Đạt Ma Kinh

Chương 20: Gặp cừu nhân há lẽ bỏ qua - Vì đại cục tạm gác gia thù

Quỳnh Mai

21/05/2013

- Hay thật! Tấn tuồng diễn ra thật ngoạn mục! Dư Hải Bằng này không thể không khâm phục!

Âm thanh vừa dứt thì một trang nam nhân tuấn tú trong bộ võ phục gọn ghẽ chợt xuất hiện. Vết sẹo chạy dài trên trán không làm cho trang nam nhân trở thành khó coi, ngược lại càng khiến cho trang nam nhân đó thêm nhiều nam tính hơn.

Và danh xưng Dư Hải Bằng vừa được nêu lên thì Tư Không Huệ liền có nhiều biểu hiện khá mâu thuẫn trên nét mặt kiều diễm của nàng.

Kinh ngạc và mừng rỡ cũng có, khi Tư Không Huệ giờ đây đã biết Dư Hải Bằng đột nhiên thoát được Hắc Tử lâm.

Cau có và giận dữ cũng có khi lời nói của Dư Hải Bằng chất chứa đầy ngụ ý không khác gì câu nói lúc nãy của Giới Nộ đại sư.

Và nghi hoặc cũng có khi Tư Không Huệ nhìn và nói với Dư Hải Bằng :

- Là tấn tuồng gì mà ngươi bảo là ngoạn mục? Ngươi tin vào lời Giới Nộ sao? Còn ngươi? Tam ma do U Minh giáo chế phục, việc ngươi thoát khỏi Hắc Tử lâm ai dám bảo ngươi không liên quan đến U Minh giáo?

Dư Hải Bằng bật cười lên :

- Ha ha ha... Trên giang hồ lúc này còn ai lại không biết giữa Dư Hải Bằng và U Minh giáo đang có mối thù không đội trời chung? Cô nương định che khuất hành vi của Thiên Địa bảo bằng cách đặt ngược vấn đề cho tại hạ sao?

Lời nói của Dư Hải Bằng làm cho Tư Không Huệ tức tối. Nàng chưa kịp nói gì thì lão Chu Hồng đột nhiên lớn tiếng quát :

- Cuồng đồ! Ngươi ăn nói với tiểu chủ của lão phu như thế sao? Muốn chết hử?

Dư Hải Bằng quắc mắt nhìn ngay vào gương mặt đầy sẹo của Chu Hồng. Chàng vờ như không nhìn thấy cái xua tay ngăn Chu Hồng lại của Tư Không Huệ, chàng chùng giọng xuống bảo :

- Lão thất phu! Không đến lượt lão xen vào nói leo đâu!

Ngay tức khắc, Chu Hồng liền phản ứng trông thật dữ dội :

- Tiểu tử vô tri! Ngươi là hạng người gì mà nói năng không biết tôn ti thứ bậc? Lão phu không thể không giáo huấn ngươi.

Quát xong, cuộn trường tiên trên tay lão liền buông ra không khác gì độc xà xuất động, cuốn thẳng vào tâm thất của Dư Hải Bằng.

Tình hình này dù cho Tư Không Huệ có muốn ngăn chặn cũng không sao kịp.

Huống chi nàng chưa có địch ý gì đối với Dư Hải Bằng. Và trong thâm tâm, nàng cũng không muốn cả hai phải trở mặt đánh nhau nên nàng chỉ kịp kêu lên được hai tiếng :

- Chu lão...

Như đã nói, do Chu Hồng xuất thủ quá nhanh nên lời nói của Tư Không Huệ chưa kịp phát ra hết ý tứ của nàng, thì ngọn trường tiên đã chạm đích rồi.

Thế nhưng, bằng một thủ pháp không ai lường được, Dư Hải Bằng đã bắt gọn đầu ngọn trường tiên vào tả thủ rồi. Chàng khẽ nạt lên :

- Buông!

Một luồng sóng kình cuồn cuộn theo chiều dài ngọn trường tiên truyền đến đốc roi, khiến Nhuyễn Tiên Xú Diện Chu Hồng không thể nào giữ được ngọn trường tiên nữa. Lão phải buông trường tiên ra y như lời của Dư Hải Bằng vừa nạt.

Dư Hải Bằng lại nói :

- Lão không phải là đối thủ của ta đâu. Lão bất phục ư? Đấy! Lão xuất thủ một lần nữa thử xem. Lần sau ta không nhẹ tay như lần này nữa đây!

Vừa nói, Dư Hải Bằng vừa ném ngọn trường tiên trả lại cho Chu Hồng. Để chữa chẹn, khi chụp lại được ngọn trường tiên thì Chu Hồng liền gầm lên cuồng dại :

- Ngươi...

Nhưng lần này thì Tư Không Huệ đã kịp thời ngăn cản, nàng kêu lên :

- Chu đại thúc! Lão hãy vì ta mà lui lại được không?

Lệnh của một vị tiểu chủ có khác, Chu Hồng dù không ưng mấy, nhưng lão không thể làm mất thể diện của tiểu chủ. Lão buông xuôi trường tiên nhưng hữu thủ của lão vẫn còn run lên bần bật, lộ vẻ còn hậm hực lắm.

Biết thế, Tư Không Huệ bèn nói với Dư Hải Bằng theo một đề tài khác, cốt ý làm cho Chu Hồng phải chú tâm, cũng như là để tự thỏa mãn tánh tò mò của bản thân nàng :

- Dư Hải Bằng! Mỗi lần gặp lại ngươi là mỗi lần ta phải kinh ngạc trước sự thăng tiến võ công của ngươi. Có phải chính ngươi đã đắc thủ được Đạt Ma kinh không?

Dư Hải Bằng tình cờ phát hiện được bọn U Minh giáo đồ lai vãng ở vùng này, nên chàng mới lần được đến đây. Và trước khi chàng hiện thân thì chàng đã đề phòng trước trường hợp Tư Không Huệ gợi đến Đạt Ma kinh. Vì đã có chủ trương sẵn, nên Dư Hải Bằng cười rộ lên và hỏi lại :

- Cô nương nói năng gì lạ thế? Đạt Ma kinh dù có là thần thư đi chăng nữa thì làm sao tại hạ có thể có những bước nhảy vượt bực về võ học như thế này? Huống chi tại hạ đã nói rồi, chính Phủ Việt Tàn Hồn Tư Mã Giám là kẻ đã hạ thủ tại hạ và cướp đi chân kinh. Không lẽ khi cô nương điểm vào Tàn huyệt sinh cơ của tại hạ, cô nương lại không thử lục soát khắp người tại hạ ư?

Trước sau hai lần, dù Tư Không Huệ có nói ý gì đi nữa thì Dư Hải Bằng cũng dễ dàng bác bỏ lập luận đó của nàng. Ngược lại, khi Dư Hải Bằng lên tiếng thì nàng không sao đối đáp được. Chàng lại nói tiếp :

- Trước sau tại hạ đã lần lượt gặp phải những thủ đoạn không đoan chính của tam bảo. Việc liên minh giữa U Minh giáo và Tam bảo sớm muộn gì cũng phải lộ ra. Chỉ có Phương Thanh đại sư do cả tin nên mới dễ bị cô nương đưa vào tròng chứ tại hạ thì...

- Thì sao chứ? Ngươi muốn ta phải hành động như thế nào thì ngươi mới tin đây?

Nhếch môi cười giễu cợt, Dư Hải Bằng nói :

- Người quỷ kế đa đoan như cô nương thì không thiếu gì cách để thanh minh. Tại sao lúc nãy cô nương lại không động thủ với bọn U Minh giáo?

- Động thủ ư? Ngươi muốn nói rằng dù bọn ta biết chắc là thảm bại cũng phải liều lĩnh động thủ như một kẻ thất phu hữu dõng vô mưu hay sao?

- Hừ! Làm sao mà bại được khi lão họ Mộc luôn nhân nhượng cô nương? Tại hạ dù không có tài thông thiên triệt địa, nhưng cũng có thể đoan chắc rằng nếu lúc nãy cô nương có động thủ thì bọn U Minh giáo cũng phải nương tay thôi.

- Tại sao ngươi lại nói chắc như vậy?

- Cô nương cứ trải qua nhiều cảnh ngộ như tại hạ thì cô nương khắc biết thôi. Với Tam ma trong tay thì U Minh giáo tại sao lại phải tỏ ra e dè chứ? Cô nương thử giải thích xem?

- Ta không biết! Ta không biết gì cả! Mà ta cũng không cần ngươi tin ta, hiểu ta.

Ngươi đi đi, đi cho khuất mắt ta đi!

Trước thái độ giận dỗi trông rất thật của Tư Không Huệ, Dư Hải Bằng bất giác động tâm. Chàng úp úp mở mở nói :

- Tại hạ sẽ tin ở cô nương nếu cô nương chịu hành động theo lời tại hạ.

- Ngươi cứ nói đi! Ngươi muốn ta phải hành động như thế nào?

- Cô nương có nghĩ rằng vì có sự hiện diện của cô nương, nên lão họ Mộc mới chịu buông tha cho Thiếu Lâm phái không?

Ỉu xìu nét mặt, Tư Không Huệ nói :

- Ngươi vẫn cứ không tin ta?

Dư Hải Bằng nhăn mặt :

- Thì biểu hiện rõ ràng là thế kia mà? Tại hạ chỉ hỏi cô nương có nhận chân điều đó không thôi?

Ngập ngừng một lúc, Tư Không Huệ mới gật đầu :

- Nếu cứ xét theo bình diện bên ngoài thì đúng là như thế thật!

- Vậy cô nương thử nghĩ xem, liệu sau đây lão họ Mộc có chận đón số người Thiếu Lâm phái trên đường họ quay về Thiếu Thất sơn không?

Như tỉnh ngộ ra, Tư Không Huệ kêu lên :

- Phải rồi! Ai chứ lão họ Mộc dám làm như thế lắm. Sao?

Nhìn chằm chằm vào Tư Không Huệ, Dư Hải Bằng nói :

- Tại hạ có mối tử thù với lão Mộc Thạnh nên không thể không buông tha lão. Cô nương có dám cùng tại hạ truy đuổi theo họ không?

- Truy đuổi ai? Thiếu Lâm phái à?

- Phải! Và nếu lần này vì sự hiện diện của cô nương khiến cho tình hình từ hung hóa thành cát thì cô nương nghĩ sao?

- Điều đó khó có thể tái diễn lắm!

- Nhưng nếu có thì sao?

- Ta bảo không!

- Chỉ là tại hạ giả dụ thôi!

- Nhưng nếu ngược lại thì sao nào?

Cả cười, Dư Hải Bằng đáp :

- Đương nhiên là tại hạ sẽ tin ở cô nương.

Không hiểu nụ cười của Dư Hải Bằng có ma lực gì, hay do Tư Không Huệ không muốn bị Dư Hải Bằng nghi oan cho nàng mà nàng đã lên tiếng bảo Chu Hồng :

- Chu đại thúc! Chu đại thúc quay về đi, bất tất phải theo ta nữa.

Vẫn còn hậm hực với Dư Hải Bằng, nên Chu Hồng kêu lên :

- Tiểu chủ! Lão nô không an tâm khi để tiểu chủ đồng hành với tiểu tử này.

Tư Không Huệ giận dỗi nói :

- Thế lão có an tâm không khi ta bị kẻ khác nghi ngờ?

Chu Hồng vẫn khăng khăng :

- Từ khi tiểu chủ ra đời cho đến nay, lão nô đã hứa trước mặt Bảo chủ là phải quan tâm đến tiểu chủ. Lão nô thật không dám xa lìa tiểu chủ đâu.

- Chu đại thúc à! Ta đã lớn rồi và ta đã tự lo liệu được cho ta. Chu đại thúc đừng làm phiền ta nữa có được không?

Câu nói của Tư Không Huệ tuy không có gì quá đáng, nhưng cũng đã làm cho Chu Hồng chưng hửng. Lão lắp bắp nói :

- Lão nô... lão nô đã làm phiền... làm phiền tiểu chủ ư?

Biết đã lỡ lời nên Tư Không Huệ vội vàng nói :

- Ta đã thất ngôn rồi, Chu đại thúc đừng giận Huệ nhi nha! Nhưng thật tình thì... lần này Huệ nhi muốn...

- Ha ha ha... Lão nô đã hiểu cả rồi. Bây giờ tiểu chủ đã lớn khôn, nên tiểu chủ không cần lão nô quan tâm đến nữa. Cũng được thôi! Cũng được thôi!

Nói xong, Nhuyễn Tiên Xú Diện Chu Hồng liền quay người bỏ đi. Cách nói của lão và thái độ của lão khiến cho Tư Không Huệ bối rối. Nàng vội vàng kêu lên :

- Chu đại thúc định đi đâu?

- Trời đất bao la, lẽ nào không có chỗ cho Chu Hồng này dung thân. Tiểu chủ đừng lo ngại cho ta. Trước khi ra đi, ta còn phải giã từ Tư Không bảo chủ đã. Vĩnh biệt...

Tư Không Huệ nghe lão nói thế bèn giẫm chân thình thịch và giận dỗi trách lão, dù lão đã đi khuất mất rồi :

- Lão đi đâu thì đi đi! Ta không ngờ lão còn giận dỗi hơn ta nữa. Hừ!

Đứng nhìn diễn biến này, Dư Hải Bằng cảm thấy ân hận. Chàng nói :

- Cũng là do tại hạ lắm lời nên Chu lão mới bỏ đi như thế. Tại hạ thật đáng trách!

- Hừ! Ngươi đừng lý tới lão. Lão sẽ không bỏ rơi ta đâu. Để ngươi xem, thế nào lão cũng chờ ta tại Thiên Địa bảo thôi. Đi nào!

Nói xong, Tư Không Huệ tung người lao vọt đi thật nhanh. Cung cách của nàng đâu khác gì chim hồng hộc bấy lâu nay bị tù túng, bây giờ mới được phỉ sức tung hoành.

Đáng lý ra Dư Hải Bằng hoặc là cảm thông cho nàng, hoặc là sẽ tiếp tục ân hận về sự bỏ đi của Chu Hồng. Song chàng lại sinh lòng ngờ vực nhiều hơn, vì chàng vừa nhận ra thân pháp mà Tư Không Huệ vừa thi triển chính là thân pháp Thiên Thốn địa xúc có trong Thiên Địa bí lục. Chàng nghĩ thầm :

“Phải rồi! Thiên Địa bí lục và Thiên Địa bảo, ở đây hẳn phải có sự tương quan.

Nhưng thật là quái lạ khi Thiên Địa bí lục lại do tên giả danh Giáo chủ U Minh giáo hỏi đến? Vâ? thì giữa Thiên Địa bảo và U Minh giáo có gì liên quan không? Hừm!

Chắc chắn là phải có. Bằng không ta giải thích ra sao trước sự nhân nhượng lúc mới rồi của lão họ Mộc đối với Tư Không Huệ? Ta phải phanh phui sự bí ẩn này mới được.”

Nghĩ thế, nên Dư Hải Bằng rất mực cẩn trọng khi chàng cũng sử dụng thân pháp Thiên Thốn địa xúc để đi theo sau Tư Không Huệ.

Tư Không Huệ phần thì nôn nao muốn làm sáng tỏ sự việc mà Dư Hải Bằng đang nghi ngờ, phần thì do đây là lần đầu tiên trong đời nàng được tự tung tự tác nên nàng hoàn toàn không để tâm đến sự quan tâm dò xét của Dư Hải Bằng đang dành cho nàng.

Nhờ thế, Dư Hải Bằng càng yên tâm hơn khi chàng càng lúc càng minh định thiên kiến của chàng và sự liên quan phải có giữa U Minh giáo và Thiên Địa bảo, qua sự dò xét kỹ càng thân pháp của Tư Không Huệ.

Sự nghi ngờ càng lúc càng tăng khi cả hai đã di chuyển được hơn mười dặm đường. Chỉ đến khi Dư Hải Bằng và Tư Không Huệ dựa theo tiếng binh khí vang động mà chạy đến thì sự nghi ngờ của Dư Hải Bằng càng lúc càng vơi đi theo diễn biến của sự việc.

Nguyên là thế này, khi kịp nhận ra lời nhận định của Dư Hải Bằng là đúng, nghĩa là bọn giáo đồ U Minh giáo dưới sự điều động của Mộc Thạnh đang dựa vào nhân số đông đảo để vây bắt người Thiếu Lâm phái lúc nãy, Tư Không Huệ đã bất chấp hiểm nguy, lao luôn vào cuộc.

Nàng thét lên lanh lảnh :



- Bọn U Minh giáo lòng lang dạ thú kia. Bổn cô nương quyết không buông tha bọn người. Đỡ chưởng này!

Vù... Vù...

Nhìn theo chưởng thế của Tư Không Huệ, Dư Hải Bằng biết rằng đấy chính là Thiên Hôn chưởng, gồm ba thức vừa được Tư Không Huệ thi triển. Và Thiên Hôn chưởng cùng Địa Ám chưởng chính là tuyệt kỹ có ghi trong Thiên Địa bí lục.

Nhưng trái lại những gì Dư Hải Bằng đang nghĩ, chính lão Phó giáo chủ U Minh giáo đang vẫy mạnh hữu chưởng, nghinh đón chưởng kình của Tư Không Huệ.

Ầm! Ầm! Ầm!

Đã thế, Mộc Thạnh còn lên tiếng :

- Tiểu thư đã quá phận rồi! Vậy thì đừng trách lão phu sao không nương tay! Đỡ!

Vù... Vù... Vù...

Đáp lại, Tư Không Huệ cũng quát lên :

- Hừ! Ai cần lão phải nương tay chứ? Xem đây!

Vù... Vù...

Với thân thủ như Tư Không Huệ, tuy nàng tạm thời còn đấu bình thủ với Mộc Thạnh, nhưng lão đã là Phó giáo chủ U Minh giáo thì lão sẽ không gặp khó khăn gì khi muốn hạ thủ Tư Không Huệ trong vòng mười lăm chiêu trở lại.

Dư Hải Bằng đã nhận ra không có điều gì giả dối trong trận giao đấu này, do đó chàng không khỏi kinh ngạc khi sự việc diễn ra không đúng như chàng đã nghĩ.

Chàng nhăn trán nhíu mày đưa mắt nhìn quanh một lượt.

Lần này, do có chủ định hẳn hoi sẵn nên số giáo đồ U Minh giáo theo chân Mộc Thạnh đều là những tay hảo thủ cả. Để đối phó với Phương Thanh và Phương Tịnh đại sư là hai vị cao nhân thuộc phái Thiếu Lâm thì bọn giáo đồ cứ mười người vây đánh một, khiến cho Phương Thanh và Phương Tịnh đại sư càng đánh càng thêm lúng túng, khó chi trì được lâu hơn nếu không có viện thủ.

Còn lại là Giới Nộ, Giới Phàm và bốn vị tăng nhân khác thì một chọi mội với bọn U Minh giáo. Có vị tăng nhân như Giới Nộ đại sư, tuy có chiếm được thượng phong nhưng chốc chốc lại phải tiếp tay cho bọn đồng môn nên cục diện càng kéo dài thì phần hại càng nghiêng về người Thiếu Lâm phái.

Trong khi đó thì bên U Minh giáo còn có Mộc Thạnh và bốn tên khiêng kiệu cáng vẫn còn đang rỗi rãi, chưa tung hết lực lượng ra.

Bởi đó, khi Tư Không Huệ đột nhiên xen vào thì lão Mộc Thạnh liền xuất thủ chận đứng Tư Không Huệ lại.

Sau khi đã lượng định xong tình thế, Dư Hải Bằng vội vã lao vào, và chàng hô hoán lên :

- Cô nương cứ để lão cho tại hạ đối phó. Còn cô nương thì mau mau tiếp tay phái Thiếu Lâm đi. Đỡ!

Ngay loạt chưởng đầu tiên, Dư Hải Bằng đã thi triển ngay Thiên Dương chưởng công mang theo luồng nhiệt khí nóng bỏng. Và đó chính là công phu từ Thiên Hôn chưởng thoát thai mà ra. Nhưng do có kèm theo luồng nhiệt khí nên không một ai có thể nhận ra sự giống nhau giữa Thiên Dương chưởng công và Thiên Hôn chưởng trong Thiên Địa bí lục.

Và với sự tiếp tay khá bất ngờ của Dư Hải Bằng nên Tư Không Huệ dễ dàng lui chân, nhượng hẳn cuộc chiến cho Dư Hải Bằng.

Ầm!

Một kích của Dư Hải Bằng đã làm cho Phó giáo chủ họ Mộc kinh hoảng. Lão chấp chới ngã nghiêng trên cán kiệu sau tiếng chấn kình vang ra. Lão giận dữ gầm lên :

- Ngươi là ai? Sao lại xen vào...

- Câm! Mộc Thạnh! Ta là Dư Hải Bằng ở Thiên Sơn đây. Mau đền mạng cho mẫu thân ta. Đỡ!

Vù... Vù...

Lại một chưởng kình mang theo luồng nhiệt khí nữa được Dư Hải Bằng phát ra, khiến cho lão Mộc Thạnh phải kinh hãi kêu lên :

- Dư Hải Bằng! Là công phu gì đây?

Miệng thì thất thanh kêu lớn tiếng, nhưng lão cũng đã kịp thời ấn nhẹ hai tay xuống thân cán kiệu để đưa toàn thân cất lên cao hơn nửa trượng thoát khỏi luồng lực đạo quái dị của Dư Hải Bằng.

Đồng thời với động tác đó, Mộc Thạnh đã nhanh tay chộp lấy hai quả chùy gai được che giấu kín đáo dưới tấm gấm che phần hạ thân của lão. Với hai quả chùy gai được nối liền với nhau bằng một sợi xích khá dài, thân hình vẫn còn trên không, Mộc Thạnh đã nhanh như chớp giật, lần lượt tung hai quả chùy vào phương vị của Dư Hải Bằng, và hai tay của lão vẫn còn nằm ở ngay phần giữa của đoạn xích đó.

Vù... Vù...

Vù... Vù...

Vút! Vút!

Bùng! Bùng! Vù... Vù...

Từ khi Mộc Thạnh cất bổng thân người lên trên không, Dư Hải Bằng đã nhận ra hai chi dưới của lão đã bị cụt quá nửa. Thảo nào Mộc Thạnh lại phải di chuyển bằng cáng kiệu.

Và để khắc phục được nhược điểm đó, có lẽ bấy lâu nay Mộc Thạnh đã tự nghiền ngẫm và chế tạo ra loại vũ khí lạ thường này.

Dư Hải Bằng phải công nhận rằng lão Phó giáo chủ họ Mộc quả có tài điều động hai quả chùy gai lợi hại đó. Với Túy Tiên bộ pháp, Dư Hải Bằng những tưởng khi hai quả chùy bị đánh trượt vào quãng không thì thế nào rồi lão cũng hết đà và rơi trở xuống.

Nào ngờ, Mộc Thạnh đã đánh luôn hai quả trùy xuống mặt đất. Sau hai tiếng chạm vang dội, theo đà, hai quả chùy lại bay lên và lôi luôn thân hình của Mộc Thạnh cùng dịch chuyển ở trên không. Kế đó, hai quả chùy lại loang loáng lao vào Dư Hải Bằng với khí thế thật khiếp người.

Không những thế, khi Dư Hải Bằng vận dụng bộ pháp Túy Tiên để lượn tránh được chiêu công của lão Mộc Thạnh thì chàng còn kinh khiếp hơn trước sự sắp đạt chu đáo của lão vào những tình huống như thế này.

Bởi vì, nếu không có sự sắp đặt sẵn thì tại sao bốn tên khiêng cáng kiệu chỉ trong chớp mắt đã biến hai thanh cáng thành bốn khúc trường côn và cùng vây đánh Dư Hải Bằng như thế này?

May cho bốn tên đó, hoặc giả là do lão Mộc Thạnh muốn tốc chiến tốc thắng nên lão vừa tiếp tục huy động hai quả chùy gai vừa ra lệnh cho bốn tên tùy tùng :

- Để mặc đấy cho ta! Bọn người hãy mau mau thu dọn bọn trọc kia đi!

Vù... Vù... Cốp! Cốp!

Vút! Vút!

Khác với giới đao hoặc trường kiếm, bốn tên tùy bộc của lão Mộc Thạnh lại có lối sử dụng trường côn thật tài tình. Rập ràng như nhất, khi nghe lão Phó giáo chủ buông lệnh thì bốn tên tùy bộc đã tự giáng trường côn vào nhau. Sau đó, lợi dụng lực phản chấn, cả bốn tên đều uốn ngược thân người như lý ngư đão đỉnh và đồng loạt thoái hậu về phía sau, lao nhanh như ánh chớp vào cuộc chiến giữa Phương Thanh đại sư và mười tên đồng bọn.

Lối thu chiêu của bọn chúng quá nhanh nên Dư Hải Bằng không kịp quật cho bọn chúng một chưởng nào lúc chàng thoát được chiêu công thứ hai của lão Mộc Thạnh.

Đến chiêu công thứ ba của lão, cũng chính là lúc bốn tên kia bắt đầu giao đấu với Phương Thanh đại sư theo tứ tượng trận pháp, để mười tên đồng bọn rảnh tay cùng chia nhau ra giải quyết số tăng nhân Thiếu Lâm phái và Tư Không Huệ, thì Dư Hải Bằng không chịu được nữa. Chàng hùng hổ hét lên :

- Lão thất phu, đón chiêu!

Song thủ của Dư Hải Bằng đồng loạt đẩy ra, và song chưởng Thiên Dương và Địa Âm cùng một lúc xuất hiện tạo thành chiêu “Thiên Địa Giao Thái”, một tuyệt chiêu đắc y nhất của Dư Hải Bằng.

Và một khi chiêu Thiên Địa Giao Thái xuất hiện, thì lập tức một tiếng nổ long trời lở đất liền vang lên, gây thành một luồng cuồng phong như sóng dậy ba đào, ập cả đến thân hình lão Mộc Thạnh còn đang lơ lửng ở trên không.

Ầm!

Vù... Vù... Vù...

Chưa từng gặp qua chiêu này nên lão họ Mộc nhất thời luống cuống, không biết phải đối phó ra sao. Cũng may là thân hình của lão còn đang lơ lửng, không ở một vị thế cố định nên lão chỉ bị sóng kình của Dư Hải Bằng chấn vào và đẩy bay ngược về phía sau, cách xa chỗ giao chiến có đến bốn trượng.

Trong lúc đó, khi Mộc Thạnh còn đang tìm cách xoay trở cho thân hình khi rơi xuống đất không bị va chạm nặng nề thì Dư Hải Bằng đã thi triển đến tột độ thân pháp Thiên Thốn địa xúc và lao đến tiếp tay cho người Thiếu Lâm phái và Tư Không Huệ.

Phần thì do đang có mối thù sâu tợ bể, cao tợ non với bọn U Minh giáo, phần thì nói chuyện công đạo với bọn ác ma đâu khác gì đàn khảy tai trâu, nên Dư Hải Bằng cứ tiện tay thế nào thì chàng đánh thế ấy.

Đánh vào hậu tâm cũng có, chính diện cũng có. Tập kích cũng có mà đánh công khai cũng có. Dư Hải Bằng luôn miệng quát lên :

- Đáng chết! Đỡ!

Ầm! Ầm!

- Tư Không cô nương mau lui! Đỡ!

Ầm! Ầm!

Sự buông lung nộ khí của Dư Hải Bằng đã đạt được kết quả. Chỉ trong thoáng chốc, trước khi Mộc Thạnh lao trở vào cuộc chiến thì Dư Hải Bằng đã trừ khử được tám tên giáo đồ U Minh giáo. Do đó, khi nhận ra Mộc Thạnh vừa quay tít song chùy chỉ trong một tay, vừa lao bắn thân hình vào phía mình, Dư Hải Bằng vội vàng kêu lên :

- Lão thất phu tìm chết! Đỡ!

Vù... Vù...

Ào... Ào... Ầm!

Một lần nữa, Mộc Thạnh lại gặp phải kỳ chiêu của Dư Hải Bằng và cũng là lần thứ hai liên tiếp thân hình của lão lại bị đẩy bắn về phía sau lúc lão chưa kịp ra một chiêu nào về phía đối phương.

Nhân cơ hội đó, Dư Hải Bằng cứ như hổ đói xông vào đàn dê. Chàng vận dụng khinh thân pháp để phóng vào giữa vòng vây của bọn giáo đồ U Minh giáo đang vây kín Phương Tịnh đại sư. Chân chưa đụng đến đất thì song chưởng của chàng đã được quật ra cùng một lúc với tiếng gầm thị uy :

- Bọn ngươi nữa! Đón chiêu nào!

Vù... Vù...

Ào... Ào...

Ầm! Ầm! Ầm!

Như rồng mắc cạn ở vũng ao tù được Dư Hải Bằng kịp thời viện thủ, Phương Tịnh đại sư được dịp hiển lộng thần oai. Chưởng phong tuyệt kỹ của Thiếu Lâm phái được Phương Tịnh đại sư vũ lộng như Lỗ Ban múa bùa.

Ào... Ầm!

Ào... Ầm!

Lại một thoáng chốc nữa, Dư Hải Bằng đã kịp chuyển đổi tình thế có lợi cho phái Thiếu Lâm. Và giờ đây chàng mới có dịp để mắt đến lão ác ma Mộc Thạnh.

Không nhìn đến lão thì thôi, một khi đã nhìn thì Dư Hải Bằng liền cảm thấy hồn phi phách tán.

Vù... Vù... Vù...

Song chùy của lão Mộc Thạnh đang tự xoay tròn như con vụ và đang ào ào bay đến chỗ Dư Hải Bằng đang đứng nhìn lão.

Điều này có nghĩa là sau hai lần thất bại trước kỳ chiêu của Dư Hải Bằng, lão họ Mộc như đã quyết ý bèn vận dụng song chùy to lớn như hai ngọn ám khí để ném về phía chàng.

Khác với ám khí chỉ uy hiếp trong một phạm vi hẹp, còn song chùy đang được căng dài nhờ vào sợi xích lại có một phạm vi uy hiếp có đến một trượng hơn.

Đúng ra, nhìn theo cách di chuyển của song chùy đang luân phiên đổi trước thành sau, sau thành trước thì Dư Hải Bằng chỉ cần lạng người lách tránh là xong, không một chút khó khăn. Nhưng sự man trá của lão Mộc Thạnh không phải ở điểm đó.

Bởi vì, nếu Dư Hải Bằng lạng tránh thì song chùy đó sẽ theo đà lao luôn đến vị trí của các tăng nhân đang giao đấu với bọn U Minh giáo. Khi đó, các tăng nhân và bọn kia đang bận tâm với việc giao đấu thì làm sao họ có thể kịp thời lạng tránh như Dư Hải Bằng?

Diệt được Dư Hải Bằng thì quá tốt, nhưng nếu không diệt được chàng mà chỉ diệt được bọn tăng nhân thì cũng là tốt cho lão họ Mộc.

Đoán được mưu đồ của lão họ Mộc, Dư Hải Bằng bèn gầm lên :

- Lão quả là tàn độc mà! Xem đây!

Vươn thẳng song thủ ra, Dư Hải Bằng định bụng nếu không phải tay tả thì cũng tay hữu chộp giữ được sợi xích căng giữ hai quả chùy đầy gai. Thế nhưng, ngay lúc đó chàng lại nghe có tiếng cười khẩy của Mộc Thạnh.

Kinh nghi, Dư Hải Bằng mới liếc nhìn về phía lão. Và chàng liếc nhìn chỉ để thấy hai ngọn phi đao ánh lên màu xanh biếc vừa được lão ác ma họ Mộc phóng ra.

Trá ngụy đến thế là cùng. Lão đã dự liệu rằng thế nào Dư Hải Bằng cũng có hành động này. Và chính lúc đó, Dư Hải Bằng do cần phải giữ vững bộ vị nên sẽ biến thành đích ngắm rất tốt cho hai ngọn phi đao tẩm độc chất của lão phóng ra.

Cấp trí sanh liều, Dư Hải Bằng vội vàng buông bỏ cả hai. Giữa vòng chùy quang bên trên và hai ngọn phi đao bên dưới, Dư Hải Bằng phóng người lao vượt với hướng bay tới của bốn vật độc hiểm đó theo một hướng nằm ngang. Thân hình chàng lúc này đâu khác gì trường tiễn vừa rời cung cứng.

Và khi chàng để hai quả chùy lướt qua trên đầu thì chàng còn liều lĩnh hơn lúc đưa tay giữ chặt lấy sợi xích căng giữa hai quả chùy gai.

Theo đà lao đi, hai quả chùy gai liền bị Dư Hải Bằng lôi ngược lại. Và với một cái uốn cổ tay, hai quả chùy liền va quật vào hai ngọn phi đao, khiến cho hai ngọn phi đao phải đổi hướng và cắm phập vào mặt đất.

Sự đởm lược của Dư Hải Bằng đã lần lượt vô hiệu hóa thế công hiểm độc của lão Mộc Thạnh, khiến lão phải uất ức đến run cả thân hình.

Chưa hết, Dư Hải Bằng còn ném luôn hai quả chùy về lại cho chủ nhân của nó.

Tuy cách ném của Dư Hải Bằng không độc hiểm như lão Mộc Thạnh đã ném, nhưng cũng đủ làm cho lão phải kinh tâm. Với lực đạo được Dư Hải Bằng ném trả, lão họ Mộc nào dám dùng tay bắt giữ như cung cách của chàng. Lão tiếc rẻ khi phải ấn mạnh hai tay vào mặt đất để đẩy bắn thân hình bay tạt sang một bên, mặc cho vũ khí của lão muốn bay đi đâu thì bay.

Không còn cơ hội nào tốt bằng, Dư Hải Bằng nhanh nhẹn lao đến, chận ngang phương hướng di chuyển của lão. Vừa bủa ra một chưởng Thiên Dương, Dư Hải Bằng vừa quát lên :

- Ác ma! Mau nạp mạng!

Ào... Ào...

Ầm!

Vút!

Như vật bung xung, một chưởng của Dư Hải Bằng đã đánh bật lão Mộc Thạnh bay ngược lên bên trên nửa trượng và bay chếch về phía tả độ một trượng.

Lão lao đến, Dư Hải Bằng quật tiếp một chưởng Địa Âm nữa.



Ào... Ào...

Ầm! Vút!

Còn chưa rõ Mộc Thạnh đã như thế nào sau hai chưởng đủ đầy uy lực đó, Dư Hải Bằng tiếp tục lao đến và quật thêm một chưởng thứ ba... rồi lại chưởng thứ tư.

Thân hình của Mộc Thạnh hết bay lên lại hạ xuống. Dù thân hình lão không ở một bộ vị nào cố định nên khó có thể chấn động đến tâm mạch của lão, nhưng bốn ngọn chưởng kình của Dư Hải Bằng lại luân phiên thay đổi từ nhiệt công sang lãnh công, hết nhiệt khí đến hàn khí, thì ít nhiều gì lão Mộc Thạnh cũng phải hết sức khó chịu.

Quả nhiên là thế, vì khi Dư Hải Bằng đánh xong đệ tứ chưởng thì chàng thôi không đánh tiếp nữa. Và chàng đứng yên chờ xem lúc rơi xuống lão sẽ phản ứng như thế nào rồi sẽ liệu. Dư Hải Bằng cả mừng khi thấy cung cách rơi xuống của lão rất nặng nề, dường như lão đã bị thoát lực vậy.

Phịch! Hự!

Và Dư Hải Bằng còn mừng hơn khi nhìn thấy hình dung tiều tụy của lão, hai dòng máu đang len lẻn rỉ ra từ hai khóe miệng của lão đã nói lên điều đó.

Dịp tốt không nên bỏ lỡ, Dư Hải Bằng bước đến, đặt hữu thủ trên “Bách Hội” huyệt của lão họ Mộc.

Chàng vận lực kêu lên :

- Dừng tay!

Sau tiếng quát của Dư Hải Bằng, khi mọi người đã dừng tay lại thì đếm đi đếm lại bọn giáo đồ U Minh giáo còn đúng mười bốn tên. Trong đó có bốn tên tùy bộc của Mộc Thạnh là có bản lãnh trội hơn. Cả bốn tên cùng hợp công vây đánh Phương Thanh và Phương Tịnh nhị vị đại sư và tỏ ra không hề bị kém thế.

Thoạt nhìn thấy tình hình của Phó giáo chủ đang bị Dư Hải Bằng khống chế, bốn tên nọ đồng một lúc vọt đến.

Dư Hải Bằng lại lần nữa phải gầm lên :

- Đứng lại! Không được vọng động!

Cùng với tiếng gầm, Dư Hải Bằng ấn mạnh tay xuống khiến cho Mộc Thạnh phải nhăn mặt lại vì đau. Thái độ của Dư Hải Bằng đã quá rõ, chàng sẵn sàng nhả kình giết thác Mộc Thạnh nếu như bọn kia thật sự manh động.

Một tên trong bọn chúng bèn kêu lên hỏi :

- Dư Hải Bằng! Ngươi định làm gì thế?

Dư Hải Bằng cười khan, hỏi lại :

- Ngươi nghĩ ta sẽ làm gì lão này?

- Hừ! Ngươi thử hạ thủ thử xem. Ta cho ngươi biết, nếu Phó giáo chủ của bọn ta mà có mệnh hệ gì, thì toàn thể võ lâm Trung Nguyên sẽ rơi vào thảm cảnh ngay. Không tin ngươi hành động thử xem.

Dư Hải Bằng long mắt lên sòng sọc :

- Ngươi định đem họa kiếp của giang hồ để uy hiếp ta à? Mối thù tận sát nhà họ Dư ta, ta há dễ bỏ qua sao?

Tên kia nói đã cứng mà Dư Hải Bằng lại còn nói cứng hơn khiến cho tên kia không dám nói năng gì nữa.

Được dịp, Dư Hải Bằng còn lấn tới làm già hơn :

- Hừ! Đừng nói gì một mạng của lão tặc này. Ta còn muốn hủy diệt cả U Minh giáo nữa kia. Ngươi nghĩ ta không dám sao?

- Ngươi...

- A di đà Phật! Dư thí chủ xin nương tay!

Nguyên Dư Hải Bằng còn thêm phẫn nộ khi nghĩ đến mẫu thân đã thảm tử do U Minh giáo. Khi nói xong, chàng bèn trợn mắt lên định nhã nộ kình khí ra. Thế nhưng, đúng lúc đó Phương Thanh đại sư chợt lên tiếng ngăn chàng lại không cho hạ thủ.

Đối với Phương Thanh đại sư và Thiếu Lâm phái, Dư Hải Bằng còn mang nặng thâm ân, nên chàng nào dám sai lời.

Chàng chỉ hậm hực lên tiếng hỏi :

- Sao vậy đại sư? Lão đã không kể gì đến giao tình năm xưa với đại sư, vừa trở mặt ra tay đối phó với đại sư, mà đại sư còn cầu tình vì lão sao?

Phương Thanh đại sư chậm chạp lắc đầu :

- Dư thí chủ chớ hiểu lầm! Bần tăng nào dám nghĩ đến chuyện riêng tư. Nhưng Dư thí chủ nên xem lại lời nói lúc nãy của tên kia.

Đưa tay chỉ tên vừa thốt lời hăm dọa lúc nãy, Phương Thanh đại sư ngấm ngầm nhắc khéo Dư Hải Bằng hãy nghĩ đến và xem chuyện giang hồ làm trọng.

Dư Hải Bằng làm sao không hiểu được ý tứ của Phương Thanh đại sư, chàng cất giọng nói chua chát :

- Đại sư hẳn nghĩ rằng nếu tại hạ buông tha cho lão thì U Minh giáo sẽ chịu buông bỏ dã dâm hùng bá võ lâm Trung Nguyên sao? Tư Không cô nương! Cô nương có nghĩ như Phương Thanh đại sư không?

Được Dư Hải Bằng hỏi đến, Tư Không Huệ cau mày liễu lại đáp :

- Hoa Sơn, Côn Luân nhị vị Chưởng môn và Võ lâm Tứ thần lần lượt nếu không bị bắt giữ thì cũng đầu phục U Minh giáo, ta thật không tin vì chuyện này mà U Minh giáo chịu bỏ qua ý đồ đâu. Huống chi Tam ma bây giờ đang bị chi phối bởi U Minh giáo, Giáo chủ.

- A di đà Phật! Chuyện về Tam ma nếu cứ theo lời đồn đại trên giang hồ thì chưa chắc đã là sự thật!

- Đại sư lầm rồi! Chính tại hạ đã tận mắt nhìn thấy Đệ tam ma ra tay đối phó với Kỳ, Bốc nhị thần. Và cũng chính tại hạ vừa thoát chết dướt tay Đệ tam ma đây thôi.

Lời nói đoan chắc của Dư Hải Bằng làm cho Phương Thanh và Phương Tịnh đại sư phải rúng động. Và Phương Thanh đại sư chưa kịp nói gì thêm, thì tên U Minh giáo, giáo đồ lúc nãy vụt nói chen vào :

- Hừ! Ngươi đã nếm qua sự lợi hại của Tam Khách Khanh hộ pháp rồi đó. Vậy ngươi có lường được hậu quả không nếu ngươi hạ thủ Phó giáo chủ bổn giáo?

- Câm ngay! Nói như ngươi không lẽ ta bỏ qua mối gia thù sao? Ta bất chấp...

- Dư thí chủ! A di đà Phật!

Phương Thanh đại sư định nói gì đó, nhưng khi nhận được ánh mắt đầy hung quang của Dư Hải Bằng xạ vào mình thì đại sư vội cúi đầu và chắp tay niệm Phật hiệu.

Tự biết mình có phần nào thất thố, Dư Hải Bằng chùng giọng xuống hỏi :

- Đại sư định chỉ giáo điều chi?

Trầm tư một lúc, Phương Thanh đại sư mới lên tiếng :

- A di đà Phật! Bần tăng biết rằng Dư thí chủ đang ôm nặng mối gia thù nên bần tăng không biết nói thế nào cho phải đây!

Dư Hải Bằng nghe giọng nói nhún nhường của Phương Thanh đại sư, chàng lại nghĩ đến những gì Phương Thanh đại sư đã làm cho chàng. Nếu không có Phương Thanh và Phương Tịnh đại sư nói thêm vào với Phương Giác phương trượng thì Dư Hải Bằng làm gì có phúc phận được hưởng đến năm hoàn Hồi Nguyên đan chí báu của Thiếu Lâm? Và làm gì chàng có được một ngày như hôm nay? Do đó, Dư Hải Bằng bèn nói :

- Xin đại sư cứ chỉ dạy cho!

- Được lắm! Nếu Dư thí chủ đã có lời thì bần tăng xin được nói. Dù biết rằng Tam ma hiện đang chịu sự chi phối của Lưu giáo chủ, nhưng nhiều ngày đã qua, chừng như Lưu giáo chủ vẫn chưa có dã tâm một cách rõ rệt. Khoan đã, bần tăng chưa nói xong. Dư thí chủ hãy để bần tăng nói hết đã.

Phương Thanh đại sư phải nói như thế vì đại sư đang nhìn thấy Dư Hải Bằng hé miệng định tranh biện với đại sư. Sau đó, đại sư mới tiếp lời :

- Việc xảy ra với Côn Luân và Hoa Sơn nhị vị Chưởng môn, chúng ta còn chưa biết đích xác là ai đã gây ra. Còn việc Túy, Kỳ, Bốc trong Võ lâm Tứ thần thì biết đâu chừng giữa bọn họ và Lưu giáo chủ có mối hiềm khích chi đó nên mới có chuyện bọn họ bị bắt giữ. Hà! Bần tăng không được khéo lời nên có khi Dư thí chủ không hiểu hết ý tứ của bần tăng. Nói tóm lại, nếu chúng ta quá thẳng tay thì hậu quả như thế nào chúng ta có thể đoán được. Ngược lại, chúng ta hãy cứ chờ xem phản ứng của U Minh giáo thì sẽ biết thôi. Dư thí chủ nghĩ sao?

Những gì Phương Thanh đại sư vừa nói thì đúng là Dư Hải Bằng khó lĩnh hội được hết. Nhưng tựu chung chàng cũng lấy làm kinh ngạc khi nhận ra cung cách hành động kỳ lạ của U Minh giáo, Giáo chủ. Bởi, nếu Lưu giáo chủ có dã tâm thật sự thì lão đâu dễ gì chậm chân một khi đã khống chế được Tam ma? Và nếu lão đã chậm như thế này thì ắt phải có nguyên do gì rất bí ẩn. Vì thế, Dư Hải Bằng buộc lòng phải nói điều trái với ý muốn của chàng vào lúc này :

- Được! Tại hạ đã hiểu. Giết lão thì tại hạ không giết đâu. Nhưng...

- Sao! Ngươi còn muốn gì nữa?

- A di đà Phật! Dư thí chủ hãy nói rõ chủ ý của Dư thí chủ đi!

Nhanh nhẹn một cách quá đáng, Phương Thanh đại sư vội vã nói ra lời đó vì sợ Dư Hải Bằng có thể phẫn nộ khi nghe tên kia hỏi xen vào với hàm ý thách thức.

Nhưng, do đã có chủ định sẵn nên Dư Hải Bằng mỉm cười nói với bọn giáo đồ U Minh giáo mà đại diện là tên nọ trong bốn tên tùy bộc của Mộc Thạnh :

- Ta muốn ngươi về nói với lão Lưu rằng, muốn lão Mộc Thạnh này toàn mạng thì hãy buông tha Túy, Kỳ, Bốc tam thần ra! Đi đi! Bình sinh ta không biết nói hai lời đâu.

Nhưng tên kia vẫn cố lên tiếng :

- Một mạng đổi ba mạng sao? Ngươi tưởng Giáo chủ chấp thuận sao?

- Được! Ta đã nói rồi. Toàn là do ngươi thôi. Lão Mộc! Lão hãy chấp nhận số mệnh đã an bày cho lão nha.

- Khoan! Ngươi không được làm càn đó!

Quắc mắt, Dư Hải Bằng hỏi lại :

- Ngươi định lẽ nào?

- Ta sẽ bẩm trình, nhưng một đổi ba thì...

- Ha ha ha... Ngươi vẫn nói như thế thì sao? Vậy thì ngươi và một tên nữa hãy cùng lưu lại đây cho đủ con số ba. Ngươi định sao?

Lui lại thật nhanh như sợ Dư Hải Bằng làm thật. Vì làm con tin với việc thong dong thảnh thơi, giữa hai việc đó thì không ai xuẩn ngốc gì lại chọn con đường thứ nhất cả. Tên nọ hối hả nói :

- Ngươi định việc đổi người sẽ được thực hiện ở đâu?

Dư Hải Bằng một khi đã tự tin vào bản thân thì chàng rất dễ hoàn lại bản chất một kẻ hiệp lộ lão luyện. Chàng là người đi săn chứ không phải giống thú bị săn.

Chàng đáp rất rành rọt :

- Bản thân ta là một kẻ không nơi lưu ngụ nên ta không cần và cũng không muốn ấn định một địa điểm nào cụ thể. Ngươi hãy bảo lão họ Lưu ngày nào Túy, Kỳ, Bốc tái xuất giang hồ thì ta sẽ buông tha cho lão họ Mộc.

- Ngươi có phát điên rồi không vậy? Làm gì có chuyện như thế chứ?

- Ha ha ha... Tuy ta không phải là người quân tử, nhưng ta vẫn biết đến câu “nhất ngôn cửu đỉnh.” Dư Hải Bằng này đã nói lời nào thì giữ đúng lời đó. Bọn ngươi hãy đi đi!

- Nhưng chắc chắn Giáo chủ bổn giáo sẽ không chấp thuận đâu.

- Mặc lão! Nếu lão không chấp thuận thì cứ lo tụng kinh siêu hồn cho Phó giáo chủ của lão. Cút!

Một sự ngược đời chưa từng có. Sau tiếng nạt của Dư Hải Bằng, bọn kia nào dám lưu lại. Vì bọn chúng nào dám chắc Dư Hải Bằng sẽ không đổi ý và hủy bỏ luôn cuộc thương lượng đổi người?

Đợi bọn kia vừa đi khuất thì Tư Không Huệ liền reo lên :

- Hay! Ta phục ngươi đó! Ta dám chắc sau câu chuyện này thì đại danh của ngươi sẽ nổi lên như sóng cồn cho mà xem. Phải như thế mới được chứ!

Dư Hải Bằng cười gượng gạo, chàng nói :

- Danh càng cao thì gian nao càng nhiều. Ham thích gì đó, Tư Không cô nương!

Phương Thanh đại sư cũng tấm tắc khen :

- Dư thí chủ hành sự chu đáo quá. Bần tăng cũng phải khâm phục! Chuyện trước kia, nghĩ lại bần tăng cũng cảm thấy thẹn.

Dư Hải Bằng liền hiểu ngay đại sư muốn nói đến chuyện trước đại sư muốn cầm giữ chàng để tra vấn về Đạt Ma kinh. Do đó, chàng vừa đắn đo vừa nói :

- Đại sư hãy yên lòng! Việc để mất Đạt Ma kinh một phần cũng do lỗi ở tại hạ. Tại hạ đã tự hứa với lòng là sẽ tìm và hoàn lại Đạt Ma kinh cho Thiếu Lâm phái.

- A di đà Phật! Lành thay! Lành thay! Bần tăng xin thay mặt Phương trượng mà có lời cảm tạ Dư thí chủ trước.

Tự thẹn với lòng, Dư Hải Bằng vội vã nói :

- Đại sư đừng nói những lời này, tại hạ vẫn còn nhớ vì ai mà tại hạ được Phương trượng ban cho Hồi Nguyên đan. Tại hạ muốn làm điều đó là để đáp tạ thâm ân của đại sư thôi.

Phương Thanh đại sư tỏ vẻ kinh ngạc :

- Dư thí chủ đã biết điều đó sao? Là ai đã nói cho Dư thí chủ biết?

- Lúc đó tại hạ tuy bất động nhưng thần trí vẫn còn sáng suốt nên tại hạ đã nghe biết không sót một điều nào cả. Tại hạ còn biết chính lão Y Thần đã lẻn vào Thiếu Lâm và đánh cắp lấy tại hạ với ý đồ thu lại Hồi Nguyên đan từ trong người tại hạ.

Nói đến đây, Dư Hải Bằng để ý và thấy Giới Nộ đại sư đứng gần đó tỏ ra lúng túng. Chàng biết Giới Nộ đang thầm trách bản thân đã có những lời nói và những ý định không hay về chàng, nhưng chàng tịnh không một lời thống trách.

Đưa tay chỉ lão Mộc Thạnh, Dư Hải Bằng nói :

- Tại hạ có việc này muốn nhờ đến đại sư.

Gật đầu Phương Thanh đại sư đáp :

- Bần tăng đã rõ ý Dư thí chủ rồi. Nhưng...

- Như lời tại hạ vừa nói với bọn chúng. Khi nào Túy, Kỳ, Bốc tam thần xuất hiện thì đại sư cứ tùy tiện buông tha lão. Cáo biệt!

Tạm gác mối gia thù lại không muốn nghe lời cảm tạ, hành vì của Dư Hải Bằng khiến cho mọi người Thiếu Lâm phái sinh lòng mến phục.

Cả Tư Không Huệ nữa cũng vậy. Nàng tỏ ra vội vàng chạy đuổi theo chàng, miệng kêu lên :

- Dư Hải Bằng, chờ ta với...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Đạt Ma Kinh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook