Nếu Như Yêu

Chương 17

Thanh Sam Lạc Thác

17/01/2017

Bố tôi đã không còn yêu thương tôi như trước kia nữa

Cuộc hôn nhân của Hứa Khả tưởng chừng như hạnh phúc nhưng thực ra chị ấy đang nằm trong đống “rận”.

Tôi không tin cùng đám bạn xa lạ, vô lo vô nghĩ hát karaoke cả đêm thì có thể tìm lại ý nghĩa cuộc sống.

Type: LDMhiNhi

1.

Ông Trương, không đúng, lúc này nên gọi là pháp sư Thích Diên, tóc ông đã cạo trọc, để lộ vết sẹo trên đỉnh đầu, trên người mặc chiếc áo cà sa màu đỏ mới tinh, lông mày cụp xuống, chân ngồi xếp bằng trên đệm cói, gõ cốc cốc vào con cá gỗ, miệng còn lẩm nhẩm đọc kinh. Trong khói hương mờ mịt, trông ông vô cùng trang nghiêm, giống hệt vị cao tăng đắc đạo.

Tôi quay lại giận dữ nhìn Chu Nhuệ “ Xem việc tốt của bố cậu đấy”.

Chu Nhuệ làm vẻ mặt rất là “lưu manh”, cười, đáp : “Ông trương vốn là hòa thượng mà, từ nhỏ đã xuất gia, tu luyện mười mấy năm, đọc kinh cầu phép đều tinh thông, bản lĩnh như thế mà bỏ phế thì thật tiếc”.

“Bố cậu không biết, nhưng cậu thì phải biết là ông bị mắc bệnh đãng trí tuổi già chứ”

Cậu ta lắc đầu “bố tôi nói rồi, cơ bản không cần ông ta phải làm gì cả, chỉ cần ông chống cây pháp trượng đi trên đường, rồi gõ mõ cho du khách xem là được, ở miếu này toàn là hòa thượng trẻ, không nhìn được oai nghiêm”.

“Chậc, vì kiếm tiền, bố cậu đúng là cái gì cũng có thể nghĩ ra được”.

“Câu này của cậu coi như là đúng, đúng là đầu óc bố tôi chủ có chữ “tiền”. Cậu đừng giận, ông Trương ở đây được các đồ đệ chăm sóc, được lĩnh lương, như vậy bố cậu cũng đỡ lo”.

Làm gì có chuyện dễ dàng, đơn giản như Chu Nhuệ nói.

Trước đêm giao thừa, tôi bị bố lôi cổ về nhà, lúc đó tôi mới phát hiện ông Trương không có ở nhà, lập tức hoảng lên :”Trời lạnh như thế này, lại có tuyết rơi, không biết ông ấy chạy đi đâu rồi”.

Bố tôi bảo, cạnh làng Chu Nhuệ có một ngôi miếu bị bỏ hoang nhiều năm, bố Chu Nhuệ là Chu Anh Hùng đã sửa sang lại để đón khách du lịch, sau đó mời hòa thượng đến ở. Ba hôm trước, ông ta mời ông Trương đến ở để làm sư trụ trì. Tôi kinh ngạc há hốc miệng. “Ông Trương hoàn tục đã nhiều năm rồi mà”.

“Du khách có cần biết việc này đâu”.

“Nhiều lúc ông lẫn đến mức không biết cả tên họ của mình, sao bố lại để ông đi?”.

Bố tôi thở dài : “Bố ngăn không được, Chu Anh Hùng đã vận động con trai của ông, nên con trai ông đến tận nhà để đón ông đi”

“Chẳng phải con trai ông Trương không thèm nhìn nhận ông, mười mấy năm nay có thăm hỏi gì đâu?”.

“Chu Anh Hùng hứa chỉ cần bố anh ta tới đó,ông ta sẽ trả tiền thẳng cho anh ta”

Tôi trợn mắt, cười : “Bao nhiêu năm nay việc chăm sóc, khám bệnh, ăn uống cho ông đều do bố làm, thế mà đến lúc có cơ hội nhận tiền thì con trai ông lại đột ngột xuất hiện, đúng là phục sát đất”.

Bố tôi bất lực nói : “Thôi con, bố đã đưa thuốc ông đang uống cho anh ta mang đi rồi, cũng đã ghi thời gian uống thuốc và những món không nên ăn. Hi vọng bọn họ giữ lời chăm sóc ông chu đáo.”

“Họ dựa vào cái gì mà đưa ông đi như vậy?”.

“Dù sao bọn họ cũng là bố con”.

Tôi bỗng im lặng,bố nhìn vẻ mặt của tôi, cũng ngẩn người một lúc, rồi khổ sở lắc đầu, “Tiđủ Hàng, con chính là con gái của bố, đừng có nói đến vấn đề này là lại nghĩ đến chuyện khác, được không?”.

Tôi buồn bã nói : “Nhưng chị Hứa...”

Bố ngắt lời tôi: “Đừng nhắc đến cô ta nữa, cô ta có cuộc sống của cô ta, không liên quan đến chúng ta”.

“Được ạ, không nhắc đến chị ấy nữa, vậy bố hãy nói cho con biết là năm ấy bố nhặt được con ở đâu?”

Bố nhìn tôi không biết phải làm thế nào. Tôi buông tay. “Con cũng tò mò mà! Còn nữa, sinh nhật con chính là ngày con được sinh ra, hay là ngày bố nhặt con về?”

Bố không nói gì, xoay người bước vào trong nhà. Tôi bực tức đuổi theo nắm lấy ống tay áo ông, gào to : “Bố, bố có thái độ gì thế, không thèm chấp con chứ gì? Con nói cho bố biết...”.

“Được rồi, được rồi. Bà cụ tổ của tôi ơi, đừng gào nữa.”

Bố mở tủ ra, lấy một cái bọc ở phía trong cùng đưa cho tôi. Tôi mở ra xem, đó là một chiếc chăn mỏng nhỏ được khâu từ các mảnh vải hoa vụn khác nhau, mặc dù trông cũ kỹ nhưng đường chỉ mũi kim rất đều đặn, tỉ mỉ.

“Năm đó, con được bọc trong cái chăn này và để ở cổng phụ của bệnh viện Nhân dân tỉnh”.

Bệnh viện Nhân dân tỉnh là một bệnh viện có qui mô khá lớn của tỉnh, không xa trường đại học của tôi lắm. Tôi đã từng mấy lần đi qua cái cổng ấy, nhưng không ngờ mình lại chính là đứa trẻ bị bỏ rơi ở đó.

Trong cái chăn có một tờ giấy ghi ngày tháng năm sinh của con, lúc đó con vừa sinh ra được một tuần. Bố quên đã kẹp mẩu giấy đó trong cuốn sách nào rồi, lúc nào có thời gian bố sẽ tìm lại đưa cho con.”

“Thôi, không cần đâu ạ”

“Tiểu Hàng, hứa với bố, đừng nghĩ tới chuyện này nữa được không?”

“Vâng”

Tôi không thể nào không nghĩ, nhưng có nghĩ cũng chẳng ích gì. Có lẽ tôi may mắn vì người nhặt được tôi là bố, tuy nhiên là một đứa trẻ bị bỏ rơi thì niềm hạnh phúc này nên nói thế nào đây?

Bình thường nếu là trước kia, ngoài việc đòi ăn uống thì ông Trương giống như một người “không tồn tại”, nhưng trong nhà thiếu một người, tôi chẳng thể nào vui nổi, mà bố tôi hình như cũng có tâm sự nên cái tết năm nay trôi qua vô cùng ảm đạm.

Mồng Hai Tết, mặc dù tuyết đã ngừng rơi nhưng nhiệt độ lại càng thấp. Tôi đang đọc sách cạnh chậu than thù Chu Nhuệ đến, giơ chân đạp vào chân ghế tôi đang ngồi khiến tôi suýt nữa bị ngã, tôi bực bội quát lên : “Cậu lại lên cơn đấy à!”

“Cậu bỏ tôi một mình ở thành phố, cũng không nói một tiếng là đi đâu. Tôi đành phải trở về báo tin cho bố cậu, chính vì thế mà đã gặp phải bố tôi ở thị trấn, thế là bị ông lôi về. Trong lòng tôi đang nguyền rủa cậu ngàn vạn lần đây”.

Tôi cười: “Cũng may, trông tay chân cậu còn lành lặn, còn đi còn chạy được, chứng tỏ bố cậu không ra tay quá độc ác”.

Cậu ta làm ra vẻ muốn bóp cổ tôi, tôi đành năn nỉ: “Thôi đừng đùa nữa, bố tôi sắp về rồi, ông mà trông thấy thế này lại cho cậu một trận đấy”.

Cậu thả tôi ra, tức tối nói: “Cậu mau mau giải thích đi, xem tôi có thể tha thứ cho cậu được không?”

“Tôi mà cần cậu tha thứ à?” Tôi nhảy dựng lên, nói không khách sáo: “Món nợ bố cậu dẫn ông Trương vào miếu, tôi vẫn chưa đòi đâu đấy!”

Đột nhiên, cơn giận lép xẹp, cậu ta cười trừ “Cậu cũng thừa biết chuyện bố tôi làm không hề liên quan tới tôi, ông ấy là ông ấy, tôi là tôi, chúng tôi không có hứng thú dính dáng tới nhau”.

Lúc này bên ngoài cổng có tiếng gõ cửa, tôi mặc kệ cậu ta, chạy ra mở cổng. Ngoài cổng là một người phụ nữ mặc chiếc áo lông dài màu đen, cổ quấn một chiếc khăn họa tiết kẻ ô, khoảng hơn bốn mươi tuổi, da dẻ rất mịn và trắng, cử chỉ nho nhã, vừa nhìn là biết không phải dân thị trấn, hơn nữa phía sau lưng bà ấy là một chiếc xe taxi có biển thành phố đang quay đầu rời đi.

“Xin hỏi, cô tìm ai ạ?”

Người phụ nữ nhìn tôi, giọng nói đậm chất Bắc Kinh chính hiệu: “Xin hỏi, ông Hà Nguyên Bình có sống ở đây không?”

Hóa ra là đến tìm bố tôi. Tôi nhìn ngắm người phụ nữ đó, rồi đáp: “Mời cô vào, bố cháu đi vắng, chắc lát nữa sẽ về ạ!”

Tôi mời cô đến ngồi cạnh chậu than, lúc bưng ly trà mời, cô ấy vội vàng lên tiếng cảm ơn rồi nói: “không ngờ ở nơi này tuyết lại dày thế!”

“Cô từ thành phố đến ạ?”

“Đúng rồi, nhưng thường thì cô sống ở Bắc Kinh”

“Đang là dịp Tết, cô lại đi một quãng đường xa đến đây, chắc là có việc quan trọng tìm bố cháu?”

Cô ấy mỉm cười, đáp :“Đúng vậy”

Cô ấy không chịu nói tiếp nên thói tò mò của tôi chưa được thỏa mãn, tuy nhiên lại không thể nào hỏi thêm được. May là lúc đó bố tôi về. Cô ấy đứng dậy, nói: “Ông là Hà Nguyên Bình đúng không? Chào ông, tôi là Nghiêm Tiểu Thanh”.

“Chào bà”

Khuôn mặt bố tôi không có chút biểu cảm nào, chính vì thế mà tôi cảm thấy lạ. Tôi biết rõ ngày thường, bố tôi không phải là người thể hiện tình cảm qua nét mặt, nhưng trong lòng càng xáo động thì vẻ mặt ông càng tỏ ra trầm tĩnh.

“Tôi có iệc muốn nói chuyện riêng với ông, ông xem khi nào thì thuận tiện?”

“Chờ một chút”, ông quay lại nói với tôi: “hôm nay nhiệt độ xuống thấp, con mang chiếc áo bông dày đem cho ông Trương, bảo ông mặc bên trong áo cà sa, nếu không sẽ bị cảm lạnh đấy, nhân tiện hỏi bọn họ luôn xem có cho ông uống thuốc đúng giờ không”.

Tôi đành phải vâng lời, gói chiếc áo vào túi, cùng Chu Nhuệ bước ra ngoài.

Ra khỏi cổng, Chu Nhuệ cười trêu: “Sao mặt mày cau có thế?”

“Bố tôi chơi trò tâm lý với tôi, sợ tôi ở nhà nghe trộm câu chuyện của ông nên.mới đuổi khéo tôi đi”.

“Bác Hà hình như không quen biết cô ấy, hai người không thể là bạn bè cũ được, có gì đâu cậu phải nghe trộm?”

Chắc là vậy rồi, nếu là mười ngày trước, chắc tôi lại đang mơ màng nghĩ cô ấy là mẹ mình, theo độ tuổi mà nói, cô ấy đảm nhiệm vai trò này xuất sắc hơn chị Hứa Khả nhiều. Thế nhưng bây giờ tôi không còn có ý nghĩ đó nữa, điều làm tôi bực mình là bố đã giấu giếm tôi, mà xem ra không chỉ có một chuyện.

Chúng tôi ngồi xe khách nên chẳng mấy chốc đã đến khu đất nhà họ Chu. Nhìn vé vào cửa, tôi xót hết cả ruột, nên mới buột miệng hỏi Chu Nhuệ: “Có thể núp bóng cậu để được miễn mua vé không?”

“Họ đâu có quen tôi. Tôi chẳng thể vì chuyện này mà đi tìm bố để ăn một trận đòn nữa, thôi cậu chịu khó mua vé đi”.

“Này, cậu dám bắt tôi trả tiền à?”

Cậu ta trợn mắt nhìn tôi “Nhờ phúc của cậu, tiền của tôi bị mẹ tôi tịch thu hết rồi. Nói cho cậu biết, tôi còn phải ăn bám cậu dài dài”.

Tôi cười, móc tiền xếp hàng mua vé, rồi chúng tôi chúng bước vào.

Mấy năm trước, tôi đã đến thôn này. Trong ấn tượng của tôi, những căn nhà ở đây đều được quét vôi trắng, mái ngói màu đen, nhưng vẫn không thể che giấu được vẻ tiêu điều, xơ xác, thỉnh thoảng còn có từng đoàn gồm ba đến năm sinh viên mỹ thuật đến đây vẽ phong cảnh. Bây giờ nhìn lại, quả nhiên đã biến thành một khu du lịch đạt tiêu chuẩn do bố Chu Nhuệ cải tạo. Đường sá được trải toàn đá xanh, quét dọn sạch sẽ, ven đường treo rất nhiều đèn lồng đỏ, bị tuyết phủ trắng lên, trông càng đẹp mắt. Từng cửa hàng nhỏ bán các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các loại đồ ăn phong phú, thỉnh thoảng lại có một vài hướng dẫn viên du lịch cầm theo lá cờ nhỏ dẫn đoàn khách du lịch đi qua. Trên sân có các loại hình biểu diễn văn nghệ, múa sư tử, chơi đèn lồng, tiếng trống, tiếng kèn rộn rã, huyên náo, rất dúng phong vị ngày Tết.

Chu Nhuệ cười hì hì, bảo: “Phải nói là bố tôi muốn làm gì là làm rất khác biệt. Khu đất dòng họ Chu đã được bố tôi sắp xếp và cải tạo trông hoàn toàn khác trước kia.”

“Chú ấy đúng là nhân tài, nhưng lúc bị lừa thì cũng mất một số tiền không nhỏ!”

Cậu không hề để bụng cách tôi nói móc, trái lại cười ha hả. “Câu này tôi phải ghi nhớ mới được, lúc nào bố lên mặt khoác lác, tôi có thể dùng câu này phản pháo lại.”

Lời vừa dứt đã thấy bố của Chu Nhuệ xuất hiện cách đó không xa. Cậu ta định co cẳng chạy, tôi kéo lại, nói: “Đừng có ngốc như vậy được không? Chú ấy đi cùng với một đoàn người thế kia, làm gì có thời gian dạy dỗ cậu”

Quả nhiên, chú Chu Anh Hùng chỉ liếc mắt, mặt hầm hầm nhìn cậu con trai một lát, rồi tiếp tục cười trò truyện với mọi người xung quanh và đi qua chúng tôi. Tôi nhìn bộ dạng hồn vía lên mây của Chu Nhuệ, lắc đầu “Sợ đến thế, vậy mà cũng có gan chạy từ Anh về đây”

Chu Nhuệ đành tự biện bạch : “ Đánh nhẹ thì chịu, đánh mạnh thì chịu, đạo lý này cậu không hiểu à?”

Đi qua thôn, chúng tôi nhìn thấy một ngôi miếu, khói hương nghi ngút.

Tôi đi vào miếu, trông thấy ông Trương bèn bước đến đẩy nhẹ ông. Ông Trương mở to đôi mắt nhập nhèm nhìn tôi, chẳng khác gì nhìn người lạ. Tôi mặc.kệ, kéo ông đứng dậy, một hòa thượng trẻ gầy gò ngăn tôi lại “Thí chủ đang làm gì vậy?”

“Tôi không cúng bái gì, đừng gọi tôi là thí chủ”

Anh ta ngẩn người, tôi mặc kệ, kéo ông Trương bước ra sau điện, cởi giúp ông chiếc áo cà sa, rồi mặc áo bông vào. Chu Nhuệ đứng bên cạnh cứ thế cười: “Cậu có biết cậu đang làm gì không? Chuyện cởi áo hòa thượng ngay trong miếu ấy mà, chỉ có cậu là làm một cách ngang nhiên như thế”.

“Hừ, cậu đúng là đồ hạ lưu”

Tôi không để ý đến Chu Nhuệ nữa, lần lượt cài từng cúc cho ông Trương. Hàng ngày ở nhà, tôi cùng thường thay áo giúp ông, việc này hình như khuấy động một góc trí nhớ nào đó của ông, ông nói: “Tiểu Hàng, ông muốn ăn bánh quy”

“Hì, đúng là không uổng công đến đây, cuối cùng ông cũng nhớ ra cháu rồi”

Tôi đưa cho ông bánh quy không đường mà mình mang đến, ông cười rạng rỡ mở ra ăn, chẳng có vẻ gì là đại sự cả. Tôi lại giúp ông mặc chiếc áo cà sa bên ngoài, nói với vin hòa thượng trẻ vừa hay bước đến “Mấy người có cho ông uống thuốc đúng giờ hay không?”

“ Có”

“Con trai ông ấy có đến chăm sóc ông ấy không?”

Anh ta lắc đầu: “Chúng tôi sẽ chăm sóc thầy”



“Vậy được rồi. Không cho ông ấy ăn đồ ngọt, nếu ông ấy ăn mà bị gì, đừng trách tôi quá đáng.”

Anh ta không nói thêm được câu nào, còn Chu Nhuệ thì lắc đầu: “Cậu thôi đi, người ta đã bao giờ trông thấy người nào ngang ngược như cậu đâu, cậu sắp làm người ra sợ chết khiếp rồi đấy”

Tôi chẳng có lòng dạ nào mà dọa anh chàng tiểu hòa thượng đó, chỉ là thấy không yên tấm thôi. Tôi cướp chỗ bánh quy trong tay ông Trương đưa cho anh ta và nói: “Được rồi, được rồi, mỗi lần không nên cho ông ấy ăn quá nhiều, lần sau tôi sẽ mua nữa và mang đây”.

Ông Trương lại ngồi vào vị trí cũ, và bắt đầu gõ vào con cá gỗ. Đúng là bài học được rèn luyện từ nhỏ nên làm rất thành thạo. Chu Nhuệ hỏi tôi: “Cậu có muốn thắp hương không?”

Tôi lắc đầu “Có gì để cầu xin đâu”

“Khẩu khí hùng hồn thật đấy!”

“Không phải khẩu khí hùng hồn, những điều tôi thực sự mong muốn lại chẳng thể thành hiện thực, nên tôi dứt khoát không cầu xin gì cả.

Tôi muốn cầu xin vị thần nào đó cho Hà Nguyên Bình là bố đẻ của tôi. Nhưng làm sao có thể chứ? Vì cái chăn mỏng nhỏ bé kia chính là cách liên hệ duy nhất giữa tôi và những người ruột thịt, cứ nghĩ đến điều đó thôi là tôi lại cảm thấy thất vọng não nề. Chúng tôi ra khỏi miếu, Chu Nhuệ kéo tôi đến một quán trà, bên trong trang trí theo phong cách cổ, có nghệ sĩ dân gian cất giọng giễu biễn những bài hí kịch gần như đã bị thất truyền. Tôi đã mấy lần được xem biễu diễn ở những đám tang nhưng nghe không hiểu, chỉ cảm thấy nó rất phù hợp với không khí biệt ly, và tôi cũng chẳng thích thú gì những ca khúc đang thịnh hành bây giờ. Không khí trong quán trà rất sôi nổi, xung quanh toàn là người trung niên và cao tuổi. Họ nói cười, còn có hút thuốc, nhưng tất cả điều đó chính tôi đều không thể hòa nhập nổi.

Tôi đọc tên các loại trà và giá trên tờ menu, giật mình kêu lên : “Cậu muốn làm tôi bị phá sản à?”

“Xem cậu keo kiệt chưa kìa!”

“Nhưng muốn hào phóng phải có nền tảng kinh tế cơ bản, tôi ra ngoài kia mua cho cậu chai nước khoáng, được không?”

Cậu ta không thèm để ý đến lời tôi nói, gọi hai cốc trà xanh. Tôi đành phải trả tiền với vẻ khổ sở: “Cậu hãy mau về nước Anh đi, đại gia, tôi không nuôi nổi cậu đâu”

“Nhưng trước tiên cậu phải nói rõ cho tớ biết, rốt cuộc đã xãy ra chuyện gì?”

Tôi nhìn vô định vào khoảng không trước mắt, cậu ta chán quá huých tôi một cái “Nói cho cậu biết, hôm nay còn không nói rõ, chúng ta chưa xong đâu”

“Tôi là đứa trẻ do bố tôi nhặt về, tôi không biết bố mẹ đẻ của mình là ai”

Vẻ mặt cậu ta không tỏ ra bất ngờ, chắc do đã nghe quá nhiều lời đồn thổi về tôi rồi.

“Vậy cái chị Hứa từ đâu chạy đến ở trọ nhà cậu đó mới chính là con gái ruột của bố cậu?”

Lúc này cậu ta mới có chút ngỡ ngàng: “Tiểu Hàng”

“Hết rồi, chỉ có từng đấy thôi”

Cậu ta nắm lấy tay tôi, tôi định giằng ra, nhưng tay vừa định động đậy, nước mắt đã trào ra, từng giọt nước mắt rơi vào mu bàn tay cậu ta. Các nghệ nhân vẫn đang hát “í a” với tiếng đệm của đàn hồ cầm như khóc như than.

Những ai gọi là “chúng sinh sống trên đời này đều khổ, không ngoại trừ bất cứ một ai.

2.

Lúc tôi về nhà thì cô đó đã đi rồi, bố tôi đang kéo nhị hồ, tôi dừng bước trước sân lắng nghe, đó là bài “Giang Hà Thủy*”

*Nước sông Trường Giang và Hoàng Hà

Bố tôi rất thích Lưu Đức Hoa, nhưng ít kéo bài này vì bố đã từng nói trong bài này chứa đựng tình cảm rất mãnh liệt, hôm nay bố kéo bài này thì cũng lạ thật. Trong tiết trời lạnh giá, tiếng đàn kéo lên nghe đìu hiu tang thương vô cùng.

Tôi đứng đợi bố kéo xong bài thì mới vào, ngồi trên chiếc ghế thấp cạnh bố,ngả đầu dựa vào chân bố. Bố đặt cây đàn nhị hồ xuống, thở dài: “Con đã là con gái lớn rồi, ngồi cũng phải ngồi cho ra dáng chứ”.

“Nếu con thật sự là con gái ruột của bố, bố sẽ không nói với con những lời này đâu”.

Bố nói dở khóc dở cười: “Cái con bé ngốc này, con trai lớn xa mẹ, con gái lớn xa cha, cho dù là ruột thụt hay không ruột thịt thì cũng giống nhau cả thôi”

“Chẳng giống nhau chút nào, đừng có lừa con!”

Bố cầm hai tay tôi chập lại vào trong lòng bàn tay mình. Bàn tay bố thô ráp, dày ấm, cảm giác hoàn toàn khác với tay của Chu Nhuệ. Không hiểu sao tôi lại muốn khóc.

“Con nhìn con xem, không phải bố đã nói với con, bảo con không được nhớ đến chuyện này nữa sao!”.

Tôi hiểu bố nói hoàn toàn đúng nhưng vẫn càu nhàu: “Con mặc kệ, bố không được phép có con gái mới là không cần đến con nữa, không được phép đối xử với người ta tốt hơn con”

“Lại nói linh tinh nữa rồi”.

Tôi đột nhiên ngẩng đầu nhìn chằm chằm vào bố, bố không hiểu ra làm sao, liền hỏi: “sao thế?”.

“ Lần này bố không còn nói bố chỉ có một đứa con gái là con nữa. Cái cô gái đến sáng nay là ai vậy ạ? Cô ấy nói gì với bố? Bố có định nhận chị Hứa Khả không?”

“Tiểu Hàng, nếu con dùng trí thông minh của con vào bài vở, chắc cũng đỗ vào trường đại học Bắc Kinh hay Thanh Hoa đấy”

Tôi biết bố đang chọc cho tôi vui nhưng tôi chẳng thể cười nổi, chỉ thờ thẩn nhìn bố. Một lúc sau mới nói nhỏ: “Con không hỏi nữa, bố muốn nhận thì nhận đi ạ!”.

Tôi đứng dậy, bố nắm tay tôi kéo lại: “Tiểu Hàng, nghe bố nói này...”

Tôi quay đầu lại nhìn bố, nhưng bố lại chẳng nói gì. Tôi gật đầu. “Đừng để con nghĩ ngợi lung tung nữa được không? Bố không cần nói nữa, con hiểu rồi”.

“Chị ấy cho dù tốt hơn con bao nhiêu, cho dù là con gái ruột của bố đi chăng nữa, bố cũng đừng bỏ con!”-Thực ra tôi rất muốn nói ra câu này nhưng kìm lại được. Cảm giác bất an, lo lắng của tôi đã đến lúc không thể chịu đứng thêm được nữa. Nếu để mặc bản thân, một mực bắt bố hứa, có lẽ tôi sẽ bị tẩu hỏa nhập ma và khiến bố tôi càng thêm khó xử.

Kì nghỉ đông kết thúc, tôi trở lại trường học trên thành phố.

Thông thường, sau ba năm học ở ngôi trường luôn đòi hỏi tỷ lệ lên lớp cao thì những học sinh đỗ đại học đều có cảm giác được giải thoát, nhưng tôi thì không. Một mặt, bống nhiên biết mình là đứa trẻ bị bỏ rơi khiến tôi bị một cú sốc lớn; mặt khác, tôi không thể thích nghi được với cuộc sống thành phố.

Trước đó, tôi chưa hề thích cuộc sống ở thôn nhỏ lý tập, nơi từ tên thôn đến dân làng đều rất bình thường, nhạt nhòa, một phần ba người dân trong thôn tôi biết, hai phần ba tôi thấy quen mặt và tất cả mọi người đều biết tôi là đứa con gái mà thầy Hà nhặt về. Tôi có bạn cùng lớp, bạn cùng chơi, cho dù không phải là người nhạy cảm lắm nhưng tôi cũng biết mình khác họ. Giống như con lạc đà không bướu lạc giữa bầy cừu vây, tuy bầy cừu không cố tình vạch ra một khoảng trống để cô lập lạc đà, nhưng dù lạc đà có cố gắng đến thế nào cũng thấy mình nhỏ bé và bị đẩy ra phía ngoài, không thể hòa nhập được.

Lên thành phố bỗng nhiên các giống loài trở nên phong phú, ta có thể gặp bất cứ nơi đâu, không chỉ có “bầy cừu” mà còn có những người với xuất thân, tính cách, hoàn cảnh khác nhau, giống như bước vào một vườn bách thú không bị nhốt, không có ai đặc biệt chú ý tới một con lạc đà không bướu như tôi

Vốn dĩ, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng hóa ra hoàn toàn ngược lại, tôi cảm thấy rất cô độc và có chút sợ hãi. Lúc này tôi mới biết, thì ra tâm hồn tôi đã bị thị trấn nhỏ nơi tôi sống biến thành một con cừu mất rồi.

Nằm lì ở kì túc xá không đi học tất nhiên chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tôi định làm một sinh viên chăm chỉ, ngoan ngoãn, ít nhất xứng đáng với tiền học phí bố đóng cho tôi.

Triệu Thủ Khác rất tán thành sự thay đổi của tôi, còn bảo coi như tôi là một đứa có thể dạy dỗ được, anh còn nghiêm túc lên kế hoạch cho tôi “Bây giờ tỉnh ngộ vẫn chưa muộn, chuyên ngành của em là kinh tế với và thương mại quốc tế, em có ưu thế là phạm vi chọn nghề rất rộng, nhưng ngược lại chuyên nành này cũng có nguy cơ bị đào thải rất lớn, thế nên song song với việc học tốt chuyên ngành, em cần tăng cường về kinh nghiệm nghề nghiệp, ví dụ như học thêm một bằng nữa, học tốt tiếng Anh, đừng nghĩ vượt qua cấp bốn là OK, ít nhất cũng phải đạt được cấp tám. Sau khi tốt nghiệp ra trường, em có thể thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan. Lúc đó em đi tìm việc thì không có vấn đề”.

Tôi đành phải gật đầu nghe chủ dạy, sau đó thuận miệng hỏi: “Anh và bạn gái anh thế nào rồi?”

“Vẫn thế”

Tôi định truy hỏi đến cùng: “Vẫn thế là thế nào?”

“Mẹ anh bảo em thăm dò à?”

“Trước khi đi, em lại ăn một bữa móng giò sốt chua ngọt của dì, nếu không mang tí tin tức tình báo nào về cho dì thì không hay lắm”

Anh dở khóc dở cười: “Em nói chuyện tử tế có được không?”

“Em có một linh cảm rất mãnh liệt, đó là nếu như em thực sự tử tế thù anh sẽ không thèm để ý đến em nữa”.

“Tốt lắm, để sau này anh không làm phiền em nữa, em hãy cố gắng sống thật tử tế vào”

Dù tôi có tranh cãi thế nào thì cũng không thắng được anh, tôi bèn giở trò: “Anh hãy nói chi em biết đi, ít nhất bây giờ em sẽ không làm phiền anh nữa, như thế không phải tốt hơn sao?”

Anh không chịu nổi trò dai dẳng của tôi, đành nói: “Bọn anh vẫn bình thường, nhưng anh nghĩ anh và cô ấy không có tương lai”.

“Tại sao?”

Anh còn hỏi ngược lại tôi : “Em còn nhớ là cô ấy đã nói gì với em không?”

“Đồ con gái nửa quê nửa tỉnh, giả bộ , già mồm” Tôi không thể kể ra một loạt, co f không kìm được bật cười: “Chắc chăn là trước mặt anh, chị ấy còn nói nhiều hơn”

“Đừng quên anh và em là hàng xóm, nhà anh ở đối diện nhà em, em là một cô gái thị trấn, anh chẳng qua cũng chỉ là một chàng trai thị trấn không hơn không kém”

“Em nghĩ chị ấy nói những câu chung chung thôi, chẳng qua chị ấy ghét em nên mới cố tình nói những lời cay nghiệt làm em bực tức, chứ không phải ám chỉ gì anh đâu”

“Cô ấy lớn lên ở thành phố nên trong tiềm thức đã tự cho mình quyền kiêu hãnh, tự hào hơn chúng ta mà”

“Này, anh đừng có mà nhạy cảm như thế được không? Chị ấy là bạn gái anh, hơn nữa lại ghen rất kinh, chắc là vì lo lắng”

Anh lạnh lùng nói: “Sự thực là như vậy. Nếu anh thi đỗ cao học, sau khi tốt nghiệp tìm được công việc kha khá thì sau này anh và cô ấy may ra mới có chút khả năng, nếu không chia tay cũng là chuyện sớm muộn thôi”.

Tôi không đồng ý với suy nghĩ của anh: “Anh không tận hưởng hạnh phúc của tình yêu đi, sao cứ lo lắng về chuyện chia tay chia chân làm gì, đúng là lo bò trắng răng.”

“Hừ, cô cũng đang sống và hưởng thụ cuộc sống hiện tại đấy, vậy cho tôi hỏi, cô có cảm thấy vui với cuộc sống hiện tại không?”

Tôi ngớ người.

“Trong cuộc sống đâu có nhiều chuyện khiến người ta trở nên vui mừng một cách ngốc nghếch, đúng không nào? Anh đã nói rồi, em ở cạnh Chu Nhuệ nhiều chỉ khiến cho IQ của em xuống dốc không phanh thôi.”

Chu Nhuệ tuyên bố tuyệt thực. Bố cậu ta không hề tỏ ra bất ngờ mà còn đánh một trận rất đau. Cậu ta đành kêu gào thảm thiết xin tha, nhưng dù như thế nào cũng không đồng ý quay trơ lại nước Anh. Bố cậu ta đánh đến nỗi mỏi tay, chẳng còn cách nào khác, đành âm thầm đồng ý với mẹ cậu ta, chuyển cậu ta đến một trường đại học ở trên thành phố là nơi liên kết đào tạo với một trường đại học nước ngoài, có cấp văn bằng quốc tế. Người sáng suốt sẽ biết ngày là bố mẹ cậu ta đang đăt cậu ta ở tình trạng tạm bợ. Nhắc đến cậu ta, anh Triệu Thủ Khác tất nhiên sẽ có chút coi thường.

“Nói thẳng ra, nhờ phúc của bố cậu ta, ít nhất cậu ta cũng có một số vốn để tiêu pha hoang phí. Nhưng em lại khác, Từ Hàng, đối với em mà nói, cuộc sống hôm nay chỉ là một ngày bình thường, và rồi nó cũng sẽ nhanh chóng trở thành ngày hôm qua, thời gian bốn năm đại học chẳng mấy mà kết thúc. Chúng ta từ một làng quê nhỏ bé lên đây, không có ô dù, không có hậu phương vững chắc, ở đây có biết bao nhiêu người có xuất sắc hơn em, gia đình họ có điều kiện hơn em, cố gắng nỗ lực hơn em. Bây giờ em không lo lắng thì tương lai chính là thời điểm khiến em lo lắng”.

“Anh đúng thật là... Em hỏi anh nhé, lúc bình thường, anh cũng nói chuyện với Đồng Nhã Minh như thế này à?”

Anh nhướng lông mày lên, mỉm cười. Từ nhỏ tới lớn, anh luôn coi tôi là kẻ ấu trĩ , chỉ cầm ban phát một nụ cười kì quái cũng sẽ đánh gục được tôi “Cô ấy không cần anh phải dạy. Cô ấy là con gái duy nhất trong gia đình. Bố mẹ cô ấy, một người làm nghề giáo, một người mở công ty, họ thừa khả năng sắp xếp chu đáo cho cuộc sống của cô ấy. Họ không cần cô ấy đi làm thêm, đại khái yêu cầu duy nhất của họ là không cho phép cô ấy tìm một người có điều kiện không tốt làm ảnh hưởng tới cuộc sống của cô ấy. Từ Hàng, bố em có thương em như thế nào cũng chỉ là một người lo phụ trách tang ma, không thể sắp đặt cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ cho em được. Nếu không có trình độ, bản lĩnh thực sự, em rất khó đứng vững được trong cái thành phố này. Nếu trở về thị trấn, may mắn lắm thì sẽ thi đỗ làm một viên chức quèn, tiếp tục cuộc sống của những người em từng muốn thoát ra. Em có muốn như vậy không?”

Cũng giống như mọi lần, một lần nữa, tôi lại bị anh nói làm cho im bặt không đáp trả được câu nào. Không phải là tôi đã bị anh thuyết phục, đối với anh, nhận thức về nhưng khó khăn và nghị lực vươn lên vốn đã là một khả năng bẩm sinh, tôi không thể học theo, nhưng tôi ý thức được rằng, trong những lời anh vừa nói, có một phần đã đụng chạm đúng tâm trạng của tôi, tôi thà sống trộn trong cái vườn bách thú của thành phố còn hơn trở thành một thứ lạc loài ở thị trấn.

Ngoài ra, tôi không có đủ can đảm để hùng hồn tuyên bố rằng mình tình nguyện làm đồ vô dụng.

Đúng vậy, ngay cả sự tự tin để làm nũng với bố và muốn một cảm giác an toàn từ bố tôi cũng không có thì lấy đâu ra tư cách làm đồ vô dụng.

3.

Tôi ngoảnh đầu nhìn tòa nhà của Bệnh viện Nhân dân Tỉnh, trông rất hoành tráng to đẹp, người ra vào tấp nập. Dưới bậc tam cấp có một tấm biển khắc năm hoàn thành, chứng tỏ nó đã được xây dựng mới cách đây năm năm.

Hồi ấy, bố đã nhặt được tôi ở cửa nào? Ý nghĩ này bỗng lóe lên, sau đó thì tôi tự xỉ vả mình: mày là đồ thần kinh, nếu nhặt được mày ở thùng rác thì mày cũng có khác gì đâu? Không lẽ màu cũng cứ nhớ tưởng đến cái thùng rác ấy sao?.

Tôi ngẩng đầu lên, bất ngờ nhìn thấy người đang đứng trước mặt là chị Hứa Khả, lần cuối cùng gặp chị ấy là cái ngày mà tôi từ Hải Nam về đây cách hơn một tháng. Chị mặc chiếc áo sơ mi trắng kết hợp với váy màu xám rất phù hợp, mái tóc búi gọn gàng không rối một chút nào, gương mặt trang điểm nhẹ, tay đeo một túi da màu đen, trông đúng tiêu chuẩn của một nữ nhân viên công sở. Chị đang đứng ngẩn ngơ gần bậc thềm, vẻ mặt u ám. Tôi đinh cứ thế mà lặng lẽ rời đi nhưng trong lòng có chút lo lắng, là người sống nội tâm, vậy mà chị lại có nhiều biểu cảm như thế khi đứng ở bệnh viện, tôi đoán chắc chắn có chuyện gì đó không hay.

Nghĩ ngợi một lúc, tôi bước lại gần, đập nhẹ vào người chị: “Chị Hứa”

Chị giật mình, ngẩng đầu lên nhìn tôi, nào một nụ cười miễn cưỡng. “Chào em, Từ Hàng, sao em lại ở đây?”

“Ông Trương bị ốm, nằm ở bệnh viện tuyến huyện. Bố em bảo em cầm hồ sơ bệnh lý và kết quả kiểm tra đến đây nhờ chuyên gia tư vấn xem sao. Chị không sao chứ?”

“Chị... không sao”

Thực sự chị ấy không giống như người không sao, có điều tôi cũng không muốn đóng vại một người hay xía vào chuyện của người khác, nên tôi gật đầu. “Thế thì tốt, tạm biệt chị”

Chị ấy ngăn tôi lại, “đợi đã, kết quả tư vấn thế nào?”

“Ôi, chị đừng nhắc đến nữa, em phải dậy sớm đến lấy số, xếp hàng gần ba tiếng đồng hồ, thế mà bác sĩ chỉ đảo mắt nhìn qua hồ sơ bệnh, nói vài câu rồi đuổi em đi. “Bị tiểu đường và bệnh bội nhiễm, mức độ cụ thể thế nào,phải điều trị thế nào cần kiểm tra thêm mới xác định được”

“Thế chẳng khác nào bọn họ làm khó em, chắc họ không tận mắt nhìn thấy bệnh nhân thì không chẩn đoán bệnh”.

“Em biết”, tôi thở dài “thôi, em về trước đây”



“Đợi một chút, tiểu Hàng, chị có thể đưa em đến bệnh viện Trung tâm Thành phố. Em trai chị làm bác sĩ khoa nội ở đó, mặc dù nó không phải là chuyên gia nhưng nghiệp vụ cũng khá giỏi. Nếu em không yên tâm, chị có thể bảo nó mời một bác sĩ chủ nhiệm khoa xem giúp hồ sơ, có thể họ sẽ cho em biết đáp án tường tận hơn”

Tôi nghi ngờ nhưng lập tức lại cười nhạo cái suy nghĩ đó của mình: mày thôi đi có được không? Rõ ràng mày không xác định được chuyện này, thế mà còn xuất hiện trước mặt con gái ruột của bố, cho dù mày có nhất quyết không nhận sự giúp đỡ của chị ấy thì cũng có thay đổi được gì đâu.

Tôi đi theo chị lên xe ô tô, lúc khởi động xe, chị bỗng nói với tôi: “Từ Hàng, em đừng nói cho em trai chị biết, chị và em gặp nhau ở bệnh viện nhé!”

Tôi gật đầu.

Bênh viện Trung tâm thành phố cách trường học tôi khá xa, là bênh viện có quy mô lớn nhất thàn phố này, chị Hứa Khả tìm gặp cậu em trai Hứa Từ Đông ở khoa nội của bệnh viện. Lần này, anh ta mặc một chiếc áo blouse màu trắng, trông rất nho nhã và có cảm giác uy nghiêm, chuyên nghiệp, rất xứng đáng trở thành người đại diện chi hình tượng bác sĩ trong các tấm áp phích quảng cáo tuyên truyền cho bệnh viện. Anh ta ngạc nhiên liếc nhìn tôi, sau khi chị Hứa Khả nói rõ mục đích đến, thái độ của anh ta vẫn lạnh nhạt, tuy nhiên, lúc xem hồ sơ bệnh và kết quả kiểm tra thù anh ta rất tỉ mỉ.

Chị Hứa Khả nói: “ Từ Đông, em xem có nên mời bác sĩ chủ nhiệm khoa xem giúp không?.

Anh ta cười: “Chị, chị tin em một chút có được không, căn bệnh này không phải là căn.bệnh quá phức tạp”, Sau đó, anh ta hỏi tôi “Ông cụ bị tiểu đường tuýp 2 đã nhiều năm rồi, hàng ngày không chú ý uống thuốc và ăn đúng giờ phải không?”

“Ông bị mắc chứng đãng trí tuổi già, thường ngày chỉ có bố em giục ông uống thuốc thôi. Nhưng gần một tháng nay, ông không sống cùng bố em, bố em có hỏi bọn đồ đệ của ông nhưng bọn họ trả lời ấp a ấp úng, nên cũng không rõ lắm”

Anh ta gật đầu: “Người già mắc bệnh tiểu đường thường có hiện tượng trí tuệ và trí nhớ giảm sút, chứ không chỉ do đơn thuần là mắc bệnh đãng trí tuổi già. Kết hợp với tình trạng bệnh lý của ông, có thể thấy tình trạng của ông là do mắc bệnh ceton acid tiểu đường, gọi tắt là DKA . Nếu người bênh tiểu đường bị bênh cấp tính hoặc uống thuốc không thường xuyên, ăn uống không thích hợp sẽ khiến insulin trong cơ thể hạ thấp, tăng nồng độ hormone trong đường huyết, ketone trong mạch máu cao, ketone trong nước tiểu cao, rối loạn chế điện giải,... Đây là một triệu chứng cấp tính lâm sàng thường gặp ở khoa nội,..”

Tôi cố gắng ghi lại, còn chăm chú hơn cả ghi bài ở lớp, chỉ sợ bỏ sót bất cứ thông tin nào để về báo cáo với bố. Có điều, tôi phát hiện thấy, bác sĩ không chỉ có cách viết đặc biệt mà ngay cả cách nói chuyện cũng mang tính đặc trưng nghề nghiệp rõ ràng. Ngoài những danh từ dùng cho ngành y khiến người ta ngơ ngác chẳng hiểu, họ còn luôn biết cách mang lại cho bạn một tia hi vọng. Đương nhiên những người đến.nơi này luôn sợ thất vọng, muốn nắm lấy một tia hi vọng cuối cùng, muốn trốn tránh quả búa tạ do trời định giáng xuống đầu, không thể không nói rằng, cách nói chuyện của họ vô cùng hợp.lý.

Chị Hứa Khả chắc cũng nhận ra tôi mù mờ không hiểu gì nên cũng hỏi thay: “Từ Đông, em nghĩ có cần phải chuyển đến bệnh viện thành phố điều trị không?”

Anh ta trầm tư một lát rồi nói: “ý kiến của tôi chỉ để cô và người nhà tham khảo thôi, điều kiện y tế của bệnh viện Trung tâm đương nhiên tốt hơn tuyến huyện, tuyến tỉnh, nhưng chỗ nằm điệu trị thì hơi khó, nếu không phải những chứng bệnh ngại và đặc biệt, chúng tôi không khuyến khích bệnh nhân chuyển đến đây.”

“Hay là hỏi ý kiến của chủ nhiệm bọn em xem sao?”

Chị Hứa Khả rất nhiệt tình giúp đỡ tôi, nhưng Hứa Từ Đông cũng chỉ hơi mỉm cười, không nói gì. Anh đưa chúng tôi đến gặp chủ nhiệm khoa nội, nhờ ông xem hồ sơ bệnh án và đưa ra ý kiến chẩn đoán. Tính tình của vị chủ nhiệm này khá cởi mở, ông mỉm cười nói với chị Hứa Khả: “Các cháu nên tin tưởng hoàn toàn vào Từ Đông, tôi thấy không có gì phàn nàn về những phán đoán của cậu ấy. Tôi còn nhớ bác sĩ Lý, chuyên khoa nội bệnh viện tuyến huyện, đã từng thực tập Thạc sĩ ở bệnh viện chúng tôi một năm. Thế này vậy, tôi sẽ gọi điện cho cậu ấy, hỏi tình hình của bệnh nhân này xem thế nào đã”.

Chủ nhiệm nhanh chóng tìm số điện thoại, rồi gọi điện cho bác sĩ Lý. Lúc hai người nói chuyện với nhau, tôi càng nghe không hiểu gì. Nhưng tôi thấy ông bác sĩ hỏi rất tỉ mỉ, và dường đầu bên kia cũng trả lời rất tường tận. Sau khoảng mười phút, ông ấy mới bỏ điện thoại xuống, nói với tôi: “Bác sĩ Lý nói với tôi về cách điều trị cho bệnh nhân, tôi thấy không có vấn đề gì, giai đoạn này cứ để bệnh nhân ở bệnh viện tuyến huyện điều trị, truyền dịch vào tĩnh mạch và tiêm thêm một lượng nhỏ insulin, điều trị ổn định rối loạn trao đổi chất dẫn đến nhiễm độc axit mà ketone trong máu cao, làm hạ thấp đường huyết và loại bỏ ketone, đồng thời chú ý đến từng sự thay đổi của các chỉ số. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc xem có kịp thời thay đổi phương án điều trị không”.

Nghe ông nói xong, tôi đã nói cảm ơn ông. Lúc ra ngoài, tôi nói với Hứa Từ Đông: “Cảm ơn bác sĩ Hứa!”.

Anh ta chỉ lạnh lùng nói: “Không có gì”

Lúc đi theo chị Hứa Khả ra ngoài, tôi quay sang cảm ơn chị. Chị nói: “Không có gì mà, ông Trương là sư phụ của bố em, chị giúp đỡ cũng là việc nên làm.”

Tôi cười méo xẹo: “Em đã nói với bố rồi, em không để ý chuyện hai người nhận cha con đâu.”

Chị Hứa Khả mỉm cười, nói: “Mọi việc nên thuận theo tự nhiên, chị đã đến độ tuổi này rồi, không đến nỗi quá cần một người bố đẻ làm chỗ dựa tinh thần, có lẽ điều chị quan tâm nhất là sự thật. Bố em không muốn nhắc đến chuyện này, chị cũng không dám ép chú ấy. Từ Hàng, em đừng để chuyện nayfn trong lòng nhé! Cho dù như thế nào, chị cũng rất vui khi có một cô em gái như em.”

Chị ấy được dạy dỗ rất tốt nên mới phóng khoáng, thân thiết như thế, hoàn toàn là một người chị trong mơ ước của bao người, nhưng tôi không thể làm được cái việc là gọi một tiếng chị gái. Với tâm trạng của một đứa trẻ mồ côi, tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào, đành lảng sang việc khác: “Chị Hứa, em không muốn xen vào chuyện của người khác, nhưng có một chuyện này em vẫn muốn hỏi chị một chút. Chị tránh không đến bệnh viện nơi em chị đang làm mà đến một bệnh viện khác, còn không muốn cho em trai chị biết, vậy thật sự không có chuyện gì với chị chứ?”

Gương mặt chị hiện vẻ do dự.

“Chị không muốn nói thì thôi, em không bắt chị nói đâu, sức khỏe của chị không sao là được rồi”.

Tôi quay người rời đi, chị ngăn tôi lại, cười khổ não: “Từ Hàng, chị thực sự không có chuyện gì cả, chỉ là.. chị có bầu rồi”.

Tôi vỗ ngực thở phào: “Nhìn sắc mặt chị thật là lạ, làm em tưởng bị làm sao... Bà chị ơi, người ta mười tám tuổi rồi, có phải trẻ lên tám đâu, không đến nỗi nghe được từ mang đầy là lỗ tai mất trinh đâu”.

Gương mặt chị bỗng đỏ hồng lên, phụ nữ ngoài ba mươi rồi mà da mặt mỏng đến vậy khiến tôi cười thầm. Nhưng tôi cũng không thể không thừa nhận, làn da trắng bóc bỗng ửng hồng của chị trông vô cùng cuốn hút, nhưng chỉ mình tôi nhìn thấy, thật lãng phí. Tôi không có hứng thú với chuyện sinh con, nhưng bỗng nhớ đến lời chị ấy từng nói, chị ấy và ông xã thuộc nhóm máu DINK. Tôi nhìn chị hoài nghi: “Chị không định sinh đứa bé này à?”

Sắc mặt đang đỏ hồng của chị bỗng trở nên trắng bệch, không nói gì. Tôi cười gượng: “Bố em hay mắng em, ở cùng với ông Trương nên bị lấy tính bói toán chẳng ra sao của ông, chẳng nghe ai giải thích mà đoán mò. Xin lỗi chị, chuyện này em không nên tò mò mới phải”.

“Từ Hàng, chị rất... mâu thuẫn.”

Tôi nhìn chị chẳng biết nên hiểu thế nào, mâu thuẫn của người phụ nữ đang mang thai chắc không phải là nên bỏ hay không bỏ đứa trẻ đấy chứ? “Chị Hứa à, em là đứa trẻ do bố mang về nuôi, nên có đôi lúc không tránh khỏi suy nghĩ tại sao bố mẹ đẻ lại muốn vứt bỏ em. Cho dù nghĩ như thế nào, trong lòng em cũng rất oán hận, không thể bình tĩnh được. Thế nên em chỉ có thể khuyên chị một câu tệ bạc thế này: nếu không muốn có đứa bé thì chị không nên sinh nó ra, nếu chị quyết định sinh ra thì hãy chăm sóc thật chu đáo”.

Một lúc lâu thấy chị Hứa Khả không nói gì, tôi nghĩ ý kiến không đến nỗi gây cho người khác đau khổ của tôi chắc chẳng gây ảnh hưởng to tát đến chị “Chị Hứa Khả, chị lái xe cẩn thận nhé, em về trường trước đây”.

4.

Thành phố này quá rộng lớn, mà các tuyến xe buýt thì quá nhiều khiến tôi ngơ ngác bối rối, tôi đứng tìm hiểu một lúc lâu trước tấm biển ghi dày đặc các tuyến xe bus, mãi sau mới tìm được tuyến xe trở về trường. Tôi gọi điện thoại về thông báo tình hình cho bố. Bố nói với tôi, bác sĩ chủ trị cho ông Trương vừa nãy cũng nói chuyện với bố, mặc dù qua điện thoại nhưng tôi cũng cảm thấy tâm trạng của bố có gì đó không ổn.

“Bố sao thế?”

“Tại sao con lại đi tìm Hứa Khả nhờ giúp đỡ?”

Tôi sững người: “Con không tìm chị ấy, chỉ vô tình gặp chị ấy ở bệnh viện thôi.”

“Nếu vô tình gặp thì chào người ta xong rồi đi, bố chỉ bảo con tìm chuyên gia hỏi tình hình, chứ không bảo con nhờ cô ta giúp”

“Chuyên gia chỉ nói một, hai câu vắn tắt rồi đuổi con ra ngoài, nhưng em trai của chị Hứa Khả không như vậy, anh ta giải thích rất cặn kẽ, lại còn nhờ chủ nhiệm lên tư vấn, sau đó còn gọi điện cho bác sĩ tuyến huyện, bố không nghĩ như thế tốt hơn sao?”

“Tiểu Hàng, bố không muốn để cái cô Hứa Khả đó tham gia vào chuyện này!”

Tôi nghe thế bực quá, cáu ầm lên: “Hai cha con bố chơi trò trốn tìm với nhau, muốn nhận nhau mà không nhận, con bị kẹt ở giữa, có ai coi con là cái gì không hả? Con đã nói rồi, con không cố ý đi tìm chị ấy, cũng không cần thiết phải giấu giếm gì trước mặt chị ấy. Bố có huyện gì thì trực tiếp đi hỏi chị ấy mà nói.”

Tôi ngắt điện thoại, quay đầu ra phía cửa sổ xe mà trước đó tôi đã quay lưng lại. Xe buýt đang đi trên con đường rộng, còn có một chiếc xe buýt nữa cũng đi song song, khuôn mặt thản nhiên của người khách đang đứng ở cửa sổ xe bỗng kinh ngạc nhìn tôi chằm chằm.

Tôi biết mình đang khóc, nhưng tôi không thể kiềm chế được nữa, mặc kệ người khác muốn nghĩ gì thì nghĩ. Từ trước tới giờ, tôi chẳng phải là một cô gái ngoan ngoãn gì. Trước đây, tôi còn thường xuyên cãi lại bố, tuy bố không chấp và nuông chiều tôi, nhưng sau đó, bao giờ tôi cũng hối hận vì mình đã ăn nói chẳng ra sao, và còn quyết tâm thay đổi (dù không nghiêm túc lắm). Tuy thế, chưa bao giờ tôi cảm thấy bực bội, khó chịu như hôm nay, giống như một thứ gì đó vốn của mình nay đã bị lấy mất, không thể tìm lại được nữa, nhưng cụ thể đó là thứ gì thì tôi lại không biết.

Bữa tối, Chu Nhuệ gọi điện hẹn tôi đi ăn cơm. Tôi từ chối, không ngờ một lát sau, cậu ta đến trường, tôi đành phải đi xuống lầu: “Không phải cậu đã kết giao với một lũ bạn sao? Đáng lẽ cậu phải hết buồn chán vì có bạn cùng chơi chứ?”.

“Bọn nó hỏi thăm cậu, bảo tôi đến đón cậu cùng chơi”.

Tôi dở khóc dở cười. Tôi từng bị cậu ta kéo đi dự tiệc một lần. Nhưng những bạn mà cậu ta quen có cả trai cả gái, điểm chung duy nhất giữa bọn tôi là có cùng độ tuổi. Bọn họ ăn mặc rất mốt, bất cứ trò vui nào cũng hào hứng tham gia. So với họ, tôi đúng là con bé nhà quê. Nhưng có vẻ sở trường lớn nhất của tôi là không nhút nhát, ngồi giữa bọn họ, tôi hoàn toàn không để ý đến bất cứ thứ gì. Không biết ai đó mở đầu cuộc nói chuyện bằng chủ đề chòm sao, từ nhỏ tôi đã được ông Trương đào tạo, thích nghiên cứu những vấn đề này lên thường bị Bố tôi nói là “vớ vẩn”. Lúc đó tôi ngứa miệng nói vanh vách về vấn đề xem bói toán, xem tướng số và chòm sao, khiến bọn họ há hốc mồm kinh ngạc, không ngờ thời gian đã trôi qua nửa tháng rồi mà bọn họ còn nhớ. Nhưng hôm nay, tôi thật sự không có lòng dạ nào để tán gẫu với bọn họ. Chỉ mệt mỏi nói: “ Tôi định đến phòng tự học đọc sách”.

“Cứ một mình lầm lũi ở trường có ngày bị lên men đấy. Hôm nay là thứ sáu, cho dù muốn thay đổi trở thành một học sinh gương mẫu thì cũng phải ra ngoài để hóng mát một tí chứ!”.

“Không có tâm trạng”.

Cậu ta nói khoác không ngượng mồm: “Gặp chuyện gì mà không vui, nói ra đi tôi giải buồn cho”.

Tôi chán không muốn nói chuyện với cậu ta “Cậu đi đi, đừng ở đây làm phiền tôi nữa, tôi muốn ở một mình”.

“Không được, con người cậu có tiền án rồi, ở một mình hay giở trò lắm, mau đi với tôi thôi”

Cậu ta mặc kệ tôi từ chối như thế nào, nhất quyết lôi tôi ra khỏi trường lên xe taxi đến chỗ hẹn với lũ bạn cậu ta. Đó là con đường đi bộ mới mở, hai bên là những tòa nhà theo lối kiến trúc phương Tây, hành lang uốn lượn,rất đồng bộ với các tòa nhà. Đó là những cửa hàng kinh doanh, tiệm cà phê hay nhà hàng. Đám bạn cậu ta ngồi bên nhà hàng phương Tây, chiếm đến mấy cái bàn. Vừa nhìn thấy tôi, cả bọn xúm lại, nhao nhao yêu cầu tiếp tục chủ đề lần trước .

“Từ Hàng, lần trước cậu bảo tháng này tớ không thích hợp ra ngoài, đúng quá đi mất. Tớ và bạn trai đi ra ngoài xem phim thế là cãi nhau, đi ăn cơm cũng cãi”

“Từ Hàng, giúp tớ xem tấm ảnh trong điện thoại này với, anh ấy thuộc cung Thiên Yết, tướng mạo rất mạnh mẽ, dữ dằn đúng không? Tớ chỉ lo bị anh ấy bắt nạt”.

Bọn con gái toàn nói đến chuyện về bọn con trai như là tớ yêu anh ấy, anh ấy yêu cô ta, anh ấy không yêu tớ chân thành,.. đúng là ồn ào đến nỗi hoa mắt chóng mặt. Nếu tâm trạng vui vẻ, tôi sẽ chẳng để ý mà tiếp tục mở miệng ba hoa chích chòe, nhưng bây giờ thật sự tôi không có lòng dạ nào. Chu Nhuệ liền làm lá chắn cho tôi trước mặt bọn họ, sau đó cậu tay cậu gọi một suất pizza hải sản và chia cho tôi một nửa. Thấy tôi không có vẻ muốn ăn, cậu ta liền hỏi: “ kinh nghiệm nói cho tôi biết rằng bây giờ mà nói chuyện với cậu, cậu sẽ trút giận lên đầu của tôi ngay. Nhưng tôi không thể bỏ mặc cậu ở đây buồn bực một mình, làm thế nào bây giờ nhỉ?”

“Tôi phát hiện ra trên đời này những điều mà bản thân không hiểu càng ngày càng nhiều”

Cậu ta hào hứng hỏi: “Ví dụ như...”

“Ví dụ như con người ta tại sao lại phải sống?”

Cậu ta “hừ” một tiếng: “cậu làm ơn đừng có suy nghĩ lung tung nữa, được không? Có phải cậu đang lo lắng về bệnh tình của ông Trương không?”

“Tại bố cậu hết, nếu bố cậu không đưa ông Trương vào miếu, không ai chăm sóc, để ông ăn uống linh tinh, uống thuốc không đúng giờ giấc, thì ông Trương cũng không đến nỗi đổ bệnh lên như thế!”

“Tôi biết ngay cơn giận của cậu sẽ trút lên đầu tôi mà lại, được rồi, được rồi, tại bố tôi hết, dù sao cũng có nhiều người trách ông ấy rồi, một mình tôi chẳng thể nào bao biện cho ông ấy được. Có điều, có nói cũng phải nói cho rõ ràng, Bố tôi không liên quan đến tôi đâu đấy. Tôi đã gọi điện nhắc cho mẹ tôi, bảo bà gửi tiền viện phí cho ông Trương rồi”.

“Tôi bỗng ra hiệu cho cậu tay đừng nói gì, rồi nhìn chăm chú vào phía xa. Cậu ta cũng nhìn theo hướng tôi nhìn. Một đôi nam nữ vừa từ trong khách sạn bước ra. Cậu ta nói khích: “Này, đừng nói vừa nhìn thấy trai đẹp là lại ngất ngây, bệnh mê trai lại phát tác đấy chứ?”

Một cô bạn ngồi bên cạnh nghe thấy thế cũng nhìn ra, bật cười: “ đúng là rất đẹp trai, Chu Nhuệ, cậu không sánh được đâu!”. Sau đó, cô bạn cũng huých bạn bên cạnh “Chẳng phải cậu là fan cuồng của các chàng mặc áo sơ mi trắng hả? Nhìn kìa, có trai đẹp 100% kìa có dám đến bắt chuyện không?

“Đẹp thì đúng là đẹp thật, nhưng cậu ta có bạn gái đi cùng rồi đấy thôi”

“Bình thường thì giỏi khoác lác thế, đến thời khắc quan trọng thì co vòi lại”

....

Tôi không có tâm trạng để ý đến những lời bông đùa của họ mà chỉ chăm chú nhìn về phía đó.

Người đàn ông đẹp trai, vô cùng nổi bật đó chính là Tôn Á Âu, đứng cạnh anh là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng đó không phải là chị Hứa Khả. Cô ta hình như thanh thoát hơn, chân dài hơn, vóc dáng gần như hoàn hảo. Cô ta mặc chiếc áo da màu đỏ thẫm, quần jean rách, đi một đôi bốt có tua rua, mái tóc dài buộc chéo một bên vai, trông vô cùng phong cách.

Buổi sáng vừa gặp chị Hứa Khả, buổi tối lại gặp chồng của chị ấy, đúng là trùng hợp. Có điều người con gái kia khoác tay của anh ấy,ngẩng cao đầu trò chuyện cùng anh ấy, gương mặt rạng ngời, giống y hệt một cặp tình nhân.

Tôi đẩy ghế đứng dậy bước nhanh về phía đó và đứng trước mặt họ. Tôn Á Âu nhìn thấy tôi, hơi sững người lại. Cô gái đó hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

“Tôi không phải nhà đạo đức học, cũng không thích xen vào chuyện của người khác. có điều vợ thì đang mang bầu, thế mà anh còn có tâm trạng tay trong tay với người con gái khác đi ăn cơm, dạo phố anh xem như vậy có được không hả?”

Vẻ mặt của cả hai bỗng cứng đờ, người con gái đó bực bội quát: “Này, cô muốn làm gì...”

Tôn Á Âu liền ngăn cô ta lại, rồi hỏi tôi: “ Cô nói Hứa Khả có thai, làm sao cô biết được?”.

“ Anh vẫn chưa về nhà phải không? Được, tôi cho anh cơ hội, coi như hôm nay tôi chưa nhìn thấy gì cả cũng chưa nói gì cả, anh tự xem làm thế nào cho hợp lý thì làm”.

Tôi để mặc họ đứng đó, trở về chỗ ngồi, tiếp tục ăn pizza. Mấy cô bạn nhìn tôi với ánh mắt kinh ngạc.

“Đúng là không nhìn ra, gan của cậu công nhận to thật đấy!”

”Cậu nói gì với anh ta vậy?”

Tôi mạnh miệng nói “tôi bảo anh ta, ấn đường của anh ta tối đen, chân mày nhăn nhúm, chắc chắn gây họa làm hoa đào nát*, nếu không kịp thời tỉnh ngộ tu thân, sau này sẽ sợ họa khôn lường.”

*Người hoa đào nát: nghĩa là người xấu, người không thể yêu được

Bọn họ nghe thấy thế càng tò mò hơn.

“Thật thế à? Thế mà cậu cũng nhìn ra.”

“Từ Hàng, giúp tớ xem tớ có số đào hoa không?”

Tôi khóc dở mếu dở, đánh lạc hướng bọn họ: “Đợi tớ ăn xong đã nhé!”

Tôi nói thế mới khiến họ tản đi. Chu Nhuệ lắc đầu, cười: “ cậu được hâm mộ quá! mấy đứa bạn còn hỏi tôi hôm nay cậu có đến không? Cậu hoàn toàn có thể mở tráp thu tiền xem bói của bọn họ đấy!”

Tôi coi như không nghe thấy lời cậu ta nói, ăn vài miếng thì đánh rơi cái dĩa, liền thở dài: “Cuộc đời đúng là chẳng có ý nghĩa chó gì nữa.”

“Đủ rồi đấy, Từ Hàng, đi hát với bọn tớ, đảm bảo sẽ không còn ý nghĩ quái quỷ đó nữa!”

Đây đúng là đơn thuốc chỉ có Chu Nhuệ mới kê ra được.

Ông Trương nằm trên giường bệnh, với độ tuổi và tình hình sức khỏe của ông, cho dù bác sĩ không nói thì tôi cũng biết khả năng hồi phục của ông rất thấp.

Bố tôi đã không còn yêu thương tôi như trước kia nữa.

Cuộc hôn nhân của Hứa Khả tưởng là hạnh phúc, nhưng thực ra chị ấy đang nằm trong đống “rận”.

Tôi không tin cùng đám bạn xa lạ, vô lo vô nghĩ hát karaoke cả đêm thì có thể tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nếu Như Yêu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook