Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Chương 30: Sorry seem to be a hardest word

Genny

04/08/2015

Thi học kỳ xong, đáng lý ra tôi phải học thêm hai tuần nữa thì mới sơ kết học kỳ và được nghỉ Tết. Nhưng vì một lần theo mẹ đi thăm sư phụ của mẹ (và cũng là của bố) tôi bị ngộ độc, kết quả của những bữa tiệc hải sản nhắm mắt ăn bừa, nghe xúi cái gì ngon là bỏ vào miệng cái đó, tôi phải nằm bệnh viện một tuần, và ăn Tết trong phòng cách ly bởi toàn thân bị sùi da hệt như miếng bọt biển (nói thì nghe hơi quá nhưng sự thực thì tôi đã bị ám ảnh tới mức không dám soi gương suốt một năm sau đó). Trong suốt thời gian nằm viện, tôi nhớ tới Liên Châu, và cảm thấy ân hận về những lời nói của mình rất nhiều. Nhưng cái tôi của tôi rất lớn, lại thêm cái tính trẻ con cứng đầu, tôi quyết tâm không một lần liên lạc với bạn bè.

Phải chờ cho tới khi mặt tôi có vẻ dễ coi trở lại, mẹ tôi mới cho tôi tới lớp, nên tôi vào học trễ mất mấy ngày, và không gặp được Liên Châu vì cô nàng đã phải theo đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia học ôn ở một nơi riêng biệt.

Vừa vào học, tôi đã gây chuyện. Chẳng là trường tôi có lệ, khối Mười một năm nào cũng vậy, luôn bắt đầu học kỳ hai bằng một khóa học ngoại khóa hai tuần về hướng nghiệp, đại loại như là sẽ có những khách mời tới nói chuyện với tụi học sinh chúng tôi về các nghề nghiệp tương lai, tụi tôi có thắc mắc gì thì hỏi, khách mời trả lời. Mục đích là để giúp chúng tôi định hướng được sau này sẽ trở thành ai. Chương trình khá hay – tôi nghĩ vậy.

Vì vào học trễ, tôi chỉ biết rằng cả khối học chung ở trên Hội trường Thư viện, chứ không biết phải ngồi theo danh sách như thế nào. Mà có ngồi theo danh sách như thế nào thì có gì quan trọng? Tôi chủ quan nghĩ như thế nên cứ bạ đâu ngồi đó, không thèm chú ý tới ai hết.

Ngày đầu tới trường là tôi đã chọn ngay cho mình được một chỗ ngồi rất tốt ở trong góc, kề cửa sổ, tính tôi vốn cẩn thận, nên vị trí ngồi của tôi phải vừa kín đáo vừa đủ ánh sáng cho tôi đọc sách mỗi lần khách mời nói những gì tôi không thích nghe. Tôi mới ngồi xuống, vừa duỗi chân duỗi tay thoải mái thì chợt nghe có ai gọi giật giọng

- Nè, ở đâu ra vậy?

Nghĩ không phải hỏi mình nên tôi vẫn ung dung lôi sách vở ra. Tiếng nói lại vang lên lần nữa:

- Bạn kia, tui nói bạn đó, bạn điếc hả? Ở đâu ra ngồi ghế của người ta vậy?

Lúc này tôi mới lờ mờ đoán rằng người ta đang hỏi mình, bèn ngẩng đầu lên. Người hỏi tôi là một cô gái, tôi trông cũng có vẻ quen quen, nhưng không nhớ là học lớp nào. Tưởng tôi không nghe, cô ta lặp lại lần nữa:

- Bộ điếc không nghe người ta nói hả?

Tôi nhìn quanh.

- Bạn hỏi Nhi hả?

- Chớ tui khùng đâu đi hỏi phong long? Ghế ngồi này là của tui, tới ngồi ngon lành như thiệt vậy? Làm ơn né ra đi.

- Cái gì mà ghế của bạn? – Tôi không hiểu. – Bạn có ghi tên lên đây không? Quy luật đương nhiên, ai thấy thì ngồi, đừng nói chuyện buồn cười.

- Ai mắc cười? Nói người ta thì làm ơn nhìn lại mình đi.

Tôi trước giờ không thích nói nhiều, nhất là đối với người mà mới nhìn mặt tôi đã thấy không ưa, tôi bèn co chân đá dẹp đống bàn ghế sang một bên, tạo ra một khoảng trống. Cô bạn đang ngoác mỏ tính nói thêm gì đó, thấy vậy, lập tức lùi lại mấy bước.

- Nè… nè…

- Nè nè cái gì mà nè nè? – Tôi nói, khó chịu. – Ghế của bạn đó, mang ra chỗ nào ngồi tạm đi.

- Nhưng…

- Tôi trả ghế cho bạn đó, còn đòi gì nữa?

Nói rồi, tôi thản nhiên kéo chiếc ghế khác tới vị trí cũ, ngồi xuống.

Cô bạn tức sùi bọt mép, hậm hực chạy đi.

Tôi ngồi ngó quanh, trống vào học đã điểm, học sinh cũng đã tập trung vào phòng học khá đông, mà tôi vẫn không thấy Phương Thảo, Trịnh Giang hay mỹ nhân đâu cả.

Đang ngồi phân vân giữa một đám người xa lạ nãy giờ cứ nhìn tôi chăm chăm, tôi chợt thấy có một cậu chàng đi tới tới trước mặt tôi, dáng vẻ cũng có chút uy quyền lắm, theo sau là cô bạn đanh đá lúc nãy.

- Bạn làm ơn trả chỗ ngồi này cho bạn mình được không?

- Tại sao? – Tôi ngạc nhiên.

Cậu chàng cũng ngạc nhiên không kém, nhưng vẫn nhẫn nại giải thích.

- Là vì đây là chỗ ngồi đã được chỉ định từ trước, tụi mình phải ngồi theo nhóm nghề tương lai.

- À… – Tôi nói. – Vậy à? Đây là nhóm nghề gì vậy?

- Bác sỹ. – Cô bạn có thêm đồng minh, lập tức trở nên dũng cảm, láu táu chen vào.

- Vậy thì mình cũng sẽ làm bác sỹ. – Tôi nói tỉnh queo.

- Bạn đã đăng ký ở thầy giám thị chưa? – Cậu chàng nhìn tôi với cặp mắt của một đứa trẻ đang nhìn thấy cái máy bay đầu tiên trong đời. – Tụi mình phải đăng ký với thầy giám thị mỗi khi muốn thay đổi nghề nghiệp, và khi có lý do chính đáng thì mới được sắp xếp lại chỗ ngồi.

- Lại còn thế nữa. – Tôi làu bàu.

- Tập dần cho quen với những thủ tục xã hội đi bạn. – Cậu chàng an ủi tôi. – Trong tương lai tụi mình còn gặp nhiều chuyện còn rắc rối hơn nữa mà.

Hiểu rõ chuyện, mà cũng là nể mặt anh chàng đẹp trai, tôi đành từ biệt chỗ ngồi quý giá, hậm hực đứng lên đi tìm chỗ ngồi khác.

Tôi đang đi loanh quanh để tìm chỗ trống thì có hai người bước vào, tôi đang đi vòng vòng nơi cuối lớp nên không chú ý, khi thấy học sinh đứng lên hết thì mới quay lên nhìn, không phải thầy ổ tệ nạn, là một thầy khác, lạ mặt, tôi chưa gặp bao giờ. Trong lúc vị khách mời – là một vị giáo sư hói đầu – đang chuẩn bị máy chiếu cho bài nói chuyện thì ông thầy nhìn tôi chằm chằm, tôi cũng đành chằm chằm nhìn lại.

- Cả lớp ngồi xuống. – Hỡi ơi, nghe chất giọng khàn khàn như vọng lên từ âm phủ này, tôi nhớ thầy ổ tệ nạn biết bao nhiêu. – Còn cô kia, trống đã đánh rồi tại sao còn lang thang? Vị trí ngồi của cô đâu?

Lúc này tôi mới hiểu tại sao tôi không thể tìm ra Phương Thảo, Trịnh Giang và mỹ nhân, bởi ba người ấy đang ngồi rải rác mỗi người một nơi.

- Em… – Tôi cố gắng tỏ ra dễ thương nhất có thể. – Em chưa biết mình ngồi ở đâu.

- Tại sao lại không biết mình ngồi ở đâu? Vô học một tuần rồi, vẫn chưa biết mình ngồi ở đâu? Cô giỡn mặt tôi à?

Và không kịp để tôi thanh mình, liền chỉ tay ra ngoài cửa.

- Cô bị sa thải vì vô kỷ luật. Ra ngoài đó đứng cho tới hết giờ.

Tôi không biết phải nói sao, chỉ biết trố mắt lên, rồi muối mặt đi qua hàng trăm con mắt đang nhìn theo, ra khỏi cửa.

Lâu lắm rồi tôi mới lại bị phạt đứng ngoài hành lang. Lần gần nhất là năm tôi học lớp tám, vì tội đọc truyện trong giờ học, không chú ý nghe giảng, còn hôm nay là tội vô kỷ luật. Nếu tôi lập một danh sách các tội danh khiến tôi bị phạt đuổi ra khỏi lớp có lẽ cũng phải mất hai ba tờ A4.

Đằng nào cũng rảnh, thời tiết lại đẹp, tôi leo tót lên ngồi trên lan can, lôi vở ra sáng tác thơ.

Đang nhìn mây nhìn gió tìm tứ thơ, tôi chợt thấy tên trời đánh, hắn đang ôm một đống sách, từ thư viện đi ra. Mới vài tháng không gặp, hắn có vẻ lớn lên nhiều, lại còn bày đặt để râu, khiến hắn không còn vẻ baby nữa, mà có nét gì đó bụi bụi, không phải tôi bản lĩnh cao cường thì đã hẫng người mà ngã lăn xuống đất. Thấy tôi tới giờ học rồi mà vẫn còn ngồi trên lan can đung đưa chân thì hắn ngạc nhiên lắm, dừng chân suy nghĩ một lát, rồi trí tò mò đã chiến thắng, hắn lò dò lại gần tôi.

- Sao Nhi ngồi đây?

Tôi ban đầu đã giả bộ không nhìn thấy hắn, nên khi nghe hắn hỏi, mới ngẩng đầu lên, ra vẻ ngạc nhiên.

- Ủa, nghe nói đi học bồi dưỡng chuẩn bị đi thi Quốc gia gì đó mà? Sao cũng đang ở đây?



Hắn cười.

- Mình tới thư viện mượn mấy cuốn sách tham khảo. Còn Nhi sao không vô lớp?

- À… – Tôi lãng đãng. – Trời đẹp quá, ngồi trong lớp thì cảm thấy hơi uổng, nên ra đây làm thơ.

Hắn gật gù theo kiểu, Nhi nói gì cũng đúng.

- Vậy à?

- Ừ.

Tôi đáp rồi im lặng. Hắn cũng không biết nói gì, nhưng không hề tỏ ý muốn rời đi. Trong một phút, chúng tôi không ai lên tiếng. Chẳng biết hắn thế nào, còn tôi hoàn toàn chẳng nghĩ được gì, muốn nói chuyện gì đó vui vui, nhưng lại chẳng biết nên nói gì để chứng tỏ mình cũng là một người thú vị.

- À… – Hắn làm ra vẻ nhớ ra điều gì đó. – Nhi với Phan Anh sao rồi?

- Sao cái gì? – Tôi giật mình hỏi lại.

Hắn có lẽ thấy ngượng nên không lặp lại câu hỏi, mà đáng trống lảng

- Nhi có vẻ ốm.

- Hồi trước Tết bị dị ứng hải sản. – Hắn đã quan tâm tới tôi, tôi cũng nên trả lễ lại cho phải phép. – Vậy bạn với bạn gì đó quán Bố già sao rồi?

Hắn tỏ ra lúng túng.

- Đâu có chuyện gì đâu.

- Vậy à?

- Ừ.

- Còn với Băng Tâm?

- Băng Tâm? – Hắn hoang mang. – Không … không có chuyện gì với Băng Tâm hết.

- Thật à?

- Thật.

Khỉ thật, tôi lầm bầm, những gì cần hỏi, hỏi hết rồi, phải nói gì bây giờ.

Tôi không phải khó xử lâu, vì từ trong, Phan Anh đã lọt tọt đi ra.

- Mình cũng bị phạt đứng hành lang.

Phan Anh nói đơn giản, nhưng đối với tôi thì đúng là sét đánh ngang tai. Tên trời đánh cũng kinh hoàng không kém gì tôi.

Thầy giám thị đi ngay phía sau, mặt đỏ bừng vì giận.

- Em xuống đây ngay. – Ông thầy rít lên. – Ai cho phép em ngồi trên lan can?

Tôi tuột xuống. Ông thầy lôi bút và sổ ra.

- Tên, lớp?

- Thưa thầy, em là Nguyễn Hạ Nhi, Mười một Văn.

- À, đúng như tôi đoán. Tôi được nghe tên em rồi. Em nên nhớ là tôi sẽ không nương tay đối với những học sinh như em đâu.

- Em nghĩ thầy nên nói chính xác là những học sinh tuyệt vời như em. – Tôi sửa lại.

- Đừng nghĩ tôi chỉ làm thế công việc cho thầy giám thị cũ của các em mấy ngày thầy ấy về quê cưới vợ mà nghĩ tôi sẽ cho các em tự do muốn làm gì thì làm. Tôi không bao giờ chấp nhận những học sinh dám coi thường nội quy của tôi.

Tôi chẳng chú ý gì tới lời đe đọa, cái tin thầy ổ tệ nạn cưới vợ làm tôi sung sướng tới nỗi cười ngoác miệng.

- Thầy ổ tệ nạn cưới vợ ạ? Thầy có chắc không ạ? Rút cục thì cũng có một cô gái lấy thầy ấy ạ?

- Phải. – Thầy giám thị trả lời tôi gọn lỏn và quay sang Phan Anh. – Tên, lớp?

- Mình đi trước đây. – Tên trời đánh nói. – Nhi học vui vẻ nhé!

- Bạn cũng học chăm chỉ nhé. – Tôi trả lời lại.

- Ừ. – Hắn cười, tuy nụ cười không tươi lắm những cũng đủ để lại một lần nữa đốn gục trái tim tôi.

Quái thật, cách đây mấy tháng tôi giận hắn vì lý do gì không biết nữa?

Tôi với Phan Anh cùng bị phạt, phải lên phòng giám thị viết bản kiểm điểm. Tranh thủ lúc thầy giám thị ra ngoài, Phan Anh quay sang hỏi tôi.

- Nhi giận mình phải không?

- Không. – Tôi chối ngay. – Bạn làm gì Nhi mà Nhi phải giận bạn chứ?

Phan Anh quan sát tôi một lúc. Tôi làm ra vẻ vô tội nhất quả đất, trơ mắt ra nhìn lại. Đôi mắt cố tình tỏ ra long lanh, long lanh (thiếu nước phống má chu mỏ lên là giống mấy cô nàng hot girl thời nay hay chụp hình tự sướng post lên mạng).

- Không giận thì tốt.

Phan Anh nói và cúi xuống viết tiếp bản kiểm điểm (tội chơi điện tử trong giờ làm việc!).

- Trẻ con quá đi.

Tôi nói, và Phan Anh mỉm cười.

- Ừ, trẻ con thật.



Cuối cùng thì chuyện trong lớp ngoại khóa cũng đã được giải quyết. Tôi chọn vào nhóm giải trí, cùng nhóm với Thanh Trang – người có ước mơ sẽ trở thành Hoa hậu Việt Nam.

Mỹ nhân ban đầu có trách tôi vì tội đã không thèm liên lạc gì với bạn bè suốt thời gian nghỉ Tết, nhưng khi nghe tôi nói tôi bị ngộ độc phải nằm viện, đã tỏ ra hết sức lo lắng cho tôi, luôn miệng xuýt xoa như thể chính mình mới là người bị nằm phòng cách ly. Ấy vậy mà chỉ một lát sau, đã công khai không thèm thân mật với tôi như trước, tôi hỏi gì cũng chỉ trả lời nhát gừng. Trịnh Giang và Phương Thảo tuy vẫn nói chuyện bình thường với tôi, nhưng cảm giác dành cho tôi, rõ ràng là đã khác xưa. Tôi đâu ngu tới nỗi không biết, tất cả là lỗi tại tôi. Tôi đã quá nóng giận và phạm một sai lầm khủng khiếp.

Nhưng mở miệng để xin lỗi, quả là rất khó. Có một bài hát rất hay về đề tài này, tên của nó là Sorry seem to be the hardest word. Một cái tựa tóm gọn chân lý của hàng ngàn năm văn minh loài người.

Hàng tuần liền tôi nghĩ cách xin lỗi Liên Châu, viết thư, gọi điện, gặp mặt trực tiếp, cách nào tôi cũng diễn đi diễn lại hàng trăm lần, nhưng chẳng lần nào tôi cảm thấy hài lòng.

- Thì em cứ xin lỗi bình thường thôi.

Ông anh khờ đang bận tối mắt với lịch học dày đặc, vẫn còn dành thời gian để cho tôi lời khuyên.

- Xin lỗi bình thường là như thế nào?

- Là nói xin lỗi, rồi cùng nhau làm một ván M.U Online, nhường cho nó thắng mấy trận cho nó vui.

Mong là sau này ông anh khờ không xin lỗi bạn gái của ổng theo cách đó. Thấy tôi phân vân (thực ra là đang nghĩ xem nên khuyên ngược trở lại ông anh như thế nào) ông anh chốt hạ một câu.

- Anh sống lâu hơn em, anh biết, nghe lời nói thật của anh đi, đã là bạn bè, thì đừng giữ tự ái với nhau. Gặp mặt, xin lỗi một câu, đơn giản vậy thôi.

Tôi chưa có cơ hội thực hiện lời khuyên của ông anh, một buổi chiều nắng nhẹ, đang ngồi è cổ phân tích hay bình giảng gì đấy một bài thơ, tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo, bác gái cầm máy, sau đó gọi tôi.

- Hạ Nhi, có bạn tìm gặp cháu.

Tôi có cớ thoát khỏi mớ chữ nghĩa sáo rỗng, vui mừng buông bút chạy ra ngay. Vừa ghé điện thoại vào tai, đã nghe bên kia giọng Liên Châu nức nở:

- Nhi à, tới nhà chở Châu đi đâu đó được không?

Tôi đạp xe lòng vòng trong lúc Liên Châu ngồi đằng sau lưng tôi, thút thít khóc. Vừa khóc vừa kể lể.

- Khi Châu thi được thì nói Châu gặp may, giờ Châu thi không được thì nói này nói nọ Châu. Châu đâu có làm gì họ mà họ ghét Châu? Không chỉ một lần này, còn nhiều lần trước nữa, Châu không muốn nói, Châu không nói họ làm tới hoài, họ coi Châu như cái thứ gì đâu…

Kể rồi lại khóc một chặp, khóc xong, lại kể:

- Nhi biết không, trong lớp học bồi dưỡng, chỉ có một mình Châu học lớp mười một, thầy cô giáo có quan tâm tới Châu một chút, họ cũng nói Châu này nọ. Trong lớp không ai thèm nói chuyện với Châu. Châu hỏi gì họ cũng không chỉ. Lần này Châu thi rớt, hài lòng họ rồi đó.

Tôi chẳng biết nói gì, im lặng đạp xe.

- Châu mệt mỏi lắm Nhi à. – Liên Châu nói đầu chạm nhẹ vào lưng tôi. – Cố gắng hết sức rồi lại chẳng đạt được gì hết… chẳng ai biết là Châu đã cố gắng… chẳng ai biết đêm nào Châu cũng chỉ có thể đi ngủ vào lúc hai giờ sáng, năm giờ đã phải thức dậy học bài tiếp. Nhi à, thực ra Châu đâu có hoàn hảo đâu, để giữ hình tượng, Châu lúc nào cũng phải nỗ lực gấp đôi người khác, lúc nào cũng phải cố gắng hết sức. Mười mấy năm qua, lúc nào cũng vậy, Châu mệt mỏi lắm.

- Vậy thì Châu đừng cố gắng nữa. – Tôi nói. – Châu cứ là Châu thôi, dù Châu thế nào đi chăng nữa, Nhi hay Phương Thảo hay Trịnh Giang cũng vẫn là bạn của Châu.

- Ừ, Châu biết. – Liên Châu nói nhỏ nhẹ. – Nên khi Châu buồn muốn khóc, người đầu tiên Châu nghĩ tới là Nhi.

Tôi bất giác cảm thấy cay cay nơi sống mũi.

- Nhi xin lỗi.

Cuối cùng tôi cũng nói được. Liên Châu sịt mũi.

- Nhi trẻ con quá đi.

Im lặng một lát, Liên Châu lại nói tiếp.

- Được Nhi chở đi như thế này, Châu hết buồn rồi, giờ lại thấy đói bụng, tụi mình đi ăn gì đó đi.

Sau khi ăn hết hai cốc chè, Liên Châu ngước đôi mắt sưng mọng lên nhìn trời.

- Châu sẽ không buồn vì chuyện thi rớt này nữa đâu.

Tôi gật đầu tán đồng.

- Cảm ơn Châu, Nhi cũng hết sức chở Châu đi lang thang rồi.

Liên Châu cười, lộ má lúm đồng tiền rất dễ thương.

- Châu hứa với Nhi, khi Châu đi được xe máy, Châu sẽ chở Nhi đi chơi một ngày luôn.

Tôi tin ngay lập tức. Mười năm qua rồi, cảnh cũ, người xưa, lời hứa ngày nào, còn ai nhớ?

Thấy tôi và Liên Châu hôm sau đi học cùng với nhau, nói cười vui vẻ như chưa từng xảy ra chuyện gì, mỹ nhân vui lắm, luôn miệng lặp đi lặp lại “mình biết mà” với Trịnh Giang và Phương Thảo.

Sau khi tôi và Liên Châu lập lại hòa bình với nhau, bỗng nhiên một chuyện lạ xảy ra với tôi, tôi học Hóa giỏi kinh khủng. Sự tiến bộ vượt bậc của tôi đã được thầy dạy Hóa kết luận bằng một từ: thần kỳ. Ngay đến cả chính tôi cũng không thể tin vào kết quả học tập của bản thân mình.

Nhưng tôi mới vừa thoát khỏi bóng ma của môn Hóa, thì một hung thần khác ập tới đe dọa cuộc sống bình yên vừa mới được thiết lập của tôi. Tên của nó là: Tin học.

Tôi từ nhỏ tới lớn chưa từng sờ vào máy vi tính, kể cả khi ở nhà bác bạn của bố, có một đôi lần ngồi nhìn ông anh khờ đánh điện tử, nhưng cũng chưa hề có ý định đụng chạm vào (lý do là vì Phương Thảo nói máy tính có thể phát ra tia gì đó làm hỏng da). Tôi đâu có ngờ một ngày, tôi lại khốn đốn với cái thứ máy móc này đến thế.

Thầy “không giống ai” dạy lớp chúng tôi, mấy bài học đầu chỉ học lý thuyết giới thiệu khách quan này nọ cái gì đấy, cũng chỉ cần học thuộc lòng, không đáng chú ý. Trong giờ học, thi thoảng tôi còn lén đọc truyện tranh. Nhưng sau đó, có một lần tôi phát hiện ra, thầy “không giống ai” không dùng tiếng Việt để dạy học, mà dùng cái thứ tiếng gì đó, mà tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Tôi kinh hoàng tới nỗi mất tự chủ, chọc luôn đầu bút mực vào ngón tay. Môn Tin học dần dần, từng bước trở thành cơn ác mộng đối với tôi. Những tiết học trở nên dài lê thê, lời thầy giáo nói hệt như bùa chú của phù thủy, còn thứ được viết trên bảng kia, trong mắt tôi, trông không khác gì đám giun đang nhảy múa. Có nằm trong nhà ma, đọc hàng đống cuốn truyện kinh dị toàn tập cũng không làm cho tôi sợ đến thế. Mỗi lần nhìn thấy thời khóa biểu có tiết Tin học, là tôi lại muốn phát ốm.

Mỹ nhân cũng chẳng khá khẩm hơn gì tôi, mỗi lần nghe trống đánh hết giờ mà tiết sau là tiết Tin học, mặt nàng trở nên trắng bệch, cắt không còn giọt máu.

Không để tình trạng này kéo dài, tôi đành nhờ tới ông anh khờ, ông anh lục đâu đó trong giá sách, rồi lôi ra cho tôi mấy cuốn sách dày cộp.

- Em đọc xong chỗ này, đảm bảo không trên chín phẩy, cứ cắt đầu anh đi.

Tôi cầm chồng sách trên tay, tần ngần.

- Có cuốn nào mỏng hơn không ông anh? Em chỉ cần trên năm phẩy là được.

Ông anh suy nghĩ một lát, sau đó tìm cho tôi cuốn vở ghi bài của ổng.

- Em coi đề kiểm tra có bài nào tương tự trong đó thì mở ra mà chép, nhắm mắt làm bừa chắc cũng được trên năm điểm.

Tôi giở cuốn vở nhem nhuốc, quăn queo ra xem, chữ xấu kinh lên được. Nếu vô tình mà nhìn thấy không có lời giới thiệu, tôi hẳn sẽ tưởng đâu ông anh mới chôm về từ triển lãm những cổ thư thời Ai Cập cổ đại. Nhưng có còn hơn không, đành phải coi nó như báu vật, cũng yên tâm hơn một chút.

Chuyện khó khăn của tôi cũng đã được giải quyết. Chỉ còn lại mỹ nhân…

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook