Kỳ Sử Dương Hậu

Quyển 1 - Chương 6: Hai năm dài sống yên ổn

Hoa Ban

26/05/2014

Từ sau vụ xem mắt thất bại đó, tôi luôn tự hỏi về vai trò của mình trong cuộc đời tỉ tỉ. Nếu không có tôi thì chị ấy đã đi lấy chồng, làm sao đợi đến ngày cùng Hoàng đế gặp gỡ? Nếu không là tôi thì cô em song sinh trước kia chắc chắn không có dũng khí làm như vậy.

Nhưng có lẽ, sẽ xuất hiện một yếu tố khác nào đó. Tóm lại là có tôi hay không, thì chắc chắn tỉ tỉ cũng không gả vào nhà họ Đặng. Có thể là phụ thân một trong hai nhà đột nhiên qua đời, con cái phải chịu tang 3 năm. Hoặc là chú rể ăn cá mắc xương chết tức tưởi, chưa kịp lấy vợ. Có khi do chính Vân Nga tỉ đổi ý, quyết tâm không chịu gả.

Hài lòng với những giả thiết của mình, tôi nhanh chóng quên đi chuyện đã qua, cứ sống bên cạnh Vân Nga chờ ngày nàng gặp được Đinh Tiên Hoàng. Trong đầu tôi vẽ ra một cuộc hội ngộ như trong cổ tích.

“Ngựa ngang qua chốn cầu mây

Đột nhiên Tấm bị rơi giày một bên

Nàng vội xuống ngựa mò liền

Tìm mãi không thấy Tấm bèn đi luôn

Mất một giày ngỡ chuyện buồn

Ai ngờ trong đó lại luồn điềm vui

Voi của vua chẳng ai xui

Ngang qua chỗ lội giật lùi chẳng đi



Lại còn gầm lên ầm ì

Vua sai lính xuống mò thì được ngay

Văn hài xinh xẻo chiếc giày

Vua cầm ngắm nghía trên tay chẳng rời

Rồi vua truyền lệnh một lời

Hễ trong đám hội có người quần thoa

Nghĩa là con gái, đàn bà

Đi vừa giày quý sẽ là vợ vua”

Không thì là kiểu như phim Hoàn Châu công chúa, nhà vua đi săn bắn không may cung tên đâm trúng một thôn nữ. Vua thấy nàng xinh đẹp như tiên liền rước về cung.

Ôm một đống tưởng tượng viễn vong tôi ngày càng hồi hộp chờ mong tin tốt. Năm nay chị 16, tuổi này thời xưa là đã trưởng thành. Chỉ không biết năm Dương Văn Nga làm Hoàng hậu là bao nhiêu tuổi. Có lẽ còn phải chờ 1-2 năm gì đó…



Thời gian nhanh như thoi đưa.

Chưa gì lại hết một kỳ xuân hạ thu đông. Tôi lại lần nữa vào tuổi 17.

Sáng dậy từ tờ mờ ăn vội chén cháo hành rồi ra vườn chăm rau. Nhà có đất nhưng không làm ruộng mà chuyên trồng rau xanh, từ rau muống, rau thơm, quế hương, đến rau ngỗ, giá đỗ, nấm các loại, còn có cả những thửa toàn cây thuốc nam. Hai chị em sớm chiều cứ lập đi lập lại vài việc: xới đất, gieo hạt, tưới nước, bón phân, bắt sâu, thu hoạch. May một điều là rau thường tươi tốt, ít khi nào dịch bệnh hay thất thu như trồng lúa. Mỗi lần hái là được cả xe bò đủ loại rau củ. Kế mẫu mỗi tuần đều chở rau lên kinh đô, bán cho các sạp ở chợ. Thỉnh thoảng cũng có đợt quan phủ ở Nga My cho thu mua số lượng lớn ở nhiều hộ gia đình, nghe nói là chở thẳng vào cung phục vụ yến tiệc gì đó. Phụ thân cũng tham gia việc làm vườn nhưng chủ yếu vẫn làm thầy đồ và hành nghề đại phu. Trong làng cũng có vài người giỏi chữ nhưng phụ thân là thông tuệ hơn cả. Ông có thể làm thơ, sáng tác câu đối và có lượng từ vựng dồi dào. Dân chúng đa số theo nghiệp nghề nông nên chuyện chữ nghĩa cũng không chú trọng, chỉ có số ít các gia đình phú hộ, nho sĩ là có mong muốn cho con học chữ để thi khoa cử. Tiền kiếm từ nghề đồ cũng không là bao. Về nghề y, ông chỉ biết vừa đủ qua vài cuốn sách thuốc nam phổ biến, chữa được thương hàn, cảm cúm, đau bụng, nhức đầu, ho hen. Nếu bệnh nặng hoặc phức tạp hơn thì ông đành chịu. Cứ như thế, gia đình 4 người làm lụng không dư dả nhiều nhưng thảnh thơi.

Nhiều lúc tôi còn quên mất mình là ai. Khả năng thích nghi của tôi thực quá tốt. Chỉ hơn 1 năm, tôi đã biến thành con người của thế kỉ X, đi đứng, ăn nói, lao động thành thục như bao người khác. Tôi đã biết kéo sợi, biết tính toán thiên văn cơ bản qua các chòm sao, biết tính năm dựa trên hệ can chi [1], thông thạo các đơn vị đo lường và quan trọng là học thuộc hơn 100 chữ Hán.

Mỗi khi giật mình nhớ lại, tôi phải tự nhắc nhở: Mình tên là Trần Thị Vân Nga, đã 18 tuổi, đến từ thế kỉ 21. Mỗi ngày qua đi, tôi luôn nghĩ xem hôm nay phải quay thêm bao nhiêu sợi, trồng thêm cây gì, thu hoạch cây gì, học thêm chữ nào. Nhiều lúc tôi sợ hãi thấy mình đã quên nhiều chuyện của thế giới nơi tôi từng sống. Để hạn chế điều này, tôi luôn dành một canh giờ trước khi ngủ để ôn lại chuyện cũ. Tôi hay hát bằng âm điệu “la lá la” những bài hát nhạc Pop yêu thích. Tỉ tỉ nghe, cứ ngỡ là tôi tự sáng tác ra, nên khen tôi có năng khiếu, còn bắt đầu viết lời cho những giai điệu đó. May là ở đây không có luật sở hữu trí tuệ nếu không tôi sẽ bị kết tội đạo nhạc mất!

Tôi còn có sở thích kể chuyện cho chị nghe. Những bộ phim cổ trang Hàn Quốc, Trung Quốc đều được tôi chế tác lại cho phù hợp rồi hiển nhiên biến thành các thiên tình sử lãng mạn. Tỉ tỉ lại bảo tôi có tài viết truyện thiếu nữ, giàu óc sáng tạo, có thể viết sách bán lấy tiền. Kiến thức từ thế giới hiện đại giúp tôi khôn lõi trong vài việc nhưng cũng đôi lúc đem tới rắc rối. Chẳng hạn như vô tình đọc một bài thơ từng học trong sách giáo khoa của Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hải Thượng lãng ông. Những người mà thời đại này còn chưa được sinh ra. Hậu quả là khiến phụ thân kinh ngạc rồi chuyển sang hoài nghi. Tôi phải giải thích lấp liếm là mình từng nghe từ ai đó. Cũng có lúc tôi để lộ thông tin về tương lai, nhưng may là tôi không giỏi sử, chẳng biết bao nhiêu nên lời nói cũng mơ hồ. Người nghe hoặc không hiểu hoặc cho rằng tôi nói xằng bậy. Những tình huống như vậy khiến tôi phải cẩn thận hơn.

Lâu dần tôi cũng học được cách sống lạc quan. Tôi tự thuyết phục mình rằng nhất định một thời gian nữa sẽ có thể về nhà. Biết đâu ông trời đem tôi về đây là có dụng ý nào đó, khi tôi hoàn thành sứ mệnh thì sẽ quay về như trong bộ phim Hoàng tử phòng gác mái.

Điều thú vị nhất trong cuộc sống này chính là người chị Dương Vân Nga. Được sống bên một nhân vật lịch sử lớn, tôi có điều kiện nghiên cứu tính tình, chờ đợi từng ngày chị trở thành Hoàng hậu. Thỉnh thoảng các lão nho sĩ trong làng lại tụ tập ở nhà chúng tôi. Họ cùng phụ thân uống rượu, ngâm thơ, xem trăng và nói về chuyện chính sự. Qua đó, tôi và tỉ tỉ biết được kinh đô Hoa Lư đã xây xong tường thành nào, tòa tháp nào, cung điện nào. Đinh Tiên Hoàng gần đây có duyệt binh hay không, có tuyển phi hay không, có ban hành luật lệ nào mới. Còn biết cả chuyện con trưởng Đinh Liễn của hoàng đế vừa được phong làm Nam Việt Vương vào tháng năm nhuận vừa rồi. Chuyện Đinh Tiên Hoàng cho để vạc dầu sôi trước sân triều, nuôi hổ trong củi sắt để răng đe thần dân sai phạm phép nước.

Các ông còn bàn tán về tình hình chính trị bên nhà Hán. Nghe nói quân Tống ở phía bắc đang ngày càng bành trướng, từng bước đánh chiếm đất đai, còn đe dọa cả nhà Nam Hán sát biên giới với Đại Cồ Việt. Nam Hán không còn mạnh như trước, nước ta không cần quan tâm đến việc ngoại giao hay cống phẩm nhưng chỉ lo một khi Nam Hán bị Tống thu chiếm thì quốc gia có nguy cơ giặc ngoại xâm.

Tôi luôn luôn chú ý nghe ngóng tình hình, tìm cách gắn ghép với lượng kiến thức ít ỏi, hy vọng về sau sẽ có ích.

Haizzz… tóm lại là tôi vừa nghe ngóng chuyện nhà nước, vừa tự lo cho cuộc sống của mình như thế cho tới khi tuối 17 trôi qua. Thiệt là không ngờ số mệnh xuyên không lại chán phèo như vậy, chẳng gây cấn như trong ngôn tình gì hết. Tôi lại hóa thân làm em gái Dương Vân Nga chứ không phải hoàng phi, hoàng hậu để được “mỹ nam hoàng đế” sủng ái. Kì quá đi! Không phải truyện xuyên không đều viết như thế sao??? Ai là người viết cái truyện lịch sử nhảm nhí này? Chết tiệt, tôi muốn “oánh” tên đầu xỏ tác giả!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Kỳ Sử Dương Hậu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook