Áo Mưa

Chương 6: chương 6

Thái Trí Hằng

06/05/2014

Tôi vốn định xem phim phương Tây, vì năm mới phim trong nước thường rất chán.

Nhưng Ameko lại nói xem phim trong nước có thể tiện đó luyện tập tiếng Trung.

"Ngụ giáo vu nhạc mà!" Ameko càng lúc càng quen thuộc với thành ngữ Trung Quốc.

Chúng tôi xem “Tề Thiên Đại Thánh Đông Du Ký” của Châu Tinh Trì, tôi thiếu chút nữa ngủ gật.

“Chẳng phải tên là Tây Du Ký à?”

“Đó là cố ý đặt loạn thôi, không cần để ý. Đông du thì chỉ có nước đến Nhật Bản thôi.”

Tuy trời râm nhưng không cảm thấy lạnh. Vì vậy tôi đưa Ameko tới An Bình ăn tôm cuộn, ngắm hoàng hôn, hóng gió biển.

Lúc về, trời đột nhiên đổ mưa, tôi lấy chiếc áo mưa từ trong cốp xe ra nói:

“Chỉ có một chiếc áo mưa này thôi. Anh em mình cùng mặc nhé, em phải núp kỹ sau lưng anh đấy!”

“Hả? Anh định mặc chung áo mưa với em à?”

Ameko như rất kinh ngạc, do dự một lúc lâu rồi mới cười ngại ngùng.

“Đương nhiên rồi! Ơ? Sao em lại đỏ mặt?”

“Em đâu có...” Đoạn sau tôi nghe không rõ lắm, vì nàng đã chui vào trong áo mưa.

oOo

Trở lại gần đại học Thành Công, mưa cũng nhỏ đi, tôi đưa Ameko đến vườn Mộng Mơ đối diện trường Quang Phục uống nước.

“Phù... Nghỉ ngơi chút đã. Em có bị dính mưa không?” Tôi thở một hơi.

“Không sao đâu. Áo mưa của anh to mà.” Ameko lau mồ hôi.

“Tránh dưới áo mưa chắc cũng hơi nóng, chúng ta đi uống chút đồ lạnh nhè!”

“Ừm. Cám ơn.”

Ameko tặng tôi một nụ cười ấm áp.

“Thái-san, em kể một câu chuyện lãng mạn xảy ra trong thời chiến quốc Nhật Bản, anh nghe thử nhé.”

“Là chuyện về Takeda Shingen và Suwa Koi à?”

Tôi gọi hai cốc sinh tố dưa hấu, đưa cốc có vẻ đầy hơn cho nàng.

“Không phải. Đây là một truyền thuyết ở quê em, lãng mạn lắm đấy!”

“Được rồi! Anh xin rửa tai lắng nghe.”

“Năm 1615 sau công nguyên, năm Khánh Trường thứ 20, Tokugawa Ieyasu xuất binh từ hai thành, ba ngày sau đánh hạ thành Osaka, Toyotomi Hideyori tự sát, sử sách gọi là cuộc vây hãm mùa hè lâu đài Osaka. Sau đó chiến loạn Nhật Bản được dập tắt, khai sáng thời đại Giang Hộ Mạc Phủ...”

“Sao em lại kể sử chiến quốc Nhật Bản vậy?” Tôi ngắt lời Ameko.

“Hi hi, anh đừng sốt ruột chứ. Trong cuộc vây hãm mùa hẻ lâu đài Osaka, quân đội của Toyotomi Hideyori có một vị tướng tên Kimura Shigenari, cũng chết trong trận chiến này. Dưới trướng Kimura Shigenari có một vị võ sĩ họ Kato rời khỏi thành Osaka trong lúc chiến loạn, trốn về phía nam tới trong huyện Wakayama, nơi này ở gần quê em...”

“Sao võ sĩ Nhật Bản thua trận không phải mổ bụng?”

“Chỉ thua trận đã phải mổ bụng, võ sĩ Nhật Bản chết hết từ lâu rồi, thời chiến quốc cũng đã chẳng kéo dài tới hơn một trăm năm.”

“Vâng vâng vâng. Cô giáo dạy chí phải.” Tôi cười trừ vì câu nói lỡ lời của mình.

“Ha ha. Khi đó Kato bị thương, trốn trong một ngôi chùa. Cũng tại ngôi chùa đó, Kato quen một cô gái. Có điều họ của cô gái này là gì em cũng không biết, có thể là vốn không có họ.”

“Vốn không có họ?”

“Thời cổ đại, người Nhật Bản ngoại trừ giai cấp võ sĩ cùng quan viên triều đình ra, bình dân thông thường đều không có họ, thường chỉ gọi là A X. Đương nhiên thương nhân có tiền là ngoại lệ.”

“Vậy sau này võ sĩ Kato và cô gái A X xảy ra chuyện gì?”

“Ha ha ha, cô ấy không phải cô gái A X, ở quê bọn em đều gọi nàng là Vũ Cơ.”

“Vũ Cơ? Sao lại gọi là Vũ Cơ? Cái tên này khá giống tên Vũ Tử của em.”

Ameko khẽ mỉm cười rồi tiếp tục nói:

“Có người nói bọn họ gặp nhau trong một cơn mưa, sau này có tình cảm với nhau. Chỉ tiếc là người nhà cô gái và thôn dân đều phản đối bọn họ đến với nhau, cho nên họ đành phải bỏ trốn trong một ngày trời mưa lớn. Có điều hành tung của họ vẫn bị phát hiện, hoảng loạn trốn tới gần một vách núi, Kato trượt chân rơi xuống, Vũ Cơ kêu to vài tiếng Kato sau đó cũng nhảy xuống vách núi theo.”

Giọng điệu của Ameko khi kể câu chuyện này rất bình thản, nhưng tôi lại rung động trước cảnh kinh tâm động phách khi đó.

“Sau đó trời mưa liên tục bảy ngày bảy đêm, ban ngày thế mưa mãnh liệt, buổi tối lại rả tích mưa phùn, mọi người rỉ tai nhau ban ban ngày là Kato gào khóc, buối tối lại là Vũ Cơ. Khi mưa tạnh, thôn dân phát hiện thi thể bọn họ dưới vách núi bèn hợp táng hai người cùng một chỗ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bọn em gọi cô gái đó là Vũ Cơ.”

Tôi gật đầu một cái, ra hiệu giờ thì đã hiểu.

“Dần dà, ở quê em có một truyền thống.”

“Truyền thống ra sao?” Tôi uống một ngụm sinh tố dưa hấu rồi hỏi.

Ameko nhìn tôi một cái rồi từ từ nói từng chữ một:

“Ở quê em, nếu con trai muốn tỏ tình với con gái mà lại không dám biểu đạt trực tiếp, có thể chọn một hôm trời mưa, mời cô gái mặc chung một chiếc áo mưa.”

Nói xong, Ameko mỉm cười vui vẻ, lộ ra cặp răng khểnh.

Còn tôi, ngạc nhiên tới mức biến sắc, thiếu chút nữa phun cả ngụm sinh tố dưa hấu vừa uống vào ra, vội vã phân bua:

“Ameko, anh không biết có truyền thống như vậy.”

“Ha ha, em biết mà. Không biết không có tội! Thái-san, câu thành ngữ này đúng không!”

“Hại anh thiếu chút nữa thổ huyết.” Tôi chỉ cốc sinh tố dưa hấu màu đỏ trên tay.

“Có điều truyền thống này cũng lạ thật, chuyện về Kato và Vũ Cơ sao lại liên tưởng tới áo mưa? Chẳng lẽ nếu mặc áo mưa vào thì Kato sẽ không trượt chân ngã xuống vách núi?”

“Câu chuyện này cũng cổ rồi nên em không rõ lắm, đây cũng chỉ là truyện cổ lưu truyền ở quê em thôi mà.”

“Trí tưởng tượng của người quê em thật phong phú.”

“Trí tưởng tượng của người Trung Quốc còn phong phú hơn, ví dụ như Khuất Nguyên vì lo cho nước cho dân mà gieo mình xuống sông Mịch La, ông ấy có bảo sau này người Trung Quốc phải ăn bánh tét mỗi dịp tết Đoan Ngọ đâu! Cũng chẳng ngờ được từ đó dân Trung Quốc lại có thêm món bánh tét.”

“Ừm, có lý. Xem ra sau này không thể tùy ý rủ em mặc chung áo mưa được rồi.”

Trong lúc tôi và Ameko nhìn nhau mỉm cười, mưa dường như càng lúc càng lớn.

oOo

Mùng bốn năm mới, thời tiết cũng trở nên trong lành, nhiệt độ cũng dần tăng trở lại.

Đây là thời tiết tốt thích hợp cho đi du lịch, tôi dẫn Ameko đi chơi khắp nơi ở Đài Nam.

Tuy Ameko đã tới Đài Nam được nửa năm, nhưng có vẻ như nàng vẫn đầy hiếu kỳ với mọi thứ ở nơi đây.

Đặc biệt là chợ đêm Đài Nam, nàng rất thích tới nơi này.

“Ở Nhật Bản gần như không có cuộc sống buổi đêm, các cửa hàng đóng cửa rất sớm, đường phố rất vắng lặng.”

Ameko nói với vẻ ước ao: “Được tới Đài Loan thật hạnh phúc.”

oOo

Suốt mấy ngày liền, tôi và Ameko đi khắp các nơi.

“Mình đi ngắm biển được không?”

“Đương nhiên là được rồi!”

Sau khi đi khắp Đài Nam, tôi dẫn nàng về vùng ven biển nơi tôi sinh ra, Bố Đại huyện Gia Nghĩa.

“Trong lịch sử Bố Đại có sự kiện gì không?” Ameko đứng trước biển xanh, quay sang hỏi tôi.



“Bố Đại chỉ là một vùng nhỏ, đâu thể xảy ra sự kiện gì.” Tôi mỉm cười lắc đầu.

Thật ra năm 1895 lữ đoàn số bốn của Nhật đổ bộ vào cảng Bố Đại, dọc theo sông Tằng Văn, ép thẳng tới Đài Nam.

Nhưng tôi không muốn nhắc tới xung đột dân tộc trước mặt Ameko.

“Ngày mai Naomi sẽ về Đài Nam.” Ameko như đang thì thào tự nhủ.

“Đây đúng là một tin xấu.” Tôi lại giả bộ bóp cổ tay.

“Sao thế?”

“Thế thì mai khi anh tới đón em, cô ấy chắc chắn sẽ mặt dày mày dạn theo sau.”

“Ha ha, sao anh lại nói cô ấy như vậy chứ? Cô ấy chỉ không chừa thủ đoạn nào bám sát theo thôi mà.”

Ameko nói xong cũng bật cười vì câu nói tinh nghịch của mình.

“Không sai, tội ác của cô ta thật khiến người người nổi giận.”

“Ha ha, có thể nói là tội lỗi chồng chất.”

Hóa ra Naomi còn có điểm tốt như vậy, có thể giúp Ameko luyện tập thành ngữ.

oOo

Hết kỳ nghỉ đông, trường học cũng đã mở cửa trờ lại, buổi học đầu tiên của tôi và Ameko trong năm Hợi cũng nên bắt đầu.

Rất trùng hợp, ngày đó lại vừa khéo là tết Nguyên Tiêu.

Trời quang mây tạnh mới được vài ngày, sáng sớm hôm đó nhiệt độ đột nhiên giảm xuống sau, bảy độ.

Buổi chiều cũng lất phất mưa phùn.

Tôi và Ameko nói đùa với nhau, chọn hôm nay để nhập học đúng là ý trời.

“Ameko, hôm nay là tết Nguyên Tiêu, hết giờ học anh đưa em đi xem pháo hoa nhé?”

“Man-Zai! Thá-san, A-Ri-Ga-Do.”

“Đang giờ học tiếng Trung, không được nói tiếng Nhật.”

“Xin lỗi. Tại em vui quá.” Ameko lè lưỡi.

“Hôm nay là tết Nguyên Tiêu, anh dạy em một bài thơ có liên quan tới tết Nguyên Tiêu nhé?”

“Hay quá! Cám ơn anh! Có điều đừng khó quá đấy nhé! Em ngốc lắm, hì hì.”

“Đừng bắt chước vẻ khiêm tốn của anh. Nếu em là ngốc, vậy anh là thiểu năng rồi.”

“Ừm.” Ameko đỏ mặt rồi cúi đầu.

Đương nhiên tôi không chọn bài thơ quá khó rồi, vì khó quá tôi cũng chẳng hiểu.

Tôi đoán nguyên nhân lớn nhất khiến lúc đầu Tín Kiệt kiên quyết bảo tôi làm thầy dạy Ameko chắc cũng là điểm này.

Vì thơ ca mà tôi biết chắc chắn đều không quá khó hiểu.

Lấy tết Nguyên Tiêu làm ví dụ, tôi chỉ biết “Sinh tra tử” của Âu Dương Tu.

Thế nên tôi phải dạy chậm một chút, bằng không Ameko học tới phát nghiện, kêu “encore” (nữa đi);

Vậy tôi hố to rồi.

“Cách phát âm ‘Sinh tra tử’ rất giống ‘sinh con gái’ trong tiếng Đài. Nhưng ‘Sinh tra tử’ là tên bài từ, không liên quan gì tới chuyện Âu Dương Tu sinh con trai hay sinh con gái, mà Âu Dương Tu viết bài từ này cũng không phải vì muốn sinh con gái, vậy đã hiểu chưa?”

“Ừm, em hiểu rồi.”

“Còn nữa, vì ‘tra’ đọc là ㄓㄚ, không đọc là ㄔㄚ, đồng âm với ‘tra’ trong từ ‘nhân tra’ (cặn bã). Bởi vậy ‘Sinh tra tử’ cũng không phải nghĩa là ‘Sinh ra đứa con như cặn bã’. Hiểu không?”

“Ha ha... Anh đang nói linh tinh đấy à!”

“Khụ khụ... Thật à? Em cũng nhận ra à?” Tôi ngượng ngùng ho khan vài tiếng.

“Thế nên anh mới nói Ameko thật đúng là thông minh hơn cả băng tuyết.”

“Vì sao lại so sánh ‘thông minh’ với ‘băng tuyết’? Thông minh có liên quan gì tới băng tuyết à?”

“Em cứ đố anh. Anh chỉ biết thông minh hơn cả băng tuyết xuất phát từ câu thơ của Đỗ Phủ, đại khái Đỗ Phủ cảm thấy những hứ có liên quan tới ‘nước’ sẽ rất thông minh! Mà vì trong tên em có chữ ‘Vũ’ cho nên chắc chắn em cũng rất thông minh! Hơn nữa mưa còn thông minh hơn cả băng tuyết!”

“Ha ha... Thái-san học thủy lợi, cũng có liên quan tới nước, vậy lại càng thông minh.”

Ừm, hay lắm. Khen Ameko không ngờ lại tự khen cả mình, đúng là một mũi tên trúng hai đích.

(Nguyên gốc: băng tuyết thông minh, xuất sứ từ câu thơ "”Băng tuyết tịnh thông minh, lôi đình tẩu tinh duệ" trong bài “Tống Phàn nhị thập tam thị ngự phó hán trung phán quan” của Đỗ Phủ. Người sau thường mượn câu thơ này để hình dung người con gái thông minh phi phàm.)

Sau đó tôi lấy giấy viết lại bài từ này:

Khứ niên nguyên dạ thì,

Hoa thị đăng như trú.

Nguyệt thướng liễu tiêu đầu,

Nhân ước hoàng hôn hậu.

Kim niên nguyên dạ thì,

Nguyệt dữ đăng y cựu.

Bất kiến khứ niên nhân,

Lệ thấp xuân sam tụ.

(Năm ngoái đêm nguyên tiêu

Chợ hoa đèn sáng rực

Ngọn liễu mảnh trăng treo

Hoàng hôn người hẹn ước

Năm nay đêm nguyên tiêu

Trăng với đèn như trước

Chẳng gặp người năm qua

Tay áo đầm lệ ướt

Người dịch: Nguyễn Xuân Tảo

Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=1525)

“Ồ? Bài từ này nghe rất giống thơ Đường, nó không phải thơ à?”

“Đây là bài từ thời Tống. Tuy cách thức rất giống thơ Đường nhưng lại là bài từ. Cũng như răng khểnh của em trông như quỷ hút máu nhưng em lại không phải quỷ hút máu ấy.”

“Thái-san, anh lại trêu em rồi...”

Ameko nhe cặp răng khểnh ra, giả bộ định cắn tôi một cái.

Cho dù Ameko là quỷ hút máu, nàng cũng là con quỷ hút máu đáng yêu nhất.

Vậy nếu con quỷ hút máu này muốn hút máu tôi, tôi có đồng ý không?”

“Đúng vậy, tôi đồng ý.” Bất tri bất giác, tôi bật thốt lên câu “tôi đồng ý”.

“Cái gì? Anh đồng ý cái gì?” Ameko ngạc nhiên hỏi.

“Anh nói là anh đồng ý dạy em bài từ này.”



“Ha ha... Thai-san tâm bất tại... tạ...”

“Tâm bất tại yên (mất tập trung). Chữ ‘yên’ ý chỉ ‘chỗ này’.”

Đương nhiên là tâm tư tôi trên ngựa chứ không trên yên rồi, bởi nó vẫn mắc trên con ngựa Ameko này.

“Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ dân gian của Trung Quốc, trên đường sẽ treo đèn hoa, bởi thế nên đèn đuốc rất rực rỡ, chiếu rọi buổi tối sáng như ban ngày, vừa phồn hoa lại vừa náo nhiệt. Hôm ấy lại là ngày mười lăm âm lịch, đúng thời khắc trăng tròn, ánh sáng long lanh động lòng người. Nhân lúc trăng trăng treo đầu cành liễu, đường phố bắt đầu náo nhiệt, hai người ước hẹn với nhau cùng dạo phố. Liễu trong thơ ca Trung Quốc thường là biểu tượng của tình yêu, bởi vậy

'Ngọn liễu mảnh trăng treo

Hoàng hôn người hẹn ước'

Hai câu từ này bao hàm cả tình ý giữa hai người và cảm giác hạnh phúc khi hẹn ước. Đây là cảnh đêm Nguyên Tiêu năm trước ấm áp ngọt ngào trong hồi ức của tác giả."

“Ai ngờ một năm qua đi, hai người vì một số nguyên nhân bất khả kháng đành kẻ đông người tây. Cho dù đứng giữa phố xá náo nhiệt đêm Nguyên Tiêu, nhìn ánh trăng vẫn long lanh động lòng người, đèn đuốc vẫn rực rỡ chiếu rọi khắp đường, thế nhưng trong số những người qua kẻ lại đông đúc khắp nơi kia lại chẳng hề có bóng dáng đã từng hẹn ước năm xưa. Tác giả ngắm ánh đèn hoa bảy màu trên đường phố, đột nhiên cảm thấy cô đơn và buồn bã giữa bầu không khí phồn hoa náo nhiệt ấy. Vì vậy trong lúc vô tình, nước mắt thấm đầm ống tay áo, chính từ ‘đầm’ này đã bộc lộ hết mọi tâm tư tình cảm của tác giả. Hơn nữa trọn bài thơ đều không nói tới lý do hai người chia ly, lưu lại không gian và cảm giác bất đắc dĩ cho người đọc tự tưởng tượng.

Trọng điểm trong bài từ ‘Sinh tra tử’ của Âu Dương Tu không phải miêu tả đèn hoa và ánh trăng đêm Nguyên Tiêu, mà là so sánh giữa hai tối Nguyên Tiêu, cảnh vật tương đồng song người đã đổi thay, so sánh giữa hiện tại và quá khứ, bi thương và vui vẻ, biểu đạt tình ý và cảm xúc trong cõi lòng. Đây là một bài từ dễ hiểu nhưng lại chan chứa tình cảm.”

Tôi giảng giải bài từ này một lượt, sau đó bảo Ameko chép lại rồi nói cho tôi những tâm đắc và cảm tưởng. Không ngờ lúc Ameko viết đến “đầm lệ”, nước mắt lại thật sự chảy xuống!

“Ameko, sao em lại khóc.”

“Không sao, em chỉ đột nhiên thấy cảm động thôi.”

“Bài từ này không có những câu văn hoa lệ, chỉ có những cảm xúc bình thường nhưng chân thành, quả thật rất cảm động.”

“Thái-san, lúc nữa chúng ta cũng sẽ đến một nơi ‘chợ hoa đèn sáng rực’ à?”

“Đương nhiên rồi. Sẽ có rất nhiều người, rất náo nhiệt, pháo hoa cũng rất đẹp.”

“Nhưng đã hơn chín giờ rồi, mặt trăng đã qua cả cành liễu. Chúng ta đến đó không sợ muộn à?”

“Đừng lo, đợt này sẽ bắn pháo hoa tới tận khuya cho nên chúng ta chỉ cần ‘tan học người hẹn ước’ là đủ.”

“Thật chứ?”

“Ừ.”

Xem ra tâm tư của Ameko đã bay tới tận “chợ hoa” rồi.

“Thật ra Thôi Hộ thời nhà Đường cũng có bài thơ với ý cảnh rất giống bài từ này. Em muốn học không?”

Nhìn đồng hồ đeo tay, vẫn còn chút thời gian, tôi cũng muốn kể cho Ameko điển cố “nhân diện đào hoa”.

“Ừm, đương nhiên là muốn rồi!”

“Có điều, em phải hứa với anh, không được khóc đấy.”

“Em đâu có hay khóc thế chứ, chẳng qua lúc vừa rồi nghĩ tới một chuyện nên mới cảm động thôi.”

“Chuyện gì vậy?”

“Không có gì. Sau này có cơ hội sẽ kể cho anh sau, được không?”

Giọng nói của Ameko mang theo vẻ thương tâm. Tôi nghĩ mình không nên hỏi tiếp.

Bèn lấy giấy viết:

“Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu xuân phong”

(Hôm nay, năm ngoái, cửa cài

Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi

Mặt người chẳng biết đâu rồi

Hoa đào còn đó vẫn cười gió xuân

Người dịch: Trần Trọng Kim)

“Bài thơ này cũng rất dễ hiểu, Âu Dương Tu mượn đêm Nguyên Tiêu để tôn lên cảnh vật vẫn như trước nhưng người đã nơi xa. Thôi Hộ lại mượn ‘hoa đào’, tình cảnh mà hai người biểu đạt rất giống nhau.”

“Thơ ca Trung Quốc thật thú vị, cùng đểu biểu đạt tình cảm tương tư trong lòng mình, có người dùng ‘đầm lệ’ để biểu thị, có người lại dùng ‘cười gió xuân’ để diễn tả.”

“Ồ! Ameko, em thật thông minh. Cho nên thơ từ tiếng Trung chú trọng ở cảnh giới chứ không phải chỉ dựa vào một số câu chữ hoa lệ. Như bài thơ sáu bước rưỡi lần trước, em làm rất tốt.”

Ameko gật đầu rồi cầm bút chép lại bài thơ này một lượt.

Lần này tôi học khôn, quan sát kỹ phản ứng của nàng.

“Ameko, sao em viết tới đoạn ‘cười gió xuân’ lại không cười?”

“Hả? Sao em lại phải cười?”

“Vừa rồi em viết ‘đầm lệ’ đã khóc, giờ là ‘cười gió xuân’ đương nhiên phải cười chứ.”

“Ha ha... Chỉ có anh chọc em cười thôi.”

Cuối cùng Ameko cũng nín khóc mỉm cười, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

“Thái-san, vừa rồi không phải em ‘khóc’ mà.”

“Em đã nhỏ nước mắt, sao không gọi là khóc?”

“Anh dạy em, có tiếng có nước mắt gọi là khóc, còn không có tiếng chỉ có nước mắt gọi là ‘khấp’, có tiếng không có nước mắt gọi là gào. Cho nên vừa nãy em chỉ tính là ‘khấp’ thôi.”

“Ha ha ha... Ameko em đủ lông đủ cánh rồi! Giờ không ngờ còn chỉnh cả thầy giáo nữa.”

“Không dám không dám.” Ameko lè lưỡi, nói tiếp:

“Có điều giờ tới phiên em là cô giáo.”

Hóa ra đã tới tám giờ, tới phiên tôi làm học sinh tiếng Nhật.

“Itakura-san, hôm nay sẽ học cái gì?” Tôi lấy sách ra, cung kính đợi chỉ thị.

“Hôm nay chúng ta ôn tập lại các hình thức của động từ là được, anh vẫn không hiểu đoạn này.”

Ameko đề cao tôi quá, vì những thứ tôi không hiểu, đâu chỉ có đoạn đó.

Ka-Yo-Bi ( hỏa diệu nhật, thứ ba ) và Mo-Ku-Yo-Bi (mộc diệu nhật, thứ năm),

Tới giờ tôi vẫn còn lẫn lộn, không biết đã bị Ameko phạt chép bao nhiêu lần rồi.

Xem thần sắc Ameko, tôi biết nàng cũng mất tập trung.

Hóa ra bất kể là Thái-san hay Itakura-san, hôm nay đều thật rối.

“Itakura-san, chúng ta đừng học nữa, giờ ra ngoài chơi nhé?”

“Không được, học xong đã. Hôm nay anh hư quá!”

Người Nhật quả nhiên vẫn là người Nhật, thật chuyên nghiệp.

Trong lúc tôi bị thì quá khứ, thì hiện tại, thì tương lai khiến cho đầu óc choáng váng, rốt cuộc cũng tới chín giờ.

“Man-zai! Ameko, mình đi ngắm pháo hoa thôi!”

“Hai! Đi thôi!”

Ameko hưng phấn đứng dậy, lộ vẻ không thể chờ đợi nổi nữa.

Đúng là Ba-Ga (ngốc), nếu đã muốn đi như vậy sao phải kiên quyết dạy cho xong?

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Áo Mưa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook