Giấc Mộng Đêm Hè

Bầu trời như mặt biển phẳng lặng, không một gợn mây. Cả không gian được bao trùm bởi ánh nắng chói chang, nóng nực và hanh khô. Nhưng chắc ai cũng biết, dù hè có nóng hay khó chịu đến mức nào thì cũng vẫn là thiên đường của lũ trẻ nhỏ. Trong đó tất nhiên là có tôi.

Hè – Chẳng phải dậy sớm mỗi sáng với tâm trạng mệt mỏi, chẳng phải vừa đến trường vừa gặm bánh mì, chẳng phải ngồi ngáp ngắn ngáp dài trong lớp và cũng chẳng phải bơi trong đống bài tập với những chữ cái và con số khó hiểu.

Hè là lúc đắm chìm trong những cuộc chơi giữa trưa nắng mà không vướng bận bất cứ điều gì. Và tôi đang tận hưởng mùa hè thứ mười trong cuộc đời, mùa hè tuyệt đẹp với những bài học mà suốt những năm tháng sau này tôi không bao giờ quên được.

Theo bạn một cô bé mười tuổi sẽ làm gì vào ngày hè? Chơi búp bê? Đọc truyện tranh? Xem phim hoạt hình cả ngày? Tiếc là tôi có tính cách không giống những đứa con gái khác.

Tôi thích đá bóng, vật lộn, hò hét rầm trời với những thằng con trai trong xóm. Bắn bi, đá cầu,… không món nào là tôi không chơi được. Thậm chí là chơi giỏi nữa kìa. Với những sở thích chẳng khác gì con trai ấy của tôi đã không ít lần làm mẹ phiền lòng. Mẹ đưa ra cho tôi một mớ luật lệ mà đứa con gái nào cũng cần phải có. Nào là đi đứng nhẹ nhàng, nói năng dịu dàng, không được cười hô hố mà phải mỉm chi…Và mẹ đặc biệt cấm tôi đá bóng trong nhà vì đã không ít lần tôi làm đổ vỡ bao nhiêu thứ. Nhưng rất may là chưa lần nào tôi làm vỡ những đồ vật quan trọng nên những lần bị mẹ mắng tôi đều cười khì khì rồi chạy lại ôm mẹ nũng nịu, dụi đầu vào lòng mẹ xin lỗi với giọng đầy tha thiết. Khỏi phải nói, mẹ âm yếm tặng cho tôi một cái lườm rồi bỏ qua cho hết. Vậy là tôi lại cứ sống những ngày bình yên với những trò nghịch ngợm của mình mà không hề biết rằng tai họa lớn đang chờ ngày xuất đầu lộ diện.

***

Một ngày hè lại bắt đầu với nắng nhạt, tôi lăn lóc trên sàn nhà một cách lười biếng, đưa con mắt thèm thuồng nhìn ra ngoài đường. Cha mẹ đi làm từ sáng sớm, tôi ở nhà một mình với nỗi tuyệt vọng là chẳng thể đi đâu chơi mà phải ở nhà trông nhà. Ôi cái tuổi thơ quái quỷ của tôi! Tại sao lại luôn gắn liền với việc trông nhà và giương mắt nhìn lũ bạn chơi đùa ngoài đường qua cánh cửa cổng được khóa chặt bởi cái ổ khóa chần dần kia chứ? Thật là bất công quá mà.

Sầu não một lúc, tôi bò vào góc tường, lôi ra trái bóng màu xanh mà tôi đã phải nài nỉ cha mua cho mấy trăm lần mới có được. Nhìn ngắm nó mãi cũng chán, tôi quyết định hú mấy thằng bạn ngoài đường đang chơi trò đuổi bắt.

“Ê Bờm! Tao có trái bóng, chơi đá bóng không?”

Thằng Bờm nghệch mặt ra nhìn tôi đang đứng sau cánh cổng. Nó nhíu mày, đưa giọng cười lớn với đám bạn của nó.

“Con Hoa nó điên rồi tụi bây. Bị nhốt mà đòi đá bóng. Haha.”

Cả đám chuyển ánh mắt sang phía tôi rồi đứa nào đứa nấy cười hô hố nghiêng ngã ra cả. Có gì mà mắc cười chứ, tôi vừa bị quê vừa tức, hét lớn.

“Tụi bây mới điên á. Đá bóng trên đất lăn qua lăn lại xưa rồi.”

“Chớ mày đòi đá bóng trên trời à?” Thằng Bờm cười ha hả. Cái giọng cười như châm chọc tôi vậy.

“Ừ. Đá trên trời, tụi bây đúng là lỗi thời.”

Tôi nghênh nghênh cái mặt ra vẻ tự đắc với mấy thằng bạn ngoài kia. Tôi phải tự công nhận mình là thiên tài khi nghĩ ra trò đá bóng trên trời, dù có bị nhốt trong nhà cũng có thể chơi đùa thỏa thích.

Thấy có trò lạ, mấy thằng bạn tò mò chạy lại hỏi rối cả lên. Giọng thằng Tép Mập là to nhất.

“Chơi sao mày? Nghe hấp dẫn ghê. Cho tao chơi với.”

Tôi đứng trong sân cười hô hố rồi ra luật chơi cho cả bọn.

“Tao đứng trong này, đá trái bóng qua cổng, tụi bây phải chụp được trái bóng, rồi đá lại cho tao. Đứa nào không chụp được hay dính cổng thì phải thụt xì dầu mười cái. Thấy sao?”

“Nghe hay đó mày.”

Mấy thằng bạn đều đồng ý, thế là trái bóng được đá qua đá lại qua cái cổng cao gần hai mét. Lúc đầu tụi nó đá còn nhẹ nhẹ, sau mấy lần bị dính cổng phải thụt xì dầu oan uổng, chúng nó đá trái nào trái nấy bay cao thiệt cao nhưng tôi đều chụp được hết.

Đến lượt thằng Tép Mập, nó là đứa bị thụt xì dầu nhiều nhất. Kiểu như bị ấm ức dồn nén, nó giơ chân đá trái bóng bay một phát thiệt mạnh, không phải cao vút nhưng qua được cánh cổng, tôi nhảy lên, tay tôi chạm vào trái bóng nhưng lại không bắt được. Trái bóng đổi hướng bay thẳng vào trong nhà và một tiếng “xoảng” vang lên, sau đó là tiếng sủa ầm trời của con Mực và con Đen ở phòng khách, chắc bị tiếng đổ vỡ làm cho chúng giật mình. Cả đám nhìn nhau hoảng hồn, thằng Tép Mập mặt cắt không ra giọt máu, miệng lắp bắp.

“Tại mày… giơ tay… chụp không trúng nha Hoa. Tao không biết đâu.”

Tôi đứng ngơ ngác, nhìn vào trong nhà, lần này không biết đã vỡ cái gì rồi, chỉ cầu mong không phải bình hoa ở phòng khách. Mẹ xem cái bình hoa ấy như báu vật, nó mà vỡ coi như lần này tôi xong đời. Quay nhìn ra đường, tôi càng ngơ ngác hơn nữa. Mấy thằng bạn nó chạy đâu hết cả, chỉ còn lại chiếc lá khô bị gió thổi nhẹ bay loẹt xoẹt trên mặt đường.

Không còn ai cho tôi than vãn hay đổ lỗi, tôi vắt giò lên cổ chạy vào nhà. Ôi cái cảnh tượng còn hơn trong phim Ngày tận thế. Điều tôi lo sợ nó đã xảy ra, cái bình hoa của mẹ nằm nát bét dưới đất, nước và hoa bay tung tóe khắp cả phòng. Thôi rồi, lần này thì tôi xong đời thật rồi. Mẹ sẽ đánh dập mông tôi mất.

Trong lúc loay hoay không biết phải làm sao thì ánh mắt tôi bất chợt dừng lại nơi con Mực đang nằm. Một ý tưởng hay nhất từ trước đến nay lóe lên trong đầu tôi, lần này có thể trốn tội thành công rồi. Tôi lấy lại tinh thần, vui vẻ dọn dẹp mọi thứ và chờ đợi mẹ về để báo cáo tình hình. Tất nhiên tôi không quên giấu trái bóng của mình vào góc tường. Sắp có trò vui rồi. Haha.

***

5 giờ chiều.

Mẹ về nhà với tay đầy những đồ ăn cho buổi tối, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng thấy mẹ về tim tôi đập đến mức muốn bay ra ngoài, hồi hộp chờ mẹ phát hiện ra sự biến mất của cái bình hoa. Và mẹ cũng đã nhận ra sự trống vắng trên chiếc bàn ở phòng khách.

“Hoa! Cái bình hoa mẹ để ở đây đâu rồi?”

Tôi hít một hơi thật sâu, màn kịch bắt đầu thôi nào. Tôi mếu máo trông xấu nhất có thể, giả vờ khóc bù lu bù loa nhìn mẹ.

“Hồi trưa con Mực với con Đen cắn nhau… hức… đâm đầu vào cái bàn… hức… bình hoa rớt bể tan tành rồi mẹ"

“Cái gì? Làm gì mà tụi nó cắn nhau được?” Mặt mẹ đỏ phừng phừng, nhìn như thể đã chuẩn bị đánh cho hai con chó một trận vậy.

Tôi hơi hoảng nhưng cũng kịp lấy lại bình tĩnh, tiếp tục mếu máo “Con không biết… hức… tụi nó tự nhiên…”

Chưa kịp nói hết câu mẹ đã bỏ mặc đi xuống bếp. Rất nhanh sau đó mẹ đi lên với hai cái dây xích. Mẹ lôi hai con chó ra ngoài. Xích chúng ngay căn nhà nhỏ ở ngoài sân mà cha mua cho chúng từ lâu, nhưng chưa bao giờ cha để chúng nằm ở trong ấy cả. Mẹ chỉ tay vào mặt hai con cún, nói với giọng như răn đe.

“Đêm nay tao phạt hai đứa bây ngủ ở ngoài này. Nuôi tốn cơm tốn gạo toàn thích phá nhà phá cửa.”

Nói xong mẹ vùng vằng đi vào trong nhà, tiện thể quát thẳng vào mặt tôi “Con cũng đi tắm đi, muốn bệnh đấy à? Ở nhà mà cũng không trông coi được hai con chó.”

Hơ. Hay nhỉ? Tại sao tôi cũng bị mắng lây thế này? Nhưng vẫn may là không bị mẹ xích ngoài ấy. Dù là hè nhưng đêm xuống vẫn lạnh lắm. Tôi “Dạ” một cái thật to rồi tung tăng đi vào nhà tắm, mặc kệ ánh mắt của hai chú cún nhỏ đang nhìn mình.

***

Đêm xuống, cơn mưa chợt đến, càng lúc càng nặng hạt. Cha đang xem tivi nhưng chốc chốc lại ngó ra ngoài sân.

“Mình à! Em để hai con chó ngoài ấy, đêm nay…”

“Anh đừng nói nữa. Em không cho chúng vào nhà đâu. Cái bình hoa mà mẹ em tặng bị chúng làm vỡ tan nát cả rồi. Ngoài ấy cũng có chổ cho chúng trú chứ có phải ngoài mưa đâu mà anh lo.” Mẹ làm một tràng dài rồi bỏ vào phòng, để mặc cha ngồi đó chẳng nói được lời nào.

Tôi cũng cảm thấy hơi áy náy về việc làm của mình, nhưng biết sao được, tôi chẳng thể dũng cảm đến mức nói ra việc tày trời của mình được. Là bình hoa của bà ngoại cơ đấy, thảo nào mẹ quý đến vậy. Áy náy là vậy nhưng tôi vẫn leo lên giường nằm ngủ như thể mình chỉ là kẻ qua đường, không liên quan đến việc này vậy.

Nằm trong chăn ấm nệm êm giữa cái gió lạnh của cơn mưa, tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Buổi sáng tôi thức dậy, trở nhẹ mình. Tôi nhận ra có gì đó thật khác biệt. Choàng dậy, đôi mắt tôi mở to hết cỡ. Chân tay tôi sao toàn lông thế này? Nhưng sao lại nhỏ nhắn… Nhảy xuống giường. Đứng trước gương, tôi như muốn sụp đổ. Chuyện gì đã xảy ra thế này? Trong gương không phải là thân hình quen thuộc của tôi mà là thân hình của một chú chó, một chú chó có bộ lông bết dính, dơ bẩn.

Sự hoảng loạn ùa đến không kiểm soát. Tôi chạy ra khỏi phòng, miệng cố gắng kêu mẹ nhưng những tiếng phát ra chỉ là tiếng sủa “gâu gâu” của một con chó thật sự. Tôi sợ hãi chạy ra ngoài sân, bắt gặp ánh mắt chán ghét của hai con chó Mực và Đen và tiếng la hét của mẹ.

“Trời ơi! Ở đâu lại có con chó gớm ghiếc thế này? Đi ra ngoài ngay.”

Mẹ thẳng tay lấy cây chổi đang cầm trên tay xua đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi điên loạn gào tên mẹ, van xin đủ kiểu nhưng chỉ toàn là tiếng chó sủa. Càng gào thét tới đâu tiếng chó sủa phát ra tới đó, chính điều ấy làm mẹ càng la hét và mạnh tay đuổi tôi ra khỏi nhà. Tiếng la hét của mẹ làm cha chạy ra, nhưng cánh cửa cổng đã khép lại, cha chỉ kịp nhìn thấy tôi rồi dìu mẹ vào nhà. Tôi chẳng thể nói gì, chẳng thể thanh minh, cũng chẳng thể giải thích tôi chính là con gái của họ.

Chẳng thể ngồi mãi trước nhà, tôi đành lang thang khắp nơi. Ngoài đường xe cộ tấp nập, người người qua lại nhưng chẳng ai để tâm tới con chó hôi hám và có bộ lông bết dính như tôi cả. Đi mãi cũng đuối sức, tôi chui vào một ống cống, cuộn tròn mình, tôi chìm vào giấc ngủ.

Tôi mơ về những lúc nũng nịu mẹ, mơ về bàn ăn đầy ắp thức ăn và những lần tôi bỏ mứa, mơ về việc tôi đã đổ lỗi cho những chú chó của mình. Có lẽ đây chính là hình phạt của tôi chăng? Đang mơ màng, tiếng chó sủa đâu đó lôi tôi ra khỏi những giấc mơ. Trước mặt tôi là những con chó hoang, chúng đang cắn nhau, giành giật một nửa ổ bánh mì bị ai đó vứt đi. Bất chợt một con chó to lớn lao vào người tôi, sủa liên hồi như đuổi tôi đi khỏi lãnh thổ của nó. Khuôn mặt dữ tợn của nó làm tôi giật mình, tôi hoảng sợ bỏ chạy ra khỏi nơi ấy. Bên ngoài này, ngay cả loài chó cũng phải tranh giành nhau để sống, vậy mà tôi được cha mẹ cưng chiều lại không biết trân trọng, đôi khi chỉ biết cãi bướng và lì lợm.

Lại tiếp tục chuyến đi lang thang của mình, bụng tôi đã bắt đầu reo hò. Giữa trưa, cái nắng của tháng bảy chói chang hơn bao giờ hết. Không thức ăn, không bóng mát, tôi gần như kiệt sức. Đi mãi cuối cùng cũng thấy một bóng mát nhỏ, tôi nằm vật ra, cổ họng khô rát và cái đói cồn cào. Tôi nhắm mắt lại, mặc kệ cho số phận đưa đẩy, nếu đây chính là hình phạt thì tôi thật sự đã rất hối hận với những gì mình đã làm rồi.

Một lần nữa tỉnh giấc sau cơn mê, trời đã về tối, không khí hanh mùi đất và những giọt mưa lại bắt đầu rơi. Cái nóng bức của buổi trưa nhanh chóng thay bằng cái lạnh đến thấu xương. Tôi lả đi vì mệt, đưa mắt nhìn đèn đường mờ nhạt trong cơn mưa, tôi ao ước mình được trở lại làm người. Việc đầu tiên tôi làm nhất định sẽ là nhận lỗi với mẹ và sẽ xin lỗi cả những chú chó cưng của mình nữa. Tôi sẽ thật ngoan ngoãn nghe lời, không làm đứa con bướng bỉnh phải làm phiền lòng cha mẹ thêm lần nào nữa.

Những hạt mưa rơi tí tách, mang theo những mong ước của một đứa trẻ lên mười.

***

Ánh nắng nhẹ chiếu qua cửa sổ, tôi mở mắt, chán nản nhìn khắp nơi. Khoan đã, khung cảnh này chẳng phải là nhà tôi hay sao? Tôi bật dậy như tên bắn, đưa mắt nhìn tay chân mình…Gì thế này? Chẳng có cọng lông nào cả. Tôi không thể tin vào mắt mình, vội vàng lao vào chiếc gương ngắm nhìn thật kĩ một lần nữa. Tôi trở lại làm người rồi sao? Nhưng được về nhà từ khi nào thế nhỉ? Chắc do sung sướng quá hay sao mà tôi không để ý đến bộ đồ đang mặc trên người chính là bộ đồ tối qua tôi mặc đi ngủ. Khi phát hiện ra mới biết hóa ra tất cả chỉ là một giấc mơ. Tôi thở phào như trút được gánh nặng nghìn cân vậy.

Nhưng tôi vẫn quyết định làm đúng những gì mình đã ao ước trong giấc mơ ấy. Tôi tức tốc chạy xuống bếp, thú tội và xin lỗi mẹ về việc làm của mình. Ngoài dự đoán là sự tức giận của mẹ, tôi chỉ nhận được cái lườm và cái cốc đầu nhẹ như bông của mẹ.

“Con với cái, để hai con chó ở ngoài trời oan cả đêm. Ra mở xích cho chúng nó đi rồi vào ăn sáng.”

“Mẹ không giận con ạ?” Tôi thật sự ngơ ngác vì hành động của mẹ

“Giận gì nữa? Vỡ cũng đã vỡ rồi. Con biết nhận lỗi là mẹ vui rồi.”

Tôi “Dạ” một tiếng thật lớn rồi chạy ra ngoài sân mở xích cho hai chú chó nhỏ, sự mừng rỡ hiện lên nơi đáy mắt của chúng. Chúng nhảy chồm vào người tôi quấn quýt. Tôi tìm thấy cho mình một cảm giác nhẹ nhõm và bình yên hơn bất cứ lúc nào. Khẽ thì thầm vào tai chúng với sự hối lỗi và yêu thương.

“Chị xin lỗi.”

Có ai muốn biết rằng những năm sau đó tôi đã sống như thế nào không? Chắc khó có ai nhận ra tôi chính là cô bé nghịch ngợm, bướng bỉnh ngày xưa đâu. Tất cả là nhờ giấc mộng đêm hè năm mười tuổi đó cả đấy.