Mr Đà Điểu Của Tôi

Chương 3: Cô nàng bốn cân rưỡi

Hàm Yên

11/11/2017

Tiếng chuông báo hết tiết vang lên, Bàng Sảnh cũng không ngồi yên được nữa. Vương Đình Đình quay lại gọi cô: “Cua ơi Cua! Ra ngoài nghịch tuyết đi!”

“Cua” là biệt danh của Bàng Sảnh. Tất cả mọi người trong lớp ngoài Cố Minh Tịch đều gọi cô như vậy.

Vậy Cố Minh Tịch gọi cô là gì? Gọi thẳng tên chăng?

Dĩ nhiên là không.

Bàng Sảnh cuống quýt đẩy sách giáo khoa ra, đứng phắt dậy chạy theo Vương Đình Đình ra cửa lớp, rồi đột nhiên nhớ ra điều gì, cô quay lại hỏi Cố Minh Tịch: “Anh có đi cùng không?”

Cố Minh Tịch vẫn ngồi im ở bàn học, ngoảnh đầu ngoài cửa sổ rồi quay sang nhìn Bàng Sảnh, cuối cùng lắc đầu: “Anh không đi đâu.”

Bàng Sảnh nhoẻn miệng cười với cậu rồi nắm tay Vương Đình Đình chạy ra khỏi lớp học.

Tuy thành phố E thuộc miền Nam nhưng mùa đông năm nào cũng có tuyết rơi, nhưng nhiều khi chỉ là những trận tuyết nhỏ, chỉ rơi trong khoảng mấy tiếng đồng hồ làm tầng băng kết lại dưới mặt đất còn chưa dày đến vài milimet. Tuyết rơi lớn như năm nay khiến người lớn lo ngại rau củ tăng giá, đường đi trơn trượt, còn đối với trẻ con thì lại là cơ hội ngàn năm có một.

Thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết chỉ có mười phút vậy mà gần như toàn bộ học sinh trong trường đều ùa ra sân thể dục, đuổi bắt, đánh lộn, cười nói rôm rả, người thì đắp tuyết, người thì ném tuyết. Bàng Sảnh dẫn theo nhóm con gái chiến đấu với tụi con trai, trái cầu tuyết bay qua bay lại, quần áo và đôi bàn tay của tất cả lũ trẻ đều ướt nhẹp nhưng không ai bận tâm.

Cố Minh Tịch vẫn đứng bên cửa sổ nhìn xuống sân thể dục bên dưới. Bất giác cậu sẽ kiếm tìm bóng dáng các bạn cùng lớp của mình trong đám trẻ con đông đúc, rồi dễ dàng tìm ra Bàng Sảnh giữa đám người.

Cô mặc bộ đồ màu đỏ bắt mắt, chạy nhảy trông thật hoạt bát. Cách xa thế mà Cố Minh Tinh gần như vẫn có thể nghe thấy thấy tiếng cười giòn giã của Bàng Sảnh.

Sắp đến tiết học kế tiếp, lũ trẻ lưu luyến quay về lớp.

Bàng Sảnh ngồi xuống cạnh Cố Minh Tịch trong tiếng thở hổn hển và mái tóc ướt nhẹp, khuôn mặt đỏ bừng thấp thoáng vẻ lém lỉnh. Cố Minh Tịch hỏi: “Vui không?”

“Không, tuyết bẩn, đen sì.” Bàng Sảnh chớp mắt nói: “Em muốn đắp người tuyết nhưng chẳng có tuyết gì cả, bị người khác chơi hết rồi.”

“Ừm.” Thấy Bàng Sảnh cắm cúi bí mật làm gì đó, Cố Minh Tịch tò mò ngó sang hỏi: “Em làm gì đó?”

Tranh thủ giây phút giáo viên dạy môn tiếp theo bước vào lớp, Bàng Sảnh bất ngờ giơ tay lên cao ném quả cầu tuyết giấu trong tay về phía Cố Minh Tịch.

Cố Minh Tịch nào kịp tránh, thế là quả cầu tuyết rơi thẳng vào giữa trán, không chệch một ly.

Cơ thể cậu chuyển động, bàn chân trần chạm xuống nền nhà, ngay cả ghế ngồi cũng bị va đổ kêu loảng xoảng. Giáo viên đứng trên bục giảng bị giật mình, tụi học sinh thì nhất loạt quay đầu lại, nhìn họ bằng ánh mắt ngạc nhiên.

Bàng Sảnh che miệng bò ra mặt bàn mà cười, Cố Minh Tịch thì đứng bên cạnh bàn học, sau một thoáng xuất thần với gương mặt không thể hiện cảm xúc, cậu dùng chân dựng ghế lên rồi bình tĩnh ngồi xuống như không có chuyện gì xảy ra.

Những người khác quay lên, giáo viên cũng chuẩn bị bắt đầu bài học.

Trán Cố Minh Tịch hình như vẫn còn dính vụn tuyết, nước lạnh sau khi tuyết tan chảy xuống theo cặp má nhưng cậu không lấy làm bận tâm, chỉ khom lưng xuống mở sách bằng chân, còn chân phải thì kẹp bút.

Lát sau, tay áo bị Bàng Sảnh ngồi cạnh giật khẽ nhưng cậu làm lơ. Bàng Sảnh bèn chuyển sang dùng bút chọc vào eo, vào lưng cậu, thậm chí chọc vào cả đùi trái cậu, Cố Minh Tịch lắc người nhưng không tránh được bèn quay sang lườm cô một cái, khẽ nói: “Đừng nghịch nữa.”

Bàng Sảnh mím môi, xấu hổ thu bút lại rồi lẩm bẩm: “Đồ hẹp hòi!”

Lúc tan học thì tuyết đã ngừng rơi, Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch cùng đi về nhà.

Đi qua cổng chính của nhà máy công ty kim khí, Cố Minh Tịch nhanh mắt trông thấy một lớp tuyết đọng dày vẫn còn nguyên vẹn gần khu vực trồng cây xanh.

Cậu gọi Bàng Sảnh đang liêu xiêu đi đằng trước lại, nói: “Em bảo muốn đắp người tuyết đúng không, tuyết ở đây đủ đắp một người tuyết nè.”

Bàng Sảnh quay lại nhìn một lát rồi đáp: “Thôi, có mình em chơi chán lắm.”

Cố Minh Tịch tỏ vẻ không vui: “Chẳng lẽ anh không phải là người?”

Xưa nay Bàng Sảnh không bao giờ biết dè dặt trước mặt cậu: “Nhưng anh làm gì có tay, sao mà đắp được?”

Cố Minh Tịch ấm ức nói: “Đắp bằng chân cũng được mà.”

Nói đoạn, cậu đã bước chân đi về phía khu vực trồng cây xanh đó.



Cậu mặc áo khoác bông màu nâu xám, đeo cặp sách trên lưng, hai ống tay áo bằng bông dày trống không lắc qua lắc lại theo chuyển động cơ thể. Bàng Sảnh đứng sau thẫn thờ nhìn cậu rồi bất ngờ bị Cố Minh Tịch ngoái lại gọi to: “Qua đây đi béo ú, rốt cuộc em có muốn đắp không hả?”

Bàng Sảnh nổi cơn tam bành ngay tức khắc, dậm chân nói: “Đã bảo không được gọi em là béo ú rồi mà!”

Cố Minh Tịch nhếch miệng nở nụ cười để lộ hai chiếc răng nanh nhỏ, đáp trả: “Anh cứ gọi đấy! Béo ú, béo ú, béo ú…”

Bàng Sảnh chán nản đuổi theo làm bộ muốn đánh cậu, Cố Minh Tịch quay đầu chạy thục mạng, khi chạy, hai bên tay áo trống không của cậu càng phấp phới mạnh hơn, trông hệt như đôi cánh bé nhỏ. Lúc hai đứa trẻ chạy đến bên đụn tuyết, Bàng Sảnh đưa tay túm lấy cặp sách của Cố Minh Tịch làm cậu chao đảo rồi ngã sóng xoài xuống mặt đất phủ đầy tuyết.

Cậu ngã ngửa, cơ thể lún sâu trong lớp tuyết, hương vị đặc trưng của mùa đông quanh quẩn bên mũi, nhẹ nhàng nhưng không kém phần gấp gáp. Bàng Sảnh ném hai chiếc cặp sách sang một bên, hai tay vỗ vào nhau, một chân gác lên bồn hoa, đứng từ trên cao nói với Cố Minh Tịch, ra dáng chẳng khác gì tác phong của một bậc Nữ Vương: “Bây giờ em không còn béo nữa rồi! Từ sau anh không được phép gọi em là béo ú nữa!”

Cố Minh Tịch nhoẻn miệng cười, đôi mắt trong trẻo ngời sáng, biếng nhác lên tiếng: “Ai bảo em họ Bàng, hay là từ giờ trở đi anh gọi em là Bàng Bàng(1)?”

(1) Bàng Bàng trong tiếng Trung đồng âm với Béo ú.

Chính xác, trước đây Bàng Sảnh rất “có da có thịt”.

Còn Cố Minh Tịch, trước khi lên sáu, cũng là một cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Không những khỏe mạnh, cậu còn thông minh, ưa nhìn, hoạt bát, là một đứa trẻ rất được lòng người lớn.

Điều này hoàn toàn trái ngược với Bàng Sảnh.

Một buổi chiều tháng tám năm 1985, thời tiết vô cùng nóng nực, tại bệnh viện phụ sản thành phố E, sau khi chịu đựng cơn đau bụng hành hạ suốt một ngày một đêm mà vẫn không thể cho đứa trẻ ra đời một cách tự nhiên, cuối cùng Kim Ái Hoa được chuyển vào phòng phẫu thuật, bắt buộc phải sinh mổ.

Lần đầu tiên nhìn thấy con gái, Bàng Thủy Sinh không khỏi bị sốc, con gái anh mũm mĩm hơn nhiều so với những đứa trẻ khác, tóc vừa đen vừa dày, gương mặt tròn trịa đỏ phừng phừng, da căng bóng không một nếp nhăn. Cô bé cao 51 cm, nặng 4,6 kg, là đứa bé giành giải nhất tháng của bệnh viện phụ sản, được ca tụng là “bé gái bốn cân rưỡi”.

Cố Quốc Tường cùng vợ con đến bệnh viện đúng lúc Bàng Thủy Sinh đang đi dạo bộ trên hành lang cùng cô con gái bốn cân rưỡi trên tay. Thấy đứa trẻ mũm mĩm trong lòng Bàng Thủy Sinh, Lý Hàm cười híp cả mắt, trêu cậu con trai vừa tròn một tuổi trên tay mình: “Minh Tịch, Minh Tịch, vợ con đây nè.”

Đôi mắt to tròn của Cố Minh Tịch rực sáng, nhìn đứa trẻ sơ sinh mập mạp còn đang quấn tã như một món đồ chơi thú vị. Cậu vừa cười khanh khách vừa rướn người về phía đó, đôi tay nhỏ bé cứ vẫy liên tục.

Bé gái bốn cân rưỡi đang ngủ say chợt hé mắt, mở to miệng ngáp một cái thật dài, hơi chun mũi lại, chân đạp một cái rồi bất ngờ khóc oe oe, tiếng khóc vang dội như lay chuyển trời đất.

Cố Minh Tịch nhìn cô bé bằng ánh mắt khó hiểu, một lát sau thì chau mày lùi vào lòng mẹ.

Mẹ ơi! Cô vợ này đáng sợ quá đi mất! Con trả hàng được không?

>0<

Bàng Thủy Sinh đặt tên cho cô bé bốn cân rưỡi nhà mình là Bàng Sảnh.

Anh chỉ có bằng tốt nghiệp cấp hai, trình độ văn hóa không cao, đặt tên cho con hoàn toàn chỉ là đặt bừa giống như những cái tên đi đâu cũng gặp thời đó như Trương Hồng, Trần Lan, Lý Quyên, Vương Yến… vậy. Không như cái tên mà Cố Quốc Tường và Lý Hàm đặt cho Cố Minh Tịch, vì được sinh ra vào hôm sau lễ thất tịch theo lịch âm nên tên cậu bé được đặt thêm chữ “Minh(2)” để kỷ niệm, vừa hay vừa có ý nghĩa.

(2) Chữ Minh (铭): nghĩa là ghi nhớ, khắc sâu.

Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch cùng lớn lên trong khu tập thể công ty kim khí, mối quan hệ giữa hai gia đình ngày càng trở nên khăng khít, nếu một trong hai nhà có việc gấp cần ra ngoài, họ sẽ đưa con đến nhà kia nhờ chăm sóc hộ.

Vậy nên không cần biết Cố Minh Tịch có muốn hay không, cậu vẫn phải thường xuyên sống cùng Bàng Sảnh.

Ăn cơm với nhau, cùng nhau vẽ vời, cùng chơi, cùng xem phim hoạt hình, thậm chí còn tắm cùng nhau.

Nhưng cho dù Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch có cùng mặc một chiếc quần, cùng ăn một bát cơm thì cũng không thể ngăn cản việc hai đứa trẻ phát triển theo hai chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Nói một cách ngắn gọn thì Cố Minh Tịch ngày càng đẹp trai còn Bàng Sảnh thì do cân nặng quá lớn mà ngày càng mập ú.

Một cô bé mới hơn ba tuổi mà đã trở thành đứa trẻ mập nhất trong khu tập thể kim khí. Cô bé ăn nhiều kinh khủng, một bữa cơm chén được mấy cái bánh mì, lại còn rất khoái ăn thịt, trùng hợp là cô bé lại mang họ Bàng nên dần dà được mọi người trong khu tập thể đặt cho biệt danh là “Bàng béo”, Bàng béo, Bàng béo, cứ gọi mãi rồi tự nhiên trở thành “béo ú”.

Cũng chỉ có ông bà nội ngoại của Bàng Sảnh là cho rằng đây chẳng phải chuyện gì nghiêm trọng, người già thường có suy nghĩ trẻ con phàm ăn là tốt. Còn Bàng Thủy Sinh và Kim Ái Hoa thì buồn ra mặt, nhất là khi ngày nào cũng trông thấy cậu bé Cố Minh Tịch hơn bốn tuổi nhà đối diện.

Cố Minh Tịch đã học lớp mẫu giáo bốn tuổi, được thừa hưởng tất cả những nét đẹp của Cố Quốc Tường và Lý Hàm nên cậu vừa đáng yêu vừa ưa nhìn. Bên cạnh đó, cậu còn được di truyền khối óc nhạy bén của Cố Quốc Tường nên tỏ ra rất nhanh trí thông minh, luôn là đứa trẻ học nhanh nhất, giỏi nhất lớp, bất kể là hát múa hay kể chuyện cổ tích.

Chẳng có ai không thích Cố Minh Tịch, cậu ngoan ngoãn hiểu chuyện, thông minh lễ phép, ít bày trò nghịch ngợm gây rối. Trong khu tập thể kim khí, nhắc đến con nhà Cố Quốc Tường, ai cũng khen ngợi hết lời, ai cũng bảo đứa trẻ này tương lai ắt sẽ thành tài. Nói chuyện một hồi chuyển sang con gái Bàng Thủy Sinh thì ai nấy đều lắc đầu thở dài.

Bàng Sảnh ham ăn, lười nhác, suốt ngày gây rối lại khó tính khó nết. Cơ thể mũm mĩm nên quần áo của cô bé rất khó mua, người nhà đành phải sửa quần áo cũ cho con gái mặc khiến cô bé chẳng mấy khi được mặc những bộ đồ mới trông tạm được chứ đừng nói đến váy vóc lộng lẫy. Thế là cô bé Bàng Sảnh xí gái béo tròn dần trở thành đứa trẻ cô đơn nhất trong khu.



Chỉ có Cố Minh Tịch chịu chơi với Bàng Sảnh.

Bàng Sảnh thích Cố Minh Tịch ra mặt, trẻ con mà, đứa nào chẳng thích chơi với những đứa trẻ lớn hơn mình vài tuổi, huống hồ Cố Minh Tịch còn thông minh đẹp trai như thế. Nhưng nói thật, Cố Minh Tịch thực sự không mấy thân thiết với Bàng Sảnh.

Lý Hàm thường nói: “Minh Tịch, Sảnh Sảnh là em gái con, con không được bắt nạt em, phải dẫn em đi chơi cùng biết chưa hả?”

Cố Minh Tịch phát buồn phát phiền vì việc này, không phải cậu không muốn dẫn Bàng Sảnh đi chơi cùng mà trong khu tập thể kim khí này chẳng có đứa trẻ nào muốn chơi với Bàng Sảnh cả.

Thế là khi Cố Minh Tịch nghe lời mẹ dẫn Bàng Sảnh xuống sân chơi, tình huống thường xảy ra nhất là cậu cầm đầu đám trẻ bốn, năm tuổi chạy ầm ầm trong sân còn Bàng Sảnh thì buồn thiu ngồi trên bồn hoa đợi cậu.

Cô bé lười chạy mà cũng chạy không nổi.

Cổng ra vào khu tập thể kim khí có một bãi đất trống, bên trái khu đất trống là một bồn hoa rộng, cạnh bồn hoa là một gốc cây long não, bên phải là nhà để xe đạp, kế bên là căn nhà nhỏ của một ông lão độc thân hơn sáu mươi tuổi. Ông lão họ Tăng, là công nhân nghỉ hưu của công ty kim khí, cả đời không lấy vợ, sau khi về hưu liền xin công ty đến làm bảo vệ cho khu tập thể.

Lão Tăng chỉ có một mình nên việc ăn uống tương đối đơn giản, trên cái bếp than ông đặt ngay trước cửa nhà là một nồi thịt kho, bên trong có chân, trứng, cánh, mề gà lẫn lộn. Một nồi đem ra nhắm với rượu cũng trụ được mấy ngày.

Mùi thịt kho bay xa theo gió, Bàng Sảnh ngồi một mình thường xuyên ngửi thấy, thế rồi một hôm không chịu được nữa, cô bé đi đến cửa nhà lão Tăng, ngó đầu nhìn vào nồi thịt kho ngon lành đang sôi sùng sục trên bếp.

Lão Tăng biết tất cả mọi người trong khu nhà nên dĩ nhiên chẳng lạ gì Bàng Sảnh. Thấy cô bé thèm chảy nước dãi, ông bèn bới trong nồi một quả trứng đưa cho cô bé, còn cẩn thận bọc thêm một lớp báo vì sợ cô nhóc bị bỏng.

Bàng Sảnh sướng lắm, hai bàn tay mũm mĩm cầm quả trứng kho như cầm bảo bối trở lại bên bồn hoa. Quả trứng vừa nóng vừa thơm, cô bé không nỡ ăn, cứ ngồi đó thỉnh thoảng lại dùng ngón tay nhỏ bé của mình chọc vào quả trứng rồi liếm môi nuốt nước bọt vào bụng.

Hành động kỳ lạ của cô khiến hai đứa trẻ tầm sáu, bảy tuổi khác chú ý. Đó là Trương Giai Kỳ và Phó Lượng cũng sống ở khu nhà này, hai tên nhóc chạy đến bên cạnh Bàng Sảnh rồi lập tức nhận ra thứ cô bé đang cầm trong tay là một quả trứng gà.

Hai thằng bé tham ăn, Trương Giai Kỳ ngắt một bông hoa từ trong bồn hoa, đưa tới trước mặt Bàng Sảnh rồi nói: “Béo ú ơi, anh cho em cái này, em cho anh quả trứng nhé.”

Bàng Sảnh nhìn cậu nhưng không trả lời, tay cầm quả trứng chặt hơn.

Phó Lượng đưa mặt nạ Tôn Ngộ Không của mình cho cô bé: “Cho em mượn mặt nạ của anh chơi một lúc này, em cho anh quả trứng nhé.”

Bàng Sảnh liếc nhìn cậu rồi lắc đầu.

Dụ dỗ không thành đành phải bắt ép, Trương Giai Kỳ nói: “Con béo kia, nếu mi không cho ta quả trứng, ta sẽ méc bố mẹ mi là mi ăn trộm trứng gà của ông Tăng!”

Bàng Sảnh vội nói: “Em không ăn trộm!”

Phó Lượng làm mặt hề với cô bé: “Chính mi đã ăn trộm!”

Cậu và Trương Giai Kỳ bắt đầu quay mông lại, hát to bài hát thiếu nhi đã được đám trẻ trong khu tập thể kim khí xào xáo lại: “Béo ú là con heo mập, bữa nào cũng xơi tái ba bát cơm! Mông con béo to bằng cái chậu, dáng đi ì ạch như vịt bầu! Con béo đánh rắm bum bủm thối um, bò ngửi phải cũng chết ngạt!”

Đôi tay Bàng Sảnh vội ôm chặt quả trứng kho của mình, lườm hai cậu bé một cách hung hãn.

Hát xong, Trương Giai Kỳ liền vểnh cái mông về phía Phó Lượng, miệng kêu “bủm” một cái, Phó Lượng liền tạo dáng như bị rắm thối làm chết ngạt, hoa tay múa chân nhảy nhót tung tăng.

Tiếng cười ha hả của hai tên nhóc khiến Bàng Sảnh không thể kiềm chế được nữa mới bật khóc.

Vừa lau nước mắt cô bé vừa đứng dậy định đi về nhưng Trương Giai Kỳ và Phó Lượng nào chịu buông tha dễ dàng như thế, hai cậu nhóc xúm lại muốn cướp quả trứng, Bàng Sảnh giờ đây cũng trở nên ngang ngạnh, bèn đánh lại chúng.

Bắt gặp cảnh tượng đó khi vừa cầm đầu đám trẻ đi từ bên ngoài về trong chiến thắng vẻ vang, Cố Minh Tịch vứt luôn mấy cành cây khô trong tay rồi xông lên không ngần ngại, ra sức đẩy tên Phó Lượng đang túm tóc Bàng Sảnh ra thật mạnh.

Thế nhưng Trương Giai Kỳ và Phó Lượng hoàn toàn không coi tên nhóc Cố Minh Tịch mới hơn năm tuổi ra gì, nó dám bênh con béo? Thế thì đánh nhau đi!

Hai đứa trẻ mới học mẫu giáo sao đánh lại được hai tên nhóc đã học tiểu học, quả trứng kho trong tay Bàng Sảnh cuối cùng rơi xuống đất, tiếng khóc khổ sở của cô bé dẫn Lão Tăng đến hiện trường, ông bắt hai đứa trẻ lớn hơn đi về rồi giải tán lũ nhóc vây quanh xem đánh nhau. Cuối cùng, ông nâng cậu bé Cố Minh Tịch bị đánh tơi bời hoa lá dậy khỏi nền đất.

Ngồi cạnh quả trứng vỡ nát bươm, Bàng Sảnh càng buồn hơn, tiếng khóc cũng càng lúc càng to dần. Nhìn tay áo bị xé rách của mình rồi quay sang nhìn Bàng Sảnh tóc tai rũ rượi, cuối cùng Cố Minh Tịch đưa tay ra với cô bé: “Béo ú đừng khóc nữa, anh đưa em về.”

Bàng Sảnh khóc thêm một lúc nữa rồi lau nước mắt sụt sịt đứng dậy, nắm chặt lấy bàn tay Cố Minh Tịch.

Trong trí nhớ của Bàng Sảnh, đây là một trong số những lần không nhiều lắm cô và Cố Minh Tịch cầm tay nhau, hầu hết những khi cô chủ động nắm tay cậu đều bị cậu tránh né hoặc hất ra. Cố Minh Tịch khi đó vừa kiêu căng vừa xấu hổ, lại được rất đông các bé gái trong trường mẫu giáo mến mộ, cậu thấy mình tỏa sáng như một chàng hoàng tử, đâu có dễ bị dụ dỗ như vậy.

Nhưng cả hai đứa trẻ lúc đó đều không nghĩ rằng sau này, mong ước được nắm tay Bàng Sảnh của Cố Minh Tịch mãi mãi chỉ là một sự bất lực mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
Nguyên Tôn
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mr Đà Điểu Của Tôi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook