Hoạn Lộ

Chương 10: Đánh một ván cờ

Trấn Thiên

15/05/2014

Bảo Lâm nhìn Lê Tư Thành bước về phía mình, trong lòng nhất thời kinh hoảng, y càng tiến lên thì nàng càng lùi về phía sau. Lê Tư Thành thoáng chau mày, cước bộ tăng dần, Bảo Lâm chỉ cảm thấy cái mạng nhỏ của mình sắp mất đến nơi rồi bèn thầm niệm đại bi chú cho bản thân, để ít nhất sau khi chết nàng còn có thể nhanh chóng siêu thoát, đầu thai vào nhà tử tế một chút.

Sau lưng truyền tới cảm giác lành lạnh, gót chân chạm phải một thứ gì đó, Bảo Lâm hơi ngoảnh lại, thân trúc xanh đập vào mắt. Đường cùng rồi! - len lén hít vào bụng một hơi khí lạnh, quay ra nhìn Lê Tư Thành áp sát phía trước, nàng nhắm chặt hai mắt lại, dựa vào hành động của Lê Tư Thành đồng thời nhớ lại kết cục của Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân ghi lại trong sử sách, Bảo Lâm hốt nhiên rùng mình. Sách chép lại là một chuyện còn sự thật về những người được xưng tụng là thánh đế minh quân, khoan dung nhân hậu có tồn tại hay không lại là một chuyện khác. Huống hồ Lê Tư Thành hằng ngày phải nhìn sắc mặt người khác để sống, luôn luôn cảnh giác với những thứ tồn tại quanh mình, trong lòng tích tụ oán hận nhiều năm như vậy, nếu nói hắn không tham dự vào cuộc nội chiến này thì quả là phi lí.

Con lạy đức Phật Tổ, cầu xin Chúa Jesu, kính mong Ngọc Hoàng đại ca trên trời cao cùng các vị thần tiên mà con chưa biết tên hãy rủ lòng thương xót cho cái mạng bé như hạt cát này mà ra tay tương cứu, hoặc ít nhất hãy ném con trở lại thời hiện đại cũng được, chứ con mà sống chung một nhà... khụ... Một phủ với tên Thành Tào Tháo này, không sớm thì muộn, chưa đợi tới khi Lê Nghi Dân tạo phản con cũng theo tổ tiên rồi! - Ngũ quan của Bảo Lâm nhăn nhúm, co rút thành một đống, miệng lầm rầm khấn vái.

Lê Tư Thành nheo mắt nhìn tiểu tử kia đang lẩm bẩm những thứ kỳ quái, chợt mỉm cười:

- Đi theo ta!

Hả? - Bảo Lâm vừa nghe liền mở mắt, nàng nghẹn giọng:

- D...Dạ?

- Ta nói ngươi mau đi theo ta. - Lê Tư Thành ôn tồn nói rồi chắp một tay sau lưng, quay gót rời đi.

Hai mắt chớp liên tục, Bảo Lâm hít thở đến mấy lần, vội vàng đưa tay lên kiểm tra xem đầu mình còn nằm trên cổ không. Mới đây thôi chính y còn muốn lấy mạng nàng, sao giờ lại không ra tay? Có khi nào do y đánh lạc hướng được anh trai mình nên cao hứng mà bỏ qua cho nàng? - Bảo Lâm nhất thời ngẩn người.

Đúng lúc này Lê Tư Thành đột nhiên dừng bước, cao giọng:

- Còn không mau đi?

Bảo Lâm giật thót, vội vàng vâng dạ rồi nhanh chóng theo sau. Lê Tư Thành dẫn nàng về lại điện Phù Vân. Hai người mới đặt chân vào trong sân thì phía trước đột nhiên xuất hiện một bóng người, Bảo Lâm nheo mắt nhìn thân ảnh đang tiến tới chỗ mình, kỳ thực từ sau khi rơi về thời đại này, bị lão sư phụ vô lương kia ép thử thuốc thì thị lực của nàng cũng được cải thiện đôi chút, không rõ là phúc hay họa nữa.

Bóng người kia ngày càng hiện rõ: Thân hình cao lớn, thân vận một bộ y phục màu xanh lam, nhìn lên, khuôn mặt tuấn tú dễ nhìn, đưa mắt nhìn xuống, tay hắn đang cầm một thanh kiếm vỏ trắng. Chỉ là Bảo Lâm càng nhìn thì lại càng cảm thấy quen mặt, rõ ràng nàng đã từng gặp người này ở đâu đó nhưng nhất thời không thể nhớ ra.

Người kia khom mình, cúi đầu trước chủ nhân:

- Nhiệm vụ Vương gia giao phó, thuộc hạ đã hoàn thành. Thư cũng đã chuyển tới tay Lạng Sơn Vương.

Lê Tư Thành gật nhẹ, khẽ "ừm" một tiếng. Bảo Lâm nhíu mày, lục lọi lại trí nhớ của mình, nàng dường như không có năng khiếu nhớ mặt người khác, hồi còn đi học, bản thân nàng đã từng nhìn bạn thân của mình và ngơ ngác hỏi tên cô ấy. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy có chút buồn cười, Bảo Lâm bất giác thở dài, nỗi nhớ gia đình bất chợt ập đến cắn nuốt tâm tư, không rõ người thân của nàng sẽ ra sao nếu phát hiện nàng bỗng nhiên mất tích?

Chàng trai áo xanh nhận ra sự có mặt của người thứ ba bèn hướng mắt nhìn Bảo Lâm, hắn chợt giật mình, kêu lên:

- Ân công?

Bảo Lâm bị hắn dọa, ngoảnh đi ngoảnh lại nhìn xung quanh, đến lúc ổn định thân hình thì thấy ánh mắt người kia chiếu thẳng vào mình, hơn nữa Lê Tư Thành cũng chú mục nhìn nàng. Bảo Lâm cứng duỗi ngón tay chỉ bản thân:

- Ngươi đang nói ta sao?

Trần Quân gật đầu. Bảo Lâm lập tức xua tay:

- Không thể nào, ta còn chưa gặp ngươi sao có thể là ân công của ngươi cơ chứ?

Trần Quân chậm rãi nhắc:

- Lẽ nào ân công đã quên rồi, là đêm đó chính ân công đã cứu ta mà.

Đêm? - Bảo Lâm chau mày, bất giác ký ức ùa về, nàng thốt lên:

- Trần Quân?

Trần Quân cười, gián tiếp thừa nhận, đoạn hỏi:

- Sao ân công lại ở đây, còn Thanh Sơn sư phụ đâu?

Bảo Lâm thực không rõ phải trả lời ra sao, lẽ nào nàng lại nói rằng là lão sư phụ vô lương kia ném nàng lại kinh thành sau đó vì đi kiếm việc mà nàng bị tên sát thủ biến thái kia đuổi tới đây? Bảo Lâm tính toán mấy lần, liền lảng đi:

- Thế còn huynh? Sao huynh lại ở đây?

Có lẽ do quá bất ngờ mà Trần Quân không nhìn ra được điều bất thường trong câu hỏi của nàng, thành thật nói:

- Ta là người của Vương phủ.

- Huynh là thuộc hạ của Thành Tào Tháo sao? - Bảo Lâm cả kinh, vô thức buột miệng.

Trần Quân nghe Bảo Lâm nói mà không hiểu ý nàng, định mở lời hỏi thì bên cạnh vang lên tiếng ho khẽ. Tim Bảo Lâm chính thức muốn rớt ra ngoài, nhanh miệng sửa lại:

- Ý ta là "Huynh là thuộc hạ của Bình Nguyên Vương sao?"

Trần Quân gật mạnh, song bèn cùng Bảo Lâm cười cười nói nói, hoàn toàn quên mất bên cạnh còn một người. ( Tác giả nhún vai: Kỳ thực không ngờ bạn Trần Quân lại hồn nhiên như vậy.)

Sắc mặt Lê Tư Thành hết chuyển từ trắng sang xanh, cuối cùng dừng lại ở màu xám, trầm giọng:

- Theo ta vào trong!

Bảo Lâm và Trần Quân đồng loạt giật mình, đưa mắt nhìn nhau.

Vương gia ơi vương gia, ngài không thể tha cho ta sao? Dù gì thì mục đích của ngài cũng đã thực hiện được rồi, còn ta chỉ cần giữ được bát cơm của mình thôi! - Bảo Lâm nhăn mặt, lén nhìn Lê Tư Thành.

Lê Tư Thành nói xong bèn tiến vào điện Phù Vân, Trần Quân không nói không rằng, liếc Bảo Lâm một cái rồi nhanh chóng theo sát. Trong lòng Bảo Lâm cảm thán không thôi, quả nhiên là chủ nào tớ nấy, kỳ quái y như nhau. Lê Tư Thành hắng giọng:

- Lẽ nào ngươi còn muốn ta mời vào?

Bảo Lâm thất sắc, thân hình nhoáng lên một cái, trong chớp mắt đã xuất hiện bên cạnh Bình Nguyên vương, khuôn mặt lập tức biến đổi thành khuôn mặt của Việt gian, xum xoe cười nịnh:

- Vương gia, mời ngài.

Lê Tư Thành bất giác rùng mình, toàn thân sởn gai ốc, hắng giọng đến mấy lần cũng không biết nên nói gì, cuối cùng "ừm" một tiếng rồi đi trước. Bảo Lâm nghiến răng, dứ dứ nắm đấm sau lưng y: Khi không cần nói thì nói rõ nhiều, khi cần lại ậm ừ như người câm, ngươi rốt cuộc bị làm sao hả?

Lại nói, sau khi đặt chân vào điện Phù Vân, Bảo Lâm mới thấu hết cái nghĩa của nó. Phù Vân, mây khói, quả là mây khói, trong điện, ngoài một tấm phản cứng quèo vừa cho một người nằm; một bàn uống trà cùng bốn chiếc ghế nhỏ và bàn cờ vây đặt trên phản gỗ còn dở cuộc thì không có vật dụng nào khác, không có rèm trướng gấm hoa trang trí, càng không bày biện cổ vật quý giá như những kẻ nhận bổng lộc của triều đình.

Bảo Lâm nhất thời nhìn Lê Tư Thành bằng con mắt khác, có lẽ y muốn học theo Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật để mưu đồ phục quốc chăng? Nàng cũng phần nào hiểu tình trạng hiện tại của Đại Việt, tuy trên danh nghĩa, ngai vàng vẫn là của họ Lê nhưng thực quyền đã do họ Nguyễn nắm giữ; mặc dù Nguyễn Thị Anh đã lui về hậu cung nhưng mọi việc trong triều, mọi chính sách được ban ra đều do bà ta đảm nhận. Nhiều sách có chép lại rằng Nguyễn Thị Anh thực ra không có tài cán gì, chỉ là trong đầu ẩn chứa quá nhiều thâm kế nên mới có thể ngồi lên bảo tọa Thái hậu nhiều năm như vậy, có điều, theo ý kiến cá nhân, Bảo Lâm cảm nhận được người đàn bà này không hề đơn giản. Kẻ muốn học Việt Vương Câu Tiễn, kẻ muốn nối gót Võ Tắc Thiên, lại thêm Lê Nghi Dân muốn đổi tên thành Lý Thế Dân khiến máu nhuộm giang sơn, huyết nhục tương tàn, bên ngoài kia còn biết bao thế lực nhăm nhe xâm lấn Đại Việt, Bảo Lâm thực sự không muốn và sẽ không bao giờ muốn bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc nội chiến này.

Lê Tư Thành ngồi xuống ghế, chăm chú nhìn Bảo Lâm đương lúc thất thần, đoạn hỏi:

- Ngươi đang nghĩ cái gì?

Bảo Lâm chợt tỉnh lại, khẽ lắc đầu:

- Thuộc hạ chỉ là nhìn cảnh này mà nhớ tới một tích truyện.

- Nói ra nghe thử xem. - Đôi mắt Lê Tư Thành ẩn chứa nét cười.

Bảo Lâm hít sâu một hơi cho nhuận khí, xong, bèn chậm rãi kể lại tích "Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật khôi phục nước Việt":

- Từng nghe sau khi Ngô vương Hạp Lư đánh bại nước Sở, trở thành một cường quốc ở phương nam, bèn nảy sinh ý định mở rộng thế lực vào Trung Nguyên. Nhưng nước Việt một nước láng giềng và luôn có bất hòa với nước Ngô cũng dần dần trở nên lớn mạnh, đã tạo thành mối uy hiếp đối với hậu phương của nước Ngô. Khi Vương Doãn tức vua nước Việt bị bệnh qua đời, vua Ngô nhân lúc nước Việt bận việc tang, bèn phát động tấn công, hai bên mở trận kịch chiến ở Huề Lý, rút cuộc quân Ngô bị thất bại thảm hại, Ngô vương Hạp Lư do bị thương, lại vì tuổi già sức yếu nên khi trở về đến nửa đường thì mất, con là Phù Sai lên nối ngôi. Phù Sai luôn luôn ghi nhớ lời cha dặn trước lúc qua đời. Nhằm tự răn mình, nhà vua đã cử một người đứng trước cửa cung, mỗi khi mình ra vào thì người này đều hô to lên rằng - Nói tới đây, Bảo Lâm trầm giọng - " Phù Sai, người đã quên mối thù nước Việt giết cha rồi ư ?". Phù Sai liền khóc nói: "Không, không dám quên, ba năm sau nhất định báo thù". Nhà vua ra lệnh cho Ngũ Tử Tư và Bá Tích khẩn trương thao luyện binh mã, để chuẩn bị tấn công nước Việt. Hai năm sau, Ngô vương Phù Sai vì nóng lòng muốn báo thù, liền thống lĩnh đại quân tiến đánh nước Việt. Đại phu Phạm Lãi nói với Việt vương Câu Tiễn rằng: " Nước Ngô đã luyện tập binh mã trong hai năm, họ nóng lòng muốn báo thù, nên khí thế rất lớn mạnh, chúng ta chỉ nên giữ thành, chứ không ra nghênh chiến". Câu Tiễn không chịu nghe theo, liền dẫn quân ra Tiêu Sơn mở một trận kịch chiến với quân Ngô, rút cuộc quân Việt bị thất bại, Câu Tiễn chỉ còn lại năm nghìn binh mã chạy trốn lên núi Hội Khê, quân Ngô thừa thắng đuổi giết rồi bao vây chặt xung quanh núi. Câu Tiễn cuống cuồng liền cùng Phạm Lãi bàn cách đối phó, Phạm Lãi nói: "Đã đến nước này, chúng ta chỉ còn cách cầu hòa mà thôi". Câu Tiễn nghe theo, liền cử đại thần Văn Chủng sang dinh trại quân Ngô cầu hòa. Văn chủng đến nơi vội quỳ gối trước mặt Phù Sai nói rằng, Câu Tiễn nguyện làm thần tử của Ngô vương, Phù Sai toan nhận lời, nhưng bị Ngũ Tử Tư kiên quyết phản đối, Văn Chủng đành phải cúi đầu quay trở về, sau được biết Bá Tích tể tướng nước Ngô là một người háo sắc liền chọn một tốp mỹ nữ cùng nhiều báu vật sang biếu và nhờ Bá Tích nói giúp. Bá Tích nhận lời, năm lần bảy lượt đến khuyên Phù Sai, khiến nhà vua phải mềm lòng, bất chấp sự phản đối của Ngũ Tử Tư, đồng ý lời thỉnh cầu của nước Việt, nhưng với điều kiện là hai vợ chồng Câu Tiễn phải được đưa sang nước Ngô. Câu Tiễn chẳng còn cách nào khác, đành phải phó thác việc lớn nhà nước cho đại thần Văn Chủng, rồi cùng Phạm Lãi lên đường sang Ngô.Vua Ngô sắp xếp cho hai vợ chồng Câu Tiễn đến ở trong một ngôi nhà đá bên cạnh mộ Hạp Lư, họ hàng ngày chăn ngựa, quần áo lam lũ, ăn toàn cám và rau dại. Câu Tiễn ngày ngày đi chăn ngựa, vợ ở nhà giặt giũ nấu cơm, còn Phạm Lãi thì kiếm củi, họ tỏ ra rất an phận, nền nếp, một lòng một dạ cung kính đối với vua Ngô. Nhằm bày tỏ lòng trung thành của mình, khi Phù Sai lâm bệnh, Câu Tiễn thậm chí còn nếm phân của Phù Sai để phán đoán bệnh tình,việc làm này khiến Phù Sai rất cảm động và cho rằng Câu Tiễn đã thực lòng quy thuận mình, nên ba năm sau liền phóng thích vợ chồng Câu Tiễn về nước. Sau khi về đến nước Việt, Câu Tiễn liền gắng công xây dựng đất nước, chờ đợi thời cơ để rửa hận, nhà vua lo mình thỏa mãn với hiện trạng, mà làm nhụt ý chí báo thù rửa hận của mình, nên đã tự sắp xếp cho mình một môi trường sống rất gian khổ, ông treo một túi mật ở giữa nhà ăn, trước khi ăn cơm đều nếm vị đắng của mật và tự nhắc nhở mình "Chớ quên nỗi nhục ở Hội Khê"[1], còn ban đêm thì ngủ trên đống củi rơm. Câu Tiễn hàng ngày đi làm ruộng, vợ ở nhà dệt vải, khuyến khích nông dân ra sức phát triển sản xuất, tăng thêm của cải cho nhà nước, quy định trong 7 năm không thu thuế, giảm gánh nặng cho nông dân. Đồng thời còn đặt ra chính sách dân số, người già không được lấy vợ trẻ, thanh niên không được lấy vợ già, sinh đẻ được nhà nước chiếu cố, sinh con trai từ một đứa trở lên đều do nhà nước nuôi dưỡng. Do đó, chỉ trong mấy năm mà dân số nước Việt tăng lên nhanh chóng, nhà nước cũng từ yếu chuyển sang mạnh. Câu Tiễn lại ra lệnh cho Phạm Lãi huấn luyện binh mã, Văn Chủng quản lý việc lớn nhà nước và không ngừng tiến cống cho nước Ngô, loại trừ được sự hoài nghi của Phù Sai, buông lỏng việc phòng bị đối với nước Việt, tình hình vẫn trong trạng thái hòa bình, nhưng nước Việt đã nhân cơ hội này trở nên ngày càng lớn mạnh. Mười năm sau đó, Việt vương nhân lúc Ngô vương Phù Sai đương mải miết truy đuổi hoan ái cùng một mỹ nhân tên Tây Thi mà lơ là củng cố quốc phòng, bèn đem quân tiến đánh nước Ngô, thái tử nước Ngô bị bắt sống và tự sát, quân Phù Sai không thể chống cự lại nên cũng bại trận, Phù Sai cuối cùng nhận ra sai lầm của mình, đến khi hối hận thì đã muộn bèn cắt cổ tự sát. Có lời đồn rằng Tây Thi trong khoảng thời gian làm công cụ cho Việt Vương đã có tình cảm với Ngô vương nên sau cái chết của Phù Sai, nàng ta cũng buông xuôi mà tự tận, Phạm Lãi thấy bộ mặt thật ẩn sâu trong con người Việt Vương bèn chán ngán bỏ đi, tiêu diêu ở Tây Hồ.

Hai tuần trà trôi qua, câu chuyện của Bảo Lâm kết thúc. Lê Tư Thành trầm ngâm giây lát rồi mỉm cười hỏi:



- Ý ngươi là ta giống Việt Vương Câu Tiễn sao?

- Đó chẳng qua chỉ là cảm nhận riêng của thuộc hạ mà thôi. - Bảo Lâm đáp, âm thầm nhếch môi: Còn rất giống Tào Tháo nữa chứ!

Lê Tư Thành nâng mắt hỏi Trần Quân:

- Ngươi thấy sao?

Trần Quân khẽ gật đầu:

- Thuộc hạ cũng cảm thấy như vậy.

Lê Tư Thành nhướng mày, tự rót thêm một chén trà, nhấp hai ngụm, đoạn nâng chén trà, vừa mân mê lớp sứ trắng vừa nói:

- Ta thực không dám so sánh bản thân với Việt Vương Câu Tiễn, câu chuyện về ông, ta đã từng đọc rất nhiều lần, chỉ là sau khi nghe qua câu chuyện của ngươi thì cảm thấy có chút khác biệt, có vẻ ngươi đề cao Tây Thi?

Dù sao thì cùng là phái nữ mà. - Bảo Lâm thầm nghĩ. - Hơn nữa chẳng phải chính Câu Tiễn đã lợi dụng nàng ta sao?

- Tuy nhiên có phải ngươi cho rằng ta cũng giống người đó, vì mục đích của mình mà sử dụng kẻ khác làm quân cờ?

Mồ hôi âm thầm chảy theo hai bên thái dương, khí lạnh truyền đi dọc theo các mạch máu trong cơ thể, Bảo Lâm vội phủ nhận:

- Thuộc hạ nào dám có ý đó, tiểu nhân kể tích truyện này chỉ là muốn rút ra câu "Nằm gai nếm mật" mà thôi, bởi sau khi quan sát cách sinh hoạt của ngài, bản thân chợt nghĩ đến Câu Tiễn.

Bảo Lâm càng nói càng nhỏ dần, trái tim điên cuồng đập mạnh. Lê Tư Thành có thể nhận ra khí tức trong người Bảo Lâm trì trệ do hoảng sợ. Y bật cười:

- Ngươi không cần căng thẳng đến vậy, ngồi đi.

- Thuộc hạ không dám thưa Vương gia. - Bảo Lâm cúi đầu, ngay cả Trần Quân làm ở đây trước nàng còn không được ngồi thì sao nàng dám qua mặt tiền bối, theo ngôn ngữ hiện đại mà nói thì dù sao nàng và hắn cũng là đồng nghiệp mà.

Lê Tư Thành dường như bỏ ngoài tai lời của nàng, nói với Trần Quân:

- Ngươi giúp ta mang bàn cờ tới đây.

- Vâng, thưa Vương gia. - Trần Quân đáp, liền nhanh chóng thu lấy bàn cờ còn ở trên phản gỗ tới rồi nhẹ nhàng đặt xuống bàn.

Lê Tư Thành ngẩng đầu nhìn Bảo Lâm, trầm giọng:

- Ngồi xuống, đánh với ta một ván cờ.

- Thuộc hạ không biết đánh cờ vây. - Bảo Lâm từ chối.

- Ta sẽ dạy ngươi, mau ngồi xuống, đây là lệnh! - Lê Tư Thành lãnh đạm nói.

***

Chú thích:

[1] Hội Khê: Cũng có tài liệu chép là "Cối Kê".

Nắng sắp tắt trên các đình viện, không gian phảng phất mùi ẩm mốc. Vài vệt khói lan toả, hoà tan vào nhau, quện chặt lấy nhau, xoay vòng trong không trung rồi tách nhau ra, tản rộng ra một vùng trời gợi cảm giác thê lương khó tả. Trong điện Phù Vân, nến đã được thắp lên. Ba người, một đứng, hai ngồi đang vây quanh bàn cờ với những quân cờ đen trắng. Sau hai canh giờ, dưới sự chỉ bảo tận tình của Lê Tư Thành, Bảo Lâm mới phần nào hiểu được cách đi cờ. Chỉ lạ một điều, tuy nàng đã thua y năm ván cờ một cách chóng vánh nhưng càng đánh lại càng cảm thấy hăng say. Lê Tư Thành thu quân, ngước mắt hỏi nàng:

- Lẽ nào ngươi còn muốn đánh sao?

Bảo Lâm cười:

- Thuộc hạ bỗng cảm thấy có vài phần thú vị.

Lê Tư Thành lắc lắc đầu, trên tay mân mê quân cờ, sau đó đi nước cờ đầu, ván cờ thứ sáu hiện ra, y nói:

- Cờ là tinh hoa, trên bàn cờ không có chủ tớ. Ngươi càng không phải là thuộc hạ của ta.

Bảo Lâm nghe xong, nhướng mày, dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp quân cờ trắng, ánh mắt đảo quanh bàn cờ với những ô vuông ngang dọc, "cạch" - quân cờ trắng xuất hiện bên sườn địch. Khoé môi khẽ cong, Lê Tư Thành đi nước cờ thứ hai. Thời gian chầm chậm trôi qua, khoảng một tuần trà, cờ đen dường như thắng thế, chúng vây chặt lấy quân địch, sẵn sàng giương vũ khí xông lên. Vận của quân trắng đã tận!

- Ta thắng! - Lê Tư Thành đặt quân cờ cuối cùng xuống, ngả về phía sau, ngạo nghễ trong tư thế của kẻ làm Vua.

Bảo Lâm từ tốn đặt quân tiếp theo vào ô trống còn lại, nhún vai:

- Ván này hai ta hoà.

Trần Quân nhíu mày, Lê Tư Thành ngạc nhiên nhìn thiếu niên đối diện. Bảo Lâm thản nhiên thu hết mười quân cờ đen của đối thủ, nói:

- Số quân của thuộc hạ và Vương gia hiện đã bằng nhau rồi.

Lê Tư Thành kinh ngạc chau mày, liền ngồi thẳng dậy quan sát bàn cờ, quả nhiên như lời Bảo Lâm, số cờ đen hiện đang ngang bằng với số cờ trắng. Nhưng, vấn đề nằm ở đâu? Bảo Lâm chiếm được bốn góc từ khi nào? Lê Tư Thành bèn nhướng mắt nhìn nàng. Chạm phải cái nhìn khó hiểu của y, Bảo Lâm liền hiểu rõ bèn hỏi:

- Vương gia còn nhớ khi nãy người đã nói gì với thuộc hạ không?

- Trong nghệ thuật đánh cờ vây, kỳ thủ cần nhớ kỹ câu "Góc vàng, biên bạc." - Lê Tư Thành từ tốn nhắc lại.

Bảo Lâm cười, khẽ gật:

- Qua năm ván cờ, thuộc hạ liên tiếp bị Vương gia đánh bại là do không để ý tới vị trí góc. Nhưng ngay từ những nước cờ đầu của ván thứ sáu, thuộc hạ bỗng nhận ra một điều...

Nói tới đây, nàng bỗng ngập ngừng. Lê Tư Thành hỏi tiếp:

- Điều gì?

- Thuộc hạ chỉ e Vương gia sẽ trách tội. - Bảo Lâm dùng ngón tay vẽ vòng tròn trên bàn, đáy mắt xẹt qua chút lo lắng.

Lê Tư Thành xua tay:

- Ngươi cứ nói.

Bảo Lâm nhìn y, ngón tay trên bàn chuyển động nhanh hơn, nàng trả lời:

- Vương gia đã ngủ quên trên chiến thắng, ngài tỏ ra kiêu ngạo, không quan tâm tới chuyện địch đã đổi chiến thuật. Khi đánh ván thứ ba, ngài đã kể rằng Âu Dương Tu sống vào thời Tống từng nói...

Bảo Lâm lại đột ngột dừng lại. Lê Tư Thành nhíu mày, lạnh giọng:

- Tiếp tục trả lời!

- Ông ta nói việc trị nước không khác đánh cờ vây là bao, cũng như vậy, nếu Vương gia ngủ quên trên chiến thắng của chính mình thì chỉ e sau này đại nghiệp khó thành. - Bảo Lâm đáp.

Lời dứt, mồ hôi rịn ra trên trán nàng. Bầu không khí trong phòng chùng xuống, trong không gian tĩnh mịch nghe thấy nhịp thở đều đều. Lê Tư Thành nheo mắt nhìn Bảo Lâm khiến nàng hoảng sợ cúi thấp đầu, hận không thể tìm cái lỗ nẻ nào để chui vào!

- Lời này lần sau không được nói ra nữa. - Lê Tư Thành ung dung nhấp trà, không có vẻ gì là tức giận.

Bảo Lâm cả kinh, vụt ngẩng lên, toàn thân cứng đờ; Trần Quân hơi nghiêng đầu nhìn chủ nhân. Lê Tư Thành rút trong áo ra một lọ sứ nhỏ, trên có vẽ hoạ tiết hoa cúc dại, đưa về phía Bảo Lâm:

- Cầm lấy cái này tra vào vết thương.



- Dạ?

Lê Tư Thành mỉm cười, liếc cánh tay nhuốm máu của nàng:

- Với vết thương đó mà ngươi có thể chịu đựng tới tận lúc này thì quả là đáng khâm phục. Tuy nói là không sao nhưng ngươi đã mất máu quá nhiều, chỉ e sẽ gây bất lợi về sau.

Run run nhận lọ thuốc trị thương, trong lòng Bảo Lâm không khỏi nghi hoặc: Lê Tư Thành này có ý gì đây? Không những không truy cứu việc mình ăn nói bất kính mà ngược lại còn đưa cho mình thuốc trị thương. Người này càng lúc càng khó hiểu. Mà hắn không nhắc thì thôi, nhắc tới mình lại cảm thấy đau rồi. Cứ tình hình này phải đòi tiền bảo hiểm lao động mất!

Ngón tay Lê Tư Thành gõ nhịp trên mặt bàn cờ:

- Được rồi, ngươi có thể lui ra.

Đối với Bảo Lâm lúc này thì lời của người kia vang lên với nội dung như vậy tựa tiếng gọi tới từ thiên đường, nàng vội vàng đứng dậy, hấp tấp cúi gập người một góc chín mươi độ giống như gặp được Chủ tịch nước:

- Vậy, thuộc hạ xin lui!

- Lần sau hãy nhớ, da tóc là của cha mẹ ban cho, chớ vì người khác mà làm tổn thương nó. - Lê Tư Thành buông tiếp một câu.

- Vâng, vâng. - Bảo Lâm gật đầu như giã tỏi.

Nói rồi, nàng đảo chân, vội rời đi. Ra khỏi điện Phù Vân, nàng rảo bước hòng gỡ bỏ gánh nặng đè nén trên ngực. Mồ hôi lạnh túa ra, lòng bàn tay ướt đẫm, nhớ lại sắc mặt Lê Tư Thành lúc đó Bảo Lâm vẫn cảm thấy lạnh người. Nàng thực không hiểu bản thân mình gặp phải chuyện gì mà càng lúc càng trở nên bất cẩn như vậy, may mà Lê Tư Thành không nổi giận nếu không nàng sẽ chết không toàn thây! - Bảo Lâm vô cớ rùng mình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, hôm nay nàng cũng học thêm được vài điều khá thú vị, nên nếu nói mình bị lỗ thì cũng không hẳn. Tâm tình chợt bớt căng thẳng, tuy nhiên trước mắt bỗng tối sầm, khuôn mặt Bảo Lâm đổi sang trắng bệch, vết thương lại rách ra, máu chảy dọc theo cánh tay, rỏ xuống mặt đất.. Nàng nghiến răng, hận không thể băm đám sát thủ kia ra thành trăm mảnh, ôm lấy tay, loạng choạng rời đi.

Ngồi bất động nhìn theo bóng Bảo Lâm khuất khỏi tầm mắt, Lê Tư Thành nhếch mày hỏi người hộ vệ bên cạnh:

- Trần Quân, ngươi quen hắn trong hoàn cảnh nào?

- Vương gia còn nhớ lần thuộc hạ bị Đào Thiên Lang truy sát không? Hôm đó là cậu ta đã cứu mạng thuộc hạ. - Trần Quân đặt thanh kiếm lên bàn, ngồi xuống ghế đối diện.

Đáy mắt thoáng hiện ý cười, Lê Tư Thành hướng Trần Quân, nói:

- Ngươi vẫn còn giận ta sao?

- Thuộc hạ không dám thưa Vương gia. - Trần Quân lắc đầu - Chỉ là thuộc hạ cảm thấy tên họ Đào kia không đáng tin, hơn nữa hắn còn từng làm việc cho Lạng Sơn Vương.

Lê Tư Thành nheo mắt:

- Đào Thiên Lang là người thế nào, ta hiểu rất rõ. Tuy bề ngoài hắn tỏ ra ngông cuồng nhưng thực chất lại rất lương thiện. Con người vốn có thể che giấu tình cảm trên khuôn mặt nhưng riêng ánh mắt thì không, Đào Thiên Lang là một trong số những người đó.

Ngừng lại một lát, Lê Tư Thành tiếp lời:

- Ngươi thấy tên tiểu tử kia thế nào?

- Ý người là Phạm Bảo Lâm?

Tên hắn là Phạm Bảo Lâm? - Lê Tư Thành thầm nghĩ rồi khẽ gật. Trần Quân đan hai bàn tay vào nhau, nói:

- Theo thuộc hạ thì cậu ta là một người khá kỳ quái, lúc ham sống sợ chết, khi lại xả thân cứu mạng người khác; có chút tham tiền nhưng lại sẵn sàng bỏ tiền giúp người ngoài, đặc biệt, khi gặp phải áp lực thì trở nên rất khôn ngoan, khiến cho mọi người bất ngờ.

Khuôn mặt của Lê Tư Thành thoảng qua ý ngạc nhiên, hỏi tiếp:

- Có thể tin tưởng không?

- Hoàn toàn có thể thưa Vương gia. - Trần Quân dứt khoát nói.

Lê Tư Thành nghe xong bèn nâng ấm trà sắp nguội lên, rót ra hai chén, đẩy về phía Trần Quân một chén. Trần Quân đưa tay nhận lấy. Khi chỉ còn hai người, họ không phải chủ tớ mà là huynh đệ có thể cùng nhau vào sinh ra tử. Hoàn toàn khác những kẻ chảy chung dòng máu hoàng tộc mà lại đang tâm dồn đất nước vào nạn nồi da nấu thịt kia!

- Phía Lạng Sơn vương thế nào rồi? - Lê Tư Thành nhàn nhạt lên tiếng.

- Chắc hiện tại y đang trị thương ở phủ. - Trần Quân cười nhạt.

Lê Tư Thành thở dài, trầm ngâm một lát, đoạn đứng lên, bước tới bậc thềm, nhìn màn đêm dần nuốt trọn nhân gian, buồn bã nói:

- Ngươi từng nghe qua "bài thơ bảy bước"[1] của Tào Thực[2] chưa?

- "Bài thơ bảy bước"? - Trần Quân nhíu mày. - Thuộc hạ chưa từng nghe qua.

Lê Tư Thành hướng ánh mắt về phía xa, ngâm:

- "Dây đậu nấu hạt đậu,

Hạt đậu trong nồi khóc.

Cùng một gốc sinh ra,

Sao đốt nhau quá gấp?"

Trần Quân nhẹ giọng:

- Vương gia, người đừng quá u sầu, việc chúng ta làm là đúng hay sai xin hãy để cho hậu thế phán xét.

Giữa vòng xoay vô cùng vô tận của tạo hoá, lời thơ của Lê Tư Thành bay đi, hoà vào trời đất, báo hiệu cho một cuộc thảm sát đẫm máu. Thay ngôi hoán chúa, thịnh suy hưng vong, âu cũng là ý trời.

***

Chú thích:

[1] Bài thơ bảy bước: Sau khi Tào Phi lên ngôi, muốn loại trừ Tào Thực, một lần giữa triều, nhà vua lấy đầu đề "Anh em" (nhưng trong bài không được nói đến hai tiếng "anh, em") bắt Tào Thực bước bảy bước, phải làm xong bài thơ, nếu không sẽ bị tội. Và Tào Thực, vừa rơi nước mắt vừa đọc:

"Chử đậu nhiên đậu cơ,

Đậu tại phù trung khấp.

Bổn thị đồng căn sinh,

Tương tiễn hà thái cấp."

(Dịch: Dây đậu nấu hạt đậu,

Hạt đậu trong nồi khóc.

Cùng một gốc sinh ra,

Sao đốt nhau quá gấp?)

[2] Tào Thực (192 -232) tự là Tử Kiến (子建), khi mất có tên thụy là Tư, nên còn được gọi là Trần Tư Vương. Ông là một nhà thơ nổi bật trong số văn nhân thời Kiến An. Tào Thực là người đất Bái, huyện Tiêu, nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc; là con trai thứ ba của Tào Tháo, em của Tào Phi. Lúc Tào Tháo xây xong Đồng tước đài thì Tào Thực chỉ khoảng 10 tuổi. Vậy mà, khi nghe cha ra lệnh các con làm thi phú để tán tụng, ông làm xong bài phú "Đồng tước đài", khiến cha vừa mừng vừa kinh ngạc, và Tào Phi bắt đầu ganh tị với ông từ đó.

Ban đầu, Tào Tháo đã định lập ông làm Thế tử, nhưng vì tính tình phóng túng, không phục tùng ai; lại bị Tào Phi đố kỵ, xúc xiểm, nên ông không còn được cha tin tưởng. Đau lòng nhất, theo Dịch Quân Tả (một học giả người Trung Quốc), Tào Thực thương một người con gái đẹp là Chân thị mà Tào Tháo có ý muốn tự nạp, về sau lại cưới cho Tào Phi. Khi người yêu dấu mất, Tào Thực mộng thấy gặp lại Chân thị ở bên bờ Lạc Thủy, và nàng đã tặng cho ông một chiếc gối. Khi tỉnh giấc, thiên tình sử ấy được Tào Thực tả lâm ly trong bài "Cảm Chân phú".

Năm 220, Tào Tháo mất, Tào Phi được thừa kế địa vị của cha, và đã ép Hán Hiến Đế (189-220) thoái vị và tự xưng là hoàng đế Ngụy. Tào Phi và con là Tào Tuấn (205-239) kiếm đủ cách bức hại Tào Thực, như: giết mất "cánh tay" của Tào Thực là Đinh Nghi, Đinh Dực, chỉ phong ông tước hầu (Bình Nguyên hầu), bị buộc phải rời kinh đô... Về sau, tuy được mang tước vương (Đông A vương, Trần vương), nhưng trong khoảng thời gian hơn mười năm dài, ông bị thuyên chuyển sáu lần và cuộc sống chẳng khác gì người tù bị giam lỏng. Ông mất trong uất hận khi vừa 40 tuổi.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hoạn Lộ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook