Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 21: RA TAY NGHĨA HIỆP​

Dưa Hấu

27/08/2015

Tháng bảy, trời mưa hết ngày này sang ngày khác. Tôi đến được nhà Nguyễn Hoàn chơi, đành ngày ngày lui tới phòng bếp hóng chuyện với mấy người làm bếp. Những hôm đầu, họ còn để ý thân phận của tôi nên nói chuyện rất dè dặt, sau đó quen dần với sự có mặt của tôi thì họ cũng tự nhiên hơn, tám đủ thứ chuyện trong phủ ngoài phố.

Một chiều mưa, tôi đang ngồi trên ghế gỗ trong bếp, tay cầm bánh chiên ăn thì nghe một chị đang nhặt rau kể rằng, cả Thăng Long đang xôn xao việc chúa thượng gả con gái là công nữ Ngọc Lan cho Đặng Lân. Còn nói, công nữ Ngọc Lan cơ thể mỏng manh, là con gái của chúa thượng với Hoàng chính phi Ý Thục đã qua đời, cũng là người con gái mà chúa thượng thương yêu nhất.

Tôi nghe mà muốn ngã khỏi ghế, nếu nói là chúa thượng thương yêu con gái mình thì tại sao lại gả công nữ cho tên Đặng Lân khốn kiếp kia. Tôi chỉ gặp hắn một lần đã biết hắn ta là phường trơ trẽn, háo sắc, ngông cuồng. Tôi đưa ra nhận xét:

- Gả công nữ cho tên Đặng Lân kia chẳng phải bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu sao.

Những chị và bà cô trong bếp hoàn toàn tán thành với tôi, chị nhặt rau tiếp tục nói:

- Tôi nghe được rằng vì Tuyên phi nên chúa thượng mới đồng ý gả công nữ cho tên Đặng Lân kia. Chứ cả thành Thăng Long, có ai ra đường mà không muốn tránh tên kia xa bảy thước.

Tôi thầm than, đúng là “anh hùng không qua ải mỹ nhân”, chúa thượng quyền tối cao mà còn sợ vợ, gả công nữ cho tên Đặng Lân chẳng phải giết con gái mình rồi sao.

***

Mấy ngày sau, trời bỗng nắng ráo như chưa từng có những ngày mưa dai dẳng vừa qua. Tôi tinh thần sảng khoái, mặc áo váy đẹp, mang theo một tên hầu trai ra phủ. Lần này, tôi không đi xe ngựa mà đi bộ, đích đến vẫn là nhà Nguyễn Hoàn nhưng khi đến nơi thì anh ta lại không có nhà. Tôi đành quay ra phố, đi dạo một mình. Tên hầu trai vẫn lẽo đẽo sau.

Phố xá sau những ngày mưa ủ dột lại đông vui như trước. Tôi thong thả ngắm mọi người mua bán trên phố. Đến một góc phố thì thấy rất đông người tụ tập ở trước, đoán có trò vui nên tôi cũng nhanh chân đi đến xem sao. Nhưng trò vui thì không có mà lại là trò cưỡng bức con gái nhà lành giữa phố.

Bên kia đường là tên Đặng Lân cùng bọn thuộc hạ đang đứng vây quanh một cô gái mặt mũi xanh mét, đứng rụt vai, mắt đã ươn ướt, đầy vẻ sợ hãi. Còn hắn ta thì khoái chí, tay không ngừng đưa ra vuốt mặt, sờ tay cô gái. Tôi nhớ lại lần trước hắn cũng từng có hành động bẩn thỉu như vậy với mình thì máu nóng nổi lên. Tôi quay qua hỏi một người đàn ông bên cạnh:

- Sao mọi người chỉ đứng nhìn? Hắn ta làm bậy đáng lẽ phải đánh cho một trận, bắt lên quan phủ chứ?

Những người xung quanh nghe thấy, quay qua nhìn tôi, người thì ngạc nhiên, người thì nhíu mày, có người khẽ khuyên nhủ:

- Cô gái, đừng ăn nói lung tung. Đặng Lân là quận mã của chúa thượng, hắn làm gì cũng không ai dám nói.

Tôi nghe thế thì càng thấy tức tối. Quận mã thì có quyền ăn hiếp người khác giữa phố sao? Những người trên phố chỉ dám đứng xa nhìn mà không dám ra tay giúp đỡ cô gái tội nghiệp kia, họ không nghĩ rằng nếu như cô gái kia là con gái hay em gái của mình thì có phải là chịu ấm ức mang tiếng nhục nhã rồi không? Tôi chen người đi thẳng tới trước.

- Ngừng lại, ngươi còn dám làm càn, tôi báo quan. – Tôi trừng mắt, hét lớn với Đặng Lân.

Đặng Lân quay người lại nhìn tôi, ban đầu hắn có vẻ sửng sốt, sau đó hắn ta híp mắt, cười gian tà:

- A, lại là mỹ nhân. Xem ra còn ngon mắt hơn.

Tôi nắm chặt tay mình, nghiến răng nghiến lợi nói lớn:

- Ngươi mau thả con gái nhà người ta đi.

Đặng Lân và bọn thuộc hạ nghe thế thì đồng loạt ngẩng đầu cười lớn. Cười đã, hắn ta đưa tay vuốt cằm, nheo mắt cười với tôi:

- Ta thả cô ta đi thì nàng phải về phủ với ta.

Tôi nghe tim mình đập mạnh, máu nóng dồn hết lên mặt. Thật đúng là một tên ngông cuồng, không coi ai ra gì. Tôi đưa một chân mình ra sau, tay với lấy chiếc giày của mình. Đặng Lân thấy hành động của tôi thì cười khả ố:

- Nàng vội đến mức thả giày đi cho nhanh luôn sao?

- Đừng mơ! – Tôi hét lớn, tay ném thẳng chiếc giày về phía gương mặt kinh tởm kia.

Lần trước ném đá trúng trán hắn, lần này lại ném giày trúng ngay miệng hắn. Tôi cười trong lòng, thật bách phát bách trúng. Đặng Lân đang cười hơ hớ, không một chút phòng bị nên không tránh kịp, một bên má hắn ngay lập tức in hằn dấu giày của tôi. Mọi người trên phố thấy thì đều cười, không ai dám cười lớn nhưng mỗi người cười khúc khích một tiếng đã đủ để hắn ta xấu mặt.

Đặng Lân đưa tay áo lau mặt, mắt trừng tức tối:

- Ta nhớ ra rồi, ngươi chính là người lần trước ném đá ta. Lần này ngươi xong rồi, ta chính là quận mã của chúa thượng, ngươi dám lăng nhục ta, ta phanh thây ngươi.

- Ngươi là quận mã mà còn dám làm càn giữa phố, ngươi làm mất mặt mũi của chúa thượng, xem ai mới là người bị phanh thây. – Tôi cầm chiếc giày còn lại trên tay, chỉ thẳng vào mặt hắn ta.

Đặng Lân nghe thấy càng tức tối, hắn gầm lên:

- Bắt lấy ả ta cho ta.

Sáu tên thuộc hạ của hắn nhằm tôi đi qua, tôi đưa mắt tìm tên hầu trai theo ban nãy, nhưng không thấy. Có lẽ anh ta đã chạy đi tìm quận công. Tôi thụt lùi từng bước, nhìn những tên tay chân của Đặng Lân càng tiến gần đến. Tôi thầm than, tiêu rồi, lần này không cứu được người mà đến bản thân cũng không giữ nổi. Tay nắm chặt chiếc giày còn lại trong tay, tôi thầm cầu trời cho quận công đến nhanh một chút.

Khi những bàn tay của bọn thuộc hạ Đặng Lân chuẩn bị bắt lấy tôi thì rất nhiều tiếng “vút” “vút” xoẹt qua tai tôi. Rất nhanh bọn chúng đứa thì thụt lùi ôm tay nhăn nhó, đứa thì quỵ xuống ôm lấy chân hay lấy bụng. Tôi ngạc nhiên, nhìn cẩn thận thì thấy mấy viên đá nhỏ đang lăn ra giữa đường. Có ai đó trong đám đông vừa cứu tôi.

Đặng Lân còn ngạc nhiên hơn tôi, hắn ta gào lên:

- Các ngươi thật vô dụng, mau đứng lên bắt ả cho ta.

Những tên thuộc hạ nhăn mặt đứng dậy lại tiến đến gần tôi. Nhưng khi chúng chưa kịp chạm vào người tôi thì tiếng một người hét lên:

- Đặng Lân.



Tôi nghe tiếng tim mình bị rung mạnh, là giọng của Trịnh Khải. Tôi quay đầu, thấy anh dẫn theo rất nhiều binh lính. Vẫn gương mặt tuấn tú nhưng lạnh nhạt, vẫn giọng nói trầm ấm nhưng sắt đá, anh là người mà tôi vẫn thỉnh thoảng mơ thấy trong mỗi đêm. Trịnh Khải mặc áo bào đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn đính ngọc, gương mặt có vẻ gầy hơn trước. Anh nhìn tôi, trong mắt có tia tức giận và cả bi thương. Tôi cúi đầu nhìn đất, cố che giấu cảm xúc bản thân.

Đặng Lân lên tiếng chế giễu:

- Thế tử đi dạo phố mang nhiều lính quá thì phải.

- Ngươi vẫn tật xưa không đổi, dám gây chuyện giữa phố. – Trịnh Khải nghiến răng nói.

- Người nhà với nhau, ngài đừng nói quá. – Đặng Lân cười.

Trịnh Khải trừng mắt, quát lớn:

- Ai là người nhà với ngươi. Lính đâu, bắt hắn cho ta.

Binh lính đứng sau lưng Trịnh Khải rất nhanh bắt trói Đặng Lân và bọn thuộc hạ của hắn. Đặng Lân vùng vẫy, mắt hằn ra tia máu:

- Ngươi dám bắt ta, đừng quên ta là quận mã, là anh rể của ngươi.

- Ngươi sẽ không còn là quận mã. Trước giờ ta cũng chưa từng xem ngươi là anh rể. Dẫn đi. – Anh ra lệnh với binh lính.

Binh lính nhanh chóng kéo Đặng Lân và bọn thuộc hạ đi, Đặng Lân vừa bị kéo vừa cố quay đầu chửi Trịnh Khải, trước khi bị bắt lên xe ngựa còn lớn tiếng:

- Để xem chị ta xử ngươi thế nào.

- Ta cũng muốn xem Tuyên phi cứu ngươi thế nào. – Trịnh Khải đáp lại.

Sau khi xe ngựa chở Đặng Lân đi, Trịnh Khải quay qua nhìn tôi, nói không lớn không nhỏ:

- Tiểu thư thì nên về phủ, đóng cửa ở yên trong nhà. Đừng ra ngoài gây chuyện.

Tôi thấy có chút bức xúc, tôi làm việc tốt, ra mặt cứu người sao lại nói tôi gây chuyện. Nhưng tôi không dám lên tiếng cãi lại, đành im lặng cúi đầu. Trịnh Khải hừ một tiếng trong họng rồi quay người đi, lính tráng cũng nhanh chóng theo sau.

Đám đông ban nãy im lặng bây giờ đã lên tiếng xôn xao ồn ào. Tôi thở dài một tiếng, đem chiếc giày trong tay mang vào chân, còn một chiếc nữa, tôi nhìn quanh tìm kiếm. Một người thanh niên hơn hai mươi tuổi tiến đến đưa chiếc giày còn lại cho tôi. Tôi đưa tay cầm lấy mang vào chân, sau đó mới ngẩng đầu nhìn người đứng đối diện. Anh ta dáng người cao, mắt dài, trán rộng, tóc búi được cột lại bởi một dây vải đen. Trang phục của anh ta rất giống con nhà võ, áo vạt chéo được thắt đai lưng cẩn thận, ống tay áo không rộng như các công tử khác mà được cột gọn gàng ở cổ tay. Cả một thân người anh ta đều mặc màu đen. Tôi khẽ mỉm cười:

- Cám ơn công tử.

- Vì lẽ gì? – Anh ta híp mắt cười.

- Vì đã cứu tôi ban nãy. – Tôi trả lời.

Thực ra lúc nhìn thấy mấy hòn đá bị ném ra, tôi có quay mặt lại nhìn đám đông xem ai vừa giúp đỡ và đã để ý đến anh ta. Chỉ là cảm giác thôi, nhưng có lẽ tôi đã đoán trúng.

- Tiểu thư rất can đảm. – Anh ta khẽ cười.

- Chỉ là nhìn thấy ngứa mắt thôi. – Tôi trả lời xong quay người ra phố, sự việc ban nãy đã tiêu hao nhiều tinh thần của tôi, tôi muốn về nằm nghỉ.

- Tiểu thư, xin nhận dập đầu của tôi thay lời cảm ơn. – Cô gái ban nãy bị trêu ghẹo đã nhanh chân quỳ trước mặt tôi.

Tôi bối rối, lần đầu có người đòi quỳ dập đầu với mình, tôi sợ bản thân sẽ tổn thọ vì vậy nhanh tay kéo cô gái đứng dậy. Cô ta vẫn cương quyết không đứng dậy, tôi đành cúi người xuống, nói:

- Người vừa cứu cô là thế tử. Nếu thế tử không đến kịp lúc thì đến tôi cũng mất mạng.

- Nhưng nếu tiểu thư không ra mặt từ đầu thì có lẽ tôi đã bị hắn ta bắt về phủ. – Cô gái rơm rớm nước mắt.

Tôi lắc đầu:

- Không có tôi sẽ có người khác ra mặt giúp cô.

Nói xong, tôi liếc nhìn qua người áo đen đứng bên cạnh, anh ta võ công chắc chắn rất giỏi, nếu ra mặt cứu người chắc là chuyện nhỏ. Tôi nói lui nói tới, rốt cuộc cô gái đó mới chịu đứng dậy, chào tôi rồi ra về. Tôi cũng quay người đi.

- Tiểu thư, nàng tên là gì? – Áo đen đi theo tôi.

- Đinh Thanh. – Tôi đáp hờ hững.

- Ta là Quang Bình. Nàng hãy nhớ rõ tên của ta. – Áo đen nhìn tôi, ánh mắt kiên nghị.

Tôi không hiểu sao Quang Bình lại muốn tôi nhớ tên của anh ta, vì vậy tôi đứng lại, nhìn anh ta. Quang Bình thấy biểu cảm thắc mắc trên mặt tôi thì cười lớn:

- Giờ ta phải đi công chuyện. Nếu có duyên chúng ta sẽ gặp lại.

Nói rồi, Quang Bình quay lưng rẽ qua con phố bên cạnh, ở đó có một người đàn ông cũng mặc áo đen đứng chờ anh ta. Họ nhìn nhau rồi cùng đi nhanh về phía trước. Tôi cũng quay người đi theo hướng ngược lại.Tôi chỉ vừa đi được một đoạn thì gặp Huy quận công và những người hầu theo sau. Huy quận công xuống kiệu, nhìn tôi từ trên xuống dưới rồi hỏi:

- Đã xảy ra chuyện gì?

- Dạ, thế tử đến bắt quận mã rồi ạ. – Tôi trả lời.



Quận công nhìn tôi, thở dài một tiếng rồi quay qua nói với tên hầu trai:

- Đưa tiểu thư về phủ.

- Cha, thế tử... – Tôi định hỏi, thế tử liệu có xảy ra việc gì không, nhưng lại không dám hỏi ông.

- Con về đi. Quận mã lần này gây chuyện lớn, phải xem lần này hắn ta có vượt qua kiếp nạn này không. – Quận công trả lời xong thì lên một kiệu gỗ, lính khiêng đi thẳng.

Tôi nghe quận công nói thì có vẻ như Đặng Lân đã gây chuyện lớn khác chứ không phải việc ban nãy, tôi khẽ thở nhẹ ra, lên xe ngựa, về thẳng phủ.

Ba ngày sau, ngày nào quận công cũng về rất trễ, sáng hôm sau lại đi từ sớm. Trong ba ngày đó tôi cũng không dám bước chân ra khỏi phủ, chỉ loanh quanh trong nhà và xuống bếp hóng chuyện. Một chiều, tôi lại nghe các chị các cô trong bếp bàn tán nhau về Đặng Lân.

- Này bà, nghe nói ba hôm trước thế tử bắt Đặng Lân giữa phố, đã giải hắn vào nhà giam. – Một bà bác nói với bà đang làm cá bên cạnh.

- Tôi lại nghe nói lúc đó hắn ta đang trêu hoa ghẹo nguyệt, một vị tiểu thư ra tay cho hắn ta ăn ngay một dép vào mặt. – Một chị góp chuyện.

Tôi đang uống nước thì bị sặc, ho sùa sụa. Những người trong bếp quay qua nhìn tôi, tôi xua tay nói cứ tiếp tục.

- Nghe là hai ngày sau, hắn ta sẽ bị lưu đày ra An Quảng. – Bà bác khơi chuyện nói tiếp.

- May quá, vậy là kinh thành được bình yên rồi. – Bà làm cá cười lớn.

Nghe đến đó thì tôi vui sướng xách váy về phòng. Tôi không ngờ đến là luật pháp thời này lại có chế tài nặng như vậy, dù sao tên Đặng Lân kia biến mất khỏi Thăng Long là tôi hài lòng rồi. Chiều hôm đó tôi ung dung ra khỏi phủ, đến thẳng nhà Nguyễn Hoàn nói mở tiệc rượu ăn mừng.

Tôi và anh ta ngồi ở bàn đá ngoài vườn, vừa uống rượu vừa bàn tán về tên Đặng Lân kia. Nguyễn Hoàn cười rất sảng khoái, nói tôi sắp thành nữ hiệp làm việc nghĩa rồi. Tôi và anh ta đang nói chuyện phiếm vui vẻ thì Nguyễn Cảnh đến. Lần này anh ta thấy tôi thì không ngạc nhiên như lần trước nữa. Nguyễn Cảnh vừa ngồi xuống ghế thì Nguyễn Hoàn đã lên tiếng:

- Anh Cảnh, Đặng Lân bị đi đày là có thực không?

- Đúng vậy. – Nguyễn Cảnh vừa rót rượu vào ly vừa trả lời.

- Sao không bắt giam hắn ta vài năm thôi, đi đày có nặng quá hay không? – Tôi hỏi.

Nguyễn Cảnh nghe tôi hỏi thì ngưng rót rượu, nhìn chằm chằm vào tôi, đưa ly rượu lên miệng nhấp một ngụm rồi mới từ từ nói:

- Đinh Thanh, nếu như vụ án của Đặng Lân vẫn để cho thế tử xử tội thì có lẽ hắn ta đã đầu lìa khỏi cổ.

Tôi há hốc miệng, rốt cuộc Đặng Lân đã gây nên tội gì lớn đến mức Trịnh Khải muốn xử tử hắn ta. Nguyễn Cảnh đọc được thắc mắc của tôi, nói không nhanh không chậm:

- Đặng Lân tuy là quận mã nhưng công nữ người gầy yếu nên chúa thượng không cho phép hợp cẩn*. Thế nhưng hắn ta lại giết nội giám Sử trung, người được chúa thượng cho bảo vệ công nữ Ngọc Lan, sau đó hắn ta còn hại công nữ thân tích đầy người, có lẽ sẽ không qua khỏi.

Lần này tôi phải đưa tay lên che miệng mình để khỏi phải phát ra tiếng. Thật không ngờ, Đặng Lân không chỉ hống hách mà còn ngang ngược, coi thường cả lời của chúa thượng. Hắn ta thật tàn bạo, đến công nữ cành vàng lá ngọc cũng bị hắn làm cho thương tổn.

- Chúa thượng không phải rất thương yêu công nữ Ngọc Lan sao? Tại sao lại chỉ phạt Đặng Lân đi phủ khác sống? – Tôi thắc mắc, vì thực ra nói đi đày nhưng đày ở phủ An Quảng thì không tính là quá xa xôi, cũng không phải là nơi hoang vu đồng vắng.

Nguyễn Cảnh thở dài:

- Là vì Tuyên phi khóc lóc, làm náo loạn cả phủ chúa. Chúa thượng không đành lòng nên mới giao vụ án Đặng Lân cho cha của nàng xử lý.

Huy quận công xử vụ Đặng Lân? Hèn gì những ngày qua ông luôn bận rộn đến không thấy mặt mũi như vậy.

- Chúa thượng ra cũng rất sợ vợ, công nữ bị hại đến thê thảm như vậy mà còn tha tội chết cho tên Đặng Lân kia. – Nguyễn Hoàn nãy giờ im lặng cũng góp lời.

Uống thêm vài ly thì trời đã tối, Nguyễn Cảnh nói muốn bàn việc với Nguyễn Hoàn nên tôi ra về trước. Về đến phủ thì trời đã rất tối, tôi đi vào trong nhà, khi đi qua gian nhà giữa tôi nghe tiếng mẹ cả nói chuyện với quận công. Tôi tính nhẹ nhàng đi thẳng về phòng riêng nhưng tôi lại nghe quận công nhắc đến tên tôi. Tôi cẩn thận đi đến gần cửa, đứng nghe.

- Đinh Thanh cũng đã mười sáu, đi ra ngoài phủ chơi thế nào cũng có ngày xảy ra chuyện, bà nhanh tìm người môn đăng hộ đối để gả đi. – Giọng của quận công.

- Vậy để tôi qua ngỏ lời với nhà Hân quận công thử, Nguyễn Cảnh cậu ta cũng đã mười tám mà chưa lập gia thất. – Mẹ cả đáp.

- Không được, bà tìm người mai mối khác đi. Nhất quyết không thể gả Đinh Thanh cho Nguyễn Cảnh. – Quận công lên giọng.

- Không phải ban đầu ông biết cậu ta là công tử nhà Hân quận công nên mới cố ý mời đến dạy Đinh Thanh sao? Không phải ngay từ đầu ông chấm cậu ta làm con rể của mình, sao giờ lại đổi ý? – Mẹ cả căn vặn.

Tôi nghe quận công hừ một tiếng, tiếng va chạm của ly trà và mặt bàn phát ra, ông nói:

- Lúc đầu là tôi muốn hai nhà làm thông gia, như vậy Nguyễn Đĩnh sẽ đứng cùng phía với vương tử Cán. Nhưng ông ta cương quyết ủng hộ thế tử Tông thì không thể gả Đinh Thanh đi được.

Tôi nghe mà choáng váng đầu óc. Nguyễn Đĩnh mà quận công nhắc đến chính là Hân quận công, cha của Nguyễn Cảnh. Tôi cắn môi, đi lui dần, nhanh chóng về phòng mình. Ra là trong triều các quan cũng chia bè chia phái, quận công ủng hộ vương tử Cán tức là chống lại thế tử Tông.

Tôi bây giờ mới hiểu ra các câu nói của Trịnh Khải hôm đó, anh hiểu lầm là tôi giống quận công, muốn anh rời bỏ ngôi vị thế tử. Tôi cũng đã hiểu ra tại sao Nguyễn Cảnh lại nói tôi nên quên Trịnh Khải đi, chỉ vì tôi là con gái của Huy quận công.

Tôi đưa tay gạt đi giọt nước mắt vừa rơi ra, dù Trịnh Khải có hiểu lầm tôi hay không thì sự thật là tôi cũng muốn anh rời bỏ ngôi vị thế tử kia. Nếu anh đã lựa chọn ngôi vị kia thì chúng tôi không cần phải liên quan nữa.

Tôi nằm trên giường, thầm than trong lòng, Đinh Thanh ơi là Đinh Thanh, cô cũng chỉ là con rối, là đồ vật trao đổi mà thôi. Đến việc gả cô cho ai, quận công cũng tính toán cẩn thận. Nhưng Đinh Thanh là tôi lúc này chứ không phải Đinh Thanh lúc trước, tôi sẽ không để quận công gả tôi cho một nhà nào đó chỉ vì lợi ích chính trị của ông. Tôi sẽ tự quyết định số phận của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook