Nam Tình

Chương 11: Cám dỗ.​

29/07/2015

Gần một tháng đi qua, ngày nào Bình cũng túc trực bên cạnh giường bệnh của Bảo. Lần đầu tiên trong đời, thời gian biểu của anh được thực hiện chuẩn xác và đều đặn mỗi ngày. Buổi sáng tới công ty giải quyết một số công việc nhỏ còn tồn đọng. Bình không muốn lao đầu vào những việc lớn cũng chỉ vì sợ làm hỏng mọi thứ do phân tâm. Tâm trạng không ổn định, Bình không muốn làm bất cứ việc gì, kể cả tư duy sáng tạo.

Thực ra, nhiều lúc Bình chỉ muốn buông xuôi, buông xuôi tất cả. Áp lực từ nhiều phía khiến anh dường như muốn nổ tung. Đáng sợ nhất là thời gian không chờ đợi bất cứ ai. Bình cũng đã trưởng thành và sớm già đi, công việc cũng đang trên đà tiến triển nên ba mẹ anh thường xuyên nhắc tới chuyện lập gia đình. Các bậc phụ huynh chỉ mong muốn con cháu đầy nhà mà không biết đó là nỗi lo, nỗi đáng sợ nhất của tất cả những người như anh và Bảo. Những lúc muốn buông, Bình lại nhìn Bảo rồi tự thấy mình thật kém cỏi. Cậu đã vì anh mà chịu biết bao cay đắng, ấy vậy mà một chút nhẫn nại bản thân anh cũng không có. Bình đã chờ được cậu bốn năm, vậy hà cớ gì không đợi lâu thêm một chút.

Nhưng sao bản thân anh thấy khó quá! Và bốn năm chờ đợi ấy, cũng đâu thể nói là toàn tâm toàn ý?

Mỗi ngày, Bình chỉ làm một nửa thời gian, đến trưa lại lóc cóc chạy xe đến bệnh viện, mặc kệ cho ba mẹ Bảo áy náy vì anh quá nhiệt tình. Họ nghĩ, Bình đã trưởng thành, còn cả tương lai và công việc phía trước, nay vì con mình mà từng ngày uể oải, với tư cách là bạn bè suy cho cùng làm như vậy thật không đáng. Bình hiểu tâm tư của hai bậc phụ huynh, nhưng anh cũng không phản ứng gì, chỉ mỉm cười nói không sao vì dự án ở công ty vẫn chưa khởi động.

Vì công ty cách xa bệnh viện, nên hiếm hoi lắm mới có lần Bình ngủ lại cùng Bảo ở bệnh viện thâu đêm, trừ những ngày cuối tuần. Mỗi buổi sáng tỉnh dậy, trong khi bà Hiền ra ngoài mua đồ ăn sáng, Bình thường lấy báo, đọc cho Bảo nghe những tin nóng trong ngày, hoặc mở ti vi và thao thao bất tuyệt về những chương trình được phát, mặc kệ cho Bảo có nghe được hay không, mặc kệ cho cậu có tỉnh lại nữa hay không.

Từng ngày, từng tuần cứ đều đều trôi qua như vậy. Cho đến hôm nay, một sự kiện tưởng chừng chỉ là hòn đá nhỏ bé nhưng lại làm rúng động cả hồ nước đã có những tháng ngày phẳng lặng.

Âm thanh ồn ào, náo nhiệt của ngày mới chốn thị thành khiến Bình tỉnh giấc. Ánh nắng chói chang len lỏi qua khe cửa sổ, tạo thành những vệt dài xiên thẳng vào khuôn mặt nhăn nhó còn ngái ngủ của Bình. Anh bất giác lấy tay che mặt.

Phòng hồi sức vẫn tĩnh lặng, thỉnh thoảng ngoài hành lang phát ra tiếng giày dép lộc cộc. Nhìn quanh phòng, mọi người đã ra ngoài, chỉ còn lại anh và Bảo. Cậu vẫn đang nằm bất động trên giường bệnh. Bình nén tiếng thở dài trong lồng ngực.

Bình lấy tay che miệng sắp sửa ngáp, tay còn lại với cái điều khiển từ xa trên bàn.

“Biết chừng nào em mới tỉnh lại đây? Chắc giờ này, mẹ em đã đi ra ngoài mua đồ ăn sáng rồi đấy.” Bình thầm nhủ rồi đi về phía cửa sổ, mở tung hai cánh cửa. Ánh nắng ban mai cùng làn gió trong trẻo vội ùa vào phòng, mang lại cảm giác khoan khoái dễ chịu.

“Đã dậy rồi à?” Bà hiền tay xách một vài túi đựng đồ ăn sáng. Bà vừa lên tiếng hỏi, vừa đi về phía bàn để đặt đồ ăn.

“Dạ, cháu vừa mới tỉnh. Phòng ngột ngạt quá, cháu mở cửa ra cho thoáng.”

“Ừ, nhanh đi rửa mặt rồi vào ăn sáng không đói. Bác có mua chút cháo gà, để nguội là không còn ngon đâu.”

“Vâng, phiền bác quá. À, bà ngoại đâu rồi ạ?”

“Đêm hôm qua lúc cháu ngủ sớm, bà đã về rồi. À đây, trước khi đi bà có dặn phải đưa cho cháu tận tay mảnh giấy này” Bà Hiền nói rồi mở ngăn kéo của chiếc bàn, lấy ra một mảnh giấy màu đen rồi đưa cho Bình.

Nhận lấy mảnh giấy, Bình chau mày tỏ vẻ không hiểu. Thấy vậy, bà Hiền hỏi:

“Bà có nhắn lại gì cho cháu không?”

“Dạ không có gì quan trọng đâu ạ. Cháu đi rửa mặt một lát rồi về ngay.” Bình nói rồi nhanh chóng nhét tờ giấy vào túi quần và chạy ra ngoài.

“Cái thằng này, làm gì cũng hấp tấp...” Bà Hiền thầm nhủ rồi nhìn theo, chỉ biết thở dài.

Mặt trời đã lên cao, hành lang bệnh viện cũng đã sáng sủa hơn, chứ không còn lạnh lẽo và u ám. Bình nhanh chóng tiến về phía nhà vệ sinh ở cuối hành lang. Vì ở góc khuất, mặt trời không thể chiếu đến được nên nhà vệ sinh luôn sáng đèn.

“Ọc ọc…” Bình ôm bụng xuýt xoa. Từ tối hôm qua anh vẫn chưa có gì vào bụng. Bình vội vã vặn núm cửa còn đang đóng rồi đẩy mạnh vào. Bỗng một tiếng “cốp” chắc nịch phát ra, rồi kèm theo là tiếng rên rỉ đau đớn.

Bình hốt hoảng tiến vào bên trong, vội vàng nói: “Xin lỗi tôi không để ý.”

Đang đứng cúi mặt vào tường là một cậu bé có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt nhăn nhó được che bởi bàn tay trắng ngần. Có lẽ khi Bình mở cửa, khuôn mặt nhỏ bé của cậu đã dính gọn vào cánh cửa nhà vệ sinh.

“Đi đứng kiểu gì thế. Bị mù... Ấy chết...”

Cậu bé với khuôn mặt thanh tú nhưng đỏ ửng định quay ra buông lời quát mắng vì cú va chạm đau điếng, nhưng khi nhìn thấy Bình thì lập tức nhỏ nhẹ như chú mèo con.

“Ui da...” Cậu bé đưa tay lên ôm mặt tỏ vẻ đau đớn. Thấy vậy, Bình chạy nhanh đến gỡ bàn tay ra rồi dùng hai bàn tay của mình nâng lên khuôn mặt đang đỏ ửng: “Em có đau lắm không, vừa nãy anh vô ý quá. Anh xin lỗi.”

Mặt cậu bé chẳng bảo trước mà đỏ ửng hơn trước. Không rõ là do đau hay vì điều gì khác. Cậu ấp úng: “Ơ... dạ, cũng hơi đau nhưng không sao đâu. Một chút là khỏi.”

“Hầy, mặt đỏ bừng thế này còn nói không sao. Để anh đưa em đến phòng khám.”

“Em đã nói là không sao mà! Ui da...”

Vừa dứt lời, cậu bé lại đưa tay lên ôm mặt. Lúc này, khi đã bình tĩnh hơn, Bình mới nhận ra trên tay cậu có đeo một chiếc vòng nhìn rất quen mắt, chiếc vòng tay bằng da có màu nâu và đỏ. Chính nó, chiếc vòng giống hệt cặp vòng của Bình và Bảo.

“Anh sao vậy?” Thấy mắt Bình cứ dán chặt vào cánh tay trắng ngần, cậu bé ngại ngùng hỏi.

“Không, không có gì... À, chiếc vòng, chiếc vòng đẹp.” Vừa nói Bình vừa gãi đầu cười xòa.

“Thật hả anh. Anh thích không, em mua tặng anh một cái.”

“À, không cần đâu. Anh có một cái rồi.”

“Nói dối nha. Làm sao mà trùng hợp thế được chứ!” Cậu bé bĩu môi, xị mặt như thể quên cả đau đớn.

“Anh không nói dối đâu. Mà hình như em hết đau rồi hả.”

“Cũng còn hơi đau một chút.” Cậu bé mở to mắt nhìn Bình, để lộ đôi mắt to tròn. Đôi mắt nâu trong trẻo như muốn hút người đối diện vào sâu bên trong. Một đôi mắt đẹp khiến Bình không thể bỏ qua, dường như anh đã bắt gặp ở đâu đó.

“Em dùng kính áp tròng hả? Hay đó là màu mắt thật của em.”

“Mắt thật ạ.” Cậu bé nở nụ cười tươi roi rói. Nhìn nụ cười trong sáng vô tư, Bình buột miệng: “Đẹp lắm.”

“Cảm ơn anh. Mà anh đi đâu, sao vội vàng thế?”

“À, anh đi làm vệ sinh cá nhân thôi.” Bình vừa nói xong thì cái bụng anh lại đòi ăn.

Bình ngại ngùng, gãi đầu “Hì, thực ra là đói. Từ tối qua anh chưa ăn gì. Đói quá nên hành động hơi hấp tấp.”

“Hay mình đi ăn luôn đi. Sáng nay em cũng chưa kịp ăn gì. Bữa nay anh mời em, coi như đền bù vụ làm em đau. Đồng ý?”

“Nhưng mà anh còn...”

“Không nhưng nhị gì cả. Sao đây, giờ anh muốn trốn tránh trách nhiệm phải không?” Bình chưa nói hết câu thì cậu bé bỗng làm mặt buồn rầu. Đôi mắt cậu bé buồn bã, khuôn mặt thanh tú cũng vì thế mà trở nên rất đáng yêu. Nghĩ ngợi một lúc, Bình nói, “Thôi được rồi. Em ra ngoài đợi anh một chút, anh rửa mặt xong mình cùng đi.”

Nghe thấy vậy, cậu bé cười vui sướng.

“Đúng là trẻ con.” Bình thầm nhủ rồi lắc đầu và nở nụ cười.

Làm vệ sinh cá nhân xong, Bình quay ra hành lang. Cậu bé đang dựa lưng vào tường, bàn tay không ngừng nghịch ngợm chiếc điện thoại.

“Mình đi thôi.”

“Vâng. À, anh cho em số điện thoại. Biết đâu, về nhà mặt em bị đau, cần đi bệnh viện thì sao. Lúc đó, em phải gọi cho anh để bắt đền chứ.”

Bình thừa biết đó chỉ là cái cớ, nhưng nghĩ đến cú va đập “trời giáng” vừa nãy, anh cũng cảm thấy việc cậu bé nói cũng không phải là khó xảy ra. Ngay lập tức, anh rút chiếc điện thoại ra và đọc số của mình nhưng đã vô tình làm rơi một vật trong túi ra bên ngoài.

Sau khi đã lưu lại số điện thoại của Bình, cậu bé vui vẻ chạy lên phía trước.

“Mình đi thôi.” Cậu bé cười nói rất hồn nhiên. Bình thấy vậy cũng nhanh chóng tiến đến. Hai bờ vai nhấp nhô tiến ra cổng bệnh viện.

Sau bao ngày mưa gió thì sáng nay trời cũng đã đổ xuống mặt đất chút nắng mới. Nắng hôm nay gay gắt và bỏng rát khiến ai cũng phải nhăn nhó. Chút nắng sớm chiếu vào hành lang, làm hiện rõ một mảnh giấy màu đen nhàu nát nằm trên nền gạch.



Một chị lao công loẹt quẹt với tiếng chổi tre ngoài sân bỗng xầm mặt tức tối khi nhìn vào hành lang, nơi chị vừa dọn dẹp sạch sẽ, nay lại có giấy rơi vãi. Chị ta hậm hực tiến đến gần, cúi xuống nhặt tờ giấy, ném vào thùng rác ngay bên cạnh một cách không thương tiếc, miệng còn lẩm bẩm câu từ gì đó.

Trong thùng rác với vô vàn thứ phế thải nặng mùi chất chồng lên nhau, mảnh giấy nhàu nát màu đen tự dưng lại vô cùng nổi bật. Nó bị nắng chiếu tới lập tức lộ ra một chữ “Nhẫn” được viết nguệch ngoạc bằng phấn trắng.

Trước cổng bệnh viện, hàng loạt những quán ăn ven đường mọc lên như nấm. Bệnh nhân càng nhiều thì số lượng người thân đến chăm sóc lại càng lớn tạo ra nhu cầu ăn uống ngày một tăng cao, điều đó có nghĩa cửa hàng sẽ ngày một làm ăn thuận lợi. Do vậy, các quán ăn từ sang trọng đến bình dân không thương tiếc mà nâng giá cao đến tận trời xanh. Họ biết rằng có mấy ai tiếc rẻ mấy đồng bạc lóc cóc để rồi đi thật xa tìm quán ăn. Thôi thì thực khách đành phải ngậm ngùi bị “chặt chém”.

“Em ăn gì?”

Hai người ra khỏi cổng và dừng chân trước một dãy cửa hàng chuyên bán đồ ăn sáng.

“Em ăn phở.” Cậu bé trả lời.

Bình ngạc nhiên: “Phở?”

Cậu bé tròn xoe mắt ngơ ngác, đầu gật gật.

Lồng ngực Bình bỗng đánh “thịch” một nhịp. Chẳng là, đã lâu rồi từ khi quen và yêu Bảo, Bình đã không ăn phở. Những ngày tháng bên nhau trước kia, chủ yếu hai người thường ăn bún vì đó là món ăn Bảo cực kì thích.

“À không, không có gì. Vậy mình ra đằng kia.”

Bình chỉ tay về hướng có một quán phở khói bay nghi ngút. Mới sáng sớm nên cửa hàng nào cũng tràn ngập khói. Mùi thức ăn theo gió lan tỏa khắp nơi, đánh thức cái bụng của mỗi người kêu ầm ĩ.

Hai người cùng tiến vào làm dấy lên con mắt tò mò của những người trong quán. Cậu bé dễ thương còn chàng trai đĩnh đạc với khuôn mặt phong trần. Một vài cô gái đang ngồi ăn cũng phải dừng đũa để cười khúc khích, không ngừng đưa ánh mắt đầy phấn khích về phía cặp đôi trong tầm ngắm.

Bình gọi hai bát phở cùng một vài chiếc quẩy nóng giòn. Phở được đưa đến cùng làn khói bay nghi ngút, cậu bé đưa mặt tiến gần tô phở, hít hà một hơi rồi khen tấm tắc: “Thơm quá. Lâu lắm không được ăn. Em ăn trước nhé?”

Nói xong, chẳng đợi phản ứng của Bình, cậu bé hì hụp ăn rất say sưa. Bình chăm chú ngắm nhìn mà quên cả ăn. Chỉ đến khi cái bụng anh lại “ì ọp” thì mới đưa đũa gắp những sợi đầu tiên đưa vào miệng.

“Ấy chết, em mải ăn quên chưa hỏi tên anh.” Cậu bé cố gắng nuốt ực một tiếng rồi hỏi. Đôi môi vốn dĩ đã hồng hào, nay vì phở nóng lại càng ửng đỏ khiến Bình quên cả đói mà đáp lời ngay.

“Anh tên Bình. Còn em?”

“Em là Nguyên Khôi.”

Hai người ăn xong cùng ra ngoài đường trở về bệnh viện. Nắng bỗng trở nên dịu dàng, hai người chậm rãi vừa đi vừa nói chuyện.

“Hôm nay em không phải đi học à. Học lớp mấy rồi?”

“Hôm nay cuối tuần mà. Em học lớp 12. Anh đến bệnh viện làm gì mà sớm vậy?”

“Đâu có, anh ngủ qua đêm ở bệnh viện mà. Anh đến chăm sóc người bệnh”

“Phải chăm sóc, chắc người đó bị nặng lắm?”

Mặt Bình trở nên u ám, buồn rầu hơn, anh thở hắt ra rồi nói: “Ừ, đang hôn mê sau ca phẫu thuật não, chưa rõ bao giờ mới tỉnh lại.”

“Anh đừng lo lắng quá. Có người lo lắng như vậy, người bệnh chắc chắn sẽ vượt qua và tỉnh lại thôi.”

Cậu bé Khôi nở một nụ cười tươi tắn trong nắng mới. Khuôn mặt ngây thơ, thanh tú bỗng rạng rỡ đầy sức sống. Lồng ngực phập phồng, Bình rạo rực thấy có cảm xúc lạ tự trôi đến.

“Được anh quan tâm như vậy, người đó chắc là người thân của anh rồi?”

Thấy Bình im lặng, Khôi tiếp tục hỏi. Vừa dứt lời, cậu lập tức đưa tay nắm lấy bàn tay của Bình. Bình thoáng bất ngờ rồi lắp bắp: “À, à... Ừ, là người thân của anh.”

Nói xong, tay Bình cũng siết chặt hơn bàn tay nhỏ bé của Khôi. Khôi hít một hơi dài rồi thở hắt ra. Miệng cậu bé mỉm cười, đôi mắt trong veo màu nâu nhạt bỗng trở nên sắc lém nhìn xa xăm đầy ẩn ý.

Hai người dừng chân trước sảnh bệnh viện. Khôi tươi tắn quay sang nói cảm ơn vì bữa sáng, rồi nói mình có việc phải đi. Bình gật đầu chào tạm biệt. Khi Khôi đã rời khỏi tầm mắt, Bình bất giác nhoẻn miệng cười rồi từng bước quay về phòng hồi sức.

“Cháu đi đâu mà không về ăn sáng. Đã ăn gì chưa?” Bà Hiền vừa nói, vừa sắp xếp lại đống đồ ăn đã dùng xong.

“Cháu ăn rồi. Bảo ra sao rồi bác?”

Bà Hiền thở dài: “Vẫn chưa có gì đáng mừng. Bác sĩ nói cần phải có thời gian và nghị lực của nó nữa. Không biết thằng bé giờ đang mải chơi ở đâu mà chưa chịu về để tỉnh lại.”

Bình cười cười:“Bác đừng lo lắng quá. Rồi em ấy sẽ tỉnh lại thôi.”

Bình ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường. Tiếng tút tút đơn điệu của máy đo nhịp tim và huyết áp cứ vang lên tẻ nhạt. Bình chẹp miệng. Bỗng điện thoại đổ chuông, một tin nhắn mới và ngay lập tức theo sau là cuộc gọi từ số máy của cấp trên.

Bình đi nhanh ra ngoài hành lang, thầm lẩm bẩm “đã về rồi cơ à”, rồi bấm nút nghe máy.

“Alo, em nghe.”

“Bây giờ là lúc nào rồi mà cậu còn alo với chả em nghe. Cậu thử tính xem đã nghỉ bao nhiêu giờ. Ngày nào cũng chỉ làm nửa ngày, tính thôi việc luôn hả!?” Âm thanh giận dữ phát ra từ loa điện thoại khiến Bình phải đưa ra xa, cách tai vài centimet. Những ngày này, cấp trên trực tiếp của anh đi công tác nước ngoài nên Bình dũng cảm tự cho mình quyền được nghỉ tự do.

“Gia đình em đang bận việc. Em xin nghỉ thêm vài buổi. Em vẫn sẽ cố gắng làm thêm tại nhà để theo kịp tiến độ.”

“Thôi đi! Nếu tình trạng này còn kéo dài, dự án sẽ đổ bể. Hiện tại, bản kế hoạch triển khai sơ lược còn chưa có. Dự án sẽ đi đến đâu? Cậu còn muốn tiếp tục tình trạng này, thì sáng ngày mai, ngay lập tức để đơn nghỉ việc trên bàn làm việc của tôi. Tôi không chấp nhận một người làm việc thiếu chuyên nghiệp. Tôi sẽ giao vị trí trưởng nhóm lập trình cho người khác.”

“Nhưng mà...”

“Tút tút tút…”

“Mẹ kiếp!” Bình chưa kịp nói thì bên kia đã tắt máy. Anh buông một tiếng chửi thề. Quả thực, dự án đang có những khởi đầu rất tốt, nếu chỉ thiếu một mắt xích là tất cả mọi thứ đều đổ xuống sông bể. Nếu còn tiếp tục tình trạng nghỉ vô tổ chức, Bình sẽ mất việc và tự đào thải mình. Anh thở dài rồi mở tin nhắn, là một số lạ.

“Hôm nay gặp được anh tuy rất “đau” nhưng khá vui. Nếu được, anh và em có thể gặp nhau một lần vào lúc nào đó?”

“Ai vậy?” Bình nhắn tin trả lời.

“Thì ra anh cũng chưa lưu số điện thoại của em. Em là Khôi. Sáng nay anh đập cả cánh cửa vào mặt em. Anh quên rồi sao?”

“À vẫn nhớ. Lúc đó anh quên chưa kịp lưu lại. Em còn đau không. Nhớ dai thế?”

“Hì, cũng còn hơi đau. Vậy em có thể gặp lại anh chứ?”

“Tất nhiên rồi.”

Bình nhắn tin trả lời rồi quay trở lại phòng hồi sức. Bảo vẫn nằm đó, mắt nhắm tịt, không một chút nhúc nhích. Bình ngồi xuống ghế, nắm lấy tay của Bảo, lẩm bẩm điều gì đó rồi quay sang nói với bà Hiền:

“Cháu có việc nên xin phép về trước. Em Bảo phiền bác trông nom.”

“Thằng Bảo là con trai bác mà. Làm sao bỏ nó được? Cháu bận thì cứ về trước, mọi việc để bác lo.”

“Vậy cháu xin phép.” Bình nói rồi nhanh chóng quay xuống lấy xe, chạy thẳng về phòng trọ.

Dãy nhà trọ vắng bóng người, tất cả các phòng đã khóa cửa. Có lẽ vì hôm nay là cuối tuần, mấy người thuê phòng đã về quê. Căn phòng đã mấy ngày thiếu vắng hơi người nên bốc mùi ẩm mốc.

Bình mở hết cửa ra. Chút nắng chiếu qua cửa sổ, len lỏi vào trong phòng làm không gian trở nên dễ chịu hơn. Bình ngồi vào bàn làm việc, anh mở máy tính rồi lấy ra từ ngăn kéo một tờ giấy cùng chiếc bút quen thuộc và bắt đầu viết.



Trời đã dần về chiều, nắng cũng đã yếu ớt. Con hẻm đã ồn ã hơn lúc trưa. Giờ tan tầm, tiếng xe cộ rì rầm trên ngoài đường phố. Chút gió thoảng qua phòng, cuốn lấy tầm rèm cửa khẽ đung đưa. Trên bàn làm việc, Bình gục ngủ ngon lành.

Điện thoại lại réo chuông khiến Bình tỉnh giấc. Anh dựng người dậy, dụi mắt rồi nghe máy còn chẳng nhìn màn hình.

“Alo.” Giọng ậm ọe còn ngái ngủ.

“Nói chuyện với em chán lắm hay sao mà giọng điệu mệt mỏi vậy?”

Bình vội nhìn vào màn hình, là Khôi.

“À không, anh mới ngủ dậy. Có chuyện gì không?”

“Phải có chuyện thì mới được gọi cho anh à. Tối anh rảnh không. Mình đi cà phê nha?”

Bình nghĩ ít ra cũng cần gặp mặt để xem sức khỏe thằng nhóc thế nào. Anh ậm ừ một lúc rồi nói đồng ý.

“Ok, nhưng em đang ở đâu?”

“Em ở Cầu Giấy. Bảy giờ em đợi anh ở Indochina nhé.” Bình cúp máy rồi nhìn đồng hồ, đã sáu giờ hơn. Anh vội vã chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hẹn.

Bình đóng cửa phòng rồi bước vào phòng tắm. Chút nước ấm còn sót trên bình nóng lạnh tuôn xối xả vào cơ thể săn chắc đang trần trụi. Nhìn vào gương, Bình thấy mình đã tiều tụy đi rất nhiều. Bảo yếu ớt, Bình cũng từ đó mà héo úa.

Nước như muốn rửa trôi tất cả những phiền muộn, lo lâu những ngày qua Bình phải mang theo. Bảo vẫn vậy, lặng im buông xuôi mọi lo lắng và cố gắng của Bình, của mọi người xung quanh cậu.

Đang nghĩ ngợi, Bình nghe thấy điện thoại đổ chuông. Lại có một tin nhắn mới. Bình chợt nghĩ đến Khôi, cậu bé trẻ trung, vui vẻ đầy sức sống. Anh bất giác nhắm mắt, bàn tay vô thức tự vuốt ve lồng ngực nở nang chắc nịch của mình. Nước lạnh bất ngờ dội xuống, Bình giật mình trở về thực tại. Cảm xúc dồn nén, anh lấy tay đấm thẳng vào thành tường, sau đó ngồi xuống và gào lên. Trong Bình dấy lên cảm giác bất lực thật khó tả.

Đã rất lâu, lâu tới mức được tính bằng năm, Bình đã không có được cảm giác gần gũi thể xác với người yêu. Nhiệt huyết tuổi trẻ còn hừng hực, chàng trai đang tuổi thanh xuân có biết bao khao khát mê dại đến cuồng nhiệt, chỉ chực bùng cháy. Bình cũng là con người, đâu thể kìm nén mãi được những nhu cầu sinh lý thiết yếu. Vì Bảo, Bình phải hy sinh tuổi xuân trong đợi chờ, như vậy liệu có đáng? Trong khi đó, với tài năng, công việc cùng diện mạo căng đầy sức sống, ngoài kia còn biết bao chàng trai, cô gái đang chờ đợi, sẵn sàng dâng hiến cả tuổi xuân của mình cho anh. Vậy mà anh vẫn đợi Bảo. Bốn năm ròng rã anh đợi cậu, chỉ mong cậu toàn tâm toàn ý trở về bên anh.

Nhưng cuối cùng anh nhận được gì? Đâu có giây phút nào cậu tự nguyện vùi đầu vào vòng tay của anh? Qua bốn năm ấy, chẳng phải cậu vẫn cự tuyệt, đến mức nhiều lần anh phải gồng mình lên để cưỡng chế?

Hay bốn năm vẫn là chưa đủ? Vậy phải bao nhiêu mới lấp đầy được trái tim của cậu. Năm năm, nười năm, mười lăm năm, hai mươi năm... nhiều hơn thế, hay là phải chờ đợi cả đời này?!

Mẹ kiếp, cậu có thiết tha gì tôi đâu cơ chứ?!

Bình bỗng bật lên tiếng cười lớn, lạ lẫm như thể tiếng gầm của con thú cùng đường.

Chỉ đến khi điện thoại tiếp tục đổ chuông báo có tin nhắn, Bình mới lấy chiếc khăn mỏng quấn quanh hông rồi bước ra ngoài. Trời đã nhá nhem tối, căn phòng chìm trong câm lặng. Cũng đúng thôi, Bình đã ở trong nhà tắm quá lâu. Anh mò mẫm với lấy chiếc điện thoại, màn hình bật sáng hiện lên hai tin nhắn của Khôi nói rằng mình sẽ đến trễ mười phút. Bình nhắn lại nói rằng không sao, anh sẽ đến đúng giờ và ngồi chờ.

Tin nhắn vừa được gửi đi, điện thoại có báo cáo gửi về rằng Khôi đã nhận được. Nhờ màn hình điện thoại, căn phòng cũng rõ ràng hơn chút ít. Bình tháo chiếc khăn mỏng trên hông, ném nó lên giường rồi trần trụi tiến đến bên tủ quần áo.

“Tít tít”

Bình nhanh chóng quay về hướng cửa sổ khi nghe thấy âm thanh lạ. Không một bóng người, cửa sổ mở chỉ có chiếc rèm cửa bay phần phật vì bị gió thổi tung. Bên ngoài vẫn là bóng đen dày đặc.

Nghĩ rằng cả dãy nhà trọ đã đi vắng hết, Bình chỉ “xùy” một tiếng rồi bật đèn, căn phòng bừng sáng.

Bốn năm xa cách Bảo, Bình chỉ biết vùi đầu vào công việc cho quên đi nỗi nhớ. Mỗi buổi chiều tan làm, anh đều đến trung tâm thể hình bên cạnh công ty để luyện tập. Ngày tháng trôi đi, nhờ tính kiên trì bên bỉ cùng những góc khuất chẳng thể tránh trong phòng tập, chàng thư sinh hiền lành Trấn Bình đã được huấn luyện để trở thành một Hà Trấn Bình phong trần thành thục mọi thói đời và sở hữu thân hình đầy mê dại, hút mắt biết bao kẻ đứng trên máy tập, chỉ biết nuốt nước bọt lén lút nhìn đến nỗi quên cả nhiệm vụ chính của mình là rèn luyện cơ thể.

Dưới ánh đèn điện, một tấm thân trần khiêu khích hiện ra như đầy thách thức bất cứ ai đứng đối diện. Bình lau khô người rồi mặc quần áo. Anh nhìn đồng hồ, đã sáu giờ ba mươi phút. Bình mở cửa ra, gió ùa vào phòng, anh bất giác xuýt xoa trước cái lạnh bất chợt của Hà Nội.

“Ầy, gần đây mình hay xao nhãng quá. Cứ nghĩ là đã đóng rồi.” Bình nhìn về phía cổng, cửa vẫn mở. Con hẻm vẫn lặng lẽ chứ không ồn ào như ban ngày. Cuối tuần, chắc mọi người đã ra ngoài đi chơi hết. Nghĩ đến đó, Bình nhớ về cuộc hẹn. Anh nhanh chóng dắt xe ra rồi khóa cửa cổng. Đã rất lâu, hôm nay Bình mới lại hẹn hò.

Tiếng máy nổ phá tan cái tĩnh lặng thoáng ghê rợn của con hẻm. Bình nhấn mạnh ga, phóng nhanh xe ra ngoài đường lớn, trả lại cho con hẻm sự câm lặng.

Chỉ được vài phút, sau khi Bình đã đi khỏi, dãy nhà trọ vốn không một bóng người của anh phát ra tiếng “lạch cạch”, âm thanh của kim loại chạm vào nhau tạo ra tiếng ken két đến ghê tai. Gió thốc, bụi bay mù mịt, cánh cổng rung lên bần bật như thể có người đứng dưới mà đẩy mạnh.

Tay cầm quả bóng bay, một bé gái từ ngoài chạy nhanh vào bên trong con hẻm. Khi đi ngang qua cổng nhà trọ của Bình, nó chợt dừng lại rồi bỗng khóc thét lên khi nghe thấy đằng sau cánh cổng đang đóng phát ra tiếng thở gấp, tiếp sau đó là tiếng rên rỉ rất nhẹ rồi cuối cùng là một thứ sáng trắng cứ ẩn hiện lập lờ sau cánh cổng.

Con bé con sợ hãi gào thét rồi ngồi phịch xuống đất, quả bóng nổ tung. Nó không dám chạy mà chỉ kịp kêu thất thanh một tiếng “Mẹ ơi!”

Nó hãi nhắm tịt mắt, vì nó nhìn thấy từ trong bóng tối nhô lên một cái bóng đen xì ngồi chồm chỗm, đung đưa trên cánh cổng.

“Ừ. Anh đến nơi rồi.”

Bình dừng xe bên vỉa hè rồi lấy điện thoại gọi cho Khôi. Khôi nói rằng cậu đang trên đường đến. Bình cúp máy rồi ngẩn ngơ nhìn đường. Sau những ngày mưa, mọi thứ dần trở lại với sự khô ráo. Đường không còn lép nhép như trước, những bạn trẻ có thể vui vẻ đi dạo phố cùng nhau mà không phải co chân khi ngồi xe máy hay mặc áo mưa bùng nhùng. Thời tiết dễ chịu, trung tâm thương mại cũng đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn.

“Anh Bình!”

Đang nghĩ ngợi, Bình nghe thấy giọng nói quen thuộc đằng sau. Anh quay lại. Khôi đã đến, cậu xuống từ một chiếc taxi. Tối nay, cậu bé mặc một chiếc áo thun màu đỏ và quần jean trắng cùng đôi boot da màu đen, trông thật bắt mắt. Bộ trang phục với màu sắc quen thuộc, Bình nhìn thấy vậy, hơi ngạc nhiên nhưng rồi cũng mỉm cười trêu đùa: “Rực rỡ nha.”

“Bình thường mà. Em đi vội nên không kịp chọn đồ. Lấy đại một bộ ra mặc.” Khôi chun mũi rồi cười hì hì.

“Đẹp thật mà. Em mặc thế này khiến anh liên tưởng đến một người.” Dường như cho dù ở bên bất cứ ai, hình bóng quen thuộc vẫn luôn ở trong tâm trí Bình.

“Ai vậy?” Khôi mở to mắt, ngước lên nhìn với vẻ tỏ mò.

Bình cười nhạt “Em biết có để làm gì đâu. Em đến trễ. Thích bị phạt không?"

Khôi thở hắt ra một hơi rồi nói: “Em còn chưa hỏi tội anh nhé. Mặt em ngày càng đau hơn này. Mũi tẹt hơn thì phải.” Cậu mếu máo đưa tay lên day day cái sống mũi cao trên gương mặt hài hòa của mình.

“Thật không đấy... Ơ kìa, tay em?”

Bình nhăn mặt rồi xuống xe, đi đến gần Khôi, nắm lấy cổ tay rồi nói: “Em bị trầy xước rồi này. Vết thương còn mới lắm. Vừa bị va vào đâu hả? Ối, một cái dây của chiếc vòng bị đứt rồi?”

Chiếc vòng của Khôi, nó giống hệt chiếc vòng đôi của Bình và Bảo, nay đã bị đứt một bên dây, trên chiếc vòng còn dính chút máu từ tay rỉ ra. Khôi giật mình nhìn lại tay mình. Đúng là chảy máu thật. Màu máu đỏ thẫm từ vết xước rỉ ra, rơm rớm trên làn da trắng mịn. Cậu nghĩ ngợi điều gì đó rồi nhíu mày: “Chắc do em sơ ý, không sao đâu. Mình đi thôi.”

“Không sao thế nào được? Nào, lên xe!” Bình đẩy Khôi lên xe rồi vặn ga chạy xe đến một hiệu thuốc cách đó không xa.

Bình chạy vào mua một chút đồ cần thiết để băng vết thương rồi chạy ra xe. Anh dắt xe lên vỉa hè rồi ấn Khôi ngồi xuống. Bình ngồi trước mặt Khôi, cẩn thần lau sạch vết thương rồi dán băng lại.

“Em cứ coi thường. Nếu không rửa sạch sẽ, nó sẽ nhiễm trùng. Lúc đấy còn nguy hiểm hơn.”

Khôi nhìn Bình chăm chú băng vết phương cho mình, chợt thấy lòng ấm áp, nhưng rồi chẳng được bao lâu thì ánh mắt sắc bén lại hiện trên gương mặt lạnh tanh. Khôi nhếch mép nở một nụ cười.

“Anh thật chu đáo. Ai được ở bên cạnh anh, chắc chắn đã tích phúc được mấy đời.”

Bình lấy tay day day cái mũi thanh mảnh của Khôi: “Thằng bé này, trông vậy mà cũng biết nịnh nọt.” rồi kéo cậu đứng dậy.

Khi bước chân vào trung tâm thương mại, nhìn thấy những cặp đôi vui vẻ sánh bước cười đùa, Bình quay ra cười với Khôi rồi nắm tay cậu bước đi.

“Đen đá.”

“Cho em một Matcha.” Khôi mỉm cười với anh chàng phục vụ.

Ngoài trời gió vẫn nhè nhẹ thổi, thời tiết rất dễ chịu. Indochina là khu trung tâm thương mại mới được xây dựng nên thu hút rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Bình và Khôi ngồi đối diện nhau trong quán cà phê yên tĩnh, cách biệt với không gian náo nhiệt ngoài đường phố.

Chỉ chừng vài phút sau, Bình chủ động đứng dậy chuyển chỗ sang ngồi cạnh Khôi. Cả hai cười nói vui vẻ. Thỉnh thoảng, Khôi nhìn ra khung cảnh bên ngoài rồi từ từ thở nhẹ. Một cậu bé còn chưa đến tuổi trưởng thành mà chỉ trong một buổi tối, trên dưới mười lần, nó phải buông những tiếng thở dài ngao ngán.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nam Tình

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook