Mộng Ngàn Năm

Chương 2: Lạc Viện Phía Đông

Mộc Thư

04/02/2021

Lạc Anh đang mải mê theo dòng suy nghĩ, không biết thầy giảo trẻ đã đến bên cạnh cô tự lúc nào, cốc vào đầu cô một cái:

- Lạc Lạc, lại thả hồn ở đâu rồi?

Lạc Anh hơi mất tự nhiên, từ trước tới giờ chỉ có ông bà cô gọi mình là Lạc Lạc, người ngoài không mấy khi gọi thân mật như vậy.

- Không có ạ, chỉ là ở đây em cảm thấy khá thoải mái! Lâu lắm mới được tận hưởng sự thanh bạch này!

Thầy giáo trẻ nhìn cô, cười cười: - Trước đây tôi cũng quen một người có tính tình như em đấy!

- Sao á? – Lạc Anh ngớ người – Thầy quen ai ạ?

Thầy giáo trẻ cười cười, quay người bỏ đi. Bản thân Lạc Anh cũng chẳng hỏi nữa, Lạc Anh vốn là kiểu người nếu đối phương không muốn nói thì cô sẽ không gắng hỏi làm gì cả, mặc dù cô cảm thấy vô cùng thắc mắc. Vì thế, cố quyết tâm nuốt đoạn khó hiểu kia vào trong bụng, chỉ lặng lẽ nhìn theo bóng dáng vị thầy giáo trẻ, câu chuyện không đầu không đuôi đó cũng nhanh chóng bị cô ném ra sau đầu.

Buổi tối, bọn họ cắm trại gần một khu dân cư của làng chài lưới gần biển. Đó là một mảnh đất khá quang cây cỏ, lại là địa điểm vui chơi của trẻ nhỏ trong làng nên tương đối sạch sẽ. Vị thầy giáo trẻ bằng tài ăn nói và gương mặt đẹp trai kia đã thành công mượn của họ bãi đất đó, thế là bốn chiếc trại được dựng lên trong ánh lửa và đèn pin của bọn họ.

Lạc Anh vẫn lười biếng như cũ, sau khi dựng trại và ăn uống xong, cô thẳng đường vào trại của mình tiếp tục ôm ấp cuốn Việt Sử Ký mặc cho đám bạn học đang ca hát nhảy múa ngoài kia. Trại có năm người, đều là cùng lớp đại học, nói thân thiết thì không hẳn nhưng Lạc Anh cũng có quan hệ khá tốt với họ.

“Tháng 2, ngày 24, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Hoảng, lui ở Bắc Cung. Thái tử lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiệu Long năm thứ 1. Đại xá. Vua tự xưng là Nhân Hoàng, tôn thượng hoàng là Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Từ khi Hạ Vũ truyền ngôi cho con thì cha chết con nối, anh chết em thay, đã thành phép thường mãi mãi.

Gia pháp họ Trần lại khác thế: con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. thực ra truyền ngôi chỉ để yên việc sau, phòng lúc vội vàng, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định. Vua kế vị không khác gì hoàng thái tử cả. Như vậy thì có hợp đạo không?

Có lẽ là lấy nghĩa quẻ Càn lui ở phương tây bắc và quẻ Chấn tiến ra phương đông. Nhưng chưa đến lúc già nua thì không được lười mỏi. Sao bằng cứ truyền nối như Tam Vương để đúng lẽ thủy chung là hơn cả. Mạnh Tử nói: Theo phép của Tiên Vương mà lỗi lầm thì chưa bao giờ có thế! (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư)”.

Lạc Anh đọc hết phần về Trần Thái Tông, lòng thầm nghĩ: không biết Cảnh không có tình cảm nào với Chiêu Hoàng, hoặc chỉ là chút thương xót cho bà? Chợt nhớ đến câu ca dao lưu truyền trong dân gian: Trách người quân tử bạc tình/ Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.

Lạc Anh tặc lưỡi một cái rõ kêu, cuối cùng có lẽ vẫn là bạc tình với người ta, ngay cả sử sách cũng không công bằng với bà ấy, sao chỉ một mình bà ấy chỉ chỉ trích vì để làm mất nước, trong khi những kẻ rõ là cướp nước còn diệt cả tộc người ta thì không khiển trách?

Nghĩ đoạn, cô lại vội lật về trước, có đoạn lời bình của nhà sử học Ngô Sĩ Liên: Họ Lý được nước không kém gì Tam Đại, truyền nối nhiều đời, đến Huệ Tông không có con trai, lại mắc bệnh tật, chắc là ơn trạch của tiên vương đến đây là hết rồi, cho nên họ Trần mới có thể lấy được nước. Đã lấy nước của người ta, lại giết vua của người ta thì thực bất nhân quá lắm.

Quả nhiên là đọc nhiều nên thấm nhuần tư tưởng của cụ Ngô Sĩ Liên mất rồi. Lạc Anh bĩu môi: nếu mình là Chiêu Hoàng, đứng trong cương vị của bà ấy khi biết trước kết cục sẽ cay đắng như thế, từ đầu mình sẽ không chịu sự ràng buộc trong cung cấm đó, nhất định là không!

Nghĩ đến đây, Lạc Anh bị đánh tỉnh trở lại vì tiếng của bạn học:

- Lạc Anh, mau dậy đi, trong khu nhà đang mở hội vui lắm đó! Đừng cứ ở trong này, mọi người bắt đầu đi hết rồi đấy!

- Được được, mình ra ngay!

Vốn đọc qua nhiều lần, nhưng lần này có vẻ Lạc Anh có chút tức giận với quyển Việt Sử ký, thế là cô quẳng nó vào chỗ balo của mình, cầm chiếc điện thoại đi ra khỏi trại.

Mọi người đã đi ra phía làng xa lắm rồi, Lạc Anh định bước chân theo, nhưng khi cô quay đầu nhìn về phía mấy mỏm đá gần biển, lại chợt nhận thấy có bóng người ở đó. Mới đầu còn dọa Lạc Anh hết hồn vì tưởng là ma, nhưng nhìn kỹ thì không phải, hình như là dáng người đàn ông. Nhưng sao, sao dáng người đó lại quen thuộc đến thế!



Ở nhà, lão Triều và bà Dương đang ngồi trước bàn thờ tổ tông, họ đã ngồi đó từ khi mặt trời xuống rồi. Chẳng biết từ bao giờ, bà Dương đã nước mắt đầm đìa mặt mũi, còn lão Triều vẫn giữ im lặng mà ngồi đó. Trong lòng hai người họ hiểu, thiên tượng đã báo đúng, nếu không thực hiện theo chính là có lỗi với liệt tổ liệt tông.

Như có một cỗ ma lực thần kỳ nào đó, Lạc Anh dò dẫm đi về phía dáng người đó, càng đến gần, cảm giác ấy lại càng thân quen, càng gần gũi. Khi chỉ còn cách anh ta 20 mét, Lạc Anh mới dừng lại, mở miệng hỏi:

- Xin lỗi, nhưng sao anh lại đứng đây thế? Anh là người dân ở đây à?

Người đàn ông đó không quay đầu, chỉ im lặng nhìn về phía biển, chậm chậm cất giọng:

“Thụ căn điểu điểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hòa đao mộc lạc/ Thập bát tử thành/ Chấn cung kiến nhật/ Đoài cung ẩn tinh/ Lục thất niên gian/ Thiên hạ thái bình” (1)

Lạc Anh thần hồn nát thần tính, ngớ người hỏi lại:

- Anh là ai vậy? Sao anh cũng biết bài này, anh cũng là người mê lịch sử sao?

Người đàn ông cười, quay mặt lại nhìn Lạc Anh, nói:

- Nàng, chính là lịch sử!

Tiếng sét giữa trời không rạch ngang bầu trời, những màn chớp nhập nhằng liên miên mãi không dứt, vài hạt mưa đã rơi xuống, một kiếp người được tái sinh!

***

Lạc Anh khó nhọc mở mắt, khung cảnh lờ mờ kết hợp với cơ thể co rút khiến cô vô cùng khó chịu. Cô mơ màng nghe được những tiếng huyên náo, sao mới sáng ra đám bạn học đã làm cô ù ù ở đầu vậy chứ? Chừng một hai phút sau, Lạc Anh mới thấy rõ khung cảnh trước mặt mình. Cô mở to mắt, nuốt nước bọt ừng ực, chân tay run run: Đây, đây là đâu?

- Bệ hạ, người cuối cùng cũng chịu dậy, chúng nô tài lo lắng quá! – Một đám người quỳ trước mặt cô kêu lên.

Lạc Anh kinh ngạc lắm, cô nhìn kỹ chung quanh, không phải là kinh thành Huế đấy chứ? Cô đâu có đi thực tập địa chất ở Huế, cô đang ở Quảng Ninh mà, rõ ràng…

Lạc Anh khó chịu nhăn mặt, từ từ nhớ lại chuyện mới xảy ra. Đúng rồi, cô đang ở đảo Vĩnh Thực, cô đang đọc Việt Sử ký, bạn học gọi cô ra phía làng, sau đó… sau đó cô gặp người đàn ông kỳ lạ, sau đó… Lạc Anh kinh ngạc kêu lớn, cô không biết đang ở đâu, đang diễn cái gì kia, không phải cô đọc Sử ký nhiều quá đến phát điên rồi đấy chứ? Hay là đang mơ, chắc chắn là đang mơ!

Lạc Anh loạng choạng xuống giường, một người con gái nhanh tay đến đón lấy cô, mắt Lạc Anh trừng đến muốn rớt con ngươi, cái kiểu ăn mặc gì vậy, mà sao cảm giác cô ta động chạm vào người mình cũng chân thật quá nhỉ. Nhưng Lạc Anh còn chưa chạm chân xuống dưới đất, cô đã kinh hãi khi nhìn thấy chân tay của mình. Ôi cha mẹ ơi, bàn tay nhỏ bé cùng đôi chân ngắn cũn này là của ai vậy. Lạc Anh tuy chỉ cao có 1 mét 59, chưa nổi mét sáu nhưng cô cũng khá tự hào rằng mình có thể cao đến như vậy rồi. Nhưng mà cơ thể này… Cô trợn mắt nhìn ra xa, khung cảnh phía dưới càng khiến cô cảm thấy “unhealthy” hơn.

Cô giật mạnh tay khỏi cô gái kia, nhanh chóng chạy xuống phía dưới, chỉ thấy đám người đang quỳ vội vàng chạy theo, miệng kêu lớn:

- Bệ hạ, người còn chưa đi giày, bệ hạ…

Lạc Anh mặc kệ đám người đằng sau, nhanh chóng chạy ra khỏi nơi quỷ quái đó. Đến giữa sân, cô hoảng hồn nhìn xung quanh, tường vàng cao, nhà lầu các, hình rồng bay khắp nơi… kiến trúc này, không phải hoàng cung sao? Cô ngơ ngác đứng ở đó, cộng với những tiếng gọi “Bệ hạ, bệ hạ” đằng sau, Lạc Anh triệt để hiểu ra vấn đề. Cô là người thông minh, bộ não nhanh chóng dùng các dữ liệu mới nạp để phân tích. Lại nhìn xuống cơ thể mình, không lẽ, cô thực sự đã xuyên không ư?

***

- Bệ hạ, sắp đến giờ rồi, người nên chuẩn bị thôi ạ! Đại nhân và tùy tùng đang chờ ở bên ngoài rồi – Tiểu tử đứng cạnh không kìm được mà cất lời bởi chủ nhân của hắn đã ngồi ở đây nửa canh giờ rồi.

Cảnh vẫn ngồi thẫn thờ ở cửa điện, ánh mắt tràn ngập thâm tình nhìn về phía Lạc viện ở viền Đông, không nhanh không chậm nói với người kia:



- Giờ mới còn chưa hết giờ Mão, muội ấy chắc chắn chưa dậy, cứ thong thả!

Lời vừa nói ra, tâm tình thiếu niên lại càng ấm áp. Tiểu tử mơ màng nhận thấy mùi yêu thương quanh người chủ nhân mình. Hắn mới chỉ mười hai tuổi, nhưng đã theo hầu Cảnh được bốn năm rồi, từ ngày chàng chỉ mới có bốn tuổi. Chớp mắt, người trước mặt đã là Bệ hạ, là Hoàng đế của một nước rồi!

- A Tháp! – Cảnh vươn tay kéo tiểu tử ngồi cạnh mình – Nói cho ta nghe, khi ta làm Hoàng đế, ngươi có sợ ta không?

A Tháp mắt ngấn nước nhìn chủ nhân mình, có lẽ hắn là người hiểu rõ nhất tâm tình của chủ nhân. Hai đứa trẻ nhìn nhau, một lúc sau A Tháp mới lên tiếng:

- Người là Hoàng đế, nhưng cũng là chủ nhân, ân nhân và người thân duy nhất của nô tài…

Cảnh cười, vỗ vai A Tháp:

- Đừng căng thẳng như vậy, chẳng phải người nói ta là người thân nhất của ngươi sao, sau này cũng sẽ như vậy, được chứ!

A Tháp gật đầu. Cùng lúc đó, tiếng chuông điểm đến giờ Thìn đã vang lên.

Cảnh cười:

- Đi nào, chúng ta vào chuẩn bị thêm một chút! – Rồi quay đầu đi vào trong điện.

A Tháp nhìn theo bóng lưng nhỏ của chủ nhân, dòng suy nghĩ lại chảy về hơn bốn năm trước. Năm đó, tháng 9 thành Thăng Long bị thủy lớn từ sông Cái (2) đổ vào, mênh mông biển nước, trăm họ lầm than. Cả gia đình A Tháp đã bị lũ cuốn đi, đến cả chút lương trong nhà cũng theo dòng sông cuồn cuộn đi mất. Sau lũ, cuộc sống người dân trong thành cơ cực, không có cái ăn, lại thêm sưu cao thuế nặng, dịch bệnh khiến dân chết đầy đường. A Tháp lúc đó là một đứa bé chưa đầy tám tuổi, ngồi ở một góc xin ăn đã nhiều tháng. Giữa cái lạnh cắt thịt tháng 12, một bát cháo loãng nóng cũng là điều xa xỉ đối với những người ở đây. Khi A Tháp đã không chịu được nữa mà co ro nhắm mắt nằm bên đường, một bát canh nóng mang hương thơm khiến cậu bé choàng tỉnh.

Trước mặt, một tiểu hài tử nhỏ nhắn, tay cầm bát canh nóng ngồi xổm trước mặt A Tháp, cười nói:

- Ăn đi, ăn xong ngươi sẽ không bị lạnh nữa đâu!

A Tháp ngơ ngác cầm lấy bát canh, trẻ con mà, thấy đồ ăn là vui mừng rồi. Sau khi A Tháp ăn xong, tiểu hài tử lấy cho hắn một chiếc áo choàng, rồi nói:

- Ngươi có muốn đi cùng ta không? Ta sẽ không để ngươi bị đói và lạnh nữa đâu!

Nụ nười của tiểu hài tử đó như ánh nắng mùa xuân, A Tháp gật đầu, vậy là đi theo người. Đến nay, người từ một vị tiểu công tử đã thành hoàng đế rồi, A Tháp nghĩ không biết mình có phải gặp may không khi được chính Hoàng đế tương lai cứu về, nhưng có một điều hắn chắc chắn, đó là tận trung với vị hoàng đế này, có chết cũng không từ!

*Chú thích:

(1) Bài thơ này là bài sấm về cây gạo khi Lý Thái Tổ lên ngôi. Theo sách Thiền Uyển tập anh, cây gạo làng Diên Uẩn do thiền sư Đinh La Quý trồng ở chùa Châu Minh, thuộc hương Cổ Pháp vào năm 936 thời Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Việc trồng cây gạo của sư Đinh La Quý nhằm khôi phục lại long mạch bị Cao Biền phá gãy từ giữa thế kỷ 9, ngoài mục đích sinh ra chân mạng đế vương, chấn hưng đất nước còn vì bậc đế vương đó có thể phò dựng chính pháp làm hưng thịnh Phật giáo.

Năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết. Theo ghi chép của sử sách (Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục), tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm mà có ý kiến cho rằng tác giả chính là sư Vạn Hạnh.

Lời sấm này được cho là có liên quan đến việc nhà Lý mất ngôi vào tay nhà Trần.

(Theo Wikipedia)

(2) Sông Cái: là sông Hồng ngày nay chạy ở địa phần Hà Nội, khi xảy ra lũ lụt đã ngập đến chân hoàng cung.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
đấu phá thương khung
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mộng Ngàn Năm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook