Hồi Ức Kẻ Sát Nhân

Chương 11

Amelie Nothomb

07/11/2016

- Tôi còn có những luận chứng khác: văn phong chẳng hạn. Một văn phong kém trừu tượng hơn rất nhiều so với văn phong được ngài sử dụng trong những cuốn tiểu thuyết trước đó.

- Luận chứng này còn thiếu thuyết phục hơn nữa. Chủ nghĩa ấn tượng đang thay cho óc phê phán của cô sẽ không có giá trị làm bằng chứng, nhất là về mặt phong cách học: những kẻ dốt đặc giống như cô không bao giờ nói càn chừng nào còn đề cập đến vấn đề phong cách của một nhà văn.

- À mà tôi có một luận chứng còn thuyết phục hơn nữa vì nó không đơn thuần là một luận chứng.

- Cô đang nói tầm bậy gì nữa thế?

- Đó không phải là một luận chứng, mà là một bức ảnh.

- Một bức ảnh ư? Bức ảnh chụp cái gì?

- Ngài có biết tại sao không ai ngờ được rằng cuốn tiểu thuyết này mang tính tự truyện không? Bởi lẽ nhân vật chính, Philémon Tractatus, là một cậu bé tuyệt vời, vóc người dong dỏng cao với gương mặt dễ mến. Ngài đã không thực sự nói dối khi bảo với các đồng nghiệp của tôi rằng từ năm mười tám tuổi ngài đã mang vẻ ngoài xấu xí và mắc chứng béo phì. Cứ cho là ngài đã nói dối do sơ suất đi, bởi trong suốt những năm trước đó, ngài cực kỳ điển trai.

- Cô thì biết gì về chuyện ấy.

- Tôi đã tìm lại được một tấm ảnh.

- Không thể có chuyện đó được. Trước năm 1948 tôi chưa từng chụp ảnh.

- Xin lỗi vì phải kết luận rằng trí nhớ của ngài đã ít nhiều bị hỏng. Tôi đã tìm thấy một bức ảnh đằng sau có ghi bằng bút chì: “Saint-Sulpice – 1925.”

- Cho tôi xem bức ảnh ấy đi.

- Tôi sẽ đưa cho ngài khi nào có thể tin chắc rằng ngài sẽ không tìm cách hủy nó đi.

- Tôi hiểu rồi, cô đang giở trò lòe bịp.

- Tôi không lòe bịp. Tôi đã hành hương về Saint-Sulpice. Tôi lấy làm tiếc phải báo ngài biết rằng, trên những phần đất đai xưa kia là tòa lâu đài nay chẳng còn gì sót lại, người ta đã xây dựng một tổ hợp nông nghiệp. Phần lớn các hồ trong vùng đã bị san lấp, còn thung lũng đã bị biến thành bãi rác công cộng. Tiếc thật, ngài chẳng hề gợi lên trong tôi chút cảm giác thương hại nào cả. Tìm được đến nơi rồi, tôi hỏi chuyện tất cả những người cao tuổi mà tôi được gặp. Họ vẫn còn nhớ tòa lâu đài và những hầu tước thuộc dòng họ Planèze của vùng Saint-Sulpice. Thậm chí họ vẫn còn nhớ cậu bé mồ côi được ông bà ngoại đón về nuôi.

- Tôi tự hỏi làm thế nào đám dân đen ấy lại có thể nhớ về tôi được, tôi chưa từng tiếp xúc với họ kia mà.

- Có đủ các loại tiếp xúc khác nhau. Có thể họ chưa từng trò chuyện với ngài bao giờ, nhưng họ nhìn thấy ngài.

- Không thể thế được. Tôi chưa bao giờ đặt chân ra ngoài vùng đất thuộc sở hữu gia đình.

- Nhưng bạn bè của ông bà ngoại hay cậu mợ ngài vẫn thường lui tới thăm nom họ.

- Họ không bao giờ chụp ảnh cả.

- Ngài nhầm. Nghe này, tôi không biết bức ảnh được chụp trong hoàn cảnh nào, cũng không biết do ai chụp – những lý giải của tôi trong trường hợp này cũng chỉ là giả thiết nhưng sự thực là bức ảnh này có tồn tại. Trong bức ảnh đó ngài đang đứng trước tòa lâu đài, cùng với Léopoldine.

- Cùng với Léopoldine?

- Một bé gái cực kỳ xinh xắn với mái tóc sẫm màu, chỉ có thể là cô ấy mà thôi.

- Cho tôi xem tấm ảnh đi.

- Ngài sẽ làm gì với nó nào?

- Tôi bảo cô cho tôi xem bức ảnh ấy đi cơ mà.

- Một bà cụ người làng đưa nó cho tôi. Tôi không biết làm thế nào bức ảnh lại lọt vào tay bà cụ. Có hề chi: không còn nghi ngờ gì nữa về danh tính của hai đứa trẻ này. Những đứa trẻ, đúng vậy, ngay đến ngài, khi ấy đã mười bảy tuổi, vẫn không mang dấu hiệu nào của tuổi thiếu niên. Đó là điều hết sức lạ lùng: cả hai người đều lớn đùng, gầy nhom, nhợt nhạt, nhưng khuôn mặt và cơ thể dài ngoẵng của hai người hoàn toàn thuộc về những đứa trẻ. Vả chăng, hai người không có vẻ bình thường: trông giống như hai người khống lồ mười hai tuổi. Thế nhưng kết quả rất tuyệt vời: những đường nét mảnh mai, những cặp mắt ngây thơ, những gương mặt quá nhỏ so với cái đầu, được đặt trên những thân hình như của trẻ con, những cặp giò mảnh khảnh và dài vô tận – trông hai người tuyệt đẹp. Đến phải tin rằng những châm ngôn hoang tưởng của ngài về vấn đề vệ sinh rất hiệu quả, và những quả nấm trứng là một bí quyết gìn giữ nhan sắc. Cú sốc lớn nhất lại chính là ngài. Thật khó mà nhận ra ngài!

- Nếu trông tôi khó nhận ra đến thế, làm thế nào cô nhận ra được đó là tôi?

- Tôi không hiểu đó có thể là ai khác nữa đây. Vả lại, ngài vẫn giữ nguyên làn da trắng trẻo, mịn màng, tịnh không một sợi râu – đó hẳn là thứ duy nhất ngài còn giữ lại được từ thời ấy. Ngài đẹp trai biết mấy, những đường nét trong sáng thuần khiết biết mấy, chân tay mảnh dẻ biết mấy, và một khí chất vô tính đến vậy – những thiên thần cũng không thể khác thế là mấy.

- Xin miễn cho tôi những thói nệ đạo của cô đi, làm ơn. Và hãy cho tôi xem bức ảnh ấy, thay vì nói huyên thuyên.



- Làm thế nào mà ngài có thể thay đổi nhiều đến vậy? Ngài vẫn thường nói rằng vào tuổi mười tám ngài đã mang vẻ ngoài như bây giờ, và tôi chấp nhận tin lời ngài – nhưng trong trường hợp này, nỗi kinh ngạc chỉ có thể càng lớn hơn mà thôi: làm thế nào ngài có thể, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, đổi vẻ bề ngoài thần tiên của mình lấy một sự sưng phồng quái gở như tôi đang thấy trước mắt? Bởi ngài đã không chỉ tăng ba lần về trọng lượng, khuôn mặt quá sức thanh thoát của ngài phình tướng lên, những đường nét tinh tế của ngài dày thêm đến mức phô bày ra tất cả những dấu ấn dung tục tầm thường...

- Cô lăng nhục tôi sắp xong chưa?

- Ngài biết rất rõ rằng bản thân mình xấu xí. Vả lại ngài không ngừng dùng những tính từ ghê tởm nhất để miêu tả mình.

- Tự tôi dùng những tính từ đó theo cảm hứng, nhưng tôi không cho phép kẻ khác dùng những từ đó để nói về mình. Rõ rồi chứ?

- Tôi vừa có được sự cho phép của ngài đó thôi. Ngài xấu kinh người, chuyện là vậy đấy, và thật khó mà tin được rằng người ta có thể trở nên xấu kinh người như thế khi mà đã có thời từng đẹp đến thế.

- Chẳng có gì khó tin ở đây cả, chuyện như vậy xảy ra luôn ấy chứ. Chỉ có điều, thường thì nó không quá nhanh như vậy.

- Thôi xong, ngài lại vừa chuyển sang thú tội rồi.

- Hử?

- Đúng thế đấy. Khi nói với tôi câu vừa rồi, ngài đã ngầm thừa nhận tính xác thực của những chuyện tôi kể. Năm mười bảy tuổi, ngài thực sự giống như tôi miêu tả - và chưa từng có mặt trong một bức ảnh nào, chao ôi.

- Tôi biết thế. Nhưng cô đã làm thế nào để miêu tả tôi chính xác đến yậy?

- Tôi chỉ nhắc sơ qua những đoạn miêu tả nhân vật Philémon Tractatus trong cuốn tiểu thuyết của ngài. Tôi muốn xác minh xem ngài có giống nhân vật của ngài hay không: để biết được chuyện này, tôi không có cách nào khác ngoài trò lừa bịp vừa rồi, bởi vì ngài luôn từ chối trả lời những câu hỏi của tôi.

- Cô đúng là kẻ phá thối bẩn thỉu hèn hạ.

- Kẻ phá thối, được đấy: giờ thì tôi biết chắc chắn rằng cuốn tiểu thuyết này của ngài hoàn toàn mang tính tự truyện. Tôi có đầy đủ lý do để hãnh diện bởi tôi cũng chỉ nắm trong tay những dữ liệu như bất kỳ ai khác. Thế mà tôi đã trở thành người duy nhất đoán biết được sự thật.

- Thế đấy, cô cứ tự mãn đi.

- Bởi vậy, hãy hiểu rằng tôi đang một lần nữa đặt ra cho ngài câu hỏi đầu tiên của tôi: tại sao Hồi ức của kẻ sát nhân lại trở thành cuốn tiểu thuyết dở dang?

- Chính là cuốn đó, cái tựa sách mà chúng ta còn thiếu khi nãy!

- Làm ra vẻ ngạc nhiên cũng chẳng ích gì đâu, tôi sẽ chỉ ngừng hỏi chừng nào ngài trả lời tôi: tại sao cuốn tiểu thuyết này lại không được hoàn thành?

- Người ta có thể đặt câu hỏi này theo một cách trừu tượng hơn: tại sao sự chưa hoàn thành này là một cuốn tiểu thuyết?

- Tính chất trừu tượng của ngài không làm tôi quan tâm. Hãy trả lời câu hỏi của tôi: tại sao cuốn tiểu thuyết này lại bị bỏ dở?

- Kệ đời nó đi, cô làm tôi bực rồi đấy! Tại sao cuốn tiểu thuyết này lại không có quyền bị bỏ dở?

- Quyền lợi mà ngài vừa nói thật sự không có gì liên quan trong chuyện này cả. Ngài viết những sự kiện có thực với một cái chết có thực: vậy thì tại sao lại không hoàn thành cuốn tiểu thuyết này? Sau vụ ám sát Léopoldine, ngài dừng lại giữa chừng không làm gì nữa. Khép lại sự việc khó đến thế sao, đưa vào đó một đoạn kết cho đúng thủ tục khó đến thế sao?

- Khó là thế nào! Cô ả ngốc nghếch ạ, nên nhớ rằng không có gì là khó viết ra với Prétextat Tach này.

- Chính là thế. Cái kết không thỏa đáng này lại càng phi lý hơn nữa.

- Cô là ai mà dám xác định tính phi lý trong các quyết định của tôi?

- Tôi không xác định gì cả, tôi tự chất vấn mình thôi.

Lão già bỗng dưng có vẻ là một lão già tám mươi ba tuổi.

- Cô không phải là người duy nhất. Tôi cũng vậy, tôi cũng tự chất vấn mình, và tôi không tìm ra câu trả lời. Tôi đã có thể chọn hàng chục cái kết cho cuốn sách này: hoặc là bản thân vụ giết người, hoặc là cái đêm tiếp theo vụ án mạng, hoặc sự biến đổi về hình thể của tôi, hoặc vụ hỏa hoạn xảy ra với tòa lâu đài, một năm sau đó...

- Vụ hỏa hoạn này cũng là tác phẩm của ngài phải không?

- Tất nhiên. Saint-Sulpice đã trở nên không thể chấp nhận được khi không có Léopoldine. Thêm vào đó, thái độ ngờ vực của gia đình nhằm vào tôi bắt đầu khiến tôi bực dọc. Vậy nên tôi đã quyết định loại bỏ tòa lâu đài và những người ở trong đó. Tôi không thể tin rằng chúng lại cháy nhỏ đến vậy.



- Dĩ nhiên, sự tôn trọng mạng sống con người đâu phải cái khiến ngài nghẹn ngào, nhưng ngài không thấy đắn đo khi châm lửa thiêu rụi một tòa lâu đài có từ thế kỷ XVII ư?

- Đắn đo chưa bao giờ là mặt mạnh của tôi cả.

- Đúng vậy. Hãy quay trở lại với đoạn kết của chúng ta nào, nói đúng hơn là sự thiếu vắng đoạn kết của chúng ta. Như vậy là ngài dám chắc mình không biết gì về nguyên cớ của sự dở dang này?

- Riêng chuyện này thì cô có thể tin tôi. Phải đấy, tôi bối rối khi lựa chọn một cái kết cho lịch sự, nhưng tôi chẳng thấy có cái kết nào là phù hợp cả. Tôi không rõ: chuyện ấy xảy ra như thể tôi đã chờ đợi một điều gì đó khác, mà tôi luôn chờ đợi từ hai mươi tư năm nay, hoặc từ sáu mươi sáu năm nay, cô thích nghĩ thế cũng được.

- Điều gì đó khác là gì vậy? Léopoldine sống lại ư?

- Nếu tôi biết điều đó là gì thì hẳn tôi đã không ngừng viết.

- Vậy là tôi có lý khi liên kết sự dở dang của cuốn tiểu thuyết này với kỳ mãn kinh nổi tiếng của ngài trong lĩnh vực văn chương.

- Tất nhiên là cô có lý. Có gì để tự mãn nhỉ? Có lý, khi người ta là phóng viên, chỉ cần khôn khéo một chút là được. Có lý, khi người ta là nhà văn, cái sự này không tồn tại được. Nghề nghiệp của cô dễ dãi đến phát ngấy. Nghề của tôi mới thật là nguy hiểm.

- Và ngài đang cố gắng để nó trở nên nguy hiểm hơn nữa.

- Lời khen khác thường này có nghĩa là gì vậy?

- Tôi không rõ liệu đó có phải là lời khen ngợi hay không. Tôi không biết phải nhận định cái hành động giơ đầu chịu báng như ngài đang làm là đáng phục hay điên rồ. Ngài có thể giải thích cho tôi hiểu điều gì đã tác động đến ngài, vào cái ngày ngài quyết định kể lại một cách trung thực câu chuyện không những là thứ quý báu nhất đối với ngài mà còn là nguy cơ lớn nhất có thể kéo ngài ra trước tòa? Sự đồi bại nào đã khuất phục ngài phải đưa ra trước nhân loại, bằng ngòi bút tinh tế nhất của mình, một hành vi tự lên án với một sự trong sáng hiển nhiên như vậy?

- Nhưng nhân loại cóc cần cơ mà! Bằng chứng đây: đã hai mươi tư năm qua cuốn tiểu thuyết này mọt xác trong các tủ sách thư viện, và không ai, cô nghe rõ rồi chứ, thậm chí không một ai nhắc với tôi về nó. Âu cũng là chuyện quá sức thường tình bởi lẽ, đúng theo những gì tôi đã nói với cô đấy, chẳng ai đọc đến nó cả.

- Thế còn tôi thì sao?

- Thiểu số.

- Ngài có bằng chứng nào mà dám khẳng định rằng không tồn tại những thiểu số khác giống như tôi.

- Một bằng chứng tuyệt vời: nếu ngoài cô ra đã có những người khác đọc tôi – tôi đang nói là đọc thực sự theo nghĩa bạo liệt của từ này – thì tôi đã rũ tù từ lâu rồi. Cô đặt cho tôi một câu hỏi hết sức thú vị nhưng tôi lấy làm ngạc nhiên, rằng cô đã không nhận thấy câu trả lời đang ở ngay trước mắt. Vậy thì đây là một kẻ sát nhân đã lẩn trốn từ bốn mươi hai năm trời nay. Những tội ác hắn gây ra vẫn chưa hề bị phát giác và hắn đã trở thành một nhà văn danh tiếng. Không lấy gì làm bằng lòng với một hoàn cảnh thuận lợi đến thế, bỗng chốc kẻ bệnh hoạn này dấn thân vào mộc vụ cá cược phi lý, bởi lẽ hắn có thể phải mất tất cả và không hề có cơ may thắng được bất cứ cái gì trong đó – không thắng được bất cứ thứ gì, ngoại trừ việc chứng minh được điều khôi hài nhất.

- Để tôi đoán thử nhé: hắn muốn chứng minh rằng những gì hắn viết chưa từng được ai đọc đến.

- Nói cho đúng ra là: hắn muốn chứng minh rằng ngay cả những người hiếm hoi đọc những gì hắn viết – những người này có tồn tại – hẳn cũng đã đọc mà không hiểu mình đang đọc cái gì.

- Hiển nhiên là vậy.

- Thì đó. Cô biết đấy, lúc nào cũng có một nhúm những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ ăn chay, những nhà phê bình mới tập tọng hành nghề, những sinh viên mắc chứng khoái cảm đau hay nữa, những kẻ tò mò hạ quyết tâm đọc cho bằng hết chỗ sách đã mua về. Tôi muốn tiến hành thí nghiệm trên chính những đối tượng này. Tôi muốn chứng minh rằng mình có thể viết ra những điều đáng ghê tởm tệ hại nhất theo cách của mình mà không bị trừng phạt: hành vi tự tố cáo này, như cô đã trình bày rất xác đáng, là tuyệt đối xác thực. Đúng vậy, thưa quý cô, cô đã có lý từ đầu chí cuối: trong cuốn sách này, không một chi tiết nào là bịa cả. Tất nhiên là người ta có thể tìm ra những lý do bào chữa cho độc giả: không một ai biết về thời thơ ấu của tôi, đó không phải là cuốn sách kinh khủng đầu tiên mà tôi viết, làm sao có thể hình dung ra là tôi đã từng điển trai đến thế, v.v... Nhưng tôi dám khẳng định rằng những lý do này không vững. Cô có biết tôi đã đọc được một bài phê bình đăng trên một tờ báo, cách đây hai mươi tư năm, có liên quan đến Hồi ức của kẻ sát nhân không? “Một câu chuyện thần thoại giàu tính biểu tượng, một phép ẩn dụ như cõi chiêm bao của tội lỗi gốc và thông qua đó, nói đến thân phận con người.” Tôi vẫn nói với cô rằng người ta đọc tôi mà không thực sự hiểu mình đang đọc cái gì đấy thôi! Tôi có thể tự cho phép mình viết ra những sự thật táo tợn nhất, người ta sẽ không thấy gì trong những trang viết đó ngoài những phép ẩn dụ. Chuyện ấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên hết: độc giả mạo danh, được bọc kín mít trong bộ quần áo lặn của mình, sẽ lội qua những câu chữ đẫm máu nhất của tôi mà không hề lấm ướt. Thi thoảng, hắn sẽ thốt lên sung sướng: “Hình tượng đẹp thế không biết!” Đó là cái mà người ta gọi là cách đọc sạch sẽ. Một sự hư cấu tuyệt vời, rất dễ chịu để tranh thủ đọc ngay trên giường trước khi ngủ; nó xoa dịu và thậm chí nó không làm bẩn những tấm khăn trải giường.

- Ngài còn muốn thế nào nữa? Rằng người ta đọc tác phẩm của ngài trong một lò mổ, hay ở Baghdad, trong một trận oanh tạc sao?

- Không hề, cô ngốc ạ. Nơi chốn đọc không can hệ gì ở đây, mà chính là bản thân việc đọc. Tôi muốn người ta đọc tôi mà trên thân mình không khoác thêm bộ quần áo của người nhái, không chú giải, không vaccin phòng ngừa và nói thực ra, không phó từ.

- Ngài nên biết rằng cách đọc đó không hề tồn tại.

- Thoạt đầu tôi không biết điều đó, nhưng bây giờ, nhờ vào sự chứng minh xuất sắc của mình, hãy tin rằng tôi đã biết.

- Thế thì sao? Không nên lấy làm mừng vì có bao nhiêu độc giả là có bấy nhiêu cách đọc ư?

- Cô không hiểu ý tôi rồi: làm gì có những độc giả và làm gì có những cách đọc.

- Nhưng có mà, có những cách đọc khác với quan niệm của ngài, chỉ vậy thôi. Tại sao chỉ duy nhất cách đọc của ngài là được chấp nhận?

- Ồ, được thôi, hãy ngừng ngay việc lải nhải cuốn giáo trình xã hội học. Vả lại, tôi muốn biết cái mà cuốn giáo trình xã hội học của cô sẽ tìm ra để bàn về tình huống mẫu do tôi tạo nên: một nhà văn-sát nhân công khai tự tố giác mình và không một độc giả nào đủ tinh ý để nhận ra điều ấy.

- Tôi cóc cần những quan điểm của các nhà xã hội học và tôi nghĩ, chính tôi đây, rằng một độc giả không phải là một tay cớm và rằng, nếu không ai gây phiền phức cho ngài kể từ khi cuốn sách được xuất bản thì đó là dấu hiệu tốt: nó có nghĩa là Fouquier-Tinville[16] đã hết thời, rằng mọi người đã mở mang đầu óc và rằng họ có khả năng thực hành cách đọc văn minh.

[16] Antoine Quentin Fouquier de Tinville (1746-1795), công tố viên của tòa án Cách mạng Pháp, đã xét xử nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như hoàng hậu Marie-Antoinette, Charlotte Corday...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hồi Ức Kẻ Sát Nhân

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook