Mariana

Chương 6

Susanna Kearsley

06/09/2017

“Mariana.” Vivien Wells cuộn cái tên trên đầu lưỡi như định lượng năm sản xuất rượu, rồi nhíu mày quay đầu ra sau. “Không, tôi không nhớ từng nghe nói ai đó có cái tên này. Anh thì sao, Ned?”

Không buồn ngẩng lên từ tờ báo, anh chàng phục vụ quầy bar lắc đầu, Vivien tiếp tục cân nhắc khi tính tiền.

“Cái tên này khá lạ, không phải sao?” Cô ấy nói. “Một cái tên cổ.”

“Hài hước là cô lại gọi cái tên đó như vậy.” Tôi cười với ly nước cam, cô ấy hứng thú ngẩng đầu lên.

“Còn cô vẫn tìm kiếm những lá thư cũ nhét dưới ván sàn đấy hả?” Cô ấy hỏi.

“Gần tương tự. Thực sự cũng không quan trọng đâu.” Tôi đặt ly lên quầy bar và liếc về phía chiếc bàn trống trong góc.

“Tôi thấy những người đàn ông chưa đến hôm nay.”

Vivien nhìn theo tôi và mỉm cười. “Vẫn còn sớm”

Tôi ngó đồng hồ và nhìn, với chút ngạc nhiên, mới mười hai giờ rưỡi. Phải thừa nhận vẫn còn hơi sớm cho người dân lương thiện ở Exbury đến quán rượu, nhất là vào Chủ nhật. Dẫu thế, với tôi thì cứ như thể đã đến giữa chiều rồi vậy.

Tôi có một giấc ngủ tệ hại đêm hôm trước. “Ngủ” có lẽ không phải từ chính xác, bởi hầu hết cả đêm tôi đều trừng mắt nhìn vào bóng tối, dõi theo chiếc đồng hồ điện tử dạ quang cạnh giường hiển thị từng phút một.

Tôi nhớ lại những khoảnh khắc lạ lùng và đáng sợ trong hẻm Blackfriars, lật đi lật lại chúng trong tâm trí cho đến khi có cảm giác mình hẳn đã bị điên. Nó không giống trải nghiệm có thể kể với bất kì ai. Tom có thể sẽ lắng nghe, nhưng hôm nay là Chủ nhật, và liên lạc với Tom vào Chủ nhật là điều không tưởng. Trên chiếc bàn ăn sáng trong căn hộ đơn độc ở Luân Đôn, con mèo của Cheryl cứ nhìn chằm chằm vào tôi.

“Mày nghĩ gì thế?” Tôi hỏi nó. “Tao sắp mất trí rồi phải không?” Con mèo đơn giản vẫn tiếp tục nhìn, Không mong đợi có được câu trả lời từ hướng đó nên tôi trở về nhà. Thật lạ lùng, tôi nghĩ, chẳng mấy chốc mà ngôi làng nhỏ hẻo lánh đã mang lại cho tôi cảm giác như ở nhà. Càng lạ hơn khi Luân Đôn, nơi tôi sinh sống biết bao năm, giờ dường như trở nên xa cách và tách biệt đến lạ.

“Quay lại thành phố vui chứ?” Câu hỏi của Vivien nhảy vào tâm trí tôi với sự chính xác đến kỳ quặc.

“Cô có biết”, tôi từ tốn nói, “tôi đang nghĩ thật mừng khi thoát khỏi Luân Đôn không? Đã trở về nhà”.

Cô ấy gật đầu thấu hiểu. “Sống ở đấy đủ lâu, và Luân Đôn có vẻ bắt đầu trở nên không thực. Người ta quá căng thẳng khi sống ở đó. Tôi thường tự hỏi làm sao ai đó có thể chịu đựng được loại căng thẳng ấy ngày này qua ngày khác. Anh nghĩ thế nào hả, Iain?”

Tôi giật nảy trên ghế và quay lại. Như mọi khi, tôi không nghe thấy tiếng anh ta tiến lại gần.

“Anh á? Anh không khoái Luân Đôn”, Iain Sumner vừa nói vừa chống khuỷu tay lên quầy bar và vắt chéo đôi chân đi bốt nặng nề.

“Anh di chuển cứ như một con mèo phải gió vậy”, tôi cáu kỉnh buộc tội anh ta, dây thần kinh của tôi tróc hết cả ra vì thiếu ngủ. Anh ta quay đầu sang nhìn tôi, rồi nhướn một bên lông mày khó hiểu lên.

“Tôi xin lỗi”, anh ta bình tĩnh nói. “Cô có muốn tôi huýt sáo, hay làm gì để đánh động cho cô biết rằng tôi đang đến không?”

“Ý hay đấy.” Vivien bật cười, đôi mắt xanh dương nhảy múa. Tôi có ấn tượng rõ nét rằng cô ấy rất quý mến Iain Sumner. “Anh vẫn uống như mọi khi chứ?”

“Ừ”, anh ta gật đầu, quan sát cô ấy rót cho mình một vại bia đắng sủi bọt màu đen. Anh ta lôi từ túi áo sơ mi một gói thuốc lá nhăn nhúm, lắc ra một điếu và tò mò nhìn tôi. “Cô có phiền không?”

“Ý anh là nếu anh hút thuốc ấy hả?” Tôi lắc đầu. “Không đâu.”

“Cảm ơn.” Anh ta châm điếu thuốc, khum những ngón tay lem nhem đất quanh que diêm và lờ đi ánh nhìn phê phán của Vivien.

“Em tưởng anh bỏ rồi”, cô nói.

“Ừ. Mẹ anh cũng vậy.” Anh ta nhìn thấy cô ấy ra chiều vô tội. “Anh mới từ lâu đài về. Geoff nói cậu ta đã tìm thấy tất cả giấy tờ em hỏi, những tài liệu cậu ấy dùng cho việc nghiên cứu lịch sử lâu đài và hỏi em có muốn mời cậu ấy uống cà phê tối nay không, để cậu ấy có thể mang đến đây cho em với Julia xem.”

“Em có muốn mời anh ấy không á? Thế mới ghê chứ!” Vivien nở nụ cười thật rộng. “Gì nữa đây, nông dân bọn em không được phép đến lâu đài vào Chủ nhật à?”

Iain nâng vại bia của mình lên và nhún vai. “Có vẻ người giúp việc mới về cách đây không lâu. Em biết Geoff rồi đây. Cậu ta đã bày bừa một đống khi tìm đám giấy tờ.”

“Được rồi”, Vivien đầu hàng, “bảo anh ấy cứ xem như được mời đi. Đó là nếu Julia rỗi. Phải không?”

Tôi gật đầu.

“Tốt. Vậy chúng ta hẹn bảy giờ nhé? Iain thì sao?”

Đôi lông mày của anh ta nhướn lên. “Anh cũng được mời à?”

“Anh lúc nào cũng được mời”, cô ấy bảo anh ta.

“Thế thì em tốt nhất nên bồi dưỡng cho anh.”



“Em sẽ làm sandwich”, Vivien nghiêm túc hứa hẹn. “Nhân đây, cái tên Mariana có ý nghĩa gì với anh không?”

“Shakespeare”, là câu trả lời tức khắc và không ngờ của anh ta.

“Shakespeare?” Tôi lặp lại và anh ta gật đầu.

“Vị hôn thê lén lút của Angelo trong vở Mạt cưa mướp đắng[1].”

[1] Vở bi kịch có tên Measure for measure của Shakspear.

“Ồ.”

“Nó có ý nghĩa gì đó khác không?”

“Không sao đâu, thật đấy”, tôi nói, “tôi chỉ tình cờ đọc được cái tên này trong một… lá thư khi dọn dẹp và tự hỏi liệu có ai biết cô gái ấy không thôi”. Không ai nhận ra chút vấp váp trong lời nói dối của tôi.

“Hừm, rõ ràng tôi không phải người thích hợp nhất để hỏi những chuyện như thế”, Iain thừa nhận với nụ cười khẽ, “Dì Freda nhà em có thể sẽ biết đấy”, anh ta bảo Vivien. “Hoặc nhóm đàn ông.” Anh ta bắt đầu về phía chiếc bàn trống trong góc.

“Thật sự không quan trọng đâu”, tôi lặp lại và gần như hối tiếc vì đã hỏi Vivien ngay từ đầu. Sau cùng, trải nghiệm lạ lùng của tôi ở hẻm Blackfriars tối qua rất có thể chỉ là sản phẩm từ quá nhiều rượu, hoặc quá nhiều căng thẳng… hoặc mối nguy ngấm ngầm nào đó từ bệnh thần kinh đan kết trong dòng họ của tôi. Dù sao đi nữa, khả năng người phụ nữ trẻ tên Mariana cùng bà bác Mary ồn ào của cô ấy có thật trên đời cũng rất mong manh. Ít nhất thì tôi thích nghĩ thế hơn. Bởi giả sử thực sự từng có một Mariana, thì cũng đồng nghĩa rằng tôi…

“Được rồi.” Iain đặt chiếc vại rỗng xuống quầy bar với tiếng cạch thỏa mãn, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. “Anh đi đây.”

“Anh sẽ không quên chuyển lời nhắn của em đến Geoff đấy chứ?” Vivien hỏi khi Iain quay ra cửa.

“Không, anh không quên đâu. Mà em biết không”, anh ta nghiêm trang, “mấy người bọn em nên học cách sử dụng điện thoại và cứu lấy đôi chân đau nhức của anh đi thôi”.

“Đi bộ tốt cho anh còn gì”, cô ấy bắn trả.

“Hẳn rồi. Vậy hẹn gặp lại hai người sau nhé.”

“Anh ấy thực sự rất tuyệt”, Vivien cất tiếng lúc cánh cửa sập lại sau lưng anh ta.

“Và đọc Shakespeare.”

“Điều đó khiến cô ngạc nhiên phải không? Dù tin hay không thì Iain cũng nghiên cứu Ngữ văn ở Cambridge. Thế nên anh ấy với Geoff mới gặp nhau.”

“Vậy ư? Và giờ anh ấy chăn cừu?”

“Ừm. Hiện tại Iain chăn nuôi. Anh ấy có thể làm rất nhiều chuyện với cuộc đời của mình - ý tôi là, anh ấy ổn định về mặt tài chính và có thể trở nên thông minh chết người bất cứ khi nào anh ấy muốn. Nhưng tôi nghĩ anh ấy hạnh phúc nhất khi vầy vò với đám đất.”

“Còn Geoffrey de Mornay học gì ở Cambridge vậy?” Tôi hỏi, hy vọng sự thờ ơ ở đúng mức độ.

“Chính trị, tôi nghĩ thế. Không phải cái anh ấy cần. Chưa bao giờ phải thắc mắc về tương lai của Geoff.” Cô ấy mỉm cười. “Ông của anh ấy là người đã lập nên hãng điện tử Morland.”

“Tôi hiểu.” Có chút điếng người. Logo màu đỏ tươi của Morland gần như có thể nhận ra như cái bóng của bãi đá cổ Stonehenge, và gần như truyền đi nỗi kinh sợ. Từ một công ty sản xuất các thiết bị radio nhỏ trong thời chiến, Morland đã bành trướng thành một trong những công ty đa quốc gia lớn nhất nước Anh. Tôi đoán lợi nhuận hằng năm của nó phải tính bằng con số hàng nghìn tỷ bảng.

“Cô vẫn chưa gặp anh ấy à?” Vivien hỏi.

“Thực tế thì tôi gặp rồi. Chiều thứ Năm tuần trước. Đại loại chúng tôi đâm phải nhau trên lối đi cạnh nhà thờ.”

“Vậy ư? Lạ là anh ấy không nhắc đến.” Cô ấy nhìn tôi tò mò. “Khôi ngô chết người, phải không? Tôi thường nghĩ ông trời thật bất công khi cho một người tất cả tiền tài và một khuôn mặt như thế.”

“Tôi hình dung anh ta hẳn đã bị mọi cô gái trong làng theo đuổi”, tôi nói. Một câu hỏi dò mạo hiểm và đáng xấu hổ, Vivien lại mỉm cười.

“Tôi cũng theo đuổi anh ấy”, cô ấy thừa nhận, “khi còn đi học. Cô sẽ thấy anh ấy là điều gì đó thật tuyệt vời, cô nên nhìn anh ấy lúc đó. Anh ấy sống năm năm ở California và có làn da rám nắng khủng khiếp, mỗi khi nói đều lẫn một chút trọng âm Mỹ”. Cô ấy lim dim mắt tán thưởng. “Nhưng đương nhiên anh ấy để mất chúng còn nhanh hơn. Cambridge đã gột đám trọng âm ấy đi.”

“California?” Điều đó khiến tôi ngạc nhiên. “Anh ấy làm gì ở đó vậy?”

“Cha mẹ Geoff ly hôn khi anh ấy lên mười một tuổi. Mẹ anh ấy bỏ theo người đàn ông khác và Geoff đến Mỹ với cha mình. Tôi nghĩ Morland có một chi nhánh lớn ở đó, gần San Francisco. Dù sao lúc mười sáu tuổi thì cuối cùng Geoff cũng quay về. Coi như một chút điều chỉnh với anh ấy”, cô ấy lại mỉm cười nói. “Dẫu vâỵ, anh ấy vẫn không hòa nhập được với cộng đồng ở đây và thậm chí mọi chuyện còn tệ hơn khi anh ấy quay lại - ai anh ấy cũng kết bạn hết. Kể cả tôi”, cô ấy toe toét thêm vào. “Cứ nghĩ mà xem, thời gian đó chúng tôi sống chung dưới một mái nhà, nên có kết bạn thì cũng chẳng có gì đáng chê trách cả, nhưng vẫn khiến vài người nhướn mày. Giờ ngẫu nhiên vẫn vậy đấy.”

Tôi thoáng nhíu mày và cố gắng bắt theo. “Cô đã sống ở lâu đài Crofton sao?” Tôi ngập ngừng. “Khi cô còn nhỏ?”

“Phải. Xin lỗi, tôi quên mất là cô không biết.” Một nụ cười lúng túng xoẹt qua. “Tôi cứ luôn phải nhắc bản thân, cô biết đấy, rằng chúng ta chỉ mới gặp nhau. Nhưng đôi khi cứ như tôi với cô đã kết bạn hàng năm trời rồi ấy, cô có cảm thấy thế không? Dù sao thì đúng, lúc còn nhỏ, tôi đã sống ở lâu đài. Dì tôi trông tòa nhà hộ cha của Geoff, cô thấy đấy, và tôi đã sống với dì ấy. Cha mẹ tôi”, cô giải thích, trước khi tôi kịp hỏi, “mất trong một tai nạn tàu hỏa nhiều năm trước. Tôi hầu như không nhớ nổi mặt họ. Dì Freda đã cưu mang tôi, và xét cho cùng đã thực hiện việc ấy một cách phi thường, dù tôi chắc chắn mình là nguyên nhân cho từng sợi tóc bạc trên mái đầu dì”. Cô mỉm cười trước dòng ký ức. “Một đêm, dì phát hiện tôi có mặt trong những tấm ảnh cùng Geoff. Thế là dì bắt tôi qua đường đến nhà ông bà tôi, cùng chiếc vali. Không đứa cháu nào của dì được trở thành đề tài cho các câu chuyện ngồi lê đôi mách của dân làng. Dì Freda tội nghiệp.”

Tôi dùng chiếc ly vạch lên một biểu tượng vu vơ trên quầy bar. “Vậy cô và Geoffrey de Mornay từng là…”

“Ôi, lạy trời, không. Chẳng có gì nghiêm túc cả. Thực đây, chưa bao giờ có ai thực sự nghiêm túc, với Geoff.” Nụ cười của Vivien trở nên rộng hơn khi nhìn vào mắt tôi. “Vẫn chưa.”



Tôi thoáng đỏ mặt và uống nhanh một ngụm từ ly nước quả.

“Cô có chắc không muốn thứ gì mạnh hơn không?”

“Chắc mà.” Tôi nói, rồi xoay cổ tay để có thể nhìn thấy mặt đồng hồ. “Thực sự tôi nên về đây. Tôi vẫn phải sắp xếp cho xong xưởng vẽ, và sau đó, nếu may mắn thì tôi có thể ngủ vài giờ trước khi trời tối. Hôm ở Luân Đôn tôi không ngủ ngon mấy.”

“Trông cô mệt lắm”, Vivien nói. “Nếu muốn thì lúc nào chúng ta cũng có thể hoãn bài học lịch sử được mà.”

“Ôi, không không. Tôi sẽ ổn thôi. Bảy giờ phải không?”

Cô ấy gật đầu. “Cứ đi vòng ra cửa sau. Đấy là khu vực riêng của tôi. Ned có thể tự mình trông quán một đêm, đúng không cưng?”

Tại đầu kia của quầy bar, Ned lật một tờ của trang thể thao. “Ừ, đương nhiên rồi”, anh ta nói.

Hẳn có điều gì đó lộ trên mặt tôi khi nghĩ Ned tự mình trông quán ra sao, bởi Vivien cười ha hả.

“Anh có thấy ấn tượng anh gây cho cô gái này không Ned?” Cô ấy hỏi anh ta. “Cô ấy thậm chí không thể hình dung nổi cảnh anh làm việc này.”

“Cô ấy chưa nhìn thấy anh hành động thôi”, Ned đáp với cái nhún vai tùy tiện.

Vivien hạ giọng và hất đầu về phía đồng nghiệp. “Nói chung chúng tôi chỉ giữ anh ấy ở đây bởi tài pha màu quá khéo của anh ấy”, cô ấy giãi bày. “Nhưng thi thoảng anh ấy thực sự cứ ngồi yên một chỗ thế đấy. Cũng thú vị ra trò nhỉ.”

“Tiếp tục đi”, người đàn ông ở quầy bar điềm nhiên thách thức, “và đêm nay quán rượu sẽ mở cửa đấy cưng à. Miễn phí cho toàn bộ khách”.

Tôi bật cười. “Cô có muốn tôi mang gì đến tối nay không?”

“Mang người đến thôi. Cô có chắc mình đủ sức không thế?”

“Ngủ một hai giờ là tôi sẽ đâu vào đấy ngay”, tôi quả quyết.

Tôi đang cảm thấy kiệt quệ. Nhưng không hiểu sao, thay vì đi thẳng về nhà lúc rời quán Sư Tử Đỏ, tôi lại thấy mình rẽ phải và thơ thẩn đi ngược lên đường Thượng hướng về phía nhà thờ.

Rõ ràng ở đây có mưa đêm hôm trước, giống Luân Đôn. Ngoài bầu trời u ám trên cao, vỉa hè vẫn ẩm ướt, mùi đất ngai ngái, cỏ đẫm nước và những bông hoa sũng mưa ủ rũ trong không khí ban chiều. Người ta có thể bắn thẳng một quả đại bác trên đường mà không trúng nổi một linh hồn, ngôi làng yên tĩnh vậy đấy, nhưng các vết chân dính đầy bùn đất ở nhiều nơi trên con đường rải sỏi ít nhất cũng cho thấy dấu hiệu của vài người đã thức dậy đủ sớm để đi lễ nhà thờ.

Cũng có những dấu chân hướng lên con đường rợp bóng dẫn về tòa trang viên. Những dấu chân của Iain Sumner, tôi suy luận, khi có hai vệt dấu chân đi vào và chỉ có một hàng dấu chân lại đi ra. Trong cơn bốc đồng, tôi rời đường lớn và bắt đầu đi lên con đường nhỏ, giày của tôi giẫm bì bạch trên lớp bùn dần khô. Chỉ là cơn bốc đồng vẩn vơ thôi, tôi tự nhủ. Tôi thực sự chưa nhìn kỹ ngôi nhà trong lần viếng thăm mới đây và nghi ngờ khả năng Geoffrey de Mornay sẽ thấy phiền nếu tôi chỉ ngó qua một vòng.

Con đường tĩnh lặng và vắng vẻ. Bên tay trái của tôi, qua hàng cây chen nhau san sát, tôi chỉ có thể phác lên đường nét mờ mờ của nhà thờ, những bức tường đá vàng của nó mờ đục hẳn trong không gian vắng ánh nắng mặt trời. Con đường ôm lấy nghĩa địa nhà thờ vòng một góc trong trơn tru, rồi lại được nắn thẳng khi đến gần tòa trang viên. Trước mặt tôi lờ mờ hiện lên cổng vườn dành cho khách bộ hành dẫn đến lối vào phía bắc của lâu đài, một khung cửa không có giá đỡ được đẽo từ đá vôi xám, một cái gờ kèm khối cầu trang trí phủ lên trên. Một biển hiệu đặt một bên cổng lịch sự thông báo: “Chào mừng đến lâu đài Crofton. Mạn này dùng cho gia chủ. Khách tham quan xin mời sử dụng cổng phía đông, dẫn vào từ đường Thượng”.

Quả là chu đáo, tôi nghĩ, để hướng dẫn cho những người bị lạc. Mà cũng khiến họ không cảm thấy khó chịu khi phải quay lại lối vừa đi vào. Một cánh cổng nhỏ gắn với bức tường đá thấp bên tay trái dẫn vào khu nghĩa địa nhà thờ, mời chào đi tắt trở lại đường Thượng.

Bên tay phải của tôi, một tòa nhà dài và thấp lợp mái đá vươn khỏi cổng vườn bệ vệ trước mặt. Mùi hăng hăng dễ chịu lan ra qua khung cửa rộng mở ngay lập tức cho thấy đây là chuồng ngựa của lâu đài. Sự do dự của tôi chỉ dừng trong chốc lát. Tôi chưa bao giờ có thể kháng cự nét quyến rũ gần như nam châm trước sự hiện diện của những chú ngựa. Quên đi tất cả về tòa dinh thự, tôi bần thần bước về phía khung cửa lớn, tiếng ruồi nhũng nhiễu không mấy phiền hà bên tai tôi.

Đập vào mắt tôi là khu chuồng ngựa cũ kỹ được xây từ những phiến đá xám thô ráp trông giống hệt loại dùng để xây nhà tôi. Đá sa thạch, Vivien đã gọi chúng thế. Con ruồi lại vo ve bay qua, lần này lớn tiếng hơn và tôi lại xua nó đi. Bên trong, chuồng ngựa ấm áp và thơm ngát, tôi ngừng chốc lát để mắt quen với ánh sáng mờ.

Ở đây có bảy gian có cửa sổ, hầu hết đều là loại hai khung hai cánh mạ chì độc đáo, với những con nhặng xanh thỏa thuê đập cánh o o bên lớp kính. Trong chín ngăn chuồng thẳng hàng thì có sáu ngăn chứa ngựa, đủ các màu từ đen huyền như màn đêm đến nâu vàng óng ả. Nhưng có một con ngựa xám trong góc chuồng phía xa, đã thu hút ngay sự chú ý của tôi.

Đó là một con ngựa giống, cao đúng mười sáu gang tay[2], với cái cổ vươn cao ngạo nghễ và khuôn mặt vương giả gợi nhớ đến những bãi biển lộng gió gồ ghề và những vương quốc ngoại giáo xa xôi. Khi bước lại gần hơn, con ngựa xám quay đầu về phía tôi, đôi mắt đen của nó ánh lên thoáng tò mò và mũi nó khẽ khụt khịt. Tôi vươn bàn tay vuốt chiếc mũi mượt như nhung, làm hai lỗ mũi đang phập phồng xinh xẵn của nó hơi run lên đáp lại, khi hít vào mùi của tôi.

[2] Đơn vị đo chiều cao của ngựa, mỗi gang tay bằng 4 inch khoảng 10cm.

“Xin chào, Navarre”, tôi âu yếm chào nó, “bé cưng xinh đẹp”.

Con ngựa sục mõm vào tay tôi, tìm kiếm sự cưng nựng trái phép. Và nó có thể đã được vuốt ve một cái nếu giây phút ấy tôi không nghe thấy tiếng bước chân đang tiến lại gần - những bước chân chắc nịch, tự tin cùng tiếng huýt sáo vui vẻ. Tôi tội lỗi quay phắt lại và đứng trân trân nhìn cánh cửa với hai bàn tay giấu sau lưng như một nữ sinh mắc lỗi.

Nhưng không có ai tiến vào.

Đàn ruồi càng lúc càng réo rắt ồn ã hơn trên các khung cửa kính, dìm tiếng tim đập dồn dập của tôi chìm nghỉm, tôi chớp mắt trước ánh đèn điện đột ngột sáng bừng, thứ rõ ràng không có mặt ở đây một lúc trước đó. Khung cửa sổ mạ chì biến mất, được thay vào bởi những khung cửa đôi tiết kiệm năng lượng. Cũng bay biến là các ngăn chuồng ngay ngắn, ở vào vị trí của chúng là các lô giữ ngựa gọn gàng và rộng rãi hơn. Còn con ngựa sau lưng tôi, khi tôi thu đủ dũng khí để nhìn, không còn mang màu xám nữa, mà là một con ngựa hồng mao sẫm màu, đang tò mò nhìn tôi từ bức tường an toàn tít phía xa.

Tôi không có thời gian phân tích chuyện gì vừa xảy đến. Tôi bỏ chạy. Bỏ chạy khỏi chuồng ngựa, băng qua con đường và xông vào cánh cửa dẫn đến khu nghĩa địa tôn nghiêm im lìm, và nếu không vấp phải một rễ cây ngoằn ngoèo, tôi chắc chắn sẽ tiếp tục chạy thục mạng

Tôi ngã sõng soài ra đất giữa đám cỏ mọc um tùm cạnh tường nhà thờ, cú ngã khiến tôi không thở nổi, phải nằm yên một lúc. Và khi tôi nằm đó, thở hổn hển, hy vọng không có ai đó nhìn thấy mình trong tình trạng bất nhã này, ánh mắt rơi tự do lên một phiến đá bạc thếch cách tay tôi một quãng ngắn.

Đó là một phiến đá cổ, dựng lên một góc khó tin và bị dây tường vi quấn dày đặc, nhánh tường vi bao kín phiến đá đến mức chỉ có thể đọc được tên của người nằm yên nghỉ bên dưới:

Mariana… Đăng bởi: admin

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mariana

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook