Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 11: Từ trời rơi xuống từ biển bơi lên

Lý Thanh

07/06/2020

Tối hôm đó, chị Vinh gọi điện cho Hạnh, nhờ việc đi làm phiên dịch giúp cho một hội từ thiện, The Salvation Army. Đây là việc đôi khi chị Vinh nhận làm thêm để có thu nhập và có cơ hội đi ra vùng bên ngoài ngôi làng nhỏ ở gần Guildford. Chị kể có những lần chị đi làm phiên dịch cho tòa án và cảnh sát. Họ trả theo giờ nhiều tiền hơn làm dịch thuật bình thường, chỉ có điều vào nhà giam gặp người Việt Nam bị bắt giữ khiến chị buồn và mất ngủ nên chồng bị cấm không cho đi nữa. Hạnh nghĩ chị Vinh ở Anh lâu nên mắ̃c tính mẫn cảm không cần thiết của các bà người Anh. Còn cuộc đời thiếu gì cảnh ngang trái. Ngay từ khu chung cư nhà ba mẹ Hạnh ở Linh Đàm, Hà Nội đi vào làng Định Công là đã có bao nhiêu chuyện sinh hoạt phức tạp của cư dân ven đô. Hạnh cũng không lạ gì chuyện phức tạp của người Việt gốc tỵ nạn, gốc vượt biên ở Anh, chỉ nghe chị chủ nhà kể một hai lần là 'đầy cả tai'.

Hẹn tại ga Victoria với một phụ nữ Anh tên là Rachel, Hạnh nhận ra cô ta qua chiếc áo len có đeo luôn huy hiệu của Salvation Army. Gọi là 'Army' nhưng họ không phải quân đội, chỉ xưng tên như Đội quân Cứu rỗi của Chúa. Ngồn trên tàu theo tuyến về Brighton, Rachel mở sổ, giới thiệu cho Hạnh nội dung công việc dịch thuê. Ôi, tưởng là việc từ thiện gì, hóa ra là làm phỏng vấn cho một người xin tỵ nạn. Anh ta được hội từ thiện bảo trợ mà muốn giúp kiện cảnh sát Anh để chứng minh là nạn nhân của tệ buôn người và đề nghị tòa án xử trắng án tội trồng cần sa. Thôi đã nhận lời chị Vinh thì đành làm chứ Hạnh không hề cần tiền, và lại càng không cần quen biết những giới phức tạp thế này.

Xuống một nhà ga trước Brighton ba bến, Rachel gọi taxi đen (black cab) đến một căn nhà mà chị ta bảo là 'safe house' (nơi trú ẩn bí mật). Hạnh không thấy có gì là bí hiểm vì nhà nằm trong một dãy terrace house bình thường ở con phố xơ xác ngoài rìa thị trấn, bên cạnh đường hai làn xe chạy. Họ ra góc phố đợi thêm một phụ nữ Anh đã quá tuổi trung niên, trông có dáng là sếp. Bà ta đi đến bằng xe hơi riêng. Rachel có vẻ sợ bà, và nói trước với Hạnh đó là phó giám đốc chi nhánh của Hội từ thiện cho cả vùng London và Southeast. Việc bà phải đích thân đến là dấu hiệu vụ việc rất quan trọng cho Hội. Thêm 15 phút đợi thì một người cảnh sát đi motorcycle đến. Hạnh chẳng hiểu chuyện gì. Họ cần cô phiên dịch để làm hồ sơ cho người Việt kia kiện cảnh sát, đòi được thả ra, mà vẫn mời cảnh sát đến bảo vệ. Thế mới là nước Anh. Anh cảnh sát cao to, đẹp trai bấm chuông ở cửa căn nhà. Một người đàn ông tóc bạc mở hé cửa, vẫy mọi người vào. Hạnh cười thầm “Chẳng khác gì hoạt động bí mật”. Sau khi họp qua chừng 10 phút và xác định ai làm gì, người đàn ông đầu bạc gõ cửa một phòng khác, mở ra cho Hạnh và Rachel vào. Từ chiếc giường đơn, một người đàn ông trẻ, đầu cạo trọc, cổ đeo dây chuyền vàng, bật dậy, thò chân xuống quơ hai chiếc dép lê, nhìn mọi người vẻ ngơ ngơ. Anh ta nhìn Hạnh chằm chằm, nghi ngại. Ông đầu bạc trấn an, bằng tiếng Anh “Don't worry, Andy!” (Andy, đừng lo ngại gì!)

Hạnh hỏi luôn bằng tiếng Việt:

“-Anh tên là Andy?”

Người đàn ông không rõ tuổi bao nhiêu, quay khuôn mặt sạm đen nhìn sang ông đầu bạc. Ông gật đầu ra dấu là nói chuyện với Hạnh thì không sao. Anh ta lúc ấy mới nhìn sang Hạnh nói bằng giọng miền Trung rất nặng:

“-Dạ, em tên là An, ông Michael gọi em là Andy. Nhưng em không được nói tuổi, và họ tên thật cho ai. ”

Hạnh đã từng nghe về chuyện người xin tỵ nạn ở Anh khai theo kịch bản mà luật sư, hội từ thiện, tổ chức nhân quyền dạy cho, để đạt mục đích là ở lại nước Anh, nhưng đây là lần đầu tiên cô gặp một đồng hương vào đúng vai đó. Cũng không lạ. Hội Salvation Army được Bộ Nội vụ Anh trả tiền để chăm lo người xin tỵ nạn. người tỵ nạn thế này 'tạo công ăn việc làm” cho ít ra là vài ba người Anh khác, từ nhân viên sở xã hội, hội từ thiện đến luật sư, nên họ có quyền lợi trong việc “nuôi” vụ kiện càng dài càng tốt.

Càng dịch cho An, một ngư dân Quảng Bình, Hạnh càng cảm thấy khó chịu vì chính cô phải nói dối. Câu chuyện đầy lỗ hổng, trái với mọi logic bình thường nhất nên dịch ra câu nào Hạnh thấy ngượng câu đó. Thế mà Rachel cứ chăm chú nghe, còn nhìn Anh với đôi mắt xót thương, tới mức ướt át, sắp khóc. Theo đúng lời khai của An thì anh ta đi thuyền đánh cá ra biển và bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ôm phao trôi trrên biển hai ngày thì được hải quân Việt Nam cứu về. Nhà ở quê, mất chiếc thuyền đánh cá là mất hết, An sa vào nợ nần và phải vay xã hội đen để kiếm sống. Không trả được tiền nên anh ta bị dọa giết. Cuối cùng, vẫn theo lời kể đó, anh ta vào Nam, rồi đi máy bay sang một nước Đông Nam Á mà anh ta không biết là nước nào. Từ đó, anh ta đi máy bay tới nước Anh. Hạnh hỏi:

“-Anh có nhớ là xuống sân bay nào không?”

“-Máy bay đáp xuống buổi đêm nên em không nhớ gì hết. Họ đưa em vào một căn nhà, nhốt em, đánh em, xích chân em, rồi bắt trồng cây cần sa, ma túy.”



Hạnh nhăn mặt quay sang bảo Rachel:

“-Cô có muốn tôi hỏi thêm chi tiết về việc Andy vào UK thế nào không, vì anh ta nói là bay vào đây nhưng không nhớ ở đâu, khi nào?”

Rachel lắc đầu:

“-Nhiều người xin tỵ nạn, nạn nhân của tệ buôn người đều có lời khai tương tự. Kể cả khi họ bị bắt từ xe thùng ngay bờ biển sau khi từ Pháp, Bỉ, Hà Lan vào Anh. Chúng ta cứ ghi đúng những gì Andy nói, còn việc xem xét là của tòa.”

Theo cách Rachel ghi lời khai làm hồ sơ thì Hạnh hiểu là hội thiện nguyện này muốn chứng minh An là nạn nhân của các băng đảng buôn người, và cần được cứu giúp. Tòa án Anh thường coi ai bị mất tự do một hai ngày bởi băng đảng là có tiêu chuẩn 'nô lệ hiện đại'. Hạnh nhớ lại đoạn cảnh sát chặn xe tải bắt người ở gần Southend-on-Sea hôm rồi. Người bị bắt là người mình, người Afghanistan, Iran, hay Ấn Độ? Ai cũng thế, di dân bất hợp pháp từ đoàn đoàn lũ lũ liều mình vượt biển vào Anh, nhưng luôn khai là đi bằng đường hàng không để không bị trục xuất về nước vừa đi qua ở châu Âu, theo các quy định quốc tế. Nước Anh làm sao trả họ về điểm xuất phát 'không rõ chỗ nào' ở vùng Đông Nam Á xa xôi? Tay luật sư nào soạn ra kịch bản cho người di dân này thật là tinh khôn. Hai giờ làm phiên dịch cho công việc cực chẳng đã đem về cho Hạnh 450 bảng Anh, cộng thêm cả chi phí tàu xe. Trước lúc về, người đàn ông Quảng Bình van nài Hạnh:

“-Chị xin bác Michael và các bà Tây làm sao giúp để em ở lại nước Anh. Họ bảo em làm gì em cũng làm.”

Hạnh lạnh nhạt nhấc túi đứng lên:

“-Chắc anh cũng đã biết là hội từ thiện đang giúp hết sức nhưng còn tùy anh may mắn thế nào, và tòa án sẽ xử.”

Anh ta giúi vào tay Hạnh một mảnh giấy, bảo nhanh khi những người Anh không nhìn thấy:

“-Có chi chị ra ngoài gọi giúp em số này, nói là Tiến vẫn khoẻ, đã sang Anh rồi chị nhé.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook