Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 20: Đừng để trái tim hóa đá

Lý Thanh

18/06/2020

Hạnh ngồi rất lâu ở bờ sông Maas. Chiều xuống, dòng sông trở nên nhộn nhịp hơn trước. Nhiều thuyền kayak phóng nhịp nhàng trên làn sóng. Bên sông, người dân Hà Lan đạp xe, đi bộ, chạy thể dục và đi dạo khá nhiều. Những người già thì đi với nhau, hoặc dắt chó đi chơi dọc phố. Một con chó nhỏ, lông trắng chạy đến trước mặt Hạnh, chìa cái mõm nhỏ ra và mở đôi mắt to tròn xoe ra nhìn cô. Hạnh vừa lấy một miếng bánh mì nhỏ định cho nó ăn thì có tiếng nói “Nee, nee”. Chủ con cún là một bà già tóc bạc, khoác chiếc khăn màu xanh nước biển trùm vai, tiến lại nói một câu mà Hạnh không hiểu.

“-Xin lỗi bà, tôi không biết là chó không ăn bánh mì,” Hạnh giải thích bằng tiếng Anh.

“-Ồ, không sao, xin lỗi cô. Tôi nghĩ cô là sinh viên ở đại học đây.”

Bà cụ đáp lại Hạnh bằng tiếng Anh và chỉ tay về khu ký túc xá của đại học Maastricht như giải thích cho sự hiểu lầm. Bà dừng lại, ngồi xuống ghế bắt chuyện. Con chó nhỏ nhảy tót lên ngồi vào giữa hai người, nhìn Hạnh sủa nhẹ, 'gâu gâu'. Hạnh vuốt đám lông dính cả vào mắt nó rồi đột nhiên bật khóc. Bà cụ vội tìm mảnh khăn tay giấy đưa cho cô và hỏi chuyện.

Bà Betje dẫn Hạnh về nhà ở ngay gần trường đại học. Nghe Hạnh kể tình cảnh đã bị mất cắp đồ và xe hơi của bạn bị hỏng – Hạnh không nói thật chuyện Lucio bị cảnh sát giữ - và không biết đi tiếp tới Paris bằng cách nào, bà cụ nói:

“-Cháu phải nghỉ ngơi, trấn tĩnh lại rồi tính xem đi tiếp ra sao. Chiều muộn rồi, không còn tàu xe nào để cháu sang Pháp lúc này.”

“-Vâng, cháu cảm ơn bác nhưng không muốn làm phiền quá đâu ạ.”

Nhà bà Betje ở trên tầng ba, nhìn ra là một ban-công sát hàng cây xanh. Bà đã về hưu và góa chồng, con gái ở riêng tận Rotterdam, vài tuần mới về thăm, nên bà chỉ chăm con chó nhỏ. Hàng ngày bà dắt chó đi dạo, hẹn với các bạn già ngoài công viên và khu phố cổ để ăn trưa, tán chuyện. Hạnh nhìn căn hộ có nền gỗ đen bóng như các nhà phố cổ Hà Nội, phòng khách không to nhưng trang trí bằng rất nhiều tranh tượng mà thèm cái không gian sống văn minh của bà cụ. Nhưng trước mắt cô là bao điều cần lo nên Hạnh chỉ nhìn thoáng qua mấy bức tranh giấy và tranh lụa có nét màu châu Á mà không hỏi gì thêm.

Bà Betje nấu súp thịt với cà rốt và hạt lúa mạch. Trong lúc chờ súp chín, bà tìm trong tủ ít quần áo của con gái cho Hạnh đi tắm và thay đồ. Hạnh ngại quá nhưng thôi đã lỡ bước thì nhờ cậy bà cụ cho chót. Còn cảm ơn bà thế nào thì Hạnh chưa nghĩ tới.

Hai người phụ nữ mới quen ngồi ăn bên chiếc bàn gỗ cũng một màu đen nhánh như sừng. Súp nóng ăn với bánh mì đen làm Hạnh ấm lòng và hoạt bát hẳn lên. Nghe Hạnh kể về cuộc sống ở Việt Nam, bà Betje cười bảo:

“-Thú vị quá, lúc nhìn cháu ở ngoài bờ sông bác cũng nghĩ không phải người Trung Quốc, mà cũng không phải Indonesia.”



Bà Betje chỉ các đồ vật trong nhà:

“-Toàn kỷ vật của gia đình từ Sulawesi đấy.”

Hạnh ngạc nhiên:

“-Bác đã đi thăm Indonesia?”

“-Bác sinh ra ở đó và sau khi Indonesia độc lập thì cha mẹ mang bác về nước, nên có thể nói bác có hai quê hương. Sau đại học y, bác đã về lại Indonesia làm bác sĩ cho Chữ Thập Đỏ nhiều năm...”

Thế rồi bà Betje kể cho Hạnh đủ các chuyện thời trẻ ở xứ ngàn hòn đảo trải từ Đông Nam Á sang tại phía đông của Thái Bình Dương. Hạnh nghe như hớp từng lời. Cuộc sống của phụ nữ châu Âu sao thích thế nhỉ. Họ dấn thân đi khắp mọi miền của thế giới để khi hồi hương vẫn có cuộc sống rất tốt đẹp ở quê nhà. Tại sao mình không làm như họ được? Mình có kém về kỹ năng sống, về trí tuệ gì đâu? Hay là hạn chế chỉ do chúng ta tưởng tượng ra rồi áp đạt cho mình, Hạnh vừa uống cốc trà Teh Putih bà cụ pha vừa nghĩ.

Bà Betje gọi điện cho con gái, nhờ xem giúp cách đi tàu xe để Hạnh chọn cách nào khả dĩ nhất đi khỏi Hà Lan. Câu trả lời của người phụ nữ không quen biết ở Rotterdam là Hạnh có thể đi tàu hỏa tới Brussels rồi nối chuyến đi Paris, hoặc mua vé xe coach đi thẳng về Anh nhưng phải trả thêm tiền đi phà từ Calais tới Dover. Cô hỏi thêm về cách rẻ tiền nhất để bay khỏi Hà Lan và được gợi ý là đi xe lửa tới Amsterdam, đổi vé chuyến bay từ Paris thành vé từ sân bay Schiphol về London. Hạnh cảm ơn bà Betje và con gái bà. Cô cần thời gian để tính ra xem tiền cho từng phương án là bao nhiêu.

Bà chủ nhà vào bếp dọn dẹp, Hạnh ngồi trên chiếc sofa to và ấm áp trong phòng khách, nhìn những bức tranh và mặt nạ Indonesia trên tường, nghĩ ngợi mông lung. Cô lo cho Lucio và lo cả cho một sự nhầm lẫn kinh khủng của bản thân. Có thật anh ấy bị oan, hay chính là một tay buôn 'hàng trắng' dày dạn xuyên biên giới? Những dòng kỷ niệm dồn dập ùa về làm nỗi nghi hoặc đó cứ thêm rõ nét. Hạnh nhớ chỉ trong vài ngày đi với nhau, Lucio đã tiêu gần 1000 euro, luôn là tiền mặt. Không hiếm lần, ngay từ sáng sớm Lucio để Hạnh một mình trong phòng khách sạn, xuống xe gọi điện rất lâu. Lúc trở lại, Lucio bao giờ cũng hôn Hạnh đằm thắm và tỏ ra chăm sóc quá mức. Hạnh rùng mình không dám nghĩ về sự thật phũ phàng. Cô đã gửi gắm tình cảm và thể xác vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Cô sợ rằng nếu Lucio khai thêm ra là họ đã gặp nhau ở Slovakia, cảnh sát biết đâu không tìm cô để thẩm vấn thêm. Ở lại châu Âu thật nguy hiểm. Hạnh muốn rũ bỏ cuộc chơi thật vui nhưng đến lúc phải chấm dứt và quyết định chọn đường bay thẳng từ Amsterdam về Anh.

Bà Betje mang ra một album, cho Hạnh xem những ảnh đen trắng của bà và gia đình hồi ở Indonesia. Hạnh không biết nhiều về lịch sử xâm chiếm thuộc địa của người Hà Lan. Chắc họ như là người Pháp ở nước ta trước đây, có đóng góp, kiến thức, mở mang cho xứ châu Á lạc hậu, nhưng cũng có cưỡng bức, bóc lột. Bà Betje không nhắc gì tới những chuyện đó, mà chia sẻ với cô về cha mẹ và cô con gái. Bà không cô đơn, chỉ tiếc là con không ở gần hơn. Tuổi già làm bà nhớ về tuổi thơ mạnh hơn, sắc nét hơn. Bà kể hòn đảo Kalimantan có truyện cổ tích Batu Menangis về hòn đá biết khóc. Truyện nói rằng có người con trai Malin Kundang, nhà nghèo phải đi làm ăn xa. Những năm cơ cực ở xứ người anh ta luôn tâm niệm là kiếm tiền về cho cha mẹ thoát nghèo. Ngày trở về thì cha anh đã mất, con người mẹ sao vẫn cứ nghèo hèn, lại còn già và xấu đi đến thế. Người con trai khinh mẹ và bị bà rủa. Lời nguyền biến anh ta thành hòn đá. Một biến thể khác của truyện Batu Menangis là về cô con gái. Khi đã có tiền, cô ta xấu hổ không nhận mẹ là người sinh ra mình. Khách đến, cô ta bảo đó là bà người ở. Một hôm, người mẹ giận đã cầu trời phạt đứa con mất nết, biến cô ta thành đá. Bà Betje cho Hạnh xem một bức tượng nhỏ tạc hình người con gái Indonesia gầy còm, nửa thân biến thành đá, bàn tay bấu vào mặt đất, muốn chuộc lỗi.

“-Đây là lúc đứa con mới biến một nửa thành đá và đã biết hối hận, đã khóc, nhưng quá muộn.”

Vậy là người châu Âu giống người mình, mong con “lấy chồng gần”. Vận vào bản thân, Hạnh cảm thấy có lỗi với bố mẹ vì ngay từ lúc rời Việt Nam cô đã không muốn trở về, hoặc sẽ chỉ về khi đã thành đạt. Lúc đó cô có xử ác với cha mẹ không? Hạnh thề là mình sẽ không làm vậy. Vì sao đến đâu Hạnh đều phải đối mặt với câu hỏi về hay ở, đi đâu, làm gì và sống ra sao cho mình, cho gia đình? Người ta có câu 'Áo gấm về làng' quả không sai. Ai bước chân đi mà chẳng muốn ra về trong vinh quanh, nếu không phải là bằng cấp từ nước ngoài thì cũng phải có tấm chồng đàng hoàng. Đầu tư tiền bạc cho việc du học là chuyện không nhỏ cho gia đình, Hạnh luôn tâm niệm như vậy. Và đã đầu tư thì phải có lãi cho dù đó là tiền cha mẹ cho cô. Cô phải biết cách sống sao cho hiệu quả nhất, những tình cảm đẹp, trải nghiệm lãng mạn trên vùng sông núi Slovakia đã ghi đậm dấu ấn trong cô, nhưng cô sẽ phải về London để tạo dựng một chỗ đứng. Tình yêu là cái gì đó mơ hồ quá, tới mức có hay không không ai hay. Điều có thực, sờ được, đếm được là vị thế cuộc sống, là nhà cửa, là việc làm. Những dòng suy nghĩ đó khiến Hạnh bớt lo buồn hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook