Buổi Hẹn Cuối Cùng

Chương 22

James Hadley Chase

10/05/2016

Ngồi thụt sâu trong chiếc ghế bọc da trên phi cơ, tôi có cảm giác buồn nôn. Trước khi khởi hành, tôi chưa bỏ miếng gì vào bụng. Máy bay lần lượt rơi từ một hố thiếu không khí này sang một hố khác và đầu óc tôi như muốn nổ tung.

Cuối cùng phi cơ bắt đầu bay ổn định và tôi lợi dụng lúc này để rút trong túi đọc lại bức điện gửi cho tôi.

TƯ LIỆU CÓ SẴN VỀ ALBERT COLE NHƯ SAU STOP SINH VIÊN ĐẠI HỌC WASHBURN Ở ĐÂY 1923 STOP THỪA HƯỞNG GIA TÀI NHỎ CỦA BỐ MẸ STOP CHỔNG CHƯA CƯỚI CỦA ELIZABETH CASTLE 1922 STOP TỐT NGHIỆP BÁC SĨ THÁNG CHẠP 1923 RỒI KHÔNG RÕ BÓ ĐI ĐÂU STOP HỒI ĐÓ HAI MƯƠI BA HAY HAI MƯƠI TƯ TUỔI STOP HIỆN NAY KHÔNG CÓ TIN TỨC NHƯNG VIỆC TÌM KIẾM VẪN TIẾP TỤC STOP TIỆM ẢNH CHO BIẾT BỨC HÌNH CHỤP ELIZABETH CASTLE VÀ CON GÁI STOP ELIZABETH CASTLE VẪN SỐNG Ở TOPEKA ĐỊA CHỈ 23 LOGAN ROAD STOP STOP KHÔNG BIẾT SỐ PHẬN VÀ ĐỊA CHỈ NGƯỜI CON GÁI STOP ÔNG NÊN ĐÍCH THÂN HỎI BÀ ẤY FRANK A. ULICK CẢNH SÁT TRƯỞNG TOPEKA KANSAS MƯỜI SÁU THÁNG TƯ.

Tôi liếc mắt nhìn qua cửa kính tròn. Máy bay đang bay theo hướng đông và mặt trời từ từ mọc trước mặt chúng tôi. Đây là chặng cuối cùng của chuyến đi. Và mảnh cuối cùng của trò chơi rắc rối này chẳng mấy chốc sẽ nằm vào vị trí của nó. Tôi đổi tư thế ngồi và nhắm mắt lại. Không biết làm gì hơn, tôi thiu thiu ngủ.

Không biết ngủ được bao lâu, những tiếng nói ồn ào làm tôi thức giấc và nghe thấy cô tiếp viên hàng không thông báo:

- Chú ý, máy bay sắp hạ cánh. Đề nghị quý vị tắt thuốc lá.

Tôi vươn vai và nhìn ra ngoài lần nữa. Máy bay đang lượn trên một vùng công nghiệp và khói từ những nhà máy bay lên cao. Rồi hình vòm màu xám của toà nhà hành chính của tiểu bang xuất hiện lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Trên các đường phố xe cộ đi lại dày đặc.

Máy bay đã hạ cánh. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục tôi vào tiệm cắt tóc trong phi trường để cạo râu rồi nuốt vội một bữa ăn sáng đơn giản. Người bồi cho biết đi sáu cây số về phía bắc thành phố là tới đường Logan. Tôi tới quầy vé giữ chỗ về vào ngay chiều ngày hôm đó, sau đó tôi gọi taxi.

Đó là một ngôi nhà nhỏ một tầng đã từ lâu chưa được quét vôi hay sơn sửa lại. Những bức tường bị chìm lấp dưới các hàng cây chằng chịt dây, leo và mảnh vườn ngào ngạt mùi hoa thơm. Những bậc cấp lên tới thềm đã cũ kỹ và hư nát. Ở hàng hiên thoáng mát có một chiếc ghế mây và một cái bàn nhỏ trên đó một chiếc radio xách tay đang phát ra âm thanh nho nhỏ.

Tôi gõ cửa và bỏ mũ. Từ bên trong vọng lại tiếng bát đũa nhưng thỉnh thoảng lại bị át đi bởi tiếng gáy của lũ dế mèn ở ngoài vườn. Tôi gõ mạnh tay hơn. Một lát sau có tiếng bước chân khập khiễng đi tới. Một bóng người hiện ra ở sau tấm lưới sắt ngăn muỗi. Bóng người có vẻ mảnh khảnh và bé nhỏ. Người phụ nữ khó nhọc đấy cánh cửa và đứng ngay ở ngưỡng cửa, hai tay tì lên đôi nạng. Dáng vẻ bà ta tỏ rõ một mối e sợ mơ hồ nào đó. Khi thấy tôi vẫn đứng im, bà nhấp nháy đôi mắt. Bà lên t ếng hói:

- Ông là ai?

Giọng bà êm ái, dịu dàng nhưng buồn bã, u sầu. Tôi đáp:

- Chào bà. Bà đúng là cô Elizabeth Castle?

Mặt người phụ nữ thất sắc chỉ trừ đôi gò má hơi ửng đỏ. Một sợi gân xanh đập mạnh ở thái dương, các ngón tay quắp chặt hơn nữa trên đôi nạng. Bà bước ngập ngừng về phía chiếc ghế mây và ngồi thụp xuống. Chiếc radio vẫn phát ra bản nhạc thịnh hành hồi thập kỷ hai mươi và ngoài vườn lũ dế càng kêu vang hơn.

Bà hơi mỉm cười nói:

- Đã bao năm qua không ai gọi tôi bằng cái tên đó. Thưa ông, ông là ai và xin cho biết ông cần gì?

Hồi còn trẻ, chắc bà ta rất đẹp. Bây giờ đôi con ngươi đã thụt sâu trong hai hố mắt và nỗi đau khổ tạo nên những vết nhăn chung quanh mũi và miệng. Mặc dầu với mớ tóc trắng xoá và làn da nhăn nheo nhưng bà không phải là một người già, nhìn bà người ta có cảm giác như bà đã sống từ hàng ngàn năm nay rồi.

Tôi nói:

- Tên của tôi không quan trọng. Trên một khía cạnh nào đó thì bà không biết tôi là ai có lẽ lại tốt hơn. Bà đã chịu gánh nặng quá lớn cho nỗi khổ đau của bà rồi.

- Tôi đã đau khổ quá nhiều nên cho rằng không một chuyện gì đến với tôi có thể tồi tệ hơn nữa. Tại sao việc ông cho tôi biết tên ông lại có thể tạo ra chuyện rắc rối?

Tôi ngồi xệp xuống bậc cấp cao nhất và châm thuốc hút. Bên ngoài trời nóng gay gắt nhưng ở đây, khuất bóng mặt trời nên tôi cảm thấy mát mẻ dễ chịu. Những đàn kiến lăng xăng chạy đi chạy lại trên lối vào mà tôi vừa đi qua và những chiếc lá dâu tây phủ đầy bụi. Người phụ nữ để đôi nạng sát cạnh người và những ngón tay lồng vào nhau đặt lên bụng. Tôi nói:

- Bà không nhất thiết phải biết tên tôi. Bà chỉ cần biết tôi đang làm việc cho một người mà cách đây bao nhiêu năm người đó là một bạn rất thân của bà. Người đó là sinh viên ở đây trước khi đến định cư ở New York.

Nét mặt người phụ nữ co rúm và cái miệng mím lại.

- Albert Cole, ông ấy muốn gì? Tại sao ông ấy lại chịu khó thuê ông đến đây làm phiền tôi?

- Ông ấy không còn làm phiền bà nữa đâu, - tôi đáp - Tuần trước ông ấy đã chết rồi.

Bà giật thót người làm đôi nạng rơi xuống đất. Người bà đờ ra và nhắm mắt lại. Tôi nghĩ bà sắp ngất đến nơi tôi toan đứng dậy nhưng bà đã mở mắt và ngây ngô nhìn tôi. Đôi môi bà run run rồi hai giọt nước mắt lớn từ từ chảy trên đôi gò má.

Bà hơi khẽ lắc đầu và thì thầm:



- Thế là Al chết rồi. Tôi nhỏ nước mắt cho dù bao điều ông ấy đã làm với tôi! Al đã chết và tôi khóc vì tin này làm tôi đau đớn. Giá mà tôi có thể cho ông biết trong hai mươi nhăm năm nay tôi đã thù hận con người ấy và cầu trời làm cho ông ấy bị đau khổ, bị chết đi! Thế mà bây giờ tôi lại khóc. - Bà cười nhạt một cách cay đắng. - Ôi, Ai, tại sao anh lại nỡ đối xử như vậy? Tại sao anh lại có hành động như vậy?

Bà vùi mặt vào hai lòng bàn tay và khóc nức nở. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn qua kẽ ngón tay và toàn thân bà rung lên từng chặp. Tôi đứng dậy và đi tới một góc nhà, nơi tôi không nhìn thấy bà và những tiếng rì rầm của các loại côn trùng khoả lấp tiếng nức nở của bà. Nơi đây chỉ có tiếng radio vọng lại bản nhạc: Yêu ai, yêu chỉ một người.

Tiếp tục đi nữa, tôi tới mảnh vườn trồng đủ các loại rau. Trên một bãi cỏ vuông vắn có chiếc bàn nhỏ, vài cái ghế thô sơ. Ngoài ra dưới gốc cây lưu niên có một cái ghế dài. Ngay cạnh đó, sau hàng rào là cánh đồng chạy dài.

Tôi ngồi xuống ghế và phóng tầm mắt ngắm quang cảnh miền quê bao quanh. Chắc nơi đây là chỗ bác sĩ Cole đã mong về ẩn nấp để quên những nhọc nhằn quá sức chịu đựng của ông. Chắc nơi đây là chỗ ông ta định về để chuộc lại sai lầm đầu tiên trong nhiều sai lầm ông ta đã mắc phải trong đời. Chắc nơi đây là chỗ ông ta có thể tìm lại sự yên ổn trong lòng mà ông ta không có ở ngay trong chính nhà của mình qua một phần tư thế kỷ.

Khi tôi trở lại chàng hiên, người phụ nữ tàn tật đã qua cơn xúc động, đôi mắt khô ráo.

- Thưa ông, xin cám ơn ông đã có nhã ý tránh đi nơi khác trong khi tôi nhớ lại bao kỷ niệm đau buồn. Tôi những tưởng mình đã cạn nước mắt để khóc cho Albert Cole nhưng cuộc viếng thăm của ông làm mở rộng vết thương lòng đã hàn kín trong bao năm nay. - Bà cay đắng mỉm cười. - Bây giờ thế là xong. Tôi không còn cảm thấy đau khổ nữa. Về một khía cạnh nào đó, tôi hài lòng vì ông có mặt nơi đây mặc dù tôi còn chưa biết rõ mục đích việc ông đến gặp tôi… Tất nhiên là trừ phi chính ông ấy đã đề nghị ông làm việc này.

Trong ánh mắt bà lại biểu lộ lần nữa vẻ lo âu nhưng cũng còn có một mối hy vọng thầm kín. Tôi nói dối:

- Vâng, đúng là bác sĩ Cole đã nhờ tôi đến thăm bà trong trường hợp ông ấy gặp một chuyện chẳng lành. Ông ấy đã nhờ tôi trao trả lại bà cái này… - Toàn thân người phụ nữ tội nghiệp căng ra và bà từ từ chìa tay. Tôi lục trong túi lấy ra tấm hình mà tôi đã lấy được ở bên xác chết. - Đây là vật cuối cùng ông ấy đã nhìn trước khi chết. - Ít ra thì điều này là đúng với sự thật.

Người bà bất động trong một hồi lâu, mắt đăm đăm nhìn tấm ảnh cũ lâu đời, bà vuốt ve nó như là một sinh vật sống động. Rồi bà đặt nó trên cái váy và nhoẻn miệng cười.

- Ông thật tốt, tôi sẽ luôn luôn nhớ ông. Hình như tôi đọc được vẻ ái ngại trong ánh mắt ông vào lúc tôi mở cửa tiếp ông, nhưng ông không cần phải thương hại cho tôi. Khi người ta báo cho biết tôi bị tật nguyền mãi mãi tôi có bảo họ sao không để tôi chết đi. Nhưng từ đó tôi đã học thêm được nhiều điều. Trước hết là tôi đã có con tôi và bây giờ tôi tin chắc nếu Al còn sống, ông ấy sẽ quay trở lại nơi đây.

Bà cười nho nhỏ và nói thêm:

- Chắc ông nghĩ tôi chỉ là một mụ già lẩm cẩm luôn sống trong mộng thôi phải không?

Tôi vội đáp:

- Hoàn toàn không phải thế. Ngay chính tôi, tôi cũng tin chắc bác sĩ Cole sẽ trở về nơi đây để sống nốt những ngày còn lại trong đời. Ông ta thú nhận với tôi điều ông ta đã làm là một sai lầm lớn nhất trong đời.

Bà thì thầm:

- Tội nghiệp cho Al, khốn khổ cho Al.

Ở ngoài vườn, trời nóng hầm hập đến mức khó thở và xa xa nơi khu ga chở hàng hoá, tôi nghe thấy người ta đang dồn toa cho một đoàn tàu. Bà nói tiếp:

- Chính tôi mới là người phạm sai lầm to lớn. Khi tôi cho Al biết chúng tôi sắp có con ông ấy không tin đứa con là của ông ấy, thế là tôi nổi điên lên và văng vào mặt ông ấy đủ mọi điều kinh khủng! Ông ấy cười phá lên và bảo tôi định xỏ mũi ông ấy, tôi không có gan tự sát, tôi cố tình doạ dẫm buộc ông ấy phải tiến tới cuộc hôn nhân mà ông ấy không hề muốn. Thế là tôi như một con rồ, tôi doạ là sẽ tố cáo ông ấy với bạn bè, với những người quen biết. Tôi hét toáng lên rằng ông ấy sẽ không dám dàn mặt với những người ấy nữa. Tôi thề rằng dù có quỳ xuống chân tôi mà van xin tôi cũng không thèm lấy ông ấy nữa, và bây giờ tôi biết ông ấy là con người như thế nào rồi.

Bà hướng về tôi nhưng không nhìn tôi. Hình như đôi mắt bà đang chăm chú nhìn một cảnh nào đó rất xa xưa mất hút trong quá khứ và trong không gian. Nhưng bà vẫn luôn mỉm cười và một điều thật kỳ lạ là mỗi lúc bà càng giống với hình cô gái trong tấm ảnh.

Bà nói tiếp:

- Al vẫn chịu khó nghe tôi nói mà không ngắt lời ông ấy có vẻ suy nghĩ. Bất chợt ông ấy nói với giọng lạnh lùng: "Cả cô, cả bất kỳ người nào khác cũng không thể lôi kéo tôi vào một con đường mà tôi không muốn theo. Trên thế gian này còn rất nhiều nơi người ta có thể sinh sống và làm việc. Cái xó hóc này không phải là cả vũ trụ. Cô muốn nói với bất kỳ người nào rằng tôi là cha của đứa con hoang thì tuỳ cô, nhưng tôi có ở đây đâu mà nghe!”.

Ngay tối hôm đó, tôi gọi điện tới nhà ông ấy thì được biết ông ấy đã rời thành phố và không còn trở lại nữa.

Cuối cùng khi tôi hiểu rằng ông ấy đã đi thật rồi thì mọi sự đều đổ sụp trước mắt tôi. Tôi không còn thiết sống nữa. Những ý tưởng thù hận và phá phách tràn ngập con người tôi. Kể cả ý nghĩ lo lắng về chuyện gì sắp tới với tôi.

Tôi như con điên lang thang hết cây số này sang cây số khác mà không biết mình đi đâu. Tôi đi trên những con phố xa lạ, băng qua những khu phố tôi chưa hề đặt chân đến. Bất chợt tôi thấy mình đứng ở sát ngay bờ sông thì trời đã quá khuya. Tôi không đủ can đảm trở về nhà, đối diện với cha mẹ tôi, với những người thân trong gia đình… Tôi có ý nghĩ muốn kết liễu cuộc đời của mình ngay lập tức nhưng tôi lại sợ. Tôi vẫn dán mắt nhìn dòng nước đen ngòm chảy xiết trước mặt tôi. Và bất thình lình tôi có cảm giác như ngay sát bên tai tôi tiếng cười chế nhạo của Al. Tôi còn như mường tượng lại những lời nói phũ phàng của ông ấy nói với tôi và trên tất cả, là lời thách đố ông ấy văng vào mặt tôi.

Tôi không còn nhớ rõ chuyện gì xảy ra sau đó. Bất thình lình tôi thấy mình đứng trên lan can. Dưới chân tôi, dòng sông chảy ầm ầm như thác nước Niagara. Người tôi cứng đờ như bị chuột rút, không thể cử động, không thể lao xuống. Rồi tôi nghe thấy tiếng la hét và một người đàn ông đang lao về phía tôi.

Bà rùng mình và im lặng trong vài giây.

- Sau đó tôi nghĩ rằng mình sắp ngất và có cảm giác như lao xuống một cái gì lạnh buốt. Tôi cố kêu cứu và giãy giụa. Và bất chợt tôi hiểu rằng mình đang bị chết đuối.

Bà ngừng lời. Bên trong ngôi nhà, một tấm ván sàn kêu cót két và một tiếng động nhẹ vẳng tới tai tôi như có người vừa mở cửa. Ngay cùng lúc đó, một làn gió thổi tới nâng nhẹ váy dài của Elizabeth Castle.



Bà liếm đôi môi và liếc nhìn tấm hình rồi nói tiếp:

- Khi tôi tỉnh lại, người ta cho biết suýt nữa là tôi chết. Tôi được chở tới bệnh viện và ở đấy cho tới khi tôi sinh cháu. Các bác sĩ ngạc nhiên tại sao đứa bé lại không chết lúc sinh.

Bà mỉm cười và trong ánh mắt lóe lên một tia sáng.

- Phải mất một thời gian khá dài mới làm tôi hiểu rằng tôi yêu quý đứa trẻ đó biết nhường nào.

Tôi không muốn có nó vào lúc tôi gieo mình xuống nước nhưng một khi nó sinh ra, tôi bắt đầu yêu nó hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Mặc dù nó là con của Al, nghĩa là người đàn ông tôi thù hận. Một tuần sau, tôi bị ốm nặng. Năm đó có một trận dịch tê liệt trẻ em… Nhưng có gì quan trọng nữa đâu? - Bà nhẹ nhàng xoa đầu gối. - Và kết quả là như thế này đây.

Tôi phải nằm dài trên giường bệnh suốt hai năm và được biết không bao giờ tôi còn có thể đi lại như một người bình thường được nữa.

Tôi đứng lên hỏi:

- Thế còn bác sĩ Cole?

- Qua một người nào đó, tôi không nhớ rõ là ai, tôi được biết ông ấy công tác tại một bệnh viện ở New York. Khi tôi buộc phải chi cấp những thứ cần thiết cho đứa bé, tôi viết thư cho ông ấy kèm theo tấm ảnh chụp cháu bé và tôi. Cho đến tận ngày hôm nay, tôi mới biết ông ấy có nhận được lá thư đó.

Bà cầm đôi nạng và nặng nhọc đứng lên, bước lại gần tôi nói:

- Thưa ông, xin tạm biệt ông. Cám ơn ông một lần nữa đã đến thăm tôi. Xin đừng trách tôi đã làm ông bận tâm về một câu chuyện tình cảm xa xưa. Tôi chưa khi nào nói với ai về chuyện này. Chuyện riêng tư của tôi không can hệ tới mọi người nhưng với ông thì lại khác. Tôi đoán rằng người ta có thể tin cậy ở nơi ông.

Bà quay lưng về phía tôi, kéo cánh cửa ngăn muỗi rồi mất hút vào tròng nhà.

Tôi đội mũ và thong thả đi vế phía cổng sắt của mảnh vườn. Ra tới phố, tôi chạm trán ngay với Helen Cole, cô có ý đứng chờ tôi. Đặt bàn tay lên cánh tay tôi, cô hỏi:

- Ông đến đây làm gì?

- Khi người ta biết được chút ít thì lại muốn biết nhiều thêm nữa. Và bây giờ khi đã hiểu rõ mọi chuyện, tôi tiếc là bác sĩ Albert Cole sao không chết đứ đừ ngay trước khi lôi kéo tôi vào câu chuyện bi thảm này.

- Ông có ý định hành động như thế nào? Chắc chắn là ông đã đoán ra…

- Phải, tôi đã có lời giải đáp cho tất cả các câu hỏi: Ai, vì sao, thế nào như người ta thường viết trong các cuốn truyện trinh thám. Không phải là bỗng dưng tôi được tiếng là một thám tử tài giỏi.

Cô không biết trả lời thế nào. Tôi nắm hai vai xoay người cô lại hướng về ngôi nhà. Tôi khuyên:

- Về nhà đi và đừng nói gì với bà ấy cả.

Một nỗi vui mừng lớn lao biểu lộ trên nét mặt cô.

- Ông không định kể lại cho bất cứ một người nào chứ?

- Tôi sẽ là người cuối cùng nói ra chuyện này. Cô cứ ở lại đây cho tới khi mọi việc đã ổn định, cho tới khi cô.… - Tôi nhấn mạnh từ này… - được an toàn. Chỉ khi đó cô mới nên trở về New York. Ở thành phố đó có một bà Miriam Cole nào đấy cũng nôn nóng muốn sửa chữa những sai lầm của mình cả lớn cả nhỏ.

Không quay mặt lại, Helen đẩy cánh cửa sắt và đi về phía ngôi nhà nhỏ tàn tạ.

Tôi cuốc bộ hai cây số mới gặp một tiệm tạp hoá và gọi nhờ điện cho một taxi bảo chở tôi tới phi trường ngay tức khắc. Tôi không muốn bị lỡ chuyến bay vì trước mắt, tôi còn rất nhiều việc phải làm.

James Hadley Chase

Buổi hẹn cuối cùng

Dịch giả: Quang Huy

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Buổi Hẹn Cuối Cùng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook