tôi không muốn khóc trước mặt người lạ, thế nên vội vàng kìm lại, chạy nhanh về phòng bệnh.



2

Di động của tôi kêu liên tục nhưng không phải là bố gọi đến.

Dì Hồng hỏi tôi: "Bố cháu về chưa?"

"Chưa ạ."

"Đừng sốt ruột, có lẽ có việc nên ông ấy mới về muộn thôi. Ông ấy là người chu đáo, cẩn thận, không xảy ra chuyện gì đâu."

Lời an ủi này đương nhiên không làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm chút nào.

Anh Triệu Thủ Khác cũng gọi điện đến, nói hôm nay anh chưa gặp bố tôi. Tôi cũng biết, bố tôi không thể nào đến gặp một sinh viên như anh để hỏi mượn tiền.

Chu Nhuệ nói cậu ta muốn đến chỗ tôi, tôi từ chối. "Đây là bệnh viện, trong phòng bệnh có thêm một người là thêm chật chội, cậu đừng có đến làm loạn nữa."

Theo lý mà nói, tính cách tôi khá độc lập. Từ nhỏ, bố tôi thường xuyên ra ngoài làm việc, có lúc còn đến những thôn ở rất xa, mấy ngày không về, nhưng trước khi đi, bố thường nói cho tôi biết ông sẽ làm gì, bao giờ quay lại, sau đó nhờ dì Hồng giúp chăm sóc tôi, thế nên tôi chẳng phải lo lắng gì.

Đây là lần đầu tiên tôi hoàn toàn không biết bố đi đâu, không liên lạc được với ông, tôi thấy lo lắng không yên, cố gắng thuyết phục bản thân trấn tĩnh lại, không nên nghĩ ngợi lung tung nhưng càng nghĩ càng cảm thấy sợ hãi, đồng thời hối hận vùa nãy không nên bốc đồng mà bói toán. Nếu tôi không làm sai các bước thì quẻ bói ấy cũng chẳng may mắn gì. Tôi chỉ biết tự an ủi: Tay nghề nửa vời như mày, bói chuẩn được mới lạ!

Lại hơn một tiếng trôi qua, bố tôi vẫn chưa trở về. Nằm cùng phòng bệnh với ông Trương còn có năm bệnh nhân khác, ngay cả người thân của các bệnh nhân cũng đã ngủ rồi, tiếng ngáy lúc to lúc nhỏ của họ đều đều vang lên, lúc này chỉ có ánh đèn ngoài hành lang hắt vào phòng mờ mờ.

Không hiểu vì sao, tôi bỗng cảm thấy cô đơn đến đáng sợ, tôi chỉ biết bước ra ngoài, ngồi đờ đẫn ở hành lang.

Không biết ngồi đó bao lâu, Hứa Tử Đông cùng chị Hứa Khả bước đến. Chị Hứa Khả nói: "Từ Hàng, đi theo chị."

"Đi đâu ạ?"

"Tử Đông nói với chị, bố em đến bây giờ vẫn chưa quay lại bệnh viện. Chị đã gọi điện cho dì Mai, người ngày trước đã cùng ông tham gia đội sản xuất ở địa phương. Người nhà của dì ấy nói với chị, chiều nay dì Mai cũng trở về nhà mẹ đẻ ở thành phố này, chị hẹn xin được số điện thoại gọi lại cho dì. Hai người họ trước kia là bạn học, hàng xóm, bố mẹ của họ là đồng nghiệp của nhau, đều sống ở khu tập thể cũ kỹ trong nhà máy hóa chất. Bây giờ anh trai của bố em đang sống ở căn phòng đó, bọn chị đoán, bố em có khả năng đi tìm anh trai để vay tiền."

Tôi ngẩn người. Đương nhiên, tôi đã biết trước bố không phải là gốc ở thôn Lý Tập, giọng nói, cử chỉ của bố hoàn toàn khác với mọi người xung quanh, cả con người bố toát lên khí chất của một người ở nơi khác đến nhưng chưa bao giờ bố nhắc đến quê hương hay người thân mình, càng không thấy họ hàng thân thích đến thăm. Trước đó, tôi càng không biết quê của bố lại chính là ở thành phố này, và ông còn có một người anh trai. Tôi yêu bố như vậy, dựa dẫm vào bố như vậy, luôn cho rằng mình cũng là người mà bố yêu nhất, vậy mà tôi lại chẳng biết gì về cuộc sống của bố, cảm giác thất bại thảm hại khiến tôi không thể thốt nên lời.

Hứa Tử Đông nói: "Để em đưa hai người đi."

"Em còn phải trực ban mà."

Để em nói với chủ nhiệm, nhờ đồng nghiệp giúp một chút, muộn quá rồi, chị lại đang bầu bí, em không yên tâm."

Hứa Tử Đông lái xe chở chúng tôi đến một khu tập thể cũ kỹ, tên con đường ở đây lại ghi là Nhà máy hóa chất, sau đó chia ra làm hai đường, đường Nam Nhất và đường Đông Nhị, trên bức tường sát đường đều có những mảng sơn rất to che chỗ nứt nẻ, nhưng trong đêm tối lại nhìn rất rõ. Một người phụ nữ khoác áo len đang đứng một mình ở đầu đường. Chị Hứa Khả vội vàng bảo Hứa Tử Đông dừng xe, chúng tôi bước xuống.

"Dì Mai, cô bé này chính là Hà Từ Hàng mà cháu nói với dì, cháu xin lỗi vì muộn như thế này còn đến làm phiền dì."

Dì Mai mỉm cười. "Không sao, để dì dẫn các cháu đến nhà họ Hà."

Đèn đường màu vàng nhạt, các căn nhà xây cao thấp rất lộn xộn và cũng chẳng theo hướng nào, đã thế đường đi giữa các tòa nhà rất hẹp, nếu không có người quen dẫn đường, đúng là rất khó tìm thấy nơi cần đến.

Hứa Tử Đông chần chừ. "Muộn thế này rồi mà còn đến gõ cửa nhà người ta, thế thì không được tiện lắm.”

Dì Mai nói: "Các cháu đứng ở phía dưới, một mình dì lên là được rồi."

Nhưng tôi và chị Hứa Khả vẫn quyết định đi theo lên. Đến tầng thứ ba, tôi gõ cửa, một lúc lâu sau, cánh cửa từ bên trong mở ra, một bà già mặc áo ngủ hoa nhàu nhĩ đứng cách lớp cửa sắt nghi ngờ nhìn chúng tôi, nói với vẻ không vui: "Mấy người là ai, muộn thế này rồi còn đến tìm ai?”

Dì Mai lễ phép nói: "Chào bà, tôi tên là Mai Tuyết Bình, sống ở đơn nguyên phía trước, là bạn học với Hà Nguyên Bình, tôi muốn hỏi bà có ông Hà Kiến Quốc ở nhà không?

Bà ấy không đáp mà hỏi ngược lại: "Mấy người có chuyện gi không?" "Cô bé này là Hà Từ Hàng, con gái của Hà Nguyên Bình, chúng tôi muốn hỏi, ông Hà Nguyên Bình hôm nay có đến đây không?

"Tôi không quen người đó."

Cánh cửa bị đóng lại rất mạnh, dì Mai ngạc nhiên nói: "Số nhà 16 tầng 302, đúng mà, trước đây dì đã từng đến rồi mà."

Tôi bực quá, cứ thế đập cửa rất mạnh, đến nỗi những nhà hàng xóm cạnh đây cũng phải mở cửa he hé nhìn ra ngoài, lúc đó cánh cửa mới lại một lần nữa được mở ra. Một ông già mặc áo ba lỗ, quần soóc, đi dép lê đứng đó, dưới ánh đèn hắt từ phòng ra, tôi nhìn mà ngẩn người mất một lúc. Lưng ông ta khòng xuống, cái bụng to chẳng cân đối với chân tay gầy nhom, đầu bị hói một nửa, nhưng gương mặt ông ta, ngoài nét giống bố tôi, còn giống hệt bức ảnh người ông được treo trên tường nhà tôi, người ông mà tôi chưa bao giờ gặp mặt.

Dì Mai liền chào ông ta: "Anh Hà, em là Mai Tuyết Bình đây, trước đây em đã đến nhà anh rồi mà."

Ông ta lạnh nhạt nói: "Hà Nguyên Bình có đến nhưng lại đi rồi."

"Ông ấy đi lúc nào?"

Khoảng bảy giờ đến, nó mượn tiền tôi, tôi bảo không có tiền cho nó mượn, đừng bao giờ đến tìm tôi nữa. Nó lập tức đi luôn."

Tôi thực sự không thể tin vào tai mình. "Ông ấy là em trai của ông, ngay cả lý do tại sao phải vay tiền ông cũng không hỏi mà đã đuổi ông ấy đi?"

"Vì nó phạm tội lưu manh phải ngồi tù làm liên lụy đến bố mẹ và tôi, khiến chúng tôi không thể ngẩng đầu lên với bà con làng xóm. Chúng tôi đã cắt đứt quan hệ hoàn toàn với nó rồi."

"Tội lưu manh", tôi bị những từ ngữ này làm kinh ngạc đến sững sờ. Chị Hứa Khả nói xen vào: "Ông ấy bị oan."

Ông già cười lạnh lùng. "Bị oan à? Ai bị bắt mà chẳng nói thế"

Tôi định thần lại, cũng cười lạnh. "Ông ấy là em ruột của ông, ông nói năng đừng nên khắc nghiệt như vậy, phải tích chút phúc đức cho bản thân chứ!"

"Tôi đã nói rồi, tôi không có một đứa em trai như nó. Đang lúc chỗ này sắp dỡ bỏ thì chạy đến đây vay tiền, đừng có mơ. Tôi bảo với nó, một xu cũng đừng hòng lấy được."

"Thật nực cười, căn hộ này là tài sản của bố mẹ hai người, bố tôi cũng có phần, ông ấy không đến tranh giành gì mà chỉ muốn mượn ít tiền, nhưng ông lại một mực từ chối, như thế có quá đáng không?"

Bà già đột nhiên từ phía sau lưng ông già nhảy ra. "Phụng dưỡng ông bà cụ và đưa họ về nơi suối vàng đều là do chúng tôi phụ trách, nó có tư cách gì đến đây tranh tài sản. Các người mau cút đi, nếu không tôi báo cảnh sát đấy!"

Tôi tức đến run người, đang định nói tiếp thì chị Hứa Khả ngăn lại. "Xin hai vị bớt nóng, ông Hà Nguyên Bình và chúng tôi không phải đến vì việc phân chia tài sản. Sư phụ của ông ấy đang phải nằm ở bệnh viện thành phố. Ông ấy chỉ muốn mượn một ít tiền lúc cấp bách, sau đó chắc chắn sẽ trả lại. Hai vị không cho mượn cũng được, nhung xin cho chúng tôi biết, sau khi rời đi, ông ấy đi đâu."

"Chúng tôi không biết, nó chỉ nói nó sẽ không bao giờ quay lại nữa. Tôi bảo là cảm tạ trời đất, nói lời phải giữ lời đấy. Hừ, dù sao thì chúng tôi cũng sắp chuyển đi rồi, các người có muốn đến làm phiền cũng chẳng được."

Cánh cửa một lần nữa bị đóng sầm lại.

Chúng tôi ủ rũ bước xuống lầu. chị Hứa Khả nói: "Từ Hàng, về cái tội gọi là lưu manh đó của bố em...'

Tôi nhìn chị, chị dường như nhất thời không biết nói tiếp như thế nào. Tôi lắc đầu. "Được rồi, chị không phải giải thích, bố là người thế nào, em rất rõ.”

"Không Từ Hàng, chị cần nói rõ cho em hiểu.” Chị cắn răng, nói nhanh: "Chính vì tội này mà bố em đã phải đi cải tạo ba năm, nhưng ông ấy là người vô tội, mẹ chị... đã gián tiếp tạo ra tất cả những điều này. Xin lỗi em."

Đầu óc tôi bây giờ như đờ ra, còn vẻ mặt Hứa Tử Đông cũng biểu lộ sự kinh ngạc như vừa mới biết chuyện này. Tôi thẫn thờ hồi lâu, đột nhiên lắc đầu. "Chị nói xin lỗi em có tác dụng gì chứ. Bây giờ em chỉ muốn tìm thấy bố thôi."

Dì Mai thở dài. "Ôi, không ngờ anh trai của Hà Nguyên Bình lại tuyệt tình như vậy."

Chị Hứa Khả cũng bối rối. "Dì Mai, dì hãy về nghỉ ngơi trước đi. Chúng cháu về bệnh viện đợi vậy, cho dù có đi tìm, cũng phải đợi ngày mai trời sáng đã."

Sau khi lên xe, Hứa Tử Đông đưa chị Hứa Khả về nhà trước. "Bây giờ chị cần chăm sóc tốt cho bản thân, chịu khó về nhà ngủ một giấc đi, có tin gì em sẽ báo cho chị ngay."

Hứa Tử Đông lái xe đưa tôi trở lại bệnh viện thì đã nửa đêm. Ánh đèn bệnh viện chiếu ở hành lang mờ tối. Anh ta nói: "Cô đến phòng trực ban của chúng tôi nghỉ một lát đi."

Tôi lắc đầu. "Cảm ơn anh, không cần đâu, dù sao tôi cũng không ngủ nổi, ở phòng bệnh cũng được rồi."

Con người không thể chống đỡ được sự mệt mỏi.

Tôi không thể ngủ nổi, nhưng cứ ngồi yên lặng nên cũng cảm thấy buồn ngủ, liền gục xuống cạnh giường ông Trương ngáp dài. Trong lúc mơ màng, tôi dường như đang trở về nhà mình ở thôn Lý Tập. Đẩy cánh cửa cổng, tôi thấy cây dâu vẫn xanh tốt, hoa trà vẫn nở rất đẹp, con Lai Phúc vẫn nằm dưới mái hiên, tất cả đều giống như trước, nhưng nhà lại chẳng có ai. Tôi ngó qua từng phòng vẫn không tìm thấy bố và ông Trương đâu, đến lúc tôi đi ra thì cũng chẳng nhìn thấy con Lai Phúc đâu nữa...

Tôi bỗng bừng tỉnh, sợ đến nỗi mổ hôi vã ra như tắm, nói một cách nghiêm túc thì đây không thể coi là một cơn ác mộng, nhưng ở nơi đó chẳng còn gì nữa chính là cảnh tượng mà tôi sợ hãi nhất. Tôi nắm chặt lấy cánh tay gầy guộc của ông Trương đang để bên ngoài chiếc chăn đơn, nước mắt cứ thế rơi lã chã.

Lúc này, Hứa Tử Đông bước vào, cúi xuống nói khẽ với tôi: "Tôi tìm thấy bố cô rồi, ông ấy không có gì đáng ngại."

Tôi sững sờ nhìn anh ta, nhất thời không nói được câu nào.

3

Hứa Tử Đông lái xe của chị Hứa Khả đưa tôi đến bệnh viện nơi bố đang nằm, trên đường, tôi hỏi anh ta sao lại tìm được bố. Anh ta nói: "Tôi cũng chỉ thử gọi điện đến một vài trung tâm cấp cứu, hỏi xem có tiếp nhận bệnh nhân nào có đặc điểm giống bố cô không, đúng là may mắn nên cuối cùng cũng tìm được ông ấy. Sáng sớm nay ông ấy được đưa đến đó."

"Rốt cuộc bố tôi bị làm sao?"

"Tôi cũng không rõ lắm, nghe nói ông bị ngã, đầu đập xuống đất rồi hôn mê. Đoạn đường đó lại ít người qua lại, ông nằm đó phải gần một tiếng thì có công nhân vệ sinh đi qua, ngửi thấy mùi rượu, nghĩ rằng ông là kẻ nghiện rượu nên cũng mặc kệ. Sau đó có người đi đường phát hiện ra mới gọi điện báo cảnh sát. Lúc đó, ông mới được xe cứu thương chở đến bệnh viện gần đấy. Qua kiểm tra thì đầu ông bị chấn thương nhẹ, phải khâu bốn mũi ở trán, không có gì đáng ngại cả."

Tôi lẩm bẩm: "Lúc ở nhà, bố có uống một ít rượu nhưng rất biết kiềm chế, tôi chưa hề thấy ông uống say bao giờ."

"Có lẽ tâm trạng ông ấy không tốt."

Cũng đúng, bố thực sự có lý do để mượn rượu giải sầu, nhưng uống say đến nỗi ngã trên đường là điều tôi không thể tin nổi. Nếu không có người tốt đưa bố đi cấp cứu, hậu quả sẽ thế nào đây, tôi không dám nghĩ tiếp nữa.

Đến bệnh viện dó, tôi vội vàng chạy vào trong, thấy bố đang ngồi ở bên ngoài phòng cấp cứu, trên đầu quấn băng, quần áo thì nhàu nát, bụi bẩn, còn tỏa ra mùi rượu nồng nặc, dáng vẻ vô cùng tiều tụy. Tôi lao đến, nắm lấy cánh tay ông mà lắc mạnh. "Bố muốn dọa chết con hả? Bố là đồ khốn kiếp! Khốn kiếp!"

Hứa Tử Đông đứng bên cạnh sững sờ một lúc, sau đó mới kéo tay tôi. "Ông ấy đang bị thương, cô đừng làm vậy nữa."

"Tôi mặc kệ, có bị đau cũng đáng đời."

Nói như vậy nhưng tôi vẫn buông tay bố ra. Bố cười khổ não, nói: "Bố xin lỗi."

Tôi cảm giác không còn sức lực nữa, ngồi sụp xuống, gục đầu vào đùi bố, khóc òa lên.

Bố xoa đầu tôi, thở dài, rồi lại nói: "Bố xin lỗi, Từ Hàng à."

Hứa Tử Đông chở hai bố con tôi trở lại Bệnh viện Trung tâm, bố đi rửa mặt thay quần áo, lúc trở lại ông hỏi tôi: "Sao con còn chưa đi học?"

Tôi không nói gì.

“Vẫn còn giận bố à? Thực sự xin lỗi con, Tiểu Hàng. Bố uống chút rượu, chỉ mang máng nhớ lúc qua đường thì bị một chiếc xe máy từ phía sau đâm vào, mọi chuyện sau đó thì không nhớ gì nữa, điện thoại cũng bị mất, chẳng thể gọi được cho con, chỉ nghĩ rằng đợi đến trời sáng sẽ gọi."

"Tại sao bố lại uống say như vậy?"

"Cũng không uống nhiều lắm, nhưng loại rượu này ngấm mạnh thật."



"Tại sao bố không nói cho con biết bố vẫn còn có anh trai?"

Bố nhăn mày. "Làm sao con biết chuyện này?"

"Chị Hứa Khả tìm được dì Mai, dì ấy dẫn chúng con đi tìm bố."

"Con không nên đến chỗ đó."

Tôi giận dữ nói: "Thế tại sao bố lại đi tìm ông ta? Ông ta rõ ràng là một tên khốn kiếp."

"Vừa nãy còn nói bố là đồ khốn kiếp đấy."

"Lúc đó là con đang bực, không tính. Còn ông ta là đồ khốn kiếp thật sự."

"Đừng nói bậy nữa. Dù sao ông ấy cũng là người lớn tuổi."

"Lớn tuổi gì mà lớn tuổi, ông ấy có nhận bố đâu, lại càng không có quan hệ gì với con hết. Đồ khốn kiếp thì mãi là đồ khôn kiếp, có già cũng chỉ là đồ khốn kiếp già mà thôi!"

Bố thở dài, nói: "Người ta ai cũng có lúc làm những chuyện ngốc nghếch, bố sẽ không bao giờ tìm gặp ông ấy nữa."

Tôi nhìn bố chằm chằm, đợi một lúc mới nói: "Bố không định kể cho con nghe cuộc sống ngày trước của bố à?"

Bố sa sầm nét mặt. "Cái cô Hứa Khả đó lại nói gì với con phải không?"

"Chị ấy nói gì không quan trọng, quan trọng là, bố là bố của con, thế mà con chẳng hiểu, chẳng biết một chút gì về bố cả."

"Bởi vì đó đều là chuyện quá khứ rồi, không cần phải nhắc đến làm gì. Tiểu Hàng, từ ngày con trở thành con gái của bố, bố đã hạ quyết tâm vứt bỏ tất cả mọi chuyện."

"Bố cứ nói những lời này để lảng tránh con thì ích gì chứ? Cho dù con không phải là con gái duy nhất của bố, bố cũng không phải là người bố duy nhất của con thì con cũng không muốn lúc không tìm thấy bố lại phải thông qua nguời khác để biết tung tích của bố."

"Tiểu Hàng, sau này đừng bao giờ nói những lời như thế nữa, bố chỉ có mình con là con gái thôi.

"Hà tất phải lừa mình gạt người như vậy, bố không nói câu này trước mặt chị Hứa Khả, con cũng không cần bố phải nói lời đảm bảo này với con đâu."

Nhìn vẻ mặt bố nhăn nhó vì đau đầu, tôi biết ông không muốn tiếp tục nói về chủ đề này nữa. Cứ nghĩ đến chuyện hôm qua ông bị anh ruột đuổi ra khỏi nhà, mượn rượu giải sầu, uống say đến nổi bị xe đâm, một mình nằm bất tỉnh nhân sự trên đường không biết bao lâu, rồi lại phải nằm trong phòng cấp cứu ở bệnh viện đợi đến sáng, tôi đột nhiên thấy mềm lòng, chỉ bực bội nói: "Thôi được rồi, bố không muốn thì không cần phải nói, dù sao nhũng chuyện con không biết đã quá nhiều rồi, biết nhiều hơn hay biết ít hơn cũng chẳng có gì khác nhau cả."

Lúc này, dì Mai xách hoa quả và sữa đến thăm. Bố tôi lập tức nói: "Tiểu Hàng, con mau trở về trường học đi, không lại để lỡ buổi học đây."

Tôi chào tạm biệt dì Mai, cầm túi xách ra khỏi phòng bệnh nhưng lập tức rẽ vào phòng bệnh bên cạnh. Kết cấu ở đây là hai phòng bệnh cùng có chung một ban công kín, ban công này có chức năng tiếp khách kiêm tắm nắng, ở giữa dùng hàng rào ô vuông ngăn cách. Tôi đã quen mặt những người bệnh ở phòng bên cạnh chào họ một câu xong, tôi liền kéo ghế ngồi xuống ngay sát tường, quả nhiên tuy cách một bức tường nhưng nghe thấy tiếng nói chuyện rất rõ.

"Anh và chị gái em mấy lần gọi điện giục em về, nói là sắp dỡ bỏ tập thể họ định chuyển một khoản tiền bồi thường dỡ bỏ cho em. Em từ chối không lấy nhưng họ đều không đồng ý, nói rằng em là ngưòi vất vả nhất nếu năm đó họ không quá khổ thì có lẽ emđã được ở lại thành phố, thế nên bây giờ phải bù đắp cho em một chút. Em cảm động không biết nói thế nào, luôn cảm thấy rằng sau khi bố mẹ mất, tình cảm giữa anh chị em thật đáng quý. Không ngờ anh trai của anh..." Đây là giọng nói của dì Mai.

Bố tôi cười khổ. “Trước đây, sư phụ tôi muốn dạy tôi xem bói, tôi nhất quyết không học, cũng không cho ông ấy xem bói cho tôi. Tôi luôn cảm thấy số mệnh khi đã dự đoán trước được thì chẳng còn hy vọng gì nữa. Bây giờ chỉ có thể nói rằng, mỗi người có một số mệnh, không chấp nhận không được. Có lẽ anh trai tôi nói đúng, duyên phận làm người thân giữa chúng tôi đã hết từ lâu, tôi cũng chẳng nên hoang tưởng có người còn nhớ đến mình."

"Anh đừng bi quan như vậy, con gái anh, cháu Từ Hàng rất lo lắng cho anh. Hôm qua, cô bé đã lên tiếng phản bác lại anh trai anh bằng giọng điệu sắc bén, đanh thép, đúng là anh nuôi cô bé không uổng công. Còn cả Hứa Khả..."

"Đừng nhắc đến cô ta." Bố ngắt lời dì Mai. "Nếu không phải vì sư phụ tôi nhập viện, tôi thật sự không muốn ở đây thêm một ngày nào nữa."

"Em hiểu, thành phố này là quê của chúng ta nhưng càng ngày càng trở nên xa lạ, nếu khu tập thể bị dỡ bỏ, về sau sẽ không còn cảm giác trở về quê nữa."

"Khu tập thể rộng như vậy, tôi không ngờ có thể bị dỡ bỏ."

"Công xưởng làm ăn thua lỗ, cuộc sống của mọi người ở đó cũng khá khó khăn."

"Tôi biết, anh ấy còn một người con trai và một cô con gái, nên cũng phải lo lắng rất nhiều."

Họ nói chuyện nhiều nhưng chỉ là những chuyện thường ngày, chẳng nhắc đến điều mà tôi muốn biết nhất, tôi đang cảm thấy hơi thất vọng thì bỗng nghe thấy dì Mai nói: "Nguyên Bình, em có thể cho anh mượn một số tiền trang trải viện phí."

"Sao có thể được? Cô là bác sĩ ở vùng nông thôn, cuộc sống của cô cũng đâu có dư dả gì."

"Em vừa nói rồi đấy, anh trai và chị gái em chia cho em một khoản tiên bồi thường dỡ bỏ khu tập thể, trước mắt em không cần dùng đến số tiền đó...

"Cô nghe trộm như vậy không hay đâu."

Tôi ngoảnh đầu lại, Hứa Tử Đông đang đứng cau mày nhìn tôi, rõ ràng cả đêm không ngủ nhưng trông anh ta vẫn phong độ trong bộ quần áo blouse, không nhận ra bất cứ dáng vẻ mệt mỏi nào. Tôi không hề cảm thấy ngại, chỉ cười. "Anh nói nhỏ một chút. Anh chưa bao giờ nghe trộm à? Nói cho anh biết nhé, nghe trộm có thể nghe thấy rất nhiều chuyện thú vị."

Vẻ mặt anh ta tỏ ra không tán thành chút nào. "Biết rõ là chuyện không đúng, tôi sẽ không làm như vậy đâu."

Tôi bất chợt thấp giọng hỏi anh ta: "Sao mẹ anh lại có lỗi với bố tôi?"

Nét mặt anh ta sa sầm, không trả lời, tôi cười ha ha. "Đừng căng thẳng thế chứ, thực ra, tôi không muốn nghe ngóng những chuyện quá khứ, tôi chỉ muốn nói với anh, đã là con người sẽ có những lúc bất đắc dĩ, không thể lúc nào cũng tỏ ra quang minh chính đại được."

Anh ta bị tôi nói cho không thốt nên lời, chỉ lặng lẽ quay người rời đi. Tôi rất hối hận. Thực ra, mẹ của họ có lỗi với bố tôi như thế nào, tôi cảm thấy rất hiếu kỳ, nhưng cũng chỉ là hiếu kỳ mà thôi. Người cũng đã mất rồi, còn người có tư cách quyết định hận hay không hận chỉ có bố tôi, tôi chẳng có quyền gì. Bố tôi đã được anh ta tìm thấy, tôi không cám ơn thì thôi lại còn mỉa mai anh ta mà không nể nang gì. Cái tật mồm miệng nhanh nhẩu đoảng của tôi phải sửa ngay mới được.

Tôi chẳng còn lòng dạ nào nghe lén tiếp nữa, xách cặp nhanh chóng bước xuống dưới lầu. Nhưng đúng lúc đó, tôi lại phát hiện ra chị Hứa Khả và chồng chị là Tôn Á Âu đang đứng bên ngoài khoa bệnh nhân ngoại trú. Tôn Á Âu nhìn thấy tôi trước liên gật đầu chào. Tôi định mặc kệ anh ta nhưng trong đầu bỗng lóe lên một ý.

Tôi bước đến, hỏi thẳng chị Hứa Khả: "Chị Hứa, chị đưa dì Mai đến đây à?"

Chị do dự một lát rồi gật đầu.

"Dì ấy muốn cho bố em mượn tiền, có phải là do chị đứng ra sắp xếp không?"

Chị tha thiết nói: "Từ Hàng, dì Mai rất muốn giúp đỡ bố em, nhưng khoản tiền đền bù dỡ bỏ ấy vẫn chưa đến tay dì, hơn nữa dì ấy chỉ là bác sĩ nông thôn, thu nhập ít ỏi, lại có một trai một gái, cũng phải chi tiêu nhiều. Thế nên chị nhờ dì ấy đứng ra giúp, ít nhất bố em sẽ chấp nhận. Em đã đoán đúng rồi thì đừng nói cho bố em biết, được không?"

Tôi cười khổ sở. "Em không đến nỗi không biết điều như vậy đâu, chị Hứa. Em đi học đây, coi như chị không gặp em là được chứ gì!"

Hứa Khả và Hứa Tử Đông, hai chị em họ đều biết nghĩ cho người khác, làm việc cũng hợp tình hợp lý, tính cách khoan dung, nhẹ nhàng, còn tôi lại ương bướng, luôn cho mình là đúng. Trừ phi tính cách của tôi là do di truyền mà tôi hoàn toàn không hề biết căn nguyên.

Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy vô cùng buồn tủi.

4

Ông Trương xuất viện, bố tôi liền đưa ông trở về thôn Lý Tập.

Nhắc đến tờ hóa đơn thanh toán viện phí, tôi nhếch mép lên cười méo xẹo như người bị đau răng. "Bây giờ thì mình đã biết tầm quan trọng của đồng tiền rồi, mình phải đi kiếm tiền mới được."

Chu Nhuệ cười. "Cậu có kế gì kiếm được tiền, nói ra tôi nghe xem nào!"

Tôi thì có kế gì? Nói đi nói lại, chắc cũng chỉ giống như các bạn học khác, cùng lắm là làm nhân viên phục vụ ở các quán ăn theo giờ đi phát tờ rơi, làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, mệt thì có mệt thật, tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao, nhưng tôi thục sụ không nhẫn tâm để một mình bố gánh vác.

Chu Nhuệ không khách sáo chỉ ra cho tôi thấy tôi đang lãng phí thời gian. "Lương lậu khi làm những công việc này thấp kinh khủng, một tuần cùng lắm cậu chỉ làm được bốn buổi, mệt gần chết, lên lớp chỉ muốn ngủ gật, một tháng không kiếm nổi tám trăm tệ, không đáp ứng đủ mức sống thấp nhất, muốn nhờ vào việc này mà giúp bố cậu trả nợ thì thật hoang đường.

Có tám trăm tệ có nghĩa là tôi không cần bố gửi tiền sinh hoạt phí cho tôi nữa, ít nhất cũng giúp được ông đôi chút. Tôi lườm cậu ta: "Không thế thì làm thế nào? Nghe nói đi bán thân kiếm được nhiều hơn đấy, nhưng cậu chắc chắn sẽ mỉa mai tôi, chê tôi bán không được giá cao cho mà xem."

Cậu ta thấy tâm trạng của tôi không tốt nên cũng biết điều không nói thêm gì nữa.

Hai hôm sau, anh Triệu Thủ Khác giới thiệu cho tôi một công việc, đó là làm nhân viên kiểm hàng ở một công ty bán hàng thời trang qua mạng. Nói một cách đơn giản là, những đơn hàng nhận được từ khách hàng sẽ được gửi đến kho, tôi và các nhân viên khác sẽ phân loại hàng hóa, đóng gói và giao cho nhân viên công ty chuyển phát nhanh.

Nghe thì không hề phức tạp, bắt đầu làm cũng rất dễ, nhưng ngày đầu tiên đi làm, tôi đã phải ngồi trên mạng làm công việc giới thiệu hàng, rồi lưu những đơn hàng mà khách đặt vào máy tính, đơn hàng cứ tấp nập bay đến như tuyết rơi. Sau bốn tiếng đồng hồ, tôi thực sự cảm thấy lưng không thể ưỡn thẳng lên được. Tôi ngồi bất động bên đống thùng giấy, đồng nghiệp an ủi: "Mấy ngày đầu đều như vậy, một thời gian nữa sẽ cảm thấy đỡ mệt hơn."

Chưa đợi tôi thốt ra lời, có người đã đá vào thùng giấy, giục: "Nào nào, làm việc đi, làm việc đi, bây giờ vẫn đang trong giờ làm việc đấy, ngồi không như thế còn ra thể thống gì."

Tôi ngoảnh đầu lại nhìn, là cái chị Đổng Nhã Minh đã lâu rồi chưa gặp. Sau khi chị ta nói xong cũng không thèm nhìn tôi mà nhấc giày cao gót ung dung bước đi. Tôi ngẩn người, hỏi đồng nghiệp: "Chị ta làm gì vậy?"

Đồng nghiệp cười. "Cháu gái của sếp tổng, con gái của sếp phó tổng, cũng coi như là sếp nhỏ của chúng ta, phụ trách kiểm tra hiệu quả công việc của chúng ta, tốt nhất là đừng để cô ta nhìn thấy chúng ta ngồi chơi."

Tôi muốn chửi thầm anh Triệu Thủ Khác, dám không cảnh báo cho tôi biết trước mà đã ném tôi vào tay bạn gái của anh ta để một mình tôi phải tìm lấy đường sống.

Có điều sự việc cũng không tồi tệ như tôi tưởng tượng.

Sếp tổng là bác của Đổng Nhã Minh, ông ta còn mở một xưởng may quần áo, sếp phó tổng là mẹ của Đổng Nhã Minh. Hai người chung vốn đăng ký thành lập công ty thương mại bán quần áo qua mạng. Quy mô công ty không lớn lắm, tính cả hai sếp, một kế toán, bốn nhân viên phục vụ khách hàng và thêm tôi cùng những nhân viên kiểm hàng khác cũng chưa đến hai mươi người. Đổng Nhã Minh sắp tốt nghiệp rồi nhưng nhất thời chưa tìm được công việc thích hợp, nên tạm thời đến đây làm việc. Chị ta chưa từng đến làm phiền tôi, chị đi ra đi vào, tiếp tục giữ thái độ khinh khinh không nhìn thẳng vào mặt tôi, khiến tôi cảm thấy hơi nực cười.

Gần một tuần làm thêm khiến tôi mệt rũ rượi, mỗi ngày về đến ký túc xá là tôi vùi đầu vào ngủ, ngồi học trên giảng đường cũng ngủ gà ngủ gật. Sau đó, tôi cảm thấy quen hơn và nhẹ nhàng hơn nhiều. Mặc dù thu nhập chẳng đáng là bao nhưng ưu điểm của công việc này là thời gian linh hoạt, lại cách trường không xa. Tôi làm việc rất chăm chỉ, sếp phó còn trực tiếp khen ngợi tôi, đồng thời cảm thán: "Con nhà nghèo đúng là chịu khổ giỏi.'

Tôi tiếp tục làm việc, Đổng Nhã Minh bỗng đi đến cạnh tôi, nói nhỏ: "Xin lỗi. Mẹ tôi hay nói năng như vậy đó."

Tôi ngạc nhiên quay đầu lại. "Gì cơ?"

"Mẹ tôi nói cô là con nhà nghèo gì gì đó..., cô đừng để ý.”

Trước đây, tôi thật sự không có khái niệm gì về "cái nghèo", thu nhập cùa người dân thị trấn nhỏ cũng có người cao, ngươi thấp, và bố tôi chỉ thuộc vào hàng đủ ăn, không đến nỗi buồn phiền, lo lắng về miếng ăn, cái mặc. Nhưng dối với tôi, những người có thu nhập cao không làm tôi thấy hứng thú, tôi chưa bao giờ ngưỡng mộ họ. Người giàu có duy nhất tôi biết là Chu Nhuệ, nhưng cậu ta vẫn thường xuyên đến nhà tôi ăn cơm chực. Bây giờ nghĩ lại, bố tôi nợ một khoản tiền viện phí lớn, tôi hạ quyết tâm tiết kiệm tiền, tiết kiệm đến nỗi bạn cùng phòng đứa nào cũng thở dài, đúng là rất phù hợp với tiêu chuẩn của "con nhà nghèo", thế nên không đến nỗi vì một câu nói cùa mẹ chị ta mà cảm thấy tổn thương lòng tự trọng. Nhưng điều tôi không ngờ là, Đổng Nhã Minh đã cố tình dùng câu nói khắc nghiệt đó để châm chọc tôi, mặc dù bây giờ chị ta nói xin lỗi tôi vì mẹ chị ta chê tôi nghèo, nhưng tôi nhất thời không thể phản ứng lại.

"Cũng không hiểu vì sao, mẹ tôi đặc biệt để ý đến tiền bạc tiêu chuẩn đánh giá người khác chính là điều kiện vật chất. Mẹ tôi nghĩ rằng nhược điểm của anh Thủ Khác là quá nghèo."

Ồ, hóa ra nhờ anh Triệu Thủ Khác, tôi cũng được thơm lây. Tôi cười tươi. "Bà ấy là bà chủ, theo tiêu chuẩn của bà ấy, anh Thủ Khác đương nhiên chỉ là người nghèo."

Đổng Nhã Minh nhếch môi. "Hiện nay lợi nhuận ngành thời trang thấp, công ty này đã hoạt động được hai, ba năm mà vẫn ở quy mô như vậy, cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, gia đình tôi cũng chỉ có chút vốn, không hiểu cảm giác hơn người đó ở đâu ra?"

Tôi không muốn ngay lúc này cũng chỉ ra cho chị ta thấy rằng chính chị ta lúc nào cũng có cảm giác hơn người. Tôi chỉ nhún vai nói: "Chị đừng lo lắng về việc này nữa, chứng minh bản thân tuy nghèo nhưng vẫn có tương lai, tiền đồ, đó là điều anh Triệu Thủ Khác cần làm, chị không cần buồn phiền thay anh ấy"

"Nhưng mẹ tôi bắt tôi và anh ấy chia tay."

"Chị nghĩ thế nào?"

Chị ta do dự một hồi rồi nói nhỏ: "Tôi không nỡ xa anh ấy."

Chẳng hiểu tại sao chị ta lại tâm sự với tôi, tôi không muốn tùy tiện khuyên nhủ chị ta, chỉ nói: "Chị mới hai mươi hai tuổi, anh Thủ Khác cũng chỉ có hai mươi ba, chắc chị cũng chẳng muốn vừa tốt nghiệp đã kết hôn, mà anh ấy cũng phải học cao học, thế nên hai người có rất nhiều thời gian để quyết định tương lai phải làm gì, đâu cần việc gì cũng phải báo cáo với mẹ chị."

Tôi phát hiện, lúc mình nói những câu vớ vẩn tưởng như chẳng có tác dụng gì với bộ mặt nghiêm túc thì lại được hoan nghênh hơn khi tôi nói những lời châm chọc. Đổng Nhã Minh có vẻ nghe ra. Nhưng khả năng cao hơn là chị ta cuối cùng đã nhận ra, anh Triệu Thủ Khác thường dạy dỗ tôi chẳng khác nào dạy một đứa em, việc dạy dỗ đó cũng không có gì thân thiết đặc biệt, hơn nửa giữa chúng tôi không có bất cứ tình cảm ám muội nào. Tôi chẳng có điểm gì uy hiếp chị ta, mà tôi cũng đồng thời quen hai người bọn họ, lại còn ủng hộ tình yêu của bọn họ. Thế nên từ đó về sau, chị ta dường như đã coi tôi là bạn.

Tuy nhiên, tôi chẳng đế ý đến tình bạn đột ngột từ trên trời rơi xuống này. Khi không coi tôi là thù địch, chị ta không còn công kích, mỉa mai tôi nữa, và tôi phát hiện con người chị ta thực ra cũng rất được, hoạt bát vui vẻ, khi cười trông vô cùng đáng yêu, không hề có mưu kế gì, thảo nào cái anh Triệu Thủ Khác kỳ quái đó thích chị ta. Tôi chỉ không hiểu, rõ ràng anh Triệu Thủ Khác không phải là kiểu đàn ông lãng mạn, biết chiều phụ nữ, sao chị ta lại thích anh ấy được nhỉ?

Ý nghĩ này chỉ thoáng qua trong đầu, còn tôi thực sự không nhàn rỗi đến mức lo lắng thay cho họ.

Ông Trương về nhà được hơn nửa tháng thì lại đổ bệnh và được đưa vào bệnh viện huyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nếu Như Yêu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook