From Hanoi

Chương 21: Chương 5.3

Lê Phùng Thi Uyên

16/11/2019

Trên đường đi Lan kể cho tôi nghe về quán café Đinh, cô nói đấy là điểm đến thân quen của cô: “Quán café này thực chất ban đầu không có tên, chỉ vì nó nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng và không có tên nên người ta gọi là café Đinh, ngày xưa thời bố mẹ tớ còn trẻ nó được gọi là café sinh viên hay café nghèo, bởi vì toàn học sinh sinh viên đến đấy uống, giá rất rẻ mà phong cách cũng bình dân. Tí vào quán cậu sẽ thấy, không gian ở đấy rất xưa, giản dị nhưng mang một nét đặc trưng duyên ngầm của Hà Nội cũ không thể lẫn vào đâu được.”

Lan dẫn tôi đến trước cửa một căn nhà cổ từ hồi Pháp thuộc, tầng một căn nhà kinh doanh ba lô còn quán café nằm riêng biệt trên tầng hai, lối lên trên quán khá hẹp, lụp xụp và hơi lộn xộn.

Quán café này không gây ấn tượng gì đặc biệt với tôi lắm, không gian khá chật với một khu trong nhà và một khu ban công, quán không có gì nhiều ngoài bàn ghế gỗ và mấy bức tranh sờn. Lúc chúng tôi đến quán đã gần kín hết bàn.

“Kìa kìa, ra lấy chỗ nhanh cậu ơi!” Lan reo lên làm tôi giật mình, cô bước vội đến chiếc bàn ở góc trái ngoài ban công nơi có hai vị khách đang rục rịch về để xí chỗ.

“Trời ạ, đi uống nước thôi, làm gì phải giành chỗ ghê vậy!?” Tôi thì thào với cô khi hai đứa đã yên vị.

“Cậu không biết đến quán này là phải tham gia vào cuộc chiến giành ban công à?!” Lan ghé tai tôi nói nhỏ. “Một cuộc chiến rất văn minh và thơ mộng! Có lần ba đứa tớ ngồi trong nhà, cầm sẵn cốc nước nhăm nhe chờ khách về là lấy chỗ, thế mà vẫn chậm mấy giây, mấy giây thôi mà bị người khác phỗng tay trên đấy. Cậu may mắn lắm đấy! Cậu cứ ngồi giữ chỗ để tớ đi gọi nước nhé.”

Khi cô quay lại tôi khen chỗ ngồi này phong cảnh đẹp, thôi thì tranh giành cũng là đáng công. “Mùa Đông vừa ngồi ở đây nhâm nhi tách café nóng hổi vừa ngắm hồ Gươm thì còn gì thơ mộng bằng cậu nhỉ?!” Tôi nói.

Lan đồng ý với tôi, cô nói mấy tháng nữa đi du học cô sẽ rất nhớ nơi này. “Nhiều người nói rằng hồ Gươm là trái tim của Hà Nội, dù thủ đô có thay đổi thế nào, mở rộng đến đâu đi chẳng nữa thì nơi đây vẫn luôn được mọi người yêu mến gọi là trái tim của Hà Nội!” Cô nói.

Thấy tôi không nói gì, cô sợ nhận định thiếu khách quan nên bổ sung: “Tất nhiên, Hà Nội cũng còn nhiều điểm chưa tốt, ví dụ như đợt lụt năm kia ấy, nó cho thấy quy hoạch Hà Nội còn kém, có tính đối phó, làm theo kiểu rách đâu vá đấy. Vỉa hè, lòng đường bị bê tông hóa quá nhiều, nhiều hồ điều hòa bị lấp hết để lấy chỗ xây nhà…”

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi cậu phục vụ đem ra hai ly café trứng theo yêu cầu của Lan. Cô muốn mời tôi thức uống này, đó là một thức uống đầy sáng tạo của người Hà Nội và đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, cô tin tôi sẽ thích nên mạn phép gọi đồ mà không hỏi ý kiến tôi trước.

“Ở Hà Nội có nhiều quán pha chế món này, có nơi họ còn rắc bột quế hoặc bột ca cao lên nữa cơ. Chỗ nào ngon nhất thì tùy theo cảm nhận mỗi người.” Lan vừa nói vừa chầm chậm khuấy đều lớp bọt bồng bềnh trên mặt cốc, rồi cô đưa từng thìa nhỏ trứng đánh bông lên miệng nhâm nhi, nói chung món gì Lan ăn nhìn cũng ngon hơn bình thường.

Tôi từ từ thưởng thức theo cô, trước giờ tôi chỉ quen uống café đen, lúc đầu nghe giới thiệu tôi sợ là cho trứng vào café sẽ có mùi tanh, nhưng khi dùng thử thì hoàn toàn bất ngờ vì không hề tanh chút nào, thậm chí là ngược lại, hương vị ngầy ngậy của trứng hòa quyện với hương thơm café một cách rất hài hòa và hấp dẫn.

“Món này thật ngon và gây nghiện.” Tôi phấn khởi nói.

“Không phải tự dưng tớ dẫn cậu đến đây đâu.” Lan nói. “Đây là quán quen của tớ với hai cô bạn thân đấy. Bọn tớ gắn bó với quán này từ thời trung học, hồi ấy còn tóc tòm tem, mặc áo trắng quần xanh, đeo dép quai hậu nhìn chân chất thật thà cơ, chưa biết son phấn làm đỏm như bây giờ đâu. Hồi ấy cả ba đứa tớ đều thích món café trứng này. Chậc, hôm nay uống món này tự dưng thấy nhớ họ ghê!”

“Hai bạn ấy có nhã nhặn thanh lịch kiểu Tràng An như cậu không?” Tôi nháy mắt trêu Lan.

“Không, hai bạn ấy cá tính hơn tớ nhiều.” Lan nói, rồi cô ngẩng mặt lên nhìn tôi. “Mà cậu vừa nói gì? Thanh lịch kiểu gì cơ?”

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.” Tôi nói. “Có câu thơ như thế về người Hà Nội gốc đúng không?”

“Đúng là có câu ấy.”

Lan nhẹ nhàng đặt thìa xuống cạnh cốc nước, cô ngồi thẳng lưng lên rồi nhìn tôi và cười, nụ cười ý nhị ấy làm tôi rất bối rối. “Nhưng cậu có biết nét thanh lịch ấy như thế nào và nó có lịch sử từ bao giờ không?”

“Không, tớ chưa bao giờ tìm hiểu việc ấy.” Tôi trả lời thành thật.

“Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nét thanh lịch ấy được xác lập từ khi thực dân Pháp vào nước mình, khi ấy xã hội xuất hiện tầng lớp mới là tư sản, tiểu tư sản. Và sự thanh lịch, nho nhã chính là nét tính cách điển hình của những giai tầng này.” Lan phân tích. “Nhưng họ chỉ chiếm một số lượng nhỏ bé nhất định trong xã hội thủ đô thời đó. Thế nên nhiều học giả lại cho rằng phẩm chất thanh lịch ấy nếu có cũng chỉ là phẩm chất riêng của một nhóm người chứ không phải phẩm chất của người Hà Nội nói chung. Có lẽ người ta ấn tượng quá nên thổi phồng nó lên như trái bóng bay thôi.”

“Cậu tìm hiểu kỹ nhỉ!”

“Người ta khen mình thì cũng phải tìm hiểu xem có đúng không chứ.” Cô nói. “Như cô hàng xóm nhà tớ, mang tiếng là người Hà Nội gốc, thế mà tớ hỏi đường Cổ Ngư nghĩa là gì, cô ấy nói Cổ Ngư là do hồ Trúc bạch và hồ Tây tạo thành hình một con cá, hồ Trúc bạch là phần đầu con cá, hồ Tây là phần thân. Đường Thanh Niên chạy qua hai hồ, là cái cổ con cá nên gọi là Cổ Ngư.”

Tôi nghe xong sướng chí cười phá lên, không ngờ trên đời lại có người có trí tưởng tượng phong phú đến vậy.

“Thật ra…” Lan nói tiếp. “Trước đây ở đấy có con đê tên là Cố Ngự, nghĩa là Giữ vững, sau này nhân dân đọc chệch đi là Cổ Ngư. Mà nghe thấy hay hơn thật, cái tên Cổ Ngư ấy đã đi vào nghệ thuật, vào cả thi ca nhạc họa đấy cậu ạ.”

“Hay lắm, café ngon và câu chuyện cũng rất phù hợp.” Tôi nói. “Đúng là một ngày tuyệt vời.”

“Mình quay lại chuyện thanh lịch một tí đi.” Lan nói. “Cậu nghĩ thế nào về vấn đề này?”

“Tớ không phải người Hà Nội, cũng chưa bao giờ tìm hiểu chủ đề này nên không dám kết luận điều gì…” Tôi nói từ tốn. “Nhưng qua sách báo và tiếp xúc với một số người, tớ có cảm giác rằng Hà Nội là nơi người ta đặt rất nhiều kỳ vọng. Thành phố này có lịch sử 1000 năm thăng trầm dâu bể, từ những lần xân lấm của Trung Quốc, qua thời đô hộ Pháp, Nhật rồi hứng chịu đạn bom thời Mỹ, mà vẫn đứng đó, thâm trầm, vững chãi và uy nghi. Đến hôm nay Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị văn hóa và là nơi hội tụ tinh hoa cả nước, thế nên, có lẽ mọi người đều hi vọng tìm ra phẩm chất hồn cốt gì đó của Hà Nội để mà làm gương, giống như nước Pháp có kinh đô ánh sáng Paris ấy!”

“Cậu phân tích rất có lý.” Lan nói. “Nhưng vậy thì… tại sao cậu không thử gắn bó với kinh đô ánh sáng tương lai này?”



“Tớ cũng chưa biết nữa, ra Tết tớ định vào Nam một chuyến, tớ đang săn vé máy bay giá rẻ trên mạng, tớ vào xem tình hình thằng bạn trong ấy thế nào rồi mới quyết định.”

“Săn vé giá rẻ á? Theo kinh nghiệm của tớ thì tiền nào của ấy thôi.” Lan nói. “Bạn cậu đang làm gì trong ấy?”

“Tớ có một thằng bạn rất thân trong ấy, còn thân hơn cả ruột thịt. Nó tên là Sơn, hè vừa rồi nhờ có Facebook mà tớ mới liên lạc lại được với nó, hồi xưa ở quê hai thằng tớ chơi thân lắm.”

“Cậu cũng chuyển sang Facebook rồi à?” Lan nói. “Dạo này tớ thấy mọi người hay dùng Facebook lắm. Tớ cũng có tài khoản nhưng ít sử dụng.”

“Ừ, nhờ nó tớ mới tìm được Sơn đấy, mức độ kết nối của nó rất rộng, tớ tham gia mấy nhóm đồng hương trên đấy rồi đăng tin tìm người, có hình đại diện nên nhìn cái là nhận ra ngay.”

“Sơn đang học hay làm gì trong đấy hả cậu?”

“Nó học kinh tế quốc dân, nó hơn tớ một tuổi nhưng nó bảo tớ già trước tuổi nên toàn xưng hô là mày tao, nó đang làm cho doanh nghiệp nước ngoài, nó giỏi lắm, chưa ra trường người ta đã đến mời đi làm rồi, thấy bảo công việc rất thuận lợi, ngoài đi làm nó còn buôn đất với ông chú nữa cơ, nó rất muốn tớ vào ấy cùng làm ăn và mở rộng quan hệ.” Tôi vừa nói vừa quay ra nhìn những hạt mưa đang rơi lất phất ngoài trời.

Mỗi lần gió mùa đông bắc về như hôm nay đều làm dâng trào lên trong tôi những cảm xúc bâng khuâng và hoài niệm, tôi nhớ đến những ngày tôi và Sơn đạp xe chở nhau đi học, cũng chính trong những đợt gió mùa lạnh thấu xương như thế này đây, những ngày ấy thật khốn khổ, quần áo giày dép thiếu thốn nên mặt mũi chân tay hai thằng lúc nào cũng tím tái đi vì lạnh, vừa đạp xe vừa run lẩy bẩy, lúc nói chuyện còn nghe thấy tiếng hai hàm răng va vào nhau lập cập.

Là bạn thân nhưng tính Sơn khác tôi rất nhiều, hắn là một người rất thực tế, hắn không thích văn thơ và không bao giờ mơ mộng như tôi. Tôi thích màu xanh rì của lúa nên khi đi học về, ngồi ở yên sau tôi hay để tâm ngắm nghía những đồng lúa bát ngát hai bên đường, một ngày mùa đông giá rét tôi chia sẻ sở thích ấy với Sơn, hắn vừa nghe xong thì run run bình phẩm mất hứng thế này: “Là ruộng lúa thôi mà, có quái gì mà đẹp chứ?! Làm sao… làm sao hết rét mới quan trọng đây này!”

“Cậu uống café đi kìa.” Lan kéo tôi về với thực tại. “Món này để nguội không ngon đâu.”

“À, ừ.” Tôi ngơ ngác vài giây rồi cầm cốc café lên uống như một cái máy.

“Cậu kể cho tớ nghe một chút về Sơn được không?” Lan nhìn tôi thông cảm, cô hiểu tôi đang nhớ đến người xưa việc cũ.

“À… Ừm.” Tôi rút một tờ khăn giấy trong hộp ra lau miệng và bắt đầu kể. “Là thế này, tớ với Sơn vốn là người cùng làng. Những năm chín mươi còn nghèo bọn trẻ con chúng tớ hay kéo đến một nhà trong xóm xem tivi, bọn tớ quen nhau trong hoàn cảnh đi xem phim ké như thế, lúc đầu chỉ là quen biết sơ sơ thôi. Năm ấy có cô bé cùng khối thích tớ, mấy thằng ở lớp cô bé ấy ghét tớ lắm, trai làng ta giữ gái làng ta mà, tan học bọn nó chặn tớ ở trước cổng trường gây sự, Sơn vô tình đi qua, nhận ra tớ nên nó đứng ra dàn xếp. Sơn là loại đàn ông đội trời đạp đất, rất thông minh, rất bản lĩnh, ai cũng nể. Sau sự kiện ấy thì hai đứa tớ bắt đầu trở nên thân thiết.”

Được ánh mắt Lan khích lệ, tôi kể tiếp: “Hoàn cảnh gia đình Sơn còn thê thảm hơn nhà tớ, mẹ Sơn bị bệnh gì về thần kinh ấy, mỗi lần bệnh phát là trở nên ngu ngơ, đi lang thang và lảm nhảm như người điên, bố nó chán cảnh ấy quá nên bỏ đi biệt tích. Bố tớ mất sớm nhưng tớ còn có mẹ nuôi nấng, còn mẹ Sơn thì chẳng làm ăn được gì cả, cậu bảo cứ điên điên khùng khùng thế thì ai thuê làm gì. Thế nên nó đói rách còn hơn cả tớ, Sơn lớn lên chủ yếu nhờ bà ngoại, nó luôn nói với tớ bà ngoại là người quan trọng nhất cuộc đời nó. Ngày bà mất nó gần như sụp đổ.”

“Bà Sơn mất vì bệnh gì hả cậu?”

“Giá mất vì bệnh tật thì đỡ hơn.”

Lan tròn xoe mắt nhìn tôi ngạc nhiên.

“Tớ nói thật đấy. Giá mất vì bệnh tật còn đỡ hơn, đằng này bà lại bị sét đánh khi đang làm ngoài ruộng, chết vì sét đánh khổ lắm cậu ạ, đợt đấy nhà nó có dám chôn bà ở nghĩa trang đâu, phải nhờ người đào huyệt trong vườn sâu hơn hai mét rồi đổ bê tông chôn chặt.”

“Sao lại phải làm thế?” Lan hỏi.

Tôi chưa trả lời ngay mà lấy một điếu thuốc ra châm lửa hút.

Rít được hai hơi thì tôi nói tiếp: “Để tránh bọn trộm cắp, theo người ta nói thì nếu bọn nó mà có xương của người bị sét đánh thì đi trộm cắp không bị phát hiện. Chẳng có căn cứ khoa học nào cho việc ấy cả, nhưng lời đồn chó chết ấy đã gây ra một hậu quả rất khủng khiếp đối với người bị sét đánh và thân nhân của họ, như tớ đã tận mắt chứng kiến trường hợp bà ngoại Sơn, đã chôn sâu vậy rồi mà mấy hôm sau vẫn thấy mấy thằng nghiện đi lởn vởn qua nhà dòm ngó ngôi mộ.”

“Đúng là bọn bất nhân, quá là bất nhân, người ta đã gặp nạn chết chôn xuống đất rồi mà còn hành hạ!!” Cô vừa nói vừa dậm chân bình bịch xuống sàn để giải tỏa bức xúc.

“Ban ngày có gia đình với hàng xóm để mắt, đêm đến thì tớ với mấy thằng ở lớp phải sang phụ nó trông, đến hơn hai tháng mới thôi.” Tôi nói và gẩy tay cho tàn thuốc rơi xuống đất. “À. Cái vụ hút thuốc này đây, lần đầu tiên tớ với Sơn biết hút thuốc lá chính là trong những đêm ngồi trông mộ như thế đấy.”

Tôi gọi thêm một ấm trà để tráng miệng, Lan im lặng dọn bàn giúp tôi và nhìn tôi rót trà.

“Tớ vẫn nhớ như in ngày được tin bà Sơn mất.” Tôi nói tiếp, sau một hồi suy nghĩ. “Sáng hôm ấy, vừa nghe đứa bạn thông báo xong là ra chơi tớ chạy một mạch từ trường về nhà Sơn. Khi tớ đến thấy nó thế nào cậu biết không, khuôn mặt nó hốc hác như hôm tớ ngộ độc thực phẩm ấy, nó buồn bã suy sụp không thiết nói năng gì cả, mà tớ cũng không biết phải nói thế nào, chỉ lúng búng chia buồn khách sáo. Rồi mấy bác nó gọi nó ra ngoài nhận quan tài người ta vừa mang đến, nó đứng lên thì loạng chạng vì chóng mặt, tớ vội giơ tay đỡ nó, nó quơ tay theo phản xạ và bám tay phải vào vai tớ. Cậu biết không, đấy là lần đầu tiên, lần đầu tiên tớ bàng hoàng nhìn thấy thằng bạn mạnh mẽ của mình cúi gằm mặt khóc rống lên như trẻ con, toàn thân nó run bần bật lên, qua bàn tay nó người tớ cũng rung theo, hình như khóc cả đêm làm nó kiệt sức và thân xác nó có thể quỵ xuống bất cứ lúc nào, tớ phải cố trụ chân vững để chống cho nó. Tớ thương nó lắm mà không dám rơi nước mắt theo, sợ sẽ làm không khí nặng nề hơn.”

“Thật là đáng thương, tớ chưa phải mất những người thân yêu nhất nhưng có thể cảm nhận được phần nào nỗi đau vô cùng vô tận ấy của Sơn.” Lan buồn rầu nói.

“Rồi đợt đấy chú họ của Sơn từ miền Nam về dự đám tang, ông ấy thấy hai mẹ con nó khổ quá nên đỡ đầu cho nó vào Nam học tập và bỏ tiền chữa bệnh cho mẹ nó. Đó là một bước ngoặt trong đời nó. Bây giờ thấy bảo khá lắm rồi. Trong đấy khí hậu tốt hơn thế nào mà mẹ nó cũng bớt điên khùng hẳn.” Tôi nói.

“Lúc bọn cậu chia tay chắc buồn lắm nhỉ, tớ với hai bạn thân lúc chia tay cũng rơm rớm nước mắt.”

“Ha ha, chuyện chia tay của tớ với nó cũng buồn cười lắm.” Tôi nói. “Cậu có nhớ bài thơ Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên của Lý Bạch mình từng học trong trường phổ thông không?”



Lan nghĩ ngợi một chút rồi trả lời, điệu bộ bất lực: “Tớ không nhớ đâu, nói thật là sau khi vào đại học một năm là kiến thức trung học tớ quên gần hết, bây giờ đọc đề thi đại học của mấy em họ nhà tớ mà tớ chẳng biết làm thế nào, chịu thua luôn. Như kiểu những định nghĩa, những sự kiện, những dòng chữ chỉ được ghi vào bộ nhớ tạm trong đầu để đảm bảo cho thi cử, thi xong thì xả hết bộ nhớ. Không phải trí nhớ của tớ kém đâu, nhưng ví dụ như bài thơ cậu nói ấy, mình chẳng biết một chữ tiếng Trung thì hiểu làm sao được cái tinh túy của thơ Đường. Không cảm được thì chỉ cố nhét vào đầu để thi thôi.”

“Tớ hiểu ý cậu. Bài thơ ấy tiên thơ họ Lý làm khi đưa tiễn tri kỷ của mình đi xa. Tớ xin phép đọc nhé.” Tôi đằng hắng một cái rồi bắt đầu đọc:

“Bạn từ lầu Hạc lên đường/ Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng/ Bóng buồm đã khuất bầu không/ Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.”

Tôi nhìn ánh mắt háo hức chờ đợi của Lan và kể tiếp: “Chẳng là tớ rất thích bài thơ ấy, tớ nói với Sơn giá như tao biết làm thơ, tao sẽ làm tặng mày một bài thơ trước khi chia tay. Nó nghe xong là ngẩn người ra và trợn mắt nhìn tớ như nhìn một thằng điên, mỗi lần nhớ lại cái mặt nó lúc ấy là tớ lại cười khúc khích một mình. Sơn là đứa rất thực tế, nó luôn nói văn thơ rặt là những thứ nhảm nhí.”

“Sơn cũng có lý đấy, không ngờ cậu cũng có những lúc dị như vậy!” Lan nói. “Còn muốn làm thơ tặng bạn như tao nhân mặc khách nữa kìa, trời ạ!”

“Tớ cũng buột miệng nói vui thôi, nói xong quên luôn ấy mà.” Tôi tủm tỉm cười. “Nhưng gần đến ngày chia tay, Sơn đã làm một điều tớ không bao giờ tưởng tượng được. Tối ấy nó đạp xe sang rủ tớ đi chơi. Nó đưa tớ cầm cái đèn pin hai thằng chuyên dùng đi bắt ếch ban đêm, hồi ấy tớ toàn soi ếch để Sơn vồ, sáng ra có bát cháo ngon, không thì đem bán kiếm tiền. Nó bảo tớ ngồi sau cầm đèn pin chỉ về phía trước soi đường và đạp xe chở tớ đi, đường ở quê ban đêm tối om, dọc đường đi côn trùng từ hai bên cánh đồng thấy ánh sáng cứ thế lao vào hai đứa. Tớ sốt ruột hỏi đi đâu đấy, Sơn bảo cứ ngồi yên để nó chở ra bờ sông Hồng.”

“Đêm hôm ra bờ sông làm gì hả cậu?”

“Nó muốn chiều theo nguyện vọng của tớ, nó nhờ được một anh chèo đò chở hai đứa ra sông ngắm cảnh, lúc ấy nó nói một câu cả đời này tớ không quên được: Sông Trường Giang thế nào thì tao không biết, nhưng chia tay trên sông Hồng thì tao làm cho mày được!”

“Thật á? Sơn làm việc ấy thật á?” Lan thốt lên. “Trời ơi, hai cậu điên hết cả rồi! Nhưng cũng tuyệt vời thật đấy, vừa điên khùng vừa tuyệt vời!”

“Ừ, lúc ấy tớ cảm động lắm. Dù có những khác biệt trong tư duy và cách sống, nhưng những người bạn thật sự luôn biết tôn trọng suy nghĩ và ước mơ của nhau.” Tôi cười hãnh diện. “Rồi bọn tớ đạp xe ra bờ sông, khi Sơn dựng xe đạp ở gốc cây, tớ nhìn thấy con đò đậu ở bờ sông là thầm cám ơn nó lắm rồi, chỉ thế cũng là đủ rồi. Hôm ấy trăng tròn và đẹp lắm, trong lúc đò ra giữa dòng, tớ ngồi ngơ ngẩn nhìn trăng còn Sơn bắt chuyện với anh lái đò, hai người toàn bàn về cầu Tân Đệ, lúc ấy cầu mới xây xong, nó lúc nào cũng quan tâm chuyện thiết thực, hỏi anh lái đò trước nay thu nhập thế nào, sau khi có cầu người ta không đi đò nữa thì định làm gì… Lúc đò đi ra giữa dòng thì Sơn bảo anh lái đò dừng lại một chút, hai thằng ngồi im lặng nhìn trăng rồi nhìn nhau, chẳng biết phải nói thế nào, bắt đầu từ đâu. Sơn bắt chuyện, tớ cũng ậm ừ, rồi chẳng biết phải nói gì nữa, tự dưng lúc đấy hai đứa tớ ngượng ngùng như tình nhân cậu ạ! Xong nó rút từ túi quần ra chai nhựa nhỏ đựng rượu nếp. Nó bảo: Tao sang nhà người quen ở xã Vũ Vân xin ít đấy, thằng cha Lý Bạch của mày chả được gọi là tiên tửu đấy thôi, đêm nay mình uống một tí, khéo mai tao đi mày lại có bài thơ hay. Nó vừa nói vừa bụm miệng cười, nghe rất giễu cợt các nhà thơ.”

“À… Vậy là hút thuốc uống rượu cậu đều bắt đầu với Sơn?”

“Đúng là như vậy.” Tôi nói. “Quay lại chuyện đêm ấy, ngồi im lặng một lúc xong Sơn đưa tớ mảnh giấy, trăng hôm ấy sáng lắm, tớ đọc được địa chỉ viết trên ấy, nó giải thích đây là địa chỉ nhà bác nó, có gì thì liên hệ. Cậu biết không, nó nói xong thì hai mắt tớ đỏ hoe, nhưng tớ phải kìm nén không khóc, nếu lúc ấy là hai đứa trẻ con chứ không phải hai thằng thanh niên thì chắc tớ ôm nó khóc to rồi.”

“Cảm động thật đấy!” Lan nở một nụ cười mãn nguyện, như thể chính cô được tham gia vào buổi chia tay nhiều cảm xúc ấy. “Mà cuối cùng… cậu có làm được bài thơ nào hay không?”

“Không, tớ làm gì có tài như họ Lý, nhưng sau đêm ấy tớ đã ngộ ra một điều.” Tôi hăng say nói. “Chưa chắc là tình bạn của hai thằng nhà quê vô danh bọn tớ lại không chân thành tử tế bằng tình bạn của các vĩ nhân đâu nhé.”

“Hay thật, hay quá, tuyệt vời quá.” Lan suýt xoa. “Có tình bạn như thế thì đời này còn mong cầu gì hơn.”

“Nhưng tớ với nó xa nhau cũng khá lâu rồi, thời gian và tiền bạc có thể làm người ta thay đổi.”

“Lần tới vào Nam cậu sẽ có câu trả lời thôi, hi vọng là Sơn vẫn như ngày xưa.”

“Ừm, mong là vậy.”

Rồi Lan chợt nhìn tôi chăm chú.

“Mà Kiên này…” Cô nói tiếp. “Tại sao tớ cứ càng hỏi thì càng thấy cậu có nhiều chuyện đáng nghe thế nhỉ?”

“Tớ cho rằng cuộc đời của mỗi một con người đều là một cuốn truyện hay, vấn đề chỉ là họ có biết kể hay không thôi.”

Lan gật gù tỏ ý hài lòng với câu trả lời của tôi.

“Cậu biết không, nghe chuyện của bọn cậu xong tớ lại càng muốn đến năm 30 tuổi bọn mình sẽ gặp lại nhau ở chính hồ Gươm này.” Cô kết thúc buổi café sáng nay như vậy.

Sau khi thưởng thức xong món café trứng tuyệt đỉnh, chúng tôi cùng thư thả đi bộ qua vài con phố quen thuộc trước khi về lại phố Hàng Đào nhà nội cô. Tôi cầm ô che mưa còn Lan đi khép nép bên phải tôi. Từ một cửa hiệu nào đó bên đường giai điệu quen thuộc của bài hát Last Christmas vang lên, tiếng nhạc nghe thật vui tươi nhưng lời ca lại u buồn day dứt:

“Last christmas, I gave you my heart/ But the very next day, you gave it away/ This year, to save me from tears/ I’ll give it to someone special…”

Sắp đến giáng sinh rồi, giáng sinh đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của tôi và Lan, ngày này năm sau chúng tôi sẽ ở hai phương trời hoàn toàn cách biệt rồi, còn được bao nhiêu lần đi chơi riêng với nhau như thế này nữa đây, tôi tự hỏi mình mông lung như vậy, cứ nghĩ đến việc một ngày nào đó không còn có Lan bên đời là trái tim tôi lại đau nhói như bị một mũi gai nhọn đâm sâu vào vậy.

Từ tận cùng, nơi sâu thẳm nhất trong thâm tâm, cả tôi và Lan đều đã nhận ra một điều - một sự thật - đó là tình cảm mình dành cho đối phương đã vượt quá giới hạn tình bạn.

Nhưng không ai trong hai đứa biết phải xử trí thế nào tiếp theo, hoàn cảnh của chúng tôi quá khác biệt, Lan có cả một tương lai tươi sáng mà gia đình đã định hướng cho, còn tôi là một gã nhà quê tay trắng sống vất vưởng ngày nào biết ngày đó, chúng tôi có nên liều lĩnh lao vào mối tình vô vọng này không? Giữa ngã ba đường đời này nên chọn tình cảm hay chọn tương lai? Nên nghe theo trái tim hay nghe theo lý trí?

Tôi và Lan hoàn toàn bế tắc trước những câu hỏi ấy. Ở lứa tuổi hai mươi, khi đứng trước ngưỡng cửa bước vào thế giới của người lớn - một thế giới đầy những lo toan và tính toán - dường như tâm hồn của mỗi người trẻ chúng tôi đều trở thành một khối mâu thuẫn lớn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện From Hanoi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook