Đề Hồ Truyện

Chương 3: Ba

Đề Hồ Hầu

21/01/2021

Ở giữa sân tập, Yên Khang hầu Mạc Hữu Anh đang vừa cưỡi ngựa, vừa bắn súng vào các bia ngắm bằng gỗ, đặt cách xa bốn mươi trượng.

Hầu gia vừa bắn xong khẩu súng này thì liền được binh sĩ dâng lên một khẩu khác. Chạy một con ngựa vài chục vòng rồi lại đổi qua một con khác. Hữu Anh thử tất cả súng, rồi lại thử khả năng tình huống khai hỏa khi ngựa phi nhanh, phi chậm, nhảy cao, nghiêng người, ngã người...

Trên người Hữu Anh ướt đẫm mồ hôi, các ngón tay, mặt mũi đều đen sạm thuốc súng, nhưng ánh mắt vẫn rất quyết tâm. Thấy cảnh này ta mới hiểu, thiên tài cũng phải khổ luyện mới đạt được thành công.

Nhìn Hữu Anh tập luyện một hồi thì Khiêm vương phát hiện ra vấn đề. Trọng lượng súng nặng, ngựa chiến lại thường không quen tiếng súng, dễ giật mình khi súng nổ quá gần, chân ngựa sau khi giật mình thường lảo đảo. Muốn khắc phục thì phải chỉnh lại súng và cưỡi một con bảo mã chân cứng cáp, tâm lý vững.

Khiêm vương vào cắt ngang việc luyện tập của Hữu Anh. Đầu tiên ông trách mắng đứa cháu họ một trận vì cái tội làm càn. Dám cho thủ hạ chặn cửa Giảng Võ, chiếm dụng sân tập của các anh em trong họ, làm kinh động đến đức thánh thượng.

Yên Khang hầu thường ngày ngang tàn, đến các quan đại thần cũng đã từng có người bị tên trẻ trâu này bật lại, nhưng khi nghe Khiêm vương la mắng thì chỉ dám im thin thít quỳ dưới đất.

Sau đó Khiêm vương kêu Hữu anh đứng dậy và ngài nói với cậu những vấn đề mình đã nhận ra. Hữu Anh cũng cho vương xem các loại súng và ngựa cậu đã tìm mua được, nhưng chẳng cái nào đạt yêu cầu.

Vương ngẫm nghĩ một hồi rồi bày cho Hữu Anh đi thuyền bí mật tìm vào làng Vũ Môn, nổi tiếng nghề làm súng ở Hoan Châu (1), dùng vàng đặt thợ giỏi nhất làm một cây súng nhẹ hơn súng thường.

Sau đó ra Tây Bắc, tìm mua một con bảo mã của các tộc trưởng vùng cao, tốt nhất là lựa được ngựa con của ngựa đầu đàn và ngựa chiến. Đợt đi này Khiêm vương cắt đặt năm thủ hạ đi cùng Hữu Anh.

Thời kỳ chiến tranh, đi đông người vượt biên giới thì đúng là dễ bị bại lộ, nguy hiểm, nhưng một nhóm bốn năm người, dùng thuyền nhỏ đi theo đường biển thì vẫn lọt qua được. Đến được làng Vũ Môn, bọn Hữu Anh dò hỏi và đã tìm được một người thợ.

Người này tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã rất có tiếng tăm trong làng. Người già trong làng công nhận anh ta chính là kỳ tài chế súng trăm năm mới gặp.

Hữu Anh bỏ nhiều vàng ra đặt súng ở chỗ người thợ trẻ. Cậu yêu cầu súng phải nhẹ hơn bình thường một cân nhưng vẫn phải giữ được hỏa lực và tầm bắn như súng thường. Yêu cầu khó khăn nhưng người thợ trẻ ở làng Vũ Môn quả là một kỳ tài, sau hai tháng nghiên cứu, đã thật sự chế ra được một khẩu súng đạt yêu cầu.

Các vật liệu đều chọn loại tốt nhất, nhưng quan trọng nhất chính là chất thép của nòng súng. Người thợ trẻ này có một sự am hiểu sâu về kỹ thuật luyện kim, luôn tin tưởng bản thân có thể tạo ra được một mẻ thép vừa nhẹ lại vừa có sự chịu lực tốt.

Lúc thì tăng cao, lúc lại giảm thấp, ngọn lửa lò rèn trong suốt hai tháng chưa ngày nào tắt. Sau nhiều mẻ thép thất bại, cuối cùng thì người thợ cũng thành công. Nhờ các chi tiết súng được làm tỉ mỉ, không dư thừa cùng mẻ thép tốt, trọng lượng súng đã được kiểm soát tuyệt đối đúng như mong muốn của Hữu Anh.

Trả vàng xong cho làng, Hữu Anh cùng thủ hạ đêm đó rời đi và bắt cóc luôn người thợ cùng gia đình anh ta đem về đất Bắc. Vừa về đến Thăng Long, Hữu Anh liền đi Tây Bắc tìm ngựa.



Hai chuyến Hoan Châu và Tây Bắc, cả đi lẫn về hết thảy bảy tháng. Yên Khang hầu trãi qua nhiều phen hung hiểm từ dưới biển đến vùng cao mới tìm được hai món bảo vật. Hai năm sau, Yên Khang hầu ra chiến trường, liên tiếp giết được tướng địch.

Bao chiến công ấy lập nên đúng là không thể thiếu súng hay ngựa tốt. Khẩu súng được làm bằng gỗ xoan đào cùng thép tốt. Toàn thân súng người thợ phủ lên một lớp sơn đen tuyền óng ánh. Còn các chốt, lẫy, chi tiết trang trí được làm hoàn toàn bằng vàng, nhìn vô cùng quý giá. Con bạch mã của Yên Khang hầu thì như có linh tính, rất nghe lời chủ, khả năng chạy nhanh lại uyển chuyển, tính cách cũng ngông nghênh không khác gì vị hầu gia.

Sau một thời gian vào quân, danh tiếng Yên Khang hầu và hai món bảo vật ngày một nổi. Quân Mạc đặt tên cho hai món bảo vật là súng Ô Sấm và ngựa Bạch Bá (2).

Quay lại trận đánh giữa Châu Văn Kha và Yên Khang hầu dưới chân ải Trung.

Với súng hỏa mai bắn phát một thì một lính chuyên sẽ mất gần một phút để nạp một phát đạn, nhưng trên chiến trường, chỉ cần vài giây là đủ để mất mạng. Còn Yên Khang hầu lúc này đang ngồi trên lưng ngựa phi nước đại, nạp đạn vào súng đúng là khó hơn nhiều.

Cứ tưởng thời gian nạp đạn sẽ lâu hơn một phút, nhưng các động tác của vị hầu gia lại vô cùng chuẩn xác nhuần nhuyễn, không dư thừa bất kỳ một động tác nào. Mới ba bốn mươi giây thì đã nạp đạn sắp xong.

Hai ngựa đuổi nhau theo hình tròn. Ngựa đến gần, Kha liền giơ phủ đập xuống, nhưng đã tung đòn ba lần và cả ba đều hụt. Mỗi lần thanh phủ bổ xuống, con bạch mã của Yên Khang hầu lại tăng tốc nhích lên một khoảng hoặc lách qua một bên né tránh.

Văn Kha đang điên tiết, thì ngựa Yên Khang hầu bỗng dưng chậm lại. Kha thấy cơ hội đến thì liền giơ phủ lên bổ xuống. Phủ này đánh ra toàn lực, Yên Khang hầu không những sẽ chết tươi mà có khi bổ được luôn cả con ngựa.

Bất thình lình ngay lúc Kha giơ phủ lên, bạch mã của Yên Khang hầu liền cua gấp bảy mười độ, chạy vọt ngang trước mũi ngựa Kha. Kha không chần chừ liền bổ phủ xuống.

Cùng lúc đó tiếng súng lại nổ. Khói bay mù bao trùm Kha và Yên Khang hầu. Tiếp theo đó, ngựa Yên Khang hầu chạy ra cách Kha một đoạn thì dừng lại. Vị hầu gia nhàn nhã lấy ống thuốc súng trên người xuống nạp đạn, trên gương mặt đã tỏ rõ một nụ cười đắc thắng.

Y biết phát súng lúc nãy ở khoảng cách gần như vậy thì không thể trượt được. Đòn lúc nãy của Kha cũng khá nguy hiểm, cắt mất một đoạn lông đuôi của bạch mã. Khi nãy, nếu không phải bảo mã Tây Bắc, đổi lại một con ngựa khác thì chắc chắn người ngựa đã bị bổ làm hai.

Nhưng không thể ngờ là khi Yên Khang hầu đang nạp đạn, cùng bạch mã vừa xoay lại thì phát hiện Văn Kha đã ở ngay trước mặt.

Bụng Kha bị trúng đạn, vết thương to tướng, máu chảy đầm đìa, chắc chắn là không thể nào cứu chữa. Nhưng với ý chí kiên cường, hai mắt Kha long lên sòng sọc. Y cưỡi ngựa phi tới, quyết tung một đòn bất ngờ đem tên hầu gia này theo xuống Âm Phủ.

Không hề nao núng, Yên Khang hầu liền ném mạnh ống thuốc súng trên tay vào người Kha. Ống thuốc đâm vào chỗ vết thương khiến Kha bị khựng lại một nhịp, nhưng Yên Khang hầu cũng chỉ cần một nhịp này.

Y thúc ngựa phi chéo tới. Phủ Kha đang đánh xuống liền hụt vài tấc.



Nhanh như chớp Yên Khang hầu áp sát, đồng thời rút đao, chém ngang một đường. Các hành động này diễn ra rất nhanh, nhưng lại vô cùng trơn tru.

Yên Khang hầu cưỡi ngựa chạy về đội hình quân Mạc, tiếng trống cũng dứt. Chỉ thấy con ngựa của Kha đi chậm rãi về phía trước. Lăn lóc trên mặt đất là đầu của viên Võ úy.

Quân Mạc điên cuồng reo hò. Yên Khang hầu hô lớn về phía ải:

“Lính lá quân Lê thế này thì chẳng đỡ được bổn hầu mấy chiêu!... Chó già canh cổng! còn ai thì cho ra đây, để ta cho đi luôn một thể, tránh quỷ sai chờ lâu!”

Số lượng Võ úy ở ải Tả rút xuống còn mười tám. Viên Quản lĩnh xem qua trận này thì đã thấy rõ kỹ năng chiến đấu kiệt xuất của Yên Khang hầu, trong lòng đầy phiền não.

Ông cử Văn Kha ra trận là vì người này ngoài kỵ chiến tốt, thì sức vóc cũng rất mạnh mẽ, phù hợp để đánh nhiều đòn, kéo dài trận đấu. Không ngờ chưa đầy nữa nén nhang thì đã thua.

Lần này, viên Quản lĩnh quay ra hỏi các Võ úy :

“Còn ai xung phong ra giết Yên Khang hầu?”

Nhưng mọi người đều e dè không dám trả lời. Sau một màn vừa rồi, các võ úy đều đã ngấm ngầm kinh sợ sự võ dũng của tướng địch.

Thấy vậy viên Quản lĩnh rất thất vọng, thầm trách bộ hạ hèn nhát. Đang định quay sang bàn bạc đối sách thủ thành với hai vị phó quản, thì trong hàng ngũ phó võ úy, có một người thiếu niên bước ra, quỳ xuống nói:

“Phạm Thân xin ra nghênh địch!”

Chú Thích:

1. Hoan Châu - Xứ Nghệ, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay

2. Ô là đen, Sấm tức tiếng súng nổ như sấm. Bạch là trắng, Bá là một trong các tước vị vua ban cho quốc thích, công thần gồm “công, hầu, bá, tử, nam”.

Do con bạch mã của Yên Khang hầu tình tình ngông nghênh giống chủ, lại được hầu gia yêu thương, nên quân lính không dám làm phật ý nó, đặt tước cho nó là bá, dưới hầu một bậc.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
Vạn Cổ Thần Đế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Đề Hồ Truyện

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook