Mùa Trôi Trên Quang Gánh

Chương 10: Ký ức... Kem

Hương Thị

19/08/2020

Chiều Hà Nội, đang len lỏi trong đám tắc đường, chợt ngạc nhiên đến sững sờ vì một tấm lưng mong mỏng, đội chiếc nón lá, gò lưng trên chiếc xe cà tàng chở một thùng xốp có viết chữ “Kem” nguệch ngoạc bằng mực đỏ, trên nắp thùng lùm lùm những vải xô màn khó có thể gọi tên là màu gì. Chỉ thiếu một chiếc kèn gắn vào đầu chai nhựa bóp kêu “Bíp... be...” nữa là “nguyên chất” một xe kem bán dạo như hồi... đầu thế kỉ 20.

Đúng, có lẽ từ ngày bước sang thế kỉ 21, hình ảnh xe kem với thùng xốp, với còi “Bíp... be...” mới vắng bóng rồi tuyệt diệt trên phố phường Hà Nội. Thậm chí, ngay cả ở thị trấn nhỏ vùng trung du quê tôi cũng chẳng còn tồn tại nữa. Ấy vậy mà, suốt bao nhiêu năm trở về trước, cái hình ảnh và âm thanh giản dị ấy có sức hút kì lạ, đến mức in hằn trong kí ức, đến mức chỉ cần một cái gì đó thoáng qua cũng khiến ta như được trôi ngược trở về những buổi trưa hè nắng ngột ngạt ngày nào. Nắng và nóng đến nỗi lá bên đường ủ rũ, gió cũng ủ rũ, và giấc ngủ trưa của trẻ con bị gượng ép thì còn ủ rũ hơn nữa. Giữa bầu không khí tĩnh lặng và ngùn ngụt hơi nóng ấy, một tiếng rao “Ai kem đê” hay một chuỗi kèn “Bíp be... bíp... Bíp be... bíp...” dội đến như một hiệu lệnh, khiến hàng chục đôi tai của trẻ con ngỏng hết cả lên, tâm trí hỗn loạn và trái tim thì như có chân, rầm rập guồng theo cái âm thanh kì diệu ấy. Bầu không khí trong nhà trở nên nóng sùng sục, đám trẻ bắt đầu ngọ nguậy, lo lắng, thót dạ khi tiếng “Bíp be... bíp” đã xa dần mà như có lực xoáy, vẫn vòng trở lại, cuốn, hút những cái mồm nắc nỏm. Thật lạ, trẻ con có đôi tai thính hơn chăng, khi tiếng rao, tiếng kèn từ xa hàng mấy chục mét đã nghe thấy rất rõ, đã hồi hộp rất mạnh thì người lớn, ngay cả khi tiếng rao, tiếng kèn đi qua cửa nhà mình vẫn thấy bình thản đến mức khó hiểu.

Một đôi lần người lớn đi vắng, mấy anh chị em chúng tôi được dịp hòa vào đám trẻ con cùng xóm, chạy rối rít theo tiếng “Bíp be” ấy. Ông hàng kem như một vị chỉ huy đầy oai phong lẫm liệt giữa đám binh lính lau nhau. “Từ từ thôi, từng đứa một”, ông luôn miệng quát. Hàng chục bàn tay chìa ra. Túm lấy một xâu dép đứt lủng lẳng, ông quẳng vào chiếc sọt đeo bên sườn xe, nhanh như cắt, ông thò tay vào đống vải màn bùng nhùng, lôi ra một que kem. Đứa vừa được đổi vồ lấy, đút ngay vào miệng, cười đắc thắng. Những đứa khác lại nhao nhao. Thêm một thanh sắt vứt vào sọt, hai que kem được lôi ra, chị em thằng Tuấn chia nhau chạy ngay về nhà. Một cuộn dây đồng nữa, ba que, bốn anh em nhà con Lý cự nự: “Sao được ít thế, không đủ chia”? “Có thế thôi, không đổi thì trả đây”, ông hàng kem vừa vơ một bọc vải nhựa, nilông vừa chìa tay ra khiến con Lý xanh mắt, vội rụt tay lại, không thắc mắc gì nữa. Thằng Khánh chỉ có một chiếc hộp xà phòng hết, lại sứt sẹo, ông hàng kem xua lấy xua để: “Không đủ, không đủ”. Cũng là một chiếc hộp xà phòng, nhưng hầu như còn mới nguyên, cầm rõ nặng tay, ông hàng kem đảo mắt rõ nhanh rồi thẩy vào chiếc túi đeo trước ghi đông xe, dúi cho thằng Kiệm hai que, lên xe đạp đi thẳng. Thằng Kiệm hấp tấp gặm nham nhở một que, chìa cho chị em tôi que còn lại. Que kem ấy mấy chị em tôi và thằng Khánh mút quay vòng, đến khi còn trơ chiếc cật tre vẫn còn tiếc rẻ. Vị ngọt mát chỉ thực sự biến mất khi chiều muộn, mẹ thằng Kiệm tìm hộp xà phòng mới dùng hết gần nửa để giặt quần áo, không thấy đâu liền mang nó ra quất cho lằn mông. Ở bên nhà, nghe tiếng hét của thằng Kiệm, tôi cứ nhấp nhổm không biết có nên sang chịu hộ nó vài vụt?

Chẳng đủ “can đảm” như thằng Kiệm, chúng tôi bảo nhau chịu khó nhặt nhạnh. Một mảnh nilông, một mảnh nhựa rơi ngang đường cũng thu thu, vén vén mang về. Rồi thì dép đứt, dây điện hỏng, gọt bỏ vỏ nhựa lấy lõi bên trong, rồi những thanh sắt gỉ, những chiếc liềm, chiếc cuốc không còn sử dụng nổi, lâu lâu được món lại hồi hộp chờ ông hàng kem như chờ Tết đến. Oái oăm thay, khi ông đi qua thì người lớn có ở nhà, chẳng tiện cuộc đổi chác. Hoặc có hôm mưa gió, ông “nghỉ làm” khiến bao nhiêu cái tai dỏng lên dài hàng gang, những cái cổ duỗi ra thòm thèm và miệng thì cứ chép chép như người ốm lâu ngày thèm ăn giả bữa.

Một vài năm sau, tiếng kèn “Bíp be” vẫn còn nhưng các bác hàng kem không đổi nữa mà chỉ bán. Có lẽ bởi “nghề” nhôm đồng sắt vụn lúc đó đã hình thành và phát triển, cũng có lẽ bởi trẻ con đã khôn hơn, không chịu tuân theo sự ước lượng rất một chiều của ông hàng kem để cho bao nhiêu được bấy nhiêu nữa. Giờ kem mua bằng tiền, bán bằng tiền, công bằng hết nói. Không chỉ có những hàng kem quen mặt, còn có thêm một ông gù, mang đến tiếng rao và cả thứ kem vô cùng mới lạ nữa. “Ai kem đê. Kem sô cô la, kem sữa đê...”. Bao giờ cũng thế, tiếng rao trăm lần như một, chữ “Kem” vút lên, chữ “đê” trầm xuống, khàn khàn, đục đục, nghe vừa xa xôi vừa tội nghiệp thế nào. Nghe như ông đang mời gọi, cũng lại như van vỉ người ta mua kem của ông. Dù vậy, chúng tôi chưa bao giờ dám gọi ông vào, vẫn chỉ trung thành với loại kem “Bíp... be...” thuộc đẳng cấp khác. Duy nhất một lần, sang nhà hàng xóm chơi, cũng buổi trưa nắng, mẹ con Loan hào phóng khao cả nhà một chầu kem. Con Loan uốn éo, õng ẹo: “Nắng lắm, ra ngoài giờ để chết thiêu”. Tôi sợ mẹ nó đổi ý, liền nhận ngay: “Để cháu đi cho”. Cầm năm nghìn đồng, tôi chạy vụt ra cửa, hối hả gọi ông hàng kem quay lại bằng cái giọng dõng dạc rõ oai. “Cho cháu năm que sô cô la”. Cầm năm que kem màu nâu hình chữ nhật vuông thành sắc cạnh to gấp đôi que kem thường tròn tròn màu vàng vàng mà tôi vẫn ăn, chưa hết ngạc nhiên vì nó có cả lần giấy nilông trong suốt quấn bên ngoài thì tai tôi suýt nổ ầm khi nghe ông hàng kem bảo: “Tám năm bốn mươi nhé”. “Thế là thế nào ạ”? Tôi ngơ ngác hỏi. “Tám trăm một que, năm que là bốn nghìn”. Chìa tờ năm nghìn ra, nhận lại có một nghìn tiền thừa, tôi vẫn chưa tin nổi tai mình. Những tám trăm một que kem. Đời thuở nhà ai, đắt thế mà vẫn dám ăn. Trong khi đó cả nhà tôi ăn rau một ngày cũng chỉ hết có năm trăm. Cầm một nghìn về đưa trả mẹ con Loan, tôi run run như thể chính mình vừa ăn cắp hay ăn bớt tiền của mẹ nó. Không ngờ mẹ nó thản nhiên cầm lấy, rõ ràng đã quá biết giá cả của loại kem này rồi. Cắn một miếng, tôi vẫn còn nghe hai má mình đỏ lựng. Miếng kem tan chảy ngay trong mồm. Cả que kem mềm sụt, ngọt lịm, thơm lừng, ăn không nhanh là chảy hết. Chả bù thứ kem tôi vẫn ăn trước đó, cứng toàn nước đá, mút mãi mới tan, thi thoảng còn có cả cục bột lổn nhổn vị khoai hà, vị sắn nữa. Có lẽ đó là que kem ngon nhất trong đời tôi từng được ăn, vì ăn bằng cả sự ngạc nhiên, bằng sự mới mẻ, bằng cả sự nuối tiếc ngậm ngùi cho đời trẻ nhà nghèo của mình.

Giờ, kem Tràng Tiền đã gần chục nghìn một que. Những que kem, hộp kem ngoại nhập bán trong siêu thị thì đắt hơn gấp nhiều lần. Rồi còn kem ở các quán cà phê với những cái tên mĩ miều “Nụ hôn kiểu Pháp”, “Tom và Jerry”, “Báo hồng”... với đủ màu, đủ mùi vị khác nhau khiến cái lưỡi được chu du qua nhiều đất nước, đôi mắt được mở rộng và đẳng cấp, sành điệu của người ăn cũng nâng lên gấp bội. Vậy mà, không hiểu chị hàng kem tôi gặp ở phố Hà Nội chiều nay xuất hiện từ đâu, chị đi lạc từ một vùng ngoại thành nào đến? Hay chị đi lạc từ kí ức tôi ra cũng chẳng biết chừng.

_

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mùa Trôi Trên Quang Gánh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook