Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 116: TÌNH THẾ ÂU CHÂU NĂM ĐINH DẬU (1)

Giang Hoài Ngọc

20/03/2013

Năm Đinh Dậu (1417), sau khi chiến dịch hẻm núi Kalwang - chiến dịch quy mô lớn nhất trong lịch sử Âu châu thời Trung Cổ - chính thức chấm dứt, tình thế Âu châu đã trở nên rất rõ ràng. Âu châu lúc này chủ yếu chia thành hai phần : phần phía nam thuộc về Vương quốc Latium, và phần phía bắc thuộc về các nước còn lại.

Sau khi chiếm lĩnh toàn cảnh Hungary, quân đội Thần Thánh Đế quốc không tấn công quân Thổ của Đế quốc Ottoman ở phía đông, mà tiến quân về hướng Hy Lạp ở phía nam, thừa dư âm của chiến dịch hẻm núi Kalwang mà bình định các lĩnh địa vùng Balkan, chính thức định hình cương thổ của Vương triều Latium. Do sử dụng danh nghĩa giúp người Cơ Đốc giáo phương Đông chống quân Thổ, mà các vùng này thường bị kỵ binh Thổ xâm nhiễu, nên chỉ có một số đại quý tộc tổ chức phản kháng, còn dân chúng thì rất ít chống đối việc sát nhập vùng này vào Vương triều Latium. Trước đây họ chọn thần phục Đế quốc Byzantine ở Constantinople. Nhưng nay Đế quốc Byzantine đã rất suy yếu, thành Constantinople đã bị quân Thổ bao vây kể từ năm 1371 cho đến tận lúc này, các tiểu quốc địa phương lại chống quân Thổ không hữu hiệu, nên dân chúng chọn chỗ dựa mới vững chắc hơn là điều bình thường.

Khi tiến xuống đến bán đảo Morea ở phía cực nam, Đinh An Bình mới cho quân đội xuống thuyền, vượt Địa Trung Hải trở về Sinai, giao lại các vùng đất mới chiếm được cho quân đội Latium quản lý. Quân đội Latium lúc này có 6 vạn quân chính quy, khoảng 5 vạn quân địa phương, chia nhau trú đóng khắp các quận huyện trong vương quốc. Quân Thổ của Đế quốc Ottoman hiện đang bận vây đánh thành Constantinople, nên cũng không muốn có xung đột ở biên cảnh phía tây. Vì thế mà song phương tự giác phòng thủ biên cảnh của mình, tương an vô sự.

Vương quốc Latium kiểm soát các lĩnh địa Aragon và Navarre trên bán đảo Iberia; các đảo Iviza, Majorca, Minoroa, Sardinia, Corsica, Sicily, Malta, Candia và nhiều đảo nhỏ khác trong vùng Địa Trung Hải, biển Adriatic và biển Aegm; toàn bộ bán đảo Ý, trừ phần Papal States ở Roma và vùng phụ cận; các lĩnh địa phía nam lục địa Âu châu, với phía bắc là Burgundy, Các công quốc xứ Thụy Sĩ, Tyrol – Trento, Áo, Hungary; vùng bán đảo Balkan, cho đến biên giới Đế quốc Ottoman ở phía đông. Lĩnh thổ vương triều được chia thành 22 tỉnh :

1. Sicily : gồm các đảo Sicily, Sardinia, Corsica và quần đảo thuộc địa Majorca hợp thành, được chia thành 7 quận, gồm 3 quận Syracuse, Palermo và Messina thuộc đảo Sicily; 2 quận Cagliari và Sassari thuộc đảo Sardinia; quận Corsica thuộc đảo Corsica; quận Majorca thuộc quần đảo Majorca. Trong đó Syracuse là kinh đô.

2. Napoli : nguyên là vương quốc Napoli, được chia thành 6 quận là Napoli, Taranto, Calabria, Potenza, L’Aquila và Foggia.

3. Aragon : nguyên là phần phía bắc của vương quốc Aragon cùng với công quốc Navarre; được chia thành 5 quận là Barcelona, Lérida, Navarre, Saragossa và Gerona.

4. Valencia : nguyên là phần phía nam của vương quốc Aragon; được chia thành 5 quận là Valencia, Sagunto, La Plana, Alicanté, Monreal del Campo.

5. Milano : nguyên là các lĩnh địa Milano, Piedmond, và nước cộng hòa Genoa; được chia thành 6 quận là Milano, Bresia, Lecco, Turin, Piedmond và Genoa.

6. Thụy Sĩ : nguyên là các công quốc Thụy Sĩ và lĩnh địa Savoy; được chia thành 6 quận là Zurich, Bern, Lucerne, Valais, Uri và Savoy.

7. Burgundy : nguyên là công quốc Burgundy, các lĩnh địa Nevers và Charolais; được chia thành 5 quận là Nevers, Charolais, Beaune, Besançon và Pontarlier.



8. Lombard : nguyên là nước cộng hòa Venice, và các lĩnh địa ở Lombard, Romagna phía bắc bán đảo Ý; được chia thành 6 quận là Venice, Mantova, Modena, Florence, Siena và Ferrara.

9. Bắc Adriatic : nguyên là vùng phía nam công quốc Áo; được chia thành 6 quận là Gorizia, Trieste, Styria, Carniola, Carinthia và Burgenland.

10. Moravia : nguyên là vùng phía bắc công quốc Áo và công quốc Moravia; được chia thành 5 quận là Niederösterreich, Oberösterreich, Vienna, Moravia và Zlin.

11. Bratislava : nguyên là 20 lĩnh địa của người Slovak thuộc Hungary; được hợp lại thành 5 quận là Brastislava, Kremnikx, Zips, Saris và Hont.

12. Transdanubia : là các lĩnh địa phía tây của vương quốc Hungary, khu vực sông Danub; được chia thành 6 quận là Budapest, Györ, Pécs, Székesfehérvár và Raab.

13. Hungary : là các lĩnh địa phía nam của vương quốc Hungary được chia thành 6 quận là Miskolc, Debrecen, Szeged, Békés, Bihar và Plain.

14. Transylvania : là các lĩnh địa phía đông của vương quốc Hungary được chia thành 6 quận là Bacău, Suceava, Iaşi, Bihor, Cluj và Maramureş.

15. Krajova : phần phía tây của tiểu vương quốc Wallachia, được chia thành 6 quận là Krajova, Mureş, Dolj, Gorj, Timiş và Arad.

16. Crostia : nguyên là lĩnh địa Crostia thuộc Hungary; được chia thành 5 quận là Sibenik, Dubrovnik, Split, Poreč và Trogir.

17. Bosnia : nguyên là vương quốc Bosnia; được chia thành 5 quận là Sarajevo, Zvornik, Lika, Pakrac và Mostar.

18. Belgrade : nguyên là lĩnh địa của người Serbia thuộc Hungary; được chia thành 5 quận là Belgrade, Pančevo, Novi Sad, Zrenjanin và Smederevo.

19. Servia : nguyên là vương quốc độc lập của người Serbia; được chia thành 5 quận là Tivar, Bor, Kragujevac, Nis và Novi Pazar.



20. Albania : gồm 5 quận là Tirana, Podgorica, Pristina,Skopje và Vloré.

21. Thessalia : nguyên là các lĩnh địa miền bắc bán đảo Hy Lạp; được chia thành 6 quận là Thessalia, Chalcidice, Pieria, Ipiros, Athos và Evros.

22. Athens : nguyên là các lĩnh địa miền nam bán đảo Hy Lạp; được chia thành 7 quận là Athens,boea, Phocis, Kriti, Corinthia, Messinia và Olympia.

Ngoài ra còn có 2 lĩnh địa giáo quyền là :

1. Đại lĩnh địa Trento – Tyrol : do Vương tử - Giám mục George I de Trento cai trị, đang xin thăng cấp lên thành vương quốc.

2. Lĩnh địa Salzburg : được giao cho Vương tử - Giám mục Eberhard III de haus cai trị, vì đã có công lĩnh đạo giáo dân nổi dậy đánh đuổi quân chiếm đóng Bavaria, thần phục vương quốc Latium.

https://lh4.googsercontent.com/_X4mRV1LWcaQ/TdClRVwO6YI/AAAAAAAAAMs/JjNWqA35g9s/s912/Ban%20do%202.PNG

Với một lĩnh thổ rộng đến 1,329,847 kilômét vuông, Vương triều Latium trở thành một thế lực hùng mạnh nhất ở Âu châu, uy hiếp tất cả các quốc gia còn lại. Hơn nữa, lĩnh thổ phần lớn nằm trong cương giới của Đế quốc La Mã cổ đại, nên vương triều Latium có thể tự nhận là sự kế thừa từ Đế quốc La Mã cổ xưa. Long nhi hoàn toàn có thể lên ngôi Imperator, tức Hoàng đế của người La Mã. Thật ra thì Long nhi đang chuẩn bị quay về Gia Định Thành thụ phong đế vị.

https://lh6.googsercontent.com/_X4mRV1LWcaQ/TdCmNj7_fiI/AAAAAAAAAM4/an_57Y3mxC8/Hundred_years_war_france_england_1435.jpg

Phía tây bắc vương quốc Latium là vương quốc Pháp Lan Tây (Française). Trước đây, khoảng một nửa cương thổ của vương quốc Pháp Lan Tây bị quân Anh Cách Lan chiếm đóng, chủ yếu là vùng Aquitaine ở phía nam và vùng Paris ở phía bắc. Ngoài ra còn có các vùng Burgundy và Planders bị Công tước xứ Burgundy tách ra khỏi vương quốc, thành lập công quốc độc lập. Phần đất còn lại của vương quốc thì lĩnh địa Provence ở phía nam và các lĩnh địa Anjou, Maine ở lưu vực sông Loire đều thuộc về nhà Anjou. Sau khi quân đội nhà Anjou đã đánh đuổi quân Anh Cách Lan ra khỏi vương quốc thì toàn bộ các lĩnh địa do Anh Cách Lan chiếm đóng cùng với các lĩnh địa vùng Planders của Công tước xứ Burgundy cũng đều trở thành lĩnh địa của nhà Anjou. Quân Anjou chẳng khi nào đã chiếm giữ rồi lại tự nhiên nhường lại cho người khác. Vương quốc Pháp Lan Tây gần như mất nước, nhờ có nhà Anjou nổi lên phục quốc, những người khác không có công lao gì, ai lại dám đi tranh giành chiến lợi phẩm với nhà Anjou mà lúc này uy thế đang chấn nhiếp cả Âu châu (người Âu châu xem Long nhi cũng thuộc nhà Anjou). Thế cho nên, các lĩnh địa của nhà Anjou chiếm hết đại bộ phận cương thổ vương quốc Pháp Lan Tây, triều đình chỉ kiểm soát được khu vực Orléans ở vùng trung bộ, mà vùng này lại gồm vô số quý tộc lớn nhỏ. Thật ra thì vương quốc Pháp Lan Tây do các lĩnh chủ phong kiến chia nhau cai trị, quốc vương cũng chỉ là một lĩnh chủ nhỏ, lớn nhất là Anjou, tiếp đó là hai xứ Orléans và Burgundy. Sau cuộc nội chiến Armagnacs - Burgundy (1407 – 1412), các lĩnh địa của Công tước xứ Burgundy tách ra độc lập, còn Công tước xứ Orléans đại diện cho phe Armagnacs giữ vai trò nhiếp chính. Quốc vương Charles VI de Française bị bệnh tâm thần, nên chỉ là quốc vương trên danh nghĩa. Hiện tại, trong vương quốc đang có cuộc vận động tôn Công tước xứ Anjou lên làm quốc vương, bởi quốc vương hiện tại bị bệnh tâm thần, thái tử thì còn quá nhỏ và đang sống (tị nạn) ở nhà Anjou, trong khi Công tước xứ Anjou với quốc vương lại là anh em họ (cha họ là anh em ruột), và đang trực tiếp kiểm soát đến 80% vương quốc. Cuộc vận động đó còn có mục đích khác nữa là hy vọng ở sự an định của vương quốc khi nhà Anjou lên cai trị, bởi Vương triều Latium ở phía nam quá cường thế. Quốc vương hiện tại đang bị Quốc vương Anh Cách Lan tranh chấp ngai vàng (nguyên nhân của cuộc ‘chiến tranh trăm năm’). Nếu như Công tước xứ Anjou lên ngôi, mọi người tin rằng Quốc vương Anh Cách Lan sẽ chẳng dám tranh ngôi nữa. Sau hơn 80 năm chiến hỏa liên miên, hơn ai hết, người dân Pháp Lan Tây rất trông chờ vào hòa bình.

Phía bắc Vương quốc Pháp Lan Tây đương nhiên là Vương quốc Anh Cách Lan (England). Sau khi bị quân Anjou đánh đuổi ra khỏi đất Pháp Lan Tây, tình thế vương quốc Anh Cách Lan đang xấu đi rất nhanh. Vương quốc Tô Cách Lan (Scotland) ở phía bắc vốn liên minh với Vương quốc Pháp Lan Tây trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, giờ đây đã chuyển sang liên minh trực tiếp với Công tước xứ Anjou, uy hiếp biên cảnh phía bắc của Anh Cách Lan. Người xứ Wales nổi lên giành độc lập năm 1400, bị quân Anh Cách Lan dập tắt cách nay hai năm (1415), giờ lại tiếp tục nổi dậy. Vương quốc Ái Nhĩ Lan (Ireland) cũng lại phản công giành lại vùng lĩnh thổ phía đông bị Anh Cách Lan chiếm đóng sau thất bại hồi 20 năm trước. Nói tóm lại, Vương quốc Anh Cách Lan lúc này ba bề thọ địch, tình thế hiểm nghèo.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook