Cánh Hoa Chùm Gửi

Chương 13

Quỳnh Dao

26/12/2013

Sau buổi nói chuyện với Khởi Khởi, tôi thấy khoảng cách giữa chúng tôi càng ngày càng xa. Hình như cô ta lúc nào cũng muốn xa lánh tôi, ngay cả lúc chạm mặt nhau trên hành lang hay trong phòng ăn cũng thế, chúng tôi ít khi nói chuyện. Vẻ lạnh nhạt của Khởi Khởi làm cho tôi mất can đảm làm thân với cô ta. Lúc nào đôi mắt to đen cũng nhìn tôi với những tia nhìn thù nghịch làm tôi khó chịu vô cùng.

Cuộc sống càng ngày càng bận rộn. Trung Đan và việc thi vào Đại Học, hai vấn đề lớn đó chiếm hết thời gian, tôi không còn giờ phút rãnh rỗi nào để nghĩ đến vấn đề nát óc khác. Mỗi lần nghĩ đến 4 tiếng "Tôi và Trung Đan" là lòng tôi ấm lại.

Bây giờ, trời đã lạnh, gió đông bắt đầu thổi tung những chiếc lá vàng. Các loài thực vật ở Đài Loan mang tiếng là "bốn mùa như xuân" thế mà khi đông đến, vẫn có những cành cây khô cằn.

Trong rừng, lá rụng ngập đất, Trung Đan và tôi ngồi trên lá ngắm những chiếc lá buông vèo trên không, rồi rơi xuống, chỉ một thoáng chốc là có thể hứng đầy vạt áo. Hình ảnh thơ mộng, đẹp như tranh kia có bút mực nào tả xiết. Có lạnh chăng? Không bao giờ, vì lòng chúng tôi tràn đầy hơi ấm, gió đông rồi gió xuân cách nhau bao xa đâu?

Có lúc, nhìn những chiếc lá vàng rơi, tôi buột miệng ngâm câu thơ:



"Vô biên tặc mộc tiêu tiêu hạ"
( Cây ngã dài trên lối)

Trung Đan sẽ tiếp nối ngay:



"Bất tận như tình cổn cổn lai.
( Tình cảm nồng ấm cuồn cuộn trong lòng )

Chàng đã sửa câu



"Bất tận trường giang cổn cổn lai"
của Đỗ Phủ có nghĩa là nước trường giang cuồn cuộn chảy cho hợp tình hợp lý với khung cảnh hiện tại. Chàng cười, tôi cười và những chiếc lá rụng kia hình như cũng cười theo.

Ngồi dưới giàn hoa, tay cầm quyển sách giáo khoa, tôi cố tâm nuốt trôi vào óc. Trung Đan ngồi trước mặt, bận rộn đan chiếc vương miện bằng hoa giấy. Một trò chơi trẻ con, mà chàng chú tâm như đang sáng tác một công trình mỹ thuật.

Nhìn vào vở, tôi lâm râm đọc những thành ngữ Anh Văn với những tiếng gần giống nhau nhưng ý nghĩa cách xa ngàn trùng. Tôi rủa thầm những kẻ đã tạo ra Anh ngữ, tại sao bày ra lắm sự rắc rối khó khăn, ai có thể phân biệt một cách rõ ràng như những chữ in, on, of, off... cách phát âm giống như chú mèo Tiểu Ba ấy, thật bực mình! Rốt cuộc lại thấy chỉ có chữ ta là dễ học nhất, không cần phải rối óc như vậy.

Tôi chau mày, hểnh mũi, ngoác miệng rồi lắc đầu tức giận, sao những chữ này mãi không chịu chạy vào óc! Không chịu hợp tác với tôi? Hình như có điều gì không đúng, Trung Đan làm sao đấy? Tại sao lòng tôi như bất an thế này?

Ngẩng đầu lên, Trung Đan đang ngồi cách tôi chiếc bàn đá, chàng đang chăm chú nhìn tôi, và nói:

- Năm mươi năm lần!

Tôi ngạc nhiên không hiểu chàng nói gì.

- Anh đang thực nghiệm cảm ứng tâm linh đấy.

- Nghĩa là sao?

- Anh đã thầm gọi tên em trong lòng đến lần thứ 55 mới thấy em ngẩng đầu lên!

Điên quá, phải không? Chả trách chi những tiếng Anh kia đã chẳng chịu hợp tác với tôi. Hồn tôi đã bị chàng gọi đi mất rồi! Tôi chớp mắt, trề môi, xong nhìn chàng cười. Trung Đan cười, cả đám gió đông len lỏi qua giàn hoa cũng cười theo.

Mùa mưa lại đến, vườn hoa suốt ngày mù mịt trong mưa. Nhiệt độ càng ngày càng xuống thấp. Mây xám dày đặc phủ đầy trên nóc nhà, trên ngọn cây. Mạc Bính đốt lò lửa nhỏ đặt cạnh bàn học giữa tôi và Trung Đan. Lửa ấm, tai lắng nghe tiếng mưa rơi, tôi lẳng lặng ôn bài vở, sử lý, địa lý, quốc văn, anh văn, đại số, hình học...

Ối dào! Nếu chẳng có những rắc rối thi với cử thì ngồi nghe tiếng gió rì rào ca hát trên ngọn cây, tiếng mưa gõ nhẹ trên cửa kính như một bài thơ thì tuyệt nhất trên đời.

Bỗng nhiên Trung Đan gõ đầu bút chì vào lưng tôi khiến chút nữa tôi đã quăng hết sách vào lửa. Chàng nói:

- Chú ý học!

Tôi hỏi:

- Bằng cách nào?

- Mắt nhìn vào sách, tim để vào sách!

Mắt tôi nhìn vào sách, trên quyển sách có một khuôn mặt khó chịu đang nhìn tôi. Chau mày dụi mắt, tôi nhìn kỹ, thì ra đó là hình lục giác. Ối trời ơi! Lại diện tích hình lục giác! Phải chi những Sin, Cos chết quách cả đi, thì mưa tuyệt biết chừng nào. Tôi sẽ góp nhặt từng hạt mưa để rồi dệt một tấm lưới bao trùm lấy chàng, lấy tôi thì đẹp biết mấy.

- Cô lại không chịu chú ý vào sách.

Chàng nói. Tôi khẩn khoản nhìn chàng:

- Anh, sao anh nỡ nhẫn tâm như vậy.

Ngón tay của chàng trượt từ trán xuống mũi tôi rồi buông thõng, chàng thở dài:

- Ức My, anh muốn hôn em.

- Được rồi, anh hãy mang tất cả những kiến thức lên nụ hôn để em nuốt vào bụng, không cần phải học nữa.

Chàng nhìn tôi lắc đầu:

- Em thật không biết mắc cở.

Mặt tôi nóng ran lên cúi đầu xuống quyển vở. Chàng bước đến nâng cằm tôi lên, môi chàng ghì chặt môi tôi, những nụ hôn từng chiếc từng chiếc một, mỗi một nụ hôn chàng nói:

- Đây là Anh Văn, đây là quốc văn, đây là sử lý, đây là địa lý, đây là đại số. Còn nữa, hình học, văn phạm Anh văn và môn học bổ túc. Khoan đã, đừng động đậy môn học bổ túc nhiều gấp đôi môn học giáo khoa, bây giờ mới học có một phần ba.

Có mùi khét, rồi khói từ dưới chân bay lên, lửa cháy ở đâu vậy. Xô chàng ra, tôi thấy chiếc jupe của mình đang bén lửa. Tôi nhảy cẫng lên, chàng nắm tay tôi rồi dùng chiếc mền lông đập mạnh lên chỗ cháy. Lửa đã tắt, may là chưa bị phỏng chỉ có chiếc jupe là xui xẻo. Chúng tôi đứng đối diện nhau rồi phá lên cười. Chàng cười, tôi cười, cả cái lò lửa đang liếm mép cũng cười.

Trên lãnh vực ái tình, hạnh phúc như vô biên. Kể từ câu chuyện đêm ấy đến nay chúng tôi không còn hờn ghen, nghi ngờ cũng không còn hành hạ nhau nữa. Mỗi một khắc, mỗi một giây lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Niềm vui như hàn kín từ ly, từ tấc không gian. Một khoảnh khắc nhìn nhau, một khoảnh khắc ngăn cách đều mang những thi vị khác nhau. Chiếc ly hạnh phúc như tràn đầy. Ngoài việc lo lắng cho cuộc thi vào đại học đang đè nặng trên vai, tôi thấy không còn một điều gì khác có thể làm chiếc ly vỡ đổ. Nhưng chiếc ly quá đầy thì thế nào cũng tràn, tôi không biết làm thế nào để chiếc ly lớn lên bằng với lương hạnh phúc trong ấy, nhiều lúc, tôi cảm thấy mình quá đầy đủ. Tôi, một đứa con gái vô danh tiểu tốt tên Mẫn Ức My này hình như chưa đủ tư cách để hưởng được như vậy. Chỉ mong trời xanh đừng ghen ghét thân tôi!

Mùa đông đến càng khiến cho ngôi nhà họ La rơi vào trạng thái lạnh lùng hơn. Bà Nghị và Khởi Khởi trốn trong phòng sưởi ấm, không dời chân ra ngoài một bước. Hạo Hạo có vẻ biến đổi lớn hơn cả, bạn bè lăng nhăng của chàng không đến tìm nữa, điều này khiến cho giáo sư La Nghị giảm bớt được rất nhiều công việc. Tiếng la hét, chửi mắng của ông không còn nghe thấy.

Hạo Hạo ở nhà thường hơn, nhưng cũng ít đến làm phiền tôi, chỉ đôi lúc gặp nhau, hắn hỏi tôi:

- Ức My, đến bao giờ tôi mới thấy cô giác ngộ.

- Giác ngộ cái gì? Tôi không hiểu thật tình.

- Khi cô phát giác ra mình đã chọn lầm đối tượng. Lúc đó xin đến với tôi!

- Còn lâu!

Tôi mỉm cười lảng đi. Hắn giữ tôi lại:

- Ức My, cô là người con gái không có trái tim, đối với mối tình của tôi cô chẳng hề xúc động sao?

Tôi đứng lại:

- Anh lầm, tôi có trái tim, nhưng chỉ có một trái độc nhất.

- Mà đã cho người khác rồi, phải không?

- Vâng! Hạo Hạo buông tôi ra, gã nhún vai: - Được rồi! Điệu này chắc tôi chỉ còn nhảy xuống sống là ổn nhất!

Tôi cười lớn và quay đi về phòng:

- Tôi biết anh không đời nào làm như thế cả.

Hạo Hạo khoanh tay tựa vào hành lang cau mày vừa thở dài vừa nhìn theo dáng tôi đi. Hắn chạy theo, mở hộ cửa, rồi nghiêng người xuống một cách rất lịch sự mời tôi bước vào. Khi tôi đã vào trong, hắn trầm giọng nói:

- Tôi ganh tị với nỗi vui sướng của cô.

Tôi nhìn lại, hắn bước nhanh. Tôi nhìn theo cho đến khi bóng hắn đã khuất. Thật lạ lùng, không lẽ hắn thật sự "bị thương" như vậy sao? Đó đâu phải là cá tính của một người đàn ông! Rồi mai đây, khi tìm được người bạn gái mới, tất cả mọi đau khổ sẽ được đi vào quên lãng.

Tôi bước vào trong, lập tức bỏ rơi hình dáng hắn, vì tôi còn nhiều việc để làm, không còn tâm trí đâu để nghĩ ngợi đến hắn.

Chú mèo Tiểu Ba đã dọn cạnh lò lửa làm phòng ngủ. Bây giờ, hắn đã trở thành chú mèo khỏe mạnh, nhưng chỉ tiếc là trong tòa nhà họ La này hình như không có lấy một chú chuột để cho hắn trổ tài. Chỉ có một lần, hắn đã bắt được hai chú châu chấu trong nhà bếp, hắn ngậm thành tích đến trước mặt tôi khoe khoang. Như vậy còn hơn là không bắt được con gì để đủ chứng minh hắn không hoàn toàn là loại vô dụng. Ở đây không ai ưa thích nó. Ông bà Nghị có vẻ không ưa nó, phải chăng vì chiếc cẳng què đã khiến cho nó không lanh lẹ như những chú mèo khác? Đối với tôi thì trái lại, điều khiến tôi thương nó nhất là vì nó tàn tật. Có lẽ hắn cũng biết thế nên lúc nào cũng chỉ quanh quẩn bên tôi để được yên ổn, không bị xua đuổi hay bị đánh đập. Hạo Hạo đã quên lời hứa cộng đồng nuôi dưỡng chú mèo con, còn Trung Đan mỗi lần nhìn thấy nó quanh quẩn bên tôi thường ngạo tôi là nhà "Từ Thiện tí hon". Mùa đông vừa đến là Tiểu Ba lại nhiễm bệnh làm biếng, tối ngày quanh quẩn mãi bên lò lửa ngồi ngáp, ngay cả việc bắt cào cào, châu chấu cũng không màng đến nữa. Mỗi lần nhìn Tiểu Ba nằm bên cạnh hỏa lò là tôi lại liên tưởng đến lời bỡn cợt của Hạo Hạo, không biết đến bao giờ thì râu mép của nó sẽ bị chuột gặm mất? Nhưng có một lần sự thực xảy đến, là râu hắn bị lửa thiêu hết ba sợi.

Chiều hôm ấy, vừa thức giấc sau giấc ngủ trưa. Bên cạnh hỏa lò lẫn trên giường bóng dáng Tiểu Ba đâu cũng không thấy (Lúc sau này Tiểu Ba đã có thói quen ngủ trên giường tôi). Không lẽ hôm nay hắn đã bắt đầu siêng năng rồi sao?



Tôi ngồi dậy khơi rộng lửa trên lò một chút, ngáp dài một cái rồi nhìn đồng hồ, đã gần đến giờ Trung Đan dạy học về. Lật tập lượng giác ra lại ngáp thêm một cái nữa Sin 2x bằng bao nhiêu? Cos 2x bằng bao nhiêu? Thật nhạt nhẽo, chán ngấy.

Bỗng có tiếng hét thật to, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cả ngôi nhà. Tôi gạt vở chạy ra cửa. Trên hành lang nhiều người hấp tấp chạy vụt qua, giáo sư, bà Nghị và Hạo Hạo. Tiếng kêu lớn ấy phát xuất nơi phòng của Khởi Khởi.

Cửa đóng kín mà tiếng hét vẫn lanh lảnh vọng ra. Giáo sư La Nghị tông cửa ra và tôi nhìn thấy một khung cảnh thật kinh hoàng. Tiểu Ba! chú mèo tàn tật của tôi, không biết làm thế nào mà chạy vào phòng của Khởi Khởi, trên mồm còn ngoạm một chú chuột vừa to vừa mập. Có lẽ vì mới lập công đầu tiên nên nó vui lắm, nhưng tiếng hét của Khởi Khởi đã làm hắn hoảng hốt chạy loạn cả lên, miệng vẫn ngoạm chú chuột từ nơi này sang nơi khác.

Khởi Khởi hình như đang vẽ, trên bàn còn bày biện đầy dầu sơn và khung vải. Tiểu Ba làm vỡ hết mấy lọ dầu, sơn đỏ sơn trắng đổ tràn ra đất.

Trên tay Khởi Khởi vẫn còn cầm cọ nét mặt vừa sợ, vừa giận. Khởi Khởi cố tránh không để cho chú chuột trong miệng Tiểu Ba đụng đến mình. Nàng vừa la vừa cầm cọ đập về phiá Tiểu Ba, khiến nó càng hoảng hốt nhảy về phiá bức tranh, bức tranh sắp hoàn thành bị rách toạc một mảnh to Tiểu Ba bị máng trên ấy nhưng mồm hắn vẫn không chịu nhả con chuột ra. Khởi Khởi giận dữ, vừa giậm chân vừa ném nó với tất cả những thứ có trên tay. Nàng hét:

- Đồ mèo quỷ, mèo chết bầm! Ai nuôi nó mà không coi chừng gì hết vậy.

Nhờ cánh cửa hãy còn hé mở, chú Tiểu Ba như tìm thấy đường chạy nên đánh thoắt một cái, nhảy ra khỏi và chạy về phiá tôi.

Khởi Khởi nhìn bức tranh rách, mắt đỏ hoe, nàng chụp cọ chạy bay về phiá phòng tôi. Tôi, giáo sư La Nghị và Hạo Hạo cũng chạy theo.

Chúng tôi tràn vào phòng khiến Tiểu Ba càng hoảng hốt. Tôi la lớn:

- Thôi đủ rồi! Mấy người đã làm nó sợ quá rồi.

Khởi Khởi vẫn luôn miệng, đồ mèo quỷ, mèo chết bầm! Thuận tay nàng ném luôn chiếc cọ về phiá nó. Chú mèo nhảy cao về phiá bức tranh của mẹ, bỏ rơi chú chuột gần chết xuống đất. Tôi chỉ nghe hai tiếng rổn rảng rồi khung kính trên tường đã rơi xuống đất vỡ tung. Tiểu Ba nhảy qua cửa sổ thoát nạn ra vườn.

Cơn sóng gió đến đây đã ngừng lại. Mạc Bính đã chạy đến, cô ta nhặt xác chuột và quét những mảnh vụn kính bể Khởi Khởi vẫn còn đứng trước cửa phòng tôi, cô ta giận dữ run giọng:

- Đây là bức tranh thành công nhất của tôi, chị đền tôi đi!

Giáo sư La Nghị khoát tay nói:

- Thôi bấy nhiêu đầy đủ rồi, bỏ qua đi. Chỉ tại con mèo mà làm ùm cả lên, làm cái trò gì thế?

Hạo Hạo cười to, hắn có vẻ sung sướng lám:

- Tôi đã biết trước là chú mèo này sẽ gây sóng gió mà, thật không sai. Vui quá! Vui quá!

Rồi quay sang Khởi Khởi, hắn cười.

- Đúng ra em phải thưởng cho chú mèo mới phải, vì nó giúp em la lớn, làm vận động được gân cổ. Em khó tính, không thích thể thao như vậy càng bể đồ nhiều chừng nào, đối với em càng tốt chứ sao!

Khởi Khởi trợn mắt lườm anh, trề môi rồi bước ra khỏi cửa. Mạc Bính đã đi ra tự bao giờ. Ra khỏi cửa, có lẽ chưa hả giận Khởi Khởi quay sang tôi nói:

- Ức My, chị phải quăng con mèo đó đi. Nhà họ La của chúng tôi không phải là cái phòng chứa đồ. Ngoài việc thu nhận chị, chúng tôi không thể thu nhận thêm một con vật tàn tật nào khác nữa.

Rồi cô ta bỏ đi. Những câu nói của cô ta như những cơn sét đánh ngã tôi. Đúng vậy, nhà họ La này nào phải là nhà kho đâu? Việc thu nhận tôi đã là nhiều quá lắm rồi, thế mà tôi vẫn không ý thức được còn mang thêm một con vật tàn tật vào nữa.

Cắn chặt môi, hai hàng lệ nóng tràn ra mắt, trước cảnh vật như mờ hẳn, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng quát giận dữ của giáo sư La Nghị:

- Khởi Khởi! Mày đứng lại đấy!

Tiếp theo, tôi nghe tiếng bước chân của ông chạy về phiá hàng lang và Khởi Khởi bị lôi trở lại phòng tôi. Tôi kinh hoàng mở vội mắt, những giọt lệ làm mờ khung cảnh. Bàn tay to lớn của giáo sư La Nghị đang nắm chặt cánh tay gầy của Khởi Khởi lôi nàng đi. Đồng thời, miệng ông hét:

- Khởi Khởi! Mày phải xin lỗi Ức My, nhanh lên! Xin lỗi những câu nói ban nãy, nói mau!

Có lẽ Khởi Khởi bị giáo sư nắm đau, mặt nhăn nhó nhưng nàng vẫn cắn răng không nói một lời nào. Điều này khiến giáo sư càng giận dữ, ông giậm chân cả gian phòng muốn rung rinh, ông quát:

- Khởi Khởi! Tao biểu mày xin lỗi Ức My, mày có nghe không?

Khởi Khởi bắt đầu khóc, nước mắt lăn xuống, tiếng khóc thút thít hòa lẫn vẻ đẹp yếu đuối làm mềm lòng người. Tôi đã quên hết mọi tủi nhục. Tôi ân hận vì chú mèo của tôi đã làm hư bức tranh, lại còn làm đổ cả dầu sơn, làm nàng kinh hoảng, bị giáo sư la hét như thế.

Lấy tay chùi nước mắt tôi ngập ngừng nói:

- Thưa giáo sư, chị ấy không có lỗi chi cả!

Giáo sư ngạc nhiên nhìn tôi, ánh mắt ông có vẻ kỳ quái làm sao. Một lúc lâu, mồm ông lại lẩm bẩm một cách quen thuộc những điều gì không rõ. Có phải chăng ông đang mắng tôi là đồ ngu, hay đang hậm hực vì sự cứng đầu của Khởi Khởi. Quay lưng lại, ông bỏ đi như quên hết tất cả những rắc rối vừa qụa.

Lúc ấy bà Nghị bước vào, gương mặt bà trắng bệch như mặt Khởi Khởi, nắm tay con bà bước ra khỏi phòng tôi. Nhìn theo hình ảnh hai mẹ con sóng bước, lòng tôi nghe tủi hổ, cô đơn, như những câu thơ trong "Thiên luân lệ" như lướt qua đầu:

Nhơn giả hữu phụ, ế ngã vô độc. Nhân giả hữu mẫu, ế ngã độc vô. Tạm dịch: Người ta có cha, sao tôi chẳng? Người ta có mẹ, sao tôi không?

Nếu tôi có cha mẹ, thì đâu có vì chuyện nuôi con mèo tàn tật mà khổ sở như vầy? Ngồi xuống giường, hai tay nép vào áo, tôi nghĩ ngợi lan man.

Có người đến gần, đứng trước mặt tôi. Hạo Hạo, hắn đang nhìn tôi cười, tinh thần có vẻ sảng khoái lắm. Vuốt mái tóc ngắn của tôi, Hạo Hạo nói:

- Chỉ là một chuyện cỏn con phải không ức My? Nếu em thật sự là loài hoa Vi Kinh Thảo thì ngay cả gió bão cũng mặc gió bão. Đây chỉ là một cơn gió nhẹ, em không những là loài cây vững chắc mà còn là cọng cỏ vô ưu nữa kia mà!

Kinh Thảo! Kinh Thảo với Thố Ty Hoa! Điển tích này có lẽ thông dụng khắp nhà. Nhìn Hạo Hạo, nụ cười của hắn vẫn tươi, hắn lại xoa tóc tôi:

- Vui lên đi Ức My! Sung sướng là của em cơ mà!

Hắn lại bước ra, cài cửa lại cho tôi. Nhìn theo dáng hắn, lòng tôi nghe ấm áp lại, nước mắt lại trào ra mi, tôi lẩm bẩm:

- Hạo Hạo! Tôi thích anh, thích anh thật tình!

Trung Đan dạy học về là vào ngay phòng tôi trong lúc tôi đang sắp sửa quần áo.

Chiếc valise nhỏ cũ rách của tôi đặt trên bàn. Nhìn những thứ ấy, tôi nhớ lại ngày đầu tiên mới đến chỉ có một ít quần áo thôi, bây giờ đồ đạc đã tăng hơn gấp đôi. Phần lớn là giáo sư cho tiền mua, còn phần còn lại là Trung Đan sắm. Bây giờ có nên mang theo tất cả không? Hay phải bỏ lại?

Trung Đan bước vào, nhìn cảnh hỗn độn trong phòng, chàng ngạc nhiên hỏi:

- Ức My em làm gì đấy?

Tôi nhẹ nhàng đáp:

- Tôi thu xếp đồ đạc.

- Để làm gì?

Ngẩng đầu lên nhìn chàng, tôi nói:

- Trở về Cao Hùng ở với bà hiệu trưởng Lâm.

- Em điên à?

- Không bao giờ, vì em thấy em không thể ở đây được nữa.

Trung Đan bước đến cạnh, ôm vai tôi và xoay người tôi lại, ấn tôi xuống ghế rồi ôn tồn nói:

- Bây giờ nói cho anh biết có chuyện gì đã xảy ra đi.

Tựa lưng vào vai chàng tôi chậm rãi đem tất cả những giông tố do Tiểu Ba gây nên kể một mạch. Chàng chăm chú nghe rồi buông thõng tôi ra, đứng dậy. Vừa đếm bước vừa suy nghĩ, một lúc sau chàng đến trước mặt tôi hỏi thật nghiêm nghị:

- Ức My, có thật em muốn rời khỏi nơi đây không?

- Vâng.

Tôi đáp, thật ra trong lòng tôi cũng không hẳn quyết định thế.

- Được rồi, như vậy thì... Chàng nói - Chúng ta sẽ cùng đi. Ở nhờ nhà người thật khó. Anh đã định sẵn là đến khi em đậu vào đại học mình sẽ dọn vào cư xá ở, nhưng bây giờ tốt hơn là kiếm một căn nhà cho em. Còn anh, anh sẽ ở chung với bạn bè hay vào cư xá giáo chức độc thân ở tạm. Nhưng như vậy cũng hơi bất tiện, thí dụ như vấn đề ăn ở, giặt giũ chẳng hạn, em là gái ở một mình như thế anh không an tâm chút nào. Còn điều em đòi về Cao Hùng anh nhất quyết bằng mọi cách không để em đi.

Chàng đặt hai tay lên vai tôi, chồm sát mặt tôi nhỏ nhẹ:

- Dầu sao đi nữa em cũng sẽ là vợ của anh, hãy để cho anh chăm sóc em nhé.

Tôi không đáp, chàng đi thêm một vòng rồi dừng lại nói:

- Em khoan sửa soạn đồ đạc đã, để anh kiếm nhà trước rồi hãy hay. Làm cái gì cũng phải có kế hoạch, không thể hấp tấp được, phải không?



Đến trước bàn học, chàng cầm bức tranh của mẹ lên ngắm. Tấm kính lồng ngoài đã bể, khung gỗ đã sứt. Chàng gỡ bỏ khung đi, cuốn tròn bức tranh lại rồi mở ra xem và phê bình:

- Mẹ em có thể là một họa sĩ lắm nhé, nét vẽ mạnh hơn Khởi Khởi nhiều.

Lật ra mặt sau chàng ngắm nghía, rồi đần mặt ra nhìn tôi như vừa khám phá ra một điều gì. Một lúc lâu, chàng dùng lời lẽ thật lạ lùng nói:

- Ức My, em sanh tại đâu?

Tôi ngẩn người một lúc nói:

- Em cũng không biết vì mẹ em không có nói. Hình như ở Tứ Xuyên thì phải, sao?

- Anh khám phá được một điều rất thích thú.

- Thích thú?

- Mẹ em có viết ở phiá mặt sau bức tranh mấy hàng chữ em có nhìn thấy không?

Tôi lắc đầu:

- Bức tranh do mẹ lồng khung, em chưa hề mở ra xem sao? Có liên hệ với nơi sinh ra em à?

Trung Đan mang bức họa đến trước mặt tôi, phiá mặt sau bức tranh núi non hùng vĩ có nét bút bay bướm của mẹ với hai câu thơ:



"Mặt trời khuất núi non che

Hàng hàng chim nhạn tung về nơi đâu? "


Bên dưới lại có hàng chữ nhỏ thật khó đọc:



"Mùa thu, năm Dân Quốc Thứ Bốn Mươi Tám, nhớ cảnh My Đàm, chuyện xưa như khói mây, không tìm lại được".


Tôi nhìn Trung Đan, chàng cũng nhìn tôi như đang cố nghĩ một điều gì. Tôi tưởng tượng mình có thể nhìn thấy tư tưởng của chàng như loài ngựa hoang đang dục dã. Ánh mắt chàng thật trang nghiêm, răng cắn chặt. Tôi gọi:

- Anh Trung Đan.

Chàng gắt:

- Đừng, để anh suy nghĩ.

- Anh đang nghĩ gì thế?

- Một vấn đề.

Chàng trả lời tôi như không trả lời gì hết, bỗng đôi mày chàng dãn ra.

- My Đàm là tên của một địa phương hình như là tên một quận nhỏ ở tỉnh Quý Châu thì phải.

- Thế anh nghĩ em sanh ở My Đàm, nên mẹ đặt cho em cái tên Ức My ư?

- Không, anh không nghĩ thế. Mẹ em có thể sinh em ở My Đàm, nhưng cũng có thể My Đàm là một nơi mà bà ấy không thể nào quên được, chẳng hạn như tại nơi đó bà và cha em đã gặp nhau, nên đặt cho em cái tên Ức My. Nhất định tên em và My Đàm không thể tách rời ra được, cũng như đó là nơi mà mẹ em không thể quên. Nhưng đó cũng chẳng phải là điều anh nghĩ, mà anh đang nghĩ đến một chuyện khác.

Tôi không nhẫn nại được nữa:

- Chuyện khác là chuyện gì? Anh muốn bày điều gì nữa đây?

- Một năm về trước, trong lần phụ giúp giáo sư La Nghị sắp dọn lại những tài liệu về địa chất, anh đã thấy một số tài liệu bị cũ rách mất mấy trang nên anh đã lục lạo các ngăn tủ tìm thì vô tình thấy một bức hình cũ, chụp một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông là giáo sư La Nghị, còn người đàn bà thì không phải là bà Nghị mà là một người khác. Bên dưới bức ảnh lại có một hàng chữ: "Chụp tại My Đàm - Quý Châu".

Tôi bực dọc:

- Thế anh nghĩ rằng người đàn bà ấy là mẹ em à?

- Cũng có thể lắm.

Tôi nhìn lên tường, lên bức hình gia đình của mẹ, hỏi: - Thế người đàn bà có giống mẹ em trong hình chăng? - Anh không dám chắc vì hình dáng của người đàn bà ra sao thì anh đã quên mất rồi, chỉ biết rằng bức hình chụp trên 20 năm, người đàn bà rất trẻ và giáo sư La Nghị là một thanh niên thật đẹp trai, giống như Hạo Hạo bây giờ đấy.

Tôi trầm ngâm không đáp, Trung Đan lại tiếp:

- Ức My, anh như tìm ra một ý niệm là có thể lúc xưa mẹ em là tình nhân của giáo sư La Nghị, một mối tình sôi nổi với ông ấy, vì thế trước khi chết, người mới nghĩ đến việc gởi em cho giáo sư nuôi dưỡng vì mẹ em biết chắc là giáo sư sẽ thương em.

- Đó chỉ là những điều anh tưởng tượng. Bản năng kháng cự khiến tôi chống đối - vì anh không có điều gì chứng minh rằng người đàn bà ấy là mẹ em? Ngoài ra nếu điều anh nghĩ là đúng, thì chắc chắn mẹ em sẽ không bao giờ gởi em cho giáo sư La Nghị cả!

- Tại sao?

- Vì bản tính mẹ em rất cương nghị, bà sẽ không bao giờ đem đứa con côi của mình nhờ vả người tình cũ. Nhất là, anh phải nhớ điều này, mẹ em và bà Nghị là hai chị em bạn thân, nếu hai người yêu nhau thì nhất định phải có sự bất hòa. Như thế làm sao người có thể cho tôi sống chung với bà Nghị? Cũng như bà Nghị làm sao có thể đối đãi tôi thân thiện như thế?

Trung Đan chậm rãi nói:

- Em tưởng bà Nghị thân thiện với em lắm à?

- Tuy bà ấy không thích em lắm, nhưng cũng chưa đến nỗi ác ý.

- Thật không? Trung Đan gằn giọng - Vậy chớ em không thấy, nhiều đêm bà ấy vào phòng em đó sao? Em không lạ lùng à? Em có biết là trước khi em đến, bà ấy không hề đi ra ngoài vào đêm hôm như thế.

- Vậy anh thấy... Tôi cảm thấy không an lòng chút nào cả.

- Anh thấy là không có việc gì giản dị trong ngôi nhà này hết, kể cả sự hiện diện đột ngột của em.

Tôi vội cắt ngang:

- Em còn nhớ lần đầu tiên khi mới đến ở đây anh đã bảo em rồi sẽ quen dần, điều đó chứng tỏ rằng đâu có gì bí mật ở đây đâu?

- Đúng vậy, ngôi nhà này lúc trước cỏ vẻ giản dị hơn nhưng từ ngày em đến đây thì sự việc bỗng trở nên phức tạp.

Trung Đan ngừng nói một chốc.

- Anh vừa mới nghĩ ra một điều!

- Điều chi?

- Đừng gấp! Hãy để anh phân tích, chứng minh một lúc! Bây giờ anh chưa thể nói được, để anh nghĩ kỹ lại xem.

Chàng bước đến cạnh bàn, mang chiếc valise của tôi đã đóng lại đem bỏ vào trong hộc tủ, rồi lại mang đống quần áo bày la liệt trên giường nhét vào đấy. Tôi nhỏm người lên hỏi:

- Anh làm gì đấy?

- Xếp đồ đạc của em lại. Em khoan dọn đi, đợi anh làm sáng tỏ vấn đề đã.

Trung Đan cài tủ lại, xong quay sang tôi.

- Em đừng lo lắng thế, được không Ức My? Tối nay không có giờ dạy, anh mời em đi ăn cơm ở Vườn chơi trẻ em, ở đó có món thịt nướng ngon lắm, sau đó chúng ta đi xem hát. Đi không em?

Tôi chau mày thắc mắc:

- Trung Đan, anh đã khám phá ra điều gì?

Chàng nắm lấy tay tôi:

- Không có chuyện gì cả, đừng nghĩ nữa em, càng nghĩ càng mệt óc. Người có tư tưởng càng giản dị chính là người sung sướng nhất em ạ.

Nắm tay nhau bước ra khỏi phòng, chúng tôi xuống lầu. Một ngày dài bực dọc trôi qua, một buổi tối đẹp trời đang đến.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Cánh Hoa Chùm Gửi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook