Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 7: Nửa đường tới Thiên đàng.

Lý Thanh

25/05/2020

Quán Halfway II Heavens (Nửa đường tới Thiên đàng) nằm không xa quảng trường trung tâm Trafalgar Square. Karl hẹn Hạnh đến ăn tối sau kỳ thực tập rất thành công của cô ở Barclays. Hạnh đến sớm, bước vào, chọn một chỗ ngồi giữa các ánh mắt là lạ của ba bốn gã đàn ông Anh đứng bên quầy bia. Hạnh hơi lúng túng nhưng mặc kệ, cứ ngồi xuống bật điện thoại ra xem tin, chắc mươi phút nữa Karl tới. Một anh chàng mặc chiếc top bó sát người, đeo khuyên ở cả tai và mũi, ra bàn hỏi Hạnh uống gì. Hạnh nói: “Bạn tôi đã đặt bàn, vậy chỉ xin một ly juice trước đã.” Đúng ra là Hạnh mời Karl đi ăn để cảm ơn về những lời khuyên quý báu giúp cô không chỉ có được lời đánh giá ‘outstanding’ (xuất sắc) từ giám đốc nhân sự của chi nhánh đầu tư quốc tế, mà còn có lời hứa nhận việc sau khi tốt nghiệp. Tất nhiên, là người Việt Nam, cô sẽ phải chờ có thị thực loại Tier2 mà công ty cứ xin cùng đơn bảo trợ (sponsorship), còn Bộ Nội vụ Anh cấp hay không là việc khác.

Một trong những điều Karl bảo Hạnh phải làm là tìm ra một người principal (hướng đạo, chỉ dẫn) trong ngân hàng nhận giúp cô định hướng nghề nghiệp để chọn tiếp các khóa học ở trường. Các ‘đại gia’ trong ngành tài chính, ngân hàng ở khu City thường hợp tác với những đại học hàng đầu tổ chức hội chợ nghề nghiệp (recruitment fair) hoặc các buổi nói chuyện mở rộng cho tất cả để người ngoài đến tìm việc, và nhân viên thì tìm cơ hội đổi việc. Ở một buổi như thế, Hạnh đã làm quen với một chuyên gia ngân hàng đầu tư dày kinh nghiệm. Bà là người Nhật nhưng đã sang Anh từ tuổi thiếu thời, và có vẻ mến Hạnh từ câu chuyện đầu tiên nên đã hứa sẽ dành cho cô hai buổi ‘coaching’ ngắn, một vào tháng tới, và lần nữa trước khi tốt nghiệp. Mấy tuần thực tập trong khu One Square Mile (Một Dặm Vuông – trung tâm tài chính London) mở hẳn tầm mắt của Hạnh.

Đầu tiên là về đồng tiền. Khi thấy những tay buôn chứng khoán mới vào nghề, tuổi chỉ ngoài 20, quay vòng hàng tỷ đôla, euro, pound sterling, franc Thụy Sĩ, yen, tiền RMB của TQ, mỗi buổi giao dịch thì cảm xúc với đồng tiền của Hạnh khá hờ hững. Tiền tỷ cũng chỉ là những con số trên màn hình, không hơn không kém. Nhưng nhìn vào thu nhập của dân kinh doanh ở khu City Hạnh lại thấy một điều khác: họ phải có động lực ham tiền, và kiếm tiền càng nhiều càng ham, như đánh bạc vậy. Hạnh nhẩm ra mấy con số. Lương năm của người làm công ở London trung bình là chừng 27 nghìn bảng Anh, tính là khoảng 34-35 nghìn đô Mỹ. Thu nhập của dân kinh doanh ở City mức khởi điểm đã gần gấp đôi con số lên tới 60 nghìn đô. Lên một chức vụ tầm trung, đồng lương năm đạt 150-200 nghìn đô. Ai làm 'partner' tức thành viên đồng sở hữu việc kinh doanh cùng công ty thì lương cũng vài trăm nghìn, cộng thêm có tiền thưởng tới cả nửa triệu, một triệu, tùy vào thương vụ thành công tới đâu. Giới giám đốc thì lương không theo bậc mà theo hợp đồng thỏa thuật sẵn, cỡ 2-3 triệu đô một năm.

Nhìn xuyên qua những con số khủng khiếp ấy, điều Hạnh thấy, quan trọng hơn tiền là ‘networking’, là kết nối, quan hệ, giao tiếp. Bởi trong thế giới của tiền triệu, các con số tự nó không còn ý nghĩa bằng quan hệ người với người. Quen biết người ta giúp nhau kiếm tiền triệu, và ngược lại, va chạm quan điểm, tính cách lại gây cảnh lừa nhau, hại nhau làm mất tiền triệu hoặc cùng dắt nhau vào tù. Quan sát đàn ông ở City, Hạnh vừa ngưỡng mộ họ, vừa lo ngại. Trong các tay buôn chứng khoán trẻ say tiền không ít người dùng ma tuý. Các vị giám đốc già thì đôi khi Hạnh chỉ nhận diện trên báo, mục đăng tin về ly hôn với lệnh của tòa buộc họ phải chia cho vợ hàng triệu để được “ra đi”, dọn vào căn hộ ôm một cô bồ trẻ hơn. Họ cũng là xã hội Anh thu nhỏ, nhưng được ép lại trong một không gian đầy tiền bạc và andrenaline, đủ các quy tắc tân, cổ, các nghi lễ sang trọng và chẳng thiếu thị phi. Hạnh hiểu vì sao Karl lại bỏ việc ở City đi làm riêng, tiền ít hơn nhưng có gì đó của chính mình, vì mình, tránh xa lối sống bầy đàn.

Karl bước vào, đầu không đội mũ, mái tóc chẳng còn nhiều lại còn cắt ngắn hơn nữa. Karl chúc mừng Hạnh đã xong kỳ thực tập và gọi các món ăn. Nhóm đứng bên quầy bước lại gần bắt tay Karl. Họ đã quen nhau từ lâu. Hạnh hỏi có phải Karl thường đến đây. “Đúng thế, không chỉ quán này, nhưng còn nhiều quán khác trong Soho,” Karl cười, nheo mắt nhìn Hạnh. Hạnh không hiểu ý tứ của ánh mắt đó. Họ nói sang chuyện món ăn bán ở khu Soho và Chinatown của London. Karl là người vùng phía Bắc Anh, khi mới về thủ đô đã phải bươn trải từ chân chạy bàn ở chốn nhậu nhẹt, ăn chơi của thủ đô cho đến khi có được công việc như hôm nay. Anh biết nhiều chuyện về lịch sử đồ ăn nước ngoài du nhập vào Anh. Karl kể rằng ẩm thực cao cấp ở Anh chủ yếu đến từ Pháp nhưng tập hợp ở các khu West End sang trọng, còn khu Soho sau Thế Chiến 2 là đất làm ăn của di dân người Ý. “Mình có bạn gốc Ý nên biết. Đấy, cái quán nhỏ Bruno giữa Soha là một trong những quán đầu tiên nhà ông cậu bạn mở ra. À mà người Do Thái cũng có mặt, bên Soho có nhiều quán mì pasta của Ý và còn sót lại quán Do Thái bán bánh kẹp bagel cho dân nghèo”. Ồ, thế à, thú vị quá. Hạnh chỉ biết hiện nay, Soho còn là bãi đáp của dân ăn chơi nên có nhiều nhà hát, ca kịch, các tiệm sex shop, và nhiều điểm tụ họp của người đồng tính.

Nghe Hạnh nói vậy, Karl hào hứng kể lại cuộc đấu tranh đòi bình quyền của giới đồng tính tại Anh mà biểu tượng là lá cờ Cầu Vồng. Đang nhấc ly rượu vang lên miệng, tay Hạnh bỗng cứng lại. Cô thấy ngay đằng sau Karl trên tường của quán là một dây cờ màu cầu vồng. Ngực cô nhói một cái nhưng Hạnh cố giữ bình tĩnh. Từ hôm làm việc ở ngân hàng cô học được cách ghìm nén cảm xúc để không run giọng nói, “So this pub is also where you guys hang out?” (Quán này cũng là nơi các anh hay tụ tập?). Nói xong cô thấy hài lòng với điềm tĩnh của chính mình. Karl ấp úng: “Đúng thế. Bạn thấy thoải mái chứ?” Hạnh cười mà trong lòng đau xót vì sự hiểu lầm ngốc nghếch của mình. Tuy thế, Karl thoải mái hẳn khi đã thổ lộ với Hạnh về chất đồng tính của mình. Karl kể đó cũng là một lý do bỏ nhà ở tỉnh lẻ để đến London, nơi nổi tiếng về sự bao dung với giới LGBT. Lúc chia tay, Hạnh không cho Karl trả tiền. Nhất quyết là như vậy. Karl hẹn lần sau mời Hạnh đi ăn cơm Việt Nam để Karl có dịp trả tiền. Không sao hết. Chắc hai người sẽ vẫn là bạn. Hạnh nghe nói ở đâu rằng không ai hiểu con gái hơn các bạn nam đồng tính. Ít ra cô tạm tin như vậy nhưng bước lên tàu hai chân sao nặng vô cùng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook