Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 99: Đêm (14)

Duy Đao Bách Tích

07/03/2020

Lúc nhận được bức điện báo, bà Kiều đứng ngồi không yên. Tổng hợp năm cụm từ đó lại, thì còn ai khác trồng khoai đất này ngoài cậu con trai đốn mạt của Tạ Hồng.

Nhà họ Tạ có gia cảnh thế nào? Phải kể bắt đầu từ ông nội Tạ Huân của Tạ Trạch Ích. Tài sản giàu có của Tạ Huân không thể thiếu hai thứ: nha phiến và trốn thuế. Trốn thuế dĩ nhiên là thuế của người Anh, thậm chí trốn tới nỗi người Anh tâm phục khẩu phục, chỉ vì ba năm sau chiến tranh nha phiến, người Anh vào huyện Thượng Hải, Tạ Huân đã giúp đỡ Balfour rất nhiều. Đối với người Anh mà nói, ông ta chính là một cái cây hái ra tiền. Balfour và ông ta đều coi trọng bãi bùn ở bến Thượng Hải, hơn nữa ông ta biết rõ mảnh đất kia sẽ có món lời thế nào, vậy mà vẫn chắp tay nhường cơ hội cho Balfour. Rồi hai năm sau, ông ta mở tiệm buôn Tốn Thị ở Thượng Hải, công việc chủ yếu là kinh doanh nha phiến và làm điện ảnh Trung Hoa. Ông ta được một gia đình Do Thái ở Anh nhận nuôi, sau đó vào học tại đại học Cambridge. Sở dĩ ở lại phương Đông mà không về Anh Quốc là vì ông ta không muốn nghe những câu như “do đế quốc đã giúp gia đình ông ta kiếm được một khoản tiền lớn như thế”.

Khi nghe tin phải nộp gần một nửa thu nhập của mình cho thuế Anh, ông đã đăng ký công ty của mình dưới danh nghĩa của con trai – tức Tạ Hồng cha của Tạ Trạch Ích, cũng chuyển công ty đến Hương Cảng, còn tài sản thì đưa tới Thượng Hải. Sau khi Tạ Huân qua đời, Tạ Hồng đã tiến một bước phát tài nhờ sản nghiệp kếch xù của cha: khi hãng công nghiệp phim ảnh Đông Phương mới phát triển, nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn xa đã đầu tư vào công ty điện ảnh Thượng Hải; kiếm được một khoản tiền lớn trong công nghiệp phim ảnh, đến lúc thấy chưa đủ thì mau chóng rút ra, chuyển sang đầu tư vào ngành công nghiệp vớ ở Mỹ, lần lượt mua nhà mua đất ở Thượng Hải, mở ngân hàng, kinh doanh hiệu buôn và vũ trường…

Ông ta khéo là khéo ở chỗ làm người, trốn được nhiều khoản thuế của đế quốc, mà đế quốc vẫn sẵn sàng phong ông là huân tước. Huân tước Tạ Hồng không cao, chân trái cà thọt, bước đi tập tễnh; người ngoài đều bảo ông ta bị tiền trong túi làm cho cà thọt. Ông ta không hay khoe của, cũng giống thái độ của ông: nói năng khá ôn tồn, nhưng thực chất lại tàn nhẫn từ tận xương. Cho nên hồi còn ở Hương Cảng, ngay tới thống đốc cũng phải nể ông ba phần; người ngoài nửa sợ nửa kính gọi đùa ông là “thống đốc Nam Thái Bình Dương”.

Xét về tài sản trong nhà, toàn bộ khu thuộc địa của Anh ở Thái Bình Dương, ngoài nhà họ Tạ của ông ta ra thì sợ là không ai dám xưng giàu có nhất.

Nếu muốn làm con dâu nhà họ Tạ, không những phải có hồi môn xứng đôi, mà sau khi thành thân còn bị các cô các bà bảy tám phòng của ông ta giễu cợt, và cũng không biết sẽ bị bên ngoài nắm thóp thế nào.

Nếu nhà họ Tạ thực sự để cô ba qua cửa, mà Chu thị trước đó đã khoe khoang muốn chuẩn bị của hồi môn cho cô, thì tới lúc đó dù có táng gia bại sản cũng không lấy lại đủ.

Có điều, cưới nó? Làm sao có chuyện này được.

Bà Kiều cười nhạt hai tiếng.

Ngày trước, tuy Mã Linh chỉ mới 16 tuổi nhưng cũng được xem là mỹ nhân số một Hương Cảng; gia sản nhà họ Kiều có rất nhiều và con gái cũng trong sạch, thế nhưng Tạ Hồng vẫn nhất quyết không chịu để con trai độc nhất của mình cưới con bé. Thế thì làm gì có chuyện cưới một đứa con gái danh tiếng bị vấy bẩn, sau lưng không có chỗ dựa đây?

Xế chiều hôm đó, bà gọi điện mời ba người bạn thân tới nhà đánh bài. Trong đó không thiếu mấy bà vợ lẽ thường xuyên qua lại với nhà họ Tạ. Ở trên bàn, bà Kiều hỏi thăm: “Nghe nói Tạ Hồng đang làm mai cho con trai bảo bối của ông ta hả?”

Một bà có quan hệ tốt với vợ sáu của Tạ Hồng, tức mẹ đẻ của Di Nhã nói: “Bà sáu có bảo, con bé Di Nhã tinh quái lắm, thấy hai cha con họ không hòa thuận, nên có vẻ đang lên kế hoạch kết hợp anh nó với một cô gái Thượng Hải; vừa hay cô gái ấy có giao tình với bà Cát, cho nên tính nhờ vả bà Cát làm mai.”

Ở Hương Cảng này, không có quá nhiều người thường xuyên lui với với bà Cát, đa số mọi người khi nhắc đến bà đều mang theo ba phần kính sợ. Dù biết rõ năm xưa giữa bà Kiều và bà có hận cũ, thì bà Kiều cũng chỉ dám chỉ trỏ sau lưng. Hai năm gần đây đến chỉ trỏ sau lưng cũng dần không dám, mấy bà vợ lẽ kia cũng không kiêng kỵ nhắc đến bà Cát trước mặt bà.



Mấy người khác nghe thế thì không khỏi thở dài: “Ôi chao, Tạ Hồng xoi mói cực, cứ như muốn cưới tiên nữ cho con trai vậy. Có thể cưới gả đàng hoàng cho Tạ Trạch Ích, ắt hẳn cô gái đó cũng phải là Bồ tát cứu thế chuyển kiếp.”

Cả buổi chiều chỉ toàn nói loanh quanh nhà họ Tạ. Bà Kiều thua trên một trăm đô la Hồng Kông, thấp thỏm bồn chồn. Ba người kia hứng khởi ra về, vui vẻ hẹn bà Kiều ngày khác tụ tập.

Tiễn ba người kia rời đi, bà Kiều chóng mặt ôm đầu, trong đầu nhẩm tính một lượt: Nếu con nhỏ đó thật sự làm con dâu nhà họ Tạ, vậy phải ép nhà họ Lâm chuẩn bị bao nhiêu hồi môn cho nó đây? Đến lúc ấy nếu không đủ, bà Cát sẽ đem bức điện báo của Chu thị ra, thù mới hận cũ tính một lượt với nhà họ Lâm, nhất định nhà họ Lâm sẽ làm liên lụy tới bà.

Không, tuyệt đối không thể có chuyện này được.

Nghĩ đến đây, bà ta sốt ruột nóng gan. Chỉ ngồi trên ghế tính sổ sách thôi đã khiến bà ta há to miệng thở dốc, mồ hôi đầm đìa. Mấy lần muốn chống người đứng dậy nhưng không nổi. Bà gọi dì Triệu tới đỡ mình đến cạnh điện thoại, run rẩy quay số, gọi điện bảo Mã Linh về nhà, kể lại chuyện Chu thị và bà sáu đã nói cùng với quan hệ lợi-thiệt trong đó.

Kiều Mã Linh nghe mà khó chịu, gượng cười: “Mẹ à, mẹ nói với con những chuyện này làm gì, để con biết con còn không bằng một cô gái danh tiếng xấu?”

Bà Kiều nói: “Con cũng biết mà, so với con thì nó có điểm gì tốt để con trai Tạ Hồng để ý? Mẹ đã nghĩ kỹ rồi. Đàn ông mà, nhớ nhất là tình đầu. Cậu ta có thể thích con bé thì sao có thể không thích con được? Chắc chắn là vẫn vẫn ghi nhớ mặt tốt của con ngày xưa. Dù gì nó cũng là em họ con, có lẽ do nó có phần tương tự con, nên mới khiến cậu ta nhớ nhung như vậy.”

Bà Kiều nói câu đó cũng chỉ là tự huyễn hoặc mình. Nhưng nếu nói không nhớ đến tình đầu thì cũng không hẳn sai. Chí ít là đã ứng nghiệm với Kiều Mã Linh. Mấy năm qua cuộc sống hôn nhân không suôn sẻ, tuy nay Hoàng Mark đã rủ sạch tình nhân bên ngoài, nhưng trong lòng chị vẫn đã có tâm ma. Không còn sự mới mẻ ban đầu, dần dà trở nên đồng sàng dị mộng. Cộng thêm việc chị từng sảy thai một lần. Bác sĩ bảo là do tức giận, dặn chị phải giữ mình thoải mái. Nhưng cũng vì những lời này của bác sĩ, dù sau này Hoàng Mark có tốt với chị thế nào, nhưng mỗi lần nhớ đến cục máu kia, trong lòng chị lại như có gai nhọn đâm vào, không hề có hứng thú tình cảm nổi với Hoàng Mark.

Mỗi lần như thế, chị thường xuyên nhớ lại chuyện ngày xưa. Nếu ngày trước chị hạ quyết tâm, chịu nghèo khó hay lênh đênh nay đây mai đó cũng được, chí ít có người yêu mình ở bên thì vẫn tốt hơn cái cảm giác lạnh lẽo của bây giờ, không hề thấy được chút trông cậy nào.

Mình của ngày đó tốt đẹp đến thế mà anh không chịu cưới, thì sao có thể cưới cô em gái kia được?

“Mẹ bình tĩnh đi. Không biết nghe ở đâu đồn bậy đồn bạ rồi hoảng hốt vậy nữa, huống hồ, dù anh ấy có thích thật thì Tạ huân tước cũng không đồng ý đâu.”

Bà Kiều cuống lên, “Cái con bé này. Tuy giờ ông ta và con trai đang cãi nhau, nhưng có cha con nào thật sự thành thù không hả? Lại còn để bà Cát cùng con gái bảo bối của ông ta hòa giải, e là chuyện này đã thành năm phần rồi. Năm phần, dù là ba phần cũng không được! Muốn để mẹ biết những món đồ quý giá mẹ gửi vào ngân hàng có ba phần nguy hiểm rơi vào tay ả đàn bà nhà bên sao… Có chết mẹ cũng phải ngăn cho bằng được!”

Kiều Mã Linh lạnh lùng nói: “Mẹ, giờ con đã là Hoàng phu nhân rồi. Hôn sự này, không phải chính mẹ ngày trước đã xin dì che giấu mọi người cho con ư. Nay sao có thể làm vậy chứ? Chỉ vì nếu để người ta biết được mấy thứ trong ngân hàng mà mẹ định khiến con bị đánh về nguyên hình, cả đời này không thể siêu sinh sao?”

Bà Kiều tức giận, mắng Kiều Mã Linh, “Con có biết đó là toàn bộ cơ nghiệp của nhà họ Lâm chúng ta không!”



Kiều Mã Linh cương mặt nói: “Thế thì sao?”

Cứng không được, bà Kiều lập tức vùi mặt vào hai tay, đau lòng khóc lớn: “Cha con chỉ biết có mỗi con ả điếm Bồ Đào Nha đó, nếu sau này cô ta ỷ có con trai, không biết còn tính leo lên đầu mẹ thế nào đây nữa. Mẹ không có bao nhiêu tiền, về sau bà lão rụng răng này biết dựa vào gì để sống đây… Ai cũng bảo con gái đã gả như bát nước đổ đi, đúng là nuôi con gái không được ích gì, hu hu…”

Viền mắt Kiều Mã Linh đỏ bừng, “Mẹ!”

“Chỉ một lần này thôi,” Bà Kiều thấy chị dao động, đột nhiên nắm lấy tay chị, “Ở Thượng Hải có dạ vũ, mẹ sẽ tìm người nghe ngóng. Thằng con nhà họ Tạ cũng sẽ đi. Đã gửi thiệp rồi, đến lúc đó con cũng đi, mẹ sẽ cho người giúp đỡ để con và cậu ta có thể nói chuyện với nhau. Ở bữa tiệc có nhiều người như vậy, cũng không ai để ý ai nói chuyện với ai đâu. Tới lúc ấy, con nhớ ăn vận thật đẹp vào, thăm dò xem cậu ta có cưới con bé kia thật không, hay vẫn nhớ tình đầu là con.”

Kiều Mã Linh im lặng, khó chịu xoay người sang chỗ khác.

“Trên đời này không có người đàn ông nào là không nhớ tình đầu cả. Trải qua chuyện cảnh còn người mất, nếu để cậu ta thấy con vẫn như trước…” Hai mắt bà Kiều nhòa dần, chợt nhớ lại dáng vẻ bi thương của ông Kiều khi lần đầu tiên thấy vợ mới của ông Cát nhà bên, mà lúc đó bà còn đang mang thai tám tháng. Vẻ mặt tái nhợt ấy, sự dịu dàng trong đáy mắt ấy… Nghĩ đến đây bà lại muốn khóc, đó là nỗi đau cả đời của bà, suốt kiếp cũng không quên được. Bà nói tiếp: “Dù người khác có tốt tới mấy, cuối cùng cậu ta cũng không quên được con đâu.”

Kiều Mã Linh dao động. Chị nhìn thẳng vào mắt mẹ, cuối cùng cũng nặng nề gật đầu.

Hai mẹ con lại nói chuyện với nhau một hồi, chưa bao giờ hai người đồng lòng như thế.

Đưa Mã Linh về nhà, cuối cùng bà Kiều cũng giữ được nửa cái mạng, hai mắt sáng rực đi đến cạnh điện thoại, gọi điện tới ngân hàng HSBC, câu đầu tiên hỏi là: “Bộ trà cụ gốm sứ Bạch Định của tôi vẫn còn chứ?”

Đầu kia đáp: “Là bộ gửi năm 1914 hả? Vẫn còn ở đây.”

Biết bảo bối của mình vẫn nằm yên ở ngân hàng, bà Kiều như được tiêm liều thuốc an lòng, xuôi giọng đáp, “Được rồi, không sao.”

***

Gửi lời cảnh cáo đi, bà Cát ung dung ở nhà chờ kịch hay, bà ngồi trên ghế sofa nghe xem ai sốt ruột hoảng hốt trước. Nghe hết chuyện Điệp Nhi kể khi đón Leon tan học, bà Cát cầm trong tay một cuốn sổ nhỏ, bút máy chống trán, thong thả nói: “Ồ ~ Thì ra còn có bộ trà cụ gốm sứ Bạch Định cơ à.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Giờ Đang Nơi Đâu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook