Đại Vận Mệnh

Quyển 1 - Chương 3: SO TÀI.

Lưu Linh Lão Đại

04/09/2013

Chiến tranh và loạn lạc đang bùng phát khắp nơi, dường như đi đâu cũng thấy cảnh nạn dân lầm than cơ cực, nheo nhóc tang thương. Hiện tại “Thường thắng tướng quân” Nhạc Phi - lá chắn vũng chãi bảo vệ sự an nguy của cả triều đình Nam Tống đang đổ bệnh, nhân dân khắp nơi đang vô cùng lo lắng.

Trong một lữ quán nhỏ ở Hoàng Long Khẩu, mạn trái của Phục Ngưu Sơn tây, sinh hoạt ở đây dường như chẳng hề bị chiến tranh loạn lạc làm xáo trộn. Kì lạ hơn nữa lữ quán này không có tửu nhị, lại như cũng chẳng thấy hiện diện một bóng người ra dáng chưởng quầy. Hiện thời trên chiếc bàn lớn ở chính giữa lữ quán nhỏ hoang sơ ấy không biết bày cơ man bao nhiêu là rượu, và cũng chỉ có rượu - la liệt rượu. Nhìn kĩ hiện thời vào lúc này cũng chỉ có ba tửu quỉ đang ngồi chén tạc chén thù mà thôi.

Ngoài trời gió rét lạnh căm, tuyết bay lất phất song bên trong lữ quán vẫn tương đối sôi động và rộn rã. Tiếng người nói chuyện xen lẫn với tiếng tý tách của bếp lửa reo ca thể hiện một không khí khá là ấm áp, thân thiện. Ở ngay gần lối ra vào, ba vị khách quái dị đang say sưa trò chuyện trên trời dưới đất, bằng vào phục trang và lối nói chuyện đặc biệt của họ, xem ra mấy người này chẳng để những chuyện thị phi bên ngoài ảnh hưởng.

Trong cái tiết trời lạnh lẽo đến cắt da cắt thịt ấy, một thanh niên ước chừng tam thập vận một chiếc áo nho sinh mầu lam nhạt, bàn tay không ngừng phe phẩy chiếc Đàn hương phiến, miệng nở một nụ cười:

- Tất Thu Phàm đại ca, tiểu đệ lại không nghĩ như vậy.

Nhìn lại, người được gọi là Tất Thu Phàm kia là một lão nhân râu tóc bạc như cước, gương mặt từ hòa, ông ta lại vận một chiếc Thiên niên hạc sưởng trắng toát, trông bộ dáng thật giống như một thế ngoại cao nhân. Xem chừng tuổi tác của Tất Thu Phàm phải lớn hơn thanh niên thư sinh kia rất nhiều, thật chẳng ngờ bọn họ lại có lối xưng hô kì quái như thế. Tuy vậy lúc này chỉ thấy gương mặt Tất Thu Phàm khẽ nhăn lại, quay sang hỏi người thanh niên:

- Đông Phương Hiên Di chưa đáng để cho lão đệ khâm phục ư? Vậy hạng người như thế nào mới lọt vào được tầm mắt của Triệu lão đệ đây?

Vị thư sinh họ Triệu này nghe hỏi vậy liền trả lời:

- Không phải là Đông Phương lão nhân chưa đáng cho họ Triệu này khâm phục, chỉ là nếu đem so với mấy người này, bản lĩnh của Đông Phương Hiên Di còn cách xa một vạn tám ngàn dặm!

Hai người kia nghe trung niên thư sinh nói vậy liền đồng thanh hỏi: "Trên đời này tồn tại người như vậy ư?"

Thư sinh họ Triệu khẽ mỉm cười, chiếc quạt tinh xảo làm bằng gỗ đàn hương kia khẽ phe phẩy, dáng điệu mười phần khoan thai:

- Tất nhiên là có chứ. Trong mắt tiểu đệ, mấy người này chính thị là Tứ đại thánh nhân.

Nói đến đây, ngữ khí chậm xuống: "Phục Hi Thị phát minh ra bát quái, thông suốt rành rọt đạo lý vận hành xoay chuyển của trời đất. Đó là vị thứ nhất."

Lão nhân tóc bạc Tất Thu Phàm kia nghe vậy gật đầu, lại thấy người thanh niên thư sinh kia tiếp lời: "Thần Nông thị trưởng muôn loại cỏ cây, chữa được bách bệnh cho mọi người, lại trồng được trăm loại lúa, giúp hậu thế muôn dân có được cái ăn. Xứng đáng là bậc thứ hai."

Trông thấy ánh mắt của hai người còn lại, người thư sinh họ Triệu kia tay trái cầm chiếc Đàn hương phiến đặt xuống bàn, ngón tay khẽ giơ lên: "Chu Công chế được lễ nhạc, định ra được lề luật, mọi người đời sau răm rắp tuân theo, đó là vị thứ ba. Khổng Phu Tử thông kim bác cổ, học vấn uyên thâm, đó chính là người thứ tư!"

Lời vừa dứt, họ Triệu quay sang phía người thứ ba ngồi ở bên phía tả cười hỏi:

- Hứa lão huynh, không biết tiểu đệ nói như vậy có hợp tình hợp lý chăng?

Nói xong người thư sinh kia bàn tay lại nhẹ phe phẩy chiếc đàn hương phiến, nếu bên ngoài trời không mưa tuyết thì cử chỉ kia ắt hẳn mười phần thanh tao, tiêu sái. Tuy nhiên chẳng một ai ngờ rằng vị văn nhân lịch lãm, nho nhã, nãy giờ mở miệng là nhắc đến thánh hiền kia lại chính là một "đạo tặc hái hoa" danh lừng võ lâm. Người này tên gọi Triệu Du Thiên, danh xưng Đại soái phong lưu, thiên lý hộ hoa sứ giả. Gã khi còn trẻ được kì nhân chỉ điểm nên bản lĩnh khinh công rất cao, ấy thế họ Triệu háo sắc thành tính, "hái hoa bắt bướm" đã thành thói quen, dưới con mắt nhân sĩ chính phái thì Triệu Du Thiên này đích thực là một đại dâm tặc khét tiếng. Lại nói họ Triệu tuy tiếng mang dâm tặc song thực sự mà nói Triệu Du Thiên cũng có nguyên tắc riêng của hắn: nữ nhân không tự nguyện, gã tuyệt đối không xuống tay. Triệu Du Thiên được trời phú cho một vẻ mặt tuấn tú, nho nhã, kiến thức sâu rộng, lại vô cùng biết cách chiều chuộng nữ nhân, bởi thế hầu hết nữ nhân qua tay họ Triệu đa số đều là vừa lòng tình nguyện, nghe giang hồ đồn đại rằng mỹ nữ qua tay gã dâm tặc này không đến một trăm thì cũng đến tám chục. Bởi thế Triệu Du Thiên một thời chính là thần tượng của rất nhiều thanh niên mới nổi mà trong lòng mang giấc mộng tầm hoa.

Lần vừa đây nhất, Triệu Du Thiên một thân bản lĩnh, một mình đột nhập vào Tổng đà của Thánh Hỏa giáo ở Tây Vực, vô thanh vô tức mang đi Thánh nữ của Thánh Hỏa Giáo khi ấy là Tức Nhược Bân. Sự kiện chấn động giang hồ này đã làm tên tuổi của Triệu Du Thiên càng thêm lừng lẫy, đồng thời nó tuyệt đối là nỗi nhục lớn nhất của Thánh Hỏa giáo mấy chục năm trở lại đây. Lần đó Thánh giáo xuất ra hai đại trưởng lão, lại điều động sát thủ của ba đường lớn chỉ để truy sát họ Triệu, ấy thế nhưng cuối cùng vẫn để gã "dâm tặc" ấy trốn thoát. Như vậy đủ biết bản lĩnh khinh công của Triệu Du Thiên cao cường đến mức nào.

Tuy nhiên xét về bản lĩnh khinh công, hiện thời trong cái lữ quán nhỏ này, có người so với Đạo tặc đệ nhất phong lưu vị tất đã thua kém. Người đó chính là lão nhân áo đen ngồi bên phía trái của Triệu Du Thiên - cũng chính là người vừa được họ Triệu gọi là "Hứa lão huynh" kia. Đối với cuộc tranh luận vừa rồi, ban đầu họ Hứa có chút trầm mặc, lần này nghe Triệu Du Thiên hỏi vậy liền cười nhạt:

- Ta xem Phục Hi, Thần Nông kia chắc gì đã có thật. Cái gì là “Tam hoàng, ngũ đế. Vạn đại thiên thu”. Hừ... xem chừng cũng chỉ là mớ bịa đặt mà thôi. Cứ theo Hứa Khang ta thấy, nếu xét về bản sự Gia Cát Võ Hầu vị tất đã kém lão Phục Hi gì gì đó. Còn nếu xét về bản lĩnh dùng thuốc, ta nghĩ Thần Nông so với Hoa Đà sợ rằng còn kém xa, cùng lắm chỉ được như Y tiên Vương Thời Trân là cùng chứ gì. Hà hà... dường như Triệu Du Thiên ngươi đề cao hai lão già ất ơ từ thời thượng cổ đó quá mà thôi!

Tất Thu Phàm nghe đến đây liền cất tiếng hỏi:

- Như vậy còn Chu Công và Khổng Phu Tử thì sao?

Hứa Khang liền cười lớn:

- Hà hà... qui định của lễ nhạc, giáo điều của Nho gia thật quá lằng nhằng, rắc rối. Hơn nữa Hứa Khang này nói trắng ra chính là một gã đạo tặc, nếu tự đi tôn vinh hai vị thánh nhân Chu Công, Khổng Tử làm người Hứa Khang này khâm phục nhất, nếu vậy thì khác nào tự xem thường bản thân mình quá ư?

Người vừa phát thoại là một lão nhân tên gọi Hứa Khang. Ông ta tuy đã luống tuổi song râu tóc đen nhánh, lần này lại ngồi cạnh một người dáng vẻ tiên phong đạo cốt như Tất Thu Phàm quả là có nửa điểm tư vị. Bên cạnh một thế ngoại cao nhân với chiếc đạo bào trắng toát ấy, nhìn lại thì thấy lão nhân họ Hứa đó vận một chiếc áo dạ hành mầu tím đen trông khá đặc biệt, đặc biệt bởi nó được chính Hứa Khang đặt cho một cái tên nghe rất mỹ miều: Hàn sương lãnh y. Và rốt cục, kể từ khi nó có được cái danh xưng mĩ miều đó, nó từng bước trở thành một trong những bộ y bào đặc biệt nhất võ lâm. Nghe đồn chiếc Hàn sương lãnh y kia được dệt bằng ty tằm ở Thiên Sơn, đao thương thủy hỏa bất xâm. Tuy nhiên nguyên nhân làm cho nó trở thành chiếc áo nổi tiếng bậc nhất thiên hạ lại nằm ở vị chủ nhân của nó: Thiên hạ đệ nhất thần thâu Hứa Khang.

Tên tuổi của Hứa Khang sớm đã lừng danh hai mươi năm về trước, song bất quá thiên hạ không có mấy người chân chính biết được chân diện mạo của họ Hứa. Chỉ có điều nếu chỉ nhìn vào vẻ mặt và bề ngoài của con người kia, sợ rằng không một ai dám tin ông ta lại chính là Đệ nhất thần thâu nổi tiếng võ lâm. Từ khi họ Hứa thành danh, giang hồ đã có câu: "Tuyết vũ trường không, lưu ảnh vô tông. Thâu thiên hoán nhật. Tuyệt thế khinh công."

Dường như chẳng mấy ai biết được thực hư võ công của Hứa Khang ra sao, bất quá để có được cái danh hiệu Thần thâu đó, đủ biết bản lĩnh khinh công và khả năng sử dụng đôi tay của ông ta xuất sắc thế nào. Nghe mọi người đồn đại, phàm đồ vật nào lọt vào mắt vị thần thâu này thì xem như là đã trở thành vật sở hữu trong túi ông ta rồi.

Lại nói về bản lĩnh, ông già dáng vẻ tiên phong đạo cốt Tất Thu Phàm kia cũng rất là ghê gớm, so với Hứa Khang thì đúng là kẻ tám lạng, người nửa cân. Mặc dù Tất Thu Phàm sớm đã qui ẩn giang hồ, bản thân người này lại xa lánh thế tục nên hiện thời ít người biết đến tên tuổi của ông ta. Thế nhưng nếu là ba mươi năm trước, là người có chút kiến thức ắt hẳn sẽ biết đến cái danh tự Tất Thu Phàm này. Thời điểm ấy, Tất Thu Phàm chẳng những võ công cao cường mà bản lĩnh hội họa của ông ta càng ảo diệu tuyệt luân. Nhớ khi đó đương kim hoàng thượng vì muốn xem ông ta phóng bút vẽ chân dung cho mình mà đã phải liên tiếp hạ ba đạo thánh chỉ. Chỉ có điều chẳng biết vì sao, giữa khi sự nghiệp và tên tuổi lừng lẫy nhất, Tất Thu Phàm lại chọn cách gác bút, thoái ẩn giang hồ trên đỉnh cao danh vọng. Lý do vì sao thì chỉ bản thân Tất Thu Phàm mới có thể hiểu được!

Quay trở lại cuộc trò chuyện vừa rồi của ba người này, khi Thần thâu Hứa Khang vừa dứt lời, người trung niên thư sinh hiệu xưng là Triệu Du Thiên kia cười lớn:

- Vậy theo như Hứa Khang tiên sinh, Tứ đại thánh hiền sẽ là những người nào đây?

Hứa Khang nghe vậy bình thản cười:

- Cái gì mà là thánh hiền! Hừ... ta không cần quan tâm. Thế nhưng những người đáng để cho Hứa Khang này hâm mộ thì đó đều là kì nhân hàng thật giá thật, trong mắt ta đó chính là Tứ đại thánh nhân.

Nói đến đây Thần thâu Hứa Khang miệng mỉm cười, giơ ngón tay cái lên đoạn thong thả nói:

- Nguyên soái Nhạc Phi võ nghệ cao cường, binh pháp tinh thông, hành quân bách chiến bách thắng. Hơn nữa một đời Nhạc nguyên soái tận trung báo quốc, vì dân mà nỗ lực. Đó chính là người làm Hứa Khang này khâm phục nhất.

Triệu Du Thiên và Tất Thu Phàm nghe thấy vậy đồng thời cùng gật gù: "Đối với bản lĩnh và con người của Nhạc nguyên soái, mấy người chúng ta ai nấy đều rất ngưỡng mộ.”

Hứa Khang giơ ngón tay thứ hai lên đoạn cất tiếng:

- Thần cái Lục Bản Tùng - đương kim bang chủ Cái Bang: quang minh lỗi lạc, lại chính trực uy vũ, ghét ác như cừu, yêu rượu như mạng sống. Đó chính là người thứ hai mà họ Hứa ta khâm phục.

Dừng lại một chút, Hứa Khang giơ ngón tay thứ ba lên đoạn cao giọng nói tiếp:

- Vạn hoa cốc chủ Quách Khinh Hàn am hiểu kì môn, kiếm pháp tuyệt luân. Nhớ trường đồ sát năm đó, ông ta vì bằng hữu mà huyết kiếm ngang dọc, chém trăm mạng cừu nhân, cạn ngàn chén rượu sầu. Con người dám yêu dám hận, bản lĩnh uống rượu lại cao minh như thế, thật đáng để Hứa Khang này tôn vinh.

Ông ta nói đến đây ngữ khí liền chùng xuống, lại khẽ bấm bấm mấy ngón tay, vẻ như xem chừng đang cân nhắc và tính toán. Hai người Tất Thu Phàm và Triệu Du Thiên kia chờ lâu không thấy ông ta nói năng gì liền thúc giục: "Nghĩ gì mà sao lâu thế! Rốt cục người thứ tư là ai ?"

Hứa Khang đến đây thở dài một tiếng: "Tính tới tính lui, người thứ tư chẳng phải chính là một trong số bốn anh em huynh đệ chúng ta hay sao? Chỉ có điều là Hứa Khang ta cứ phân vân, không làm sao có thể tự mình phân định được vấn đề phức tạp này !"

Hứa Khang vừa dứt lời thì hai người kia đưa mắt nhìn nhau, ngẩn ra một lúc sau đó Tất Thu Phàm vỗ mạnh xuống bàn, cao giọng nói to: "Lão Hứa nói thật đúng. Hà hà....được! Cái này không phải là kiêu căng tự mãn mà chính là biết nhìn nhận giá trị bản thân. Được, vậy hôm nay nhất định chúng ta thử phân ra thứ tự trước sau. Chỉ có điều..."

Nói đến đây Tất Thu Phàm hạ giọng, vẻ mặt đầy băn khoăn: "Mấy người chúng ta mỗi người một bản lĩnh, làm thế nào mới có thể phân được cao thấp được đây? Huống chi.."

“Huống chi tứ đệ lại không có mặt ở đây.”



Triệu Du Thiên mở lời nói tiếp ý đang dở của Tất Thu Phàm: “Mà cũng lạ thật, với bản tính của Tứ đệ, cớ sao giờ này còn chưa thấy xuất hiện nhỉ?”

Trong lúc mọi người còn đang thắc mắc và chờ đợi sự hiện diện của một người được gọi là Tứ đệ thì bất chợt một âm ba vút cao xen lẫn cùng gió và tuyết:



Mạch mã thùy gia tử,

Hoàng Long biên tái nhi.

Thiên sơn tam trượng tuyết,

Khởi thị viễn hành thì.

(Thơ Lý Bạch, dịch nghĩa:

Trên lưng ngựa trắng kìa ai,

Hoàng Long đi đến cõi ngoài xa xa.

Thiên sơn tuyết ngập bao la,

Phải đâu là lúc xông pha nẻo này)

Tiếng ngâm vừa dứt, một bóng áo xanh lướt nhanh như bay vào trong tửu quán, thanh âm hào hứng theo đó cất lên: “Tiểu đệ chậm trễ rồi. Mong mấy vị ca ca lượng thứ!”- Nhìn lại thì ra là một thanh niên trẻ anh tuấn, trên tay có cầm một thanh kiếm được quấn bằng voan lụa trắng. Hóa ra người này chính là Lý Phi Dương.

Trông thấy bóng dáng Lý Phi Dương vừa xuất hiện, Hứa Khang cười nói:

- Lão đệ đến thật đúng lúc. Hà, mấy người chúng ta đang phân định xem trong bốn chúng ta, ai là người có bổn sự nhất.

Lý Phi Dương nghe vậy ngạc nhiên, sau đó lớn tiếng cười:

- Hứa lão huynh thật là biết nói đùa. Luận về bản lĩnh hội họa, ai hơn Thu Phàm đại ca, luận về bản lĩnh thâu đồ đoạt vật, ai hơn Hứa lão ca. Lại nói về bản lĩnh câu hồn đoạt phách nữ nhân, lão Tam ắt hẳn xếp hàng đầu. Còn về phần tiểu đệ, đệ chẳng có bản lĩnh gì. Thế nên cuộc thi lần này, tiểu đệ cam bái hạ phong vậy. Ai! Thật là đau lòng hết sức, đệ có đến chậm chút xíu đã không còn giọt rượu nào rồi.

Thư sinh họ Triệu nghe vậy tủm tỉm cười:

- Đệ tình nguyện cam bái hạ phong thật chứ. Hà, vậy cứ như thế đi.

Tất Thu Phàm nghe vậy gạt tay, lớn tiếng nói:

- Cái gì cũng phải công bằng sòng phẳng, đâu phải chuyện nói chơi được. Hừ, lão Tứ không biết đó thôi, lần này mấy người chúng ta phân định bổn sự, người thắng cuộc sẽ có tư cách đứng ra tiêu diệt phản tặc Lã Kính, trừ đi một cái họa cho người Hán chúng ta.

Nghe Tất Thu Phàm nói vậy, Lý Phi Dương vỗ tay:

- Hà! Chuyện hay như vậy tiểu đệ đâu tình nguyện đứng ngoài cuộc chứ. Đã vậy lần này tiểu đệ xin bôi xấu, góp vui cùng mọi người vậy. Chỉ là không biết chúng ta tiến hành thẩm định như thế nào đây?

Nghe Lý Phi Dương hỏi vậy, Tất Thu Phàm lộ vẻ băn khoăn:

- Ai dà. Mỗi người một kiểu, để phân định kiểu này cũng thật là khó khăn. Trong lúc chờ đợi đệ, mấy người chúng ta cũng đã bàn ngược bàn xuôi mãi rồi mà chưa nhất đồng quan điểm. À, mà mọi lần ta thấy đệ đều là người có mặt đầu tiên, sao lần này lại chậm trễ vậy. Hay lần quay về Vạn Hoa Cốc có gì trục trặc chăng?

Lý Phi Dương cười:

Có gì trục trặc đâu. Hà hà… Nói ra mọi người không tin đâu, cách đây không lâu tiểu đệ có cơ duyên được gặp mặt Nhạc nguyên soái.

“Nhạc nguyên soái.” Mấy từ đó đối với mấy người Tất Thu Phàm quả thật vô cùng hấp dẫn. Bởi thế khi Phi Dương vừa dứt lời, mọi người dồn dập hỏi han. Lý Phi Dương lập tức liền mang chuyện trên đường tình cờ đụng độ ác đồ Thiên Nhẫn giáo, lại cả chuyện hộ tống “Thần bí nhân” trên kiệu gấm đến Tương Châu gặp mặt Nhạc Phi kể ra rành mạch. Thì ra Nhạc nguyên soái quả thật bị người của Ngũ Độc Giáo âm mưu hạ độc, thế nhưng rất may ông đã được Tiên y Vương Thời Trân bí mật chữa trị. Nhạc nguyên soái một thời gian giả bệnh là để truy tìm nội gián, đồng thời có thêm thời gian dò xét động tĩnh của Kim Quốc.

Lúc này nghe Lý Phi Dương lên tiếng:

- Theo như đệ suy đoán, có lẽ người ngồi trên kiệu hoa đó chính là nội gián của nguời Hán chúng ta cài vào hàng ngũ Kim Quốc. Người này biết được chính xác Nhạc nguyên soái trúng loại độc gì, ngàn dặm vất vả mang y dược đến chữa trị cho nguyên soái. Hà… tuy Nhạc nguyên soái đã được Tiên y Vương Thời Trân cứu chữa trước đó, thế nhưng chuyến đi này của “Thần bí nhân” kia cũng không phải vô ích, tên gian tế Ngũ Độc Giáo đã lập tức bị bắt sống mà thần không biết, quỉ không hay.

Nói đến đây Phi Dương cất tiếng thở dài, dường như còn có đôi phần nuối tiếc:

- Nếu như chẳng vì Nhạc nguyên soái còn mang trọng trách, đệ nhất định xin được thưởng thức qua Thương pháp của Nhạc nguyên soái. Nghe nói nguyên soái được chân truyền thương pháp của Nhất kích bạt sơn Tần Quảng nức tiếng một thời ở Tương Châu, lại nghe như võ công Nhạc nguyên soái cũng đã sớm vượt qua sư phụ của mình.

Hứa Khang nghe đến đây thì lên tiếng :

- Nhắc đến thương pháp ta sực nhớ đến Thiên Ba phủ Dương gia hiển hách một thời. Ài, thật đáng tiếc. Cuối cùng cũng chỉ vì triều đình kém cỏi, hoàng đế bất tài mà làm cả một đại gia tộc lụn bại. Hừ, lại còn lão Tống Cao Tông ngu xuẩn, tên thừa tướng Tần Cối vô lương tâm nữa, làm phí không biết bao nhiêu tâm huyết của Nhạc nguyên soái, tổn thất không biết bao nhiêu máu xương của nhân dân. Thật là đáng căm hận.

Triệu Du Thiên gật đầu:

- Hứa lão ca nói thật phải. Nhớ lại trận chiến ở chân dãy Võ Di Sơn hai năm về trước, hậu nhân của Thiên Ba phủ là Dương Tái Hưng thương pháp xuất quỉ nhập thần, cuối cùng cũng chỉ chịu bại dưới kiếm của Tứ đệ mà thôi. Đáng tiếc thay, hiện giờ gia tộc họ Dương sớm đã trở thành dĩ vãng. Chỉ mới năm ngoái thôi, đệ nghe nói em gái của Dương Tái Hưng là Dương Anh đã thành lập nên Lệ Tú phường ở Ba Lăng huyện, Động Đình hồ. Xem ra tiểu nữu kia tuy là phận nữ nhi mà chí không nhỏ, chỉ có điều số phận thật bất hạnh.

Lý Phi Dương nghe đến đây liền nói lớn:

- Hừ! Nếu biết phẩm cách của tên Cao Minh Vĩ kia đồi bại như vậy, lần đó đệ một kiếm biến hắn thành Thái giám cho rồi. Nghe nói hắn sau khi hủy bỏ hôn ước với Dương nha đầu, lập tức trở thành con rể của Tiết gia phải không? Lần sau đệ mà gặp lại hắn, nhất định tên súc sinh ấy sẽ phải lãnh đủ.

Hứa Khang cười lớn:

- Đệ vội vã gì chứ? Hay là phải chăng vì bất bình thay Dương cô nương. Ha ha… ta nói đùa thôi. Nhưng vừa rồi nghe đệ ngâm cái bài gì ấy nhỉ? À hóa ra là “Độc bất kiến” của Lý Bạch à. Nghe ra hào khí oanh liệt đấy. Sẵn đây Hứa Khang ta có một đề nghị, chi bằng chúng ta dựa vào sở trường của bản thân để thể hiện một bài tứ tuyệt. Ai khiến cho những người còn lại thán phục nhất chính là người thắng cuộc.

Triệu Du Thiên nghe vậy vỗ tay:

- Đề xuất của Hứa lão ca xem chừng khó có thể phân định được thắng thua. Bất quá, ha ha… họ Triệu này lại rất tò mò, muốn xem Đệ nhất thần thâu Hứa Khang trổ tài thi phú. Bởi thế nên tiểu đệ đồng ý vậy.

Tất Thu Phàm hừ lạnh:

- Hai người các ngươi tán đồng thì lẽ nào Tất Thu Phàm ta lại e ngại chứ. Hừ, có bốn người mà ba người đã ưng thuận thì không cần đến ý kiến của Tứ đệ nữa. Cứ thế mà tiến hành thôi. Nhưng đầu tiên thỉnh “Hứa Khang tiên sinh” ra tay xuất mã cho mọi người mở rộng tầm mắt, biết thêm cái gọi là “sở trường thể hiện tứ thơ” là thế nào.



Hứa Khang nghe vậy liền cười:

- Được rồi. Lão Hứa ta chỉ vừa nghĩ ra trò này, nhưng cũng xin bêu xấu vậy.

Nói vừa dứt lời, Hứa Khang tiến nhanh ra phía chiếc bàn giữa tửu quán, hai bàn tay thoăn thoắt, miệng thì nói: “Hết rượu thì dùng trà vậy, mọi người hãy cùng đến thưởng lãm!”

Vừa nói ông ta rót trà ra chiếc tách nhỏ làm bằng gốm trắng, động tác thoạt có vẻ nhanh mà vô cùng thong dong. Khi trà vừa rót ra đầy chén, một tay ông ta cầm kẹp trúc, tay kia khẽ lắc nhẹ vào chiếc bàn, đồng thời thổi các làn hơi nước đang liên tục bốc lên. Sau khi chờ nước trà trong tách thôi sóng sánh, Hứa Khang dùng chiếc kẹp trúc khuấy nhẹ vào chiếc cốc thứ nhất. Tất Thu Phàm trông thấy vậy khẽ nhíu mày: “Lão Hứa đang làm gì vậy?”

Hứa Khang nghe Tất Thu Phàm hỏi vậy chỉ cười khẽ không đáp. Lý Phi Dương ngạc nhiên quan sát kỹ tách trà đầu tiên thì chợt giật mình, nhận ra những lá trà nhỏ đang dần tán tụ biến ảo dưới làn sóng nước, cuối cùng hợp lại thành một tổ hợp giống như hình ảnh một con chim có cái mỏ khá dài đang dang cánh. Đến đây lại nghe Triệu Du Thiên giật mình hô to: “Thủy đan thanh”.

Tất Thu Phàm thấy thế khẽ lẩm bẩm:

- Kỹ thuật Bách hí trà đạo của lão Hứa đã đến trình độ này. Thật khiến người ta giật mình khâm phục.

Hứa Khang lúc này không vì ý kiến của mọi người xung quanh mà xao nhãng, trái lại lúc này gương mặt ông ta hết sức tập trung, tay giơ cao ấm trà rồi khẽ nghiêng nghiêng, nhẹ rót vào tách thứ hai. Dõi mắt nhìn vào tách trà nhỏ, thấy lá trà lất phất rụng rơi theo làn nước, đồng thời từng làn khói mỏng bốc nhẹ, thoạt như từng dòng hoa khói chơi vơi giữa trời. Vừa rót xong tách trà thứ hai, Hứa Khang lại dùng kẹp trúc khuấy nhẹ, qua một lúc Triệu Du Thiên lại cũng là người đầu tiên lên tiếng, hét ra hai chữ: “Dương Châu”. Thì ra lúc này trên mặt tách trà thứ hai, lần lượt xuất hiện hai chữ Dương Châu được ghép lại bằng những chiếc lá trà lập lờ trong khói nước.

Tất Thu Phàm quan sát tách trà này ngẩn ngơ. Lại thấy Hứa Khang hai tay thoăn thoắt không ngừng nghỉ song biểu cử gương mặt họ Hứa thì vô cùng tập trung. Chỉ một lát sau đó khi mặt nước ở tách trà thứ ba thôi dao động, thấp thoáng hiện ra hình ảnh một chiếc thuyền buồm no gió. Còn khi Hứa Khang vừa rót xong tách trà cuối cùng, mờ ảo hiện ra hai chữ “Trường Giang”.

Đến đây cả ba người Tất Thu Phàm, Triệu Du Thiên và Lý Phi Dương đồng thanh hô: “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng.”

Lúc bấy giờ Hứa Khang mới thở phào một tiếng, đặt nhẹ tách trà xuống bàn đồng thời cao giọng, hớn hở ngâm vang:

“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu.

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến trường giang thiên tế lưu.”

(Thơ Lý Bạch. Dịch nghĩa

Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu.

Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu.

Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc,

Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau)

- Hà hà, lần này tiếp bước Tứ đệ, lão Hứa ta cũng xin lấy tứ thơ của Lý Bạch làm cảm hứng vậy.

Hứa Khang vừa dứt lời, Tất Thu Phàm và Triệu Du Thiên cùng ngẩn người ra một lúc, lát sau thì thấy Tất Thu Phàm thở dài:

- Thật chẳng ngờ lão Hứa còn có bản lĩnh này. Tất Thu Phàm ta dẫu chẳng đành lòng nhưng cũng phải xin cam bái hạ phong vậy.

Triệu Du Thiên một tay phe phẩy chiếc Đàn hương phiến, tay còn lại vơ luôn tách trà trên bàn đồng thời nhấp khẽ một ngậm:

- Trà hãy còn nóng. Hà, lần này tiểu đệ được chứng kiến nghệ thuật trà đạo Thủy đan thanh trong truyền thuyết, thật là được mở rộng tầm mắt. Như vậy là việc trừng trị tên Hán gian Lã Kính xin phiền Hứa lão huynh vậy.

Triệu Du Thiên vừa dứt lời thì lập tức Lý Phi Dương đã lên tiếng:

- Nhận xét về bản lĩnh trà đạo của Hứa lão huynh, tiểu đệ thật sự ngưỡng mộ vô cùng. Song mà bất quá mọi người chỉ đưa ra đề nghị dùng khả năng của bản thân để thể hiện ý thơ một bài tứ tuyệt, đệ dẫu bất tài song cũng xin bôi xấu vậy. Chuyện tiêu diệt tên ác tặc họ Lã, đệ quyết không dễ dàng nhường cho Hứa lão huynh vậy đâu.

Nói đến đây Lý Phi Dương cho tay vào trong người rút ra một bọc nhỏ được buộc lại khá cẩn thận. Mọi người hiếu kì dõi mắt nhìn vào thì thấy trong chiếc bọc đó có vẻn vẹn hai quả trứng luộc và một nắm cơm nhỏ. Hứa Khang nhìn thấy khẽ lẩm bẩm: “Tiểu tử họ Lý đó định làm gì thế nhỉ?”

Tiếp theo đó Lý Phi Dương cười, rút thanh kiếm ra cầm trên tay. Ánh kiếm lấp loáng trắng bạc, lại như còn có vẻ sắc lạnh hơn cả tuyết ngoài trời. Họ Lý từ tốn giải thích:

- Thanh kiếm này vốn gọi Lạc Thủy, là báu kiếm của sư phụ ban cho tiểu đệ. Hai quả trứng và nắm cơm kia chính là lương thực đệ ăn dọc đường.

Thanh âm vừa dứt, trường kiếm trong tay lập tức vung lên. Chỉ thấy bóng kiếm loang loáng, loang loáng nhắm vào mấy quả trứng trên bàn điểm tới, vừa nhanh, vừa chuẩn lại cực kì điệu nghệ. Sau khi Lý Phi Dương dừng tay, mọi người nhìn lại thì thấy hai quả trứng kia đã được tách vỏ lộ ra hai cái lòng đỏ màu vàng tươi, lòng trắng lại được chia thành nhiều múi hình cánh quạt đều răm rắp. Trường kiếm sắc lạnh như thế thật đáng với danh xưng bảo kiếm, thế nhưng bản lĩnh sử kiếm tài tình như họ Lý lại càng khiến người ta kinh ngạc không thôi.

Đến đây lại thấy Lý Phi Dương dùng mũi kiếm hớt nhẹ, ngay lập tức hai chiếc lòng đỏ nhẹ nhàng chui tọt vào trong tách trà đầu tiên, lại nghe họ Lý cất tiếng ngâm khẽ: “Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu.” Tiếp theo đó Lạc Thủy vung lên, Lý Phi Dương dụng kiếm khiến hàng chục miếng lòng trắng trứng nhỏ hình cánh quạt xếp thành hình cầu vồng nhẹ nhàng rơi vào tách trà thứ hai. Theo đó chàng ta cất tiếng ngâm: “Nhất hàng bạch lộ hướng thanh thiên.”

Mấy người Tất Thu Phàm nghe vậy vô cùng ngạc nhiên và kinh hãi. Lại thấy lúc này mũi kiếm trong tay họ Lý gẩy nhẹ một cái, nắm cơm nhỏ bị hất mạnh lên cao, theo đó trường kiếm trong tay họ Lý xuất ra nhanh như chớp giật, nắm cơm nhỏ kia bị chém nát thành từng mảng nhỏ, lả tả rơi xuống tách trà mà Triệu Du Thiên vừa uống dở, tiếp đó Lý Phi Dương khẽ hô: “Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết.”

Cuối cùng chàng ta dùng kiếm gẩy nhẹ vào mặt bàn, mấy mảnh vỏ trứng tự khi nào đã ngoan ngoan nổi bập bềnh trong tách trà thứ tư. Mọi việc xong xuôi, Lý Phi Dương cao giọng : “Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.”

Lý Phi Dương vừa dứt lời, Tất Thu Phàm bước lên cất tiếng ngâm lớn:

Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu,

Nhất hàng bạch lộ hướng thanh thiên.

Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,

Môn dặm Đông Ngô vạn lý thuyền

(Bài “Tuyệt cú” của Đỗ Phủ:

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,

Một hàng cò trắng vút trời xanh.

Nghìn năm tuyết núi song in sắc.

Muôn dặm thuyền Ngô, cửa rập rình)

- Hay lắm, hay lắm. Kiếm pháp tuyệt vời, bản sự cao cường mà tứ thơ cũng độc đáo. Họ Tất ta đồng ý tứ đệ ngươi chiến thắng trong lần này.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
cô vợ thay thế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Đại Vận Mệnh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook