Ấm Lòng Tình Mẹ



Tôi đứng trước cánh cửa kính sang trọng, nhìn lên tòa cao ốc 10 tầng trước mắt, nó hiện sừng sững, uy thế giữa đất Sài Thành phồn hoa. Tôi nhìn, mà khẽ cười, chỉ là nụ cười này có quá nhiều ý vị mà chính tôi không phát hiện.

Đẩy cánh cửa kính, tôi bước vào, trên mặt đã tắt đi nụ cười khi nãy, thay vào đó là một chút ngô nghê, bẽn lẽn, lại có cái gì đó lấp lánh trong đôi mắt, như nhiệt huyết sôi trào, như nguồn tự tin vô tận nhưng đang xấu hổ trốn tránh, đợi thời gian chủ nhân nó có ý thức mà đánh thức.

Quỳnh nói tôi là con người mâu thuẫn, nhìn vào thì ngây thơ thánh thiện là vậy, nhưng sâu sắc thâm trầm, tỷ như cảm xúc tồn tại trên đôi mắt và cơ mặt, có gì đó nhút nhát nhưng lại ẩn chứa tự tin, khiến người khác hoa cả mắt.

Tôi cười, tôi biết tôi đặc biệt thế cơ mà. Tôi cũng biết tôi suy nghĩ có một chút cảm tính và khác người, nhưng tôi luôn làm hài lòng với một chút điên và tùy ý đó. Ít ra, nó khiến cuộc sống tôi bớt nhàm chán và cô đơn.

Tỷ như khi tôi quyết định đứng ở công ty này vào nữa tháng trước và hiện tại bây giờ.

Tôi bước tới thang máy rồi đi thẳng lên tầng 10. À tôi có nói qua chưa nhỉ, công việc của tôi là thư kí văn phòng.

Tầng 10, tầng cao nhất, cũng là tầng làm việc của Tổng giám đốc. Tôi đã được gặp anh một lần, hôm phỏng vấn. Phải nói là anh ta có một chút đẹp trai, à, theo cái nhìn thẫm mĩ hơi khắt khe của tôi là thế, rất phong độ, tất nhiên là vậy, cũng rất tài giỏi, điều này thì chắc chắn rồi.

Nhưng tôi khen như vậy thì có người hiểu lầm tôi muốn mượn việc công kéo theo việc tư, định một bước lên làm phượng hoàng không nhỉ? Nhưng tôi nói tôi chỉ có hứng thú với anh ta một chút thôi, mọi người tin không. Nhưng cái hứng thú này lại theo một chiều hướng khác nữa đấy.

Tôi nhìn cánh cửa gỗ sang trọng, kiến trúc tỉ mỉ, nhưng trong đầu lại mường tượng ra một cánh cửa thô sơ, có phần mục nát, đáy lòng hơi se lại. Không biết mẹ ở nhà đã ăn cơm chưa, chiều đi làm về sẽ mua thịt nấu cháo cho mẹ, dạ dày mẹ hơi yếu rồi.

Tôi gác lại một tầng cảm xúc, tay nhẹ vặn nắm cửa, đẩy cửa bước vào, định dọn dẹp lại bàn làm việc của giám đốc một chút. Thật ra đã vô cùng sạch sẽ, chỉ là đó chính là thói quen của tôi rồi.

Nhưng mà, tôi đẩy cửa bước vào liền thấy một thân ảnh cao lớn đang ngồi đó làm tôi suýt giật mình. Định thần lại, tôi có chút hoảng hốt:

- Giám đốc, sao anh đi sớm vậy?

Nhìn đồng hồ xem, mới 7h thôi mà, tôi đi đúng giờ cơ, nhưng không ngờ hôm nay có người đi sớm hơn cả tôi nữa.

Tôi hơi nhìn anh ta một chốc, nhưng không quá đặt anh ta vào mắt. Như tôi nói đấy, tôi không quá nhiều hứng thú với anh ta, chỉ là người ta sắp trở thành sếp của tôi rồi. Cái nhìn của tôi, bất quá chỉ là ngước lên đối diện với một người có tầm quan trọng hơi bị cao một chút.

Giám đốc ngước mắt lên nhìn tôi, khóe môi khó hiểu nở một nụ cười, nhưng tôi thật khờ không hiểu thâm ý của nụ cười đó. Lát sau, anh ta lên tiếng:

- Sao vậy? Bất ngờ vậy sao? Lần đầu thấy cô có biểu cảm như vậy... khác thường một bữa cũng đáng.

Nếu có ai hỏi tôi người đàn ông này điều gì là thu hút nhất, thì tôi sẽ trả lời là đôi mắt. Đôi mắt có chút suy tư ưu buồn, nhưng lại tỏa sáng, đặc biệt ấm áp. Chính tôi lần đầu cũng bị thu hút bởi ánh mắt đó. Bởi vì... nó giống với người kia.

Nhưng có lẽ cả đời này anh ta không hề biết mình có đôi mắt xinh đẹp thế nào đâu. Và còn cả nụ cười như thế nữa, không hiểu tại sao nhìn nụ cười như vậy lại làm lòng tôi có chút gì đó là lạ quét nhẹ vào lòng.

Anh ta nhìn tôi, tôi luôn cảm thấy anh ta nhìn tôi có cái gì đó khá phức tạp, nhưng tôi không quan tâm nhiều về điều đó. Chỉ có điều nó khiến tôi không tự nhiên cho lắm. Nhưng lời anh ta nói có gì đó là lạ, cứ như nhìn thấy một sự thay đổi nhỏ nào đó của tôi khó lắm ấy. Ừ thì tôi cũng có nhận xét mình hơi bị vô tâm, cũng vô cùng có một thái độ dửng dưng trước mọi việc. Nhưng tôi cho như vậy là hay chứ, ít ra tâm trạng của mình không bị người ta nhìn thấy rõ ràng, an toàn rất nhiều.

- Làm việc đi, cô muốn bị trừ lương à?

Dường như không nghe lời đáp của tôi nên anh ta lên tiếng trước. Tôi hơi giật mình một chút, lại nhìn đồng hồ.

-Theo quy định thì tôi được trừ hao 5 phút.

Nói là vậy chứ tôi vẫn nhanh chóng về chỗ làm việc của mình. Nhưng tôi cảm nhận có một ánh mắt chăm chú lại nhìn tôi nữa đấy.

Tôi đã vào đây hơn nữa tháng rồi, công việc đã quen tất. Có lẽ do tố chất không tệ nên nắm bắt cũng khá nhanh. Haiz. Tôi cực kì nghiêm túc làm việc đấy nhé, bởi chân tôi không dài, nên tôi đầu tư cho bộ não và lý trí khá nhiều.

****************​

Tôi về nhà, một căn trọ cũ kĩ trong hẻm nhỏ đằng sau những khu cao ốc xa hoa của thành phố. Mẹ thấy tôi về, nâng đôi mắt hiền từ, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, khắc lên sự cằn cỗi của mẹ, mẹ cười hiền.

- Anh về rồi đó à con?

- Dạ... Dạ dày sao rồi mẹ?

- Ôi… già cả rồi thì hay ăn không tiêu vậy đó mà. Mẹ có uống thuốc tiêu rồi.

Tôi đặt đồ sau bếp, nâng tay bà, đỡ bà ngồi xuống chiếc ghế gỗ:

- Mẹ đừng uống mấy loại thuốc đó nữa, con có mua loại thuốc bột cho mẹ. Thôi con đi nấu cháo, mẹ nằm nghĩ đi.

Tôi bật ti vi lên cho mẹ xem rồi mình thì loay hoay bên bếp gas. Căn trọ của tôi nhỏ xíu, dồn chung một không gian, nhưng tôi thấy như vậy đã đủ rồi. Nhỏ để biết nó có độ ấm, còn hơn một không gian to đùng mà lạnh lẽo.

Mẹ chuyển kênh, hết kênh này đến kênh khác, giờ này chưa đến giờ chiếu cải lương cho mẹ. Nhưng mà, tôi thấy mẹ dừng lại, người đang nằm cũng từ từ ngồi dậy, đôi mắt đã hơi mờ, lại tỏa ra thứ ánh sáng dịu dàng, ấm áp.

Đó là thứ ánh sáng tuyệt đẹp nhất mà cả đời này tôi khao khát. Mẹ đã cho tôi, nhưng dĩ nhiên không phải toàn bộ tình yêu nơi mẹ. Bởi vì, mẹ vẫn còn trao đi một người nữa, người đó là cả cuộc sống đối với mẹ.

Nhưng tôi không hề ghen tỵ, mà là hâm mộ, hâm mộ một cách thầm kín.

Trên ti vi là bản tin về một người đàn ông, một người đàn ông thành đạt. Anh ta tài giỏi, công ty do anh ta điều khiển cũng khá nổi tiếng ở đất Sài Gòn này.

Tôi thấy mẹ xem chăm chú, bên khóe mắt tràn ngập ý cười, cả khóe môi già nua nhiều nếp nhăn cũng hiện rõ đường cong đẹp đẽ. Tôi bưng rổ rau cũ ra phía trước mà thái, lâu lâu cũng đưa mắt nhìn lên màn hình.

- Mẹ... Anh ấy lại được lên ti vi... giỏi ghê mẹ há.

Mẹ nhìn sang tôi, đôi mắt ấm áp tràn ngập hạnh phúc, rồi lại nói:

- Ừ... Nó rất giỏi. Thấy nó như vậy mẹ mừng lắm.

Lại như bao lần, mẹ không hề che giấu niềm vui sướng, rồi lại một lần tôi được nghe những chuyện lúc nhỏ của anh ấy. Mẹ kể, chất giọng miền quê chất phác, không một chút cường điệu, với tôi lại vô vàn ấm áp rót vào lòng.

Có đôi khi mẹ lặp lại một chuyện nhiều lần, nhưng chắc có lẽ niềm tự hào, tình yêu và nỗi nhớ của mẹ quá sâu nên mẹ không hề cảm thấy trùng lặp. Những lúc như thế, tôi cũng yên lặng lắng nghe, không muốn phá vỡ hồi ức của mẹ. Tôi biết, những hồi ức ấy với mẹ là thiêng liêng, trân quý thế nào.

****************​

Đêm.

Mẹ ngủ sớm hơn thường ngày, chỉ hơn 7 giờ tối, chắc tại vì uống thuốc có chút chất an thần nên mới buồn ngủ sớm vậy. Tôi khoác áo khoác, dạo đêm.

Phố xá xầm uất, ven đường hàng loạt quán cốc bày bán. Tiếng buôn chuyện, tiếng lửa nhỏ bập bùng truyền nơi những gian hàng hủ tiếu, tiếng đập đá từ quán nước, khói thuốc, đâu đó vang lên vài tiếng chửi thề, huyên náo, hỗn tạp đến sống động.

Tôi một mình đi trên phố ngắm từng khung cảnh nhộn nhịp ấy, rồi đèn đường tỏa ra thứ ánh sáng vàng nhạt, cùng đèn bảng hiệu rực rỡ, đủ màu sắc, hoa lệ, tất cả phản chiếu lên bóng dáng tôi. Chính mình cũng thấy tịch liêu lạ thường.

Tôi có sở thích dạo phố một mình như vậy, khi thì đi với Quỳnh, hai đứa đều nội tâm nên không nói quá nhiều với nhau, chỉ cùng nhau bước những bước chân vô định. Có lần Quỳnh hỏi:

- Hà Anh... Mày có thấy hai đứa mình quá cô đơn không?

Tôi lúc ấy như cảm thấy có một cơn gió lướt qua da thịt, nhưng không hiểu sao lại tê tái tận đáy lòng. Tôi cười:

- Gió năm nay lạnh nhỉ?

Quỳnh cười, một nụ cười gượng gạo.

- Năm nào không lạnh.

Hai tay tôi đút vào túi áo khoác, đi một hồi, lại thủ thỉ:

- Những đứa như tao với mày dù có cô đơn thì mấy ai biết tới. Cô đơn làm gì hả mày?

Chỉ một câu nói của tôi, cả hai cùng lặng đi.

Đường phố vẫn huyên náo, nhưng dường như đã bỏ quên một bóng lưng nhỏ nhắn chạy dài trên mặt đường. Tôi vẫn đi, đi cho thỏa cái thú vui lạ đời của mình. Cứ đi đi, khi nào mỏi tự khắc dừng lại, tốn tiền gọi xe ôm hay taxi gì đó rồi về nhà trùm chăn ngủ. Đến sáng, liền quên hết bao nhiêu u tịch.

- Hà Anh

Bỗng nhiên có ai đó gọi tôi, một giọng nam trầm. Theo phản xạ tôi xoay người.

Dựa vào thành xe một người đàn ông bảnh bao, hai tay khoanh lại trước ngực, bình thản nhìn tôi. Anh ta mặc một chiếc quần tây cùng áo sơ mi trắng, trên vai còn vắc áo vest, cà vạt đã nới lỏng.

Trông anh ta có chút tùy ý như vậy nhưng không hề mất đi vẻ phong độ, lại lãng tử lạ thường. Trong giây phút đó tim tôi lỗi đi một nhịp đập.

Tôi hơi nhíu mày, bước đến gần hơn

- Giám đốc. Sao anh lại ở đây?

Anh ta nhìn tôi, cười cười:

- Vậy sao cô lại ở đây?

- Tôi đi dạo

- Thì tôi cũng di dạo.

Tôi hơi ngớ người. Thường ngày tôi và anh ta nói với nhau chưa đến 10 câu trừ công việc. Hôm nay anh ta nói chuyện cũng có chút hài hước đi, tuy nhiên tôi không thấy buồn cười tí nào.

- Vậy anh đi dạo của anh, tôi phải về.

Tôi thấy không cần thiết ở đây nói chuyện với anh ta nên viện cớ mà đi. Không hiểu sao lúc này đối mặt với anh ta tôi có một cảm giác áp lực vô hình. Nhưng con người tôi quen cao ngạo với chính mình, hay nói khó nghe hơn là nhút nhát. Tôi không thích đối diện với những thứ vượt tầm kiểm soát. Như thế thì có vẽ thiếu phong độ, nhưng trên đời này không ai cho tôi cảm giác an toàn cả. Vậy nên, tôi phải tự bảo vệ mình.

- Đi với tôi một chút nhé, tôi cũng đang cô đơn.

Nhưng anh ta lại lên tiếng trước khi tôi cất bước chân thứ hai. Tôi xoay người lại, hơi giật mình nhìn bóng dáng cao ngạo nhưng u buồn đó, lòng bất giác dâng lên đồng cảm.

Cô đơn? Anh ta cũng cô đơn?

Nhưng không biết anh ta có nghĩ ở một nơi nào đó, có một người luôn mong anh, có một người dồn bao nhiêu ấm áp, bao nhiêu yêu thương, rồi hóa thành nụ cười mỗi khi thấy anh ta, dù chỉ là gián tiếp.

- Anh định chạy xe dạo phố?

Tôi nhìn con xe bóng loáng đậu ven đường, mày hơi nhíu lại.

-Không được? - Anh ta có vẻ hơi ngạc nhiên.

Tôi cười:

- Tôi không có cái thú ngồi xe hơi ngắm phố. Vô vị. Với lại người nghèo như tôi cũng không quen với loại vô vị đó. – Tôi dừng lại một chút, lại không biết suy nghĩ thế nào rồi thốt lên – Người giàu trong trứng là anh chắc chưa từng thử đi bộ dưới ánh đèn, ngắm cái dáng vẻ cô đơn chạy dài của mình. Đôi khi chấp nhận cô đơn, một chút thôi, cũng là cái hay.

Với tôi thì không phải là đôi khi nữa rồi. Không cha mẹ, không bạn bè, không người yêu. Cũng có là đôi khi, nhưng tôi lại nghĩ mình có nên đi tự tử hay không.

Những lúc như vậy tôi nhanh chóng xua đi cái ý nghĩ điên rồ ấy, ông trời sinh ra đã là một may mắn, cuộc đời mình có thể không may, nhưng dựa vào bản thân có thể làm nên nhiều điều kì diệu. Tôi chưa từng nghĩ mình bất hạnh, vì thế tôi bằng lòng với sinh mạng được ban tặng của mình, cũng có nghĩa là bằng lòng với cô đơn, nhưng không có nghĩa là đầu hàng buông trôi số phận.

Vì thế mà tôi gặp mẹ, gặp để nhận một tình yêu dù chỉ là san sẻ, nhưng để tôi biết được thế nào là gia đình, một loại tình cảm suốt bao lâu tôi khao khát.

Anh lại nhìn tôi, chỉ là ánh nhìn hiện lên một chút hoảng hốt. Tôi thấy đôi con ngươi đó hơi chuyển, như quay về khoảng thời gian nào đó, mơ hồ. Tôi cảm nhận cảm xúc anh có mâu thuẫn, một chút dịu dàng nhưng lại bị nỗi giận nào đó lấn át đi.

Lúc này, một lần nữa tôi thấy anh khó hiểu.

Ừ... Anh vốn khó hiểu như vậy.

Vậy mà anh ta nghe lời tôi, đậu xe ở một bãi đỗ xe gần đó rồi cùng tôi đi bộ. Gió lạnh ùa tới, tôi khẽ siết vạt áo khoác, che đi lạnh lẽo rít vào da thịt. Suốt đoạn đường không ai nói với ai câu nào, cứ lẳng lặng mà đi như vậy. Vì tôi vốn dĩ rất lười nói chuyện.

Đến một bờ sông, chúng tôi dừng lại, nơi đây càng khiến gió được dịp phô trương hơn, nó thổi ù ù, làm bay tung tóe mái tóc dài của tôi.

Tôi khoanh tay, nhìn về xa xa, nơi những ánh sáng lấp lánh mờ ảo, nhưng không nhìn người đàn ông bên cạnh, nhưng lại luôn cảm nhận tầm mắt anh ta nhìn tôi. Tại sao vậy nhỉ?

- Giám đốc... Gia đình anh chắc hạnh phúc lắm phải không?

Tôi buộc miệng hỏi một câu, cũng nghiêng đầu nhìn về phía anh ta. Tôi nhận thấy sự sững sờ trong đôi mắt, rồi lại nhìn tôi chằm chằm khó hiểu. Lát sau, anh ta thu ánh nhìn về rồi lại hướng đến tầm mắt của tôi khi nãy, có lẽ hiện về một chút hoài niệm.

- Cho là vậy đi.

Anh ta buông một câu nhẹ xìu. Cho là vậy đi thì như thế nào. Là hạnh phúc hay không hạnh phúc? Anh ta không biết, nhưng tôi biết một người đang giằng xé nỗi đau như thế nào mà ngày ngày nghĩ đến anh ta.

Tôi bỗng thấy có chút tức giận, nhưng lại kiềm lại được. Tôi nhẹ giọng:

- Anh có hứng thú nghe tôi kể chuyện không?

Không nhanh không chậm, anh ta đáp:

- Có.

Gió lạnh lại ùa về, giọng tôi cứ vậy mà đều đều

Mấy tháng trước tôi cùng một người bạn, theo đoàn tình nguyện giúp đỡ người cao tuổi ở Miền Tây. Chúng tôi đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, cũng giúp khá nhiều người. Đến một xã kia, tôi nghe có người trong ấp nói về chuyện một bà cụ neo đơn, cũng hơn 50 rồi. Như thường lệ, chúng tôi mua quà đến thăm bà. Lúc ấy đập vào mắt tôi là một cái chòi lá, cả cánh cửa cũng không còn nguyên vẹn, nhìn lên trần nhà chi chít các lỗ. Tôi đoán chắc trời mưa bà sẽ không ngủ được. Nhưng điều quan trọng hơn, nhìn bà cụ co ro trên chiếc giường, khuôn mặt bị thời gian khắc lên những dấu ấn của năm tháng. Bà cụ chỉ hơn 50 nhưng tôi nhìn chẳng khác 70, vì dáng người ốm yếu, mái tóc cũng bạc trắng.

Căn nhà bà bề bộn, cũng chẳng có đồ đạc gì. Chỉ có vài cái chén đá cũ kĩ, hai cái nồi nhỏ, vài ba cái thau cùng mấy cây muỗng nhỏ đen ngòm vì đóng bụi.

Tôi nhìn bà, không hiểu sao lúc ấy dâng lên một sự thương cảm cực điểm. Rồi tôi đến lay bà dậy. Bà cụ có vẻ giật mình, mở mắt lom com ngồi dậy.

Tôi nhìn vào mắt bà, là một sự xúc động nói không nên lời. Đôi mắt đã mờ rồi, nhưng không làm tối đi ánh sáng bao la hiền từ trong đó, đôi mắt khắc nỗi gian truân cam chịu, mất mát và cô đơn.

Trong lúc ấy, không hiểu sao tôi muốn bật khóc. Có lẽ là thương hại chăng? Không hề. Tôi vốn không thương hại ai vì chính tôi cũng không hề muốn ai thương hại mình. Cảm giác đó rất tệ.

Chúng tôi gửi quà, hỏi vì sao bà chỉ có một mình, con cái đâu sao không phụng dưỡng. Vì những cụ già chúng tôi từng thăm qua, không ai một mình như cụ cả, chỉ là con cái họ quá nghèo không thể săn sóc họ nhiều được. Chỉ có bà hoàn toàn đơn lẻ.

Nghe tôi hỏi, tôi thấy bà giật mình, đôi mắt đã mờ rồi nhưng hiện rõ ánh sáng đau thương. Nhưng lát sau, chất giọng thều thào khẽ lên tiếng

- Tôi neo đơn đâu có con cái, chỉ có một thân già này thôi.

Bà nói vậy nhưng tôi biết bà che giấu điều gì đó. Nỗi đau trong mắt bà, không phải của cô đơn.

Tôi không hiểu sao cứ canh cánh chuyện của bà. Đời người mỗi người một số kiếp, cô đơn như tôi nhưng vẫn sống tốt, còn bà, đã từng tuổi này... thật quá khó nói.

Tôi ở ấp đó qua đêm tại nhà của một người dân, cũng chỉ vọt miệng thôi lại ngoài ý muốn biết được một chuyện. Về bà cụ.

Những năm sau thời bao cấp đói kém, khổ sở cùng cực, lúc ấy nhà bà còn khổ vô cùng. Vách lá, cột xiu, y như cái viễn cảnh tôi đã thấy bây giờ. Một người mẹ vẫn vậy, tần tảo, một mình nuôi một người con trai. Người trong xóm không ai không biết hoàn cảnh của bà. Thời chiến tranh, người ta dựng vợ gã chồng rồi li tán. Bà cũng cùng chung số phận, cùng chồng mỗi người một ngã.

Thời gian sau, có người thấy người chồng trở về quê cũ, dắt người con trai ra đi. Biền biệt. Một mình bà, chỉ mình bà trong cái xóm nghèo túng đó quanh quẫn biết bao năm.

Người ta không thấy ai về nữa, cả cậu con trai cũng biệt tăm. Kéo dài cũng mười mấy năm rồi.

- Anh nói xem… đời thật bất công lắm phải không. Có người khao khát tình yêu thương của mẹ mà cả đời chỉ có thể khát khao, có người có lại chối từ.

Kể được một lúc, tôi dừng lại và nói như vậy. Tôi nhìn mặt anh ta, thấy khuôn mặt đó tràn qua một chút uất giận, lại là giằng xé mâu thuẫn. Nhưng tôi không quan tâm, lại nói tiếp:

- Anh thấy tên đó thật tệ đúng không. Cả người đàn ông gọi là cha là chồng đó cũng khốn nạn như vậy. Có bao giờ họ nghĩ đến một người cô đơn một thân một mình đang từng ngày yếu đuối hiện diện trên cõi đời này như bà cụ đó không?

Không hiểu sao giọng tôi lúc ấy lên cao, tràn đầy tức giận không thể kiềm chế. Có ai hiểu tôi khát khao tình mẹ như thế nào, có ai hiểu cảm giác khi mình đi làm có tiền, muốn mua một hộp sữa, một chiếc áo ấm cho mẹ, mà không biết dáng mẹ thế nào không. Vậy mà trên đời này lại có người chối bỏ tàn nhẫn như vậy.

- Em đừng nói nữa.

Bỗng chốc anh ta lớn tiếng quát lại tôi, kiềm lấy bờ vai tôi, xoay tôi đối diện với anh ta. Đôi mắt u buồn cứ vậy mà nhìn, xa xăm.

Nhưng tôi không muốn dừng, vẫn tiếp.

Tôi thấy mình và bà cụ cô đơn quá, một sự đồng cảm trổi dậy mạnh mẽ. Không hiểu sao lúc ấy tôi có một quyết định. Tôi tìm đến, ngỏ ý muốn nuôi bà, muốn đón bà lên Sài Gòn sống cùng tôi, dù chỉ trong một căn trọ cũ kĩ.

Tôi vốn không thiếu thốn, chỉ một mình, với lại trong thời gian đi học tôi làm thêm, khi vừa ra trường lại có việc làm ngay nên cuộc sống vốn ổn định. Vì thế mà dù có nuôi thêm bà, cũng không làm khó được tôi. Cộng thêm Quỳnh hỗ trợ thì không có vấn đề gì nữa.

Lúc đầu bà ngỡ ngàng, nhưng không dám đồng ý, nhưng vì tôi và Quỳnh thuyết phục nên bà đã đáp ứng. Bà già rồi, khổ cũng một đời, tôi lại cô đơn, hai con người tựa nương nhau mà sống.

Rồi đón bà lên Sài Gòn, tôi nhận ra bà lo sợ và xa lạ với mọi thứ. Bởi chắc bà cũng không ngờ mình có thể tiếp xúc với những thứ xa tầm bà, dù chỉ là những món đơn giản của thành thị.

Cuộc sống cứ vậy mà trôi, không bao lâu tôi lại biết thêm một chuyện. Bà xem tivi, nhìn thấy một người đàn ông trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Tôi nhận ra lúc ấy bà run rẫy, khóe mắt đã mờ chảy xuống những giọt nước mắt không thể kiềm nén.

Tôi hốt hoảng, hỏi chuyện, mới biết. Người đàn ông ấy chính là con trai bà.

Không một người mẹ nào nhìn lầm con mình cả. Cảm giác thân tình mãnh liệt không một người dưng nào có thể thay thế được.

Tôi hỏi chuyện cũ của bà. Lúc này bà không giấu nữa.

Cuộc sống khó khăn, người đàn ông đó trở nên giàu có nên trở về. Mà không phải để rước bà, về chỉ vì giọt máu của ông ta.

Bà đứt từng đoạn ruột vì những câu nói vô tình, vì ông ta muốn bắt con bà đi. Muốn mẹ con bà mỗi người một ngã.

Ông ta nói, ở với bà, thằng bé chỉ có thể chết đói, còn ở với ông, nó có cả tương lai.

Vì con, bà nuốt nước mắt, bà làm ra vẻ không cần nó nữa, bà xua đuổi, chửi mắng thậm tệ, thậm chí nói nó không phải con mình để nó hận bà mà dứt áo ra đi.

Theo ý nguyện của bà, người con đó không về nữa. Ngày con đi, bà run run giấu người sau bụi tre làng, khóc mờ cả mắt. Có nỗi đau nào bằng chính mình đẩy con mình ra xa.

Nhưng vì con, dù đau, đắng lòng, người mẹ vẫn có thể hoàn toàn cam chịu.

- Tình mẹ thật vĩ đại đúng không. Nếu anh là người con đó, anh sẽ như thế nào?

Tôi chốt lại bằng một câu hỏi. Tôi thấy anh ta sững sờ nhưng lại ấp úng không biết nói như thế nào. Tôi biết ngay mà, anh ta không thể có câu trả lời đàng hoàng cho tôi được đâu. Ít ra không phải là bây giờ.

- Haiz... Sao tôi lại kể chuyện buồn kia chứ. – Tôi cười lấy lại bình thản – Cũng khuya rồi tôi phải đi về. Mai gặp lại, giám đốc.

Tôi toan bước đi, nhưng cổ tay ngay sau đó bị nắm chặt. Tôi có chút giật mình xoay người, lại bắt gặp ánh nhìn chăm chú của anh ta. Đôi mắt đó như một hố sâu không đáy, nhấn chìm tôi, làm tôi có đôi chút ngưng trệ đi lí trí.

Tôi định lên tiếng, thì anh ta nói trước.

- Tôi đưa em về.

Không hiểu sao tôi lại đồng ý, phải chăng tôi mong muốn một bất ngờ nào đó, vượt ngoài sự sắp xếp của mình. Duyên phận con người vốn kì diệu và mong manh.

Anh ta đưa tôi đến tận căn trọ, nói không dao động thì nói dối, nhưng tôi thật không muốn mất lòng vì anh ta. Còn nguyên nhân, chắc phần lí trí của tôi kiềm chế mất rồi.

Nhưng khi vừa ngước mắt lên nhìn căn trọ vốn đã tắt đèn nay sáng rực, một bóng dáng gầy yếu đứng đó, trong đêm không thể thấy được đôi mắt mờ của mẹ, nhưng nhìn dáng vẻ và tầm nhìn, là đang sốt ruột.

Lòng tôi bỗng trào dâng một loại cảm xúc, nó dâng lên rồi khản đặc nơi cổ họng không nói nên lời. Tôi biết mẹ đang lo cho tôi.

Lo lắng xuất phát từ thân tình, thì ra khiến tôi yếu đuối như vậy.

Tôi chạy lại:

- Sao mẹ ra đây. Mẹ ngủ rồi mà?

- Chèn ơi... Mẹ giật mình đi tiểu nhưng không thấy con, mẹ đứng đây nãy giờ chờ con.

Giọng mẹ già nua, nhưng không che đi ấm áp trong đó. Bỗng tôi rất muốn khóc, khóc vì có người mong mỏi đến tôi.

Rồi mẹ nhìn đến người đàn ông phía sau tôi, đôi mắt cùng nếp nhăn bỗng trở nên cứng đờ. Mẹ bất động.

Anh ta cũng vậy.

- Ha...i, thằng Hai... - Mẹ lắp bắp, một giọt nước mắt chảy trên khóe mắt ráo hoảnh.

Mẹ nhìn chằm chằm vào anh ta, trong giọng nói run rẫy ấy, là tình yêu trỗi dậy, nhưng là với bao nhiêu kiềm nén và sợ hãi.

Anh ta nhìn mẹ, đôi mắt u buồn lúc này hiện lên hoảng hốt, nhưng sau đó rõ ràng hơn ánh mắt bi phẫn. Anh ta lớn tiếng:

- Là bà sao? Sao bà lại ở đây?

Tay mẹ tôi run run, đưa lên, rồi rụt xuống

- Hai… Má...má...

Nhưng mãi ấp úng nói không được gì

- Bà đừng chỉ vào tôi. Tôi không phải con bà.

Anh ta lúc này như con thú hoang lớn tiếng, tôi thấy sự tức giận trong mắt, còn có gì đó đau xót, lại mâu thuẫn cùng phẫn hận.

- Má... má...

Mẹ tôi lúc này càng run dữ dội hơn, mẹ vô thức đưa tay định nắm vật áo anh ta, nhưng bị anh ta hất tay.

- Tránh xa tôi ra.

Mẹ tôi loạng choạng té nhào. Nhưng tôi đã nhanh chóng đỡ được. Mẹ nước mắt như mưa, tim tôi lúc này đau buốt. Tôi đỡ mẹ đứng phía sau tôi, rồi tiến về người đó.

Chát...

Tiếng tát vang lên xót xa, hòa cùng nỗi tức giận điên cuồng của tôi, tôi quát lên

- Anh đi ngay. Về ngay cho tôi. Anh không xứng đáng mà bất hiếu với mẹ tôi như vậy.

- Anh... Anh à... Đừng đánh thằng Hai mà con. – Mẹ tôi lúc này lại nhào đến nơi tôi, nức nở, bàn tay run run kiềm lại cánh tay tôi.

- Anh ta không xứng làm con của mẹ.

Tôi chưa tiêu nổi cơn giận, nhìn chằm chằm vào người đó. Nếu có thể, tôi sẽ đánh anh ta, đánh thật nhiều, thật mạnh.

Anh ta hết nhìn tôi, nhìn sang mẹ tôi rồi bước đi. Tôi nhìn theo, bóng dáng cao lớn đó sao u tịch lạ thường.

Mẹ tôi khụy xuống, ôm mặt khóc nức nở. Giọng bà yếu ớt, nhưng là bao nhiêu xé lòng.

*******************​

Hôm sau tôi viết đơn xin nghỉ việc rồi mang đến công ty. Lúc đầu vào đây chủ yếu là muốn biết người con đó là ai, nếu có khả năng tôi sẽ giúp hai người đoàn tụ.

Nhưng mà... tôi thấy không cần thiết nữa rồi.

Nếu anh ta còn thương mẹ tôi, anh ta sẽ tự dưng tìm đến. Trên thế giới này không thiếu người bất hiếu, thêm một người tôi cũng không thấy quá ngỡ ngàng.

Tôi gõ cửa, bên trong vẫn truyền ra giọng nam trầm ấy. Tôi bước vào, không nể mặt đặt đơn nghỉ việc lên bàn.

Anh ta cầm lấy, nhìn tôi, ánh nhìn lại phức tạp

- Từ đầu em đến là có mục đích phải không?

- Phải.

Tôi ngắn gọn trả lời, không có gì phải giấu giếm cả.

- Bà ta không phải mẹ tôi.

- Bởi vì anh không xứng làm con của mẹ. – Tôi nhìn anh ta, gằn từng chữ - Anh không xứng với sự hy sinh của mẹ.

- Em tin lời bà ta? – Anh ta nở nụ cười, mỉa mai, trào phúng. Nhưng tôi vẫn có thể thấy một nỗi đau đè nén.

- Tôi tin vào ánh mắt hiền từ của mẹ, tin vào sự dịu dàng mỗi khi mẹ thông qua ti vi mà nhìn thấy anh.

- ...

- Anh chưa nhìn thấy hoàn cảnh của mẹ lúc tôi vừa đến đâu. Mẹ nằm co ro, đến cả quần áo cũng không lành lặn. Anh biết mẹ sống thế nào không? Mẹ đi xin từng đồng bạc lẻ. Nhưng lúc đó anh và người được gọi là ba anh đang an lành như thế nào.

- ...

- Anh có nhớ chiếc áo cũ rích mà anh từng mặc lúc nhỏ. Mẹ theo tôi lên tận đây nhưng vẫn mang theo đấy. Mỗi lần mẹ nhìn nó, mẹ lại khóc.

-...

- Con người có thể nói dối, nhưng tình yêu thương của một người mẹ dành cho con không thể dối trá. Ánh mắt họ lúc nghĩ về con mình, có bao nhiêu ấm áp. Anh có biết tôi ngưỡng mộ anh thế nào không?

- Bà ta từng nói tôi là của nợ, vì tôi mà bà ta khổ cực, vì tôi mà bà ta phải gồng gánh, không thì bà ta đã giàu có với một người khác. Bà ta đánh tôi. Bà ta nói tôi không phải con bà ta, bà ta không nuôi tôi nữa mà bảo tôi cút về với người đàn ông là ba tôi. Em nghĩ một đứa trẻ mười tuổi là tổn thương tới mức nào.

Anh ta lúc này mới lên tiếng, tôi lúc này cũng cảm nhận được sự đau xót u buồn của anh ta dâng lên cực điểm như thế nào. Tôi bỗng thấy sững sờ. Anh ta... sao lại đau thương như vậy?

Tôi lại nhìn anh ta, tôi thấy hôm nay anh tiều tụy hẳn. Mới chỉ một đêm thôi mà. Bỗng dưng tôi lại thấy trái tim mình có một chút buốt lạnh. Cảm giác này không phải là cảm giác khi nhìn anh ta đối xử không tốt với mẹ. Mà là một loại đau nhói khác, không đành lòng, lại muốn cùng san sẻ.

- Như bà ta nói, ba tôi cho tôi hẳn một tương lai tốt đẹp, người mẹ kế vì không có con nên vô cùng thương yêu tôi. Trong lúc một đứa trẻ bị chính mẹ mình ghét bỏ, tổn thương, khi nhận được một tình yêu khác sẽ như thế nào.

-... - Đến lượt tôi im lặng.

- Em nói bà ta hy sinh vì tôi, nhưng tôi chỉ nhớ bà ta đã tổn thương tôi thế nào.

Anh ta nhắm mắt, tay che đi vầng trán tinh anh cao ngạo, tôi nhận ra lời anh ta có phần nghẹn ngào.

- Anh... có bao giờ nghĩ đến mẹ không?

Tôi nghĩ một chút, rồi thủ thỉ. Anh ta ngước lên nhìn tôi, đôi mắt sâu thẳm. Tôi nói mắt anh ta đẹp, là vì giống đôi mắt của mẹ. Lúc này, nó lại dấy lên cảm xúc trong đáy lòng tôi.

Anh ta im lặng, không nói gì. Chắc chính anh ta cũng không biết phải trả lời như thế nào. Không khí cứ như vậy. Lặng đến mức tôi nghe cả tiếng điều hòa è è. Điện thoại tôi đột ngột đổ chuông, ít ra nó cũng khiến không khí bớt đi một phần ngột ngạt.

- Mày mới về hả? Tao nghe nè.

-...

- Cái gì?

-...

Tôi buông điện thoại, mặt tái mét. Tôi nhìn sang người bên cạnh, thẩn thờ:

- Tôi sợ anh có thể không còn cơ hội gặp mẹ thêm một lần nào nữa.

****************

Tôi và anh chạy vội lại bệnh viện. Ngoài phòng cấp cứu, mặt Quỳnh tái đi, mang đầy sự lo lắng.

- Mẹ sao vậy?

Tôi cầm tay nó, cả tay tôi lẫn tay Quỳnh run rẫy.

- Mẹ... mẹ đột quỵ. Người già... đột quỵ rất nguy hiểm. Hà Anh… Tao… tao sợ... Mày biết không? Mẹ lại đem cái áo của người đó ra nhìn, rồi khóc. Lát sau mẹ đứng dậy, rồi đột nhiên ngã xuống. May mà lúc đó có tao. Không thì... thì...

- Quỳnh... Bình tĩnh, bình tĩnh, mẹ không sao đâu. Tao với mày vừa mới tìm được một người mẹ, ông trời không ác thế đâu.

Tôi nói, nhưng trong lòng không tránh được run rẫy. Tôi kêu Quỳnh bình tĩnh. Thực ra tôi đang sợ đến mức nào. Sao không sợ chứ. Chúng tôi là trẻ mồ côi bao năm rồi mới biết được ấm áp của tình cảm gia đình. Mẹ dù không phải mẹ ruột, nhưng tôi cảm nhận được sự hiền hòa tình mẹ. Tôi không muốn nhanh như vậy đã phải chia xa.

Tôi nhìn sang người bên cạnh, thấy anh ta thẩn thờ nhìn vào phòng cấp cứu, khuôn mặt lúc này là hối hận, là đau khổ. Tôi muốn nói anh dùng vẻ mặt đó thì được gì, nhưng lúc này lại không thể mở miệng. Có cái gì đó chặn đi lời nói của tôi, khiến thanh quản không thể buông lời trách móc anh.

Cánh cửa phòng cấp cứu mở ra. Trái tim chúng tôi như treo lơ lững. Chưa bao giờ tôi thấy chờ đợi lại đáng sợ như thế này.

- Rất may đã đưa đến kịp. Nếu không thì không cứu được nữa. Nhưng do té ngã lần này đã dẫn đến tai biến. Người nhà về sau chú ý.

Lời nói của bác sĩ khiến lòng tôi yên trở lại. Không sao là tốt rồi. Chuyện sau này cứ để sau này.

Quỳnh đi về nhà đem một ít quần áo của mẹ lại, cũng thuận tiện đi mua ít đồ. Lúc này chỉ còn lại mình tôi và anh. Tôi nhìn anh, thấy khuôn mặt đó tìm lại được hy vọng, lại như có ánh sáng soi rọi lạ thường.

Tôi khẽ:

- Chuyện về mẹ, anh có thể tìm hiểu từ ba anh. Tôi nghĩ lúc này ông ta sẽ cho anh câu trả lời thật lòng. Vì anh nghĩ mẹ đã tổn thương anh, anh nhất định sẽ vẫn còn thành kiến với câu trả lời của mẹ.

Ngừng một lúc, tôi lại tiếp:

- Nhưng mẹ đã già rồi. Hy vọng anh cho mẹ thời gian vui vẻ của năm tháng cuối đời.

Tôi bỏ lại câu nói, bỏ lại anh trong suy nghĩ miên man. Lúc đầu tôi nghĩ anh là người vô ơn, là kẻ bất hiếu. Lúc này tôi cảm thấy mình đã phiến diện rồi, cũng hy vọng mình đã nghĩ sai về anh.

********************​

Tôi ngước mặt lên nhìn người đàn ông trước mặt. Cái người đáng ghét đang cười cười nhìn tôi.

- Gì nữa đây giám đốc?

Thật sự là tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng cái người kia nhất định không chịu kí. Nay anh ta đang làm khó tôi đấy.

- Thư kí Hà Anh... trưa nay theo lịch thì cô phải đi ăn trưa với tôi.

- Này giám đốc... Tôi không ăn, anh ép buộc tôi sao?

Thiệt là bực mình. Dạo gần đây tôi mới biết tên này bá đạo, còn ngông cuồng.

- Đây là lệnh.

- Anh... Tôi nghỉ việc.

- Cô à... cô có tiền đền hợp đồng không?

- Tôi...

Tôi thật không biết nói gì nữa mà. Anh ta biết tôi vốn không có nhiều tiền như vậy.

- Tôi có ý này...- Anh ta ngoắc tôi lại. Cũng không biết ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại nghe lời anh – Tôi thay em trả tiền bồi thường hợp đồng. Thế nào?

Tôi ngớ người. Ý gì đây?

- Nhưng em bán thân cho tôi đi.

Tôi đen mặt:

- Hoàng Nam. Anh...- Tôi đưa tay định đánh anh, lại bị anh bắt lại.

Tôi cứ thế sững sờ nhìn anh, tim loạn nhịp. Khi mà anh và tôi đang gần nhau như thế.

Anh từ từ đưa tay tôi lên khóe môi, đặt một nụ hôn lên ấy, mặt tôi vì hành động bất ngờ này của anh mà trở nên đỏ ửng. Xấu hổ thật, theo quán tính tôi muốn rút tay về.

- Hà Anh...- Anh dịu dàng gọi tôi. - Má anh nói má anh muốn có một cô con dâu.

-Thì anh đi mà cưới dâu về cho mẹ. – Tôi lí nhí, không hiểu sao lí trí bỗng trở nên bấn loạn.

- Nhưng mẹ em nói mẹ em muốn gả em cho anh. – Anh lại tiếp. – Mà anh cũng chỉ muốn cưới em gái của mình thôi.

Tôi im lặng... Vì bất ngờ, vì có gì đó đang thổn thức trong sâu thẳm đáy lòng, vì... hình như tôi chưa nói với ai biết cả. Tôi thích anh.

Tôi thích anh lúc anh nói chuyện với mẹ, tôi thích anh lúc anh biết mẹ hy sinh vì anh nhiều như thế nào. Tôi thích anh lui tới căn trọ của tôi mỗi ngày vì muốn đến thăm và chăm lo cho mẹ.

Từ bao giờ không biết. Tôi thích anh mất rồi.

- Hà Anh à... anh sang nhà em hỏi cưới nhé.

- Hà Anh à... anh muốn chăm sóc em. Anh muốn cho em cảm giác gia đình, cho em hạnh phúc.

- Hà Anh à... anh muốn làm chồng em, muốn làm cha của các con em. Nên...

Tôi đưa ngón tay lên môi anh, ngăn chặn những lời tiếp theo anh muốn nói

- Hoàng Nam... Sao anh tham lam quá vậy. Muốn nhiều thứ như vậy sao em đáp ứng hết.

- Vậy...

- Em muốn có được cảm giác làm con dâu của mẹ. Chỉ một điều thôi.

Anh mỉm cười, kéo tôi sát lại, đặt lên môi tôi một nụ hôn.

Đừng hỏi tôi mẹ và anh như thế nào. Anh đã xin lỗi mẹ ra sao. Anh nói chuyện và phản ứng như thế nào với ba mình khi biết được sự thật .Vì tôi thấy điều đó không quan trọng. Ba anh có thể có một lí do nào đó, nhưng tôi không muốn nói đến ông ta.

Cuộc đời mỗi người một số phận. Như tôi mồ côi nhưng không hề oán trách số kiếp, vì tôi biết tôi tin tưởng vào cuộc sống và bản thân thì tôi sẽ có được hạnh phúc.

Như mẹ cả đời vì con, cuối cùng tuổi già được bên con, mặc dù trước đó bao nhiêu năm đắng cay xa cách.

Như anh, vì tổn thương, vì đưa đẩy của cuộc sống, xa rời mẹ ngần ấy năm, cuối cùng cũng được làm tròn nghĩa vụ. Người biết nhận lỗi vẫn có quyền được hưởng hạnh phúc đúng không? Như anh vậy.

Cuộc sống là nhiều điều kì diệu, dù hiện thực có quá mức phũ phàng, vẫn còn một nơi nào đó làm ấm lòng bạn. Có thể bạn không may, nhưng đừng nghĩ mình bất hạnh.

Đó là câu chuyện của mẹ, của tôi và của anh.

Còn của bạn như thế nào?