Ký Linh

Chương 4

Nhan Lương Vũ

11/03/2021

Tên người hầu chạy vội vào rồi lại chạy vội ra mang theo sự thịnh tình tiếp đón của gia chủ: “Mời thầy pháp mau vào…”

Ký Linh hờ hững liếc mắt nhìn Đàm Vân Sơn như thể muốn nói rằng xem đấy, cha công tử thấu tình đạt lý hơn công tử nhiều.

Đàm Vân Sơn vẫn mỉm cười nhẹ nhàng, không biện bạch đôi co mà chỉ cúi đầu ôn tồn nhắc nhở: “Cô nương, cẩn thận cửa.”

Y nói chậm một bước, một chân ở dưới nước của Ký Linh đã đá phải bậu cửa. Có nước cản nên không đau nhưng cơ thể bị mất thăng bằng, lao chúi về trước.

Đàm Vân Sơn đứng sau ngưỡng cửa nhanh tay nhanh mắt bắt được cánh tay nàng, giữ chắc lại mà chẳng hề có chút tiếp xúc thân thể không nên nào. Có thể nói là lực tay, thế đỡ đều cực kỳ chuẩn xác, như thể… y đã sớm có chuẩn bị.

Cuối cùng, sau khi chật vật bước qua bậu cửa chìm dưới nước không nhìn thấy, Ký Linh ngẫm lại lời nhắc nhở trước đó của đối phương, ngẫm kiểu gì cũng thấy như là rủa mình.

Quả là oan cho Đàm Vân Sơn. Chàng tự thấy bản thân đã nói kịp lúc, nào tính được Ký Linh bất kể lúc nào cũng hùng hùng hổ hổ, cú vấp ấy ở dưới nước mà vẫn còn nghe thấy tiếng va, có thể thấy là đá mạnh đến thế nào. Đưa tay ra đỡ chỉ là hành động theo bản năng. Tuy chỉ bắt mỗi tay đối phương nhưng dù gì nam nữ hữu biệt, cho dù là kẻ lừa đảo thì cũng vẫn là một cô nương. Chàng còn định đợi đối phương đứng vững rồi sẽ lên tiếng xin lỗi, thế mà người ta cứ như thể chẳng thấy có gì không ổn, rút tay về, ngẩng đầu lên, bước qua ngưỡng cửa với tư thể oai hùng hiên ngang, để lại mình Đàm Vân Sơn đứng tại chỗ, ngơ ngác như hoàng hoa khuê nữ bị người ăn hiếp.

Ký Linh được người hầu dẫn đi xuyên qua gian nhà trước để không, băng qua sảnh chính quạnh quẽ, vòng vèo trong hành lang dài đi một hồi lâu mà vẫn chưa tới được trà sảnh Đàm lão gia chờ.

Đàm phủ sâu trùng trùng gian nọ nối gian kia dường như không có tận cùng.

Tòa nhà lớn thế ấy, vậy mà vô cùng quạnh quẽ. Rõ ràng xung quanh đều có treo đèn sáng sủa nhưng lại tĩnh lặng quá mức. Bọn người dưới đều trốn không dám ra, vốn đã không có tiếng người, đến tiếng côn trùng cũng không có làm cho giữa màn đêm mịt mờ, tòa nhà trở nên tịch mịch, u ám.

Do lội nước liên tục, chân đã lạnh tới mức bắt đầu tê cóng, khứu giác bỗng trở nên mẫn cảm hơn.

Ký Linh nhíu mày, trong hơi gió đêm ẩm ướt phả vào mặt, mùi tanh càng ngày càng nồng.

Mới đầu nàng cảnh giác theo thói quen nhưng rồi, trong lúc tình cờ thoáng nhìn lùm cây bên phải hành lang dù ngâm nước vẫn xanh tốt thì hiểu ra.

Hành lang của các hộ nhà giàu thường được xây trên hồ nước, giữa vườn hoa, hẳn là Đàm phủ cũng không ngoại lệ. Vì vậy, mưa to ập xuống, hồ nước và vườn hoa liền lại thành một bể nước, hồ nước chìm trong nước lụt, chỉ còn mùi tanh của bùn sình, vườn hoa bị ngâm phần gốc dưới nước, chỉ còn chừa lại phần thân cành lá sum xuê.

Giữa lúc miên man suy nghĩ thì đã đi tới đầu kia của hành lang. Đi qua cửa nguyệt môn, cuối cùng cũng tới hậu trạch.

Ban nãy lúc đi vòng qua gian chính, Ký Linh còn lấy làm lạ vì sao Đàm lão gia không tiếp mình ở đấy. Theo lệ thường, gian chính mới là nơi tiếp khách, nhất là với kiểu khách lần đầu tới bái phỏng như nàng, chẳng những không thân quen với chủ nhà mà đến biết nhau cũng không. Mời thẳng vào hậu trạch thật trái lẽ thường.

Nhưng vào đến hậu trạch, chân lập tức nhẹ hẳn đi thì nàng đã hiểu ra.

Hậu trạch của Đàm phủ thế mà lại không bị ngập!

So với gian trước và gian giữa thì chỗ này rõ ràng đã được tôn cao thêm kha khá, cụ thể là cao thêm bao nhiêu thì Ký Linh quả thực không tính ra, có điều cúi đầu nhìn thấy đôi chân bị ngâm nước đã lâu nay đứng vững vàng trên nền đất, từ tự đáy lòng, nàng cảm thấy bạc nhà Đàm Vân Sơn bỏ ra thật không hề phí phạm.

Hậu trạch là nơi nghỉ ngơi của gia chủ nhưng trước gian ngủ nghỉ vẫn còn một sảnh trà nước ngăn ra bằng một bức tường vây. Ký Linh theo gã người hầu vào trong trà sảnh.

Nói là sảnh trà nước nhưng thực tế cũng là một gian phòng rộng rãi, thoáng đãng, nhỏ hơn gian tiếp khách ở nhà trước một chút nhưng cửa sổ được chạm trổ cầu kỳ, bài trí trong phòng cổ kính, nhã nhặn, vẫn có thể coi là một chỗ đẹp để tiếp khách.

“Lão gia, thầy pháp tới rồi…” Kể từ lúc nghe Ký Linh báo danh, gã người hầu đã nâng nàng lên vị trí “đức cao vọng trọng”.

Còn chưa dứt tiếng, Đàm lão gia đã ra đón.

Đàm lão gia năm nay bốn mươi lẻ tư tuổi, vóc người tầm thước, thân hình tuổi trung niên phốp pháp, khuôn mặt không phải dãi dầu mưa nắng trông như chiếc bánh màn thầu đang ủ lên men nhưng nhìn kỹ thì cũng khá là có nét, chẳng qua giờ chỗ nở ra chỗ dồn lại nên biến thành một khuôn mặt phúc hậu từ bi. Bộ đồ lụa vân hoa vốn trịnh trọng, khí khái, vậy mà mặc lên người Đàm lão gia thì trông hể hả, phú quý, may là tay không chống quải trượng, bằng không giữa đêm tối tăm mịt mùng thế này, nhìn qua lại tưởng là Thổ Công hiển linh.

“Vị này chính là… nữ pháp sư?” Lúc ra đón, thái độ Đàm lão gia nhiệt tình vô cùng nhưng nhìn thấy rõ Ký Linh rồi thì suýt không giữ nổi sự nhiệt tình ấy nữa. Ban nãy quả thực người dưới có báo là nữ pháp sư nhưng Đàm lão gia cho rằng kiểu gì cũng là một đạo sĩ hay ni cô cao tăng đắc đạo, kết quả lại là một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch.

Áo tơi, đấu lạp Ký Linh đều đã bỏ lại trong chậu gỗ để ở cửa lớn, hiện giờ trang phục màu thủy sắc, tóc vấn giản dị, không đeo trang sức cầu kỳ lại thêm khuôn mặt linh lợi thanh tú, trông y chang một cô gái trẻ chưa trải sự đời.

Ký Linh rất quen với ánh mắt kiểu thế này, chẳng cần phải nói lời khách sáo, niệm luôn tịnh yêu chú.

Chiếc chuông đang buộc bên hông tỏa ra ánh sáng bạc, bất thình lình thoát khỏi dây buộc, lơ lửng giữa không trung rồi bỗng nhiên to lên!

Đàm viên ngoại và tên người hầu sợ tròn cả mắt.

Ký Linh đưa tay ra, lẩm nhẩm mấy câu, thoắt cái chiếc chuông khổng lồ lơ lửng giữa không trung thu nhỏ lại trở về lòng bàn tay nàng. Ký Linh buộc lại chuông xong mới khoan thai thi lễ, nhấn giọng: “Tại hạ Ký Linh. Ắt là viên ngoại đã được thông bẩm cho hay thân phận của ta, vậy ta không giới thiệu thêm nữa. Bây giờ yêu tinh đã vào Đàm trạch, đúng lúc bị ta nhìn thấy. Đấy là do ta hữu duyên với quý phủ. Giả như viên ngoại tin tưởng ta, ta nhất định dốc hết sức mình xua đuổi, diệt trừ yêu nghiệt, nhược bằng không tin ta, ta lập tức đi ngay, từ nay núi cao đường xa, không còn liên can.”

Đương thời, những nhà phú hộ giàu nức tiếng một vùng đều sẽ quyên chút tiền kiếm cái danh viên ngoại lang. Ký Linh nghĩ rằng Đàm lão gia cũng không thể nào là ngoại lệ, cố ý vừa mở miệng đã gọi thẳng danh viên ngoại.

Đàm lão gia đúng là viên ngoại lang thật nhưng chuyện kiểu này có bị nói trúng cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Điều thực sự làm Đàm lão gia sững sờ chính là chiếc chuông lớn bỗng nhiên xuất hiện và khí thế của Ký Linh, nhất là câu “từ nay núi cao đường xa, không còn liên can”, nghe kiểu gì cũng có ý như là “cho dù ông bị yêu tinh hại chết cũng chớ trách ta”.

Đàm viên ngoại cả đời hòa khí sinh tài, nhát gan có tiếng, lập tức tỏ thái độ ngượng ngùng, giọng điệu khẩn thiết: “Mời thầy vào trong nói chuyện.”

Ký Linh đạt được mục đích, hài lòng đi vào ngồi. Sau cả đêm bị giày vò, cuối cùng cũng được uống một hớp trà nóng.

Sau khi trà vào bụng, người ấm dần lên, Ký Linh mới nhớ tới còn có một vị công tử tên là Đàm Vân Sơn, bèn nhìn thử xung quanh, hóa ra chàng ta đã an vị bên cạnh mình.

Từ lúc vào trong trà sảnh tới giờ, Đàm Vân Sơn chưa hề nói một tiếng nào, yên lặng như không hề tồn tại một người như vậy trong phòng. Mà Đàm lão gia cũng không nói với con trai câu nào, cả thể xác lẫn tinh thần đều tập trung vào chuyện “yêu tinh”, liên tục hỏi xem nàng có cách gì phá giải.

Ký Linh không nói ra được là lạ ở chỗ nào, chỉ là cảm thấy bất thường, hơn nữa cũng hơi trễ mới nhận ra rằng ngoại hình Đàm lão gia và Đàm Vân Sơn quả thực khác khá xa nhau. Cho dù Đàm lão gia gầy bớt lại thì dáng dấp, tướng mạo cũng vẫn không giống…

“Thầy à?” Đàm lão gia thành tâm trông mong một phương cách cứu mạng, thầy pháp lại như đang thất thần, ông đành phải dè dặt gọi thử một tiếng.

Ký Linh hoàn hồn, xua những suy nghĩ linh tinh đi, nhìn lại Đàm viên ngoại: “Con yêu tinh đó mười phần chắc chín là phải mượn nước mới đi được cho nên viên ngoại không cần phải làm gì, chỉ cần cứ ở trong hậu trạch giống như bây giờ là được. Trừ phi bất đắc dĩ lắm, còn không chớ xuống nước. Chuyện còn lại cứ giao cho tôi.”

Đàm viên ngoại gật đầu như giã tỏi: “Tất cả nghe theo thầy.”

Ký Linh thích người dễ nói chuyện thế này. Yêu quái gây rối thì tất nhiên chỉ có bắt được nó mới hết. Nàng không cần ai hỗ trợ gì nhưng không muốn có người nào đó vẽ thêm phiền phức…

“Cha, Vân Sơn muốn theo thầy đi tróc nã yêu tinh.”

Ví dụ như thế này!

Đàm viên ngoại nghe vậy lấy làm ngạc nhiên, cuối cùng, lần đầu tiên nhìn sang Đàm Vân Sơn: “Con muốn đi theo?”

Đàm Vân Sơn gật đầu, người vẫn luôn lạnh nhạt tới mức không buồn lên tiếng bỗng dưng lại hăng hái: “Thân là người thừa tự của Đàm gia, bảo vệ gia đình, nhà cửa là chuyện không thể đổ trách nhiệm cho người khác. Thầy pháp mới tới tới còn chưa hiểu nhiều về Đàm phủ. Mặc dù Vân Sơn không thông thuật pháp nhưng biết rõ tình hình trong phủ, có thể đi theo giúp đỡ nọ kia, hỗ trợ thầy hàng yêu trừ ma.”

Ký Linh không chút đắn đo tin rằng Đàm viên ngoại chắc chắn sẽ từ chối. Có người cha nào lại để con trai mình lao mình vào hiểm cảnh, huống hồ cũng chẳng thực sự giúp được việc to tát gì, chẳng qua là chạy lăng xăng làm chân tạp vụ dẫn đường, người hầu nào mà chẳng làm được.

Quả thực vẻ mặt Đàm viên ngoại cũng có ý phản đối.

Nhưng Ký Linh đợi hồi lâu, chứng kiến Đàm viên ngoại từ phản đối chuyển sang do dự, lại từ do dự biến thành hạ quyết tâm, chẳng biết trong lòng đắn đo thế nào mà cuối cùng lại gật đầu: “Cũng được.”

Cũng được?

Đây là cha ruột ư?!

Đàm Vân Sơn như đã sớm đoán được kết quả, thái độ không một chút ngạc nhiên, vẻ mặt tỏ ra chẳng hề nao núng, dường như thực sự chất chứa một bầu nhiệt huyết hàng yêu trừ ma.

Thiếu gia kiên quyết không do dự, lão gia thì đã gật đầu đồng ý, Ký Linh không thể nói tôi không muốn cho thiếu gia nhà ông đi theo tôi. Điều này không chỉ rất ngại nói ra mà còn dễ khiến Đàm viên ngoại sinh nghi. Cuối cùng đành phải khách thuận theo chủ, chấp nhận cho vị thiếu gia này theo hầu.

Ngoài ra, Ký Linh cũng nói rõ trước rằng hàng yêu trừ ma không phải chuyện ngày một ngày hai, phụ thuộc vào năng lực của thầy bắt yêu nhưng cũng phải tùy xem vận khí. Đàm viên ngoại thấy rất có lý, nói thực thì hiện giờ Ký Linh có nói gì ông ta cũng đều thấy có lý, bèn lập tức mời Ký Linh trọ lại nhà, hứa hẹn rằng toàn bộ Đàm phủ bất kể là ngày hay đêm nàng đều có thể đi lại tự do, lúc nào hàng phục được yêu tinh thì lúc ấy đi cũng chưa muộn.

Thế là cứ thế, mọi chuyện được chốt hạ.

Đêm lặng như tờ, rõ ràng là mưa đã tạnh, mây cũng đã tản bớt nhưng vẫn chẳng thấy thoải mái một chút nào.

Đàm viên ngoại đang ngủ say bị người hầu đánh thức nghe nhắc tới “yêu tinh” thì không còn sót lại chút buồn ngủ nào nhưng chuyện cần bàn đều đã bàn xong, cứ ngồi ở sảnh trà nước trợn mắt nhìn nhau cũng không được bèn gọi quản gia tới bố trí phòng khách cho Ký Linh, cứ nghỉ ngơi trước đã.



“Chỉ sợ không được,” Ký Linh đứng dậy, “yêu tinh vừa mới vào nhà là lúc đang đi loạn như ruồi mất đầu, nếu đợi nó quen thuộc quý phủ rồi, thậm chí tìm được chỗ ẩn náu thì càng khó bắt hơn.”

Đàm lão gia nghe vậy biến sắc, trở nên căng thẳng: “Vậy theo thầy thì phải làm thế nào?”

Ký Linh đáp không chút do dự: “Việc này chớ nên chậm trễ, giờ đi bắt luôn.”

Tất nhiên là Đàm viên ngoại rất vui mừng trước đề nghị này nhưng lại không biết nên tiếp lời thế nào, cũng không tiện nói là thế thầy đi bắt đi nhé, tôi về phòng ngủ tiếp đây được.

May rằng thầy pháp là một người khéo hiểu lòng người…

“Viên ngoại mau đi nghỉ đi, không cần lo lắng, tự ta ắt có cách.”

Đàm viên ngoại thở phào: “Phiền thầy.” Sau đó nhìn cậu con trai, dừng lời rồi nói tiếp: “Phải cẩn thận thêm.”

Giọng điệu lạnh nhạt, đến Ký Linh nghe còn thấy có phần bất bình thay cho Đàm Vân Sơn.

Tiễn xong Đàm viên ngoại, quản gia sai người cấp tốc dẫn nhị thiếu gia đi thay đồ. Đàm Vân Sơn thay sang bộ đồ mới khô ráo, sạch sẽ xong, quản gia mới rời khỏi sảnh trà về đi nghỉ. Quản gia vốn cũng muốn gọi nha hoàn dẫn Ký Linh đi thay giày tất bị ướt nhưng nghĩ đến chuyện chốc nữa Ký Linh đi bắt yêu còn phải ướt tiếp thì khéo léo xin miễn, đỡ phí công.

Thoáng cái, trong sảnh trà nước chỉ còn lại Ký Linh và Đàm Vân Sơn thay đồ xong quay lại cộng thêm hai chén trà đã nguội lạnh.

Ký Linh liếc Đàm Vân Sơn. Chàng ta vẫn y như lúc trước khi đi thay đồ, thái độ bình thản, sắc mặt tự nhiên, không để lộ tâm trạng. Tuy vậy, đổi sang bộ đồ màu lam sẫm và búi lại tóc khiến chàng ta không còn cái chất bộp chộp, tùy tiện ban nãy nữa, lại tăng thêm mấy phần trầm ổn, oai hùng.

Tự cổ, quản việc nhà còn khó hơn lo việc nước, cho dù Ký Linh có cả bồ ngờ vực cũng không tiện hỏi thăm nhiều, sau khi đắn đo một hồi thì chọn nói tiếp về ân oán giữa hai người họ: “Huynh đã nhận định tôi là phường lừa đảo, tại sao không nói với cha huynh?”

Đàm Vân Sơn thở dài bất đắc dĩ: “Cô nương đã đem chuông lớn ra, tôi có nói gì cha cũng sẽ không tin, chẳng bằng cứ theo ý ông ấy. Phải học được một bài học thì mới tỉnh ra được.”

Ký Linh nhíu mày: “Vậy mà huynh còn xung phong giúp đỡ tôi?”

Đàm Vân Sơn cười: “Không có cách nào vạch trần cô nương nên đành phải dán mắt theo dõi thôi. Chứ không, đến lúc cha tôi dậy, Đàm phủ đã bị cô nương khiêng sạch rồi.”

… Muốn cha mình học được một bài học, coi thiện chí là trộm cắp. Cái người kiểu quái gì vậy chứ! Có thay bộ đồ khác cũng không khá lên được!

Châm nhờ hương Phù Đồ bằng nến bày trong trà sảnh, làn khói nhang lượn lờ bốc lên, mùi hương thoang thoảng trong không khí khiến người ngửi được nó cảm thấy bình tâm, an thần.

“Đây là hương gì?” Đàm Vân Sơn tò mò thò đầu lại xem. Ký Linh biết thuật pháp tất nhiên có mang theo một vài vật thần kỳ bên mình, không có yêu để bắt nhưng để lòe người thì thế là đủ rồi. Chàng không định giúp cô nương này thật nhưng đêm dài đằng đẵng cũng phải tìm lấy chút gì đó thú vị.

Nếu là nửa canh giờ trước, Ký Linh sẽ chẳng buồn để ý đến vị nhị thiếu gia này nhưng sau khi gặp Đàm viên ngoại thì bỗng dưng lại thấy hơi bất bình thay chàng ta. Dù rằng chàng ta muốn cha mình học được một bài học thì điều ấy cũng xuất phát từ thứ “tự cho là có ý tốt”, mục đích là bảo vệ gia đình hay nói cách khác, trong lòng chàng ta có người nhà. Còn Đàm viên ngoại thì khác, bất kể là đồng ý cho Đàm Vân Sơn giúp nàng hay là sự lạnh nhạt, xa cách đầy tế nhị trong lúc cùng ngồi ở trà sảnh đều chẳng thể khiến người ta cảm nhận được câu “thương thay cho tấm lòng của kẻ làm cha mẹ trong thiên hạ”.

Có lẽ đằng sau chuyện này có một nguyên do nào đấy nghe khả dĩ nhưng Ký Linh chỉ là một người ngoài không thể nào biết được nội tình của nó, chỉ đơn giản là so sánh thái độ tương phản của hai người, từ đó nảy sinh lòng thương hại có phần thiên lệch về phía Đàm Vân Sơn đến mức ngoài mặt cũng không thể tỏ ra lạnh lùng nổi.

“Hương Phù Đồ,” kể từ lúc quen biết nhau ngoài cửa Đàm phủ, đây là lần đầu tiên Ký Linh hòa nhã với Đàm Vân Sơn, thậm chí còn hơi hơi kiên nhẫn nói thêm, “có thể xác định phương hướng của yêu khí.”

“Xác định như thế nào?” Đàm Vân Sơn không nhận ra sự thay đổi của Ký Linh, toàn bộ tâm trí đều tập trung vào thứ đồ mới lạ trong tay nàng.

Ký Linh vừa nhìn làn khói nhang chằm chằm không chuyển mắt vừa kiên nhẫn giải thích: “Nếu có chút yêu khí nào, làn hương sẽ bay về phía đó, nếu không có yêu khí, làn hương sẽ bay lên trên.”

Đàm Vân Sơn vặn hỏi: “Nếu có gió?”

Ký Linh đáp chắc nịch: “Ngoại trừ yêu khí, bất kể là thứ gì cũng không thể thổi lệch làn hương của hương Phù Đồ.”

Đàm Vân Sơn: “Phù…”

Ký Linh: “…”

Đàm Vân Sơn: “Thế mà không động đậy thật!”

… Tróc nã đám yêu quái vốn không can hệ gì với mình là việc Ký Linh làm xuất phát từ nghĩa lớn diệt yêu trừ ma, nhưng Đàm Vân Sơn đã thành công dùng thực lực của bản thân khơi dậy trong nàng ham muốn đại khai sát giới.

Kể ra cũng lạ, rõ ràng tận mắt thấy tử quang nhập trạch đồng thời hương Phù Đồ lúc ấy cũng bay qua bức tường cao của Đàm phủ rõ rành rành nhưng tới khi Ký Linh ngồi trong trà sảnh châm lại hương Phù Đồ thì làn hương lại chẳng chỉ đi đâu khác, cứ thế bay thẳng lên trời, một mực chung tình với chiếc xà ngang của căn phòng.

Ký Linh ngồi trong sảnh trà nước chống mắt nhìn chằm chằm suốt một canh giờ.

Đàm Vân Sơn ngồi cùng nàng trọn một canh giờ.

Người trước đỏ ngầu hai mắt, người sau ngáp liên tục.

Nói một lời thật lòng, thấy Ký Linh ngồi không nhúc nhích, nhìn không chuyển mắt khỏi hương Phù Đồ lâu như vậy, Đàm Vân Sơn gần như đã tin nàng. Thế nhưng hôm nay chẳng phát sinh bất kỳ chuyện gì, điều này thì hoàn toàn không có cách nào giải thích được.

“Từ bỏ đi,” Đàm Vân Sơn đứng dậy vặn vặn cánh tay cẳng chân tê mỏi, tử tế khuyên, “Là một thiếu nữ, sao phải chịu đựng lao khổ như vậy.”

Lại thêm một que hương nữa cháy hết, Ký Linh cũng ngập trong thất vọng và nghi hoặc.

Thổi bay tàn hương rụng xuống đầu ngón tay, nàng học theo Đàm Vân Sơn đứng dậy xoay qua xoay lại. Cơ thể giãn ra kéo theo cũng có tâm trạng nói chuyện: “Tôi còn tưởng rằng huynh sẽ nói từ bỏ đi, dù sao có tôi ở đây, cô nương chẳng thể khiêng gì đi được đâu.”

Đàm Vân Sơn thấy Ký Linh vô tư duỗi tay duỗi chân chẳng hề giữ ý giữ tứ cho ra dáng một thiếu nữ chưa xuất giá, vừa thấy rất buồn cười, lại vừa thấy thật là hiếm có. Thế tục lễ giáo tạo ra cho phụ nữ rất nhiều trói buộc, không được đi thế này, không được làm thế kia, dần dần đã trở thành khuôn mẫu quy củ. Cười không hé răng tất nhiên là dịu dàng nhưng suốt đời người nếu đến cả phấn khích cũng không được thỏa sức, vui phát điên cũng chẳng được buông tuồng thì sẽ buồn khổ xiết bao.

E là cũng chỉ có một cô nương tự lực cánh sinh phiêu bạt chân trời  như Ký Linh mới có thể tự nhiên, phóng khoáng như vậy.

“Tôi tin cô nương là thợ bắt yêu.” Đàm Vân Sơn nghĩ sao nói vậy.

Ký Linh ngạc nhiên ngỡ là mình nghe nhầm. Ngồi suốt một canh giờ yên lặng không chút động tĩnh, đến cọng lông của yêu quái còn chẳng thấy, vậy mà người này chịu tin?

“Nhưng trên đời này không  có yêu nên cô nương hãy từ bỏ đi, đừng truy tìm thứ hư vô, không có căn cứ này nữa.”

“…”

Nàng biết ngay mà.

Người này còn muốn cha mình học được một bài học, theo Ký Linh thấy, người cần học được một bài học nhất chính là y!

“Nếu như tôi nói từ ngày xuống núi tới nay đã bắt được không dưới chục con yêu quái, huynh có tin không?”

“Tin…”

“Ồ?”

“Nếu như cô nương có thể để tôi nhìn thấy.”

“…”

Yêu đã bắt xong rồi, lấy đâu ra mà nhìn!!!

Nói chuyện với Đàm Vân Sơn đúng là một sai lầm.

Ký Linh hít sâu liên tục, khó lắm mới có thể giữ được bình tĩnh, không thèm để ý tới cái tên bên cạnh nữa, lấy một que hương Phù Đồ mới ra, kề lại gần giá nến châm hương.

Đàm Vân Sơn lại quay về ghế ngồi, thủng thẳng khuyên: “Đừng lãng phí, hương này thật là thơm, giữ lại mấy que tặng tôi…”

Còn chưa nói hết câu đã đột ngột im bặt.

Đàm Vân Sơn tròn mắt nhìn, que hương Phù Đồ mới thắp cứ như thể bị gió lớn thổi phải, làn hương vừa dấy lên lập tức bay về phía khung cửa sổ khép chặt, đập vào mặt giấy không đi xuyên qua được nên tản ra, tạo ra những tiếng độp độp. Làn hương vẫn kiên trì bền bỉ hướng ra phía ngoài cửa sổ, sau hàng loạt tiếng độp độp liên tục, lớp giấy mỏng bị thủng ra một lỗ to bằng đầu ngón tay!

Đàm Vân Sơn sợ quên cả thở.



Đến tận khi một cái bóng lao vù qua trước mặt, Đàm Vân Sơn mới hoàn hồn, nhìn đi nhìn lại, sảnh đã không còn thấy bóng dáng “thầy pháp” đâu nữa.

Đàm Vân Sơn phản ứng  chậm nhưng may là chân cẳng nhanh nhẹn, đuổi theo phía có tiếng động, chẳng mấy đã bắt kịp Ký Linh. Lúc đuổi tới, cô nương nọ đã ra tới vườn hoa chỗ gian giữa. Nói là vườn hoa nhưng giờ đã không còn hoa thơm, chim hót nữa, bất kể là cây đó có quý hiếm thế nào thì đều phải ngâm mình trong nước lụt, thỉnh thoảng đi lại đụng phải chậu lớn chậu nhỏ.

Vẻ mặt Ký Linh đầy nghiêm túc, không nói lời nào, chẳng hề để ý tới Đàm Vân Sơn đang thở hổn hển, cứ như thể người đó không hề tồn tại, nàng chỉ khóa tầm mắt nhìn dán chặt vào làn khói hương, chân răm rắp đi theo nó cho tới điểm tận cùng góc Tây của vườn hoa.

Gian giữa chiếm diện tích rất lớn trong phủ nhà họ Đàm chứa trong nó những hành lang gấp khúc sâu hun hút nhưng thực ra bố cục không phức tạp. Hành lang chủ yếu vẫn là nối liền gian trước ở hướng chính Nam với gian sau ở hướng chính Bắc, vườn hoa ở phía Tây và hồ nước ở phía Đông.

Ký Linh dừng chân lại trước bức tường vây tận cùng của vườn hoa, cuối cùng cũng nhớ tới vị Đàm công tử ở bên cạnh: “Bên kia tường là gì?”

Đàm Vân Sơn nói đúng sự thực: “Là đường.”

Đã tới tận cùng phía Tây, đi tiếp về Tây nữa tất nhiên không thể vẫn còn là trong nhà họ Đàm.

Cứ tưởng là Đàm phủ không có điểm tận cùng thật, Ký Linh chẳng hề có chuẩn bị trước, hoàn toàn bất ngờ trước đáp án này.

Đàm Vân Sơn chẳng mấy khi mới được một lần được đối xử như chủ nhà, tâm trạng đang chừng muốn bay bổng thì bên mặt tạt qua một cơn gió… Ký Linh đã leo lên tường, còn là đứng nguyên tại chỗ bật nhảy lên!

Đàm Vân Sơn thấy vậy là quá đủ rồi, buột miệng gọi: “Ký Linh cô nương…”

Chẳng đợi chàng nói cho xong, bóng dáng lả lướt đầu tường vụt cái liền biến mất. Sau đấy, cách một bức tường ngăn vang lên tiếng người rơi ùm xuống nước.

Đàm Vân Sơn hoàn toàn không hề có cái ý nghĩ trèo tường theo kiểu không biết tự lượng sức mình như vậy. Sau khi đã hoàn hồn, chàng lập tức bì bõm lội vội ra phía cửa hông của vườn hoa một cách nhanh nhất có thể, tháo then, mở cửa, lách người đi ra ngoài.

Từ vườn hoa ra ngoài đường, cách một cánh cửa, nước bỗng chốc dâng lên tới ngực. May là Đàm Vân Sơn thân thể cường tráng nên vẫn ổn nhưng lại lo cho đám bong bóng nước đang sủi lên ở cách một đoạn: “Ký Linh cô nương vẫn ổn chứ…”

“Huynh. Nói. Xem…”

Hay lắm, giọng vẫn còn sang sảng.

“Vừa rồi tôi đang muốn nhắc cô nương nước bên ngoài tường khá sâu…”

“Thế thì huynh phải nói chứ…”

“Không chờ tôi nói cô nương đã nhảy xuống rồi…”

“Thế phiền huynh lần sau nói nhanh nhanh lên một chút…”

“Nói quá nhanh làm mất phong độ của người quân tử…”

“Tôi… ục…”

Lúc uống phải một miệng nước đục vào bụng, trong lòng Ký Linh thầm thành kính nói nhỏ với vị Thanh Đạo Tử đã về cõi tiên: Sư phụ ở trên trời nhất định rất cô đơn. Chớ sốt ruột, để con gửi người lên trên đó bầu bạn với người.

Chú thích:

*Cửa nguyệt môn: wikipedia

*thần thổ địa 土地爷: trong tín ngưỡng dân gian ở Trung Quốc thì thần thổ địa có ngoại hình là một cụ già râu tóc bạc phơ chống gậy, khác với Việt Nam.

ky-linh-4-0

*trang phục màu thủy sắc là màu pha giữa lục và lam như hình:

ky-linh-4-1

*áo màu xanh thẫm:

ky-linh-4-2

ky-linh-4-3

*Thương thay cho tấm lòng của kẻ làm cha mẹ trong thiên hạ: Là câu thơ trong bài “Thơ chúc cha mẹ” của Từ Hi thái hậu viết mừng thọ mẹ bà.

世间爹妈情最真,

泪血溶入儿女身。

殚竭心力终为子,

可怜天下父母心

Hán Việt:

Thế gian đa ma tình tối chân

Lệ huyết dung nhập nhi nữ thân

Đàn kiệt tâm lực chung vị tử

Khả liên thiên hạ phụ mẫu tâm

Dịch nghĩa:

Tình yêu của cha mẹ là thứ tình cảm chân thành nhất trên thế gian

Máu và nước mắt chảy vào trong cơ thể con cái

Vắt kiệt tâm lực suốt đời vì con

Thương thay cho tấm lòng của kẻ làm cha mẹ trong thiên hạ

*phong độ của bậc quân tử: Tư tưởng về người quân tử được Khổng Tử đề ra và các trí giả đời sau dần dần mở rộng thành các tiêu chuẩn:

Chí hướng cao khiết, phẩm hạnh câu giai

Ngôn hành khiêm tốn, ôn hòa hữu lễ

Quang minh lỗi lạc, đường đường chính chính

Lực vãn cuồng lan cao phong lượng tiết

Thán vị quan chi, vạn dân xưng tụng

Quang minh lỗi lạc, ca công tụng đức

Văn chất bân bân, tiêu sái thích thảng

Ngọc thụ lâm phong, khiêm khiêm quân tử

Mình dịch từ bài này: link nhưng bất lực trong việc tìm nguồn chính xác, không biết rốt cuộc là người trích đã trích nó từ sách nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
tuyết ưng lĩnh chủ
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Ký Linh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook