Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 111

Vân Thảo

06/12/2018

Theo thói quen, sau bữa điểm tâm buổi sáng ông Trung Chính thường chắp tay sau lưng đi lại trong khuôn viên biệt thự suy nghĩ từ chuyện xa đến chuyện gần trước khi bước vào giờ làm việc chính thức trong ngày. Khi ông Trung Chính định quay về phòng làm việc cũng là lúc chiếc Mốt-cô-vích chở ông Ẩn lăn bánh xào xạo trên lớp cuội của con đường trong khuôn viên. Ông Trung Chính dừng lại đợi ông Ẩn đi tới. Ông Trung Chính bắt tay ông Ẩn hỏi:

- Xuống sớm thế kia à?

- Vâng. Đi sớm một chút kẻo nhỡ ra gặp máy bay máy bò trên đường.

Ngồi uống nước, hỏi han sức khỏe và chuyện vãn linh tinh một lúc, ông Trung Chính đi luôn vào mục đích của buổi gặp gỡ:

- Mình cho gọi ông về để ông nói cho mình nghe tình hình ở Phước Vĩnh.

Ông Ẩn đinh ninh ông Trung Chính sẽ căng thẳng ngay từ câu nói đầu tiên nhưng không ngờ ông Trung Chính lại hỏi ông bằng giọng nhẹ nhàng khiến ông ngạc nhiên và đề phòng:

- Anh Bao đã nói cho tôi biết anh cho gọi tôi về để báo cáo tình hình ở Phước Vĩnh, vậy anh muốn nghe tôi báo cáo những vấn đề gì?

- Hôm kia cậu Bao đã đưa về cho mình xem bản dự thảo về quản lí lao động trong Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy Phước Vĩnh. Ông đã đọc chưa?

- Tôi và anh Sắc đều đã đọc.

- Hai ông có nhận xét gì về bản dự thảo này?

- Chúng tôi rất quan tâm một số vấn đề mà bản dự thảo đề cập tới.

- Những vấn đề gì làm các ông quan tâm nhất?

Ông Ẩn nghe những câu hỏi ngắn gọn kiểu như chất vấn phần nào đã dự đoán được đây chỉ là hiện tượng tích điện để chuẩn bị cho những cơn sấm sét sẽ đổ xuống đầu mình. Tuy vậy ông vẫn bình thản đáp:

- Trước hết là phần đánh giá thực trạng tình hình của Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh Phước Vĩnh tương đối chính xác.

Ông Trung Chính cười có vẻ mỉa mai:

- Đánh giá là đang suy sụp và và đi tới chỗ tan rã phải không?

- Trong phần đánh giá của bản dự thảo tôi không thấy nói chuyện suy sụp, tan rã mà chỉ nói do tổ chức quản lí lao động lỏng lẻo, nặng về tập trung quan liêu bao cấp, bên cạnh đó là chuyển trạng thái vào thời chiến, cộng với thời tiết khắc nghiệt nên đã đẩy năng suất xuống rất thấp, nạn đói giáp hạt thường xuyên đe dọa.

- Đã đi vào con đường làm ăn tập thể Xã hội chủ nghĩa bao nhiêu năm nay rồi mà vẫn bị nạn đói đe dọa? Theo mình đánh giá như vậy là hồ đồ, là muốn đổ lỗi cho cơ chế để trốn tránh trách nhiệm của mình.

Ông Ẩn cố gắng tiết chế giọng nói của mình để ông Trung Chính không có cớ gì bắt bẻ hoặc nổi nóng:

- Không phải thế đâu anh ạ. Nạn đói giáp hạt ở một số Hợp tác xã là chuyện có thật.

Ông Trung Chính lật chồng sách vở để ở trên bàn, lấy ra bản dự thảo để xuống trước mặt ông Ẩn nói giọng sắc lạnh:



- Những chỗ mà các ông quan tâm như ông nói, mình đã gạch bút chì đỏ ở bên dưới, ông xem lại có đúng không?

Ông Ẩn cầm bản dự thảo xem qua rồi đặt xuống bàn không nói gì.

- Ông có thấy mình đã gạch rất đậm nét ở câu: Kiên quyết thực hiện bằng được, đúng và tốt chế độ ba khoán. Khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ, bảo đảm sử dụng hợp lí sức lao động và tăng năng suất lao động. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Ông Ẩn trả lời một cách tự tin:

- Đây là một biện pháp xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay ở các Hợp tác xã nông nghiệp. Việc quản lí lao động lỏng lẻo, hình thức và không hợp lí là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy các Hợp tác xã rơi vào tình trạng yếu kém.

- Nghĩa là cách khoán cũ trước đây là sai?

- Không sai, nhưng hiệu quả rất kém.

Ông Trung Chính đứng lên đi lại trong phòng. Ông Ẩn biết ông Trung Chính vẫn lắng nghe mình nói nên nói tiếp:

- Tôi muốn nói thêm ở chỗ này để anh nắm được. Việc khoán nhóm, khoán cho lao động và cho hộ không phải do chủ quan tỉnh ủy Phước Vĩnh nghĩ ra mà nó xuất phát từ một số Hợp tác xã. Tỉnh ủy đã nhạy bén nắm bắt vấn đề và đưa nó lên thành một chủ trương.

Ông Trung Chính dừng lại nhìn ông Ẩn:

- Có nghĩa là tỉnh ủy theo đuôi quần chúng?

- Tôi nghĩ tỉnh ủy đã tiếp thu trí tuệ của quần chúng thì đúng hơn.

Ông Trung Chính ngồi xuống sa-lông:

- Nhưng còn có một bộ phận quần chúng chậm tiến. Họ tham gia Hợp tác xã vì theo phong trào chứ chưa phải tự nguyện, tự giác. Vì thế khi Hợp tác xã gặp một vài khó khăn nho nhỏ, họ liền tính đến chuyện trở về với con đường làm ăn cá thể. Không lẽ chúng ta dựa và tiếp thu trí tuệ vào những người này?

Sau khi nghe ông Ẩn nêu ví dụ của Hợp tác xã Hồng Vân làm vụ ngô xen canh vụng trộm, ông Trung Chính hỏi đế luôn:

- Và đồng ý với chủ trương của huyện ủy chia đất cho xã viên làm giàu?

Ông Ẩn thấy khó chịu với câu hỏi của ông Trung Chính nên hỏi lại:

- Xã viên giàu đâu phải là tội lỗi?

- Xã viên không có tội mà còn mừng cho họ. Nhưng khi hộ cá thể giàu lên cũng đồng nghĩa với Hợp tác xã nghèo đi. Vì thế người có tội là tư tưởng hữu khuynh của lãnh đạo, chỉ vì thấy cái lợi tạm thời trước mắt mà bỏ quên lợi ích lâu dài của con đường tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa, con đường duy nhất đưa lại sự giàu có cơ bản và lâu dài cho nông dân và cho đất nước.

- Tôi quan niệm khác anh - Ông Ẩn thấy đã đến lúc nói rõ quan điểm của mình.

- Khác chỗ nào? - Ông Trung Chính nhìn thẳng vào ông Ẩn hỏi.



- Theo tôi hộ cá thể có giàu, Hợp tác xã mới giàu. Hợp tác xã giàu, đất nước mới giàu. Đây là mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Anh Kim, bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh đưa ra một vấn đề mà tôi thấy chúng ta cần quan tâm nghiên cứu. Đó là khi đưa Hợp tác xã lên quy mô, ta lấy hộ làm đơn vị tính toán quy mô, diện tích, công cụ sản xuất. Nhưng đến khi tiến hành sản xuất lại tách hộ ra khỏi tư liệu sản xuất. Chúng ta không coi hộ xã viên là một đơn vị kinh tế tự chủ trong Hợp tác xã nông nghiệp. Họ lệ thuộc hoàn toàn vào tập thể, vì thế họ trở nên thụ động hoàn toàn trong sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến người nông dân không còn thiết tha với ruộng đất của mình. Mà khi đã không còn thiết tha với ruộng đất thì lao động chỉ là sự đối phó chứ không còn tự giác.

Ông Trung Chính lặng yên chăm chú nghe ông Ẩn nói.

Ông Ẩn nói tiếp về việc giao xã viên sử dụng ao nhà nuôi khoán cá cho Hợp tác ở Hồng Vân, và kết luận:

- Mỗi năm tập thể thu về gần một trăm tấn cá để bán cho các bếp ăn tập thể ở trong huyện với giá gần như giá cung cấp. Những Hợp tác xã làm ăn năng động đều có những cách làm khác nhau nhưng có một điểm chung là đưa lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Vì thế tôi nghĩ những vấn đề được đặt ra trong bản dự thảo của tỉnh ủy Phước Vĩnh là xuất phát từ thực tế đang diễn ra chứ không phải do chủ quan của tỉnh ủy.

Ông Trung Chính ngồi im lặng. Lát sau ông đứng lên tiếp tục đi lại trong phòng. Rồi như nghĩ ra điều gì đó, ông Trung Chính lẩm bẩm:

- Vấn đề mấu chốt là ở đây.

Ông Ẩn tưởng ông Trung Chính nói với mình, ông Ẩn hỏi lại:

- Anh bảo gì ạ?

Ông Trung Chính nhấn mạnh từng lời, rành mạch và chắc nịch:

- Vấn đề là nhận thức hết sức lệch lạc, mơ hồ về cuộc đấu tranh giữa hai con đường. Cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, vấn đề củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, trong vài năm nay không được coi trọng đúng mức. – Ông Trung Chính dừng lại trước mặt ông Ẩn hỏi – Ông thấy bản dự thảo của tỉnh ủy Phước Vĩnh sai lầm ở chỗ nào không?

Ông Ẩn hơi lúng túng trước câu hỏi bất ngờ của ông Trung Chính:

- Có lẽ tôi đọc chưa được kỹ lắm nên chưa thấy sai lầm ở chỗ nào.

- Mình đồng ý với ông là có những vấn đề mà bản dự thảo đặt ra cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nhưng những vấn đề ấy không nhiều. Phần lớn vấn đề bản dự thảo đề cập tới là khoán hộ. Đây cũng là điểm sai lầm nhất của bản dự thảo. Ai cũng biết phương hướng chung để sử dụng đầy đủ và hợp lí lao động trong nông nghiệp là không ngừng phát huy tinh thần của hợp tác lao động Xã hội chủ nghĩa. Trước hết là tận dụng khả năng của đất đai bằng thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích canh tác, tăng diện tích gieo trồng, mở rộng thêm nhiều ngành nghề trong Hợp tác và phát triển nông nghiệp toàn diện. Có thêm công ăn việc làm ngày công sẽ tăng, giá trị ngày công sẽ cao, thu nhập của xã viên, tích lũy của Hợp tác xã và nghĩa vụ đối với Nhà nước đều đạt kết quả tốt.

Ông Ẩn thấy cần phải bảo vệ những nhân tố tích cực của bản dự thảo nên nói thẳng:

- Cả tôi và anh Sắc đều cho rằng ba khoán mà bản dự thảo nêu ra có những điểm rất mới. Nếu được chỉ đạo chặt chẽ trong khi thực hiện có thể có một bước đột biến trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trung Chính hỏi một cách châm biếm:

- Đột biến theo hướng nào. Đi lên hay đi xuống?

- Theo tôi đột biến theo chiều hướng tốt – Ông Ẩn thẳng thắn trả lời.

Ông Trung Chính lấy bản dự thảo cho xuống dưới chồng sách rồi nói với ông Ẩn:

- Mình rất quý sự thẳng thắn của ông. Riêng mình, mình khẳng định: Ba khoán cho hộ sẽ khơi dậy đầu óc tư hữu của xã viên phát triển, tính tập thể của xã viên giảm dần. Ba khoán cho hộ như trong bản dự thảo đề cập tới thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó sẽ phá vỡ nội dung của phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp, làm cho Hợp tác chỉ còn là cái vỏ bọc bên ngoài. Đây không chỉ sai lầm về phương pháp quản lí mà còn đi ngược lại đường lối tập thể hóa nông nghiệp của Đảng và Nhà nước. Cần phải ngăn chặn kịp thời, đừng để nó trở thành một hiệu ứng dây chuyền. Ông hiểu chưa?

Ông Ẩn nhìn ông Trung Chính rồi lặng lẽ lắc đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Thư Tỉnh Ủy

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook