Cậu Ấm Ngây Thơ

Chương 7

Natsume Soseki

13/05/2014

Ngay tối hôm đó tôi chuyển chỗ trọ. Về đến nhà là tôi sắp xếp đồ đạc ngay. Thấy thế, mụ vợ chủ nhà hỏi leo lẻo: - Sao lại thế? Thầy ở đây có gì không vừa lòng hay sao? Nếu có gì thì thầy cứ cho chúng tôi hay để chúng tôi sửa chữa mà!

Tôi thật kinh ngạc. Sao mà ở đời lại toàn những bọn lèo lái như thế này. Không biết thực ra mụ ta muốn đuổi tôi đi hay muốn giữ tôi ở lại. Đúng là điên rồ. Cãi nhau với loại người như thế này là một điều đáng xấu hổ cho một người Êđô. Tôi đành nín lặng, gọi xe đến, đi ngay cho đỡ bực.

Lên xe rồi nhưng chẳng biết là đi đâu. Người kéo xe hỏi đi đâu, tôi bảo cứ đi đi rồi sẽ biết và cuống cuồng giục ông ta đi nhanh lên. Thật là gay go quá. Hay là đến quán trọ Ya-ma-si-ro chăng? Nhưng đến đó rồi thì lại phải chuyển đi cũng mất công vô ích. Thôi, cứ đi như thế này, biết đâu giữa đường có một cái nhà nào đó có biển đề cho thuê cũng nên. Cứ mặc kệ trời phật dẫn dắt đến đâu thì ở đó.

Chúng tôi cứ đi lòng vòng như thế trong một khu phố tĩnh mịch và có vẻ sống ở đây sẽ rất lí tưởng. Cuối cùng đã chạm đến phố Lò rèn. Khu phố này là nơi ở của tầng lớp sĩ tộc, không thể có nhà cho ở trọ được. Tôi đang định quay lại những phố náo nhiệt hơn thì chợt nảy ra một ý hay hay. Chả là, ông thầy Bí Đỏ mà tôi vốn có cảm tình, nhà cũng ở khu phố này. Ông ta quê ở đây thì chắc là có nhà từ thời ông bà để lại. Thể nào ông ta chả biết tình hình nhà cửa quanh đây. Hãy đến hỏi ông này, biết đâu lại được mách cho một chỗ trọ tốt. Chỉ cần đến hỏi ông ta, có phải đỡ tốn công đi tìm kiếm loanh quanh không! Đây rồi, hình như nhà ông ta đây. Tôi cố soát lại trí nhớ của mình rồi lên tiếng:

- Xin lỗi, xin cho tôi hỏi. Xin lỗi!

Vừa gọi được vài tiếng thì từ trong nhà, một người đàn bà trạc năm mươi tuổi, tay cầm một cây đuốc bằng giấy cuộn theo kiểu cổ, bước ra. Tôi cũng chẳng ghét gì đàn bà, con gái trẻ lắm. Song, không hiểu sao, cứ gặp các bà già là tôi lại cảm thấy gần gũi, thân thuộc đặc biệt. Có lẽ vì tôi rất quý bà Ki-yô nên tình cảm ấy lây sang tất cả các bà già khác. Bà này có lẽ là mẹ của Bí Đỏ đây. Một người đàn bà trông phúc hậu, đoan trang, tóc ngắn để xõa trên vai và trông mặt rất giống Bí Đỏ.

Người đàn bà mời tôi vào nhà, nhưng tôi bảo là chỉ cần gặp để hỏi có chút việc thôi, nên không vào. Tôi gọi Bí Đỏ ra, nói rõ đầu đuôi, rồi hỏi anh ta có biết ở đâu có nhà cho thuê hay không? Anh ta bảo là nhà trọ thì hơi khó đấy. Rồi ngẫm nghĩ một lát anh ta nhớ ra và bảo:

- Ở phố đằng sau này có nhà ông Ha-ghi-no, chỉ có hai ông bà già sống với nhau. Ông bà ấy nói là nhà rộng, còn thừa chỗ để không cũng phí. Đã có lần ông bà ấy hỏi là thầy có thấy ai cần thuê thì giới thiệu giúp. Không biết bây giờ nhà ấy có còn cho trọ nữa hay không? Ta cứ đến hỏi thử xem sao.

Nói rồi anh ta sốt sắng dẫn tôi đi.

Tôi bắt đầu trọ ở nhà ông Ha-ghi-no từ đêm hôm đó. Rất lạ là cái phòng tôi trọ ở nhà lão Bạc, tôi vừa trả hôm trước thì hôm sau Hề Trống thản nhiên đến thế chỗ. Thực ra thì tôi cũng đã chán ngấy cái chỗ ấy rồi. Hình như trên đời này chỉ toàn những đồ lừa đảo, chỉ rình chơi xỏ lẫn nhau hay sao? Thật là quá ớn! Đời như thế này thì có lẽ tôi cũng phải cố mà theo mới sống được chăng? Nếu quả là ta phải móc lại một phần trong túi của những thằng móc túi thì mới có mà ăn, thì tôi phải xem lại cách sống mới được. Nếu không thì mang cái thân sức dài vai rộng mà phải treo cổ hổ thẹn với ông cha, mà người đời cũng chẳng ai khen cả. Ngẫm ra, giá mà tôi đừng có đi học trường chuyên môn rồi lại đi dạy toán như thế này, cứ để sáu trăm yên làm vốn mở một cửa hàng bán sữa lại hơn. Như vậy thì có phải bây giờ bà Ki-yô cũng được ở với tôi mà tôi thì không phải ở xa mà lo lắng cho bà gì cả. Lúc ở gần, tôi không nhận ra, nhưng bây giờ ở xa, về cái xó nhà quê này, tôi mới thấy bà là người thật đáng quý. Một người đàn bà tử tế như vậy, cả nước Nhật này chắc cũng chẳng có mấy đâu. Hôm tôi đi bà vẫn còn bị cảm, không biết bây giờ đã khỏi hẳn chưa? Hôm trước, nhận được thư của tôi chắc là bà vui lắm đấy. Có lẽ thư trả lời của bà cũng sắp đến rồi đây... Suốt hai, ba ngày liền tôi toàn sống với những ý nghĩ về bà Ki-yô như vậy.

Vì mong thư nên thỉnh thoảng tôi lại hỏi bà chủ nhà là có thư nào từ Tokyo gửi cho tôi không? Mỗi lần tôi hỏi, bà chủ nhà lại ái ngại nhìn tôi và trả lời chả có thư nào cả. Vợ chồng người chủ nhà này khác hẳn vợ chồng nhà lão Bạc. Cả hai ông bà đều xuất thân tầng lớp sĩ tộc nên họ rất tử tế. Đối với tôi, chỉ có một điều khó chịu là buổi tối ông cụ hay hát tuồng. Nhưng cụ không gạ gẫm uống chè vô tội vạ như lão Bạc nên ở đây dễ chịu hơn nhiều. Cụ bà thì hay vào phòng tôi nói đủ các thứ chuyện. Bà hỏi tôi sao không mang vợ đi theo? Tôi hỏi:

- Thế cụ trông tôi là người có vợ rồi à? Tội nghiệp, tôi mới có hai mươi tư tuổi thôi mà!

- Sao, hai mươi tư tuổi à? Hai mươi tư tuổi thì có vợ được quá đi rồi còn gì?! Anh A ở phố B, có hai mươi tuổi mà cũng đã có vợ rồi này. Còn anh Y ở phố Z thì mới có hai mươi hai tuổi mà đã có hai con...

Cứ thế bà đưa ra hàng nửa tá dẫn chứng hùng hồn để cãi lại, làm cho tôi phát sợ. Tôi bèn bắt chước giọng nhà quê hỏi bà:

- Vậy thì tôi hai mươi tư rồi cũng phải tìm và cưới vợ thôi, nhờ bà tìm giúp cho tôi cô nào nhé!

- Thật à? Thầy nói thật đấy à? Bà hỏi rất nghiêm chỉnh.

- Thật đấy chứ, tôi muốn lấy vợ quá đi chứ.

- Ừ, thế đấy. Còn trẻ thì ai cũng thế cả! Lời nói của bà làm tôi ngạc nhiên và không dám nói đùa thêm nữa.

- Nhưng thầy thì chắc chắn là đã có vợ rồi. Tôi xem là tôi biết được liền.

- Sao bà có con mắt tinh thế hả? Làm thế nào mà bà xem là biết được như vậy?

- Làm thế nào ư? Thì ngày nào mà thầy chả nôn nóng hỏi có thư từ Tokyo đến không đấy thôi, còn gì nữa!

- Thôi chết rồi, quả là một đôi mắt tinh tường, sợ thật.

- Đã đúng chưa nào?

- Vâng, có lẽ đúng đấy.

- Này, nhưng mà con gái bây giờ không như ngày xưa đâu. Không thể coi thường, phải cẩn thận đấy thầy ạ.

- Sao cơ? Vợ tôi ở Tokyo sẽ đi với người khác mất sao?

- Không, không, vợ thầy thì chắc là không thế đâu. Nhưng...

- Nếu thế thì tôi yên tâm. Nhưng bà bảo phải cẩn thận là cẩn thận cái gì cơ?

- Vợ thầy thì... Vợ thầy thì chắc chắn rồi... Nhưng mà...

- Thế thì ở đâu có người không chắc chắn...?

- Ở đây có nhiều lắm. Thầy có biết cái cô con gái nhà To-ya-ma không?

- Không, tôi không biết.

- Ừ. Thầy chưa biết đâu. Ở đây, thầy biết không, cô ta vào loại đẹp nhất đấy. Thực ra cô ta cũng chẳng đẹp lắm đâu, nhưng tất cả các thầy trong trường ai cũng gọi cô ta là Madonna, Madonna... Thầy chưa nghe thấy bao giờ à?

- À, Madonna à? Tôi cứ tưởng đó là một cô kĩ nữ nào chứ?

- Không, thầy ơi, Madonna là tiếng nước ngoài, nghĩa là cô gái đẹp đấy.



- Ồ, có thể là như vậy, ghê thật.

- Hình như là thầy giáo dạy vẽ đã đặt tên ấy đấy.

- Tay Hề Trống đặt à?

- Không, thầy Yo-si-ka-wa đặt đấy.

- Thế cái cô Madonna ấy không đứng đắn à?

- Vâng, cái cô Madonna ấy là Madonna không đứng đắn đâu.

- Rắc rối quá nhỉ. Đàn bà mà có biệt danh như thế, xưa nay có ai đứng đắn đâu. Có thể đúng thế.

- Vâng, đúng thế đấy thầy ạ. Thì chả có những người đàn bà đáng sợ như quỷ thần O-ma-tsu, công nương Đắc Kỷ đó là gì?

- Thế Madonna cũng thuộc loại ấy à?

- Madonna này ấy à, thầy biết không, cái thầy Ko-ga đã đưa thầy đến đây ấy, cô ta đã hứa sẽ lấy thầy Ko-ga đấy, thầy ạ.

- Chà, lạ quá nhỉ. Không ngờ cái anh Bí Đỏ ấy mà lại đào hoa thế cơ à? Con người ta thật là không thể chỉ nhìn mà biết được nhỉ. Đúng là phải coi chừng!

- Nhưng mà, năm ngoái, ông cụ nhà ấy mất đi. Trước đó thì nhà đó cũng khá. Đã có tiền, lại có cả cổ phiếu của ngân hàng, nên mọi sự dường như êm cả. Nhưng mà rồi thì sau đó, chẳng hiểu sao cứ sa sút dần... Nghĩa là cái thầy Ko-ga này là người rất tốt nên đã bị lừa. Nghĩa là việc cưới xin cứ kéo dài mãi, rồi thì cái thầy hiệu phó ấy về đây, ông ta đã ngỏ lời muốn lấy cô Madonna đấy.

- Cái tay Áo Đỏ ấy à? Thật là một thằng quá đáng! Tôi đã nghĩ đúng là tay này không phải tay vừa mà. Rồi sau đó thế nào?

- Ông ta đã nhờ người đến ngỏ lời. Nhưng giữa nhà To-ya-ma với thầy Ko-ga thì còn phải giữ cái đạo lí chứ, cho nên chỗ cô ta chưa trả lời ngay được, chỉ trả lời mập mờ là xin để cho suy nghĩ đã. Thế rồi ông thầy Áo Đỏ này đã liên lạc, trao đổi với cô ta thông qua một người quen. Nghĩa là, ông ta thường xuyên lui tới nhà To-ya-ma. Cuối cùng, thầy ạ, ông ta đã lôi kéo hẳn được cô ta rồi. Mọi người ai cũng nói cả cái ông Áo Đỏ lẫn cô này chả ra cái gì cả. Đã nhận lời lấy thầy Ko-ga rồi, thế mà thấy ông cử nhân thì lại ngả theo. Như vậy thì Ngài Hôm nay cũng chẳng để yên cho đâu, có phải không thầy?

- Nhất định rồi. Chẳng cứ gì Ngài Hôm nay mà Ngài Ngày mai, Ngài Ngày kia và cả Ngài Mãi Mãi sau này nữa, chẳng có ngài nào tha thứ cho họ đâu!

- Thế rồi, thấy tội nghiệp thầy Ko-ga quá, bạn của thầy ấy là ông Hot-ta đã đến nói với ông hiệu phó. Nhưng mà cái ông Áo Đỏ này nói là tôi đâu có cướp vợ chưa cưới của người khác. Tôi chỉ mới nói là sau này, khi cô ta đã dứt khoát từ hôn xong rồi thì tôi sẽ cưới cô ta, thế thôi. Còn bây giờ tôi chỉ có quan hệ quen biết, đi lại với gia đình nhà ấy thôi. Việc tôi quan hệ, đi lại với nhà To-ya-ma chẳng có lỗi gì đối với anh Ko-ga cả. Ông Hot-ta nghe nói thế thì cũng đành ra về chứ chả biết làm sao được. Nghe nói, từ đó trở đi, quan hệ giữa ông Áo Đỏ với thầy Hot-ta chẳng mấy tốt đẹp gì cả.

- Bà biết nhiều chuyện quá nhỉ! Làm sao mà bà lại biết được rành rọt nhiều chuyện như thế? Tôi phục bà thật đấy.

- Cái xứ nhỏ hẹp này, có chuyện gì mà mọi người chả biết hả thầy?

Bà cụ biết nhiều chuyện thế này thì thật đáng sợ. Kiểu này thì chắc là cái chuyện tenpura, chuyện bánh trôi của tôi bà cũng biết hết cả rồi cũng chưa biết chừng! Thật là một cái nơi dễ sợ. Nhưng nhờ trời, cũng vì thế mà tôi biết được ý nghĩa của cái tên Madonna, biết được quan hệ giữa Nhím và Áo Đỏ. Thật là những kiến thức bổ ích đối với tôi. Nhưng khổ một nỗi, như thế này thì tôi không làm sao mà hiểu được ai là người tốt, ai là người xấu nữa. Với những kẻ đơn giản như tôi, nếu không được chỉ bảo rạch ròi, nói rõ trắng đen thì tự mình không thể biết được mình nên đứng về phía nào?!

- Thế giữa Áo Đỏ với Nhím thì ai là người tốt hả bà?

- Nhím là ai cơ?

- Nhím tức là cái ông Hot-ta ấy.

- Về mạnh mẽ thì cái ông Hot-ta này mạnh mẽ hơn. Nhưng ông Áo Đỏ lại là cử nhân, lại có quyền thế nữa. Còn nói về hiền thì ông Áo Đỏ có vẻ hiền hơn. Nhưng bọn học trò thì lại thích thầy Hot-ta hơn.

- Vậy thì ai là người tốt?

- Thì chả phải là ai có tiền lương cao hơn thì người đó oai hơn hay sao?

Cứ kiểu này thì có hỏi mãi cũng chẳng đi đến đâu. Thôi, đành chả hỏi nữa.

Sau đó ít lâu, khoảng hai, ba ngày sau, một hôm tôi vừa ở trường về thì bà cụ hớn hở đưa cho tôi một bức thư và bảo:

- Gớm, mong mãi, hôm nay đến rồi đây! Đây, thầy cứ thong thả đọc cho kĩ vào.

Nói xong, bà đi ra. Tôi cầm bức thư lên xem, hóa ra là thư của bà Ki-yô. Trên phong bì dán thêm hai, ba cái nhãn tem bưu điện. Nhìn kĩ mới biết, lá thư đã đi vòng vèo qua quán trọ Ya-ma-si-ro, sang nhà I-ka Gin, rồi từ nhà I-ka Gin mới vòng đến đây. Lá thư đã nằm lại ở quán trọ Ya-ma-si-ro đúng một tuần lễ. Có lẽ đó là nhà trọ nên họ có cả phòng trọ dành cho thư từ chăng?

Tôi bóc thư ra. Một bức thư dài ơi là dài.

“Nhận được thư của cậu ấm, tôi định viết thư trả lời ngay. Nhưng đáng tiếc là tôi bị cảm, nằm mất đúng một tuần, cuối cùng mãi bây giờ mới viết thư được. Mong cậu thứ lỗi cho. Vả lại, bây giờ tôi không thể đọc, viết một cách dễ dàng như các cô gái trẻ. Phải cố gắng lắm mới viết cho cậu được những dòng chữ nguyệch ngoạc như thế này đây. Thế mà đã thấy vất vả lắm rồi. Tôi cũng định đọc cho cháu tôi viết hộ, nhưng lại nghĩ là đã cất công viết thư cho cậu mà lại không tự tay mình viết thì không phải với cậu. Vậy là tôi cố tự mình viết nháp một lần, rồi sau đó chép lại cho sạch sẽ. Chép lại chỉ mất có hai ngày, nhưng viết thì phải mất nhưng bốn ngày mới xong. Chắc cậu đọc thư này cũng khó đọc lắm đây. Nhưng tôi đã cố viết được như vậy thì cậu cũng cố mà đọc cho hết nhé...”

Nguyên phần mở đầu bức thư đã dài tới bốn thước(*), toàn những lời giao hẹn này nọ. Đúng là thư khó đọc thật! Không chỉ chữ xấu, mà hầu hết đều viết bằng chữ Hi-ra-ka-na(**) nên chẳng còn biết chỗ nào nối với chỗ nào nữa. Câu cũng chẳng có chấm phảy gì, cho nên lần cho được đâu là đầu, đâu là cuối câu cũng mệt. Tôi là một thằng tính hay nôn nóng. Một lá thư như thế này, giá mà ai thuê tôi đọc với giá năm yên tôi cũng xin kiếu. Thế mà chỉ riêng hôm nay, tôi đã nghiêm chỉnh đọc hết từ đầu đến cuối bức thư. Đọc thì quả là tôi đã đọc hết một lượt thật. Nhưng vì phải dồn sức vào để đọc cho kì được, nên tôi chẳng hiểu nội dung nói gì. Vì vậy, đọc xong tôi lại phải đọc lại từ đầu. Trong phòng đã hơi tối, không nhìn rõ nữa, tôi mang ra ngoài cửa, vừa tựa lưng vào bậu cửa, tôi vừa trịnh trọng bái kiến bức thư. Một cơn gió đầu Thu lay động tàu lá chuối, phả vào da thịt tôi rồi giật luôn bức thư trong tay tôi, kéo ra phía vườn. Kết quả là bốn thước giấy phần đầu bức thư cứ bay phần phật, phần phật. Nếu mà tôi buông tay thì có lẽ bức thư sẽ bay tuốt sang tận hàng rào phía bên kia vườn mất. Tôi mặc kệ thế, cứ tiếp tục đọc.

(*) Thư viết bằng giấy cuộn, viết đọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái.

(**) Chữ Hirakana là những chữ cái của tiếng Nhật, mỗi chữ thể hiện một âm tiết. Một từ tiếng Nhật gồm nhiều âm tiết, thường được thể hiện bằng một chữ Hán. Nếu không dùng chữ Hán, chỉ dùng Hirakana thì rất khó phân biệt âm tiết nào nối với âm tiết nào để mà hiểu từ.

“... Tính cậu thẳng tuột, dứt khoát như dao chém đá, lại hay nóng giận nên tôi rất lo. Cậu đặt biệt danh cho mọi người tùm lum như vậy, dễ làm cho người ta ghét mình. Cậu phải cẩn thận, đừng có gọi người ta bằng biệt danh. Có đặt thì chỉ nên gọi khi viết thư cho tôi thôi. Cái bọn người nhà quê là không có tốt đâu, cậu phải chú ý giữ gìn kẻo bị họ hại đấy. Còn khí hậu ở đấy thì dứt khoát không thuận hòa như Tokyo đâu, khi ngủ cậu đừng để bị lạnh rồi bị cảm là không được đâu. Thư của cậu ngắn quá, chẳng biết được tình hình cuộc sống của cậu ở đó ra sao. Lần sau cậu cố gắng viết dài bằng chừng nửa bức thư này cho tôi nhé. Ở quán trọ, cậu đã cho bọn hầu phòng năm yên tiền quà thì cũng được, nhưng sau đó hết tiền thì lấy gì mà tiêu? Về cái nơi nhà quê ấy, cậu chẳng có ai mà trông cậy, chỉ còn biết dựa vào đồng tiền, cho nên cậu phải hết sức tiết kiệm, dành dụm để khi nhỡ có làm sao thì còn có tiền mà dùng. Chắc là cậu hết tiền tiêu vặt rồi, tôi gửi cho cậu mười yên bằng ngân phiếu đấy. Hôm trước, cậu cho tôi năm mươi yên, tôi đã mang gửi tiết kiệm ở bưu điện, để dành để khi cậu về Tokyo mua nhà, nếu thiếu thì sẽ bù thêm vào. Bây giờ tôi rút bớt mười yên này thì vẫn còn bốn mươi yên, cậu cứ yên tâm...”



Đúng là người đàn bà bao giờ họ cũng chu đáo thế đấy.

Tôi cứ để bức thư mở trước mặt và ngồi suy nghĩ miên man như thế cho đến khi cánh cửa liếp khẽ mở ra và bà cụ Ha-ghi-no bưng cơm tối vào.

- Thầy vẫn còn đọc thư kia à? Trời ơi, thư dài quá nhỉ!

- Vâng, thư này quan trọng lắm, tôi vừa hóng gió vừa đọc đi đọc lại nó mà!

Tôi trả lời bâng quơ cho qua chuyện rồi ngồi vào mâm. Tối nay lại khoai sọ kho. Nhà trọ này, so với nhà I-ka Gin thì cách đối xử thân thiện, tử tế và cẩn thận hơn hẳn. Chỉ đáng tiếc là món ăn thì lại rất dở. Hôm qua khoai sọ, hôm kia khoai sọ, hôm nay lại khoai sọ. Của đáng tội, tôi cũng có nói là tôi thích ăn khoai sọ. Nhưng nếu vì thế mà ngày nào cũng cho ăn như thế này thì có lẽ nguy đến tính mạng mất. Cứ nói anh Bí Đỏ mà làm gì! Cũng chẳng còn mấy chốc nữa thì tôi cũng sẽ thành anh Khoai Sọ cho mà xem. Giá là bà Ki-yô thì những ngày như hôm nay, thể nào bà cũng cho tôi ăn gỏi cá Ma-gu-ro hay chả cá xào giòn đây. Nhưng ở cái gia đình sĩ tộc nghèo và keo kiệt này thì chỉ có vậy. Nhất định tôi phải ở cùng với bà Ki-yô thì mới sống được. Nếu tôi còn dạy học lâu dài ở cái trường này thì tôi sẽ gọi bà xuống đây. Ngẫm ra, làm cái thân giáo viên sao mà khổ thế. Không được ăn phở Ten-pu-ra. Bánh trôi cũng không được. Chỉ có độc một món khoai sọ ở nhà trọ. Cứ nuốt mãi vào rồi thì da sẽ xanh bủng xanh beo. Dẫu có là các vị hòa thượng của đạo Thiền tông thì chắc họ cũng còn được ăn uống có chất hơn. Tôi ăn hết đĩa khoai sọ, rồi lôi từ trong ngăn kéo ra hai quả trứng sống, gõ gõ vào thành bát rồi đập vào bát cơm, và cho xong bữa. Nếu không có trứng sống cung cấp thêm dinh dưỡng thì làm sao mà trụ nổi mỗi tuần hai mươi mốt tiết giảng?!

Hôm nay vì có thư của bà Ki- yô nên giờ đi tắm hơi bị muộn. Nhưng tôi đã có thói quen ngày nào cũng phải đi tắm, nghỉ một ngày là thấy khó chịu. Hôm nay tôi định sẽ đi tàu. Tôi lấy chiếc khăn tắm màu hồng mọi ngày, vắt trên vai rồi đi ra ga. Chuyến tàu trước vừa đi khỏi được hai, ba phút, phải chờ tương đối lâu mói có chuyến sau. Tôi ngồi xuống ghế trên sân ga, móc điếu thuốc Si-ki-si-ma châm lửa hút thì chợt thấy anh Bí Đỏ đi đến. Tôi vừa nghe được chuyện của anh nên càng thấy anh tội nghiệp, đáng thương. Bình thường, thấy anh cứ khép nép, sợ sệt, giống như một kẻ thất thế, phải đi ăn đậu ở nhờ, sống nhờ vả vào người khác, đã thấy tội nghiệp. Nhưng hôm nay thì không chỉ dừng lại ở lòng thương hại mà tôi còn có ước muốn nếu tôi làm được, tôi sẽ tăng lương cho anh gấp đôi, làm cho anh cưới được cô con gái nhà To-ya-ma ngay trong ngày mai, rồi cho hai người đi du lịch Tokyo một tháng.

- Anh cũng đi tắm à? Chà, ngồi xuống đây một chút đã.

Tôi ngồi dịch lại để lấy chỗ cho anh, nhưng Bí Đỏ có vẻ ngại ngùng, lúng túng, cứ đứng và từ chối:

- Không sao, anh cứ mặc tôi.

- Còn lâu mới có tàu. Đứng mãi mỏi chân chết. Anh ngồi xuống đây đi.

Tôi lại mời một lần nữa. Quả thật tôi thấy thương anh đến nỗi muốn anh ngồi xuống cạnh tôi một chút.

- Vâng, thế thì xin phép, làm phiền anh.

Mãi anh mới chịu ngồi xuống. Ngẫm ở trên đời, có những kẻ thì trâng tráo như Hề Trống, bất cứ chỗ nào, chẳng ai cần đến, hắn cũng giơ cái mặt hắn ra, bắng nha bắng nhắng. Lại có những kẻ vênh váo, mặt vắt trên vai “cái nước Nhật này mà không có tôi là không xong” như Nhím. Rồi có những kẻ như Áo Đỏ, tự đóng vai một gã lái buôn, chuyên kinh doanh những mặt hàng làm đỏm, nước hoa, son phấn và trai lơ. Cũng có những ông Ta-nu-ki luôn mồm tuyên bố “ta đây chính là nền giáo dục biết đi, nền giáo dục khoác áo đuôi tôm”. Biết bao nhiêu loại người, biết bao nhiêu bộ mặt, ai cũng thấy mình oai, mình giỏi. Vậy mà chỉ có anh Bí Đỏ này, chưa thấy ai hiền như anh. Anh hiền như một con búp bê mà người ta giữ để làm tín, hiền đến nỗi có anh mà cũng như không có. Quả là mặt anh có bị phù nề, hùm hụp thật, nhưng anh là một người tốt. Bỏ một người tốt như anh để chạy theo một gã như Áo Đỏ thì cái cô Madonna nào đó cũng là một cô gái đỏng đảnh, nông cạn hết mức. Người như Áo Đỏ thì có hàng mấy tá, nhưng tìm được một người chồng tốt như anh đâu có phải chuyên dễ.

- Anh có bị đau ốm gì không? Trông anh không được khỏe lắm.

- Không. Tôi không có bệnh gì cả...

- Ồ, thế thì tốt. Cơ thể mà không lành mạnh thì cuộc sống cũng khó ổn thỏa.

- Anh trông có vẻ khỏe mạnh lắm nhỉ?

- Vâng, tôi gầy nhưng không có bệnh tật gì. Bệnh tật vốn là cái tôi chúa ghét mà!

Nghe tôi nói thế, anh hơi tủm tỉm cười.

Vừa lúc đó, ở phía cửa bán vé nghe có tiếng cười của phụ nữ rất trẻ trung. Tôi bất giác ngoái nhìn ra thì thấy những nhân vật rất cực kì xuất hiện trước cửa bán vé. Một cô gái rất xinh, thân hình dong dỏng cao, nước da trắng, tóc để theo mốt hiện đại đang đứng cùng với một bà khoảng chừng bốn mươi lăm, bốn mươi sáu tuổi. Tôi là thằng con trai chẳng rành lắm về cái đẹp của phụ nữ, nên không biết giải thích thế nào đây, nhưng theo tôi thì nhất định cô này phải thuộc vào loại người đẹp. Nhìn cô ta, người ta có cảm giác như đang cầm trong tay một viên ngọc vừa được hâm nóng bằng nước hoa. Người phụ nữ lớn tuổi thì thấp hơn nhưng nét mặt trông rất giống. Có lẽ họ là hai mẹ con. Tôi sửng sốt khi bất chợt nhìn thấy họ và trong chốc lát quên béng mất anh Bí Đỏ đang ngồi cạnh. Cả tâm hồn lẫn ánh mắt của tôi đều bị hút về phía cô gái trẻ. Bỗng nhiên anh Bí Đỏ đứng lên, từ từ tiến về phía cô gái. Tôi hơi ngạc nhiên. Có lẽ cô ta là Madonna chăng? Ba người khẽ cúi chào nhau ở chỗ cửa bán vé. Vì tôi ngồi xa nên không nghe được họ nói với nhau cái gì.

Nhìn đồng hồ treo trong ga thấy còn năm phút nữa thì có tàu. Giá mà tàu đến nhanh hơn một chút có phải tốt không. Chẳng còn người để nói chuyện, tôi thấy thời gian chờ đợi sao mà lâu thế. Vừa lúc đó, lại thấy một người hớt hơ hớt hải chạy vào trong ga. Thì ra là Áo Đỏ. Hắn mặc chiếc áo mỏng xúng xa xúng xính, bên ngoài còn quấn thêm cái dây lưng đũi. Dưới thắt lưng toòng teng sợi dây chuyền vàng mà hàng ngày hắn vẫn đeo. Đó là sợi dây giả mà hắn tưởng mọi người không biết nên đeo để lòe mọi người. Nhưng tôi nhìn là tôi biết ngay. Áo Đỏ hớt hải chạy vào ga, đưa mắt nháo nhác nhìn xung quanh rồi trịnh trọng cúi đầu chào ba người đang đứng nói chuyện trước cửa bán vé. Hắn nói vài ba câu gì đó rồi đi lại phía tôi. Vẫn cái bước chân rón rén như mèo ấy, hắn lại gần tôi:

- À, anh cũng đi suối nước nóng đấy à? Tôi cứ sợ muộn chuyến tàu nên vội vội vàng vàng, thế mà vẫn còn những ba phút. Không biết đồng hồ kia có chính xác không nhỉ? Hắn móc chiếc đồng hồ vành vàng trong túi ra:

- Chênh nhau hai phút.

Hắn vừa nói vừa ngồi xuống cạnh tôi. Không hề ngoái lại phía cô gái, hắn thản nhiên chống chiếc gậy dưới cằm, mắt nhìn thẳng về phía trước. Người đàn bà lớn tuổi thì thỉnh thoảng lại quay lại nhìn Áo Đỏ, còn cô gái thì quay mặt đi. Đúng Madonna không chệch vào đâu được.

Tàu hỏa rú một tiếng còi “tu... u” rồi dừng lại. Hành khách chen lấn nhau lên toa. Áo Đỏ nhảy tót lên toa hạng nhất trước tiên. Lên toa hạng nhất thì cũng có gì đáng để mà vênh vang lắm đâu. Giá vé từ đây đến Su-mi-ta, toa hạng nhất năm chinh, toa bình thường ba chinh. Hơn nhau có hai chinh mà cũng nhất với chả bét. Tôi đây, tôi cũng đang cầm trong tay tấm vé màu trắng đấy thôi, cứ nhìn thì biết. Thế mà cái dân nhà quê ở đây, chỉ có hai chinh thôi mà họ phải chen chúc nhau nhảy lên toa rẻ tiền. Áo Đỏ lên tàu rồi, tiếp theo đến cô Madonna, rồi đến mẹ cô ta cũng lên toa hạng nhất. Còn anh Bí Đỏ thì như đã thành quy định, đóng khung chặt chẽ, chuyên trị chỉ có toa rẻ tiền. Ông thầy ấy đứng trù trừ trước cửa toa hạng thường, băn khoăn nhìn tôi một lát rồi quả quyết chui tọt vào toa. Lúc này không hiểu sao tôi cảm thấy thương anh không chịu nổi. Lập tức, tôi cũng nhảy theo anh vào cùng một toa. Mua vé hạng nhất mà lại đi toa hạng thường cũng chẳng có gì là thiệt thòi cho lắm.

Ở nhà tắm, khi tôi khoác bộ áo tắm, đi vào phòng nước nóng trên tầng ba thì lại gặp anh Bí Đỏ. Những lúc ở cuộc họp, hay những khi cần phải nói năng cái gì thì tôi là thằng ngậm hột thị, nhưng bình thường tôi cũng thuộc loại mau mồm mau miệng. Vì vậy, khi cùng ngồi ngâm trong bồn nước nóng, tôi đã gợi chuyện hỏi han anh Bí Đỏ rất nhiều. Chỉ vì không hiểu sao tôi cảm thấy thương hại anh. Tôi muốn lúc này là cơ hội để tâm sự, an ủi anh một vài lời. Làm như vậy mới đúng bổn phận của một chàng trai Êđô.

Nhưng thật đáng tiếc, chính anh lại chẳng hào hứng bắt chuyện với tôi tí nào. Tôi nói gì, hỏi gì anh cũng chỉ có “vâng” hoặc “không”. Thậm chí ngay cả hai tiếng trả lời ngắn, gọn ấy anh cũng miễn cưỡng lắm mới thốt lên được. Thành ra chuyện cứ rời như cơm nguội. Cuối cùng, chính tôi phải xin kiếu.

Trong nhà tắm, chúng tôi không gặp Áo Đỏ. Cũng bởi vì trong nhà tắm có rất nhiều phòng nên không phải cứ đi cùng một chuyến tàu thì dứt khoát phải tắm chung trong một bồn tắm. Không thấy hắn ta đâu, chúng tôi cũng chẳng lấy thế làm lạ. Ở nhà tắm ra thì trăng đã lên, sáng vằng vặc. Những con đường trong thị trấn đều có trồng liễu hai bên. Những vòm liễu rủ bóng thành những khối đen tròn, trùm lên vai khách đi bộ. Tôi nảy ra ý muốn đi dạo một chút. Tôi đi ngược lên con đường dốc về phía Bắc, chẳng mấy chốc đã ra tới ngoại vi thị trấn. Chỗ này, về phía tay phải có một cái cổng lớn. Chui qua cổng này, đi thẳng thì sẽ tới một ngôi chùa. Hai bên tả hữu chùa đều là những dãy lầu xanh. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa hề nghe nói ở cái chốn cửa rừng hẻo lánh thế này mà lại có lầu xanh! Tôi cũng muốn vào qua xem thử mặt mũi nó thế nào, nhưng lại sợ nhỡ ra khi họp lại bị ông Ta-nu-ki lấy chuyện đó ra mà mè nheo này nọ, cho nên tôi đành bấm bụng đi qua.

Những dãy hàng quán nhà một tầng nho nhỏ, liền vách với nhau, có những chiếc cửa sổ chấn song treo rèm đen, chính là nơi tôi đã một lần ăn bánh trôi và bị thất sách. Có một chỗ có chiếc đèn lồng đề biển “Bánh canh, cháo thập cẩm” treo trên cây liễu gần mái hiên. Tôi rất muốn vào ăn nhưng rồi cố nhịn và đi qua. Muốn ăn mà chẳng được ăn thì cũng thật khổ. Nhưng so với người có vợ chưa cưới mà lại bị người đó bỏ, chạy theo kẻ khác thì chắc là nỗi khổ còn lớn hơn nhiều. Nghĩ đến anh Bí Đỏ thì dẫu phải nhịn ăn quà, chứ thậm chí phải nhịn ăn ba ngày cũng chưa thấm vào đâu! Thật là chẳng có gì khó hiểu bằng lòng người. Nhìn con người mặt mũi như thế, ai mà có thể ngờ được lại đi làm những chuyện bất nghĩa như vậy?! Con người mặt mũi đẹp đẽ thì thiếu tình nghĩa. Còn người mặt mũi phù ủng như quả dưa mùa đông như anh Ko-ga thì lại là người quân tử, lương thiện, sống ở trên đời này, không thể chủ quan được. Cái tay Nhím cứ tưởng là người thật thà, chất phác, thế mà lại đi xúi giục bọn học trò làm bậy. Mà ngay trong lúc còn đang chưa biết có đúng là hắn xúi giục hay không thì hắn lại cự ông hiệu trưởng về việc xử học trò. Cái con người hình như nhào nặn bằng toàn những sự đáng ghét như Áo Đỏ, tự nhiên lại thân thiện, chỉ bảo cho tôi điều này điều nọ thì lại đi tán tình Madonna. Rõ ràng là tán tỉnh, nhưng lại nói là nếu chuyện của cô ta với anh Ko-ga không tan vỡ thì hắn cũng không có ý định lấy cô ta. Cái nhà I-ka Gin thì bịa chuyện nói xấu tôi để đuổi tôi đi. Tôi vừa ra khỏi thì Hề Trống đến thế chỗ ngay được... Thật là không còn biết thế nào ra thế nào nữa. Nếu viết hết những chuyện này vào thư cho bà Ki-yô thì chắc bà cũng ngạc nhiên lắm. Bà sẽ bảo rằng vì ở cái xứ bên kia Ha-ko-ne nên có nhiều cái quái đản như vậy đấy.

Tôi sinh ra vốn là kẻ dễ tính. Từ xưa tới nay, dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng không mấy bận tâm dằn vặt đau khổ, mà cố sống cho đến được hôm nay. Vậy mà mới về đây chưa đầy một tháng, tôi đâm ra sợ hãi, thấy cuộc đời như một cạm bẫy nguy hiểm. Thực ra cũng chưa gặp phải chuyện gì ghê gớm to tát lắm. Vậy mà tôi như đã già thêm năm, sáu tuổi. Có lẽ tốt nhất là mau mau dứt bỏ nơi đây mà về Tokyo thôi...

Đang miên man suy nghĩ về sự đời như vậy thì tôi đã đi qua chiếc cầu đá, ra đến con đê của sông No-ze-ri. Gọi là sông cho nó oai thế thôi, chứ thực ra bề ngang chỉ rộng được khoảng một gian(*), nước chảy loi choi dọc theo con đê dài khoảng trên một nghìn mét thì đụng đến làng A-i-ôi. Trong làng này có một vị Quan âm.

(*) 1 gian = 1,8m.

Đứng ở đây nhìn lại, dãy phố có nhà tắm đã lên đèn. Những bóng đèn đỏ nhấp nháy dưới ánh trăng. Văng vẳng có tiếng trống, có lẽ vang ra từ nhà hát cô đầu. Dòng sông không sâu nhưng nước chảy mạnh nên mặt nước phản chiếu ánh trăng trông có vẻ gì vội vã, giống như một người đang nôn nóng, sốt ruột. Tôi bước lững thững trên đê, được chừng ba trăm mét thì thấy có bóng người ở phía trước. Ánh trăng sáng nên nhìn thấy rõ có hai người. Có lẽ họ là những thanh niên mới đi tắm về. Nhưng sao họ không hát, mà lại im lặng một cách khác thường. Tôi vẫn tiếp tục bước về phía trước. Có lẽ tôi đi nhanh hơn nên hai bóng người phía trước trông rõ hơn. Tôi nhận ra một trong hai người là phụ nữ. Có lẽ họ đã nghe thấy bước chân của tôi cho nên khi còn cách khoảng hơn chục mét thì bất chợt người đàn ông quay lại nhìn về phía sau. Vì ánh trăng rọi từ phía sau cho nên trong khoảnh khắc tôi nhận ra người đàn ông ăn mặc rất diện. Hai người đó lại tiếp tục đi. Tôi rảo cẳng bước thật nhanh, đuổi theo sau họ với ý định xem họ là thế nào. Hai người không để ý nên vẫn tiếp tục bước lững thững như trước.

Bây giờ thì đã có thể nghe được tiếng nói chuyện của hai người gần như ta có thể dùng tay mà nắm bắt được các âm thanh. Mặt đê chỉ rộng có sáu thước nên nếu đi hàng ngang, cố lắm cũng chỉ được ba người. Tôi chẳng khó khăn gì đã đuổi kịp và vượt lên trước hai người. Khi ngang qua, tay tôi chạm vào cánh tay người đàn ông. Vượt lên trước khoảng hai bước, tôi quay gót nhìn vào mặt người đàn ông. Ánh trăng rọi thẳng không thương tiếc từ cái đầu cắt ngắn cho tới tận cằm của tôi. Người đàn ông vội vàng thốt lên một tiếng “Ôi!” nho nhỏ, vội vã quay mặt đi rồi giục người con gái “Thôi đi về đi.” Lập tức họ quay gót, đi trở lại phía phố nhà tắm.

Áo Đỏ láu cá định trí trá, lừa mọi người hay là hèn nhát không dám ra mặt? Nhưng ở cái xứ chật hẹp này, chẳng phải chỉ có một mình tôi đã gặp phiền toái.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Cậu Ấm Ngây Thơ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook