Bùa May Mắn

Chương 12

Nhiều tác giả

28/11/2017

Lớp kem trên cái bánh

Phải có nhiều hiểu biết, thời gian và niềm tin thì mới có được một tình bạn thân thiết với một ai đó. Khi lúc nào đó trong đời, tôi cảm thấy hoàn toàn bấp bênh về một cái gì đó thì bạn bè tôi lúc ấy là tài sản quý giá nhất của tôi.

Erynn Miller

Sharyn cảm thấy cuộc sống lúc nào cũng bị đảo lộn.

Đúng vậy, những người quen biết lui tới nhà, những thành viên ở nhà thờ gọi điện đều đặn, và các con trai của bà luôn giữ liên lạc với bà và chạy việc vặt. Nhưng bà đã phải ở lỳ trong nhà, không đi dạo ở khu mua sắm với các bạn gái, không tham gia được các buổi lễ nhà thờ, thậm chí chẳng sắm được đồ tạp phẩm nào cho chính bản thân. Bà chẳng làm được những việc vặt cho chính mình, chẳng thể lăng xăng trong sân được. Bà không thể đi được. Bà không thể làm gì được.

Và bây giờ, có vẻ như bà không thể đi dự được hôn lễ của cậu con trai vào tháng Mười Hai tới đây.

Cả đời Sharyn lúc nào cũng loay hoay giải quyết chuyện bệnh tật của mình. Ngay khi mới sinh bà đã mắc phải chứng còi xương, và sức khỏe của bà chỉ mỗi ngày một tệ đi thôi. Nào là các kiểu dị ứng, rồi hen suyễn, và các bệnh lặt vặt khác, tất cả cứ đeo dính lấy bà, cho mãi đến bây giờ, sau năm mươi lăm năm, bệnh tật của bà đọc lên nghe cứ như một danh mục dài của bệnh tật:

- Chứng viêm khớp

- Chứng thối loét vì nằm liệt giường

- Loãng xương do thoái hóa

Sharyn cần phải được ghép phổi và tim, nhưng lại không có người hiến phù hợp.

Thế nhưng, gắn chặt vào một lịch uống thuốc phức tạp, cột chặt vào bình thở oxy và bị giam cầm trên một chiếc xe lăn, Sharyn đùa rằng bà thích dành thời gian để đi lại hơn. Đi lại qua hai ngôi nhà của bà: gia đình và bệnh viện. Thực ra việc đi đến bất kỳ nơi nào khác là chuyện bất khả, đặc biệt là tới dự hôn lễ tổ chức ở bang khác của cậu con trai.

Do chẳng có máy bay, tàu hỏa hay xe cộ gì có thể phù hợp với nhu cầu củasức khỏe mong manh của Sharyn, bà đành phải chịu ở nhà trong khi những người còn lại trong gia đình đi dự đám cưới... mà không có mặt bà. Mọi người tạm biệt bà cùng với những lời hứa ngọt ngào là sẽ ghi nhớ mọi chi tiết, chụp thật nhiều ảnh, và để dành cho bà một miếng bánh kem cưới.

Suốt thời gian chồng bà vắng mặt, những người chăm sóc đã chăm lo cho bà các bữa ăn và các nhu cầu cá nhân, nhưng Sharyn không thể xua đi được nỗi buồn và cảm giác cô đơn của mình. Cứ nghĩ đến chuyện phải xa gia đình vào Giáng sinh và không dự được hôn lễ của con trai là bà lại thấy khổ sở. Nỗi đau buồn ấy cứ theo bà dai dẳng như ống truyền oxy lúc nào cũng kéo lê theo chiếc xe lăn của bà.



Nhưng bà đã không trông đợi gì ở bà bạn Vickie.

Vickie đến nhà bà với những "Kế hoạch to lớn": bữa tiệc đêm của những bạn gái già cổ hủ. Vickie đã làm Sharyn ngạc nhiên khi dẫn theo Carol, người bạn của họ, một vị khách của bữa tiệc đêm. Bà ấy còn đem đến sôcôla để nhấm nháp, bỏng bắp để nhai rào rạo, soda để uống... và một bộ băng video thật hay để đến khuya nằm trên giường xem. Cả ba nói cười mãi đến hàng giờ đồng hồ, và chỉ tạm dừng để bật đèn lên khi chiều đã buông xuống làm căn phòng mờ tối.

Họ trò chuyện về mọi thứ đang diễn ra dưới bầu trời này - mọi thứ, ngoại trừ buổi hôn lễ mà Sharyn không dự được.

Dù sao, hai bà bạn của Sharyn đã mặc ấm người bạn yếu ớt của mình đủ để chống chọi với cơn gió Kansas giá buốt và, với việc định thời gian cũng như phối hợp kỹ lưỡng, hai bà đã xoay sở đùm túm Sharyn lại - Sharyn, xe lăn, bình oxy - và đưa vào chiếc xe tải của Vickie. Líu lo như những đứa trẻ nghịch ngợm đầy phấn khích, cả ba làm một vòng đi xem thị trấn trong cảnh trang hoàng đón mừng Giáng sinh. Cả ba đều trầm trồ trước những hình ảnh chuyển động ngoài xe và ngắm nhìn những cái hang nơi Chúa sinh ra. Họ chỉ cho nhau xem những vòng hoa quấn ruy băng, một cửa sổ nhà ai sáng màu xanh yên bình và một bãi cỏ được trang trí bằng những kẹo que màu đỏ. Nhưng Vickie vẫn để dành tiết mục tuyệt vời nhất sau cùng.

"Sharyn, giờ bà hãy nhắm mắt lại trong lúc tôi quẹo qua ngôi nhà này." Bà cua xe chạy xuống con đường rải sỏi và dừng lại. "Rồi, bà có thể mở mắt ra được rồi đấy."

Sharyn mở mắt ra và há hốc miệng kinh ngạc.

Rực sáng, lấp lánh và nhấp nháy hàng ngàn đốm sáng trắng nhỏ xíu viền quanh lối xe vào, uốn lượn, trông cứ như lớp kem phủ trên một chiếc bánh. Một hình ảnh tưởng tượng về màu trắng mùa đông, chúng lan khắp các bụi cây và phủ khắp chiều dài của từng bụi cây, cứ như đang phủ bụi lóng lánh của thiên thần.

Chiếc xe tải nhích từng chút một dọc theo lối vào tuyệt vời, đầy mê hoặc này; Sharyn không dám thở, mắt mở to, không thốt lời nào.

"Ôi, nhìn kìa!" Sharyn thì thào. "Đẹp quá, đủ cho một cô dâu ấy chứ." Giọng bà đột nhiên khựng lại, "Quái, sao nó trông giống cổng vòm dành cho đám cưới thế nhỉ!"

Một sự im lặng trang nghiêm bao trùm làm mềm cả không gian khi cả ba suy ngẫm về ý nghĩ này.

"Vickie, bà biết không," Sharyn thì thầm trong không khí im lặng, "Những người khác sẽ mang về cho tôi một miếng bánh cưới. Nhưng chỉ có một người bạn như bà mới mang cho tôi một không gian hoành tráng của hôn lễ."

CAROL MCADOO REHME

Tôi sẽ mua một con búp bê giấy

Tôi biết một điều rằng, một người bạn thân chính là món quà tuyệt nhất trong số tất cả những món quà mà Chúa có thể ban cho chúng ta, vì đó là một tình yêu không gì có thể mua được.

Frances Farmer



Hầu như chiều Chủ nhật nào sau khi đi lễ nhà thờ về, Pat, cô bạn thân của tôi, và tôi đều ngồi sát bên nhau bên chiếc bàn ăn, chia sẻ với nhau mấy cây bút chì, giấy và kéo, cùng nhau thiết kế trang phục cho những nhân vật búp bê giấy mới nhất trên báo trong ngày hôm ấy.

Chúng tôi luôn kiên trì ngồi vẽ hình các búp bê giấy, luôn nhớ cần phải vẽ thêm vào cái quần, cái áo ấy những miếng giấy gập rất quan trọng vào đúng chỗ để quần áo ấy có thể bám được vào người của búp bê, và thế là chúng tôi bắt đầu thiết kế nên những bộ trang phục duyên dáng nhất, xinh đẹp nhất, hoặc độc đáo nhất mà những đứa trẻ tám tuổi như chúng tôi có thể tưởng tượng ra được.

Sau khi đã bằng lòng với việc phác họa bằng bút chì, chúng tôi bắt đầu tô màu cho trang phục, cắt chúng ra và đưa những tạo phẩm mới nhất này vào cái hộp đựng giày được trang trí đỏm dáng mà chúng tôi giả vờ như đó là cái vali.

Theo như tôi nhớ, toàn bộ chuyện chơi với những con búp bê giấy này không chỉ thuần túy là chơi với chúng, mà còn là để xem ai trong chúng tôi thiết kế được những bộ trang phục đẹp nhất. Pat thường hay chiến thắng trong những cuộc tranh tài này.

Dù còn nhỏ, song Pat đã có sự bộc lộ tài năng, điều này khiến tôi rất buồn khi Pat không theo đuổi sự nghiệp thiết kế thời trang.

Niềm đam mê búp bê giấy của chúng tôi kéo dài được vài năm, cho đến lúc những hoạt động vào chiều Chủ nhật dần tập trung hơn vào chuyện váy áo của chính chúng tôi, về những trải nghiệm với phấn son và với bọn con trai. Sau khi tốt nghiệp trung học, Pat lập gia đình với một cậu trai người địa phương và bắt đầu xây dựng gia đình, rồi chỉ ít năm sau đó trở thành góa phụ khi chồng của cô đột ngột mất đi.

Còn tôi, tốt nghiệp xong tôi tiếp tục học lên đại học, ít năm sau tôi kết hôn và chuyển đến sống ở miền Đông. Suốt thời gian tôi không còn ở Texas, Pat cũng rời quê nhà của chúng tôi và chuyển đến sống gần với bố của cô ấy, một phần là để quên đi những ký ức buồn, và thứ hai là để có người giúp đỡ trong việc nuôi dạy ba đứa con còn quá nhỏ. Hơn ba mươi năm sau đó, việc liên lạc của chúng tôi chỉ giới hạn trong chuyện gửi thiệp Giáng sinh, thiệp sinh nhật, những cuộc điện thoại thi thoảng, và thậm chí ngày càng ít dần những cuộc gặp gỡ hiếm hoi. Dù có như thế nhưng chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau.

Lâu lắm rồi tôi không còn nhớ đến những ngày tháng chơi búp bê giấy của mình nữa, mãi cho đến cách đây một tháng, khi tôi biết tin Pat, cô bạn thân của tôi, đã bị ung thư ở cả hai quả thận.

Cách đây ba tuần tôi đi thăm cô ấy. Trong lúc lái xe, tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại trong đầu cho thuộc những gì tôi nên làm và nên nói. Dù đã làm thế nhưng điều này cũng chẳng chuẩn bị đủ tinh thần cho tôi. Tôi thấy Pat, người vốn chỉ bé như búp bê so với khổ hình to lớn của tôi, giờ đây sưng phồng gấp hai lần vóc dáng bình thường của cô ấy, đang thở rất khó nhọc và không thể làm được những chuyện cơ bản như tắm táp hay chuẩn bị bữa ăn cho bản thân.

Sau khi ôm nhau chào hỏi, chúng tôi ngồi xuống bên bàn bếp nhà cô ấy và qua ly cà phê, chúng tôi nói đến việc năm nay sao mùa xuân đến sớm, đến công việc của các con, chuyện học hành của các cháu, và ngồi tính xem từ lần gặp nhau cuối của chúng tôi đến giờ là đã bao lâu. Câu chuyện của chúng tôi sau đó chuyển sang những chủ đề quan trọng hơn: về cơn đau mà cô ấy đang phải chịu, về những tác dụng phụ kinh khủng của các loại thuốc mà cô ấy đang dùng, và về việc cô ấy xoay xở tài chính ra sao, bởi vì giờ đây cô ấy đâu còn có thể đi làm được nữa.

Cô ấy trông rất bối rối khi tôi mở cái túi xách đi mua đồ của tôi ra và lấy ra một cái hộp đựng giầy, một vài cây viết chì, giấy kẻ hàng và một cây kéo mũi ngắn. Ánh mắt bối rối của cô ấy tan biến khi tôi trao cho cô ấy quyển sách làm búp bê giấy Barbie. Vừa lật sách chúng tôi vừa bình phẩm việc sách không có đủ những trang in trang phục. Thế là như nhiều năm trước, chúng tôi lại ngồi sát bên nhau và bắt đầu thiết kế những trang phục thanh lịch nhất, xinh đẹp nhất, hoặc kỳ lạ nhất mà chúng tôi, những con người đã năm mươi tuổi, có thể nghĩ ra. Sau đó chúng tôi nắm tay nhau và khóc.

Đến giờ tôi vẫn rất mừng là mình đã đi thăm cô ấy, dù đó là một trong những việc khó khăn nhất mà tôi từng làm. Chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi chúng tôi đã cười, đã nói như những ngày xưa cũ, và tôi nhận thấy khi tôi ôm tạm biệt bạn, đôi mắt bạn dường như sáng hơn lúc tôi đến.

Pat mất hai ngày sau chuyến viếng thăm của tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên bạn ấy. Cũng như tôi không bao giờ quên câu nói từ rất xưa của mẹ tôi: "Con yêu hãy nhớ một điều rằng, Chúa chỉ cho chúng ta một người bạn thân thiết trong một đời người."

CAROL J. RHODES Đăng bởi: admin

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bùa May Mắn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook