Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 15: Quyển 1 - Chương 15

Daniel Grandclément

02/04/2017

Ngày 2 tháng 2 năm 1945 đài phát thanh bí mật của mạng lưới Pavie nói rằng vừa nhận được một trăm ba mươi ba thùng và hai mươi hai hòm và nay yêu cầu gửi tiền đến. Pavie là mật danh của tổ chức ở Huế doBan Hành động(Service Action) của lực lượng Pháp tự do. Ban này đặt dưới quyền tướng Blaizot chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, mới đến Kandy, trên đảo Ceylan (nay gọi là Srilanca) gần đây. Cuối cùng, những người Pháp theo De Gaulle đã hành động. Đầu năm 1945 được người Anh giúp sức họ bắt đầu xây dựng mạng lưới tình báo trên toàn bán đảo Đông Dương, theo kinh nghiệm của đội quân ngầm hoạt động bốn năm dưới ách chiếm đóng của Đức.

Người từ bên ngoài quyết định các đòn vũ lực và tiếp tế vũ khí. Con người nắm toàn bộ hệ thống bí mật trong những tháng đầu là Crèvecoeur thuộc phái De Gaulle. Ngoài ra chính tướng De Gaulle ở Alger đã ra lệnh cho ông ta cầm đầu Ban Hành động. Đại uý Crèvecoeur là người phụ trách miền trung xứ Trung Kỳ. Đó là một con người cương nghị, đầu óc phiêu lưu mạo hiểm nhưng chính xác, tỉ mỉ đã để lại tập hồ sơ dày cộm mười lăm tập tại Viện lịch sử quân sự ở Vincennes. Hàng kilô giấy không nói được hết các hoạt động của các thượng sĩ, trung uý ngay sau khi Pháp đầu hàng mong ước được sang châu Á để chiến đấu chống Nhật hay đơn giản chỉ dấn thân tìm kiếm vinh quang.

Crèvecoeur đặt bản doanh ở Côn Minh phía nam Trung Hoa, phỏng theo các phương pháp hoạt động của SOE (Special Operation Executive), cơ quan đặc vụ Anh được Churchill hoàn chỉnh, đã phát động người Pháp kháng chiến chống Đức. Lần này những người lính dù không nhảy xuống Bordeaux hay Nevers ở Pháp mà ở phía bắc Huế, nam Quảng Trị. Người Anh cung cấp máy bay còn người Mỹ thì cung cấp vũ khí.

Trên mặt đất ở nội địa có mạng lưới gồm viên chức dân sự và quân nhân là tổ chức Gordon được lập ra từ nhiều năm nay. Tổ chức này thu lượm tin tức, giúp những người lính vượt ngục và giúp các phi công từ máy bay bị bắn rơi. Các công chức, các cơ quan công chính và đường sắt tổ chức phá hoại việc quản lý khai thác đường sắt. Có chuyến vận tải của Nhật Bản bị chặn lại với muôn vàn lý do, do đánh tráo hay do kiểm soát Khâm sứ Trung Kỳ, Grandjean, ít ủng hộ thậm chí chống lại các hoạt động chống Nhật của các phần tử theo De Gaulle. Ngay cả tướng Turquin phụ trách quân sự cũng vậy. Hai ông này sợ rằng Nhật sẽ viện cớ đó để loại bỏ người Pháp và chấm dứt chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Đầu năm 1945, công cuộc kháng cự ngày càng trở nên quan trọng. Dưới sự thúc đẩy của Ban Hành động nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan trong quân đội thuộc địa tham gia vào mạng lưới chống Nhật.

Cũng như ở các thuộc địa, những quan hệ căng thẳng nảy sinh giữa cánh dân sự và quân sự. Nhưng ở Trung Kỳ còn có những căng thẳng giữa các nhóm có lợi ích khác nhau. Các thành viên của nhómGordoncung cấp tin tức tình báo trước hết cho người Mỹ. Nhưng Tổng thống Roosevelt lại là người kiên quyết tán thành chính sách phi thực dân hoá. Ông quyết định ủng hộ người Việt Nam mong muốn đánh đuổi người Pháp ra khỏi cửa. Nước Mỹ nghị sĩ cũng như dân chúng đều lên án thái độ của Pháp đối với các thuộc địa cũ của mình. Báo MỹChicago Sun(Mặt trời Chicago) viết: Đông Dương thuộc Pháp trở thành tượng trưng cho chủ nghĩa thực dân da trắng. So với người Mỹ và người Anh, người Pháp làm rất ít để giáo hoá dân chúng và cải thiện cuộc sống vật chất cho họ. Sự nghèo nàn tràn ngập đất nước, sự ngu dốt của người bản xứ, các biện pháp hạn chế về kinh tế nhằm ràng buộc thuộc địa với chính quốc, tất cả làm cho Đông Dương trở thành một điểm đen đặc biệt ở châu Á thuộc địa(1).

Các mạng lưới chống Nhật cạnh tranh nhau thậm chí đối nghịch với nhau. Người phụ trách của mạng Gordon, một thương nhân làm ăn ở Đà Nẵng, mất tích trong những tình huống kỳ lạ, trong lúc đang ủng hộ mười hai quân nhân đồng minh bị rớt xuống biển... Nhưng nói chung họ hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều khi họ liều lĩnh và muốn ăn to. Họ thả dù không phải chỉ là những khẩu tiểu liên Stein hay súng lục tự động mà cả những dụng cụ rất khó giấu kín như đại bác, trọng pháo và đạn pháo. Tuy nhiên nhiều tháng ròng từ cuối 1944 đến đầu 1945, người Nhật đều không phát hiện được(2).

Tại Huế, Giraud, kỹ sư trưởng công chính, Girard, giám đốc nhà máy điện, Gey, nha sĩ và Niedris, kỹ sư điện lãnh đạo phong trào kháng Nhật. Một quân nhân, đại uý Hebre, không ngừng tìm được những bãi rộng để thả dù vũ khí. Đầu tháng 2 năm 1945 họ yêu cầu có số tiền mười nghìn đồng bạc Đông Dương để dọn dẹp bãi tiếp nhận ở Làng Hồi phía tây thành phố Huế.

Được cung cấp tin tức tình báo, Mỹ ném bom căn cứ Nhật ngày càng chính xác. Điện ngày 2 tháng 2 năm 1945 đánh đi từ Huế đánh dấu việc chấm dứt các dợt thả dù. Cuối tháng tất cả các tổ chức chống Nhật ở đây đã nhận đầy đủ vũ khí để làm nhiệm vụ. Chỉ còn 15 ngày nữa những nhóm hoạt động bí mật đã sẵn sàng khởi sự. Đó là ngày N. được ghi trong các bức điện mật như ở mặt trận Normandie phía bắc nước Pháp mười tháng trước đó. Vì các nhóm chống Nhật ở đây không phải chỉ có giúp đỡ người Mỹ mà còn có ý định chờ Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương sẽ nổi dậy đoạt lại chủ quyền từ tay Nhật. Đó là điều người Pháp mong đợi. Họ thảo luận nhiều khi không giữ gìn ý tứ, không thận trọng. Hình như họ cho rằng không phải là nhiệm vụ quá khó khăn không thể thực hiện được. Người Nhật ở đây không nhiều, ở An Nam chỉ có bảy nghìn quân trong tổng số bốn mươi bảy nghìn toàn Đông Dương kể cả Cao Miên và Lào.

Tại sao phải vội vã đi đến một chung cuộc xem ra không thể tránh khỏi? Các pháo đài bay Mỹ đã ném bom Tokyo. Quân Đồng minh phản công quân Nhật gần như khắp các mặt trận Á Đông. Chắc hẳn vì là nếu giải phóng được một vùng đất thuộc địa cũ có sự tham gia nhiệt tình và có kết quả của Pháp sẽ có ảnh hưởng chính trị lớn. Nó có thể chứng tỏ rằng việc De Gaulle tuyên chiến với Nhật không phải là những lời lẽ trống rỗng.

Tại Đà Lạt, nơi ở thường xuyên của Toàn quyền Decoux, những người cầm đầu chủ chốt của chính quyền bảo hộ đều được thông báo về tình hình khá chặt chẽ. Họ đều biết việc gì xảy ra. Những người được chính phủ mới ở Pháp tín nhiệm, kèm sát đô đốc và bao trùm lên bộ máy quyền lực của ông ta. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, trung tá Crèvecoeur bí mật kiểm kê những người Việt Nam đáng tin cậy. "Dưới tấm bình phong đó chúng ta sẽ lựa chọn những người sẽ làm việc cho chúng ta trong tương lai". Bức điện kết thúc bằng một đoạn đề phòng "tham vọng của người Mỹ". Như vậy những người phụ trách chính quyền bảo hộ và những phần tử trongBan Hành độngđã bắt tay nhau cùng hành động. Sau này Toàn quyền Decoux sẽ bị đưa ra toà xử về tội trung thành với chính phủ Vichy, nhưng lúc này đây vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 tất cả những người Pháp ở Đông Dương đều có chung một mục tiêu.

Còn Bảo Đại, ông ta nói đã bị hoàn toàn đứng ngoài mọi âm mưu khôi phục chủ quyền của người Pháp. Hình như không biết gì đến hoạt động của những người Pháp chống Nhật này và rất ít quan tâm đến cuộc chiến.

Cũng ngày hôm đó, ngày 9 tháng 3 năm 1945 bắt đầu từ buổi tối người Nhật khởi sự truất quyền thống trị của Pháp. Một tiếng sét, một làn sóng tấn công khiến dân chúng và quân đội thuộc địa sững sờ! Trong lịch sử người ta gọi đó là đòn mồng 9 tháng 3 hay là cuộc đảo chính mồng 9 tháng 3. Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Tóm lại một đòn tàn nhẫn và công hiệu một cách ngạc nhiên.

Tại Huế, những quân nhân Mặt Trời Mọc bắt đầu khởi sự bằng việc chiếm nhà ga rồi khách sạn Morin ở đầu cầu Trường Tiền, một chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương thời đó gọi là cầu Clémenceau dùng để dân chúng người Pháp ở bên này sông Hương sang được khu Đại Nội và kinh thành Huế. Người Nhật mặc thường phục để tạo thế bất ngờ rồi chia nhau bao vây các doanh trại quân Pháp. Các đơn vị lính Pháp đang chuẩn bị rút ra ngoài đều bị tiêu hao. Nhiều binh sĩ đang đi chơi ngoài phốbất ngờ bị bắt hoặc bị giết.

Tại nhà Ngân hàng Đông Dương, lính Nhật giết người gác đêm, chiếm nhà băng. Chỉ để lại hai lính Nhật để canh giữ toà nhà tượng trưng cho sức mạnh của Cộng hoà Pháp.

Tuy nhiên quân Pháp cố lẻ tẻ chống lại. Nhiều trận giao chiến ác liệt và đẫm máu diễn ra. Quân Nhật chết hai trăm bốn mươi bảy binh sĩ. Chiều hôm sau đơn vị bảo vệ thành Huế hạ vũ khí đầu hàng. Đài phát thanh Sài Gòn qua lời kêu gọi của nữ phát thanh viên người Pháp nghẹn ngào đọc lời kêu gọi người Pháp đầu hàng.

Tàn binh quân đội bảo hộ đều bị bắt làm tù binh gần ở đồn Mang Cá, tại đây năm 1885, quân của tướng De Courcy đã dùng để chống cự lực lượng triều đình nổi dậy.

Khắp nơi trên toàn Đông Dương, quân đội Nhật giam giữ tù binh Pháp trong xà lim và tập trung quản thúc kiều dân Pháp tại các trại hoặc các khu biệt cư.

Chỉ trong một đêm, người da trắng bị tiến công, bắn giết bằng đại liên, lưỡi lê hoặc bị giam giữ. Những người Nhật khi mới đến diễu hành trên đường phố một cách dễ thương, những trí thức người Nhật đã từng tổ chức chung những hoạt động giao lưu văn hoá với tư sản thuộc địa đã bộc lộ một cách đáng ngạc nhiên những hành động tàn bạo của họ. Theo thống kê của quân đội viễn chinh Pháp năm 1947, hai nghìn một trăm người Pháp bị giết hại trong đêm mồng 9 tháng 3 và những ngày sau đó. Quân lính thuộc địa đã chống cự hết sức mình. Trong đêm 9 tháng 3 toàn bộ lính Pháp ở Hà Nội đều bị bắt làm tù binh cũng như ở Lạng Sơn, tình hình còn bi thảm hơn. Gần bốn trăm lính Pháp bị chặt đầu bằng kiếm. Số còn lại đều bị bắt hết.



Các sĩ quan buổi tối mồng 9 đã được mời đến ăn tối với các cấp chỉ huy tương đương của Nhật. Tiệc rượu tan, lính Nhật yêu cầu khách hạ vũ khí và ra lệnh cho quân lính dưới quyền phải đầu hàng. Sĩ quan Pháp từ chối. Họ bị chính những người vừa ăn nhậu với họ ban nãy rút kiếm và dao găm xử tử ngay.

Trong đêm kinh hoàng đó, biết bao hành động tàn ác không thể giải thích được không thể tha thứ được và nói chung đều không gặp sự kháng cự đáng kể nào của người Pháp. Sự có mặt gần một thế kỷ của Pháp bị xoá sạch trong một dêm. Những người trước đây coi thường sức mạnh người Nhật cho rằng họ không có nhiều quân, nay lặng lẽ ngơ ngác ngồi trong nhà giam băng bó vết thương. Không còn thời cơ nào để nghĩ đến các tranh giành ảnh hưởng với người Mỹ hay các cuộc thanh trừng tiếp theo sự sụp đổ của chế độ Vichy. Người Nhật vừa nhắc nhở họ rằng chiến tranh chưa phải là chấm dứt.

Còn đối với dân chúng người Việt, thì nếu không tỏ ra thù nghịch thì cũng là thờ ơ, nếu không nói là hả hê trước tai hoạ của bọn thực dân. Bảo Đại sau này viết hồi ký: Cái đầu Pháp bị cắt lìa khỏi cơ thể Việt Nam. Chỉ cần một đêm, nước An Nam cổ xưa đã chuyển thành một nước Việt Nam mới(3).

Tại Paris cuộc đảo chính Nhật ở Đông Dương không được ai chú ý. Chính quốc còn bận tâm nhiều chuyện khác. Tuy nhiên danh sách những kẻ bị hành hình mùa xuân năm 1945 còn dài. Hiến binh Nhật, một loại Gestapo châu Á loại trừ hết những phần tử đã ngăn cản công cuộc phòng vệ của Nhật Bản. Tại Huế chín trăm tù binh bị tra tấn nhưng không ai cho biết thành phần và vũ khí trang bị cho các nhóm chống Nhật được mệnh danhBan Hành động.

Cục diện chiến tranh đã thay đổi. Những quan chức Pháp không còn. Duy chỉ còn sĩ quan chỉ huy trong quân đội Nhật căn bản là căm ghét người da trắng. Họ dùng thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi bại trận đã thấy trước là không thể tránh khỏi, để ủng hộ những người quốc gia Việt Nam. Nền thống trị của Pháp bị quét sạch. Họ đã phải tìm người thay thế. Họ không có đủ sức hay đủ thời gian để lập bộ máy thống trị mới.

Vậy họ phải cố đưa người bản xứ vào lấp chỗ trống của các quan chức bảo hộ để lại. Làm sao đây để tổ chức bộ máy mới duy trì hoạt động các cơ quan công ích và cuối cùng là đánh đòn bọn thực dân người Âu? Bằng cách giao quyền hành cho Bảo Đại.

Quân đội Nhật sụp đổ từng mảng. Lửa chiến tranh đã lan trên đất Nhật, chính thủ đô của họ, Tokyo bị các pháo đài bay của Mỹ oanh kích. Họ cố sức tàn lao vào công việc cuối cùng này: phục hưng chế độ quân chủ.

Bảo Đại chỉ là ông vua bù nhìn... Thôi cũng được, ông "phải" đứng ra trị vì vậy!

Ngày 9 tháng 3 Nhà vua và Hoàng hậu đang đi săn, như thường lệ ở khu rừng cách Huế vài cây số. Chiều ngày 9 người Nhật đón được họ giữ lại. Sau một đêm ông có thời gian suy nghĩ tính sổ với chính quyền Pháp, với những quân nhân Pháp bị người Nhật kết tội là phản bội. Hôm sau người Nhật mới đưa Bảo Đại và Nam Phương về Huế. Vậy là trong đêm xảy ra đảo chính đó Bảo Đại vắng mặt tại Huế. Trùng hợp ngẫu nhiên?

Không. Đây là có tính toán. Bảo Đại không muốn chứng kiến sự tan rã của những người bạn cũ. Ông đã phong thanh được tin từ ngày 25 tháng 2 là người Nhật sẽ hành động nhưng ông không thông báo cho người Pháp biết. Còn hơn thế vì người Pháp đã báo trước là dựa vào ông để tuyên bố độc lập cho Việt Nam(4).

Nhà vua đang lu mờ dần trong bàn tay người Pháp, chỉ vui thú săn bắn và mơ mộng thì nay đang chơi đòn chính tn khá tinh tế khiến các quân nhân Pháp không tưởng tượng nổi.

Tuy nhiên Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của ông lại miêu tả khác. Ông Hòe đã ghi được diễn biến các sự kiện khá chính xác đúng như đã xảy ra bên trong Tử Cấm thành. Cách nhìn của ông Hòe không êm dịu gì. Sau này ông đi theo cộng sản nên ông cũng phải hạ bớt giọng khi miêu tả vị Hoàng đế nhẹ dạ, phù phiếm hơn là sự thực. Ông viết: "Sáng sớm hôm sau 10 tháng 3 ông đi xe vào đến cửa Thượng Tứ thấy cửa đóng chặt gọi mãi không thấy ai ra mở. Trên tường dán những tờ bố cáo bằng chữ Hán đại ý: quân đội Thiên hoàng đã đánh đổ Pháp, thiết quân luật để giữ trật tự và giúp Việt Nam lấy lại chủ quyền độc lập để cùng Nhật Bản xây dựng khối Thịnh vương chung Đại Đông Á"(5).

Dân chúng tụ tập trước tờ bố cáo khiến xe ông Hòe không đi được. Người xem bàn luận xôn xao nghẽn lại lối đi ông Hòe quay xe định trở ra thì bị bọn lính Nhật chặn lại, ông phải xuống xe và lên xe của chúng, dẫn đến trước một tên quan ba Nhật trẻ tuổi, đeo kính trắng, mặt mũi khôi ngô, gươm bên hông dài lê thê sát gót. Thấy ông Hòe đeo bài ngà Ngự tiền Văn phòng Tổng lý, y đứng nghiêm chào và kính cẩn nói bằng tiếng Pháp: "Quân đội Thiên hoàng chỉ truất quyền của thực dân Pháp thôi, không đụng chạm đến Nam triều". Viên sĩ quan Nhật cho biết thêm quân Pháp đã đầu hàng trên toàn lãnh thổ Đông Dương, nhưng Pháp chết rất ít vì quân Nhật ít bắn đạn thật chỉ đốt pháo đùng để uy hiếp khiến quân Pháp tưởng là đạn thật nên đầu hàng ngay còn các quan chức dân sự thì cho bắt ngay chỉ trừ một số tên ngoan cố bị giết.

Ông Tổng lý văn phòng của Bảo Đại lo ngại không phải là sự an toàn của các bạn ông mà sự rối loạn của bộ máy điều hành đất nước. Mỗi cơ quan trong triều đình đều có quan chức từ Paris cử đến để đứng đầu, nay không còn người Pháp nữa thì bộ máy nhà nước sẽ điều hành sẽ ra sao đây và điều quan trọng nhất là ai sẽ trả lương đây? Người Nhật? Viên quan ba Nhật nói để ông yên lòng: "Chúng tôi sẽ nắm giữ các vị trí của người Pháp trước đây, nhưng chúng tôi sẽ sớm chuyển giao cho người Việt Nam". Nhưng khi ông Hòe hỏi ai sẽ thay Khâm sứ Pháp nắm thực quyền hành pháp, viên sĩ quan Nhật lắc đầu trả lời không biết.

Vẫn không có tin tức gì về Nhà vua. Những cận thần của Nhà vua đều biết xe ôtô chở Bảo Đại đã rời khỏi khu vực săn từ đêm nhưng họ không biết người Nhật đã giữ ông suốt đêm khi xe về đến Huế!

Cuối cùng, sáng hôm sau, 11 tháng 3 Phạm Khắc Hòe đến điện Kiến Trung nơi ở và làm việc của Bảo Đại hỏi. Thị vệ trả lời vua đã về nhưng còn đang ngủ mê mệt? Trước khi ông đến, các vị đại thần trong Viện Cơ mật đã đến đây nhưng thấy Bảo Đại còn ngủ liền kéo cả sang chầu bà Hoàng Thái hậu ở Cung Diên Thọ. Tại đây, ông Hòe đã gặp lại họ.

Bà Hoàng Thái hậu Từ Cung mặc dù còn sớm đã phì phèo hút thuốc sâu kèn. Bà tỏ ra ít xúc động về sự kiện diễn ra đêm trước. Ngồi chễm chệ trên sập sơn son thếp vàng bà tiếp tục nói chuyện một cách khoái chí về ván mạt chược với các vị đại thần viện cơ mật trong đó có cả Phạm Quỳnh, vị đại thần vẫn đảm nhiệm công việc "hầu hạ Đức Từ" tức là làm một chân đánh bài với bà Hoàng Thái hậu.

Câu chuyện vẫn đang rôm rả nhưng ai cũng lo lắng về Nhà vua. Quan thượng thư họ Phạm nói đề mọi người yên tâm: Được một đội tuần tra Nhật tháp tùng, Bảo Đại đã trở về Đại nội an toàn và vẫn mạnh khỏe.

Lúc đó một thị vệ lên báo Bảo Đại đã dậy và sẵn sàng cho vào bệ kiến. Trước khi rời phòng, Đức Từ còn nói nhỏ với đại thần bộ Hộ là Hồ Đắc Khải hỏi vay ba trăm bạc để tiếp tục đánh bài.



Cuộc họp rất quan trọng. Vấn đề được bàn là tiếp nhận hay khước từ nền độc lập mà người Nhật trao trả. Chẳng có gì quan trọng thật nhưng đề nghị ngày 10 tháng 3 của họ đưa ra phải được trả lời.

... Yokoyama, đại sứ nước Mặt trời mọc vừa đến đây hôm qua. Ông ta đề nghị sẽ đảm nhiệm chức trách trước đây của Khâm sứ Pháp, và như vậy sẽ mang danh nghĩa cố vấn tối cao của chính phủ Việt Nam độc lập sẽ được thành lập nay mai. Nhà vua thông báo cho Hội đồng cơ mật và hỏi ai có ý kiến gì không. Chẳng ai có ý kiến gì. Tất cả đều nhất trí hoan nghênh.

Bây giờ chỉ còn việc ra một bản tuyên bố Việt Nam độc lập. Phải viết thế nào cho khác với bố cáo của người Nhật. Cần thảo ngay một bản tuyên chiếu của Nhà vua.

Một dự thảo được Phạm Quỳnh đưa ra ngay sau đó gồm có mấy ý chính:

- Một là tuyên bốViệt Nam độc lập.

- Hai là xoá bỏ các hiệp ước đã ký với Pháp.

- Ba là chính phủ Việt Nam độc lập sẽ hợp tác thân thiện với chính phủ Đại Nhật Bản để cùng nhau xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông Á.

Thực tế bản dự thảo chỉ chép lại trung thành một bản giác thư mà Yokoyama đã trao cho Nhà vua.

Mọi người đều vui mừng, bản dự thảo được mọi người nhất trí chấp nhận. Cuộc họp kết thúc chỉ sau mấy phút rất nhanh. Bảo Đại chuyển sang chuyện đi săn hai hôm trước, ông đã săn hạ được con bò rừng rất to, rồi Nhà vua kết thúc cuộc họp: Thôi, mời các thầy về nghỉ. Ai thích mạt chược và thịt bò rừng thì chiều nay vào chầu Đức Từ...

Các vụ thảm sát, nỗi thống khổ người Pháp phải chịu, các vụ tra tấn đang diễn ra chỉ cách cung điện Nhà vua chỉ vài trăm mét. Nhưng xem ra không thành vấn đề

Ngày 11 tháng 3, bản tuyên bố Việt Nam độc lập, sau khi được được ông Hòe hoàn chỉnh đã được công bố.

Việt Nam độc lập nhưng thực tế chỉ Trung Kỳ và Bắc Kỳ trừ ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn bộ Nam Kỳ là nhượng địa chưa được người Nhật trao trả.

Chiểu tình hình quốc tế nói chung và tình hình châu Á nói riêng, chính phủ Việt Nam công khai tuyên bố bắt đầu từ hôm nay xoá bỏ hiệp ước bảo hộ ký với Pháp và đất nước lấy lại nền độc lập. Nước Việt Nam sẽ nỗ lực bằng phương tiện của chính mình đế xứng đáng với một nhà nước độc lập, phù hợp với những nguyên tắc chung về Đại Đông Á, tự coi là một phần tử trong Đại Đông Á nguyện sẽ đem hêt sức mình đóng góp vào nền thịnh vượng chung. Như vậy chính phủ Việt Nam tin vào lòng chính trực của Nhật Bản và quyết tâm hợp tác với Nhật để đạt mục đích nói ở trên.

Phải lập chính phủ cho nhà nước mới. Nhưng tại sao không lập vua mới. Kỳ Ngoại hầu Cường Để cố nhẫn nhục chờ đợi từ ba mươi năm nay ở Tokyo, có lẽ thời cơ vẫn chưa đến với ông ta chăng?

Giải pháp đưa Cường Để về làm vua với Ngô Đình Diệm làm thủ tướng đã có lúc được tính đến... Bộ tham mưu Nhật cuối cùng giữ Bảo Đại. Đó là ý kiến của tướng Tscuchihashi, tổng tư lệnh lực lượng chiếm đóng đã thắng thế. Nhưng khá nhiều sĩ quan của ông không tán thành trao độc lập cho người Đông Dương vì theo họ dân chúng Đông Dương chưa đủ trình độ cai quản đất nước. Không có bộ máy quân sự thì không thể tuyển mộ nhân lực cho cuộc chiến và duy trì an ninh.

Tscuchihashi nghĩ rằng chỉ cần độc lập danh nghĩa hơn là thực chất và chính phủ của Việt Nam độc lập phải được kiểm soát chặt chẽ(6). Vậy thì chọn ai là thủ tướng? Thoạt đầu Phạm Quỳnh được chỉ định tạm quyền nhưng hình ảnh Phạm Quỳnh quá lộ mặt thân Pháp. Hơn nữa ông ta cũng phản đối không chấp nhận những quy tắc mới. Cùng với các quan đại thần trong Triều đình ông ta thấy ngay nền độc lập có những giới hạn như hồi còn mồ ma chế độ bảo hộ. Không có tự chủ về ngoại giao, không có quân đội, không có độc lập tài chính, v.v... Tokyo liền chọn một nhân vật có tinh thần quốc gia ôn hoà hơn và gần gũi với Nhật Bản hơn. Đó là nhà sử học, nhà giáo Trần Trọng Kim, có uy tín và trước đây đã bị người Pháp truy nã, hiện đang nương náu tại Singapore, lúc đó bị Nhật chiếm đóng và đổi tên là Chiêu Nam đảo.

Ai đã chọn và chỉ định Trần Trọng Kim? Chắc chắn phải là người Nhật. Dù trong các cận thần cũng có người nhắc đến tên Trần Trọng Kim nhưng Nhà vua chẳng có vai trò gì trong việc chỉ định này. Vả lại ông Kim, một thanh tra tiểu học đã được Yokoyama tiếp trước khi vào bệ kiến Bảo Đại.

Chính phủ mới được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1945 nhưng vì phải chờ các vị tân bộ trưởng tập trung đông đủ nên ngày 8 tháng 5 mới chính thức ra mắt tại Huế trong Tử Cấm thành.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook