Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

Chương 5

Hải Nham

19/10/2017

Theo ông Ngô Trường Thiên, trong lịch sử, mỗi lần chuyển giao thế kỷ là thời nhân loại xuất hiện hàng loạt anh hùng. Ông đã từng mắt thấy tai nghe, đếm không hết những nhân vật nổi tiếng. Có thể còn nhiều người vẫn quen coi anh hùng là những liệt sĩ trong khói lửa chiến trường và gương sáng trong thác lũ. Nhưng trên thực tế, anh hùng hào kiệt giữa đời thường đều là những bậc trí giả nho nhã phong lưu, đấu tranh gian khổ, có năng lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc ngày nay. Liệu ông có xứng với vinh dự ấy không, tin rằng người đời sẽ bình xét. Bây giờ chưa phải lúc ông đến Hoa Sơn luyện kiếm, tự mình treo bảng. Hơn nữa, trong trận chiến cổ phiếu của Trường Thiên hiện tại, vẫn chưa đến hồi kết, ông chỉ ngồi đốc thúc ba quân, thắng lợi trong tầm tay. Chờ cho đến khi Hội nghị Hội đồng quản trị Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên kết thúc thắng lợi, con tàu cổ phiếu của ông kéo một hồi còi dài khởi hành trong mộng ảo, đến thẳng bến bờ lòng ông đã định sẵn.

Theo kế hoạch của ông, cuộc họp định kì sắp tới của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Trường Thiên diễn ra vào cuối tháng, địa điểm tại Cát Hải. Nhưng chỉ còn mấy hôm nữa sẽ họp, ông là nhân vật hạt nhân của cuộc họp này, bỗng buông rơi công tác trù bị khẩn trương, phức tạp, vội vội vàng vàng lên Bắc Kinh.

Có thể công tác chuẩn bị cho cuộc họp Hội đồng quản trị ông rất yên tâm giao cho Phó Chủ tịch Trịnh Bách Tường, ông mới đi một cách nhẹ nhàng như vậy. Lần trước, cuộc họp Hội đồng quản trị ông vắng mặt, ông Tường điều hành, đạt được quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt. Sau khi công bố phương án, đúng như ông Thiên dự kiến, phá tan ảo tưởng của các nhà đầu tư vươn cổ mong ngóng, giá cổ phiếu của Trường Thiên lập tức sụt giảm. Nhân cơ hội ấy, ông Ngô Trường Thiên chỉ đạo các cổ đông chủ lực liên tiếp trong mười lăm phiên giao dịch bán ra ồ ạt. Với cái trò chơi chết người bất ngờ, buộc các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải tháo chạy. Họ mở mắt nhìn cổ phiếu vừa hôm qua còn nóng, chỉ trong chớp mắt biến thành đống rác. Ai cũng tưởng như nắm phải củ khoai nóng bỏng tay, vội vàng vứt bỏ. Ông vẫn còn mạnh tay, nhìn cổ phiếu của Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên sụt giảm, mỗi cổ phiếu đang từ hai mươi lăm đồng sụt xuống còn chín đồng chín hào. Sụt giảm thê thảm. Cho dù ông cũng đã từng có ý nghĩ dừng tay, nhưng ông biết tháng Bảy năm chín mươi chín Luật chứng khoản có hiệu lực. Trận chiến này là cơ hội cuối cùng của Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên. Hơn nữa, lúc đầu ông quyết định nguyên tắc cuộc chơi lần này nếu thắng ít tức là thua. Ông không thể không tiếp tục nghiến răng đánh tới, tạm thời cho ba xưởng nhỏ trực thuộc Công ty đầu tư - thương mại nghỉ sản xuất, chờ tin chuyển đổi sở hữu đăng báo, dẫn đến cổ phiếu một lần nữa sụt giảm chỉ còn sáu đồng một hào rưỡi, cuối cùng đã thấy đáy. Suốt cả tuần lễ, ông Thiên vẫn yên tâm điều độ một lượng vốn lớn. Ông lần lượt khống chế vững chắc, hơn nữa mấy xưởng sản xuất nhỏ không liên quan đến sở hữu nhà nước, lặng lẽ cho mua vào một khối lượng lớn cổ phiếu giá thấp của Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên. Mấy công ty con này làm rất kín đáo, chờ đến khi xong việc, trên thị trường bắt đầu lan truyền tin Tập đoàn Trường Thiên đứng ra cứu chứng khoán, ngay trong ngày giá cổ phiếu lên gấp ba. Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn của Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên thông báo, ba xưởng sản xuất nhỏ của Công ty tạm nghỉ sản xuất cách đây ít lâu, nay đạt được hợp đồng liên doanh với Công ty Apple của Mỹ. Được nguồn tin này cổ vũ, giá cổ phiếu cứ vậy lên vù vù, so với giá trước khi sụt giảm kém không đáng kể. Lúc này ông Thiên mới thở phào nhẹ nhõm, chiến thắng đã trong tầm tay. Có thể dự đoán, mấy hôm sau ông sẽ chủ trì cuộc họp Hội đồng quản trị để “dẹp loạn”, đưa ra phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu thay cho phương án chia cổ tức bằng tiền mặt mà cuộc họp Hội đồng quản trị lần trước quyết định. Một khi tin tức công bố, cổ phiếu sẽ cất tiếng hát thẳng tiến, lên không biết đến mức độ nào. Chờ đến lúc này các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại phải chữa cháy, một lần nữa chen chúc, một lần nữa ông thừa cơ ra tay, dốc túi một phen, sau đấy ung dung thoái lui. Tất cả đều là vấn đề thời gian. Đến lúc ấy ông để lại cho thị trường và các nhà đầu tư nhỏ lẻ một cảnh tượng kinh hoàng hơn chục ngày và những ký ức không muốn nhớ lại.

Nhưng lúc này trước trận quyết chiến, bỗng ông về Bắc Kinh lâm trận là hoàn toàn vì ông Mai Khởi Lương, Bí thư Thành ủy Cát Hải. Đấy là gánh nặng trong lòng ông, đấy là trận chiến số phận chưa biết thắng thua.

Có thể đây là chuyến bay cuối cùng tối nay, cho nên hành khách không đông lắm. Khoang hạng nhất trừ ông ra chỉ có một cặp vợ chồng người nước ngoài ngủ li bì từ khi máy bay cất cánh. Chiêu đãi viên vốn quen mặt ông, một hành khách thường xuyên, biết ông không ăn điểm tâm trên máy bay, cho nên tắt đèn sớm. Khoang hạng nhất tối lại, hết sức yên tĩnh. Ông ngả ghế, nhắm mắt dưỡng tinh thần, nhưng không buồn ngủ. Trong cái tháng Bảy cuối cùng của thế kỷ, ông sẽ mừng thọ tuổi năm mươi. Vừa rồi, trong phòng chờ máy bay, ông Lí Đại Công còn hỏi ông, kỷ niệm sinh nhật lần này sẽ tổ chức như thế nào. Xưa nay ông không coi trùng sinh nhật, rất nhiều năm về trước, sinh nhật qua rồi mới nhớ mình thêm một tuổi. Nhưng cảm giác về năm mươi tuổi không giống những lần trước, mà như trạm dừng lớn trên đường đi của đời người, rất đáng dừng chân để kỷ niệm. Hai chục năm ra khỏi biên chế đối với ông quả là một thời gian mệt mỏi, về thể lực cũng là bước ngoặt của cuộc đời. Bất luận thế nào, thế kỷ tiếp theo không còn là của những người như ông. Thế kỷ sau ông chỉ có thể sống với hồi ức, hồi ức về những năm tháng gian khổ, những thành bại vinh nhục. Đúng vậy, khi sức khỏe của ông không cho phép tiếp tục làm việc trong doanh nghiệp, liệu ông còn gì, chỉ còn những ký ức phong phú nhiều sắc màu.

Về điểm này xem ra có phần tàn nhẫn, nhưng lúc này rất có thể trở thành hiện thực, một hiện thực ông không chú ý. Ông vẫn nghĩ Tập đoàn Trường Thiên là đứa con của ông. Ông sinh, ông dưỡng, tất cả vì nó. Mọi gian khổ, hiểm nguy, những đêm mất ngủ ông phải chịu đựng, liệu có mấy người trong xã hội Trung Quốc ngày nay? Nhưng cái doanh nghiệp hút hết tinh lực của ông để ngày nay trưởng thành, một ngày nào đó không thể biết trước, ông không còn chút quan hệ nào với nó, mất hết trong khoảnh khắc bởi một quyết định nghỉ hưu theo chế độ, hoặc bởi một lệnh điều động, thuyên chuyển.

Tất cả chỉ còn lại những ký ức phong phú giàu màu sắc.

Chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện ấy, cho dù ông đã biết, nếu ông là một cán bộ của doanh nghiệp nhà nước, chắc chắn đấy là một kết cục hợp lý và duy nhất. Có ai không như thế, mọi người đều suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ thế giới đã đổi thay, khi anh trông thấy rất nhiều người cùng bỏ sức lao động, trí tuệ và chịu mọi hiểm nguy. Thành công của họ được công nhận đồng thời được luật pháp bảo hộ, những người ấy có thể quyết định tương lai của mình, về hưu rồi nhưng vẫn được hưởng quyền lợi và cuộc sống ưu việt.

Hình như ông là một thằng ngốc, bao nhiêu năm nay ông không nghĩ đến những chuyện đó, hai mươi năm lặn ngụp nơi thương trường ông không nghĩ đến, nhưng lúc này phải nghĩ. Cái thứ mắt không trông thấy, tay sờ không đến nơi, liệu nó có liên quan gì đến cuộc sống của ông? Ông phấn đấu vì ai trong hiện tại và tương lai? Mọi vất vả cực nhọc, mọi cố gắng lẽ nào để đánh đổi tấm bằng khen treo trên tường? Có thể ông Chử Thời Kiện ở Vân Nam đã nghĩ đến những điều ấy, cho nên chỉ trong một đêm ông ta phát điên. Chắc chắn ông ta mất hết nguồn cội sức mạnh, lạc lối trong biển khổ, cho nên ông ta điên. Ông ta có quyết định ngu xuẩn không đúng với lẽ thường, có những hành vi không chút lý trí và hiểu biết, lấy tiền ngay trong tài khoản của doanh nghiệp mà không hề che đậy giấu giếm, rõ ràng là điên. Nhưng băn khoăn của người điên Chử Thời Kiện cũng có ở những người không điên như ông ta. Những người không nghĩ đến những chuyện kia mà chỉ sợ mình không thuộc về thời đại ấy. Những người tự xưng không nghĩ đến chuyện riêng mà chỉ nghĩ suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn đấy là những con người giả dối, thâm hiểm, vô liêm sỉ. Xét từ kinh nghiệm cuộc sống, ông Ngô Trường Thiên tin chắc ở điểm này!

Mấy năm nay vì lợi nhuận của doanh nghiệp, ông vắt óc nghiên cứu những cơ chế để có thể kích thích, động viên nhân viên trong doanh nghiệp. Có thể nói, hai mươi năm nay, tuyệt đại đa số nhân viên của tập đoàn Trường Thiên đều rất phấn khởi vì các khoản đãi ngộ, từ tiền lương, tiền thưởng đến các khoản phúc lợi suốt đời, từ các khoản thưởng đặc biệt cho những người có công đến tiền lương hàng năm của lãnh đạo cốt cán, từ các chế độ thành văn và những khoản điều tiết khác. Thu nhập bình quân của nhân viên trong Tập đoàn Trường Thiên, đừng nói gì ở Cát Hải, so với Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu cũng đều cao hơn một bậc. Rất nhiều giám đốc có ô tô riêng, gửi ở ngân hàng cả mấy trăm ngàn đồng. Còn ông đã tích trữ được gì? Nếu không kể tài sản vợ để lại, hầu như ông không tích góp được cho bản thân và cho con trai được một khoản đáng kể nào.

Lúc này ông bắt đầu nghĩ đến những chuyện ấy. Bởi vì, không những chính sách nhà nước đã bật đèn xanh cho tư nhân chiếm hữu cổ phần và tiền vốn, hơn thế, còn ghi rất rõ vào Hiến pháp, nên ông không những có thể mà còn cần phải nghiêm túc nghĩ đến vấn đề ấy. Điều ông nghĩ là làm thế nào để kịp đáp chuyến xe ấy, để nỗi gian lao vất vả trong hai mươi năm qua của mình được công nhận, để lịch sử Tập đoàn Trường Thiên từ không đến có, từ nhỏ đến lớn chuyển hóa thành vốn tự có theo luật định. Từ đấy không lo một tờ lệnh điều động từ trên trời rơi xuống; không phải lo chỉ một nhát dao đưa ông về hưu; không phải lo những cuộc đấu đá phe này phái nọ và sự tranh giành chức tước thường thấy trong các doanh nghiệp nhà nước. Sau nhiều năm cảm nhận được sự xa vời và trống rỗng của cơ chế quan liêu cũ, cuối cùng ông tìm thấy mục tiêu phấn đấu rõ ràng và cụ thể. Đấy là biến mình thành một nhà doanh nghiệp, độc lập chỉ huy doanh nghiệp của mình, độc lập chi phối tài sản của mình, không phải là một cán bộ cấp nào đấy được cấp trên bổ nhiệm. Người có thể quyết định ông phải chăng là một nhân vật then chốt có thể thực hiện mục tiêu ấy, chính là ông Mai Khởi Lương, Bí thư Thành ủy.

Mà lúc này, giờ này ông Mai Khởi Lương đang đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Tin ông sắp lên ghế Thường vụ tỉnh ủy đến tai ông Ngô Trường Thiên không phải mới một vài ngày. Từ cấp cơ sở lên cấp phó tỉnh là con đường làm quan của người cộng sản, là bậc thang có hàm lượng vàng cao nhất. Cấp phó tỉnh đối với người lập chí làm quan, không phải là khởi điểm để ghi tên mình vào sử sách, ít nhất cũng đã bước vào hàng ngũ cao cấp, suốt đời được bảo đảm ở một tầng nấc nào đó. Một con người chọn con đường chính trị, vậy thì đứng vào hàng ngũ cấp tỉnh tức là đã đạt đến đỉnh cao. Hơn nữa ông Mai Khởi Lương năm nay đã năm mươi tuổi, cơ hội không còn nhiều.

Ông Lương mới hôm kia bay đi Bắc Kinh, trên danh nghĩa làm việc với văn phòng Chính phủ để giải quyết một sự vụ lớn ở Cát Hải, tiện thể thăm thú vài vị thủ trưởng cũ. Nhưng thực tế, ông Thiên biết, vào thời điểm quan trọng này ông Lương cần phải chạy đây chạy đó ở Bắc Kinh. Thư ký của ông Lương gọi điện kín đáo cho ông Thiên biết chuyện. Một người đi công cán làm gì có chuyện không đem theo bọc tiền, ông Thiên dù bận việc to lớn đến mấy cũng phải lập tức đến tìm ông Lương. Mỗi lần ông Lương lên Bắc Kinh, hễ cần tiếp khách hoặc biếu xén lãnh đạo cũ, thư ký đều báo cho ông Thiên biết. Có thể ông nhỏ tí máu rồi sẽ được sủng ái hơn. Những người chưa đủ tín nhiệm sẽ không có được cơ hội ấy.

Cho nên, vừa xuống máy bay, ông Thiên bảo người cùng đi là ông Lí Đại Công gọi điện ngay về văn phòng đại diện chính quyền Cát Hải tại Bắc Kinh, bảo họ nói lại với ông Lương rằng, ông Thiên đã có mặt ở Bắc Kinh. Tất nhiên ông Lương biết chỗ ở và số điện thoại của ông Thiên ở Bắc Kinh. Sau đấy ông Thiên mới về biệt thự Kinh Tây. Về đến biệt thự đã mười giờ đêm, vừa bước vào cửa thì nhận được điện của ông Lương đích thân gọi: “Anh Thiên, mới lên à?” Giọng ông Lương qua điện thoại nghe rất phấn khởi, nhưng khiến ông Thiên thấy bất ngờ là, muộn thế này rồi mà ông ta vẫn gọi điện đến trao đổi công tác, sau đấy kéo sang chuyện gia đình: “Bà xã nhà tôi lần này cũng lên, lên thăm con gái.” Ông Lương rất hào hứng: “Này, nhân dịp anh có ở Bắc Kinh, hai gia đình chúng ta cùng ăn bữa cơm nhé. Chỉ hai gia đình thôi, không mời ai. Bà xã nhà tôi rất muốn gặp cậu Hiểu, lâu lắm không gặp.”

Tất nhiên ông Thiên đã rõ ý của ông Lương, vậy là ông trả lời bằng giọng thân tình hàng xóm cũ: “Được được, tôi cũng rất muốn gặp cháu Mai San. Cháu San ở Bắc Kinh thế nào? Tôi bảo cháu có việc gì thì cứ tìm tôi, vậy mà chẳng thấy cháu tìm.”

Ông Lương cười: “Tôi không cho phép cháu tùy tiện làm phiền anh. Nếu có gì khó khăn, tôi bảo cháu đến tìm cháu Hiểu, chúng nó còn trẻ, biết cách bảo nhau.”

Cả hai cùng phá lên cười thật sảng khoái. Cười xong, ông Thiên có phần không hiểu, bởi ông biết Ngô Hiểu không có ý đó với Mai San, hoặc con trai ông không muốn tơ vương đến bạn gái, hoặc hiện tại cậu ta đang mê đắm âm nhạc. Mấy hôm trước cậu ta còn kéo theo một cô ở tòa soạn báo, giả vờ về ra mắt bố chồng. Ông Thiên nhận ra cô gái kia rất khôn khéo, chắc chắn không bao giờ để mắt đến một anh chàng trẻ con miệng còn hơi sữa. Ông gọi Lâm Tinh đến, chỉ dồn vài câu, quả nhiên như vậy. Ông Thiên không lo có cô nào tranh chấp con trai ông. Ông chỉ sợ tính tình cậu con trai bề ngoài không nói năng gì, thực tế đã có ý định.

Nhận lời gặp gỡ gia đình, ông Thiên gọi điện ngay đến văn phòng Tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh, bảo ông Công bố trí việc này. Cán bộ trực ban bảo, ông Công vừa ra ngoài. Ông Thiên hỏi muộn thế này còn đi đâu? Nhân viên trực ban ấp úng. Ông Thiên không tiện hỏi tỉ mỉ. Ông biết ông Công cùng bạn bè quen biết đến quán bar hoặc hộp đêm nào đó uống rượu. Mấy năm nay đúng là ông Công làm ra vẻ với cấp dưới, ỷ thế ta đây là “người cũ của Trường Thiên”, lại được ông Thiên quý vì đức trung thành, khẩu khí khi nói chuyện với cấp dưới có phần hách dịch. Ông ta đi xe còn sang hơn xe của ông Thiên. Ông Thiên và ông Tường theo quy định liêm khiết của công ty, chỉ ngồi xe Toyota và Honda. Còn ông Công lúc thì ngồi Mercedes, lúc lại ngồi Cadillac. Ông ta quản lý xe, muốn đi xe nào ai dám cấm? Với hiện tượng lặt vặt ấy, ông Thiên cũng nhắm mắt làm ngơ, không muốn khắt khe. Nước trong không có cá, người giám sát chặt chẽ quá cũng không còn lối. Nếu khắt khe xét nét với cấp dưới từng khuyết điểm, từng chút lợi lộc nhỏ như con ruồi, sẽ không còn ai theo. Hơn nữa, ông Công lại là công thần từ thời Tập đoàn Trường Thiên mới ra đời, bây giờ có hưởng chút lộc, ông Thiên nghĩ cũng không đáng kể. Nhiều lần ông cũng nhắc riêng, ấy là chỉ mong ông ta xa cái đám bạn bè đen trắng chẳng ra gì, xa rượu, xa gái, vì ông là lãnh đạo một bộ phận của Tập đoàn Trường Thiên, cần phải chú ý đến hình ảnh cá nhân và ảnh hưởng trước mọi người. Tập đoàn Trường Thiên không phải là gánh hát đường phố, công ty giang hồ, một lũ ô hợp, tự thân cán bộ phải giữ gìn và có kỷ luật tối thiểu, phải có đẳng cấp.

Ông Thiên đặt máy xuống được một lúc thì ông Công gọi đến, rõ ràng nhân viên trực ban đã thông báo cho ông ta biết. Trong điện thoại, ông cố giấu cái giọng ngà ngà hơi rượu, hỏi: “Anh Thiên, có chuyện gì cho gọi em?” Trong máy, ông Thiên loáng thoáng nghe thấy tiếng nhạc và tiếng cười của con gái, ông cố tình hỏi: “Anh đang ở đâu đấy?” Ông Công trả lời không rõ ràng: “Thiết bị ở phòng tắm hơi và bề bơi của biệt thự Kinh Tây cũng cần phải thay, em đang làm việc với nhà thầu...” Ông Thiên biết nhưng không chỉ ra cái nói dối của ông ta, chỉ bình thản nói: “Ngày mai, anh tìm giúp cháu Hiểu cho tôi. Nhất định phải tìm thấy nhé, anh có điện thoại của cháu không?”

Nhắc đến Ngô Hiểu, ông Công hiểu rõ ít nhiều: “Vâng, anh có cần tìm ngay không? Cậu ấy đang ở đây, em đưa cậu ấy về ngay.”

“Nó đang ở đấy với anh à?”

“Cậu ấy đang thổi kèn ở kia. Em gọi cậu ấy nghe điện của anh nhé?”

“Không cần!”

Ông Thiên đặt máy xuống, nhìn đồng hồ trên mặt bàn, đã mười một giờ đêm. Ông phải đi ngủ, nhưng bước vào buồng lại không buồn ngủ nữa. Trên tường là tấm ảnh toàn gia hạnh phúc, vợ và Ngô Hiểu còn nhỏ đều đang cười. Chỉ riêng ông tương đối nghiêm, nhưng không che nổi vẻ hạnh phúc trên khuôn mặt. Nụ cười của vợ và con chợt đến khiến ông thấy mình tựa như người bị bỏ rơi, có phần cô đơn. Đối với ông, cô đơn là chuyện gần đây, tức là khi ông sắp bước vào tuổi già mới cảm thấy. Ông đứng rất lâu trước cửa sổ, muốn cho nỗi buồn trong lòng lắng xuống. Sau đấy, ông gọi điện thoại, đánh thức anh lái xe đã ngủ.

Lái xe đưa ông qua những đường phố Bắc Kinh đèn lửa rực rỡ. Ô tô chạy như mắc cửi khiến ông nhận ra về đêm ở thành phố vẫn có người qua lại. Ông nhớ cái tên quán bar vừa rồi ông Công nói. Đấy cũng là nơi mà người lái xe vẫn đến, chỉ cách biệt thự Kinh Tây chừng mươi phút chạy xe. Mười hai giờ đêm đang là thời điểm cao trào của quán bar ấy. Trong tòa nhà nhiều quanh co ngóc ngách đầy khách, bóng người, khói thuốc, ánh sáng kì quái lạ lẫm. Ông Thiên không cho người lái xe đi theo, khó khăn lắm mới tìm được một cái bàn có ngọn nến sắp tàn, mấy thanh niên đứng dậy ra về. Đúng vậy, đến đây đều là các bạn trẻ, những người lớn tuổi như ông có phần lạc lõng. Ông ngồi bên cái bàn đầy vỏ chai bia, lon nước ngọt và tàn thuốc, đồng thời trông thấy ông Công ngồi ở bàn đầu kia. Ông Công và một người bạn đang tán chuyện say sưa với hai cô gái trẻ, bất ngờ cũng trông thấy ông, lập tức đứng dậy, rẽ đám đông đi tới. Mặt ông đỏ bừng, không biết đỏ vì rượu hay vì ngượng. “Anh Thiên, anh cũng đến đây cơ à? Có cần em gọi cậu Hiểu đến không?”

Ông ta chỉ vào sân khấu nhỏ, ban nhạc của Ngô Hiểu đang chơi rất say sưa. Thấy ông Thiên lắc đầu, ông Công vội gọi nhân viên phục vụ đưa nước uống đến. Ông Thiên lấy một chai nước khoáng, ông Công lớn tiếng gọi nhân viên phục vụ: “Ghi tiền vào bàn của tôi ở kia nhé!” Ông Thiên nói: “Anh cứ đến với bạn, để tôi ngồi một mình ở đây.” Rõ ràng ông Công đã uống nhiều, nói: “Anh Thiên, có cần gọi hai cô gái kia đến ngồi nói chuyện với anh không? Anh cũng nên tiếp xúc với giới trẻ, em đến gọi các cô ấy...” Ông Thiên xua tay, nói: “Không cần, không cần, tôi muốn ngồi một mình.”

Ông Công tuy uống đã nhiều, nhưng vẫn thấy rõ vẻ mặt ông chủ. Ông ta biết phải rút lui. Ông Thiên ngồi một mình, lắng nghe những giai điệu trầm trầm của saxo. Ông trông thấy con trai ở đằng xa kia, trông thấy dáng bộ thằng con. Chùm ánh sáng ấm áp khiến cho sân khấu trở thành trung tâm sáng rõ nhất của cả quán bar mờ tối. Con trai ông là nhân vật chính của trung tâm kia. Anh chơi rất tự nhiên, thoải mái, khuôn mặt trẻ con nhưng lúc chơi saxo lại không trẻ con chút nào. Ông Thiên bị hấp dẫn, có phần ngạc nhiên. Ông như hối hận về việc trước đây kịch liệt phản đối con trai chơi nhạc Jazz, nhưng đấy chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Tâm trạng ông rời ngay khỏi âm nhạc, chú ý vẻ mặt con trai. Khuôn mặt giống mẹ, ngây thơ nhưng trầm lắng, dịu dàng, cố chấp. Ông rất muốn ôm con vào lòng, giống như hồi con còn nhỏ. Ông rất muốn thằng con vẫn nhỏ như xưa, vâng lời, dựa vào ông, là một phần của ông.



Nhạc dừng, không có tiếng vỗ tay, không có người khen, tiếng ồn ào lấn át. Ban nhạc đi xuống, băng nhạc được mở ra, so với ban nhạc trình diễn vừa rồi quả là cách biệt và đơn điệu. Ngô Hiểu có thể được ông Công mách bảo, đi vòng qua đám người, lặng lẽ đến ngồi bên bố. Cậu không hề ngạc nhiên tại sao bố lại xuất hiện ở cái nơi không bình thường đối với bố.

Ông Thiên hỏi: “Có uống chút gì không?”

Ngô Hiểu nói: “Ở kia con có nước.”

Vẫn như thường lệ, giữa hai bố con không có chuyện gì nói với nhau. Sau một lúc im lặng, ông Thiên nói trước: “Ban nhạc diễn xong chưa?”

Ngô Hiểu nói: “Con xong rồi. Sau đấy là tiết mục của các ca sĩ.”

Bố nói: “Vậy thì về với bố.”

Ngô Hiểu nói: “Con chờ để nhận tiền, hôm nay diễn xong nhà hàng sẽ trả lương tháng này.”

Bố nói: “Tiền bố cho hàng tháng con dùng vào việc gì?”

Ngô Hiểu nói: “Mua áo quần.”

Bố nói: “Con biểu diễn ở đây mỗi tháng được bao nhiêu?”

Ngô Hiểu nói: “Mỗi ngày một trăm, nhưng tháng này con có nhiều ngày không diễn, cũng có thể được hai ngàn. Chả là, tháng này con về Cát Hải mấy hôm.”

Bố lại hỏi: “Bao giờ thì phát tiền, còn chờ bao lâu nữa?”

Ngô Hiểu nói: “Bố cứ về trước, nếu bố không có việc gì, tối nay con không về.”

Bố hỏi: “Gần đây con có gặp cô San không?”

Ngô Hiểu nói: “Không gặp.”

Bố ngừng giây lát, nói: “Bố mẹ của cô ấy cũng lên Bắc Kinh. Chúng ta mời họ ăn cơm, bà ấy rất muốn gặp con.”

Ánh mắt ông Thiên dừng lại trên khuôn mặt Ngô Hiểu. Những năm gần đây ông ít khi nhìn con bằng ánh mắt thương yêu ấy. Ngô Hiểu rất thông minh, tránh ánh mắt của bố, anh biết bố sắp nói gì rồi.

“Bố, con đã có bạn gái rồi đấy thôi.”

Câu trả lời không mềm không cứng của Ngô Hiểu làm ông Thiên không vui, nhưng tình yêu thương trong ánh mắt ông vẫn không thay đổi: “Con đừng nói dối bố. Bố biết con hiện đang rất mê nhạc. Bố đã nói, bố không phản đối con chơi nhạc. Ngay lúc này con không muốn sa vào con đường yêu đương, bố rất hiểu và cũng rất tán thành. Nhưng chú Lương và nhà ta là chỗ thân tình cũ, giúp đỡ nhiều cho công việc làm ăn của bố. Chúng ta cũng nên tốt với gia đình bên ấy, ít ra cũng phải tình cảm và lịch sự. Con với cô San dù có yêu nhau hay không, chỉ làm bạn qua lại với nhau cũng được, rồi có phát triển hay không là ở bản thân con, nhưng phải tốt, phải nhiệt tình với cô chú ấy.”

Ngô Hiểu không tiếp tục né tránh ánh mắt của bố. Hai bố con nhìn nhau, nói: “Bố, con có bạn gái thật rồi mà. Con nói dối bố làm gì?”

“Cái cô bạn phóng viên ấy à? Cô ấy nói với bố tất cả rồi. Cô ấy đâu có ý gì với con, vả lại bố cũng có thể nhìn ra.”

Ngô Hiểu cúi đầu, không nói gì. Ông Thiên vỗ vỗ vai con trai, nói: “Bố về trước, quyết định thời gian bố sẽ báo cho con biết.” Ngô Hiểu vẫn cúi đầu, không biết nên chống lại hay mặc nhận, bực tức hay buồn với điều bố vừa nói. Ông Thiên đứng dậy. Ngô Hiểu cũng không ngước lên, không nói chào bố.

Ông Thiên nghĩ, ai cũng qua một thời tuổi trẻ rung động, bồng bột. Tình yêu thời trẻ phần lớn là phản ứng tình dục. Bây giờ thanh niên đều muốn thể hiện mọi bồng bột, xung động. Đấy là thời đại không bị gò bó, câu thúc, là một quan niệm, mọi đạo đức, qui phạm đều phục tùng cảm giác và tình cảm. Là hiện tượng của thời đại, ông Thiên hoàn toàn hiểu được. Nhưng khi hiện tượng này phát sinh ở con trai mình, tiếp nhận có phần khó khăn. Ông không yêu cầu con mình phải như người của thời đại ông, trong bầu không khí của chủ nghĩa cấm dục trai gái tiếp xúc rụt rè, xấu hổ, có cảm giác tội lỗi. Ông chỉ yêu cầu con khi quyết định chuyện cả cuộc đời phải bàn bạc với ông, một người làm cha, được sự đồng ý của ông, bởi Ngô Hiểu là người thân yêu duy nhất của ông và cũng là người thừa kế hợp pháp duy nhất. Nếu ông Thiên có thể xác định được quan hệ sở hữu tài sản hợp pháp - cho dù chỉ một phần - giữa ông và doanh nghiệp Trường Thiên theo ý mình, vậy con ông sẽ là người thừa kế mấy tỉ, thậm chí mấy chục tỉ. Nó có chọn bạn tình như thế nào vào cái nhà họ Ngô này, ông cũng không có quyền can thiệp. Hiển nhiên đấy không còn là vấn đề tình cảm cá nhân thuần túy nữa.

Ông nghĩ, phải nói với con thật nghiêm túc, nói rõ nỗi lòng người cha, nói rõ đạo lý, nói rõ các mối quan hệ lợi hại. Thậm chí ông nghĩ cần thiết cũng phải buộc con trai có sự lựa chọn: lấy khối tài sản mấy chục tỉ hay chạy theo hứng thú nhất thời. Ông muốn con có lý trí tối thiểu, muốn giữa cha và con không phải nói với nhau đến mức ấy.

Từ rất lâu ông Thiên đã nghĩ đến một dịp nói chuyện sâu sắc với con trai. Ông có cảm giác thích hợp nhất là sau bữa ăn với gia đình ông Lương. Nếu không khí bữa ăn vui vẻ, ông sẽ dẫn câu chuyện lựa chọn tình cảm của con trai vào chủ đề kéo dài sự nghiệp gia đình họ Ngô, như vậy sẽ có lý hơn. Vậy là ông Thiên chuẩn bị cho buổi gặp mặt này thật kỹ, thời gian, địa điểm, thực đơn đều tính đến. Ông muốn chọn một khách sạn hoặc nhà hàng cao cấp, xem ra lúc này cũng không ít chuyện. Nghĩ đi nghĩ lại ông thấy tốt nhất vẫn là diễn ra ở biệt thự Kinh Tây, như vậy thân tình hơn, phạm vi hoạt động rộng rãi mà cũng tự do, có không khí gia đình. Ông nghĩ, trong không khí thân tình, cha mẹ con cái cùng vui vẻ cũng rất thích hợp để ông cùng với ông Lương bàn bạc thăm dò chuyện sở hữu doanh nghiệp Trường Thiên.

Ông chọn một ngày cuối tuần. Trước đấy, ông dặn ông Công mua hoa về trang trí phòng ốc, lại cố tình làm cho các căn phòng lộn xộn nhưng lý thú để làm nổi bật không khí gia đình. Trước đấy mấy hôm, ông triệu mấy đầu bếp giỏi ở nhà hàng Kinh Thiên đến chuẩn bị thực đơn, chuẩn bị đồ nấu, gia vị, đồng thời để làm quen với bếp biệt thự. Theo yêu cầu của ông, các món ăn không cần thiết phải quá cao cấp, cần nhất là hợp khẩu vị, không cần nhiều, nhưng phải lạ miệng. Ông Lương đã từng ăn đủ món ngon ở đời, nhà hàng, khách sạn lớn nào cũng đã đến. Bữa cuối tuần phải thể hiện rõ sự đặc sắc của bữa tiệc gia đình, phải thật tinh tế, khéo léo.

Ngày cuối tuần trời không đẹp lắm, buổi trưa nhiều mây, buổi chiều mưa gió sấm chớp ầm ầm. Đây là trận mưa xuân đầu tiên, mưa lúc to lúc nhỏ, đến tối vẫn chưa có dấu hiệu tạnh ráo, nhưng ba người gia đình ông Lương vẫn đến đúng hẹn. Biệt thự nơi ông Thiên ở thật ra là nhà khách của tập đoàn Trường Thiên ở Bắc Kinh, một ngôi nhà nhỏ ba tầng, phía trước có vườn hoa, bể bơi. Vợ chồng ông Lương lên Bắc Kinh đã đến ở đây nhiều lần. Tầng trên, tầng dưới, lối ra ngõ vào, ông ta đều thông thuộc. Chỗ nào có thêm đồ vật gì, chỗ nào có sự thay đổi, ông ta đều biết như ở nhà mình. Kiều nữ Mai San của ông cũng đã đến mấy lần. Cô thích nhất là bể bơi hình quả bầu ở phía sau. Nhưng mấy lần cô đến, thời tiết đều không đẹp, đem theo đồ bơi nhưng chưa được bơi lần nào.



Ông Thiên và gia đình ông Lương ngồi nói chuyện ở phòng khách. Lúc này đã sáu giờ rưỡi, rượu ngon và tiệc đã bày sẵn nhưng không ai nhắc phải ngồi vào bàn tiệc. Ông Thiên vẻ mặt như đang say sưa câu chuyện nhưng lại đang sốt ruột, mọi người chờ Ngô Hiểu. Cũng may, Mai San phát hiện kiểu tóc của mình bị nước mưa làm ướt. Cô kéo mẹ vào phòng trang điểm, sửa sang lại mái tóc, làm cho thời gian chờ đợi bớt đi sự khó xử.

Khi phòng khách chỉ còn lại hai người đàn ông, ông Thiên không bỏ lỡ thời cơ, bắt ngay sang chuyện đàn ông quan tâm.

“Anh Lương, việc anh vào Thường vụ tỉnh ủy bao giờ thì chính thức công bố?”

Ông cố tình nói đến thông tin ấy như sự việc đã thành, vẻ mặt, khẩu khí tỏ ra bạn bè quen biết và niềm vui của “con dân”. Ông Lương cười cười coi như không có chuyện gì, nhưng trong thâm tâm lại rất đắc ý. Ông ta trả lời bằng giọng thân mật “người nhà”, nhưng vẫn quan cách:

“Lên tỉnh làm gì, tôi chỉ thích ở Cát Hải, không muốn đi.”

Ông Thiên mỉm cười: “Nghe nói không rời Cát Hải, mà là Thường vụ kiêm Bí thư Cát Hải. Lúc này anh không thể rời Cát Hải được.”

“Hừm!” Ông Lương xua tay: “Do cấp trên quyết định, trung ương đặt đâu mình phải ngồi đấy. Nếu hỏi ý kiến tôi, tôi muốn ở lại Cát Hải thêm hai năm nữa rồi xin về hưu sớm.”

Ông Thiên tỏ ra nghiêm túc: “Về hưu cũng phải vào Thường vụ đã, lên đến cấp tỉnh tất cả đều khác. Cát Hải là thành phố lớn, lẽ ra anh phải vào Thường vụ tỉnh ủy lâu rồi.”

Ông Lương nói: “Anh nói đúng đấy, Cát Hải là thành phố lớn, có một Thường vụ mọi chuyện cũng sẽ ổn hơn. Nếu không nghĩ đến vị trí Cát Hải trong tỉnh, cá nhân tôi cũng chẳng muốn ngồi lên càng xe làm gì.”

Ông Thiên phụ họa: “Đối với Cát Hải rất tốt, đối với cá nhân anh, có lợi mà cũng không có lợi.”

Ông Lương chuyển sang chuyện khác: “Ba hôm nữa tôi sẽ về. Ngày mai và ngày kia, tôi muốn lần lượt chiêu đãi một vài ông bạn cùng học ở trường Đảng, anh thu xếp giúp tôi nhé. Tốt nhất đừng đến nơi ồn ào, chỗ nào cho khá một chút.”

Ông Thiên gọi ngay ông Công đến, ngay trước mặt ông Lương bàn bạc và quyết định hai nơi, rồi ông dặn kỹ thêm, chứng tỏ ông rất trọng thị và quan tâm. Ông Công nhận lệnh rồi lui ra, ông Thiên chuyển chủ đề vào chuyện của mình.

“Anh Lương, tập đoàn Trường Thiên bước vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới. Lúc nào rỗi rãi tôi bàn với anh, sẽ báo cáo thật chi tiết. Hiện tại, bước phát triển tiếp theo của doanh nghiệp cũng tương đối hạn chế, suy cho cùng là vấn đề quyền sở hữu. Quyền sở hữu không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tính tích cực chung. Chuyện này lần trước tôi đã báo cáo với anh. Gần đây tôi tìm được ở Bắc Kinh mấy công ty kiểm toán đánh giá lại toàn bộ tài sản của tập đoàn, tình hình thế nào sẽ nói kỹ lại với anh. Tóm lại, tôi nghĩ...”

Chừng như ông Lương biết trước thể nào ông Thiên cũng nói đến chuyện này, ông ta cười, xua tay cắt ngang: “Anh Thiên, chuyện này anh không cần sốt ruột, tôi cũng đang suy nghĩ. Tập đoàn Trường Thiên là doanh nghiệp lớn của Cát Hải, bước phát triển tiếp theo, tất nhiên Thành ủy rất coi trọng. Nhưng chuyện này không những đụng đến nguồn gốc quyền sở hữu tài sản của anh mà còn đụng đến mọi phương diện của chính sách. Sốt ruột cũng không được, chậm mà chắc. Chờ tôi về Cát Hải, chúng ta sẽ bàn trong phạm vị hẹp. Nói đùa một câu với nhau, nếu thằng con anh với con nhỏ nhà tôi thành đôi thành lứa, hai gia đình chúng ta sẽ thân thiết hơn. Chả nhẽ tôi muốn cháu San nhà tôi sang nhà anh lại không có bát ăn hay sao?”

Hai người nói đến đây thì bà Lương và cô con gái bước vào, Mai San nũng nịu: “Bố với bác Thiên nói xấu gì con đấy?” Ông bố cười khà khà: “Chúng tôi đang bàn làm thế nào để cô sớm có nơi có chốn.” Con gái cứ nắm lấy bố. Tiếng cười của ông Lương làm cho ông Thiên cảm thấy tương lai vô cùng xán lạn. Nhưng tiếng cười cũng làm ông căng thẳng, vì ông nghĩ đến cái tính ương bướng và bộ mặt trầm mặc của con trai.

Bảy giờ, cuối cùng Ngô Hiểu cũng về. Ông Công vào, vẻ không vui, ghé tai ông Thiên nói gì đấy. Nét mặt ông Thiên biến sắc, giọng nói cố giữ bình thường, xin lỗi gia đình ông Lương rồi vội đứng dậy, cùng với ông Công sang phòng con trai. Đúng như ông Công nói, không những ông trông thấy con trai mà trông thấy cả cô phóng viên xinh đẹp cùng về.

Ông nén giận, tỏ ra lịch sự chào hỏi cô phóng viên, sau đấy nói rõ ràng: “Xin lỗi, hôm nay không may, gia đình chúng tôi có cuộc họp măt...”

Ngô Hiểu cắt ngang: “Bố, cô ấy là bạn gái của con, cũng coi như người nhà.”

Ông Thiên không muốn nổi cáu với con trước mặt người ngoài, thậm chí ông nhìn xoáy vào mặt cô phóng viên.

“Cô là phóng viên, một người có thừa bình tĩnh và lý trí. Cô nên nhận ra, nó không nhằm làm bạn với cô, mà cố tình chống lại tôi.”

“Bố!” Ngô Hiểu đi tới, lớn tiếng: “Con nói với bố, con yêu cô ấy!” Nói xong, anh kéo cô gái vào lòng, ôm nhau hồi lâu, như để trả thù, hôn lên môi cô.

Ông Thiên kinh ngạc. Ông nhận ra cô gái kia cũng kinh ngạc trước hành động mạnh mẽ và bất ngờ của Ngô Hiểu.

Ngoài hành lang có tiếng nói vui mừng của Mai San: “Bác Thiên, anh Hiểu về rồi đấy à?” Không ai kịp ngăn lại, cô ta đã đẩy cánh cửa khép hờ bước vào, trông thấy Ngô Hiểu không chút e dè ôm hôn một cô gái lạ ngay trước mặt bố, hôn xong anh nhìn bố bằng cặp mắt thị uy. Hai bố con hết sức căng thẳng đứng đối mặt nhau. Người đầu tiên không chịu đựng nổi là cô gái vừa được hôn, cô sợ hãi bỏ chạy ra ngoài. Lúc này ông Thiên mới nổi cơn thịnh nộ, tát con trai một cái thật đau.

“Mày cút đi!”

Ngô Hiểu cũng bỏ ra ngoài, đuổi theo cô bạn gái. Hai người tay nắm tay, bi phẫn lao nhanh ra ngoài trời mưa to gió lớn. Ông Lương và vợ vẻ mặt nghi ngờ đứng ở cửa phòng khách, nhìn cô gái và Ngô Hiểu một trước một sau chạy đi, nhìn con gái đầm đìa nước mắt chạy về. Ông Lương như đã hiểu, không nói gì. Vợ ông đưa ánh mắt kinh ngạc nhìn ông Thiên từ phòng Ngô Hiểu đi ra, bà hỏi:

“Cậu Hiểu lại đi rồi à? Cô gái kia là ai thế?”

Chỉ có tiếng sấm nơi xa trả lời bà.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook